Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1090/2009/QĐ-UBND

Huế, ngày 29 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG BẾN KHÁCH NGANG SÔNG, HỒ, ĐẦM, PHÁ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Chỉ thị số 31/2005/CT-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 07/2005/QĐ- BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 412/SGTVT ngày 10 tháng 4 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý và hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 6 năm 2009.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc sở Giao thông vận tải; Giám đốc công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thúy Hòa

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ HOẠT ĐỘNG BẾN KHÁCH NGANG SÔNG, HỒ, ĐẦM, PHÁ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1090 /2009/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định việc tổ chức và quản lý hoạt động của bến khách (bến đò): ngang sông, hồ, đầm, phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá; sử dụng phương tiện, người lái phương tiện chở khách và các hoạt động khác có liên quan đến bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Bến khách (bến đò) là nơi đón trả khách qua sông, vùng hồ, vùng đầm, phá.

2. Chủ bến là tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bến hoặc được chủ đầu tư giao quản lý bến khách.

3. Chủ khai thác bến là tổ chức, cá nhân sử dụng bến khách để kinh doanh, khai thác vận tải khách.

4. Phương tiện chở khách là tàu, thuyền (hoặc phà, sà lan) có động cơ hoặc không có động cơ được đưa vào vận tải khách.

5. Chủ phương tiện là người chủ sở hữu phương tiện tham gia vận tải khách.

6. Người lái phương tiện là người trực tiếp vận hành, điều khiển phương tiện chở khách.

7. Sức chở người của phương tiện là số lượng người tối đa được phép chở trên phương tiện được quy định.

Điều 3. Điều kiện hoạt động

Các bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá; phương tiện chở khách; người lái phương tiện khi tham gia vào các hoạt động vận tải chở khách phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Quyết định số 07/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2005 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ PHƯƠNG TIỆN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN, CHỦ BẾN VÀ CHỦ KHAI THÁC BẾN

Điều 4. Trách nhiệm của chủ phương tiện

1. Khi đưa phương tiện vào hoạt động chở khách phải bảo đảm phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm, có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, có bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;

2. Kẻ hoặc gắn biển số đăng ký phương tiện, sơn kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện, trang bị đủ số lượng, đúng chủng loại các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định;

3. Chỉ giao việc điều khiển phương tiện cho người có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển; bố trí thuyền viên và người lái phương tiện đúng theo đăng ký trong danh bạ thuyền viên; không được giao phương tiện cho người lái phương tiện trong thời gian bị tước quyền sử dụng bằng lái, chứng chỉ chuyên môn.

Điều 5. Trách nhiệm của người lái phương tiện

1. Chỉ được đưa phương tiện ra chở khách khi đã bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này.

2. Trước khi cho phương tiện xuất bến phải kiểm tra việc bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện; phát áo phao để người đi thuyền mặc đầy đủ; bố trí chỗ ngồi cho hành khách; sắp xếp hàng hoá, hành lý, xe đạp, xe máy bảo đảm ổn định không làm nghiêng lệch phương tiện.

3. Chuyên chở động vật nhỏ phải được nhốt trong lồng, cũi; nghiêm cấm chở động vật lớn cùng với người, chở chất dễ cháy, dễ nổ, độc hại, hôi thối hoặc súc vật bị dịch bệnh cùng với người.

4. Tuyệt đối không cho phương tiện xuất bến khi không bảo đảm các điều kiện an toàn; trường hợp khách lên thuyền vượt quá sức chở quy định thì bắt buộc phải đưa lên khỏi phương tiện số hành khách vượt quá sức chở cho phép của phương tiện mới cho phương tiện rời bến.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ bến, chủ khai thác bến khách

1. Trách nhiệm của chủ bến:

a) Đầu tư xây dựng bến bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện hoạt động của bến khách, bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách đi lại thuận tiện, an toàn;

b) Thực hiện đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp Giấy phép hoạt động mở bến theo quy định và chỉ được khai thác bến sau khi đã được cấp giấy phép và công bố mở bến;

c) Trường hợp cho các tổ chức, cá nhân khai thác bến phải ký kết hợp đồng với chủ khai thác bến; trường hợp chấm dứt hoạt động bến phải thông báo cho cơ quan cấp Giấy phép hoạt động bến biết để ra quyết định đóng bến.

2. Trách nhiệm của chủ khai thác bến:

a) Duy trì và bảo đảm các điều kiện an toàn hoạt động của bến theo quy định;

b) Không bố trí, sử dụng phương tiện vào hoạt động chở khách khi không đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này;

c) Không sử dụng, bố trí người lái phương tiện khi không bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 5 của Quy chế này;

d) Không để phương tiện xếp hàng hoá quá kích thước, cồng kềnh làm mất ổn định phương tiện, chở quá tải trọng cho phép, chở quá số người quy định;

đ) Chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn khi có bão lụt, giữ gìn vệ sinh môi trường, tuân thủ sự điều động và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn xảy ra;

e) Chịu sự kiểm tra, giám sát và xử lý của cơ quan có thẩm quyền về các quy định trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ.

Chương III

CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BẾN KHÁCH

Điều 7. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách

1. Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam tổ chức thực hiện việc cấp Giấy phép hoạt động bến hành khách thuộc đường thuỷ nội địa quốc gia.

2. Giám đốc Sở Giao thông vận tải (hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Đoạn Quản lý đường sông tỉnh) tổ chức thực hiện việc cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá thuộc địa giới hành chính của tỉnh.

Điều 8. Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động bến khách

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố và cấp giấy phép hoạt động bến khách theo trình tự và quy định của pháp luật.

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép căn cứ các quy định của pháp luật, phân cấp quản lý để công bố và cấp giấy phép hoạt động bến khách và quy định thời hạn của Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá.

Điều 9. Đóng, đình chỉ có thời hạn bến khách

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá có quyền ra quyết định đóng hoặc đình chỉ có thời hạn hoạt động của bến khách theo quy định của pháp luật khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây:

a) Chủ bến chấm dứt hoạt động;

b) Không có cầu cho người và phương tiện lên xuống an toàn, thuận tiện; không có trang thiết bị cho phương tiện neo buộc; không có đèn chiếu sáng nếu hoạt động ban đêm.

c) Chủ khai thác bến có hành vi tái vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân dễ gây ra tai nạn giao thông, bị đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BẾN KHÁCH

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vận tải đường thuỷ nội địa và hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá trên địa bàn tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố để thẩm định hồ sơ, đề nghị Cục Đường sông Việt Nam cấp giấy phép hoạt động bến khách hoặc thẩm định hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này.

2. Chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc sở tổ chức đăng kiểm, đăng ký phương tiện thuỷ nội địa; đào tạo và cấp Giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa, cấp chứng chỉ chuyên môn, bằng lái phương tiện theo quy định của pháp luật.

3. Chỉ đạo Thanh tra sở thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy định của Nhà nước, các quy định tại Quy chế này đối với chủ bến, chủ khai thác bến, chủ phương tiện, người lái phương tiện khi tham gia hoạt động vận tải khách tại bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá.

Điều 11. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các Ban ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.

2. Chỉ đạo Phòng CSGT đường thuỷ, công an các huyện, thành phố tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dễ gây ra tai nạn giao thông đường thuỷ của bến khách, của phương tiện, người lái phương tiện theo quy định pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Công an huyện, thành phố, Thanh tra giao thông

1. Trách nhiệm của CSGT đường thuỷ:

a) Thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm việc chấp hành pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa, về điều kiện hoạt động của bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá; về phương tiện; về thuyền viên và người lái phương tiện theo quy định pháp luật và các quy định ban hành tại Quy chế này.

b) Tham mưu quản lý nhà nước về hoạt động giao thông đường thuỷ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh.

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động của bến khách, của phương tiện, của người lái phương tiện vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ theo quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này.

2. Trách nhiệm công an huyện, thành phố:

a) Thực hiện thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm việc chấp hành pháp luật giao thông đường thuỷ nội địa, về điều kiện hoạt động của bến khách, về phương tiện, về thuyền viên và người lái phương tiện theo quy định pháp luật, không để xảy ra nguy cơ gây tai nạn giao thông đường thuỷ tại địa phương.

b) Tham mưu và kiến nghị UBND huyện, thành phố những vấn đề liên quan trong công tác quản lý nhà nước, quản lý hành chính về hoạt động bến khách, phương tiện, người lái phương tiện; về tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đường thuỷ cho nhân dân trên địa bàn.

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động của bến khách, của phương tiện, của người lái phương tiện vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ theo quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này.

3. Trách nhiệm của Thanh tra giao thông:

a) Thực hiện thường xuyên việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm hành chính về quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa; vận tải đường thuỷ; phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện tại các bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá hoặc nơi neo đậu phương tiện theo quy định pháp luật và các quy định tại Quy chế này.

b) Phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động của bến khách, của phương tiện, của người lái phương tiện vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ theo quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này.

Điều 13. Trách nhiệm của UBND huyện, thành phố

1. Lập quy hoạch xây dựng bến khách trên địa bàn; chỉ đạo và giao trách nhiệm cho UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý hoạt động các bến khách, phương tiện, người lái phương tiện tại địa phương.

2. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn; đầu tư hoặc cho phép đầu tư xây dựng (nếu thuộc thẩm quyền) và khai thác bến khách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn giao thông đường thuỷ tại địa phương.

3. Tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa; chỉ đạo kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ tại địa phương.

4. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động của bến khách tại địa phương và báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra một trong những trường hợp sau:

a) Bến xuống cấp không bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định; chủ bến có hành vi tái vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ theo quy định của pháp luật.

b) Khi có bão, mưa lũ nước dâng cao không bảo đảm an toàn vận tải hành khách.

5. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thẩm định hồ sơ cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá tại địa phương; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo cấp chứng chỉ học tập pháp luật về giao thông đường thuỷ, chứng chỉ chuyên môn, bằng lái cho người lái, người điều khiển phương tiện; đăng ký, đăng kiểm phương tiện ở địa phương theo quy định pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn

1. Chịu trách nhiệm quản lý và khai thác bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá; lập hồ sơ để đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động bến khách; đầu tư xây dựng bến khách bảo đảm đầy đủ các điều kiện hoạt động theo quy định để khai thác; nếu cho tổ chức, cá nhân đấu thầu khai thác phải ký kết hợp đồng và chịu trách nhiệm kiểm tra để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định pháp luật và các quy định tại Quy chế này.

2. Tổ chức quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải, khai thác bến, hoạt động của phương tiện, của thuyền viên và người lái phương tiện tại địa phương.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra hoặc báo cáo với cơ quan cấp trên để kiểm tra đối với chủ khai thác bến, chủ phương tiện, người lái phương tiện tại địa phương khi có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ và các quy định tại Quy chế này; xây dựng phương án và tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ trên địa bàn.

4. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND cấp trên về việc không bảo đảm trật tự an toàn giao thông, để xảy ra tai nạn giao thông do bến khách, phương tiện chở khách, người lái phương tiện không bảo đảm các điều kiện an toàn, nếu để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm của hành khách

1. Chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện hoặc tuân theo sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện.

2. Khi đi thuyền phải mặc áo phao và ngồi đúng vị trí để giữ ổn định cho thuyền; giữ gìn vệ sinh môi trường; không mang theo hành lý, hàng hoá thuộc loại pháp luật quy định cấm chở chung với hành khách; súc vật nhỏ mang theo phải có lồng nhốt.

3. Tự bảo quản hành lý; không gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện.

Điều 16. Xử lý vi phạm

Chủ bến, chủ khai thác bến, chủ phương tiện, người lái phương tiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan vi phạm Quy chế này tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố Huế tổ chức triển khai Quy chế này đến các xã, phường, thị trấn để hướng dẫn cho các đối tượng tham gia giao thông, tham gia hoạt động vận tải khách tại bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá biết và thực hiện./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1090/2009/QĐ-UBND về quy chế quản lý và hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 1090/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thị Thúy Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản