Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1092-BCNNG/TV

Hà Nội, ngày 13 tháng 09 năm 1965 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “MƯỜI VẤN ĐỀ KỶ LUẬT TÀI CHÍNH” ÁP DỤNG CHO CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG TRƯỜNG VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, HÀNH CHÍNH THUỘC BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

Căn cứ vào chỉ thị số 67-TTg ngày 18 tháng 07 năm 1963 của Phủ Thủ tướng về việc tăng cường quản lý tài chính;
Căn cứ vào điều lệ tố chức kế toán Nhà nước về việc tăng cường công tác kế toán tại các ngành, các cấp và việc tăng cường công tác quản lý kinh tế và tài chính của Nhà nước;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Kế toán tài vụ
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành “Mười vấn đế kỷ luật tài chính” áp dụng  cho tất cả các xí nghiệp, công trường, các đơn vị sự nghiệp, hành chính thuộc Bộ công nghiệp nặng, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường công tác quản lý kinh tế và tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Điều 2: Trong quá trình thi hành quyết định này các đơn vị phải căn cứ vào các thông tư, chỉ thị, chế độ và thể lệ của Nhà nước và của Bộ đã ban hành.

Điều 3: Các ông Giám đốc các xí nghiệp, công ty, công trường, các đơn vị sự nghiệp, hành chính, các Cục, Vụ, Viện, ông Chánh văn phòng Bộ chiếu quyết định thi hành.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Anh

 

MƯỜI VẤN ĐỀ KỶ LUẬT TÀI CHÍNH
(ban hành kèm theo quyết định số 1092-BCNNg /TV ngày 13/09/1965 của Bộ Công nghiệp nặng).

Điều 1: Mỗi đơn vị kế toán chỉ được quyền mở một số tài khoản vốn bằng tiền cần thiết cho hoạt động của xí nghiệp và thủ tướng đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trước Bộ và Nhà nước trong việc phát hành các loại séc.

Tài khoản vốn bằng tiền của mỗi đơn vị gồm có:

- Tài khoản gửi ngân hàng,

- Tài khoản tiền gửi Ngân hàng về sửa chữa lớn,

- Tài khoản quỹ tiền mặt ở đơn vị.

- Tài khoản các khoản tiền mặt khác (trừ tài khoản đặc biệt).

Chỉ khi bộ cho phép, đơn vị mới được mở tài khoản đặc biệt.

Thủ trưởng đơn vị là chủ các tài khoản nói trên và mới được quyền ký séc. Trường hợp thủ trưởng đi vắng thì người được ủy nhiệm mới được quyền ký thay.

Nguyên tắc ký các loại séc phải có các điều kiện dưới đây:

- Phải có dự toán sau khi đã được duyệt;

- Kế toán trưởng và kế toán phần hành phải chịu trách nhiệm về nội dung chỉ tiêu và phải thẩm tra thật kỹ trong việc sử dụng tiền mặt;

Cán bộ kế toán phát hành séc không được quyền đi lĩnh séc.

Cấm chỉ không được ký khống vào các loại séc. Nếu séc bị lợi dụng thì chủ tài khoản phải hoàn  toàn chịu trách nhiệm. Trường hợp vi phạm kỷ luật phát hành séc, ngân hàng sẽ truy tố ra Toà án xét xử hoặc đề nghị cơ quan chính quyền có thẩm quyền thi hành kỷ luật hành chính (Quy định ở nghị định số 04-CP ngày 07 tháng 03 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ).

Điều 2: Sử dụng các loại vốn là trách nhiệm chung của mọi người trong đơn vị. Người chịu trách nhiệm chính là thủ trưởng và kế toán trưởng. Muốn chi tiêu phải có những điều kiện dưới đây:

- Dự toán phải được kế toán trưởng thẩm tra và trình giám đốc xét duyệt, sau khi đã có trong dự trù kế hoạch tháng và quý.

- Phải làm theo đúng định mức, tiêu chuẩn và áp dụng đúng thể lệ, chế độ của nhà nước đã ban hành; nếu xét cần thiết phải thay đổi thì phải kịp thời báo cáo lên trên.

- Mọi lệnh chi tiêu về tiền nong, vật tư ngoài kế hoạch, định mức thì phải có chữ ký của giám đốc và kế toán trưởng mới được xuất quỹ và kho.

Nếu xét thấy việc xuất chi không phù hợp với thể lệ, chế độ tài chính, định mức, tiêu chuẩn của Nhà nước thì kế toán trưởng có quyền từ chối, Nếu thủ trưởng đơn vị quyết định phải làm, thì thủ trưởng phải ký giấy ra lệnh đặc biệt, kế toán trưởng phải chấp hành và ghi ý kiến của mình vào lệnh đó và phải kèm lệnh đó và các phiếu xuất chi. Sau đó, thủ trưởng hay kế toán trưởng đơn vị phải lập tức báo cáo lên thủ trưởng kế toán cấp trên trực tiếp bằng văn bản (quy định ở điều 38 Điều lệ tổ chức kế toán Nhà nước).

Điều 3: Các lệnh xuất kho, xuất quỹ phải ghi rõ nội dung:

- Xuất làm việc gì,

- Làm theo kế hoạch nào,

- Lấy ở nguồn vốn nào,

Nhằm bảo đảm thanh toán và trách sử dụng vốn lẫn lộn.

Các phân xưởng khi nhận nhiệm vụ phải có các chứng từ này kèm theo để bảo đảm tính giá thành chính xác.

Chỉ có thủ quỹ mới được thu tiền, phát tiền mặt; không phải là thủ quỹ  thì không được thu tiền và phát tiền.

Điều 4: Việc tạm ứng tiển mặt chỉ áp dụng theo đúng chế độ như:

- Tạm ứng để chi cho các việc thuộc về hành  chính quản trị;

- Tạm ứng tiền công tác phí, tiền lương cho công nhân viên khi đi công tác hoặc đi phép;

- Tạm ứng cho người đi thu mua vật liệu để trả tiền vận chuyển lặt vặt.

Cấm chi không được dùng vốn sản xuất, kể cả quỹ xí nghiệp để tạm ứng chi tiêu cá nhân như mua sắm vật dụng gia đình hoăc xây dựng cơ sở gia đình.

Điều kiện được tạm ứng và được thanh toán:

- Phải có dự toán đã được duyệt;

- Chứng từ hóa đơn hợp pháp có sự xác nhận của cán bộ kiểm soát chứng từ và kế toán trưởng duyệt;

- Có nhập kho sau khi đã kiểm tra số lượng và chất lượng;

- Có sự chuẩn chi của thủ trưởng đơn vị;

- Thanh toán xong đợt trước mới được tạm ứng đợt sau;

- Thời hạn thanh toán chậm nhất là sau 3 ngày khi công việc hoàn thành.

Điều 5: Kế toán trưởng phải chịu trách nhiệm theo dõi tất cả các loại vốn trong phạm vi đơn vị, phải có sổ sách ghi chép mới được cấp phát kể cả vốn sự nghiệp hành chính, phúc lợi và tăng gia, cấm không được lấy lãi làm vốn, phải tìm mọi cách chống lỗ và phải nộp đầy đủ, nhanh cho Ngân sách Nhà nước. Cấm chi không được có những tổ chức kinh doanh ngoài sự giám đốc của đơn vị (như mở lò gạch, góp cồ phần...) mà chưa được sự đồng ý  và cho phép của Bộ, hoặc cơ quan được ủy quyền.

Điều 6: Tất cả các loại hợp đồng mua bán phải quy định giá cả và phải thông qua kế toán trưởng thì mới tiến hành và thanh toán.

Nếu thủ trưởng quyết định thì phải có văn bản báo cáo lên cấp trên (nói ở điều 2). Nếu việc mua bán không thông qua kế toán trưởng thì người mua bán đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và tùy theo tình hình cụ thể để xử lý.

Điểu 7: Các việc mua bán nhất thiết phải giao dịch với các xí nghiệp quốc doanh và thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước. Nếu trường hợp phải mua của các hợp tác xã thì phải có lý do xác đáng. Phải hạn chế sử dụng tiền mặt, quy định tối đa không được quá 50 đ (năm mươi đồng) trừ trường hợp phát lương. Nếu xét cần thiết phải đặt quan hệ gia công thì phải có tiêu bản quy định giá cả và thực hiện đúng định kỳ thanh toán 10 ngày một lần. Khi nhập hàng thủ kho phải đảm bảo đúng thủ tục, có chứng từ và phải có bản kiểm nghiệm và các mặt số lượng, quy cách, phẩm chất... mặt khác phải kịp thời thu hồi các nguyên vật liệu thừa và có kế toán xác nhận mới có giá trị thanh toán. Việc mua bán phế liệu, phế phẩm cũng phải theo nguyên tắc trên, phải có hợp định giá, tài vụ thoả thuận thì cung tiêu mới được xuất kho. Cấm chỉ một người không được làm ba việc: mua hàng, nhập kho và thanh toán, cần nghiêm ngặt đối với người lợi dụng tham ô.

Điều 8: Hàng ngày trước giờ nghỉ một giờ phải khoá quỹ và lập báo cáo quỹ cho kế toán trưởng tình hình thu chi trong ngày. Ngoài số tiền mặt được giữ tại quỹ của đơn vị để tiếp tục chi tiêu cho ngày sau, với sự quy định và thỏa thuận của Ngân hàng địa phương, tất cả tiền mặt đều bắt buộc phải gửi vào ngân hàng Nhà nước. Hàng ngày đúng giờ quy định nói trên, các kế toán phần hành phải đối chiếu sổ sách, vật liệu, kho quỹ, ngân hàng.v.v... bảo đảm ăn khớp giữa sổ sách và hiện vật.

Điều 9: Đơn vị phải có trách nhiệm bảo quản thật chu đáo tất cả các loại tài sản. Tuyệt đối không được sử dụng, nhường bán, di chuyển hoặc cho bất cứ một tổ chức nào ngoài quy định của Bộ và Nhà nước. Tuyệt đối không được sử dụng, nhường bán, di chuyển hoặc cho bất cứ  một tổ chức nào ngoài quy định của Bộ và Nhà nước. Tuyệt đối không tự ý lấy sản phẩm sản xuất ra để cho mượn hoặc sử dụng vào bất cứ một công việc tập thể nào. Kế toán trưởng và thủ kho phải chịu trách nhiệm chính trước giám đốc về việc quản lý và mất mát tài sản. Tất cả các loại tài sản kể cả các loại máy móc thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm không được tùy tiện đưa ra ngoài xí nghiệp, nhà máy, cơ quan; ban bảo vệ có quyền giữ lại khi chưa có chữ ký của Giám đốc và chứng nhận của kế toán trưởng. Những ai làm thiệt hại đến tài sản chung của nhà máy, thì tùy theo tình hình cụ thể  mà bắt bồi thường hoặc xử lý thích đáng (quy định ở văn bản số 529-TC/CĐKT ngày 23 tháng 08 năm 1962 của Bộ Tài chính).

Điều 10: Các đơn vị phải có bộ máy và người kiểm tra chuyên trách. Công tác kiểm tra tài chính nội bộ đơn vị phải được thực hiện ít nhất hai lần trong một năm và công tác kiểm kê tài sản phải được tiến hành theo quy định. Hàng tháng, bắt buộc phải kiểm kê bán thành phẩm. Hàng quý kiểm kê các kho phân xưởng. Sáu tháng  kiểm kê toàn bộ nhà máy. Hàng ngày phải kiểm tra chính xác hệ thống cân, đo, đong, đếm (do phòng kỹ thuật chịu trách nhiệm). Sau mỗi lần kiểm tra tài chính và kiểm kê tài sản đều phải lập biên bản. Kế toán trưởng phải chịu trách nhiệm chính trong quá trình theo dõi, lập báo cáo, có nhận xét trình thủ trưởng đơn vị xét duyệt và gửi báo cáo lên thủ trưởng kế toán cấp trên.

Hàng tháng, kế toán trưởng phải báo cáo trung thực tình hình công tác tài chình, kiểm tra tài chính cho thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền chuyên trách (Phó giám đốc kinh doanh).

Ông Vụ trưởng Vụ Kế toán tài vụ của Bộ có trách nhiệm giải thích bản “Mười vấn đề kỷ luật tài chính” này để mọi người thông suốt và nắm vững để thi hành.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1092-BCNNg/TV năm 1965 ban hành Mười vấn đề kỷ luật tài chính áp dụng cho các xí nghiệp, công trường và các đơn vị sự nghiệp, hành chính thuộc Bộ Công nghiệp nặng của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng

  • Số hiệu: 1092-BCNNg/TV
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/09/1965
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nặng
  • Người ký: Vũ Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 28/09/1965
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản