Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 108/2007/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ XE CÔNG NÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(được ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND ngày 13/3/2006 của UBND tỉnh).

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông ;
Căn cứ Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ;
Căn cứ Chỉ thị 46/CT-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ ;
Theo đề nghị của Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của bản “Quy định về việc quản lý xe công nông trên địa bàn tỉnh Gia Lai” được ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/ QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh như sau :

1. Điều 1 được sửa đổi như sau:

Bản quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sử dụng xe công nông tham gia giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai nhằm nghiêm túc thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Nghị quyết 13/2002/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ.

2. Điều 2 được sửa đổi như sau :

Thuật ngữ xe công nông trong bản quy định này bao gồm các loại xe độ chế, xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và xe máy kéo nhỏ được hiểu như sau :

1. Các loại xe tương tự xe ô tô : (còn gọi là xe độ chế, xe tự lắp ráp, công nông đầu ngang, ...) là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ được lắp ráp tận dụng từ các tổng thành ô tô cũ, chuyên dùng để vận tải.

2. Xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp : Là loại thiết bị tận dụng các tổng thành của xe ô tô lắp ráp động cơ điezen một xi lanh và các thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp như máy bơm nước, máy phát điện, máy tuốt lúa, máy lặt bắp, …hoạt động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

3. Máy kéo nhỏ: Là loại xe gồm phần đầu máy tự  di chuyển, được lái bằng càng hoặc vô lăng và rơ-moóc được kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo).

3. Điều 4 được sửa đổi như sau:

2.1) Điểm b Khoản 1 Điều 4 được sửa đổi như sau:

b) Từ ngày 01/01/2008 đình chỉ các loại xe tương tự xe ô tô, xe tự chế 3-4 bánh tham gia giao thông.

2.2) Bãi bỏ điểm c khoản 1 điều 4.

4. Khoản 2 Điều 12 được sửa đổi như sau:

2. Người điều khiển xe máy phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp phải học và dự thi sát hạch lấy giấy phép lái xe hạng B1, B2 .

5. Điều 13 được sửa đổi như sau:

Bãi bỏ khoản 5 Điều 13.

6. Điều 14 được sửa đổi như sau:

1. Xe công nông chỉ được phép hoạt động trên đường giao thông nông thôn.

2. Cấm xe công nông lưu hành trong thị trấn, thị xã, thành phố, trên các tuyến đường tỉnh và các quốc lộ 14, 19, 25 đi qua địa bàn tỉnh.

7. Điều 18 (Trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã) được sửa đổi như sau:

1. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp cần thiết để quản lý hoạt động xe công nông và phòng ngừa tai nạn giao thông do xe công nông gây ra ở địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức cho các chủ xe công nông ký cam kết chấp hành tốt Luật Giao thông đư­ờng bộ, các quy định của Chính phủ và của UBND tỉnh; xử lý nghiêm các chủ xe, lái xe vi phạm quy định về quản lý và sử dụng xe công nông .

2. Thống kê số lượng xe công nông và các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe công nông hiện có trên địa bàn báo cáo về Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Công nghiệp để làm cơ sở cho việc đăng ký và quản lý .

3. Tổ chức phổ biến, quán triệt đến từng hộ gia đình có xe công nông hiểu rõ quy định của Chính phủ và UBND tỉnh có liên quan về xe công nông; yêu cầu các chủ xe công nông ký cam kết không đưa xe ra lưu hành  trên quốc lộ, đường tỉnh, trong thị trấn, thị xã và thành phố; Tổ chức cắm các biển báo tại các điểm đấu nối giữa đường giao thông nông thôn với đường cấm xe công nông lưu hành.

4. Chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng và UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra các cơ sở hành nghề sửa chữa xe công nông; sản xuất, lắp ráp thùng hàng kéo theo xe máy kéo nhỏ để xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm .

5. UBND cấp xã yêu cầu các chủ cơ sở sửa chữa xe công nông; sản xuất, lắp ráp thùng hàng kéo theo xe máy kéo nhỏ trên địa bàn ký cam kết không sản xuất các loại xe độ chế, xe tự lắp ráp.

6. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của xe công nông trên địa bàn huyện, xã.

Điều 2. Thường trực Ban ATGT tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thi hành Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2008.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực Ban ATGT tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Việt Hường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 108/2007/QĐ-UBND sửa đổi quy định việc quản lý xe công nông trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 108/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/12/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Lê Việt Hường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 12/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản