Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1080/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 07 tháng 4 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 65/TTr-NN&PTNT ngày 17/3/2011; văn bản ý kiến của các Sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam (cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh) chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các ngành, hội, đoàn thể, địa phương, đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung theo nhiệm vụ được giao; hàng năm tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành có liên quan.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, hội, đoàn thể, đơn vị có liên quan; Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh; Trưởng Ban chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- BCĐ PCLB TW, UBQG TKCN;
- Các Bộ: NN&PTNT, KHĐT, TC (b/c);
- TTTU, TTHĐND, TTUBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh;
- Đài PTTH, báo Quảng Nam;
- Lưu: VT, KTTH, KTN, TH, VX, ĐN.
(D:\Ba2011\Quyet đinh\040411 - Đe an NCNTCĐ và QLTT DVCĐ.doc)

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1080 /QĐ-UBND ngày 07 /4/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một quá trình trong đó các cộng đồng đang đối mặt với rủi ro thiên tai tham gia tích cực vào việc xác định và phân tích các rủi ro, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng ứng phó với thiên tai của cộng đồng.

Ngày 13/7/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Mục tiêu cơ bản của đề án là tập trung công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội và mọi người dân ở các làng, xã, thôn, bản... hiểu biết và tích cực tham gia mọi hoạt động trong lĩnh vực phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời tổ chức thực hiện, ứng dụng có hiệu quả các mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, vật chất, sản xuất của nhân dân, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hóa... do thiên tai gây ra, góp phần bảo đảm sự phát triển của đất nước được ổn định, bền vững.

Nhằm triển khai thực hiện đề án của Chính phủ có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, gồm các nội dung sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN, HIỆN TRẠNG VỀ TÌNH HÌNH THIÊN TAI

I. THÔNG TIN CƠ SỞ TỈNH QUẢNG NAM.

1. Đặc điểm tự nhiên.

a) Vị trí địa lý.

Quảng Nam là tỉnh duyên hải Miền trung Việt Nam. Vị trí địa lý từ 14o57’10’’ đến 16o03’50’’ Vĩ độ Bắc và 107o12’50’’ đến 108o44’20’’ Kinh độ Đông; phía Bắc giáp tỉnh Thừa thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và tỉnh Xê Koong (Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), phía Đông giáp biển Đông.

b) Dân số.

Theo tài liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 1.4.2009 tỉnh Quảng Nam - Kết quả điều tra toàn bộ, tổng dân số toàn tỉnh là 1.422.319 người. Trong đó: cư dân đô thị là 263.898 người, nông thôn là 1.158.421; tỷ lệ dân số đô thị đạt 18,55%.

Stt

Đơn vị hành chính

Dân số

(người)

Stt

Đơn vị hành chính

Dân số

(người)

01

Thành phố Tam Kỳ

107.924

10

Huyện Phước Sơn

22.586

02

Thành phố Hội An

89.716

11

Huyện Hiệp Đức

38.001

03

Huyện Tây Giang

16.534

12

Huyện Thăng Bình

176.183

04

Huyện Đông Giang

23.428

13

Huyện Tiên Phước

68.877

05

Huyện Đại Lộc

145.935

14

Huyện Bắc Trà My

38.218

06

Huyện Điện Bàn

197.830

15

Huyện Nam Trà My

25.464

07

Huyện Duy Xuyên

120.948

16

Huyện Núi Thành

137.481

08

Huyện Quế Sơn

82.216

17

Huyện Phú Ninh

77.091

09

Huyện Nam Giang

22.417

18

Huyện Nông Sơn

31.470

Tổng cộng: 1.422.319 người

c) Điều kiện địa hình, địa mạo.

Địa hình Quảng Nam nghiêng dần từ Tây sang Đông, căn cứ vào các đặc điểm chung, có thể phân ra 03 vùng địa hình như sau:

- Địa hình vùng núi: Có độ cao trung bình từ 700m đến 800m, hướng thấp dần từ Tây sang Đông, gồm 06 huyện: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My;

- Địa hình vùng gò đồi, trung du: Là vùng chuyển tiếp giữa vùng núi phía Tây và vùng đồng bằng ven biển, độ cao trung bình từ 100m đến 200m, độ dốc trung bình từ 150 ÷ 200;

- Vùng đồng bằng ven biển: Là dạng địa hình tương đối bằng phẳng, ít biến đổi, có độ cao dưới 30m gồm những dải đồng bằng nhỏ hẹp phía Đông và vùng cồn cát, bãi cát ven biển.

Về hiện trạng rừng: Theo công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 465.432ha, trong đó rừng tự nhiên là 386.897ha, rừng trồng là 78.535ha; độ che phủ rừng đạt tỷ lệ 43,5%.

d) Mạng lưới sông ngòi.

Tỉnh Quảng Nam có 02 hệ thống sông lớn là hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và hệ thống sông Tam Kỳ.

- Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, được hình thành từ 02 sông chính là Vu Gia và Thu Bồn, với diện tích lưu vực 10.350km2 (kể cả phần lưu vực nằm trên địa phận tỉnh Kon Tum và thành phố Đà Nẵng). Hệ thống sông này được đổ ra cửa Hàn (thành phố Đà Nẵng) và Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Trên thượng nguồn hệ thống sông này đã có quy hoạch xây dựng 10 nhà máy thủy điện bậc thang có tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy khoảng 1.100MW; hiện nay đã đưa vào vận hành hồ thủy điện sông Tranh 2, A Vương, Sông Côn; hồ thủy điện ĐakMi 4 sắp tích nước; các hồ thủy điện còn lại đang thi công, dự kiến từ năm 2013 đến 2015 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành;

- Sông Tam Kỳ, có hai nhánh chính là nhánh sông Tam Kỳ và nhánh sông Bàn Thạch, diện tích lưu vực khoảng 1.040km2, sông chính dài 70km, chảy ra biển tại Cửa Lở thuộc huyện Núi Thành. Hiện nay phía thượng nguồn của sông Tam Kỳ được xây dựng hồ chứa nước Phú Ninh chiếm lưu vực 235km2;

- Ngoài 02 hệ thống sông chính nói trên, dọc theo bờ biển còn có sông Trường Giang, đây là sông tiêu thoát lũ ở khu vực vùng đồng bằng, nối liền sông Thu Bồn và Sông Tam Kỳ với chiều dài khoảng 70km.

e) Khí hậu.

Quảng Nam có lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.580mm; vị trí địa lý, điều kiện địa hình, cùng với những thay đổi phức tạp của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa đã tạo nên khí hậu Quảng Nam có 02 mùa rõ rệt trong năm:

- Mùa khô: Từ tháng 01 đến tháng 8, có lượng mưa chiếm 20% ÷ 25% lượng mưa trung bình năm, thường xảy ra hạn hán, nắng nóng, giông tố, lốc xoáy và xâm nhập mặn;

- Mùa mưa: Bắt đầu từ tháng tháng 9 đến tháng 12, lượng mưa chiếm khoảng 75% ÷ 70% lượng mưa trung bình cả năm và thường gây ra lũ, lụt.

2. Các loại hình thiên tai chủ yếu.

Do vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa mạo cùng với tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra hết sức phức tạp và có xu thế ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ khốc liệt. Các loại hình thiên tai thường xuất hiện ở Quảng Nam là áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), bão, lũ lụt, giông sét, lốc tố, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất…

a) Bão và ATNĐ.

Bão và ATNĐ ở Quảng Nam thường xảy ra trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và tháng 11. Các cơn bão và ATNĐ thường đi kèm với mưa to. Vì vậy, ngoài việc xuất hiện gió xoáy, trên đất liền còn bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Qua thống kê của ngành khí tượng thủy văn, từ năm 1997 đến 2009 trên biển Đông xuất hiện 174 cơn bão và ATNĐ, trong đó có 26 cơn bão và 12 ATNĐ ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Nam; đặc biệt cơn bão số 6 có tên Quốc tế là Sang Sane và cơn bão số 9 có tên Quốc tế là Ketsana, đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG CÁC CƠN BÃO, ATNĐ

Từ năm 1997 đến năm 2009

Năm

Bão

ATNĐ

Ghi chú

Trên Biển Đông

Ảnh hưởng Quảng Nam

Đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam

Biển Đông

Ảnh hưởng Quảng Nam

1997

5

1

 

0

0

 

1998

8

5

 

3

3

 

1999

10

2

 

9

1

 

2000

4

2

 

3

1

 

2001

8

2

 

1

1

 

2002

4

0

 

1

0

 

2003

7

1

 

0

0

 

2004

4

2

 

1

1

 

2005

7

6

 

2

2

 

2006

9

3

1

6

1

 

2007

8

0

 

4

0

 

2008

10

0

 

7

2

 

2009

10

2

1

3

0

 

Tổng

96

24

2

40

12

 

b) Lũ, lụt.

Từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm là thời kỳ mưa lũ ở Quảng Nam, mưa lớn tập trung từ trung tuần tháng 10 đến thượng tuần tháng 12. Có 03 loại hình thái thời tiết gây mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đó là:

- Khi có bão, ATNĐ đổ bộ vào đất liền hoặc ảnh hưởng trực tiếp như di chuyển dọc theo bờ biển, hoặc đổ bộ vào phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đi kèm với bão thường có các đợt mưa to trước và sau bão, ATNĐ;

- Khi có gió mùa Đông - Bắc cường độ mạnh tràn về kết hợp với hoàn lưu của bão, ATNĐ. Đây là hình thái thời tiết có xu thế gây mưa to, lũ lớn trên đất liền;

- Khi dãy hội tụ nhiệt đới hoạt động ở phía Nam biển Đông, đồng thời ở phía Bắc có gió mùa hoặc tín phong Đông Bắc hoạt động và di chuyển xuống phía Nam. Hình thái thời tiết này thường gây ra mưa lớn, kéo dài nhiều ngày.

Các cơn lũ lớn điển hình năm 1964, 1999, 2007, 2009 trên địa bàn tỉnh đều do các hình thái kết hợp nêu trên gây ra.

c) Lũ quét.

Hàng năm, lũ quét gây ra sạt lở núi và xói lở đất vùng ven sông, suối diễn ra khá phức tạp, nhất là ở các huyện vùng núi, trung du có độ dốc sông, suối lớn. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của mưa có cường suất cao, lũ quét xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ khác nhau. Lũ quét thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp nhưng sức tàn phá lớn và gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân ở khu vực ven các sông, suối.

d) Sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Sạt lở bờ sông: Hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia của tỉnh đều có độ dài ngắn, chảy quanh co khúc khủy, độ uốn khúc từ 1,3 đến 2 lần. Do đặc điểm, hàng năm đến mùa lũ lụt, những vị trí bờ lõm dọc theo ven bờ sông thường bị bị sạt lở đất, ăn sâu vào bờ khoảng 10m ÷ 20m, có nơi lớn hơn, làm mất đất sản xuất và hư hỏng, sập đổ nhiều nhà dân và các công trình cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi, trong đó các huyện: Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thành phố Hội An... bị ảnh hưởng nhiều nhất. Qua khảo sát sơ bộ, hiện nay có khoảng 34 vị trí trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn với chiều dài khoảng 50km đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng, cần phải có các giải pháp công trình để khắc phục.

- Sạt lở bờ biển: Quảng Nam có chiều dài bờ biển 125km, hàng năm nhiều vị trí bờ biển bị xâm thực, gây ảnh hưởng mất đất sản xuất và các khu dân cư, khu du lịch ven biển. Qua khảo sát theo dõi từ năm 1996 đến nay, tại khu vực Cửa Đại (thuộc phường Cửa Đại, thành phố Hội An) hiện tượng bồi lấp cửa sông, xói lở bờ biển diễn ra rất phức tạp; tại các xã: Tam Hải - huyện Núi Thành, Duy Hải - huyện Duy Xuyên; Tam Thanh - thành phố Tam Kỳ... bị sạt lở bờ biển nghiêm trọng do tác động của gió bão, ATNĐ.

e) Sạt lở núi.

Khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam có địa mạo, địa chất phức tạp, độ dốc của các sườn núi khá lớn. Khi xuất hiện mưa lớn kéo dài nhiều ngày, cùng với tác động của con người như bạt núi, mở đường, chặt phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép... đã gây ra trượt lở đồi núi, sườn dốc nhiều nơi, tập trung chủ yếu ở các địa phương vùng trung du và miền núi.

Do nhiều tác động khác nhau, khi có mưa lũ, tình hình sạt lở núi ngày càng có diễn biến phức tạp gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, trong đó một số vụ điển hình về sạt lở núi được thống kê như sau: Tại huyện Phước Sơn vào năm 2004, do mưa lớn đã gây sạt lở núi làm chết 19 người; tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh năm 2008 sạt lở núi làm chết 6 người; tại xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My năm 2009 sạt lở núi làm 13 người chết. Ngoài ra, một số nơi khác hiện nay có nguy cơ cao bị sạt lở núi như: Xã Tiên An, Tiên Lộc - huyện Tiên Phước; Aroi - thị trấn Prao; các xã: Tàlu, Sông Côn, Jơ Ngây, Cà Dăng, Ating - huyện Đông Giang. Những khu vực này đã được cảnh báo và có nhiều dự án di dời dân đi đến nơi ở khác.

Theo báo cáo của Viện Địa chất, qua khảo sát sơ bộ trên 850km mặt cắt ngang, dọc những khu vực chính ở một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, đã phát hiện có 42 khu vực trượt lở thường xuyên, 17 tuyến trượt lở theo từng tuyến, 68 vị trí trượt lở theo từng điểm.

f) Gió mùa Đông Bắc.

Trung bình hàng năm Quảng Nam có 14 đến 15 đợt gió mùa Đông Bắc. Trong thời kỳ đầu, từ tháng 10 đến tháng 12, gió mùa Đông Bắc tràn về thường kết hợp với nhiễu động nhiệt đới ở phía Nam biển Đông như bão, ATNĐ, dãy hội tụ nhiệt đới... gây ra mưa to kéo dài nhiều ngày sinh ra lũ lụt; trong thời kỳ từ tháng 01 đến tháng 3 năm sau, các đợt gió mùa Đông Bắc tràn về gây ra mưa, nhiệt độ giảm, gió mạnh.

g) Giông, lốc, sét.

Giông, lốc, sét xuất hiện nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 9, mỗi tháng có 06 đến 10 đợt giông tố, vùng có nhiều giông tố nhất gồm các huyện ở khu vực trung du, miền núi. Giông, lốc, sét là loại hình thiên tai gần như không thể dự báo trước được, nó thường xảy ra bất ngờ, phạm vi nhỏ nhưng sức tàn phá lớn. Tình hình diễn biến của giông, lốc, sét đang có xu thế xuất hiện bất thường, tăng về số lượng, mạnh về cường độ.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh trong năm 2008 có 16 đợt giông tố làm chết 10 người, 03 người bị thương; năm 2009 có 09 đợt giông tố, lốc, sét làm chết 02 người; năm 2010 có 10 cơn giông tố, lốc sét làm 05 người chết, 08 người bị thương. Ngoài thiệt hại về người, các cơn giông, lốc, sét còn gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà cửa, trụ sở làm việc, trường học, trạm xá, hoa màu của nhân dân ở các địa phương.

h) Hạn hán và xâm nhập mặn.

Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn phụ thuộc vào chế độ mưa và dòng chảy mùa khô, tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Với tác động của biến đổi khí hậu, hiện nay lượng mưa trong mùa khô trên địa bàn tỉnh có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm, lại phân bổ không đều trong các tháng, gây nên tình trạng hạn hán trong thời kỳ lúa Vụ Đông Xuân và Hè Thu làm đòng, trỗ bông; những năm hạn, xâm nhập mặn điển hình trong khoảng 10 năm qua là các năm 2003, 2004, 2010.

Xâm nhập mặn thường xảy ra khi thời tiết nắng nóng dài ngày, dòng chảy trên các cửa sông chính và sông nhánh bị suy kiệt và khi gặp triều cường, nước mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông, có nơi lên đến 20km với độ mặn có lúc lên cao hơn 10‰, trong đó đáng lưu ý nhất là ở trên các sông Vĩnh Điện, Thu Bồn, Tam Kỳ. Xu thế xâm nhập mặn trên các sông ngày có diễn biến tăng và xuất hiện sớm hơn, gây ảnh hưởng cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Theo báo cáo của các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh, từ năm 2001 đến nay, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, đã có khoảng 122.000ha lúa, màu và trên 10.000ha cây công nghiệp ngắn, dài ngày bị khô hạn; ngoài ra, có khoảng 200.000 người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

3. Tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh từ năm 1997 đến năm 2009.

Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh Quảng Nam, từ năm 1997 đến 2009, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã làm 663 người chết, 1.699 người bị thương, giá trị vật chất thiệt hại khoảng 9.578 tỷ đồng.

(Chi tiết thiệt hại theo phụ lục và các biểu đồ đính kèm).

 


TỔNG HỢP THIỆT HAI TỪ DO THIÊN TAI TỪ NĂM 1997 ĐẾN NĂM 2009 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Stt

DANH MỤC THIỆT HẠI

Đơn vị

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

TỔNG

I

DÂN SINH

tỷ đồng

 

 

300,90

 

4,45

 

21,60

16,40

15,11

964,57

279,460

7,35

1.231,00

 

1

Người chết

người

39

66

118

13

18

0

34

43

18

181

48

33

52

663,0

2

Người bị thương

người

24

38

399

0

9

0

7

22

34

574

369

3

220

1.699,0

3

Nhà sập

cái

21

6.793

4.197

84

326

0

0

95

557

8.491

1.550

44

15.229

37.387,0

4

Nhà bị hư hỏng

cái

2.237

20.364

17.532

100.964

1.059

0

3.449

1.723

7.540

132.768

6.231

581

155.340

449.788,0

5

Nhà bị ngập lụt

cái

0

199.625

277.869

100.964

0

0

15.000

68.719

10.500

0

200.000

18.570

76.377

967.624,0

6

Di dời dân

hộ

0

4.367

156.000

884

9.000

0

0

100

6.757

70.000

70.000

1.398

15.300

333.806,0

7

Thiếu đói

hộ

0

149.070

339.054

0

0

0

0

0

0

0

200.000

0

0

688.124,0

II

NÔNG - LÂM NGHIỆP

tỷ đồng

 

 

143,91

 

45,10

0,75

36,50

35,22

31,45

353,60

1008,282

59,00

1.413,22

 

III

THUỶ LỢI

tỷ đồng

 

 

119,10

 

11,29

 

22,50

29,40

16,82

30,00

437,816

18,00

167,15

 

IV

GIAO THÔNG

tỷ đồng

 

 

112,81

 

10,80

 

10,80

54,50

 

45,00

128,650

21,00

362,65

 

V

GIÁO DỤC

tỷ đồng

 

 

19,11

 

0,15

 

 

1,23

0,70

180,00

8,850

 

 

 

VI

Y TẾ

tỷ đồng

 

 

4,67

 

 

 

 

0,90

0,10

35,00

4,5

 

 

 

VII

THUỶ SẢN

tỷ đồng

 

 

12,60

 

2,55

0,50

 

2,25

 

22,00

127,68

7,00

60,70

 

VIII

ĐIỆN LỰC

tỷ đồng

 

 

8,90

 

0,75

 

 

0,95

2,05

 

3,320

0,15

10,00

 

IX

BƯU CHÍNH - VIỄN THÔNG

tỷ đồng

 

 

1,15

 

 

 

 

1,08

0,40

 

 

 

30,00

 

X

CƠ SỞ THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG.

tỷ đồng

 

 

4,82

 

 

 

 

 

 

10,00

 

 

 

 

XI

THIỆT HẠI KHÁC

tỷ đồng

 

 

24

139

0

1

 

15

10

220

 

42,5

380,62

 

 

TỔNG CỘNG

tỷ đồng

100

390

758

139

76

2

91

156

110

1.901

2.000

155

3.700,00

9.578,0

 


II. CƠ CẤU, TỔ CHỨC BỘ MÁY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO (PCLB) VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN (TKCN) CỦA CÁC CẤP, NGÀNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM.

1. Cơ cấu, tổ chức bộ máy Ban chỉ huy PCLB và TKCN các cấp.

a) Ở cấp tỉnh.

Ở cấp tỉnh, có Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh (BCH PCLB) và Ban chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn tỉnh (BCH TKCN) do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập theo quy định tại Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ và Quyết định số 76/209/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

- Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh: Có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, tránh và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Tổ chức, bộ máy của BCH PCLB tỉnh gồm:

+ Trưởng ban, do đồng chí Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm;

+ Phó Trưởng ban thường trực, do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm;

+ Các thành viên, gồm đại diện lãnh đạo một số Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh;

+ Văn phòng thường trực BCH PCLB tỉnh được đặt tại Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam. Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi được cử làm Chánh Văn phòng, các Phó Chi cục trưởng làm Phó Chánh Văn phòng.

- Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Có nhiệm vụ tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi tình hình thiên tai, phối hợp với các đơn vị tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với con người và tài sản của nhân dân. Tổ chức bộ máy của BCH TKCN tỉnh gồm:

+ Trưởng ban, do một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm;

+ Phó Trưởng ban thường trực, do Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh kiêm nhiệm;

+ Các thành viên, bao gồm đại diện các đơn vị vũ trang trên địa bàn và một số Sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh;

+ Văn phòng thường trực của BCH TKCN tỉnh được đặt tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; các Đồn biên phòng trực thuộc là đơn vị trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn phụ trách. Tham mưu trưởng của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được cử làm Chánh văn phòng BCH TKCN tỉnh.

b) Ở cấp huyện.

Ban chỉ huy PCLB và TKCN cấp huyện có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra.

Ban chỉ huy PCLB và TKCN cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố quyết định thành lập, trong đó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Kinh tế) làm cơ quan thường trực.

c) Ở cấp xã.

Ban chỉ huy PCLB và TKCN cấp xã có nhiệm vụ tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, tránh lụt, bão và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Ban chỉ huy PCLB và TKCN cấp xã do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập.

d) Ở cấp thôn.

Mỗi khối phố, thôn, bản đều được thành lập Ban phòng chống bão lụt do Trưởng thôn hoặc Trưởng khối phố chịu trách nhiệm và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập.

e) Ở các Sở, ban, ngành.

Tại các Sở, ban, ngành đều thành lập Ban chỉ huy PCLB và TKCN với nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo cơ quan chỉ đạo các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai; phối hợp với các đơn vị khác để tham gia công tác PCLB và TKCN khi có yêu cầu của cấp trên. Tổ chức bộ máy của Ban chỉ huy PCLB và TKCN các Sở, ban, ngành do thủ trưởng cơ quan quyết định.

f) Ở các đơn vị cơ sở.

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, những đơn vị cơ sở quyết định thành lập Ban chỉ huy PCLB và TKCN tại đơn vị mình. Ban có nhiệm vụ tham mưu, giúp cho thủ trưởng đơn vị thực hiện các biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Riêng đối với các hồ chứa nước, tùy theo quy mô công trình mà cấp quyết định thành lập Ban chỉ huy PCLB của hồ chứa sẽ khác nhau.

Các tổ chức phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang hoạt động và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách.

 

SƠ ĐỒ

Tổ chức, bộ máy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

02. Tổ chức các lực lượng tham gia công tác PCLB và TKCN.

Lực lượng tham gia công tác PCLB và TKCN bao gồm cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh cùng tham gia khi có tình huống thiên tai xảy ra, bao gồm các lực lượng chủ yếu sau:

- Lực lượng tại chỗ: Bao gồm thanh niên xung kích, các Hội, Đoàn thể, dân phòng địa phương. Đây là lực lượng quan trọng, thực hiện công tác PCLB và TKCN kịp thời, hiệu quả nhất;

- Lực lượng cơ động: Là các đơn vị vũ trang trên địa bàn tỉnh (công an, quân đội) để hỗ trợ cho các địa phương khi thiên tai xảy ra trên diện rộng; lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân khu, các lực lượng khác do Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn điều động đến khi cần thiết;

- Lực lượng dự bị: Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị; cán bộ, công nhân các cơ quan, doanh nghiệp; sinh viên, học sinh các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh; hội viên các hội, đoàn thể…

3. Tổ chức tiếp nhận, phân phối tiền và hàng cứu trợ cho nhân dân vùng bị thiên tai.

- Đối với tiền, hàng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các địa phương bị thiên tai, các Sở: Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan trực tiếp tiếp nhận, phối hợp với BCH PCLB tỉnh và các cơ quan đơn vị có liên quan trao đổi, bàn bạc để thống nhất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ;

- Đối với tiền, hàng được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho các địa phương bị thiên tai, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) các cấp được giao nhiệm vụ làm đầu mối để tiếp nhận và phân phối;

+ Ở cấp tỉnh: UBMTTQVN tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh và một số đơn vị có liên quan cùng phối hợp thực hiện;

+ Ở cấp huyện: UBMTTQVN h uyện và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cùng phối hợp thực hiện;

+ Ở cấp xã: UBMTTQVN xã, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã, Văn phòng Uỷ ban nhân dân xã và các bộ phận có liên quan cùng phối hợp thực hiện.

III. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ NHỮNG TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG, GIẢM NHẸ THIÊN TAI.

1. Những kết quả đạt được.

Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, nhân dân Quảng Nam từ bao đời nay luôn tìm cho mình một cách sống thích nghi với thiên tai, nhất là bão, lũ. Trong hơn 10 năm qua, cùng với sự chủ động trong nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

a) Về thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”.

Phương châm “bốn tại chỗ” luôn được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạt động phòng, chống thiên tai của tỉnh; được các ngành, các cấp và địa phương quán triệt một cách sâu sắc và nghiêm túc thực hiện, thể hiện qua các nội dung sau:

- Ban chỉ huy PCLB và TKCN các cấp thường xuyên được củng cố kiện toàn, ngày càng được nâng cao hiệu quả tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác PCLB và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn;

- Những kinh nghiệm về công tác PCLB, ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai tại các địa phương, đơn vị đã được tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời. Các phương án phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn được xây dựng cụ thể cho đến thôn, xóm và thường xuyên rà soát, bổ sung phù hợp tình hình thực tiễn với mục tiêu ưu tiên sử dụng các nguồn lực tại chỗ, cùng với sự hỗ trợ tham gia tích cực của cộng đồng và hỗ trợ của các lực lượng chính quy, cơ động để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;

- Công tác dự trữ vật tư, vật liệu phòng, chống lụt, bão tại các công trình xung yếu, nhất là các hồ chứa nước được bổ sung hằng năm, nâng cao khả năng ứng cứu công trình khi xảy ra sự cố;

- Lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm được chính quyền địa phương các cấp chú trọng, nhất là những địa phương ở miền núi và những nơi dễ bị chia cắt khi xảy ra thiên tai. Đối với các thôn, bản vùng núi cao, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức huy động nhân dân đóng góp, xây dựng, tự quản các kho dự trữ lương thực, có khả năng hỗ trợ cứu đói tại chỗ trên 10 ngày;

- Các đội cứu nạn cứu hộ tại chỗ ở các thôn, xã, bản, làng thường xuyên được củng cố, kiện toàn; các trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn từng bước được trang bị bổ sung;

- Từng địa phương đều xây dựng phương án sơ tán dân cụ thể ở những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai (bão, lũ, sạt lở đất…), trong đó chủ yếu theo hình thức xen ghép trong từng thôn, xóm. Đây là hình thức có hiệu quả nhất, vừa giải quyết kịp thời, vừa ít tốn kém.

b) Kết quả thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình.

Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong nhiều năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp công trình và phi công trình.

* Biện pháp phi công trình:

- Chuyển đổi mùa vụ sản xuất: Từ năm 2001, Quảng Nam đã thực hiện chuyển đổi thành công sản xuất 03 vụ lúa xuống còn 02 vụ lúa, nhưng tổng sản lượng không giảm. Sự chuyển đổi này có ý nghĩa kinh tế hết sức quan trọng, giúp cho nông dân hạn chế thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây ra hằng năm;

- Đã xây dựng mô hình thủy lực về lũ trên địa bàn tỉnh (còn gọi là bản đồ ngập lụt), hiện nay còn trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Đây là công cụ vừa để chỉ huy công tác phòng, tránh lũ, vừa kiểm nghiệm các quy hoạch sử dụng đất, dự án xây dựng công trình của các ngành, địa phương, đơn vị;

- Vận động, hỗ trợ các hộ gia đình ở vùng trũng thấp xây dựng nhà có gác lững làm nơi trú tránh lũ, mô hình này có hiệu quả tốt, được nhân dân ở các huyện phía Bắc của tỉnh như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên… hưởng ứng thực hiện;

- Đào hầm dã chiến trên nỗng cát để tránh trú bão. Đây là một sáng kiến tuy đơn giản nhưng có hiệu quả cao, tập trung chủ yếu ở khu vực ven biển thuộc huyện Thăng Bình và được áp dụng trong cơn bão số 6 năm 2006 và bão số 9 năm 2009;

- Xây dựng một số nhà sinh hoạt cộng đồng; nâng cấp, củng cố, tầng hóa các cơ quan, trường học, trạm xá ở khu vực trũng thấp, nông thôn, miền núi để kết hợp làm nơi tránh, trú bão lũ cho nhân dân địa phương;

- Trong hơn 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng nhiều khu tái định cư, di dời khoảng 10.000 dân ở những nơi bị ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng. Dự kiến từ nay đến 2015 tiếp tục xây dựng 51 khu tái định cư để bố trí chỗ ở trên 6.200 dân ở các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, trũng thấp, lũ quét…;

Đã vận động ngư dân ở các địa phương ven biển xây dựng khoảng 70 tổ đoàn kết sản xuất, nhằm hỗ trợ, giúp nhau khi tàu, thuyền đánh bắt cá bị tai nạn trên biển;

Xây dựng 27 tháp báo lũ, đánh dấu trên 600 vết lũ lịch sử ở nhiều địa phương thuộc các huyện: Đại Lộc, Điện bàn, Duy Xuyên, thành phố Hội An nhằm xác định cốt nền xây dựng các cơ sở hạ tầng, hạn chế bị ngập do lũ, lụt;

- Từng bước bổ sung trang thiết bị thông tin liên lạc và các phương tiện cần thiết cho BCH PCLB và TKCN các cấp, nhằm tăng cường hiệu quả chỉ đạo công tác PCLB và TKCN;

- Thực hiện cấp phát khoảng 1.000 Radio cho các tàu cá; tổ chức tập huấn hướng dẫn phòng, tránh bão cho khoảng 500 ngư dân trong tỉnh.

* Biện pháp công trình:

- Thực hiện bê tông hóa trên 2.500km giao thông nông thôn, kiên cố hóa trên 500km kênh mương thủy lợi, tăng cường khả năng chống chịu đáng kể với thiên tai;

- Các tuyến Quốc lộ và nhiều tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã và đang được nâng cấp; Uỷ ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường cứu nạn, cứu hộ khu vực ven biển dài khoảng 70km nhằm đảm bảo đi lại cho nhân dân trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, theo Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Uỷ ban nhân dân tỉnh đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án xây dựng 9 tuyến đường cứu nạn, cứu hộ có chiều dài khoảng 133km. Các tuyến đường này vừa phục vụ công tác phòng, tránh thiên tai, vừa kết hợp giao thông phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh;

- Đã xây dựng được khoảng 40 tuyến kè bảo vệ bờ sông với chiều dài trên 50km để bảo vệ an toàn trên 6.000 hộ dân, hàng nghìn hecta đất sản xuất và nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Đặc biệt, kè Đại Cường do Trung ương đầu tư, cơ bản thi công hoàn thành, đã thử thách qua một số cơn lũ, cho thấy phát huy hiệu quả tốt trong việc chống cắt dòng của sông Vu Gia. Tỉnh Quảng Nam cùng đang triển khai thực hiện nhiều dự án kè bảo vệ bờ khác ở những nơi xung yếu, nhất là trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn;

- Đã thi công xây dựng 03km kè biển Tam Thanh thuộc thành phố Tam Kỳ; 0,5km kè biển xã Tam Hải, huyện Núi Thành bằng công nghệ cao (Geotub) để bảo vệ bờ biển, các khu dân cư, cơ sở hạ tầng và đất sản xuất;

- Xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng khu neo đậu tàu thuyền An Hoà và Hồng Triều với sức chứa tổng cộng khoảng 2.200 tàu thuyền các loại để ngư dân và phương tiện vào tránh, trú bão an toàn.

2. Một số vấn đề tồn tại trong công tác quản lý thiên tai thời gian qua.

- Bộ máy quản lý thiên tai từ tỉnh đến cơ sở tuy đã được hình thành đồng bộ, nhưng năng lực cán bộ làm công tác quản lý thiên tai còn những hạn chế nhất định, còn thiên về kinh nghiệm, nhiều người chưa được đào tạo, tập huấn sâu nghiệp vụ về lĩnh vực phòng, chống thiên tai, không có cán bộ chuyên trách về quản lý thiên tai, chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;

- Hệ thống các cơ sở hạ tầng quản lý thiên tai tuy đã được củng cố xây dựng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là khi có thiên tai lớn xảy ra;

- Nhận thức của cộng đồng trong phòng chống giảm nhẹ thiên tai còn những mặt hạn chế nhất định. Đối với những khu vực thiên tai xảy ra ít thường xuyên, nhiều người vẫn còn chủ quan, chưa tin vào các thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thiếu tự giác thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình trước khi thiên tai xảy ra, dẫn đến nhiều trường hợp thiệt hại về người và tài sản đáng tiếc;

- Một số ít địa phương vẫn còn tư tưởng ỷ lại, dựa vào sự hỗ trợ của lực lượng bên ngoài. Công tác tập dượt, diễn tập ứng cứu, phòng, tránh thiên tai đối với các lực lượng cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế nên dễ bị động, lúng túng khi xuất hiện các tình huống nguy hiểm, bất thường do thiên tai gây ra;

- Trang thiết bị thông tin liên lạc trên đất liền cũng như trên biển chưa đủ khả năng chủ động trong mọi tình huống xấu của thời tiết. Ngoài ra, các văn bản chỉ đạo ứng phó với thiên tai của tỉnh, huyện, một số nơi chỉ mới đến cấp xã, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến tận người dân chưa kịp thời. Việc quản lý ngư dân trên biển rất phức tạp, nhất là đối với các tàu đánh bắt xa bờ thường chủ quan, không thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác ngư trường đánh bắt cá, vì vậy công tác ứng cứu khi tàu bị nạn luôn gặp khó khăn;

- Công tác truyền thông, giáo dục cho cộng đồng về công tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai chưa được quan tâm đúng mức, chưa xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, thiếu kinh phí cũng như cán bộ chuyên môn làm công tác tập huấn, tuyên truyền.

3. Các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng do các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ đã và đang triển khai tại địa phương.

Trong khoảng 10 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều tổ chức Quốc tế đã và đang đầu tư thực hiện một số dự án về lĩnh vực thiên tai, trong đó đáng chú ý các dự án sau:

- Dự án “Hỗ trợ hệ thống quản lý thiên tai tại Việt Nam” có tên viết tắt là UNDP VIE/97/002, đơn vị tài trợ UNDP ở tỉnh Quảng Nam, xây dựng 15 mốc báo lũ, tổ chức tập huấn khoảng 500 ngư dân và cấp phát 1.000 Radio cho các tàu cá vùng ven biển Quảng Nam. Thực hiện trong các năm 2004 và 2005;

- Dự án Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai tại khu vực miền Trung Việt Nam do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, trong đó có Hợp phần quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng thực hiện tại thôn Thạnh Xuyên, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên; xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước; xã Cẩm Kim, thành phố Hội An; sau đó sẽ nhân rộng nhiều địa phương khác. Thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm 2012;

- Dự án “Quản lý rủi ro thiên tai” do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ nhằm hỗ trợ tỉnh lập Kế hoạch Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp cấp tỉnh và xây dựng mô hình lũ còn gọi là bản đồ ngập lụt trên địa bàn tỉnh (hợp phần 4); xây dựng Khu neo đậu tàu thuyền An Hòa (hợp phần 1); tái thiết sau thiên tai (hợp phần 3). Dự án được thực hiện từ năm 2009, đến nay các hợp phần 1 và 3 đã hoàn thành;

- Dự án “Tăng cường sự lồng ghép Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng với chương trình phát triển vùng”, đầu tư cho huyện Tiên Phước, thực hiện từ tháng 7/2009 đến tháng 06/2012;

- Dự án Tương tác giữa biến đổi khí hậu và sử dụng đất - áp dụng cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (gọi tắt là dự án LUCCI). Đây là dự án do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cologne (Đức) sẽ triển khai thực hiện tại Quảng Nam từ năm 2011 đến năm 2015;

- Dự án Mô hình hóa lũ lụt, phát triển năng lực cảnh báo sớm tại Quảng Nam, do Trung tâm thiên tai Châu Á Thái Bình Dương (Hoa Kỳ) phối hợp với Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai thực hiện tại Quảng Nam từ năm 2011 đến năm 2012 (18 tháng);

- Dự án Giảm thiểu rủi ro thảm họa mở rộng tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Hội chữ thập đỏ Hoa Kỳ tài trợ thực hiện từ năm 2010 đến 2013.

Các dự án nêu trên đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, cũng như tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhìn chung các dự án này còn ở quy mô nhỏ, mức đầu tư còn thấp, chưa phối hợp lồng ghép đồng bộ, hiệu quả còn hạn chế do chưa nhân rộng các mô hình sâu rộng cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Phần II

KẾ HOẠCH NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VÀ QUẢN LÝ RỦI RO THIÊN TAI DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung.

Nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức có hiệu quả mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền và người dân ở các xã, phường, thị trấn nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hóa do thiên nhiên gây ra, góp phần bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền các cấp trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo đến năm 2020 có 100% cán bộ làm công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai được tập huấn kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác về lĩnh vực quản lý thiên tai;

- Tất cả xã, phường, thị trấn ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai xây dựng kế hoạch, phương án phòng tránh thiên tai phù hợp; có hệ thống thông tin liên lạc và xây dựng được lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ về giảm nhẹ thiên tai, lực lượng tình nguyện viên hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Phấn đấu đạt trên 70% số dân các xã, phường, thị trấn thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai;

- Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên các cấp có năng lực tuyên truyền, giáo dục nhận thức và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Đưa kiến thức phòng tránh giảm nhẹ thiên tai vào chương trình đào đạo của trường học phổ thông;

- Tổ chức diễn tập đến cấp xã về công tác ứng phó với thiên tai.

II . QUY MÔ VÀ NHIỆM VỤ.

Nội dung Kế hoạch Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 có 02 hợp phần, với các hoạt động sau:

1. Hợp phần 1.

Nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền các cấp về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Hoạt động 1.1: Căn cứ vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch và hướng dẫn phù hợp, thống nhất về quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở các cấp.

- Hoạt động 1.2: Xây dựng, củng cố bộ máy phòng, chống và quản lý thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách.

- Hoạt động 1.3: Xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở các cấp:

+ Điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên về quản lý thiên tai tại địa phương để có kế hoạch đào tạo;

+ Đào tạo đội ngũ giảng viên, báo cáo viên hiện có ở các cấp; phát triển thêm lực lượng mới, trong đó sử dụng cán bộ ở cấp tỉnh làm nòng cốt và được lựa chọn từ: BCH PCLB và TKCN, cán bộ của một số Sở, ban, ngành, giáo viên các trường phổ thông, hội viên Hội Chữ thập đỏ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, đoàn viên Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp.

- Hoạt động 1.4: Xây dựng hoàn thiện bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng về các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở các cấp (cho giảng viên và học viên).

- Hoạt động 1.5: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ công tác các cơ quan ở tỉnh và địa phương, cán bộ chuyên trách trực tiếp tổ chức thực hiện công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Hoạt động 1.6: Trang bị công cụ hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai cho BCH PCLB và TKCN các cấp; đảm bảo trang thiết bị, dụng cụ giảng dạy về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp.

- Hoạt động 1.7: Cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trụ sở làm việc cho bộ máy chuyên trách phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở các cấp.

2. Hợp phần 2.

Tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực cho cộng đồng về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Hoạt động 2.1: Thành lập các Nhóm triển khai thực hiện hoạt động Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở các địa phương, trong đó ở cấp xã, phường, thị trấn do cộng đồng bầu chọn. Các Nhóm có trách nhiệm tuyên truyền, nắm bắt thông tin và tình hình thiên tai tại cộng đồng và đề xuất cụ thể, sát thực các biện pháp phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn.

 

- Hoạt động 2.2: Biên soạn và ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai các hoạt động cơ bản của cộng đồng về chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả tương ứng với từng giai đoạn của thiên tai (trước, trong và sau thiên tai) phù hợp cho từng đối tượng khác nhau ở địa phương, cộng đồng.

- Hoạt động 2.3: Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho cộng đồng về từng hoạt động riêng biệt trong công tác quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng dưới nhiều hình thức khác nhau. Xây dựng kế hoạch truyền thông các hoạt động về quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Tập huấn kỹ năng tự bảo vệ, sơ cấp cứu trong cộng đồng khi gặp các tình huống xấu do thiên tai gây ra;

+ Tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ (nhân các ngày lễ lớn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng…) có lồng ghép nội dung về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng;

+ Giáo dục về phòng tránh thương tích trong thiên tai cho người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em;

+ Xây dựng các pano, áp phích, tờ rơi... truyền thông về công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng;

+ Triển khai, phát triển các mô hình trường học, trạm y tế, nhà ở an toàn đối với những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.

- Hoạt động 2.4: Xây dựng bản đồ thảm họa thiên tai và tình trạng dễ bị tổn thương ở từng cộng đồng (do cộng đồng tự xây dựng theo hướng dẫn của các Nhóm và cán bộ chuyên trách).

+ Hướng dẫn các bước cơ bản đối với công tác chuẩn bị, ứng phó và phục hồi theo từng giai đoạn (trước, trong và sau thiên tai) phù hợp theo tập tục văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội của từng cộng đồng hoặc nhóm cộng đồng;

+ Xác định các loại bản đồ ở các khu vực có nguy cơ cao bị thiên tai như: bản đồ hiểm họa, bản đồ tình trạng dễ tổn thương… và các biện pháp ứng phó cụ thể.

- Hoạt động 2.5: Thiết lập hệ thống về cảnh báo, truyền tin sớm về thiên tai trong cộng đồng (bao gồm cả trang thiết bị và dụng cụ hỗ trợ).

- Hoạt động 2.6: Xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng.

- Hoạt động 2.7: Thiết lập hệ thống đánh giá và giám sát các hoạt động về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong cộng đồng, bao gồm xây dựng các tiêu chí đánh giá, tiến hành khảo sát cụ thể, đánh giá, rút kinh nghiệm…

- Hoạt động 2.8: Hàng năm, các thành viên cộng đồng thu thập, cập nhật thông tin và tình trạng dễ bị tổn thương do thiên tai gây ra và kịp thời báo cáo, đề xuất bổ sung các cơ sở dữ liệu về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng.

- Hoạt động 2.9: Xây dựng các công trình quy mô nhỏ phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng như nhà cộng đồng đa năng tránh trú bão lũ, đường chạy lũ, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, hầm tránh bão…

(Chi tiết các hoạt động theo phụ lục đính kèm)

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh.

Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh (trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, Chi cục Thủy lợi là Văn phòng thường trực) là đơn vị chủ trì giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện Kế hoạch; có trách nhiệm:

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương; các Sở, ngành có liên quan và các địa phương xây dựng, đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch hằng năm, ngắn hạn, trung hạn, dài hạn;

- Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch;

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tại các Sở, ngành, địa phương, đơn vị. Định kỳ hàng năm sơ kết, đánh giá rút kinh nhiệm, đồng thời tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung những vấn đề phát sinh cho phù hợp với điều kiện theo thực tế của địa phương nằm trong vùng dự án.

2. Ban chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn tỉnh.

Có trách nhiệm phối hợp với BCH PCLB tỉnh, các địa phương, đơn vị để chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai có liên quan theo nhiệm vụ được phân công.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh nhằm tranh thủ các nguồn vốn tài trợ khác để thực hiện có hiệu quả nội dung của Kế hoạch.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với BCH PCLB và TKCN các cấp, các Sở, ngành, hội, đoàn thể có liên quan để biên soạn tài liệu và đưa nội dung về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, lồng ghép vào các môn học để giảng dạy trong giờ chính khóa, ngoại khóa ở các trường học.

5. Các Sở, ban, ngành.

- Theo chức năng, nhiệm vụ của được giao, có trách nhiệm phối hợp với BCH PCLB tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố để thực hiện các nội dung có liên quan của Kế hoạch;

- Thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định về tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch.

6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Tổ chức thực hiện các hoạt động có liên quan theo phân công trong Kế hoạch;

- Đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả nguồn vốn của đề án, thực hiện chống tham nhũng và thất thoát vốn;

- Chủ động huy động bổ sung các nguồn lực của địa phương, nguồn lực của nhân dân trên địa bàn; lồng ghép các hoạt động liên quan của các chương trình khác để thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả cao;

- Chỉ đạo các cơ sở tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, trước hết đối với người dân các khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai về ý thức chủ động phòng, chống và tham gia tích cực các hoạt động quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng, góp phần giảm nhẹ thiệt hại khi xảy ra thiên tai;

- Thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định về tiến độ, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch.

7. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động có liên quan về công tác quản lý rủi ro thiên tai và nâng cao nhận thức đối với cộng đồng dân cư thuộc địa bàn quản lý theo chỉ đạo của cấp trên;

- Thực hiện tốt công tác diễn tập về công tác PCLB và TKCN trên địa bàn;

- Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp huyện điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; những bài học kinh nghiệm về nâng cao nhận thức của cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ở địa phương.

8. Các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hội, đoàn thể.

Hoạt động về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi do thiên tai dựa vào cộng đồng là nhiệm vụ của toàn xã hội, do đó các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hội, đoàn thể cần có kế hoạch, chương trình cụ thể vận động các hội viên, thành viên trong tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch này.

Phần IV

KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện các hợp phần của Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 được khái toán là 107,5 tỷ đồng (Một trăm lẻ bảy tỷ, năm trăm triệu đồng), trong đó:

- Kinh phí thực hiện Hợp phần 1: 49,0 tỷ đồng;

- Kinh phí thực hiện Hợp phần 2: 58,5 tỷ đồng.

Kinh phí trên được phân kỳ theo 02 giai đoạn để thực hiện:

- Giai đoạn 2010 - 2015  : 40,0 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2016 - 2020  : 67,5 tỷ đồng.

(Chi tiết theo phụ lục đính kèm)

Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch này được sử dụng lồng ghép từ các dự án của Trung ương đầu tư, tài trợ của các tổ chức quốc tế và kinh phí đối ứng từ ngân sách của địa phương.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1080/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2020 tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 1080/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/04/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản