Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 19 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 1267/QĐ-BNN-TY ngày 10/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm giai đoạn 2014 - 2020”;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 01/TTr-SNN&PTNT ngày 06 tháng 01 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án Quy hoạch và Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; các Giám đốc Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Thú y; Thủ trưởng các cơ quan và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu VT, NNTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 19/01/2015 của UBND tỉnh)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng.

An toàn vệ sinh thực phẩm được hiểu là thực phẩm dùng cho con người cần được quản lý đồng bộ trên tất cả các khâu: Chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu dùng và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng hàng ngày cho con người; sử dụng thực phẩm “sạch” sẽ cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để phát triển về thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, về công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Tuy vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt còn nhiều bất cập trên tất cả các khâu, do nhiều nguyên nhân: Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, kiểm soát thức ăn chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh chưa chặt chẽ, thu gom và giết mổ còn hạn chế, chưa tập trung, sản phẩm thịt gia súc, gia cầm trên thị trường được bày bán không đúng quy định, không đảm bảo vệ sinh, ... Dẫn đến sản phẩm thịt gia súc, gia cầm ở nước ta phần lớn chưa được kiểm soát hoặc chỉ được kiểm soát ở một số khâu nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng cả trước mắt và lâu dài, làm lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2009 - 2013 có 1.095 vụ ngộ độc thực phẩm; trung bình mỗi năm Việt Nam có 182 vụ với 36.274 người mắc và 263 người chết; đó là chưa kể đến tác hại lâu dài đối với người tiêu dùng khi sử dụng phải thực phẩm được chế biến từ gia súc bị bệnh, chết, gia súc còn tồn dư kháng sinh, hoocmon tăng trưởng. Ngoài việc ảnh hưởng tới sức khỏe cho cộng đồng, việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm chưa được kiểm soát còn làm lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm sống gây ảnh hưởng rất lớn cho phát triển chăn nuôi, thiệt hại kinh tế, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Để đáp ứng nguồn thực phẩm chất lượng cao từ thịt gia súc, gia cầm phục vụ đời sống sinh hoạt cho người dân Thái Bình; đồng thời hạn chế việc lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi của Thái Bình ở thị trường trong nước và Quốc tế; thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; vì vậy, phải “Quy hoạch và quản lý kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình”.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

1. Văn bản Trung ương

- Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/06/2010;

- Pháp lệnh Thú y ngày 29/04/2004;

- Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 25/04/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

- Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

- Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn;

- Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm;

- Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28/03/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm;

- Quyết định số 87/2005/QĐ-BNN ngày 26/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quy trình kiểm soát giết mổ động vật;

- Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y;

- Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13/03/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến gia súc gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung nuôi công nghiệp;

- Quyết định số 733/2011/QĐ-CP ngày 17/05/2011 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020;

- Quyết định số 1267/QĐ-BNN-TY ngày 10/6/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm giai đoạn 2014-2020”;

- Thông tư số 05/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/01/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường;

- Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết mổ lợn;

- Thông tư số 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện vệ sinh thú y cơ sở giết mổ gia cầm;

- Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định kiểm tra đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp sản phẩm nông lâm thủy sản.

2. Văn bản của tỉnh

- Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành quy định về chính sách khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020;

- Quyết định số 1852/QĐ-UBND ngày 26/08/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt Danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của tỉnh Thái Bình năm 2013;

- Chương trình hành động số 01/CTHĐ-UBND ngày 20/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014;

- Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc ban hành quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020;

- Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn đến năm 2020.

Phần thứ hai

TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI VÀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sản xuất chăn nuôi trong tỉnh đã phát triển cả về quy mô, số lượng, giá trị và sản lượng với các loại vật nuôi như trâu, bò, lợn, gà, ngan, ngỗng, vịt, ... đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và xuất ra tỉnh ngoài, trong đó đàn lợn sữa của Thái Bình đã có thương hiệu để xuất khẩu ra thị trường các nước như Trung Quốc, Hồng Công, Malaixia.

Kết quả sản xuất chăn nuôi năm 2013 cụ thể như sau:

- Tổng đàn lợn có 1.061.521 con, trong đó có 198.041 lợn nái và đực giống; tổng sản lượng thịt hơi đạt 187.583 tấn;

- Đàn trâu bò có 49.910 con, trong đó đàn trâu là 5.081 con và đàn bò là 44.109 con; tổng sản lượng thịt hơi đạt 3.837 tấn;

- Đàn gia cầm có 11.096.000 con; trong đó gà 8.160.000 con; vịt, ngan là 2.758.000 con, gia cầm khác 178.000 con; sản lượng thịt hơi đạt 38.038 tấn; sản lượng trứng đạt 262.355.000 quả;

- Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại: 236.940 tấn;

- Giá trị sản xuất đạt 2.346,4 tỷ đồng;

- Tốc độ tăng trưởng đạt 6,79%;

- Tỷ trọng trong sản xuất nông nghiệp là 41,6%.

(Chi tiết kết quả sản xuất chăn nuôi năm 2013 tại Phụ lục 1)

Phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại gia tăng, chăn nuôi nhỏ lẻ có xu hướng giảm dần; toàn tỉnh có 690 trang trại, trong đó có 62 trang trại quy mô lớn, 15.452 gia trại; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được khống chế; chăn nuôi theo quy trình VIETGAP được triển khai áp dụng vào sản xuất thu được kết quả tốt và đang được nhân rộng.

Số lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ trung bình/ngày tại các chợ và các điểm tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh trong một ngày là: trâu bò 79 con, lợn 2.074 con, gia cầm 3.011 con với tổng khối lượng thịt hơi là 181 tấn/ngày (Chi tiết lượng tiêu thụ thực phẩm hàng ngày của tỉnh Thái Bình tại Phụ lục 2). Các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm mới chỉ được bán tại các chợ và điểm tiêu thụ nhỏ lẻ ở các địa phương trong tỉnh, ngay cả ở thành phố Thái Bình cũng chưa có các siêu thị chuyên bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Khoảng 30 - 40% sản phẩm chăn nuôi được giết mổ phục vụ nhân dân trong tỉnh, số còn lại khoảng 60 - 70% được xuất bán ra ngoài tỉnh thông qua thương lái ở dạng con gia súc, gia cầm sống.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM

Theo số liệu điều tra của Chi cục Thú y năm 2013, toàn tỉnh Thái Bình có: 08 cơ sở giết mổ tập trung (02 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu, 06 cơ sở giết mổ lợn thịt, lợn choai phục vụ tiêu thụ nội địa) và 1.597 điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ, 62 điểm giết mổ trâu bò, 260 điểm giết mổ gia cầm, 14 điểm giết mổ hỗn hợp. Trong đó có 02 cơ sở giết mổ lợn sữa xuất khẩu, 06 cơ sở giết mổ lợn choai tiêu thụ nội địa, 15 điểm giết mổ nhỏ do dự án LIFSAP hỗ trợ nâng cấp đã đủ điều kiện vệ sinh thú y được quản lý kiểm soát giết mổ theo quy định. Sản phẩm từ các cơ sở này chủ yếu xuất khẩu (lợn sữa) và tiêu thụ ở tỉnh ngoài vào các siêu thị hoặc khu công nghiệp.

Số còn lại là các điểm giết mổ nhỏ lẻ tự phát tại hộ gia đình trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; gồm: 1.582 điểm giết mổ lợn, 62 điểm giết mổ trâu bò, 260 điểm giết mổ gia cầm, 14 điểm giết mổ hỗn hợp, phân bổ xen lẫn khu dân cư ở 254/286 xã phường thị trấn, cung cấp nguồn thực phẩm chủ yếu cho tiêu dùng trong tỉnh (Chi tiết số lượng điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình tại Phụ lục 3). Việc tồn tại nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ gây không ít khó khăn cho công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm.

Về điều kiện vệ sinh thú y: Việc giết mổ gia súc, gia cầm tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, hoạt động giết mổ được thực hiện dưới nền nhà, nền sân, ở các địa điểm được tận dụng trong khuôn viên gia đình với diện tích chật hẹp; xây dựng, thiết kế điểm giết mổ không đồng bộ, các khu vực trong điểm giết mổ không được thiết kế tách biệt; chất thải, nước thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm; người trực tiếp giết mổ gia súc gia cầm hầu hết chưa được đào tạo, tập huấn kiến thức và hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh thú y trong quá trình sản xuất, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại các điểm giết mổ này cho thấy các chỉ tiêu vi sinh vật gây ô nhiễm đều vượt quá mức cho phép. Bên cạnh đó, do chưa quản lý được nên một số chủ hộ giết mổ còn thu mua gia súc, gia cầm ốm, chết về giết và tiêu thụ. Đây chính là nguồn nguy cơ lớn làm lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm và gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

(* Điểm giết mổ: Là nơi giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ tại hộ gia đình do chủ hộ tự đầu tư, xen lẫn trong khu dân cư, có công suất giết mổ dưới 20 con lợn/ngày hoặc 100 con gia cầm/ngày. Sản phẩm giết mổ thường được bán lẻ trong ngày tại địa phương.

* Cơ sở tập trung giết mổ: Là địa điểm cố định, được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch, cấp đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y có chủ thể quản lý và có nhiều hộ cùng giết mổ trong cơ sở đó, với phương thức giết mổ thủ công hoặc bán công nghiệp, công suất giết mổ trên 20 con lợn/ngày hoặc trên 100 con gia cầm/ngày. Sản phẩm giết mổ được tiêu thụ trong ngày tại địa phương.

* Cơ sở giết mổ tập trung: Là địa điểm cố định, được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch, cấp đăng ký kinh doanh, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật với dây chuyền giết mổ công nghệ tiên tiến, quy mô công suất lớn, sản phẩm giết mổ đủ điều kiện tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.)

Nguyên nhân tồn tại trong quản lý giết mổ nhỏ lẻ là do tập quán chăn nuôi phân tán còn chiếm tỷ lệ lớn, số hộ tham gia giết mổ nhiều, phân tán trên địa bàn rộng; nghề giết mổ gia súc, gia cầm còn là phương kế sinh nhai, mang lại lợi nhuận cao cho chủ hộ giết mổ; lực lượng thú y có hạn, nên không thể kiểm soát được; chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa tạo được quỹ đất để xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chưa nghiêm đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa giết mổ tự do, nhỏ lẻ, giết mổ lậu với giết mổ tập trung có kiểm soát; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn manh mún nhỏ lẻ bên cạnh đó là thói quen tiêu dùng của người dân vẫn chưa coi trọng vấn đề về thực phẩm an toàn. Do đó, việc quy hoạch các cơ sở tập trung giết mổ hoặc giết mổ tập trung để quản lý, kiểm soát thực phẩm an toàn từ khâu giết mổ là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Phần thứ ba

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

I. QUAN ĐIỂM

- Tổ chức quy hoạch và thực hiện quản lý kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm để đảm bảo an toàn thực phẩm chính là đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.

- Quy hoạch, xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu và phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh; đảm bảo định hướng lâu dài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người và động vật; tạo sự gắn kết chuỗi từ khâu chăn nuôi - giết mổ - chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Đầu tư nâng cấp các cơ sở tập trung giết mổ gia súc, gia cầm và quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phải căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, đảm bảo an sinh xã hội; có bước đi phù hợp để giải quyết những yêu cầu trước mắt và định hướng lâu dài của tỉnh; làm thay đổi thói quen giết mổ, tiêu dùng truyền thống trên cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn, công nghiệp; xã hội hóa việc đầu tư nâng cấp xây dựng các cơ sở tập trung giết mổ gia súc, gia cầm.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Quy hoạch các cơ sở giết mổ; nâng cấp các điểm giết mổ, cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y trong giết mổ để thực hiện quản lý, kiểm soát giết mổ nhằm từng bước hạn chế và đi đến xóa bỏ hình thức giết mổ nhỏ lẻ tại hộ gia đình không đảm bảo vệ sinh thú y trong giết mổ; chủ động khống chế và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan; nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng trên lĩnh vực sản xuất chăn nuôi; đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

- Phấn đấu đến năm 2025 đưa 90% số điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn toàn tỉnh vào cơ sở giết mổ đã được quy hoạch, đảm bảo cung cấp 85% lượng thịt gia súc, gia cầm xuất ra thị trường nội tỉnh đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, 100% số sản phẩm động vật được kiểm soát giết mổ trước khi tiêu thụ ra tỉnh ngoài và xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Năm 2015 - 2016:

- Thực hiện và hoàn thành việc quy hoạch chi tiết các cơ sở giết mổ tại các địa phương. Ban hành các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện việc quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá, phân loại các điểm giết mổ trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động, khuyến khích và yêu cầu các chủ hộ có khả năng mở rộng, nâng cấp, xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y đưa vào kiểm soát giết mổ. Từng bước xóa bỏ những điểm giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện vệ sinh thú y.

- Phấn đấu di dời 20% số điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư vào giết mổ tại các cơ sở đã được nâng cấp và xây dựng theo quy hoạch đảm bảo vệ sinh thú y trong giết mổ; thực hiện kiểm soát giết mổ được 30% lượng thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh; 50% lượng thịt gia súc, gia cầm xuất ra tỉnh ngoài.

2.2. Năm 2017 - 2025:

- Tiếp tục rà soát, đánh giá những cơ sở giết mổ, điểm giết mổ đã nâng cấp, xử lý những điểm giết mổ vi phạm điều kiện vệ sinh thú y.

- Phấn đấu di dời 90% số điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư vào các cơ sở tập trung giết mổ và các cơ sở giết mổ tập trung đã được xây dựng nâng cấp theo quy hoạch đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; quản lý và thực hiện kiểm soát giết mổ 100% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh, 100% lượng thịt xuất khẩu.

- Kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp, xây mới các cơ sở giết mổ đã được quy hoạch.

III. NỘI DUNG

1. Nội dung về quy hoạch:

- Việc quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và các cơ sở tập trung giết mổ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

- Quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và các cơ sở tập trung giết mổ gia súc, gia cầm phải gắn với vùng sản xuất chăn nuôi và các chợ buôn bán thực phẩm tươi sống, cơ sở chế biến, bảo quản tiêu thụ sản phẩm; tạo ra sự liên kết theo chuỗi, từ sản xuất chăn nuôi đến thu mua, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi của Thái Bình đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, xuất ra tỉnh ngoài và xuất khẩu.

- Căn cứ vào hai quan điểm nêu trên và tình hình thực tế phát triển sản xuất chăn nuôi; tình hình tiêu thụ thực phẩm của các địa phương trong tỉnh những năm gần đây. Quy hoạch chung về giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015 - 2025 được xác định theo hai loại hình sau:

+ Loại hình cơ sở giết mổ tập trung: Nguồn gia súc, gia cầm được thu mua từ các trang trại, gia trại trong tỉnh, sản phẩm sau giết mổ được cung cấp cho các bếp ăn khu công nghiệp, dân cư khu đô thị trong tỉnh, xuất ra tỉnh ngoài và xuất khẩu ra nước ngoài. Loại hình này được quy hoạch ở thành phố Thái Bình 02 cơ sở; các huyện được quy hoạch 02 cơ sở giết mổ tập trung có quy mô giết mổ từ 200 con lợn và 2.000 con gia cầm/ngày trở lên, có diện tích đất tối thiểu để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung từ 10.000 đến 15.000 m2/cơ sở trở lên.

+ Loại hình cơ sở tập trung giết mổ: Nguồn gia súc, gia cầm cung cấp cho loại hình này được thu mua từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các gia trại trong tỉnh. Sản phẩm sau giết mổ được cung cấp cho các chợ phục vụ thực phẩm cho các khu dân cư nông thôn. Loại hình này có quy mô giết mổ từ 20 con lợn và 100 con gia cầm/ngày trở lên. Diện tích đất quy hoạch cho loại hình giết mổ này tối thiểu là 1.000 m2 đất/cơ sở trở lên. Căn cứ vào thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi toàn tỉnh được điều tra ghi ở Phụ lục 2, quy hoạch 81 cơ sở tập trung giết mổ tại các huyện, cụ thể: Đông Hưng 12 cơ sở, Hưng Hà 11 cơ sở, Quỳnh Phụ 12 cơ sở, Thái Thụy 12 cơ sở, Tiền Hải 11 cơ sở, Kiến Xương 11 cơ sở, Vũ Thư 12 cơ sở.

- Trên cơ sở quy hoạch các cơ sở giết mổ chung của tỉnh đã nêu trên, giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập quy hoạch chi tiết về không gian, vị trí, địa điểm, diện tích các cơ sở giết mổ của địa phương mình.

2. Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền rộng rãi về lợi ích của việc sử dụng thực phẩm an toàn, đã qua kiểm dịch và những tác hại, nguy cơ của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, tới cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

- Tuyên truyền phổ biến các quy định về điều kiện kinh doanh, giết mổ; điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ; tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình quy phạm trong giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, của người kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm và người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi của cán bộ các cấp trong quản lý kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở địa phương mình; thay đổi hành vi của người kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm; thực hiện đúng các quy định về vệ sinh thú y trong giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm những sản phẩm cơ sở mình cung cấp ra thị trường; thay đổi hành vi của người tiêu dùng, biết lựa chọn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch để sử dụng đảm bảo cho sức khỏe và sự phát triển của con người.

3. Về công tác quản lý và nguồn nhân lực để thực hiện việc kiểm soát giết mổ

3.1. Quản lý, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành văn bản quy định đối với hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình để làm cơ sở cho các sở, ngành và địa phương thực hiện công tác quản lý trong lĩnh vực này.

- Chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch; kiên quyết di dời, đóng cửa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định.

- Xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp các cơ quan liên quan đến công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức giám sát có hiệu quả hoạt động kinh doanh, giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật.

- Chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương phối hợp với cơ quan chức năng cấp trên tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm thuộc địa bàn quản lý.

3.2. Chủ cơ sở tự quản lý:

- Chủ đầu tư các cơ sở giết mổ phải chấp hành các quy định của Nhà nước, về công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm; chịu sự quản lý trực tiếp của địa phương và các ban, ngành có liên quan. Trước và sau khi xây dựng phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép đi vào hoạt động.

- Việc thu phí và lệ phí thú y tại cơ sở giết mổ được thực hiện theo quy định hiện hành, chủ cơ sở có trách nhiệm nộp đầy đủ các khoản phí và lệ phí theo quy định.

3.3. Quản lý nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực thực hiện việc kiểm soát giết mổ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; trên cơ sở quy hoạch chung về giết mổ gia súc, gia cầm, số lượng và quy mô các cơ sở giết mổ tập trung và các cơ sở tập trung giết mổ; ngành chuyên môn phối kết hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xác định số nhân lực thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ, lực lượng lao động làm công tác giết mổ để trình cấp có thẩm quyền cho phép bổ sung nhân lực và kế hoạch đào tạo, tập huấn đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác quản lý giết mổ và kiểm soát giết mổ có hiệu quả.

4. Đất đai, môi trường và khoa học công nghệ trong giết mổ

- Trên cơ sở quy hoạch chi tiết về không gian các cơ sở giết mổ tập trung và tập trung giết mổ; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí địa điểm, diện tích đất đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương để kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư các cơ sở giết mổ đảm bảo đáp ứng diện tích đất để xây dựng các công trình theo yêu cầu, tiêu chuẩn quy định.

- Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các chủ cơ sở giết mổ trong việc thực hiện vệ sinh thú y, thu gom, xử lý chất thải, xử lý môi trường trong giết mổ theo quy định.

- Khuyến khích các chủ cơ sở giết mổ tập trung đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến trong giết mổ và bảo quản sản phẩm sau giết mổ, đạt tiêu chuẩn HACCP về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáp ứng được yêu cầu của những thị trường đòi hỏi chất lượng thực phẩm cao trong nước và nước ngoài.

- Thực hiện đầu tư trang thiết bị cho công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ.

5. Nội dung về cơ chế chính sách

Căn cứ vào điều kiện thực tế của các cơ sở, áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở, tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm trên cơ sở khung chính sách ưu đãi của nhà nước hiện hành.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về quy hoạch

Căn cứ vào hai quan điểm nêu trong nội dung quy hoạch cơ sở giết mổ và số lượng, quy mô, loại hình đã nêu trong nội dung quy hoạch chung của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành lập chi tiết quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm về không gian, vị trí, địa điểm, diện tích của địa phương mình phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Về vị trí, không gian phải gắn với vùng sản xuất chăn nuôi, cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với thực tế của địa phương, phù hợp với quy hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Về diện tích phải đáp ứng với quy mô của từng loại hình cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Đảm bảo xây dựng cơ sở giết mổ theo tiêu chí của Thông tư 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tư 61/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phù hợp quy định theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, cần lưu ý một số nội dung sau:

+ Loại hình cơ sở giết mổ tập trung: Có quy mô giết từ 200 con lợn và 2.000 con gia cầm/ngày trở lên, áp dụng công nghệ giết mổ treo tiên tiến, hiện đại; có diện tích đất tối thiểu 10.000-15.000 m2/cơ sở trở lên để bố trí xây dựng thành hai khu vực riêng biệt gồm: Khu hành chính và khu sản xuất, đảm bảo đủ diện tích để xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, công trình xử lý chất thải, hồ sinh học, cây xanh cách ly, cổng, tường bao, lối đi lại..., thuận tiện việc đấu nối với các cơ sở hạ tầng khác như: Điện, nước, đường giao thông.

+ Loại hình cơ sở tập trung giết mổ: Loại hình này có quy mô giết mổ từ 20 con lợn và 100 con gia cầm/ngày trở lên, khuyến khích cơ sở đầu tư dây chuyền giết mổ treo hoặc phải giết mổ trên hệ thống các bàn, bệ cao hơn so với mặt sàn đảm bảo vệ sinh thú y. Diện tích đất quy hoạch tối thiểu là 1.000 m2 đất/cơ sở trở lên để bố trí xây dựng các hạng mục công trình đảm bảo tiêu chí: Khu sản xuất có khu sạch và khu bẩn riêng biệt, đủ diện tích để xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, công trình xử lý chất thải biogas, ao sinh học, cổng nhập gia súc, xuất sản phẩm riêng biệt, tường bao quanh, lối đi lại..., thuận tiện việc đấu nối với các cơ sở hạ tầng khác như: điện, nước, đường giao thông (Dự kiến số lượng và diện tích các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm giai đoạn 2015 - 2020 tại Phụ lục 4).

- Về lộ trình thực hiện quy hoạch: Trong giai đoạn trước mắt cần chú trọng quản lý tốt các cơ sở giết mổ sẵn có, thực hiện rà soát, hướng dẫn những chủ hộ giết mổ có đủ điều kiện về vị trí, diện tích mặt bằng nâng cấp, cải tạo đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh thú y để tiếp tục giết mổ và thực hiện kiểm soát giết mổ tại những điểm đã nâng cấp; đồng thời lựa chọn vị trí, địa điểm mới để xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và tập trung giết mổ theo quy hoạch.

2. Giải pháp về thông tin tuyên truyền

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, quảng cáo, tờ rơi,... và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ quản lý, người kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm và người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung tư vấn và trang bị cho người tiêu dùng kiến thức để tự bảo vệ mình.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị xã hội để người dân biết và có cơ sở thực hiện những quy định của Nhà nước về điều kiện vệ sinh thú y trong kinh doanh, giết mổ, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm.

Tuyên truyền rộng rãi về lợi ích của việc sử dụng thực phẩm an toàn, đã qua kiểm dịch và các nguy cơ của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước; của tỉnh, vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở giết mổ theo quy hoạch; vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ đưa gia súc, gia cầm vào cơ sở tập trung giết mổ khi được xây dựng;

Giới thiệu và quảng bá các cơ sở, điểm giết mổ thực hiện tốt tới khách hàng; hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung trong việc tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng và cộng đồng dân cư, giúp các doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu sản phẩm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi đã qua giết mổ trên thị trường.

3. Giải pháp về quản lý và nguồn nhân lực

3.1. Quản lý của chính quyền các cấp:

- Nâng cao vai trò quản lý của các cấp chính quyền, tăng cường sự phối hợp của cơ quan chuyên môn, lực lượng liên ngành và chính quyền địa phương trong việc tham mưu ban hành các văn bản quy định về công tác quản lý, thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, giết mổ động vật; xử lý các điểm, cơ sở giết mổ vi phạm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ cạnh tranh lành mạnh.

- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai và trực tiếp chỉ đạo tổ chức quản lý thực hiện việc quy hoạch chi tiết, tuyên truyền, kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư các cơ sở giết mổ nằm trong quy hoạch, Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý.

- Ủy ban nhân dân các cấp phối kết hợp với các ngành chức năng tăng cường, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở tập trung giết mổ, các điểm giết mổ nhỏ lẻ, đưa các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, cơ sở giết mổ và các điểm giết mổ vào hoạt động nề nếp đúng quy định. Đối với các điểm giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường, phải kiên quyết di dời đến địa điểm quy định hoặc đình chỉ hoạt động; xử lý nghiêm những hộ giết mổ, kinh doanh thực phẩm tươi sống không qua kiểm dịch, không có dấu kiểm soát giết mổ.

3.2. Quản lý của cơ quan chuyên môn:

Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc và giám sát chính quyền địa phương chỉ đạo và thực hiện các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn định mức kỹ thuật, các quy định về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, áp dụng các chế tài quản lý theo quy định tại cơ sở giết mổ, tại các chợ buôn bán thực phẩm; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực để thực hiện công tác quản lý, kiểm soát giết mổ.

3.3. Quản lý về nguồn nhân lực:

- Bổ sung cán bộ hợp đồng tại cấp huyện, xã để thực hiện công tác quản lý giết mổ; tổ chức đào tạo về kiểm soát giết mổ cho đội ngũ thú y cơ sở đủ điều kiện thực hiện công tác kiểm soát giết mổ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

- Đào tạo, tập huấn nghề cho các chủ hộ, cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật.

4. Giải pháp về đất đai, khoa học công nghệ và môi trường

- Các địa phương trong giai đoạn tới cần bổ sung nhu cầu sử dụng diện tích đất quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm;

- Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất dài hạn để các chủ đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh;

- Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm cùng với doanh nghiệp giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện giải quyết thủ tục thuê đất với thời gian ngắn nhất để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đặc biệt đối với cơ sở giết mổ tập trung.

- Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập bản cam kết bảo vệ môi trường đối với từng loại hình cơ sở giết mổ theo quy định.

- Khuyến khích các cơ sở giết mổ áp dụng các hình thức giết mổ treo, dây chuyền công nghiệp, bán công nghiệp, trang thiết bị bảo quản sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi chất lượng cao của thị trường.

5. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Thực hiện theo khung chính sách quy định tại: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ và Quyết định 394/2006/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 và Quyết định số 32/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

- Rà soát cơ chế, chính sách để bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung và tập trung giết mổ.

V. KHÁI TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

1. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản

- Xây dựng 16 cơ sở giết mổ tập trung, quy mô trên 200 con gia súc và 2.000 con gia cầm/ngày với chi phí đầu tư bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ... ước khoảng 7.000 triệu/cơ sở (chưa kể mặt bằng).

- Xây dựng 81 cơ sở tập trung giết mổ có quy mô từ 20 con gia súc và 100 con gia cầm/ngày trở lên tại các huyện, gồm: Đông Hưng 12 cơ sở, Hưng Hà 11 cơ sở, Quỳnh Phụ 12 cơ sở, Thái Thụy 12 cơ sở, Tiền Hải 11 cơ sở, Kiến Xương 11 cơ sở, Vũ Thư 12 cơ sở, với chi phí đầu tư ước khoảng 1.000 triệu đồng/cơ sở (chưa kể mặt bằng).

2. Hình thức đầu tư

- Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung gia súc, gia cầm;

- Khuyến khích các chủ lò mổ hiện tại trên địa bàn tự đầu tư nâng cấp cơ sở giết mổ theo các tiêu chí quy định.

VI. HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Hiệu quả kinh tế

- Sản xuất chăn nuôi sẽ phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng đàn vật nuôi do hoạt động giết mổ giúp tiêu thụ ổn định đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm (2009 - 2013) đạt 7,92%; ước tính trong giai đoạn 2015 - 2025 khi Đề án được phê duyệt thực hiện, đầu ra sản phẩm ổn định, tốc độ tăng trưởng dự kiến tăng 1,5 lần, bình quân đạt 10%. Ước giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 10% so với năm 2013, tương đương tăng 221.210 tỷ đồng.

- Tăng nguồn thu phí, lệ phí thực hiện công tác kiểm soát giết mổ; nguồn thu thuế từ hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm,...; ước tính thu khoảng 10 tỷ đồng/năm.

- Giảm chi phí ngân sách, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch do ngăn ngừa được dịch bệnh phát sinh, lây lan từ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

2. Hiệu quả về xã hội

- Đảm bảo được hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thú y, tạo tâm lý tin tưởng của người tiêu dùng vào sự quản lý của Nhà nước về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc từ động vật tươi sống, thay đổi dần thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực.

- Nâng cao sức khỏe, trí tuệ, sức lao động của người dân trong tỉnh góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

- Việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm làm tăng tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi qua chế biến và góp phần nâng cao hiệu quả cạnh tranh sản phẩm ngành chăn nuôi của tỉnh, giảm thiểu thiệt hại do các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra, giảm thiểu gánh nặng xã hội.

- Tạo điều kiện để ngành Thú y, ngành Y tế chủ động hơn trong việc quản lý dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái; góp phần tích cực ổn định đời sống nhân dân và tăng cường ổn định xã hội; tạo việc làm ổn định cho người lao động trong các cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm.

3. Hiệu quả về môi trường: Quản lý và thực hiện công tác giết mổ gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ giảm thiểu tác động xấu tới môi trường xung quanh và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để triển khai, thực hiện Đề án, với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai nội dung Đề án; hướng dẫn các huyện, thành phố quy hoạch chi tiết cơ sở giết mổ.

- Giám sát thực hiện Đề án, kịp thời phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản về quy định quản lý quy hoạch cơ sở giết mổ; quản lý kiểm soát giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với các sở chức năng xây dựng và điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện Đề án đã được phê duyệt có hiệu quả.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình kỹ thuật; đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ về quản lý, thực hiện công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.

- Đào tạo nguồn nhân lực để triển khai thực hiện quản lý kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế chính sách, bố trí kế hoạch vốn thực hiện Đề án;

- Hướng dẫn, thẩm định các dự án, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập quy hoạch hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

3. Sở Tài chính

- Cân đối, bố trí kinh phí thực hiện chính sách kích thích đầu tư phát triển các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy định hiện hành.

- Ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án.

4. Sở Công thương

- Dự báo nhu cầu của thị trường, phối hợp với các đơn vị liên quan quảng bá sản phẩm, khai thác và mở rộng thị trường đối với các sản phẩm gia súc, gia cầm qua giết mổ, chế biến tập trung.

- Kêu gọi tổ chức cá nhân vào đầu tư các cơ sở thu mua, giết mổ chế biến sản phẩm động vật.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan kiểm tra hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và các sản phẩm gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc triển khai, thực hiện quy hoạch chợ, cải tạo, nâng cấp các chợ có buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo các quy định hiện hành.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Căn cứ các quy định hiện hành và quy hoạch được phê duyệt, và các tài liệu có liên quan để chỉ đạo các cơ quan báo, đài các cấp tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước về ưu tiên, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tạo thói quen cho người tham gia giết mổ đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở tập trung giết mổ; phổ biến tác dụng, sự cần thiết cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn các sản phẩm gia súc, gia cầm qua giết mổ tập trung được quản lý và kiểm soát.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện quy hoạch. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất để xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cho các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

- Thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy định hiện hành. Hướng dẫn, quản lý chất thải, khí thải của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo tránh gây ô nhiễm môi trường.

7. Sở Y tế

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, xử lý các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, những bệnh truyền lây giữa người và động vật, về ngộ độc thực phẩm, làm thay đổi thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm của người dân theo hướng sử dụng thực phẩm an toàn, được kiểm soát giết mổ.

8. Công an tỉnh: Chủ trì phối hợp với cơ quan thú y, các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm; xử lý các vi phạm trong việc chấp hành quy định về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định.

9. Các sở, ngành và các tổ chức chính trị xã hội liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai thực hiện quy hoạch, tổ chức vận động tuyên truyền nhân dân tự giác chấp hành trong hoạt động giết mổ, kinh doanh các sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống theo các quy định hiện hành; tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống có nguồn gốc, có kiểm soát giết mổ,... để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố làm trưởng ban. Ban chỉ đạo huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh;

- Căn cứ Đề án của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện quy hoạch chi tiết các cơ sở giết mổ tập trung và tập trung giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý;

- Bố trí quỹ đất để quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ;

- Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ;

- Chỉ đạo các phòng chức năng, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện nội dung Đề án trên địa bàn quản lý;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giết mổ, thường xuyên thanh tra, kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động kinh doanh, giết mổ trái quy định. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

11. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã)

Thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Trưởng ban. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố về công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện nội dung Đề án trên địa bàn, bao gồm:

- Chấp hành việc quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ trên địa bàn xã theo quy hoạch, chỉ đạo của huyện, thành phố;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên ngành đánh giá, phân loại điểm giết mổ; chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện việc nâng cấp cải tạo điểm giết mổ đảm bảo đủ điều kiện về sinh thú y; xử lý và đình chỉ hoạt động những điểm giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn;

- Tuyên truyền, vận động đưa những hộ giết mổ vào cơ sở giết mổ đã quy hoạch xây dựng hoặc điểm giết mổ đã nâng cấp;

- Phối hợp với các ngành trong việc thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về giết mổ không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý;

- Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm./.

 

PHỤ LỤC 1

KẾT QUẢ SẢN XUẤT CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2009-2013
(Kèm theo Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 19/01/2015 của UBND tỉnh).

TT

Danh mục

ĐV tính

2009

2010

2011

2012

2013

1

Tổng đàn trâu, bò

con

70.906

69.942

65.211

54.213

49.910

 

Tổng đàn trâu

con

5.545

5.499

5.130

4.332

5.801

 

Tổng đàn bò

con

65.361

64.443

60.081

49.881

44.109

 

Sản lượng thịt hơi

tấn

2.749

3.043

3.369

3.565

3.837

2

Tổng đàn lợn

con

1.111.134

1.131.150

1.118.259

1.099.089

1.061.521

 

Tổng đàn lợn nái

con

221.742

222.157

211.776

202.526

196.720

 

Lợn đực giống

con

823

830

830

1.173

1.321

 

Tổng đàn lợn thịt

con

888.569

908.163

905.653

895.390

863.480

 

Sản lượng thịt hơi

tấn

145.714

161.441

173.999

181.326

187.583

 

SL thịt lợn sữa TP

tấn

6.262

6.117

6.490

5.979

6.072

3

Tổng đàn gia cầm

con

8.719.660

9.061.874

9.261.128

10.971.000

11.096.000

 

Tổng đàn gà

con

6.248.054

6.430.686

6.588.430

8.112.000

8.160.000

 

Đàn vịt, ngan, ngỗng

con

2.301.692

2.469.538

2.509.030

2.749.000

2.758.000

 

Gia cầm khác

con

169.914

161.468

163.668

110.000

178.000

 

Sản lượng thịt hơi

tấn

18.910

21.422

26.053

31.261

38.038

 

Sản lượng trứng

1000q

197.129

206.306

216.682

256.760

262.355

4

Tổng sản lượng thịt

tấn

173.960

192.506

211.475

223.476

236.940

5

GT SX Chăn nuôi

tỷ đ

1.758.191

1.905.051

2.054.166

2.197.212

2.346.402

6

Tỷ trọng CN trong SXNN

%

34,41

35,22

39,72

41,32

41,6

7

Tốc độ tăng

%

11,00

7,79

8,05

5,98

6,79

 

PHỤ LỤC 2

LƯỢNG TIÊU THỤ THỰC PHẨM HÀNG NGÀY CỦA TỈNH THÁI BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 19/01/2015 của UBND tỉnh).

ĐƠN VỊ

Trâu bò

Lợn

Gia cầm

Tổng tiêu thụ (kg/ngày)

Quy mô (con/ngày)

Tiêu thụ (kg/ngày)

Quy mô (con/ngày)

Tiêu thụ (kg/ngày)

Quy mô (con/ngày)

Tiêu thụ (kg/ngày)

Hưng Hà

8

780

249

20.838

216

868

22.486

Đông Hưng

6

530

283

23.106

210

460

24.096

Thành phố

2

305

156

12.755

1.106

2.119

15.179

Tiền Hải

5

260

274

21.801

161

521

22.582

Kiến Xương

9

1.190

260

19.280

236

482

20.952

Thái Thụy

19

1.140

307

23.330

285

644

25.114

Vũ Thư

23

2.520

286

23.678

298

701

26.899

Quỳnh Phụ

7

1.160

259

21.881

499

1.115

24.156

Tổng

79

7.885

2.074

166.667

3.011

6.910

181.462

(Số liệu điều tra tháng 12/2013)

 

PHỤ LỤC 3

SỐ LƯỢNG ĐIỂM GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 19/01/2015 của UBND tỉnh).

STT

Đơn vị

Số lượng điểm giết mổ (điểm)

Lợn

Gia cầm

Trâu bò

Hỗn hợp

Tổng số

1

Hưng Hà

215

19

6

0

240

2

Đông Hưng

208

37

4

3

252

3

Thành phố

86

44

4

1

135

4

Tiền Hải

175

12

5

2

194

5

Kiến Xương

208

18

5

7

238

6

Thái Thụy

285

32

15

0

332

7

Vũ Thư

203

36

19

0

258

8

Quỳnh Phụ

217

62

4

1

284

 

Tổng

1.597

260

62

14

1.933

(Số liệu điều tra tháng 12/2013)

 

PHỤ LỤC 4

DỰ KIẾN SỐ LƯỢNG VÀ DIỆN TÍCH CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC GIA CẦM GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 107/QĐ-UBND ngày 19/01/2015 của UBND tỉnh).

TT

ĐƠN VỊ

Cơ sở giết mổ tập trung xây mới

Cơ sở tập trung giết mổ xây mới

Tổng số
(cơ sở)

Số lượng (cơ sở)

Diện tích (m2/cơ sở)

Số lượng (cơ sở)

Diện tích (m2/cơ sở)

1

Hưng Hà

2

10.000

11

1.000

13

2

Đông Hưng

2

10.000

12

1.000

14

3

Thành phố

2

15.000

0

0

2

4

Tiền Hải

2

10.000

11

1.000

13

5

Kiến Xương

2

10.000

11

1.000

13

6

Thái Thụy

2

10.000

12

1.000

14

7

Vũ Thư

2

10.000

12

1.000

14

8

Quỳnh Phụ

2

10.000

12

1.000

14

Tổng

16

 

81

 

97

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 107/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Quy hoạch và Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Bình

  • Số hiệu: 107/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/01/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Phạm Văn Sinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản