Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1057/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

CÔNG BỐ HƯỚNG DẪN TẠM THỜI ÁP DỤNG MÔ HÌNH THÔNG TIN CÔNG TRÌNH (BIM) TRONG GIAI ĐOẠN THÍ ĐIỂM

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình;

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này Hướng dẫn tạm thời áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong giai đoạn thí điểm để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng trong quá trình thực hiện.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tập đoàn Kinh tế; Tổng Công ty Nhà nước;
- Các Cục, Vụ, trường ĐH, Học viện thuộc Bộ Xây dựng;
- Website của Bộ Xây dựng;
- Lưu: VT, VKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quang Hùng

 

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI

ÁP DỤNG MÔ HÌNH THÔNG TIN CÔNG TRÌNH (BIM) TRONG GIAI ĐOẠN THÍ ĐIỂM
(Công bố kèm theo Quyết định số 1057/QĐ-BXD ngày 11 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Mục lục

PHẦN I: HƯỚNG DẪN CHUNG

I. MỤC TIÊU CỦA TÀI LIỆU

II. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TÀI LIỆU

III. KHÁI NIỆM VÀ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA VIỆC TRIỂN KHAI BIM TRONG DỰ ÁN

IV. CÁC ỨNG DỤNG BIM

V. HƯỚNG DẪN SƠ BỘ QUY TRÌNH ÁP DỤNG BIM

1. Quy trình áp dụng BIM cho dự án thực hiện theo hình thức thiết kế-thi công

2. Quy trình áp dụng BIM cho dự án thực hiện theo hình thức thiết kế - đấu thầu - thi công

PHẦN II: MỘT SỐ NỘI DUNG HỢP ĐỒNG MẪU CHO CÁC DỰ ÁN ÁP DỤNG BIM

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

II. MẪU PHỤ LỤC BIM

PHẦN III: HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH CHI PHÍ TƯ VẤN ÁP DỤNG MÔ HÌNH THÔNG TIN CÔNG TRÌNH (BIM)

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

II. NỘI DUNG ĐỀ CƯƠNG THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TƯ VẤN BIM

III. NỘI DUNG DỰ TOÁN CHI PHÍ TƯ VẤN BIM

IV. CHI PHÍ TƯ VẤN BIM CHO MỘT SỐ BƯỚC THIẾT KẾ

PHẦN IV: HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THÔNG TIN TRONG BIM

I. GIỚI THIỆU CHUNG

II. VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM

1. Liên quan đến BIM

2. Liên quan đến nhóm dự án

III. MÔI TRƯỜNG DỮ LIỆU CHUNG

1. Khái niệm chung về Môi trường dữ liệu chung

2. Cấu trúc chung của CDE

3. Ứng dụng CDE

IV. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ THÔNG TIN

1. Đặt tên tập tin

2. Định vị không gian của dự án

3. Tiêu chuẩn CAD/BIM

PHẦN V: CHỈ DẪN VỀ MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN THÔNG TIN

I. GIỚI THIỆU CHUNG

II. MỤC ĐÍCH XÂY DỰNG ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT CỦA LOD

III. CÁC MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN

1. Mức độ phát triển thông tin 100 (LOD 100)

2. Mức độ phát triển thông tin 200 (LOD 200)

3. Mức độ phát triển thông tin 300 (LOD 300)

4. Mức độ phát triển thông tin 350 (LOD 350)

5. Mức độ phát triển thông tin 400 (LOD 400)

IV. TỔ CHỨC THÔNG TIN CỦA LOD

1. Phương pháp triển khai

2. Thiết lập yêu cầu đặc tính kỹ thuật của LOD

PHẦN VI: HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ YÊU CẦU THÔNG TIN

I. GIỚI THIỆU CHUNG

II. NỘI DUNG HỒ SƠ YÊU CẦU THÔNG TIN

1. Thông tin tổng quan

2. Nội dung về sản phẩm

3. Nội dung về quản lý

4. Nội dung về kỹ thuật

PHỤ LỤC I: MẪU BIỂU TRONG HỒ SƠ YÊU CẦU THÔNG TIN

Chỉ dẫn trao đổi dữ liệu

Kế hoạch trao đổi dữ liệu

Kinh nghiệm và năng lực BIM của nhà thầu

Các ứng dụng BIM

Vai trò và trách nhiệm của các chủ thể liên quan

Cấu trúc Môi trường dữ liệu chung

Các bộ phận/cấu kiện công trình trong mô hình BIM

Mức độ phát triển thông tin

Sản phẩm bàn giao

PHẦN VII: HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BIM

I. GIỚI THIỆU CHUNG

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BIM SƠ BỘ

1. Thông tin tổng quan

2. Các yêu cầu và tiến trình BIM

3. Chuyển giao và sản phẩm

4. Phối hợp

5. Các quy ước về thông tin/tài liệu

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BIM CHO DỰ ÁN

1. Phiên bản tài liệu

2. Các tiêu chuẩn áp dụng

3. Tổng quan về công trình và mục tiêu chiến lược

4. Các yêu cầu và tiến trình BIM

5. Kế hoạch triển khai

6. Các bên liên quan và trách nhiệm

7. Chuyển giao và sản phẩm

8. Phối hợp

9. Các quy ước về thông tin/tài liệu

10. Kết thúc và bàn giao dự án

PHỤ LỤC II: BIỂU MẪU TRONG HỒ SƠ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BIM

Các thành viên liên quan đến triển khai BIM trong dự án

Kế hoạch các cuộc họp

Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm

PHẦN VIII: MỘT SỐ THUẬT NGỮ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BIM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Danh mục Bảng

Bảng I.1. Một số ứng dụng BIM.

Bảng III.1. Nội dung Đề cương công việc tư vấn BIM.

Bảng III.2. Các khoản mục chi phí tư vấn BIM.

Bảng III.3. Bảng chi phí tư vấn BIM để thực hiện các công việc: Mô hình hóa và phối hợp đa bộ môn từ thiết kế truyền thống 2D cho một số bước thiết kế

Bảng IV.1. Các trường đặt tên tập tin

Bảng IV.2. Mã trạng thái.

Bảng V.1. Kết cấu bảng thành phần mô hình

Bảng V.2. Ví dụ thuộc tính thành phần.

 

PHẦN I: HƯỚNG DẪN CHUNG

I. Mục tiêu của tài liệu

Xây dựng các hướng dẫn về BIM là một trong những nhiệm vụ thuộc Đề án áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2500/QĐ- BXD ngày 22/12/2016.

Các nội dung trong tài liệu Hướng dẫn triển khai BIM này nhằm phác thảo một cách tổng quát về sản phẩm, quy trình, các nội dung cơ bản để triển khai áp dụng BIM trong giai đoạn thí điểm.

II. Hướng dẫn sử dụng tài liệu

Dưới đây là nhóm các tài liệu được biên soạn trong bộ Hướng dẫn triển khai BIM:

1. Hướng dẫn chung

Bao gồm chỉ dẫn về lựa chọn các ứng dụng BIM, giới thiệu các quy trình triển khai BIM cơ bản (Nội dung chi tiết xem Phần I của tài liệu Hướng dẫn).

2. Một số nội dung hợp đồng mẫu cho các dự án áp dụng BIM

Hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng liên quan đến việc áp dụng BIM trong dự án đầu tư xây dựng công trình: Trách nhiệm, nghĩa vụ, phân bố rủi ro, quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết xung đột giữa các bên liên quan (Nội dung chi tiết xem Phần II của tài liệu Hướng dẫn).

3. Hướng dẫn xác định chi phí tư vấn áp dụng BIM

Hướng dẫn xác định dự toán chi phí cho các công việc tư vấn BIM làm cơ sở để xác định giá gói thầu tư vấn, dự toán gói thầu tư vấn (Nội dung chi tiết hướng dẫn lập dự toán chi phí tư vấn BIM xem Phần III của tài liệu Hướng dẫn).

4. Hướng dẫn quản lý thông tin trong BIM

Hướng dẫn để quản lý thông tin trong đó yêu cầu phải thiết lập một Môi trường dữ liệu chung (Common Data Environment, viết tắt CDE) và các quy ước đặt tên thông tin/tài liệu khi triển khai một dự án ứng dụng BIM (Nội dung chi tiết xem Phần IV của tài liệu Hướng dẫn).

5. Chỉ dẫn về Mức độ phát triển thông tin (Level of Development, viết tắt LOD)

Đưa ra khái niệm các Mức độ phát triển thông tin (LOD) từ sơ khởi đến chi tiết, mà dựa vào đấy, tùy thuộc vào từng giai đoạn của quá trình thiết kế các bên liên quan lựa chọn mức độ thông tin phù hợp để triển khai (Nội dung chi tiết xem Phần V của tài liệu Hướng dẫn).

6. Hướng dẫn lập Hồ sơ yêu cầu thông tin (Employer’s Information Requirements, viết tắt EIR)

Tài liệu này hướng dẫn cụ thể việc lập các yêu cầu của Chủ đầu tư đối với việc ứng dụng BIM cho công trình dự kiến (Nội dung chi tiết xem Phần VI của tài liệu Hướng dẫn).

7. Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thực hiện BIM (BIM Execution Plan, viết tắt BEP)

Kế hoạch thực hiện BIM được lập bởi đơn vị thực hiện BIM để xác định tiến trình xây dựng mô hình BIM đáp ứng các yêu cầu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin (EIR). Tài liệu này hướng dẫn việc xây dựng Kế hoạch thực hiện BIM trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu và giai đoạn triển khai thực hiện BIM (Nội dung chi tiết xem Phần VII của tài liệu Hướng dẫn).

8. Một số thuật ngữ có liên quan đến BIM

Giới thiệu những thuật ngữ dịch ra tiếng Việt và từ gốc tiếng Anh kèm theo định nghĩa của một số thuật ngữ phổ biến có liên quan đến BIM.

III. Khái niệm và nguyên tắc cơ bản của việc triển khai BIM trong dự án

Hiện nay trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về BIM. Tuy nhiên một cách chung nhất có thể hiểu BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình thông tin kỹ thuật số cho các công tác từ thiết kế, thi công đến quản lý vận hành công trình.

Việc áp dụng quy trình BIM sẽ cho phép thông tin và dữ liệu được sản xuất dưới dạng số, tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi, hợp tác giữa các bên tham gia.

Những nguyên tắc và trình tự cơ bản cho việc Mô hình hóa thông tin công trình phục vụ hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình:

a) Người khởi tạo sản xuất thông tin trong các mô hình BIM mà mình kiểm soát, dựa trên các thông tin từ các mô hình BIM khác bằng cách tham chiếu, liên kết hoặc trao đổi thông tin trực tiếp.

b) Chủ đầu tư chuẩn bị Hồ sơ yêu cầu thông tin (EIR) trong đó xác định rõ ràng thông tin yêu cầu và các mốc quyết định quan trọng.

c) Đánh giá các giải pháp đề xuất, năng lực và khả năng của từng nhà cung cấp dịch vụ BIM để hoàn thiện các thông tin cần thiết trước khi ký hợp đồng chính thức.

d) Đơn vị thực hiện BIM xây dựng bản Kế hoạch thực hiện BIM (BEP) với nội dung chủ yếu bao gồm:

- Vai trò, trách nhiệm và quyền hạn các chủ thể tham gia.

- Các tiêu chuẩn, phương pháp và thủ tục thực hiện.

- Tổng thể các thông tin sẽ được chuyển giao phù hợp với nội dung công việc của dự án.

e) Tạo dựng một Môi trường dữ liệu chung (CDE) để lưu trữ, chia sẻ dữ liệu và thông tin của công trình, tất cả các cá nhân có liên quan trong quá trình tạo lập thông tin có thể được truy cập, sử dụng và duy trì nó.

Lưu ý: CDE có thể rất khác nhau giữa các dự án nhỏ và dự án lớn, có thể là các ứng dụng nhỏ chia sẻ file miễn phí dựa trên nền web hoặc là các phần mềm thương mại phức tạp.

f) Áp dụng các quy trình và thủ tục được nêu trong các tài liệu, hướng dẫn có liên quan.

g) Các mô hình BIM được xây dựng sử dụng một trong những bộ công cụ:

- Các phần mềm chuyên ngành khác nhau, với các cơ sở dữ liệu riêng biệt, và có hạn chế khả năng tương tác giữa chúng hoặc với các phần mềm phân tích thiết kế liên quan.

- Các phần mềm chuyên ngành khác nhau, với các cơ sở dữ liệu riêng biệt, tương thích hoàn toàn với nhau nhưng khả năng tương tác với các phần mềm phân tích thiết kế liên quan bị hạn chế.

- Các phần mềm chuyên ngành khác nhau, với cơ sở dữ liệu riêng biệt, có khả năng tương thích hoàn toàn với các phần mềm phân tích thiết kế liên quan.

- Một nền tảng phần mềm với cùng một cơ sở dữ liệu và tương thích hoàn toàn với các phần mềm phân tích thiết kế liên quan.

IV. Các ứng dụng BIM

Bảng I.1 dưới đây là các ứng dụng BIM phổ biến có thể triển khai được với công nghệ hiện tại. Chủ đầu tư và các bên liên quan có thể tham khảo để lựa chọn áp dụng phù hợp với nhu cầu và giai đoạn triển khai của dự án.

Bảng I.1. Một số ứng dụng BIM.

Nội dung áp dụng BIM

Mô tả công việc

Sản phẩm

Xây dựng mô hình hiện trạng

Xây dựng mô hình BIM của hiện trạng công trường/dự án

Phối cảnh khu vực dự án, mặt bằng bố trí hiện trạng công trường tại thời điểm xem xét, thể hiện được địa hình, địa vật, các điều kiện và cơ sở vật chất tại công trường/dự án

Mô hình hóa thông tin công trình (3D)

Chuyển đổi từ bản vẽ 2D sang mô hình BIM trong trường hợp chưa thực hiện thiết kế theo BIM

Mô hình BIM được dựng từ bản vẽ 2D đảm bảo được khả năng bóc tách được khối lượng công việc chủ yếu và nghiên cứu phương án thiết kế trong các giai đoạn, cung cấp các bản vẽ 2D cho các thành phần của công trình

Phối hợp đa bộ môn

Tích hợp các mô hình BIM riêng lẻ từng bộ môn vào mô hình liên kết. Xác định và giải quyết các xung đột thiết kế trước khi thi công. Cập nhật mô hình sau xử lý xung đột (nếu có yêu cầu)

Mô hình BIM đã được phối hợp các bộ môn thiết kế, bảng báo cáo xung đột của các bộ môn

Mô hình mô phỏng trình tự thi công

Lên kế hoạch trình tự xây dựng trên cơ sở BIM

Bản tiến độ thi công, mô hình mô phỏng tiến trình thi công theo thời gian thực

Bố trí mặt bằng thi công công trình

Mô tả trực quan và xây dựng mô hình BIM cho hiện trạng công trường, dự kiến bố trí thiết bị, kho bãi, giao thông nội bộ công trường

Mô hình BIM bố trí mặt bằng thi công công trường tại thời điểm xem xét, thể hiện được các điều kiện, cơ sở vật chất tại công trường, phân bố giao thông nội bộ của công trường

Mô hình hoàn công công trình

Bàn giao mô hình hoàn công cho chủ đầu tư để quản lý cơ sở, trang thiết bị

Mô hình BIM hoàn công bao gồm thông tin về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại công trường (lịch sử lắp đặt, danh mục, thông số kỹ thuật..)

Nhập thông tin dữ liệu và xây dựng kế hoạch bảo trì công trình

Nhập thông tin dữ liệu phục vụ quản lý vận hành và xây dựng kế hoạch bảo trì công trình

Mô hình BIM phục vụ quản lý vận hành công trình và kế hoạch bảo trì

Các công việc khác

Theo yêu cầu cụ thể

Theo yêu cầu cụ thể

V. Hướng dẫn sơ bộ quy trình áp dụng BIM

1. Quy trình áp dụng BIM cho dự án thực hiện theo hình thức thiết kế-thi công

Khi thực hiện dự án theo hình thức thiết kế - thi công chỉ cần xây dựng một mô hình BIM duy nhất để xuất các hồ sơ, bản vẽ thi công và chế tạo cấu kiện cho công trình. Quy trình cụ thể:

a. Thiết lập Kế hoạch thực hiện BIM trước khi mô hình hóa.

b. Đội ngũ thiết kế phối hợp với đội ngũ thi công tạo ra mô hình BIM để đáp ứng yêu cầu dự án được xác định trước.

c. Tích hợp các mô hình BIM vào một mô hình để phối hợp và phát hiện va chạm, xung đột.

d. Các va chạm, xung đột sẽ được giải quyết trong các cuộc họp điều phối.

e. Khi tất cả các va chạm, xung đột đã được giải quyết, hồ sơ thi công có thể được xuất ra.

f. Đội ngũ thiết kế - thi công sẽ tổ chức các cuộc họp theo kế hoạch thi công để xem xét việc sử dụng mô hình BIM trong quản lý thi công ngoài hiện trường hiện trường.

2. Quy trình áp dụng BIM cho dự án thực hiện theo hình thức thiết kế - đấu thầu - thi công

Khi thực hiện dự án theo hình thức Thiết kế - Đấu thầu - Thi công truyền thống quá trình mô hình hóa BIM chia thành 2 giai đoạn: thiết kế và thi công. Đơn vị tư vấn (Tư vấn BIM hoặc tư vấn thiết kế) xây dựng mô hình BIM trong giai đoạn thiết kế. Tư vấn BIM hoặc nhà thầu thi công xây dựng xây dựng mô hình BIM cho mục đích thi công.

Giai đoạn trước đấu thầu

a. Thiết lập Kế hoạch thực hiện BIM trước khi mô hình hóa.

b. Đội ngũ thiết kế hoặc tư vấn BIM xây dựng mô hình BIM theo từng bộ môn.

c. Tạo mô hình liên kết đa bộ môn để phối hợp và phát hiện va chạm, xung đột.

d. Va chạm, xung đột sẽ được giải quyết trong các cuộc họp phối hợp.

e. Nộp hồ sơ thiết kế sau khi xử lý va chạm, xung đột.

Giai đoạn thi công

a. Mô hình BIM và các bản vẽ sẽ được phát hành cho nhà thầu chính để tham chiếu.

b. Tư vấn BIM hoặc Nhà thầu chính sẽ xây dựng các mô hình tiếp theo với các chi tiết thi công và chế tạo với đầy đủ chú thích cho/bởi các nhà thầu phụ.

 

PHẦN II: MỘT SỐ NỘI DUNG HỢP ĐỒNG MẪU CHO CÁC DỰ ÁN ÁP DỤNG BIM

I. Hướng dẫn chung

1. Một số nội dung hợp đồng mẫu nêu trong Hướng dẫn này để các tổ chức, cá nhân tham khảo khi soạn thảo hợp đồng có liên quan đến việc áp dụng BIM cho dự án đầu tư xây dựng.

2. Để giảm thiểu tối đa việc điều chỉnh khi áp dụng mẫu Hợp đồng đã được ban hành, các nội dung quy định liên quan đến BIM nên được soạn thảo theo hình thức Phụ lục hợp đồng bổ sung vào Hợp đồng chính (Hợp đồng Tư vấn xây dựng, Hợp đồng thi công xây dựng công trình, Thiết kế và thi công xây dựng công trình, Hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC)).

Tham khảo Mẫu Phụ lục BIM kèm theo tài liệu này.

3. Trong trường hợp cần thiết soạn thảo Hợp đồng tư vấn BIM độc lập thì các bên vận dụng các quy định đã được ban hành liên quan đến hợp đồng tư vấn xây dựng, nội dung hướng dẫn nêu trong mẫu Phụ lục BIM, tham khảo các mẫu hợp đồng tương tự được cơ quan Nhà nước ban hành để thực hiện cho phù hợp.

4. Các thỏa thuận của các bên về nội dung, khối lượng công việc và sản phẩm BIM trong Hợp đồng phải phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất, Kế hoạch thực hiện BIM, các biên bản đàm phán hợp đồng.

II. Mẫu Phụ lục BIM

ĐIỀU 1. CÁC ĐỊNH NGHĨA VÀ DIỄN GIẢI

Tham khảo tại Phần VIII: Một số thuật ngữ có liên quan đến BIM để định nghĩa những từ sau:

1.1. Hướng dẫn BIM: Văn bản hướng dẫn việc áp dụng BIM được quy định trong Hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không quy định rõ sẽ áp dụng hướng dẫn nào thì văn bản hướng dẫn BIM mới nhất do Bộ Xây dựng công bố sẽ được sử dụng.

1.2. Dự án: Một dự án thiết kế, thi công hoặc quản lý vận hành mà công cụ phần mềm BIM được sử dụng chủ đạo cho việc tạo ra các mô hình BIM, các bản vẽ, các tài liệu, các thông số kỹ thuật...

1.3. Bên thiết kế: Đề cập chủ yếu đến kiến trúc sư và các kỹ sư tham gia vào giai đoạn thiết kế.

1.4. Đóng góp: Các thiết kế, dữ liệu, thể hiện hoặc thông tin mà một bên trong Dự án tạo ra hoặc chuẩn bị và chia sẻ với các bên khác trong Dự án để sử dụng trong hoặc liên quan đến một Mô hình được phát hành. Đóng góp bao gồm một mô hình được phát hành.

1.5. Mô hình hóa thông tin công trình: Mô hình hóa thông tin công trình (BIM) là một tập hợp các công nghệ, quy trình và chính sách cho phép nhiều bên liên quan hợp tác thiết kế, xây dựng và vận hành công trình trong không gian ảo.

1.6. Hợp đồng chính: Các hợp đồng tư vấn, xây lắp, cung ứng hoặc các dạng hợp đồng khác mà các bên ký kết để hình thành dự án.

1.7. Mô hình BIM: Mô hình thông tin công trình (BIModel) là mô hình số hóa 3D chứa dữ liệu thông tin công trình dựa trên đối tượng được tạo bởi các bên tham gia dự án sử dụng công cụ phần mềm BIM.

1.8. Kế hoạch thực hiện BIM: Kế hoạch thực hiện BIM (BEP) được lập bởi nhà thầu để làm rõ việc đáp ứng yêu cầu thông tin của Chủ đầu tư (EIR). Kế hoạch thực hiện BIM làm rõ vai trò và trách nhiệm, tiêu chuẩn được áp dụng và các quy trình theo sau.

1.9. Nhà quản lý BIM: Nhà quản lý BIM chịu trách nhiệm xác định chiến lược xây dựng và quản lý thông tin BIM; bao gồm cả những bản vẽ cần phát hành.

1.10. Phụ lục BIM: chính là tài liệu này.

1.11. Tác giả mô hình BIM: Bên có trách nhiệm phát triển nội dung của mô hình với mức độ chi tiết cần thiết theo yêu cầu của Dự án. Các tác giả mô hình được xác định trong Kế hoạch thực hiện BIM.

1.12. Người dùng mô hình BIM: Là người sử dụng Mô hình trong Dự án, như sử dụng cho phân tích, lập dự toán hoặc lên kế hoạch tiến độ hoặc để lập các Mô hình khác. Người dùng mô hình BIM cũng có thể bao gồm Tác giả của mô hình BIM khác.

1.13. Mô hình BIM được phát hành: Mô hình BIM do Tác giả mô hình BIM phát hành theo các yêu cầu như đã thống nhất trong Kế hoạch thực hiện BIM.

ĐIỀU 2. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

2.1. Các bên trong Hợp đồng chính khi muốn triển khai BIM cho Dự án sẽ bổ sung thêm bản Phụ lục BIM này vào Hợp đồng chính.

2.2. Bất kỳ bên nào tham gia Dự án có các Phụ lục BIM trong Hợp đồng chính sẽ bổ sung Phụ lục BIM vào trong hợp đồng với tất cả các tư vấn phụ, thầu phụ, hoặc nhà cung cấp có liên quan đến việc thực hiện BIM cho Dự án.

2.3. Trừ khi được quy định rõ ràng trong Phụ lục BIM, việc triển khai BIM không thay đổi bất kỳ mối quan hệ hợp đồng nào hoặc chuyển dịch bất kỳ rủi ro nào của các bên trong Dự án như đã được thỏa thuận trong Hợp đồng chính.

2.4. Không có Điều nào trong Phụ lục BIM sẽ làm giảm nghĩa vụ, vai trò và trách nhiệm của Bên thiết kế trong phạm vi thiết kế của mình.

2.5. Sự tham gia của nhà thầu, các nhà thầu phụ hoặc các nhà cung cấp trong việc thực hiện BIM sẽ không bao gồm công việc thực hiện các dịch vụ thiết kế trừ khi nhà thầu, nhà thầu phụ hoặc nhà cung cấp của dự án nhận trách nhiệm thiết kế theo các Hợp đồng chính của mình.

2.6. Trừ khi được yêu cầu rõ ràng trong Kế hoạch thực hiện BIM, Mô hình BIM không nhằm cung cấp mức độ chi tiết cần thiết để trích xuất chính xác vật tư, thông số kỹ thuật, hoặc khối lượng dự toán.

2.7. Tất cả các kích thước trong Mô hình BIM sẽ được xác minh tại công trường trước khi bắt đầu xây dựng.

2.8. Nếu bất kỳ bên nào trong dự án phát hiện ra bất kỳ sự khác biệt nào giữa phiên bản mới nhất được phát hành bởi một Tác giả mô hình BIM này với một Tác giả mô hình BIM khác hoặc với bất kỳ điều khoản hợp đồng nào trong Hợp đồng chính, bên đó sẽ thông báo ngay cho Nhà quản lý BIM, người sẽ tiến hành giải quyết các khác biệt.

2.9. Trong trường hợp có khác biệt về nội dung giữa Mô hình thiết kế và bất kỳ Mô hình nào khác thì nội dung trong Mô hình thiết kế sẽ được sử dụng.

2.10. Trong trường hợp có sự không nhất quán giữa Phụ lục BIM và các điều khoản có liên quan trong Hợp đồng chính, các quy định trong Phụ lục BIM sẽ được áp dụng.

ĐIỀU 3. QUẢN LÝ BIM

3.1. Chủ đầu tư sẽ chỉ định một hoặc nhiều Nhà quản lý BIM cho Dự án. Mọi chi phí liên quan đến Nhà quản lý BIM sẽ do Chủ đầu tư thanh toán trừ khi các bên trong Dự án có thoả thuận khác.

3.2. Vai trò và trách nhiệm của Nhà quản lý BIM được quy định trong Hướng dẫn BIM, trừ khi có thoả thuận khác trong Kế hoạch thực hiện BIM.

ĐIỀU 4. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BIM

4.1. Ngay khi có thể bắt đầu và theo tiến độ hoặc theo yêu cầu, Nhà quản lý BIM sẽ tập trung tất cả các bên tham gia vào Dự án liên quan đến việc thực hiện BIM để trao đổi và thỏa thuận các Điều khoản hoặc sửa đổi Kế hoạch thực hiện BIM. Các bên liên quan sẽ nỗ lực cao nhất để thỏa thuận các điều khoản hoặc sửa đổi Kế hoạch thực hiện BIM.

4.2. Kế hoạch thực hiện BIM sẽ được xây dựng theo Hướng dẫn BIM.

4.3. Nhà quản lý BIM sẽ lưu trữ lịch sử của tất cả các Mô hình BIM được phát hành.

4.4. Nhà quản lý BIM sẽ lên lịch trình và điều phối tất cả các cuộc họp liên quan đến BIM. Trong trường hợp có bất kỳ sự không đồng ý về các điều khoản hoặc sửa đổi Kế hoạch thực hiện BIM, quyết định của Nhà quản lý BIM sẽ là quyết định cuối cùng.

4.5. Nếu theo Kế hoạch thực hiện BIM, bất kỳ bên nào được yêu cầu thực hiện hoặc thực hiện bất kỳ công việc nào vượt quá phạm vi công việc của mình theo Hợp đồng chính của nó thì công việc đó sẽ được coi là các công việc bổ sung theo Hợp đồng Chính. Bên thực hiện các công việc bổ sung trước khi bắt đầu tiến hành phải có được sự đồng ý trước bằng văn bản của bên đối tác trong Hợp đồng chính.

4.6. Nhà quản lý BIM sẽ báo cáo và đảm bảo Chủ đầu tư luôn được thông báo về mọi vấn đề và Kế hoạch thực hiện BIM.

ĐIỀU 5. PHÂN BỔ RỦI RO

5.1. Các đóng góp của mỗi Tác giả mô hình BIM sẽ được chia sẻ với các Người dùng mô hình BIM trong suốt quá trình thực hiện dự án.

5.2. Chiếu theo Điều 6 trong việc đóng góp nội dung cho Mô hình BIM, Tác giả mô hình BIM không chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nội dung đã cung cấp hoặc với phần mềm được sử dụng để tạo ra nội dung. Bất kỳ quyền sử dụng, sửa đổi, hoặc chuyển giao Mô hình BIM của Người dùng mô hình BIM sẽ được hạn chế trong việc thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành Dự án và không có điều khoản nào trong Phụ lục BIM này cho phép chuyển quyền sử dụng mô hình cho các mục đích khác.

5.3. Mặc dù một số nội dung cụ thể của Mô hình BIM được phát hành có thể bao gồm các dữ liệu vượt quá mức độ chi tiết được quy định trong Kế hoạch thực hiện BIM, Người dùng mô hình BIM có thể chỉ dựa vào tính chính xác và đầy đủ của một Mô hình BIM được Phát hành chỉ trong phạm vi bắt buộc đối với mức độ chi tiết được xác định trong Kế hoạch thực hiện BIM.

5.4. Người dùng mô hình BIM sẽ phải chịu rủi ro và không quy kết trách nhiệm cho Tác giả mô hình BIM khi sử dụng hoặc tin cậy vào nội dung của Mô hình BIM được phát hành vượt quá mức chi tiết được quy định trong Kế hoạch thực hiện BIM. Người dùng mô hình BIM sẽ bồi thường và bảo vệ Tác giả mô hình BIM cho tất cả các khiếu nại phát sinh từ hoặc liên quan đến các sửa đổi không được phép của Người dùng mô hình BIM đó hoặc sử dụng nội dung của Tác giả mô hình BIM.

5.5. Nếu bất kỳ Mô hình BIM được phát hành nào được đưa vào trong các tài liệu hợp đồng trong bất kỳ Hợp đồng chính nào, các bên có thể dựa vào tính chính xác của thông tin trong Mô hình BIM được phát hành chỉ trong phạm vi được quy định trong Kế hoạch thực hiện BIM.

5.6. Mỗi bên trong Dự án phải nỗ lực tối đa để giảm thiểu nguy cơ các yêu cầu bồi thường và trách nhiệm pháp lý phát sinh từ hoặc liên quan đến việc sử dụng các Mô hình BIM được phát hành của mình. Những nỗ lực này có thể bao gồm việc báo cáo ngay cho bên liên quan và Nhà quản lý BIM bất kỳ sai sót, mâu thuẫn hoặc thiếu sót nào phát hiện ra trong Mô hình BIM được phát hành.

5.7. Tác giả mô hình BIM không phải chịu trách nhiệm về chi phí, trách nhiệm pháp lý, hoặc thiệt hại có thể phát sinh từ việc sử dụng nội dung Mô hình BIM nằm ngoài phạm vi sử dụng đề ra trong Kế hoạch thực hiện BIM.

ĐIỀU 6. QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI MÔ HÌNH BIM

6.1. Mỗi Tác giả mô hình BIM bảo đảm rằng mình sở hữu bản quyền đối với các Đóng góp của mình hoặc là được cấp phép bởi chủ sở hữu bản quyền đối với các Đóng góp.

6.2. Theo Điều khoản 5.4, mỗi Tác giả mô hình BIM đồng ý bồi thường cho Người dùng mô hình BIM trong trường hợp có khiếu nại của bên thứ ba đối với vi phạm hoặc cáo buộc vi phạm bản quyền trong Đóng góp của Tác giả mô hình BIM.

6.3. Mỗi Tác giả mô hình BIM trao cho Người dùng mô hình BIM một quyền sử dụng hạn chế, không độc quyền để sao chép, phân phối, hiển thị hoặc sử dụng Đóng góp của Tác giả mô hình BIM đó cho một mục đích duy nhất là để thực hiện BIM trong Dự án. Quyền sử dụng hạn chế được cấp trong điều khoản này sẽ bao gồm bất kỳ mục đích lưu trữ nào được cho phép trong Phụ lục BIM hoặc trong Hợp đồng chính của của Tác giả mô hình BIM. Sau khi hoàn thành Dự án, quyền sử dụng không độc quyền sẽ được giới hạn trong việc lưu trữ một bản sao liên quan đến các Đóng góp cho dự án.

6.4. Quyền của Chủ đầu tư trong việc sử dụng bất kỳ Mô hình được phát hành và Đóng góp nào sau khi hoàn thành Dự án sẽ được điều chỉnh bởi Hợp đồng chính với Tác giả mô hình BIM.

6.5. Trong trường hợp không có ngôn ngữ rõ ràng quy định khác đi trong Hợp đồng chính hoặc trong Phụ lục BIM thì các bên hiểu rằng không có quy định nào trong phụ lục BIM này giới hạn, chuyển giao hoặc ảnh hưởng đến bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào mà một bên sở hữu đối với Đóng góp của bên đó. Các bên khác, cá nhân hoặc tổ chức cung cấp Đóng góp cho một Mô hình sẽ không được coi là đồng tác giả đối với Đóng góp của các bên khác vào Dự án.

 

PHẦN III: HƯỚNG DẪN XÁC ĐỊNH CHI PHÍ TƯ VẤN ÁP DỤNG MÔ HÌNH THÔNG TIN CÔNG TRÌNH (BIM)

I. Hướng dẫn chung

1. Chi phí tư vấn áp dụng Mô hình thông tin công trình (sau đây gọi tắt là chi phí tư vấn BIM) được xác định bằng dự toán chi phí làm cơ sở để xác định giá gói thầu tư vấn, dự toán gói thầu tư vấn phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng.

2. Nội dung dự toán chi phí tư vấn BIM phải phù hợp với nội dung, phạm vi công việc thể hiện trong Đề cương thực hiện công việc tư vấn BIM đã được Chủ đầu tư chấp thuận.

3. Chi phí tư vấn BIM được bổ sung thêm vào khoản chi phí tư vấn đầu tư xây dựng xác định theo định mức chi phí đã được cơ quan có thẩm quyền công bố.

4. Trường hợp áp dụng BIM trong giai đoạn thi công, chi phí tư vấn BIM do Chủ đầu tư và Nhà thầu thi công thỏa thuận xác định phù hợp với nội dung công việc thực hiện BIM.

II. Nội dung Đề cương thực hiện công việc tư vấn BIM

Đề cương thực hiện công việc tư vấn BIM gồm các nội dung chính sau:

Bảng III.1. Nội dung Đề cương công việc tư vấn BIM.

STT

Nội dung

Yêu cầu

1

Giới thiệu chung về dự án

Giới thiệu tóm tắt về dự án đầu tư xây dựng (Chủ trương đầu tư, vị trí, đặc điểm dự án, quy mô diện tích, quy mô đầu tư,…)

2

Mục tiêu của công việc tư vấn BIM trong dự án

Mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của việc tư vấn BIM trong dự án

3

Cơ sở pháp lý

Các căn cứ pháp lý có liên quan đến dự án đầu tư xây dựng, thực hiện tư vấn BIM, lập dự toán chi phí tư vấn BIM,..

4

Phạm vi công việc tư vấn BIM

Làm rõ phạm vi các công việc cụ thể

5

Giải pháp tư vấn BIM để thực hiện các nhiệm vụ và sản phẩm chuyển giao

- Xác định các giải pháp tư vấn BIM (nền tảng phần mềm, định dạng trao đổi dữ liệu, mức độ chi tiết,…)

- Dự kiến thời gian thực hiện cho từng hoạt động theo nhiệm vụ

- Xác định các sản phẩm chuyển giao cho Chủ đầu tư theo các mốc thời gian tương ứng (Đáp ứng yêu cầu về chất lượng và số lượng)

6

Năng lực chuyên gia thực hiện công việc tư vấn BIM

- Tóm lược yêu cầu chung về đội ngũ chuyên gia tư vấn (số lượng, loại chuyên gia);

- Làm rõ trách nhiệm cụ thể của từng chuyên gia, vị trí đảm nhiệm trong việc thực hiện công việc tư vấn;

- Yêu cầu về năng lực chuyên gia: bằng cấp chuyên gia, số năm kinh nghiệm hoạt động trong vị trí đảm nhiệm; các kỹ năng của chuyên gia (quản lý, phân tích, ngoại ngữ, sử dụng phần mềm,…)

7

Năng lực máy, thiết bị, phần mềm để thực hiện công việc tư vấn BIM

Xác định cụ thể các loại máy móc, thiết bị, phần mềm cần thiết để thực hiện công việc tư vấn BIM

8

Tiến độ thực hiện công việc

- Xây dựng biểu đồ tiến độ thực hiện các công việc cụ thể thuộc nội dung công việc tư vấn BIM

- Dự kiến bố trí từng loại nhân sự thực hiện công việc cụ thể

III. Nội dung dự toán chi phí tư vấn BIM

Dự toán chi phí tư vấn BIM được xác định như sau:

Dự toán chi phí tư vấn BIM = Ccg+Cql+Ck+TN+VAT+Cdp

Bảng III.2. Các khoản mục chi phí tư vấn BIM.

STT

Khoản mục chi phí

Diễn giải

Giá trị
(đồng)

Ký hiệu

1

Chi phí chuyên gia

 

 

Ccg

2

Chi phí quản lý

50% ÷55% x (Ccg)

 

Cql

3

Chi phí khác

 

 

Ck

4

Thu nhập chịu thuế tính trước

6% x (Ccg+Cql)

 

TN

5

Thuế giá trị gia tăng

% x (Ccg+Cql+TN+Ck)

 

VAT

6

Chi phí dự phòng

% x (Ccg+Cql+Ck+TN+VAT)

 

Cdp

 

Tổng cộng:

Ccg+Cql+Ck+TN+VAT+Cdp

 

Ctv

Trong đó:

a) Chi phí chuyên gia (Ccg): Căn cứ vào số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia (số lượng tháng - người, ngày - người hoặc giờ - người) và tiền lương của chuyên gia.

- Số lượng chuyên gia, thời gian làm việc của chuyên gia (gồm các kiến trúc sư, kỹ sư,…): Được xác định theo yêu cầu cụ thể về nội dung, tiến độ thực hiện của từng loại công việc tư vấn BIM, yêu cầu về trình độ chuyên môn, vị trí đảm nhiệm của từng loại chuyên gia tư vấn... Việc dự kiến số lượng, loại chuyên gia và thời gian thực hiện của từng chuyên gia được thể hiện trong đề cương, phương án thực hiện công việc tư vấn. Đề cương, phương án thực hiện công việc tư vấn phải phù hợp với nội dung, tiến độ thực hiện của công việc tư vấn cần lập dự toán.

- Tiền lương chuyên gia tư vấn được xác định trên cơ sở mức tiền lương chuyên gia trên thị trường hoặc theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tương ứng với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của chuyên gia tư vấn.

b) Chi phí quản lý (Cql): là khoản chi phí liên quan đến hoạt động quản lý của tổ chức tư vấn gồm: Tiền lương của bộ phận quản lý, chi phí duy trì hoạt động của tổ chức tư vấn, chi phí văn phòng làm việc, chi phí bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp... Chi phí quản lý xác định bằng 50% - 55% của chi phí chuyên gia.

c) Chi phí khác (Ck): gồm chi phí văn phòng phẩm; chi phí khấu hao thiết bị, phần mềm; chi phí hội nghị, hội thảo và các khoản chi phí khác (nếu có).

- Chi phí hội nghị, hội thảo: Dự kiến trên cơ sở nhu cầu cần thiết của từng loại công việc tư vấn.

- Chi phí văn phòng phẩm: Dự kiến trên cơ sở nhu cầu văn phòng phẩm cần thiết của từng loại công việc tư vấn.

- Chi phí khấu hao thiết bị, phần mềm: Dự kiến theo nhu cầu, số lượng thiết bị, thời gian sử dụng thiết bị, phần mềm để thực hiện công việc tư vấn. Giá thiết bị là mức giá phổ biến trên thị trường, tỷ lệ khấu hao thiết bị xác định theo quy định hiện hành.

- Các khoản chi phí khác (nếu có): Xác định theo dự kiến nhu cầu cần thực hiện của từng loại công việc tư vấn.

d) Thu nhập chịu thuế tính trước (TN): Xác định bằng 6% của (Chi phí chuyên gia + Chi phí quản lý).

e) Thuế giá trị gia tăng (VAT): Thuế suất thuế giá trị gia tăng xác định theo quy định hiện hành. Hiện nay là 10% trên tổng chi phí chuyên gia; chi phí quản lý; chi phí khác và thu nhập chịu thuế tính trước.

f) Chi phí dự phòng (Cdp): Là khoản chi phí cho những phát sinh trong quá trình thực hiện công việc tư vấn. Chi phí dự phòng xác định tối đa không quá 10% so với toàn bộ các khoản chi phí nói trên.

IV. Chi phí tư vấn BIM cho một số bước thiết kế

- Chi phí tư vấn BIM tại bảng dưới đây để Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và các tổ chức có liên quan tham khảo khi xác định dự toán chi phí hoặc dự trù kinh phí trong tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng.

- Chi phí tư vấn BIM tại bảng dưới đây để thực hiện các công việc: mô hình hóa 3D và phối hợp BIM 3D từ thiết kế truyền thống 2D cho toàn bộ công trình (không bao gồm mô hình hóa chi tiết thiết bị).

- Chi phí tư vấn BIM tại bảng dưới đây xác định theo quy mô chi phí xây dựng của dự án hoặc công trình hoặc gói thầu xây dựng có yêu cầu sử dụng BIM.

- Chi phí tư vấn BIM tại bảng dưới đây bao gồm các khoản chi phí: Chi trả cho chuyên gia trực tiếp thực hiện công việc tư vấn, chi phí quản lý của tổ chức tư vấn, chi phí khác (gồm cả chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp), thu nhập chịu thuế tính trước nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.


Bảng III.3. Bảng chi phí tư vấn BIM để thực hiện các công việc: Mô hình hóa và phối hợp đa bộ môn từ thiết kế truyền thống 2D cho một số bước thiết kế.

Đơn vị tính: triệu đồng

Chi phí xây dựng (chưa có thuế GTGT) (tỷ đồng)

<200

500

1.000

2.000

5.000

8.000

≥10.000

Áp dụng trong giai đoạn lập thiết kế cơ sở

100 - 200

150 - 300

250 - 500

450 - 750

600 - 900

800 - 1.200

1.000 - 1.400

Áp dụng trong giai đoạn lập thiết kế kỹ thuật

200 - 400

300 - 700

600 - 1.000

900 - 1.800

1.700 - 2.800

2.100 - 3.500

2.300 - 4.000

Áp dụng trong giai đoạn lập thiết kế bản vẽ thi công

300 - 500

400 - 800

700 - 1.200

1.100 - 2.000

1.900 - 3.300

2.800 - 4.000

3.000 - 4.500

Ghi chú:

- Chi phí tư vấn BIM tại bảng dưới đây xác định cho công việc tư vấn BIM được lập lần đầu trong từng bước thiết kế. Trường hợp sử dụng lại sản phẩm tư vấn BIM của bước thiết kế trước thì chi phí tư vấn BIM ở bước tiếp theo điều chỉnh giảm với hệ số k = 0,6.

- Quy mô chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị gia tăng) để xác định chi phí tư vấn BIM trong bước thiết kế cơ sở xác định trong sơ bộ tổng mức đầu tư của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt hoặc ước tính theo suất vốn đầu tư, dữ liệu chi phí của các dự án có tính chất, quy mô tương tự đã hoặc đang thực hiện.

- Quy mô chi phí xây dựng (chưa có thuế giá trị gia tăng) để xác định chi phí tư vấn BIM trong bước thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công xác định trong tổng mức đầu tư được duyệt.


PHẦN IV: HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THÔNG TIN TRONG BIM

I. Giới thiệu chung

Tài liệu này đưa ra hướng dẫn một số nội dung mà các bên tham gia dự án cần được quy định rõ ràng trước khi bắt đầu thực hiện áp dụng BIM cho dự án:

- Xác định “Vai trò và trách nhiệm” cụ thể của từng bên tham gia.

- Thiết lập “Môi trường dữ liệu chung” duy nhất cho dự án.

- Sử dụng chung “Các quy ước về thông tin/tài liệu”.

Tài liệu này có tham khảo Chỉ dẫn kỹ thuật về quản lý thông tin cho giai đoạn đầu tư/chuyển giao dự án đầu tư xây dựng sử dụng BIM (PAS 1192-2:2013) và Tiêu chuẩn về phối hợp tạo lập thông tin kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng (BS 1192:2007 + A2:2016) của Vương quốc Anh.

II. Vai trò và trách nhiệm

Vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của các thành viên tham gia nên được thống nhất trước cho từng dự án. Đối với các dự án nhỏ, một thành viên trong đội ngũ dự án có thể kiêm nhiệm nhiều vai trò. Dưới đây là một số chức danh trong dự án có áp dụng BIM để các bên tham khảo trong quá trình triển khai:

1. Liên quan đến BIM

a. Nhà quản lý BIM

Nhà quản lý BIM chịu trách nhiệm xác định chiến lược xây dựng và quản lý Mô hình BIM bao gồm cả những bản vẽ cần phát hành. Nhà quản lý BIM chịu trách nhiệm:

- Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch.

- Quản lý nhóm chiến lược triển khai công việc.

- Tìm hiểu những công nghệ mới để thực hiện BIM.

- Xác nhận tiêu chuẩn BIM dự án cho đội ngũ thiết kế trong dự án.

- Tổ chức xây dựng Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án.

- Xác nhận những nội dung thông tin chung cho nhóm thiết kế.

- Phối hợp với Nhà quản lý thông tin để đảm bảo những yêu cầu được thực hiện trong môi trường BIM cho giai đoạn quản lý vận hành.

- Thiết lập quy trình trao đổi dữ liệu cho toàn dự án trong tất cả các giai đoạn.

- Đảm bảo mô hình liên kết đa bộ môn đạt yêu cầu.

b. Nhà điều phối BIM

Nhà điều phối BIM chịu trách nhiệm duy trì việc tạo lập thông tin và đảm bảo chất lượng:

- Tham gia xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án.

- Cập nhật Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án trong quá trình triển khai.

- Chỉ đạo lập kế hoạch, thiết lập và duy trì các file dữ liệu.

- Đảm bảo các bên có liên quan thống nhất về Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án.

- Xác định và tạo điều kiện cho việc triển khai đào tạo nhân sự phù hợp với chiến lược thực hiện dự án.

- Đảm bảo phần cứng và phần mềm cần thiết cho việc triển khai.

- Xây dựng Mô hình BIM liên kết đa bộ môn từ những mô hình BIM từng bộ môn, xuất báo cáo xung đột tại các mốc quan trọng xác định trong Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án.

- Đảm bảo các xung đột trong mô hình BIM từng bộ môn được giải quyết trước khi phối hợp đa bộ môn.

2. Liên quan đến nhóm dự án

Trong đơn vị thiết kế, để làm rõ vị trí, trách nhiệm của các nhân sự có liên quan trong việc quản lý và sản xuất thông tin, có thể tham khảo phân chia vai trò, trách nhiệm như sau:

a. Nhà quản lý thông tin

Nhà quản lý thông tin là người trung tâm, đầu mối cho tất cả các vấn đề về quản lý tập tin và tài liệu trong dự án. Người này cũng đảm bảo tất cả các thông tin đều tuân thủ các tiêu chuẩn của dự án và mỗi mô hình hay tập tin đều phải được xác nhận “phù hợp cho mục đích (gì)” trước khi xuất bản. Vai trò này chịu trách nhiệm dưới Nhà quản lý điều phối thiết kế.

b. Chủ nhiệm thiết kế (Nhà quản lý điều phối thiết kế)

Chủ nhiệm thiết kế giữ vai trò là cầu nối giao tiếp, liên lạc giữa các nhóm thiết kế khác nhau và đội ngũ thi công. Quản lý Điều phối Thiết kế thường là người của nhà thầu chính và đảm bảo đội ngũ dự án chuyển giao các gói thiết kế của mình sao cho phù hợp với kế hoạch và tiến độ thi công của nhà thầu.

c. Chủ trì thiết kế

Chủ trì Thiết kế quản lý thiết kế, bao gồm phát triển và phê duyệt thông tin. Chủ trì Thiết kế chịu trách nhiệm về sản phẩm được chuyển giao của đội ngũ mình, thiết lập chiến lược phân chia không gian, xác định quyền sở hữu, thiết lập hệ lưới kết cấu và cao độ sàn. Chủ trì thiết kế ký và phê duyệt tài liệu trước khi tài liệu chuyển sang “chia sẻ” cho các bên thiết kế khác. Trong các dự án vừa và nhỏ, Chủ trì thiết kế có thể kiêm nhiệm vai trò Chủ nhiệm thiết kế.

d. Người phụ trách nhiệm vụ

Người Quản lý Nhóm Nhiệm vụ chịu trách nhiệm sản xuất các “sản phẩm thiết kế” để hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể đã được xác định trước. Nhiệm vụ thường dựa trên các bộ môn, do đó Quản lý Nhóm Nhiệm vụ thường là trưởng bộ môn, dưới quyền và chịu trách nhiệm với Chủ trì Thiết kế.

e. Quản lý tương tác nhóm

Mỗi một nhóm nhiệm vụ cần phải chỉ định một người “Quản lý tương tác Nhóm”, người này chịu trách nhiệm giao tiếp với các Nhóm nhiệm vụ khác. Ví dụ như người Quản lý Tương tác của Nhóm nhiệm vụ thiết kế cầu thang sẽ trao đổi với người Quản lý Tương tác của Nhóm nhiệm vụ thiết kế sàn để đảm bảo kích thước của cầu thang giữa các tầng là hợp lý. Quản lý Tương tác Nhóm dưới quyền và chịu trách nhiệm với Quản lý Nhóm Nhiệm vụ và Chủ trì Thiết kế.

f. Điều phối viên CAD

Điều phối viên CAD đảm bảo sự nhất quán giữa việc mô hình hóa dự án (2D hoặc 3D), các tài liệu CAD được xuất bản và các phương pháp thực hành CAD xuyên suốt toàn bộ dự án. Điều phối viên CAD chịu trách nhiệm làm việc với bộ phận công nghệ thông tin (CNTT) để giải quyết các yêu cầu công nghệ của dự án, có trách nhiệm triển khai và duy trì “phương pháp và tiêu chuẩn CAD”, đồng thời đảm bảo các sản phẩm phải tuân thủ các phương pháp và tiêu chuẩn CAD này. Vai trò Điều phối viên CAD này phải chịu trách nhiệm trước Quản lý Nhóm nhiệm vụ và Giám đốc Thông tin Dự án.

g. Quản lý CAD

Quản lý CAD đảm bảo tất cả các mô hình CAD và bản vẽ được chuyển giao phải sử dụng các giải pháp CNTT đã đồng ý và làm theo “phương pháp và tiêu chuẩn” CAD của dự án. Vai trò này phải chịu trách nhiệm với Điều phối viên CAD.

III. Môi trường dữ liệu chung

1. Khái niệm chung về Môi trường dữ liệu chung

Tiến trình BIM nhấn mạnh đến làm việc cộng tác và phối hợp giữa tất cả các bên tham gia dự án. Yêu cầu cơ bản về sản xuất thông tin thông qua thiết kế phối hợp là chia sẻ thông tin sớm và tin tưởng vào thông tin đang được chia sẻ cũng như đơn vị khởi tạo ra thông tin đó. Điều này dẫn đến sự cần thiết phải có một quy trình kiểm tra thông tin có hệ thống chặt chẽ, minh bạch và kiểm soát được.

Triển khai công tác thiết kế trên một môi trường chung để trao đổi thông tin bắt đầu từ nhu cầu nêu trên. Môi trường dữ liệu chung (CDE) là một nguồn thông tin duy nhất cho mỗi dự án, dùng để thu thập, quản lý và phổ biến tất cả các tài liệu được tạo ra bởi các bên tham gia dự án.

Bên cạnh vai trò là một môi trường lưu trữ, CDE còn giúp quản lý sự thay đổi lặp đi lặp lại của các tài liệu trong quá trình phát triển thiết kế. Thiết kế là một chuỗi các thay đổi để đạt được sự tích hợp và sự phối hợp không gian của dữ liệu/thông tin từ tất cả các thành viên tham gia và từ tất cả các đơn vị khởi tạo trong đội ngũ dự án.

Các thủ tục trong CDE không chỉ giới hạn trong việc xây dựng thông tin thiết kế, thi công mà còn được áp dụng trong suốt quá trình chuyển giao dự án và quản lý tài sản. Về cơ bản, các nhà thầu phụ và các nhà thiết kế chế tạo phải cung cấp mô hình “xây dựng ảo” thể hiện được các thành phần cần thiết để thi công trên thực tế. Tiếp theo, nhà thầu, các tổ chức nghiệm thu và nhà cung ứng cũng phải sử dụng CDE để hoàn tất cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết cho việc quản lý tài sản.

Tóm lại, CDE là một phương tiện cho phép chia sẻ thông tin một cách hiệu quả và chính xác giữa tất cả các thành viên của dự án - cho cả thông tin 2D, 3D, dạng văn bản hoặc dạng số... CDE cho phép quản lý sự phối hợp giữa các thành viên thuộc nhiều bộ môn của dự án. Việc xây dựng và phát triển thông tin từ giai đoạn thiết kế, sản xuất và thi công sẽ được tuần tự hóa có kiểm tra thông qua các “cổng kiểm soát”. CDE nên được triển khai trong suốt vòng đời của dự án.

Ưu điểm của việc áp dụng CDE có thể liệt kê như:

- Quyền sở hữu thông tin được giữ nguyên cho người khởi tạo, mặc dù thông tin được chia sẻ và tái sử dụng, chỉ có người khởi tạo mới thay đổi được nó;

- Chia sẻ thông tin làm giảm thời gian và chi phí cho việc sản xuất lại các thông tin mang tính phối hợp chung;

- Tài liệu có thể được tạo ra nhiều hơn từ sự kết hợp khác nhau giữa các thông tin được chia sẻ.

Nếu đội ngũ thiết kế sử dụng thống nhất các quy trình chia sẻ thông tin của CDE thì việc phối hợp không gian sẽ diễn ra một cách tự nhiên. Nhờ vậy mà các thông tin sản xuất được có thể đúng ngay từ lần đầu tiên được chuyển giao. Tiếp theo, thông tin có thể được sử dụng để lập kế hoạch thi công, dự toán, kế hoạch vốn, quản lý tài sản và các hoạt động kèm theo khác.

Dữ liệu trong một CDE được tái cấu trúc và tái cấu tạo để việc tái sử dụng được dễ dàng. Nó cho phép tạo ra các bản vẽ truyền thống và các tài liệu khác nhờ vào sự kết hợp đa chiều giữa thông tin mà tất cả các bên mang đến trong trong CDE. CDE cũng cho phép kiểm soát tốt hơn các bản hiệu chỉnh và các phiên bản của dữ liệu.

Do CDE được tổ chức một cách có hệ thống, các thành viên của đội ngũ thiết kế được đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ hơn các quy trình và thủ tục đã được thống nhất trước so với phương pháp truyền thống. Các lợi ích liệt kê ở trên chỉ có thể đạt được khi các cam kết hoạt động được thực hiện một cách kỷ luật và nhất quán trong suốt quá trình triển khai.

Phương pháp quản lý dự án thông qua CDE có thể áp dụng cho tất cả các quy mô dự án, đặc biệt nó được chuẩn bị để các đơn vị có thể làm việc cộng tác với nhau. Việc các bên cùng áp dụng thống nhất một tiêu chuẩn sẽ giúp loại bỏ được vấn đề phải liên tục đào tạo lại cho từng dự án và cho từng khách hàng.

2. Cấu trúc chung của CDE

CDE có bốn khu vực chứa tài liệu và các Cổng phê duyệt (Approval Gate) để phê duyệt dữ liệu/thông tin khi di chuyển giữa các khu vực:

1. Khu vực “CÔNG VIỆC ĐANG TIẾN HÀNH” (WORK IN PROGRESS, viết tắt WIP) của CDE là nơi mỗi công ty hay cá nhân thực hiện công việc của mình, WIP được dùng để lưu giữ các thông tin chưa được chấp thuận của các tổ chức liên quan.

2. Khu vực “CHIA SẺ” (SHARED) được dùng để lưu giữ thông tin đã được chấp thuận. Thông tin này được chia sẻ để các đơn vị khác sử dụng làm nguyên liệu tham khảo cho việc phát triển thiết kế của mình. Khi tất cả các thiết kế đã hoàn thành, thông tin phải được đặt ở trạng thái “Chờ phát hành” trong Khu vực Chia sẻ của Khách hàng (Client Shared Area).

3. Khu vực “PHÁT HÀNH” (PUBLISHED DOCUMENTATION) được sử dụng để lưu trữ các thông tin được phát hành, là những thông tin đã được chấp thuận bởi khách hàng và có giá trị hợp đồng.

4. Khu vực “LƯU TRỮ” (ARCHIVE) ghi lại mọi tiến triển tại mỗi mốc dự án và phải lưu lại bản ghi của tất cả các trao đổi và thay đổi nhằm cung cấp các dấu vết lịch sử trao đổi để kiểm tra và đối chiếu trong trường hợp có tranh chấp…

Để được chuyển giao sang khu vực CHIA SẺ, thông tin trong khu vực WIP cần phải được thông qua Cổng phê duyệt bằng các quy trình kiểm tra, xem xét và phê duyệt. Một số nội dung kiểm tra:

a. Kiểm tra sự phù hợp của mô hình;

b. Kiểm tra sự tuân thủ các tiêu chuẩn trình bày trong việc thực hiện các quy ước về thông tin/tài liệu;

c. Kiểm tra nội dung kỹ thuật;

d. Kiểm tra tính tương thích của tài liệu trong tổng thể của gói thông tin

e. Được sự chấp thuận của Người phụ trách nhiệm vụ tương ứng.

Để thông qua Cổng phát hành (Authorized Gate), thông tin trong khu vực CHIA SẺ của Chủ đầu tư phải được Chủ đầu tư hoặc người đại diện của chủ đầu tư cho phép. Kiểm duyệt để xuất bản phải bao gồm kiểm tra sự phù hợp của tài liệu với Hồ sơ yêu cầu thông tin (EIR).

Các thông tin thực tế thi công (as-constructed) phải được kiểm tra và xác thực trong khu vực PHÁT HÀNH để được thông qua Cổng xác thực (Verified Gate) tới khu vực LƯU TRỮ.

3. Ứng dụng CDE

CDE có thể là một máy chủ của dự án, một mạng mở rộng extranet (mạng nội bộ có chia sẻ hạn chế với bên ngoài), một hệ thống phù hợp khác miễn là việc tổ chức quản lý dữ liệu/thông tin phải tuân theo các thủ tục của CDE như mô tả ở trên.

Các thủ tục trong môi trường dữ liệu chung phù hợp để ứng dụng cho việc triển khai thiết kế:

- Phối hợp giữa các mô hình 2D của dự án.

- Phối hợp giữa các mô hình 3D của dự án.

- Xuất bản vẽ 2D từ mô hình 3D.

- Xuất bản vẽ 2D từ các phần mềm đồ họa 2D.

- Thu thập, quản lý và phân tán tất cả các tài liệu liên quan đến đến dự án.

IV. Nguyên tắc và phương thức quản lý thông tin

Các quy ước về thông tin/tài liệu bao gồm cách thức thông tin được đặt tên, thể hiện và tham chiếu… Một phần của các quy ước đó mà các đơn vị thiết kế hiện nay có thể đang sử dụng là “Tiêu chuẩn CAD” của riêng công ty.

Công tác sản xuất thông tin CAD/BIM là trung tâm, cốt lõi cơ bản của thiết kế xây dựng. Trong môi trường cộng tác cao của các dự án xây dựng ứng dụng BIM, các bên tham gia được yêu cầu sử dụng chung quy trình, cùng tiêu chuẩn và phương thức làm việc để đảm bảo thông tin được sản xuất ra có cùng hình thức và chất lượng. Các quy ước trong quy trình BIM mang nhiều yêu cầu hơn “Tiêu chuẩn CAD” của từng công ty.

Để triển khai các quy ước về thông tin/tài liệu, 6 yêu cầu sau cần được tuân thủ khi bắt đầu một dự án:

1. Vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền: các bên nên đạt được thỏa thuận về vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền - đặc biệt là trách nhiệm của bộ phận điều phối và phối hợp thông tin thiết kế của các bộ môn - sớm nhất có thể được.

2. Môi trường dữ liệu chung (CDE): thông qua các thủ tục, trình tự của CDE để cho phép các bên trao đổi thông tin và thúc đẩy sự cộng tác giữa họ.

3. Quản lý tài liệu giấy và dữ liệu điện tử: triển khai hệ thống quản lý thông tin để hỗ trợ các khái niệm CDE và lưu trữ tài liệu.

4. Nguyên tắc đặt tên tập tin: thống nhất nguyên tắc đặt tên tập tin và tài liệu để tất cả các thông tin có thể được định danh bằng tên tập tin. Thống nhất giá trị cho hai mã trạng thái “phù hợp cho… (suitability)” và “mã hiệu chỉnh (revision)” của tập tin, nhưng chú ý là hai mã này không thuộc tên của tập tin.

5. Gốc tọa độ và định vị của dự án: thống nhất chọn điểm gốc tọa độ của hệ thống định vị sử dụng và phương pháp phối hợp không gian.

6. Tiêu chuẩn CAD/BIM: thống nhất sử dụng một tiêu chuẩn CAD/BIM cho toàn bộ dự án.

1. Đặt tên tập tin

Các bên tham gia dự án có thể tham khảo cách đặt tên tập tin dưới đây để áp dụng cho dự án áp dụng BIM.

Quy ước đặt tên thể hiện ở bảng IV.1 có 7 trường bắt buộc, 1 trường không bắt buộc và 2 trường chỉ trạng thái (trường Siêu dữ liệu).

Bảng IV.1. Các trường đặt tên tập tin.

Trường

Từ tiếng Anh

Yêu cầu

Số ký tự

Dự án

Project

Bắt buộc

2-6

Đơn vị khởi tạo

Originator

Bắt buộc

3-6

Khối tích hoặc hệ thống

Volume or system

Bắt buộc

1-3

Tầng và vị trí

Levels and locations

Bắt buộc

2-3

Kiểu

Type

Bắt buộc

2

Vai trò

Role

Bắt buộc

1-3

Phân loại bộ phận, thành phần

Classification

Không bắt buộc

 

Số hiệu

Number

Bắt buộc

4-6

Trạng thái Phù hợp

Suitability

Không bắt buộc

 

Trạng thái Hiệu chỉnh

Revision

Không bắt buộc

 

Dự án-Đơn vị khởi tạo-Khối tích-Tầng & Vị trí-Kiểu-Vai trò-Số hiệu

* Dự án: Mỗi dự án có một định danh duy nhất và được xác định khi bắt đầu dự án, tốt nhất là bởi chủ dự án và được ghi vào Hồ sơ yêu cầu thông tin (EIR). Trong trường hợp dự án bao gồm nhiều dự án thành phần, thì mỗi một dự án thành phần cũng phải được định danh.

Thông thường Mã dự án được lấy từ các Ký tự đầu của tên dự án, ví dụ:

Mã hiệu

Dự án

TD2

Dự án Thảo Điền 2

TD1

Dự án Thảo Điền 1

* Đơn vị khởi tạo: Dùng để định danh Đơn vị có trách nhiệm sản xuất thông tin đối với từng loại thông tin được chia sẻ giữa các nhóm trong dự án. Thông tin có thể được sản xuất bởi một nhà thầu phụ làm việc cho Đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất thông tin. Mỗi Đơn vị tham gia có một mã và không đổi trong quá trình triển khai dự án.

Thông thường Mã Đơn vị được lấy từ các Ký tự đầu của tên công ty hoặc tên viết tắt của công ty, ví dụ:

Mã hiệu

Đơn vị khởi tạo

SOM

Skidmore, Owings & Merill, Inc

AEC

AECOM

* Khối tích/Vùng/Khu vực: Dùng để phân chia dự án thành các đơn vị nhỏ hơn để dễ quản lý - cả về không gian lẫn chức năng. Tất cả các bên của dự án phải thống nhất về cách phân vùng trước khi bắt đầu dự án và xuất bản tài liệu để chia sẻ.

Thông thường mã “Khối tích/Vùng/Khu vực” được lấy từ các Ký tự đầu của Vùng hoặc công trình con, ví dụ:

Mã hiệu

Khối tích/Vùng

HOT

Khách sạn (Hotel)

BLA

Tòa nhà A (Block A)

BLB

Tòa nhà B (Block B)

ALL

Toàn bộ dự án (All areas)

* Tầng/Vị trí: Dùng để chỉ cao độ hoặc tầng của công trình. Mã cho Tầng có từ hai đến ba ký tự, có thể bao gồm ký tự chữ và số.

Ví dụ:

Mã hiệu

Tầng/Vị trí

Từ tiếng Anh

ZZ

Nhiều tầng

Multiple levels

 

 

 

02

Tầng hai

Second toor

01

Tầng một

First toor

MX

Tầng lửng X

Mezzanine floor X

M2

Tầng lửng 2

Mezzanine toor 2

M1

Tầng lửng 1

Mezzanine toor 1

GF

Tầng trệt

Ground floor

LG1

Tầng hầm 1

Lower-ground level 1

LG2

Tầng hầm 2

Lower-ground level 2

 

 

 

F1

Móng tầng 1

Foundation level 1

 

 

 

00

Cao độ nền công trình (Khi tầng trệt không phù hợp) hoặc các công trình có dạng tuyến tính (đường, cầu…)

Base level of building (where ground floor is not appropriate) or linear assets

* Kiểu tập tin: Dùng để nhận biết thể loại của thông tin chứa trong tập tin, ví dụ một bản vẽ, tập tin mô hình CAD, mô hình định vị, cấu kiện tổ hợp điển hình hoặc thông tin chi tiết… Phân biệt “kiểu tập tin (file type)” với “định dạng tập tin (file format)” như *.dwg, *.pdf… Một tập tin nên chứa đựng một kiểu thông tin duy nhất.

Ví dụ:

- Các “kiểu tập tin” cho bản vẽ và mô hình và đặt tên trường:

Mã hiệu

Kiểu tập tin

Từ tiếng Anh

AF

File hoạt họa (của một mô hình)

Animation file (of a model)

CM

Mô hình tổng hợp (tổng hợp mô hình của nhiều bộ môn)

Combined model (combined multidiscipline model)

CR

Chi tiết cho quy trình kiểm tra xung đột

Specific for the clash process

DR

Bản vẽ 2D

2D drawing

M2

File mô hình 2D

2D model file

M3

File mô hình 3D

3D model file

MR

File mô hình diễn họa cho các biểu diễn khác, ví dụ phân tích nhiệt v.v.

Model rendition file for other renditions, e.g thermal analysis etc.

VS

File mô phỏng (của một mô hình)

Visualization file (of a model)

- Các “kiểu tập tin” cho tài liệu:

Mã hiệu

Loại file

Từ tiếng Anh

BQ

Bảng khối lượng

Bill of quantities

CA

Thuyết minh tính toán

Calculations

CO

Thư tín

Correspondence

CP

Dự trù kinh phí

Cost plan

DB

Cơ sở dữ liệu

Database

FN

File chú thích

File note

HS

An toàn và Sức khỏe lao động

Health and safety

IE

File trao đổi thông tin

Information exchange file

MI

Biên bản làm việc

Minutes / action notes

MS

Biện pháp thi công

Method statement

PP

Thuyết trình

Presentation

PR

Kế hoạch

Programme

RD

Bảng dữ liệu phòng

Room data sheet

RI

Yêu cầu thông tin

Request for information

RP

Báo cáo

Report

SA

Bảng thống kê chỗ ở

Schedule of accommodation

SH

Bảng tiến độ

Schedule

SN

Danh mục công việc cần hoàn tất

Snagging list

SP

Chỉ dẫn kỹ thuật

Specification

SU

Khảo sát

Survey

* Vai trò: Dùng để xác định vị trí chức danh đảm nhiệm.

Ví dụ về ký hiệu trường đặt tên cho Chức danh đảm nhiệm:

Mã hiệu

Chức danh đảm nhiệm

Từ tiếng Anh

A

Kiến trúc sư

Architect

B

Thanh tra xây dựng

Building Surveyor

C

Kỹ sư hạ tầng

Civil Engineer

D

Kỹ sư đường/thoát nước

Drainage, Highways Engineer

E

Kỹ sư điện

Electrical Engineer

F

Quản lý cơ sở vật chất

Facilities Manager

G

Khảo sát địa chất và địa hình

Geographical and Land Surveyor

H

Thiết kế điều hòa - thông gió

Heating and Ventilation Designer

I

Thiết kế nội thất

Interior Designer

K

Chủ đầu tư

Client

L

Kiến trúc sư cảnh quan

Landscape Architect

M

Kỹ sư cơ khí

Mechanical Engineer

P

Kỹ sư y tế cộng đồng

Public Health Engineer

Q

Kỹ sư chi phí-khối lượng

Quantity Surveyor/Estimator

S

Kỹ sư kết cấu

Structural Engineer

T

Kiến trúc sư quy hoạch đô thị

Town and Country Planner

W

Nhà thầu

Contractor

X

Nhà thầu phụ

Subcontractor

Y

Thiết kế chuyên biệt

Specialist Designer

Z

Chung (không gán bộ môn)

General (non-disciplinary)

* Số thứ tự: Tài liệu của mỗi bộ môn được bắt đầu từ 000001, và sau đó tăng dần cho phù hợp với nhu cầu. Số thứ tự không nhất thiết phải liền nhau. Có thể tham khảo dùng hệ thống Uniclass, OmniClass, CI/SfB.

Ví dụ:

30200001 - Mặt bằng sàn tầng 1 (EF_30_20 là mã cấu kiện sàn (Floor) của Uniclass)

21021001 - Mặt bằng sàn tầng 1 (Bảng 21 - Cấu kiện (elements) của OmniClass)

* Mã phù hợp: xác định “tính phù hợp” của thông tin trong một mô hình, bản vẽ hoặc tài liệu. Nó cho phép mỗi bộ môn kiểm soát thông tin mà mình đang sử dụng, nhận biết chính xác thông tin đấy chỉ được phù hợp cho mục đích gì. Việc sử dụng trái phép dữ liệu là không thể chấp nhận nếu việc kiểm soát được duy trì để tránh sai sót hoặc mơ hồ.

* Mã hiệu chỉnh: thể hiện tính chất “lặp” của thông tin trong quá trình thiết kế, từ lúc thông tin được khởi tạo đến lúc nó được phối hợp đầy đủ với các bộ môn khác để tiến đến trạng thái “hoàn thành” và “được chứng thực”.

Cả hai mã trạng thái “phù hợp” và “hiệu chỉnh” được định nghĩa là các thuộc tính của khung bản vẽ/tài liệu. Cả hai mã trạng thái cũng được xem như là siêu dữ liệu đi kèm với tập tin, và được cập nhật một khi tập tin được đưa lên hệ thống quản lý và lưu trữ tài liệu của dự án.

SH-CA-00-LG1-DR-A-000001

Tên tập tin

thuộc tính

thuộc tính

Hai mã trạng thái “Phù hợp” và “Hiệu chỉnh” không nên đưa vào trong tên tập tin bởi vì điều này sẽ tạo ra một tập tin mới mỗi khi nó được cập nhật lên hệ thống quản lý và lưu trữ tài liệu dẫn đến việc theo dõi tập tin là bất khả thi.

Giá trị của hai mã trạng thái “Phù hợp” và “Hiệu chỉnh” được lấy như bảng 4 dưới đây.

Bảng IV.2. Mã trạng thái.

Trạng thái

Mô tả

Hiệu chỉnh

Dữ liệu đồ họa

Dữ liệu phi đồ họa

Tài liệu

Công việc Đang Tiến hành

 

 

 

 

S0

Trạng thái ban đầu hoặc WIP

Tài liệu tổng thể về danh sách định danh các tài liệu được tải lên mạng nội bộ mở

P01.01 v.v. đến P0n.0n v.v.

Chia sẻ (Không có giá trị pháp lý)

 

 

 

 

S1

Phù hợp cho phối hợp.

File sẵn sàng “cho chia sẻ” và được sử dụng bởi các bộ môn khác như là thông tin nền.

P01 đến P0n

S2

Phù hợp để thông báo thông tin

P01 đến P0n

S3

Phù hợp cho rà soát lại và cho ý kiến

P01 đến P0n

Như yêu cầu

S4

Phù hợp cho phê duyệt giai đoạn

P01 đến P0n

S6

Phù hợp để thông qua mô hình PIM (Trao đổi Thông tin 1-3)

P01 đến Pnn

S7

Phù hợp để thông qua mô hình AIM (Trao đổi Thông tin 6)

P01 đến Pnn

Từ khu vực Công việc Đang Tiến hành sang Phát hành

Chưa được chấp thuận và (không có giá trị pháp lý) rủi ro khi sử dụng.

 

 

D1

Phù hợp cho Dự toán

P01.01 v.v. đến P0n.0n

D2

Phù hợp cho Đấu thầu

P01.01 v.v. đến P0n.0n

D3

Phù hợp cho thiết kế thi công

P01.01 v.v. đến P0n.0n

D4

Phù hợp cho Sản xuất/Mua sắm

P01.01 v.v. đến P0n.0n

PHÁT HÀNH TÀI LIỆU (có giá trị pháp lý)

 

 

 

 

A1, A2, A3, An etc

Chấp thuận và thừa nhận hoàn thành giai đoạn

(C= Hợp đồng (Contractual)/Hoàn thành (Complete))

C01 đến C0n

B1, B2, B3, Bn etc

Ký duyệt từng phần:

với một vài nhận xét nhỏ từ Khách hàng. Tất cả các nhận xét nhỏ phải được đánh dấu bằng đám mây và chú giải ‘tạm hoãn’ cho đến khi các nhận xét này được giải quyết, sau đấy, đệ trình lại để được chấp thuận toàn bộ.

P01.01 v.v. đến P0n.0n

Phát hành cho Mô hình Thông tin Tài sản (AIM)

 

 

 

 

CR

là Hồ sơ hoàn công công trình, PDF, Mô hình, v.v.

C01 đến C0n

Ký tự gạch nối “-” dùng để phân cách các Trường với nhau, ký tự “-” không được sử dụng trong các mã hiệu của trường.

Một vài ví dụ đặt tên tập tin:

SH-CA-00-LG1-CR-A-00001

“SH” là vị trí/tên dự án

“CA” là hai ký tự xác định đơn vị khởi tạo

“00” cho biết file chứa nhiều hơn một khối tích (Ký hiệu 00 biểu thị thông tin cho nhiều khối tích trong tập tin)

“LG1” chỉ ra file liên quan tới Tầng hầm 1 (Lower Ground floor level 1)

“CR” nội dung file chứa một biểu diễn xung đột

“A” chỉ ra bộ môn tạo ra bản vẽ là Kiến trúc (Architect)

“00001” là số duy nhất khi liên kết với “loại tập tin” và “bộ môn”

SH-CA-00-LG1-IE-A-00001

“SH” là vị trí/tên dự án

“CA” là hai ký tự xác định người khởi tạo

“00” cho biết file chứa nhiều hơn một khối tích

“LG1” chỉ ra file liên quan tới Tầng hầm 1 (Lower Ground floor level 1)

“IE” cho biết file thuộc dạng “Trao đổi thông tin”, ví dụ cho COBie

“A” chỉ ra bộ môn tạo ra bản vẽ là kiến trúc

“00001” là số duy nhất khi liên kết với “loại file” và “bộ môn”

2. Định vị không gian của dự án

a. Tổng quan

Tất cả các mô hình, dù là 2D hay 3D, khi tạo lập nên sử dụng chung một gốc tọa độ và phương hướng được quy định của toàn dự án, điểm gốc này được xác định dựa trên hệ trục tọa độ Descartes quy ước và cùng chung đơn vị đo độ dài.

Các mô hình nên được tạo lập dưới tỷ lệ 1:1 và nên sử dụng hệ thống đo lường quốc tế (SI). Đơn vị đo độ dài cho mô hình nên được đồng thuận là mét (m) cho các dự án cơ sở hạ tầng, hoặc milimét (mm) cho các dự án dân dụng.

b. Không gian

Nên trao đổi để có Bản hướng dẫn hoặc sơ đồ điểm gốc và phương hướng của dự án. Điểm gốc nên được xác lập bằng cách kết hợp cả hệ lưới trục lẫn vị trí mặt bằng của dự án. Phương hướng nên được quy định theo hướng bắc địa cầu.

Điểm gốc của dự án tốt nhất nên được định vị ở trong hoặc gần với phạm vi dự án hoặc mặt bằng mở rộng.

c. Địa không gian

Bản hướng dẫn hoặc sơ đồ nên thể hiện được sự liên hệ của không gian dự án với một hệ thống địa không gian ba chiều toàn cầu đã được công nhận (vĩ độ, kinh độ thể hiện bằng độ thập phân, cao độ bằng đơn vị mét (m)) và một phương hướng trên mặt bằng (góc quay theo chiều kim đồng hồ so với hướng bắc địa cầu, đo bằng đơn vị độ thập phân (0)) (Hình 1).

Ngoài ra có thể tham chiếu tới một hệ quy chiếu tiêu chuẩn đã được công nhận, ví dụ như Hệ tọa độ Quốc gia VN-2000. Độ thập phân của vĩ độ được yêu cầu có 8 số thập phân để thể hiện vị trí chính xác đến milimét (mm).

Ví dụ định vị công trình

Điểm

Điểm giao giữa các trục

Hướng Đông (m)

Hướng Bắc (m)

Điểm gốc tọa độ của dự án

-

504 000.000

125 000.000

1

A1

504 030.000

125 010.000

2

D1

504 046.281

125 019.400

Hình 1. Tham chiếu địa không gian.

3. Tiêu chuẩn CAD/BIM

Để thông tin sản xuất ra được đồng nhất, các bên được yêu cầu sử dụng chung một tiêu chuẩn CAD/BIM tại một số điểm cơ bản dưới đây:

1. Quy ước đặt tên lớp (layer naming)

2. Bản vẽ mẫu

3. Ghi chú trong bản vẽ

a. Đặt tên lớp (layer naming)

Quy ước đặt tên lớp (layer) phải áp dụng cho tất cả mô hình 2D và 3D CAD, một khi mô hình đấy được chia sẻ lên môi trường dữ liệu chung.

Tên lớp (layer) có 4 phần như sau:

Yêu cầu

Tên trường

Số lượng ký tự

Tên

Số lượng ký tự

Bắt buộc

Đơn vị chịu trách nhiệm

Agent responsible

2

Vai trò

Role

1, sau đó là gạch nối

Bắt buộc

Cấu kiện

Element

6

Phân loại

Classification

2-5, sau đó là gạch nối

Bắt buộc

Trình bày

Presentation

2

Trình bày

Presentation

1

Không bắt buộc

Định nghĩa bởi người dùng

User defined

Không giới hạn

Mô tả

Description

Dấu gạch dưới, sau đó là không giới hạn

Vai trò-Cấu kiện-Trình bày_Chú thích

* Vai trò: Thể hiện bộ môn sở hữu thông tin (tương tự mục đặt tên tập tin).

* Cấu kiện: Tên và phân loại cấu kiện. Có thể có đến 6 ký tự bao gồm ký tự số và chữ. Được lấy theo bảng “mã cấu kiện” của các hệ thống phân loại. Hệ thống phân loại nên được lựa chọn và sử dụng đồng bộ cho dự án. Có thể tham khảo dùng hệ thống Uniclass, OmniClass, CI/SfB.

* Trình bày: Thể hiện cách cấu kiện được trình bày. Mã Trình bày có 1-2 ký tự, ví dụ:

Mã hiệu

Trình bày

Từ tiếng Anh

D

Kích thước

Dimensioning

H

Tô và đổ bóng

Hatching and shading

M

Các yếu tố liên quan tới mô hình

Model related elements

P

Các yếu tố liên quan tới giấy tờ in ấn

Plot/paper related elements

T

Văn bản

Text

Ghi chú: bổ sung hai mã M2, M3 vào mã M, để xác định mô hình đồ họa 2D hay 3D.

Chú thích: Là trường tùy chọn dùng để mô tả thêm thông tin cho cấu kiện. Tránh các mô tả dài dòng, khó áp dụng hoặc tối nghĩa. Văn bản mô tả có thể được phái sinh (có nguồn gốc) từ các trường (field) khác để hỗ trợ nhận biết thêm cấu kiện.

Ví dụ:

Mã “Cấu kiện” có giá trị EF3510 là cấu kiện “Stair (Cầu thang)” trong Uniclass. Mã “Mô tả” được lấy “Stairs” giúp nhận biết dễ dàng hơn giá trị EF3510 của mã “Cấu kiện”: A-EF3510-M2_Stairs.

Ký tự gạch nối “-” dùng để phân cách các ba trường bắt buộc (M - Mandatory) đầu tiên, dấu gạch dưới “_” dùng để phân cách trường bắt buộc và trường tùy chọn (O - Option).

Các trường bắt buộc:

Ví dụ tên layer A-EF3510-M2_Stairs:

Trường

Vai trò

 

Bộ phận

 

Trình bày

 

Mô tả

Tên

A

-

EF3510

-

M2

-

Stairs

Ví dụ

Kiến trúc (Architect)

 

Cầu thang (Stairs, Uniclass)

 

Mô hình đồ họa 2D

 

Cầu thang

b. Bản vẽ mẫu

Các bên thống nhất sử dụng chung một Bản vẽ mẫu, có thể có các thành phần: khung tên, thuộc tính, kích cỡ giấy và tỷ lệ bản vẽ, tên lớp (layer), kiểu chữ, kiểu đường nét, v.v. để thông tin sản xuất được trình bày đồng bộ.

c. Ghi chú

Các bên thống nhất một tiêu chuẩn cho các chữ viết tắt, kích thước của văn bản, ký hiệu và đảm bảo tất cả các mô hình thể hiện đúng tỷ lệ và kích thước của đối tượng.

 

PHẦN V: CHỈ DẪN VỀ MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN THÔNG TIN

I. Giới thiệu chung

Mức độ phát triển thông tin (Level of Development, viết tắt LOD) là một khái niệm được sử dụng trong Mô hình BIM dùng để chỉ mức độ rõ ràng về thông tin và độ chi tiết của các thành phần trong mô hình BIM ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình thiết kế và thi công xây dựng.

Trong mỗi giai đoạn thiết kế, thi công công trình, mỗi thành phần mô hình có thể có các mức độ phát triển khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu chi tiết cụ thể. Trong mô hình BIM, LOD chỉ áp dụng cho từng thành phần mô hình cụ thể và không phải cho toàn bộ mô hình. Vì vậy, không có quy định LOD cho toàn bộ mô hình, chỉ quy định LOD cho từng thành phần mô hình cụ thể.

Đặc tính kỹ thuật của mức độ phát triển là các minh họa và diễn giải chi tiết nhằm xác định các thuộc tính của các thành phần mô hình trong công trình ở các LOD khác nhau.

II. Mục đích xây dựng đặc tính kỹ thuật của LOD

- Giúp các chủ đầu tư và các bên liên quan xác định rõ về những thông tin gì sẽ được đưa vào một Mô hình BIM.

- Giúp người quản lý thiết kế giải thích cho các bên liên quan về các thông tin cần được cung cấp tại các thời điểm khác nhau trong quá trình thiết kế để theo dõi sự tiến triển của mô hình.

- Giúp cho các bên liên quan trong dự án hiểu rõ về khả năng sử dụng thông tin trong mô hình khi được cung cấp từ các đơn vị khác.

- Cung cấp thông tin có thể được tham chiếu trong Hợp đồng và trong Kế hoạch thực hiện BIM.

Đặc tính kỹ thuật của mức độ phát triển không thay thế cho Kế hoạch thực hiện BIM của dự án mà được sử dụng để kết hợp với Kế hoạch thực hiện BIM nhằm cung cấp các chỉ dẫn cần thiết để xây dựng mô hình với các thông tin chuyển giao cụ thể trong các giai đoạn của quá trình thiết kế, xây dựng công trình.

III. Các mức độ phát triển

LOD được chia thành nhiều mức khác nhau, mỗi mức sẽ thể hiện mức độ chi tiết thông tin và mức độ tin cậy của các thông tin được đưa vào các thành phần mô hình.

Trong một mô hình BIM ở mỗi giai đoạn thiết kế nhất định, các thành phần trong mô hình có thể có các mức độ phát triển khác nhau. Một thông tin được xác định là bắt buộc tại một mức độ phát triển, cũng có thể xuất hiện tại một mức độ phát triển trước đó, tùy theo yêu cầu của dự án.

Các thành phần mô hình tại các mức độ phát triển như LOD 350 và LOD 400 cần phải chứa các chi tiết để có thể thi công thực tế, có thể bao gồm các chi tiết của các thành phần mô hình khác có liên quan.

Hình V.1. Minh họa các mức độ phát triển

1. Mức độ phát triển thông tin 100 (LOD 100)

Thành phần mô hình với LOD 100 có thể được thể hiện bằng đồ họa trong mô hình như một biểu tượng hoặc một hình khối chung, đại diện, đủ điều kiện đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật chung của công trình. Các thông tin liên quan đến giải pháp xây dựng, chi phí dự tính cho các thành phần mô hình chính cũng được đưa vào mô hình.

Các thành phần mô hình với LOD 100 thường được sử dụng trong giai đoạn lập ý tưởng thiết kế. Mô hình với LOD 100 có thể hỗ trợ cho việc lập khái toán ước tính chi phí dựa trên số liệu về diện tích xây dựng, số lượng phòng, số lượng mét vuông sàn…. Mô hình này cũng có thể được sử dụng để phân chia giai đoạn xây dựng và xác định thời gian tổng thể thực hiện dự án.

2. Mức độ phát triển thông tin 200 (LOD 200)

Các thành phần mô hình được thể hiện bằng đồ họa trong mô hình với các thể hiện tương đối về số lượng, kích thước, hình dạng tương đối và vị trí gần đúng. Các thông tin phi hình học cũng có thể được đưa vào các thành phần mô hình với LOD 200.

Các thành phần mô hình với LOD 200 đã được tính toán và phân tích sơ bộ thường được được sử dụng trong giai đoạn thiết kế cơ sở và các thông tin trong các thành phần mô hình với LOD 200 được xem xét là gần đúng. Mô hình này có thể sử dụng được để ước tính chi phí xây dựng, thống kê, sắp xếp và phân loại hệ thống trong công trình.

3. Mức độ phát triển thông tin 300 (LOD 300)

Các thành phần mô hình được thể hiện bằng đồ họa, chính xác về số lượng, kích thước, hình dạng, vị trí và hướng. Các thông tin phi hình học cũng có thể được đưa vào các thành phần mô hình với LOD 200.

Số lượng, kích thước, hình dạng, vị trí và hướng của các thành phần được thiết kế có thể được do trực tiếp từ mô hình mà không cần tham chiếu các ghi chú, chỉ dẫn. Các thành phần mô hình với LOD 300 thể hiện các thông tin đã được tính toán và phân tích phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn xây dựng áp dụng cho dự án, phù hợp với giai đoạn thiết kế kỹ thuật. Mô hình thông tin với LOD 300 phải cung cấp đủ thông tin để bóc tách khối lượng dự toán, dùng được để thống kê, phân loại, sắp xếp, phân chia các giai đoạn thi công.

4. Mức độ phát triển thông tin 350 (LOD 350)

Các thành phần mô hình được thể hiện chính xác bằng đồ họa tạo thành một hệ thống cụ thể, các thành phần mô hình thể hiện rõ về số lượng, kích thước, hình dạng, vị trí, hướng và sự liên kết với các hệ thống khác trong công trình. Các thông tin phi hình học cũng có thể được đưa vào các thành phần mô hình với LOD 350.

Với LOD 350 các bộ phận cần thiết cho sự phối hợp giữa các bộ môn và các hệ thống liên quan được thể hiện chính xác, các phần này sẽ bao gồm các chi tiết hỗ trợ hoặc chờ kết nối. Số lượng, kích thước, hình dạng, vị trí và hướng của các thành phần được thiết kế có thể đo được trực tiếp từ mô hình mà không cần tham chiếu các ghi chú, chỉ dẫn.

LOD 350 cho thấy các thông tin trong các thành phần mô hình phải chính xác và đầy đủ để phù hợp với giai đoạn triển khai bản vẽ thi công. Cung cấp đủ thông tin để bóc tách khối lượng dự toán chính xác và xuất đầy đủ các tài liệu thi công xây dựng và phân chia các giai đoạn thi công.

5. Mức độ phát triển thông tin 400 (LOD 400)

Các thành phần mô hình được thể hiện bằng đồ họa như một hệ thống cụ thể, các đối tượng và các bộ phận có số lượng, kích thước, hình dạng, vị trí, hướng với thông tin chi tiết cho chế tạo và lắp đặt. Các thông tin phi hình học cũng có thể được đưa vào các thành phần mô hình với LOD 400.

Các thành phần với LOD 400 được thể hiện với độ chi tiết chính xác để chế tạo và lắp đặt. Số lượng, kích thước, hình dạng, vị trí, và hướng của các bộ phận được thiết kế có thể được do trực tiếp từ mô hình mà không cần tham chiếu từ các ghi chú, chỉ dẫn.

Ở mức độ này mô hình được hiểu là mô hình thi công vì vậy phải sát thực với biện pháp thi công xây lắp. Thông qua mô hình xuất ra các tài liệu phục vụ cho gia công chế tạo và xác định khối lượng vật liệu, thiết bị cần thiết cho công trình với độ chính xác cao. Mô hình ở mức độ này thể hiện chi tiết đến biện pháp thi công và có thể cả các thông tin về phương tiện máy móc thi công.

IV. Tổ chức thông tin của LOD

1. Phương pháp triển khai

Tất cả các thành phần công trình được liệt kê trong một Bảng thành phần mô hình. Các thành phần công trình này được giả định với LOD theo yêu cầu và được ghi trong bảng.

LOD của mỗi thành phần trong mô hình có thể khác nhau trong cùng một giai đoạn thiết kế hoặc căn cứ theo yêu cầu của việc ứng dụng BIM khác nhau.

Ví dụ: Nếu bảng liệt kê các cửa trong nhà với LOD 200 trong một mô hình nhất định, thì tất cả các cửa trong mô hình được giả định ở LOD 200.

2. Thiết lập yêu cầu đặc tính kỹ thuật của LOD

Mỗi thành phần mô hình thông thường chứa hai loại thông tin:

+ Thông tin hình học của các thành phần là các thông tin có thể nhìn thấy được.

+ Thông tin phi hình học là các thuộc tính số và (hoặc) các văn bản liên quan

(vật liệu, cường độ, ngày tháng sản xuất và thi công…) và không thể nhìn thấy.

Do vậy, đặc tính kỹ thuật LOD sẽ bao gồm hai phần: thành phần hình học và thành phần thuộc tính được liên kết (phi hình học).

a. Phần 1: Thành phần hình học

Thành phần hình học bao gồm các mô tả kỹ thuật và được minh họa cụ thể với các thành phần mô hình và yêu cầu về mức độ phát triển. Trong Bảng thành phần mô hình sẽ thể hiện danh mục toàn bộ các thành phần của công trình. Mỗi thành phần mô hình sẽ thể hiện chi tiết tương ứng với các mức độ phát triển khác nhau của thành phần đó.

Hiện nay, khi thực hiện áp dụng BIM, việc xây dựng Bảng các thành phần mô hình có thể tham khảo phần Thành phần hình học trong tài liệu BIM Forum (2016) Level of Development Specification phát hành ngày 19/10/2016 và lựa chọn các thành phần mô hình tương ứng với công trình đang triển khai. Tài liệu này được xem xét như một từ điển giúp người dùng có thể xác định các chi tiết trong một thành phần mô hình sẽ tương ứng với mức độ phát triển nào. Trong đó cũng cung cấp các hình ảnh minh họa về sự phát triển của thành phần mô hình từ ý tưởng đến chi tiết. Một thành phần tiến triển đến một mức độ phát triển nhất định chỉ khi được cung cấp thông tin của tất cả các phần tử trong thành phần đó. Mỗi thành phần được xác định tại một mức độ phát triển sẽ bao gồm tất cả các yếu tố của mức độ phát triển trước đó.

Ví dụ: Nếu một thành phần đủ điều kiện cho LOD 300 cũng sẽ phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của LOD 200 và LOD 100.

Mẫu bảng thành phần mô hình xem Bảng V.1.

Bảng V.1. Kết cấu bảng thành phần mô hình.

Trong đó:

1 - Mã phân loại của thành phần công trình.

2 - Các thành phần mô hình cho công trình.

3 - Danh mục các thành phần của hệ thống công trình.

4 - Thể hiện các bảng thuộc tính sẽ được tham chiếu tương ứng với các thành phần của công trình.

5 - Các mốc giai đoạn của quá trình thiết kế hoặc thi công hoặc ứng dụng BIM.

Trong Bảng thành phần mô hình cần liệt kê các bảng thuộc tính liên quan cho mỗi thành phần và dẫn chiếu đến các bảng khác có chứa các thông tin thuộc tính cho các hệ thống liên quan tương ứng. Người dùng có thể thêm các bảng thuộc tính cho các chi tiết cụ thể.

Thông tin trong các mốc thực hiện bao gồm: mức độ phát triển, tác giả của thành phần mô hình, ghi chú. Tác giả của thành phần mô hình là bên chịu trách nhiệm phát triển các chi tiết của một thành phần mô hình cụ thể, đó có thể là kiến trúc sư hoặc kỹ sư…

Bảng thành phần mô hình thể hiện các mốc chuẩn cho việc hoàn thành các giai đoạn thiết kế truyền thống cũng như các mốc thời gian cụ thể của dự án để đánh giá, chuyển giao các tài liệu cụ thể, các ứng dụng khác của BIM trong dự án. Người dùng có thể sửa đổi và thêm các cột mốc khi cần thiết cho phù hợp với yêu cầu. Khi các cột mốc cho một dự án đã được xác định, nên được sắp xếp theo thứ tự logich để dễ dàng theo dõi mức độ phát triển cho các thành phần mô hình.

b. Phần 2: Thành phần thuộc tính được liên kết (phi hình học)

Bảng thuộc tính, có chứa các thông tin thuộc tính của các thành phần công trình khác nhau. Ví dụ Bảng thuộc tính xem Bảng V.2

Bảng V.2. Ví dụ bảng thuộc tính thành phần.

Kết cấu Bảng thuộc tính thành phần bao gồm 3 phần:

Phần 1 - Mô tả thuộc tính: Bao gồm liệt kê các thuộc tính liên quan đến thành phần mô hình tương ứng (ví dụ như các thuộc tính cho kết cấu bê tông, các thuộc tính cho hệ thống điều hòa thông gió…), kiểu dữ liệu của thuộc tính, đơn vị, ví dụ cho người dùng lựa chọn và lời chú thích hoặc bình luận để diễn giải cho thuộc tính. Thuộc tính được nhóm thành 2 loại: Thuộc tính cơ sở là danh sách các thuộc tính phổ biến khi không có các yêu cầu khác được biết đến. Thuộc tính bổ sung là danh sách các thuộc tính có thể xem xét đưa thêm vào các thành phần mô hình.

Phần 2 - mức độ phát triển: phần này liên quan đến các yêu cầu thuộc tính với mức độ phát triển từ bảng thành phần mô hình. Các thuộc tính với mức độ phát triển đã được điền trước cho thấy mối tương quan giữa các thuộc tính và đặc tính kỹ thuật của mức độ phát triển. Dấu “x” được nhập vào các ô để thể hiện yêu cầu thuộc tính này tại một mức độ phát triển nào đó nào đó, hoặc tác giả (người tạo thuộc tính) của thuộc tính có thể được nhập vào để thể hiện rằng không chỉ thuộc tính đó là được yêu cầu mà còn cả người có trách nhiệm cung cấp cũng được xác định rõ ràng.

Phần 3 - Các mốc quan trọng của dự án: được sử dụng để đánh dấu các thuộc tính nào sẽ cần thiết cho mốc nào của dự án và các thông tin chuyển giao giữa các giai đoạn sẽ được cụ thể hóa. Người dùng có thể tùy chỉnh các cột mốc trong bảng phù hợp với các cột mốc mà đã tạo ra trong bảng thành phần mô hình.

Tùy theo yêu cầu của dự án, nhóm thực hiện dự án sẽ xác định các thuộc tính yêu cầu, có một số cách xác định các thuộc tính như sau:

+ Các bên tham gia trong dự án sẽ thống nhất danh sách các thuộc tính và mối tương quan với các mức độ phát triển thông tin theo thông lệ chung phổ biến.

+ Các bên tham trong dự án xem xét mối tương quan giữa các thuộc tính và mức độ phát triển thông tin để chỉnh sửa “Phần 2 - Mức độ phát triển” theo yêu cầu cụ thể của dự án.

+ Các bên tham gia trong dự án xác định các mốc quan trọng mới và yêu cầu về thuộc tính tại các mốc này. Điều này cho phép các bên tham gia có được sự linh hoạt trong việc xác định yêu cầu về số lượng thuộc tính.

 

PHẦN VI: HƯỚNG DẪN LẬP HỒ SƠ YÊU CẦU THÔNG TIN

I. Giới thiệu chung

Hồ sơ yêu cầu thông tin (Employer’s Information Requirement, viết tắt EIR) có thể là một phần hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu của Chủ đầu tư để tổ chức lựa chọn nhà thầu về nội dung áp dụng BIM. Chủ đầu tư tự tổ chức hoặc thuê đơn vị tư vấn có kinh nghiệm lập EIR.

Nội dung EIR xác định yêu cầu cụ thể việc ứng dụng BIM cho công trình dự kiến: nội dung ứng dụng BIM, mục tiêu của Chủ đầu tư... Ví dụ, nếu Chủ đầu tư có mục tiêu sử dụng mô hình BIM trong giai đoạn Quản lý vận hành để lên kế hoạch bảo trì thì cần chỉ rõ trong Mục tiêu chiến lược. Khi đó đơn vị tư vấn BIM có kế hoạch xây dựng mô hình BIM phù hợp để đưa vào những thông tin cần thiết cho mục tiêu đó.

Các bên tham gia cần hiểu rõ và thể hiện các các yêu cầu trong EIR vào Kế hoạch thực hiện BIM.

Nội dung EIR bao gồm ba phần chính:

- Nội dung về kỹ thuật: yêu cầu kỹ thuật liên quan tới việc xây dựng, sử dụng mô hình BIM.

- Nội dung về quản lý: yêu cầu quản lý nhằm giúp quá trình triển khai phối hợp ứng dụng BIM giữa các bên có liên quan để đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ để khai thác mô hình BIM hiệu quả.

- Nội dung về sản phẩm: Chi tiết các chuyển giao sản phẩm, thời gian chuyển giao, yêu cầu đảm bảo khả năng đáp ứng.

Kỹ thuật

Quản lý

Sản phẩm

Nền tảng phần mềm

Các tiêu chuẩn áp dụng

Mục tiêu chiến lược

Giao thức trao đổi dữ liệu

Kế hoạch phân chia dữ liệu

Kế hoạch triển khai BIM

Quản lý hệ thống

Vai trò và trách nhiệm các bên tham gia

Quản lý về trao đổi dữ liệu

Thử nghiệm phối hợp

Giao thức đặt tên

Đánh giá khả năng triển khai BIM

Phối hợp

Môi trường dữ liệu chung

Yêu cầu về kiến thức và kỹ năng

Bộ phận công trình

Ứng dụng BIM

Yêu cầu về nguồn lực

Mức độ phát triển

 

 

Xuất bản vẽ 2D

 

 

Kiểm duyệt trước khi chia sẻ

 

 

Đào tạo

 

 

II. Nội dung Hồ sơ yêu cầu thông tin

Nội dung trong hồ sơ yêu cầu thông tin bao gồm:

1. Thông tin tổng quan

Bao gồm các thông tin về Chủ đầu tư, Địa chỉ liên hệ, Tên công trình, Vị trí của công trình và Một số thông tin cơ bản khác về công trình.

2. Nội dung về sản phẩm

a. Mục tiêu chiến lược

Chủ đầu tư xác định Mục tiêu chiến lược làm căn cứ hình thành các quy trình triển khai BIM.

Ví dụ: Nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng BIM phù hợp với nhu cầu của (tên chủ đầu tư). Các mục tiêu chiến lược theo thứ tự ưu tiên đã được lựa chọn dưới đây yêu cầu các bên có liên quan tuyệt đối tuân thủ:

- Nâng cao khả năng phối hợp giữa các bên có liên quan để đảm bảo chất lượng thiết kế.

- Đưa ra quyết định nhanh chóng nhờ vào tính trực quan của mô hình BIM.

- Kiểm soát khối lượng qua mô hình BIM.

b. Kế hoạch triển khai BIM

Các nội dung liên quan đến việc triển khai BIM cho công trình cần theo giai đoạn triển khai của dự án. Do đó việc áp dụng BIM từ tổng thể đến chi tiết cần cân đối giữa nguồn lực và tiến độ yêu cầu, kế hoạch và khả năng đáp ứng.

Việc áp dụng BIM vào các giai đoạn dự án cần được lập và giám sát bởi người Quản lý BIM để đảm bảo có sự liên hệ giữa các bước.

Các hoạt động điển hình như:

- Hoạt động phối hợp các bộ môn thiết kế.

- Hoạt động quản lý ứng dụng BIM.

- Hoạt động phối hợp BIM với từng bộ môn thiết kế.

- Hoạt động hỗ trợ sử dụng các công cụ BIM

- Hoạt động tạo thư viện BIM về bộ phận kết cấu cụ thể cho từng bộ môn.

c. Quản lý về trao đổi dữ liệu

Chủ đầu tư cần quy định những mốc hoàn thành, bàn giao chính mà các bên liên quan phải thực hiện bàn giao tài liệu và/hoặc mô hình để thực hiện kiểm tra và phối hợp BIM (Có thể đưa ra Chỉ dẫn trao đổi dữ liệu như tại Biểu mẫu số 1 của phụ lục I để nhà thầu phản hồi đáp ứng và giải pháp trong Kế hoạch thực hiện BIM hoặc quy định chi tiết cụ thể hơn như tại Biểu mẫu số 2 của phụ lục I).

Những dữ liệu được bàn giao sẽ giúp Chủ đầu tư xác định được các nội dung:

- Tiến trình thiết kế và thông tin thiết kế.

- Tiến độ quy định tại các điều khoản hợp đồng.

- Xác nhận tình trạng mô hình BIM và đảm bảo các bên đang làm việc trên mô hình đã được cập nhật.

d. Kinh nghiệm và năng lực thực hiện của nhà thầu

Chủ đầu tư đưa ra các yêu cầu kinh nghiệm và năng lực thực hiện để nhà thầu phản hồi về khả năng đáp ứng. Tham khảo Biểu mẫu số 3 của phụ lục I.

i. Yêu cầu về kinh nghiệm

Số lượng dự án hoặc công việc tương tự đã thực hiện.

ii. Yêu cầu về năng lực

Nhân sự

Các nhà thầu đã có kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng sử dụng các công cụ phần mềm vẫn phải đáp ứng việc triển khai BIM theo quy trình đã thống nhất nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược. Nếu không đáp ứng được, các nhà thầu phải tham gia các khóa đào tạo phù hợp hoặc tuyển nhân sự mới trước khi triển khai.

Chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nhân sự cho các công việc thực hiện.

Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin

Các bên tham gia phải sử dụng máy tính có cấu hình và phần mềm phù hợp với công việc xây dựng và sử dụng mô hình BIM. Chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về nguyên tắc liên quan đến trang thiết bị, phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin.

iii. Phương pháp luận

Các nhà thầu thể hiện hiểu biết về quy trình BIM và khả năng đáp ứng các ứng dụng BIM qua hình thức trả lời câu hỏi.

3. Nội dung về quản lý

a. Các tiêu chuẩn áp dụng

Chủ đầu tư xác định các yêu cầu về tiêu chuẩn BIM áp dụng trong dự án. Các yêu cầu liên quan đến xây dựng và sử dụng mô hình BIM sẽ được xác định trong các giai đoạn triển khai để hỗ trợ chuyển giao và ứng dụng BIM.

Mẫu bảng về các tiêu chuẩn áp dụng xem Bảng VI.1 dưới đây: Bảng VI.1. Tiêu chuẩn, hướng dẫn áp dụng BIM cho Dự án

B=Bắt buộc

Áp dụng

T=Tham khảo

Các tiêu chuẩn, hướng dẫn

Hướng dẫn

Phối hợp

Đặt tên file

Bản vẽ

Mức độ phát triển thông tin

Môi trường dữ liệu chung

Chi phí

Hợp đồng

Nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong nước

Hướng dẫn

B

T

T

T

T

T

B

T

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

b. Các ứng dụng BIM

Chủ đầu tư tham chiếu nội dung Các ứng dụng BIM tại Phần I của Hướng dẫn về danh sách các ứng dụng BIM và đưa ra phân loại Các ứng dụng BIM trong EIR (tham khảo Biểu mẫu số 4 của phụ lục I). Danh mục ứng dụng đã nêu trong EIR ở mức “cao” là bắt buộc thực hiện. Các ứng dụng đề xuất khác ở mức “trung bình” và “thấp” sẽ được thực hiện nếu có sự thống nhất của Chủ đầu tư và các bên liên quan.

c. Kế hoạch phân chia dữ liệu mô hình

Chủ đầu tư đề xuất sơ bộ Kế hoạch phân chia dữ liệu mô hình thành các khối, các khu vực. Nhà thầu sẽ phản hồi về khả năng thực hiện và giải pháp trong Kế hoạch thực hiện BIM.

Ví dụ:

Với mục tiêu phát hiện xung đột thì áp dụng phân tách mô hình như sau:

- Mô hình BIM không chứa nhiều hơn một công trình, kể cả nó được liên kết với cảnh quan và các mô hình khác.

- Mô hình BIM không chứa hơn một bộ môn thiết kế.

- Nếu mô hình BIM vượt quá dung lượng 200 MB tư vấn nên cân nhắc phân chia mô hình để giảm thiểu dung lượng file. Trong trường hợp cần thiết, giới hạn này có thể được điều chỉnh.

d. Vai trò và trách nhiệm

Chủ đầu tư đề xuất Vai trò và trách nhiệm các bên tham gia sẽ được trình bày tại Biểu mẫu số 5 của phụ lục I, nhà thầu xem xét khả năng đáp ứng và giải pháp tại Kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ.

e. Quy tắc đặt tên

Các quy tắc đặt tên cho mô hình tham khảo theo nội dung nêu tại PHẦN IV: HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THÔNG TIN TRONG BIM.

f. Môi trường dữ liệu chung và cấu trúc

Chủ đầu tư đề xuất yêu cầu về Môi trường dữ liệu chung và cấu trúc theo mẫu tại Biểu mẫu số 6 của phụ lục I. Nhà thầu phản hồi đáp ứng và giải pháp trong Kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ. Các nội dung này tham khảo PHẦN IV: HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ THÔNG TIN TRONG BIM.

g. An toàn dữ liệu

Để nâng cao tính bảo mật và khả năng truy cập dữ liệu từ Môi trường dữ liệu chung. Các bên có liên quan và được sử dụng phải nghiêm túc tôn trọng vị trí tài liệu, thư mục, cấu trúc. Mọi sự thay đổi phải được chấp thuận của nhóm dự án và Chủ đầu tư.

Tất cả các dữ liệu có trên Môi trường dữ liệu chung là các tài liệu được bảo mật, trừ khi có sự chấp thuận khác của Chủ đầu tư.

4. Nội dung về kỹ thuật

a. Nền tảng phần mềm

Yêu cầu các bên tham gia liệt kê các phần mềm đáp ứng được nhu cầu sử dụng vào trong Bảng tiến độ trao đổi dữ liệu thuộc Kế hoạch thực hiện BIM dự thầu. Nếu sử dụng các nền tảng phần mềm chưa thông dụng, cần nêu rõ khả năng áp dụng và tích hợp với các nền tảng phần mềm còn lại.

Mọi sự thay đổi phần mềm sử dụng phải được chấp thuận bởi Chủ đầu tư, Chủ đầu tư có quyền yêu cầu các bên tham gia phải nâng cấp các phiên bản phần mềm phù hợp tại bất kỳ giai đoạn triển khai nào.

b. Giao thức trao đổi dữ liệu

Để nâng cao khả năng phối hợp, các bên tham gia cần phải hiểu rõ việc sử dụng và trách nhiệm xây dựng mô hình BIM, các định dạng và tần suất chia sẻ thông tin quy định tại Biểu mẫu số 2 của phụ lục I.

c. Quản lý hệ thống

Để các bên có thể truy cập và sử dụng thông tin hiệu quả, các quy định dưới đây về dung lượng file mô hình và quản lý file trước khi bàn giao cần được lưu ý thực hiện:

- Mô hình đơn lẻ làm việc cho từng hạng mục hoặc bộ môn công trình không vượt quá 150 MB, áp dụng cho việc truy cập sử dụng bình thường của các máy tính có cấu hình thông dụng.

- Mô hình tổng hợp các phần hạng mục công trình hoặc tổng thể không vượt quá 500 MB, áp dụng cho việc truy cập sử dụng bình thường của các máy tính chuyên dụng có cấu hình cao đang được sử dụng rộng rãi.

- Các file trước khi bàn giao hoặc cung cấp sử dụng cho toàn thành viên trong dự án cần được làm sạch, loại bỏ các khung nhìn không cần thiết, loại bỏ các file liên kết, các file 2D đính kèm không sử dụng.

d. Thử nghiệm phối hợp

Trước khi chính thức áp dụng việc trao đổi dữ liệu giữa các bên tham gia cần chia sẻ và phối hợp thử trên Môi trường dữ liệu chung. Quy trình hoạt động thử nhằm xác định các lỗi có thể xảy ra trong quá trình phối hợp trao đổi thông tin giữa các bên nhằm hoàn thiện quy trình phối hợp và hệ thống hạ tầng thông tin. Báo cáo hoạt động thử cần gửi cho Chủ đầu tư.

e. Phối hợp

Nhà thầu đề xuất các điểm gốc tọa độ gốc cho công trình bao gồm các tọa độ tương đối và tuyệt đối trong tất cả các file mô hình BIM. Các vị trí tọa độ này không được thay đổi và phải duy trì trong suốt quá trình triển khai.

f. Thành phần mô hình

Chủ đầu tư đưa ra danh mục các bộ phận kết cấu công trình. Tham khảo theo Biểu mẫu số 7 Các bộ phận/cấu kiện công trình trong mô hình của phụ lục I.

g. Mức độ phát triển thông tin

Chủ đầu tư đưa ra yêu cầu về Mức độ phát triển thông tin của các bộ phận kết cấu công trình để hỗ trợ xác định sản phẩm chuyển giao trong triển khai ứng dụng BIM. Nhà thầu phản hồi và đưa ra các kiến nghị đề xuất (nếu có).

Các thông tin này cần được các bên có liên quan hiểu thống nhất để việc phối hợp đạt hiệu quả (xem Biểu mẫu số 8 của phụ lục I). Các nội dung này tham khảo PHẦN V: CHỈ DẪN VỀ MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN THÔNG TIN.

h. Xuất bản vẽ 2D

Toàn bộ bản vẽ 2D và thông tin bản vẽ phải được trích xuất trực tiếp từ mô hình BIM, đáp ứng các nguyên tắc thể hiện và trình bày bản vẽ truyền thống.

i. Nguyên tắc xuất khối lượng

Chủ đầu tư yêu cầu khối lượng phải được xuất ra từ mô hình BIM. Các bộ phận kết cấu công trình trong mô hình BIM được chỉ định xuất khối lượng cần đặt các thuộc tính và tham số phù hợp cho từng giai đoạn theo Hướng dẫn đo bóc tiên lượng. Chi tiết thông tin xuất ra cần được thống nhất trước giữa Chủ đầu tư và các bên có liên quan trong việc sử dụng dữ liệu khối lượng.

j. Đảm bảo chất lượng file mô hình

Các mô hình BIM phải được giao nộp theo quy định tại Sản phẩm mô hình (Tham khảo Biểu mẫu số 9 của phụ lục I). Trong đó thể hiện các ứng dụng BIM tại các giai đoạn, trừ khi có yêu cầu cụ thể bằng văn bản của Chủ đầu tư.

Các bên tham gia được hiểu đã có kiến thức phù hợp sử dụng phần mềm và mô hình BIM để đáp ứng các yêu cầu của Chủ đầu tư. Trong đó các mô hình phải đạt được:

- Tất cả các bộ phận công trình thể hiện như đã xác định.

- Các bộ phận nhỏ như phào chỉ chân tường, vữa mỏng và tương tự, không ảnh hưởng đến hoặc tác động thấp đến việc thi công được loại trừ.

- Đáp ứng các yêu cầu về Mức độ phát triển thông tin đã quy định.

- Các yếu tố không gian trong mô hình như “phòng” (room), khu vực (area), vùng (zone) được quy định như khoảng đóng kín, phải được xác định rõ ràng, loại bỏ các lỗi sai sót nhằm đảm bảo chất lượng dữ liệu, tham số khi xuất ra đúng yêu cầu thiết kế.

Loại bỏ các lỗi sau:

- Hở không gian do lỗi mô hình hóa tại các bộ phận: tường, cửa đi, cửa sổ, sàn, cột và trần hoặc đường ngắt không gian.

- Các bộ phận phải được mô hình hóa chính xác tại các vị trí liên kết để giảm thiểu các vị trí hở.

k. Rà soát mô hình BIM trước khi chia sẻ

Trước khi file mô hình hoặc một phần mô hình được chia sẻ cho các bên tham gia sử dụng, cần tuân thủ các bước kiểm tra và phê duyệt như sau:

- Các bản vẽ không nằm trong danh sách cần chuyển giao phải được loại bỏ ra khỏi mô hình BIM.

- Mô hình BIM được cập nhật và làm sạch.

- Các định dạng file và quy tắc đặt tên cần phải được tuân thủ và duy trì trong suốt quá trình triển khai.

- Phân tách dữ liệu cần tuân thủ các yêu cầu.

- Các bản vẽ 2D được trích xuất trực tiếp từ mô hình BIM.

- Bất kỳ file mô hình được liên kết tham chiếu nào cần được giữ lại trong file trung tâm để cho phép việc tạo lập các mô hình tổng thể theo yêu cầu. Các mô hình được chia sẻ nên loại bỏ các đường liên kết tham chiếu. Các dữ liệu liên kết dùng để tải lại các file mô hình phải được bao gồm trong mô hình BIM.

- Tất cả các mô hình được dùng hệ thống tọa độ chia sẻ (share coordinate) xác định ngay từ đầu.

l. Đào tạo

Chủ đầu tư không chịu trách nhiệm cung cấp các chương trình đào tạo về sử dụng công cụ phần mềm cho các nhà thầu. Các nhà thầu được yêu cầu tự đào tạo đầy đủ các kỹ năng sử dụng phần mềm trước khi triển khai.

Chủ đầu tư quy định cụ thể nếu có yêu cầu về đào tạo, chuyển giao từ phía nhà thầu.

 

Phụ lục I: Mẫu biểu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin

Biểu mẫu số 1: Chỉ dẫn trao đổi dữ liệu

Biểu mẫu số 2: Kế hoạch trao đổi dữ liệu

Biểu mẫu số 3: Kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu

Biểu mẫu số 4: Các ứng dụng BIM

Biểu mẫu số 5: Vai trò và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan

Biểu mẫu số 6: Cấu trúc Môi trường dữ liệu chung

Biểu mẫu số 7: Các bộ phận/cấu kiện công trình trong Mô hình BIM

Biểu mẫu số 8: Mức độ phát triển thông tin

Biểu mẫu số 9: Quy định về bàn giao sản phẩm

 

Biểu mẫu số 1

Chỉ dẫn trao đổi dữ liệu

Những dữ liệu chính cần được bàn giao thể hiện trong bảng dưới đây. Kế hoạch trao đổi và bàn giao sẽ được xác định trong Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án. Tại các mốc hoàn thành, bàn giao, các bên thực hiện việc bàn giao dữ liệu tương ứng trên mô hình để phối hợp BIM.

Loại trao đổi dữ liệu

File bàn giao

Định dạng

Bên chịu trách nhiệm

Trao đổi hàng tháng

Mô hình kiến trúc được chia sẻ

.IFC, gốc

Kiến trúc

Mô hình kết cấu được chia sẻ

.IFC, gốc

Kết cấu

Mô hình cơ điện được chia sẻ

.IFC, gốc

Cơ điện

Mô hình cảnh quan được chia sẻ

.IFC, gốc

Cảnh quan

Dữ liệu bàn giao theo mốc

Dữ liệu quản lý vận hành

.XLS

Kiến trúc

Mô hình kiến trúc được chia sẻ

.IFC, gốc

Kiến trúc

Mô hình kết cấu được chia sẻ

.IFC, gốc

Kết cấu

Mô hình cơ điện được chia sẻ

.IFC, gốc

Cơ điện

Mô hình cảnh quan được chia sẻ

.IFC, gốc

Cảnh quan

Dự toán

.XLS

Quản lý chi phí

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

Biểu mẫu số 2

Kế hoạch trao đổi dữ liệu

Các phần mềm liệt kê trong danh sách dưới đây đã được lựa chọn theo yêu cầu của các ứng dụng BIM. Mọi thay đổi, bổ sung hoặc nâng cấp phiên bản cần được sự chấp thuận của các bên tham gia. Khi có yêu cầu nâng cấp phiên bản phần mềm các bên tham gia phải có sự hiểu biết nhất quán và các kỹ năng cần thiết để sử dụng.

Ứng dụng BIM

Tư vấn

Phần mềm và phiên bản

Định dạng gốc

Định dạng chuyên đổi

Tần suất

Phối hợp thiết kế

3D

Kiến trúc, Nội thất, Cảnh quan, Cơ điện, Kết cấu, Thi công

Điền phần mềm và phiên bản

File gốc

IFC

1 lần 1 tuần

Quản lý công trình

Quản lý vận hành

 

 

 

 

Xác nhận dữ liệu và đảm bảo

Nội thất

 

 

 

 

Mô phỏng tiến trình thi công

Kiến trúc, Thi công

 

 

 

 

Thiết kế hệ thống thi công

Thi công

 

 

 

 

Dự trù chi phí

Thi công

 

 

 

 

Quản lý ngân sách

Dự toán

 

 

 

 

Phân loại dữ liệu

Kiến trúc, Nội thất, Cảnh quan, Cơ điện, Kết cấu, Thi công

 

 

 

 

Lập mô hình thiết kế BIM

Kiến trúc, Nội thất, Cảnh quan, Cơ điện, Kết cấu, Thi công

 

 

 

 

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

Biểu mẫu số 3

Kinh nghiệm và năng lực BIM của nhà thầu

1. Thông tin chung

Tên công ty

 

Tên dự án dự thầu

 

Người thực hiện trả lời câu hỏi

 

Vai trò

 

Điện thoại

 

Email

 

Website

 

2. Nhóm câu hỏi cơ bản

Các câu hỏi tổng quan về mức độ hiểu biết các khái niệm tiêu chuẩn BIM

STT

Câu hỏi

Câu trả lời

Dẫn chứng thực tế (nếu

có)

1

Bạn đã từng làm việc với 1 tiêu chuẩn về CAD/BIM nào chưa và tại sao?

 

 

3

Bạn biết những tiêu chuẩn BIM nước ngoài nào?

 

 

4

Bạn có biết khái niệm BIM là một quy trình không?

 

 

6

Bạn có hiểu về khái niệm “Mức độ phát triển thông tin” được yêu cầu tại mỗi giai đoạn thực hiện của dự án?

 

 

7

Bạn có sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn của một dự án BIM, nếu không tại sao?

 

 

9

Bạn có đào tạo nhân viên cách sử dụng các công cụ CAD/BIM?

 

 

10

Bạn thực hiện phối hợp không gian 3 chiều sử dụng CAD/BIM như thế nào?

 

 

11

Vui lòng giải thích kinh nghiệm của bạn về các khái niệm: thuộc tính mô hình, liên kết mô hình một cách ngắn gọn?

 

 

3. Nhóm câu hỏi về các ứng dụng BIM

Có nhiều ứng dụng BIM đã và đang được áp dụng vào dự án, hãy trình bày hiểu biết về các ứng dụng và lĩnh vực áp dụng cơ bản dưới đây (Bổ sung thêm thông tin các ví dụ dẫn chứng thực tế)

Ứng dụng/Lĩnh vực

Ví dụ

Sự hiểu biết

Dẫn chứng thực tế được hỗ trợ

Mô hình hóa thông tin công trình (3D)

Kiến trúc

 

 

Thiết kế kết cấu và chế tạo sẵn

Thiết kế cơ điện và sản xuất.

Hạ tầng

Cảnh quan

Quản lý vận hành

Tối ưu hóa quy trình chuyển đổi

 

 

Kê khai tài sản

Tiến độ

Dự toán khối lượng vật tư, ngân sách

Danh sách vật tư

 

 

Danh sách linh kiện

Các hóa đơn vật tư

Các kế hoạch chi phí được điều chỉnh

Đấu thầu

Diễn họa

Diễn họa công trình

 

 

Marketing

Hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định

Kiểm tra va chạm/xung đột

Bản vẽ 2D

 

 

Phối hợp 3D

Mô phỏng quá trình va chạm

Cài đặt thiết bị

Vận chuyển nguyên vật liệu

Vị trí cần cẩu và cần trục

Trình tự sắp xếp theo mục tiêu

Bố cục mặt bằng xây dựng

Mô phỏng năng lượng, gió

Môi trường

 

 

Kết cấu

Hệ nhiệt

Ánh sáng mặt trời

Các chỉ tiêu

4. Nhóm câu hỏi năng lực BIM

Các câu hỏi sau đây xác định khả năng triển khai BIM hiện tại để chuẩn bị các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nếu cần trước khi triển khai.

STT

Câu hỏi

Câu trả lời/ mức độ hiểu biết

Dẫn chứng thực tế

1

BIM có ý nghĩa thế nào với công ty bạn?

 

 

2

Ai là người thúc đẩy BIM trong công ty của bạn?

 

 

3

Ai là người thúc đẩy BIM cho từng dự án, chức vụ và trọng trách của họ là gì?

 

 

4

Công ty của bạn có tiêu chuẩn BIM chưa?

 

 

5

Bạn có kinh nghiệm triển khai theo các tiêu chuẩn của khách hàng chưa? Ở lĩnh vực nào?

 

 

6

Có sự thay đổi nào tới các sản phẩm thiết kế của bạn với sự ảnh hưởng của BIM không?

 

 

7

Kế hoạch triển khai BIM cho nhân viên của bạn trong tương lai, yêu cầu huấn luyện của họ và quy trình thực hiện như thế nào?

 

 

8

Phối hợp trong thiết kế có ý nghĩa thế nào với bạn?

 

 

9

Giải thích các quy tắc và kỷ luật trong quy trình thiết kế?

 

 

10

BIM có cho phép bạn tham gia vào quá trình “lựa chọn kỹ thuật” không? Và bằng cách nào?

 

 

11

BIM tác động vào công tác nhân sự triển khai dự án như thế nào?

 

 

12

BIM tác động đến chi phí thiết kế như thế nào?

 

 

13

Bạn đang sử dụng công cụ làm riêng cho nội bộ nào? chứng minh việc sử dụng

 

 

14

Công cụ nào được chỉ định cho bạn sử dụng và bạn có sử dụng không?

 

 

15

BIM bắt đầu được ứng dụng từ đâu trong một dự án?

 

 

16

BIM kết thúc tại đâu trong 1 dự án?

 

 

17

Bạn biết gì về mô phỏng thiết kế và xây dựng ảo (VDC)?

 

 

5. Các dự án BIM đã thực hiện

Hãy liệt kê 3 dự án BIM đã thực hiện gần đây nhất theo các nội dung sau:

Nội dung

Dự án 1

Dự án 2

Dự án 3

Tên dự án

 

 

 

Lĩnh vực áp dụng

 

 

 

Tên chủ đầu tư dự án

 

 

 

Tên nhà thầu chính

 

 

 

Tên người liên hệ

 

 

 

Số điện thoại người liên hệ

 

 

 

Tổng mức đầu tư

 

 

 

Tổng chi phí dịch vụ BIM

 

 

 

Thời gian thực hiện

 

 

 

Dịch vụ BIM cung cấp

 

 

 

Lợi ích nhận được từ BIM

 

 

 

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

Biểu mẫu số 4

Các ứng dụng BIM

Các ứng dụng BIM đã được Chủ đầu tư xác định và phân loại theo mức độ ưu tiên. Đối với phân loại “cao” có nghĩa phải áp dụng, với phân loại “trung bình” hoặc “thấp” sẽ được áp dụng nếu có sự chấp thuận của nhóm dự án và tên chủ đầu tư.

Ưu tiên cao

Ưu tiên trung bình

Ưu tiên thấp

Phối hợp thiết kế 3D

Tạo thư viện đối tượng BIM thiết kế

Lập kế hoạch và kiểm soát 3D

Phân tích hệ thống công trình

Mô phỏng thi công

Lập kế hoạch đối phó rủi ro

Kế hoạch bảo trì

Xem xét phương án thiết kế

Phân tích ánh sáng

 

Xuất bản vẽ

Mô phỏng di chuyển

 

 

Tối ưu và lập kế hoạch không gian

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

Biểu mẫu số 5

Vai trò và trách nhiệm của các chủ thể liên quan

Chủ đầu tư đưa ra bảng “Vai trò trách nhiệm” dự kiến yêu cầu áp dụng trong phân chia nhiệm vụ của tất cả các bên liên quan trong việc áp dụng BIM vào dự án, nhằm xác định các việc cần làm và bên nào chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động đó.

Các vai trò và nhiệm vụ thực hiện BIM của các bên liên quan đến dự án được liệt kê trong bảng dưới đây. Lưu ý kiểm tra các phiên bản Kế hoạch triển khai BIM mới nhất để xác định các phạm vi nhiệm vụ thực hiện.

Ghi chú:

- N: Nhiệm vụ (công việc đảm nhiệm)

- P: Phê duyệt (phân công nhiệm vụ và xác nhận tuân thủ)

- T: Tư vấn (cung cấp thông tin đầu vào để thực hiện công việc)

- B: Báo cáo (thông báo về các công việc và / hoặc kết quả)

- : Theo yêu cầu

Nhiệm vụ

Chủ đầu tư

Quản lý dự án

Quản lý chi phí

Nhóm thiết kế

Phụ trách thiết kế

Phụ trách BIM

Quản lý thông tin

Nhà thầu chính

Quản lý thiết kế, thi công

Quản lý vận hành

Nhà thầu chuyên sâu

Môi trường dữ liệu chung

Lựa chọn

P

B

 

 

 

T

N

 

 

 

 

Cung cấp

N

B

B

B

B

B

B

B

B

B

 

Thiết lập

P

T

T

T

T

T

N

T

T

T

 

Duy trì

 

T

 

B

T

T

N

T

 

 

 

Tải lên/xuống tất cả thông tin dự án

N

N

 

N

N

N

N

N

N

N

 

Nguồn lực

Chỉ định tư vấn, bao gồm cả quản lý thông tin

N

 

 

 

 

T

 

 

 

 

 

Đảm bảo phần cứng và phần mềm cần thiết đã được lắp đặt bên trong tổ chức để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình cung cấp sản phẩm cho dự án

N

N

N

N

N

N

N

N

N

N

N

Đánh giá tất cả các tổ chức thầu phụ (bao gồm cả thiết kế và thi công) theo các tiêu chí đánh giá BIM trong bản đánh giá năng lực.

B

B

N

N

N

N

 

N

 

 

N

Báo cáo về việc thiếu các kỹ năng trong nhóm để triển khai

 

B

 

B

B

 

 

B

 

 

 

Cung cấp hướng dẫn để hỗ trợ tìm kiếm đúng loại đào tạo từ các chuyên gia ngành công nghiệp đáng tin cậy

B

B

B

B

B

N

B

B

B

B

B

Hợp tác đào tạo cho tổ chức

N

N

N

N

N

N

N

N

N

N

N

Chiến lược triển khai

Thiết lập các yêu cầu dài hạn của BIM cho dự án

T

B

 

 

 

N

 

 

 

 

 

Xây dựng, thực hiện và cập nhật Kế hoạch triển khai sau khi ký hợp đồng, với sự chấp thuận của tất cả các thành viên trong nhóm dự án

P

B

 

T

T

N

 

 

 

 

 

Thống nhất và triển khai cấu trúc dữ liệu và các tiêu chuẩn duy trì các mô hình thông tin

T

B

T

T

T

T

N

 

 

T

 

Cập nhật và có được kế hoạch triển khai sau khi hợp đồng bao gồm trách nhiệm thi công

B

B

 

 

 

B

B

N

 

 

B

Xây dựng và thực hiện kế hoạch cung cấp thông tin, đủ để đảm bảo tất cả các sản phẩm được phân bổ

 

T

 

 

 

B

B

N

 

 

B

Có được và cập nhật Bảng giao nộp sản phẩm mô hình cho thấy sự tiến triển của mô hình đối với các gói công việc bao gồm Mức độ phát triển thông tin với thời gian cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

N

 

 

 

Xây dựng và thực hiện chương trình triển khai BIM

P

N

 

 

 

T

 

 

 

 

 

Xây dựng và thực hiện các giao thức trao đổi thông tin

 

B

 

 

 

T

N

 

 

 

 

Chịu trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả các tổ chức thầu phụ (thiết kế hoặc thi công) đáp ứng các yêu cầu nêu trong bản Hồ sơ yêu cầu thông tin

 

T

 

N

N

 

 

N

 

 

 

Cung cấp các thông tin hiện tại bao gồm dữ liệu lịch sử và mô hình hiện trạng công trình

N

 

N

 

 

 

 

 

B

 

 

Hình học

Lập mô hình thiết lập công trường với sự phối hợp, đo đạc và các mối quan hệ để sử dụng phổ biến cho tất cả các thành viên trong nhóm thiết kế

 

 

 

B

B

 

 

B

 

 

 

Cung cấp một mô hình ảo theo Mức độ phát triển, Bảng chuyển giao sản phẩm mô hình và các yêu cầu phi hình học

 

 

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Chia sẻ các mô hình thông tin cho phối hợp

 

 

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Triển khai kế hoạch thực hiện BIM trong tổ chức

 

N

N

N

N

N

N

N

N

N

N

Phối hợp đầy đủ thiết kế và nhóm thiết kế

 

 

 

T

N

 

 

 

 

 

 

Cung cấp (các) mô hình phân tích năng lượng cho nhóm đánh giá dự án

 

 

 

N

N

 

 

 

 

 

 

Cung cấp (các) mô hình phân tích kết cấu để đánh giá bởi nhóm dự án

 

 

 

N

 

 

 

 

 

 

 

Lập các báo cáo phát hiện va chạm của các mô hình liên hợp

 

 

 

 

N

 

 

 

 

 

 

Đảm bảo việc triển khai BIM công nhận hoạt động Quản lý công trình (FM) và các hoạt động vận hành và bảo trì

B

B

 

 

 

B

 

N

 

T

T

Kết hợp các mô hình thầu phụ (thiết kế và thi công)

 

 

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Đảm bảo tất cả các bản vẽ được lấy từ các mô hình thông tin

 

B

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Xuất và công bố các file theo lịch trình trao đổi file dữ liệu

 

B

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Dữ liệu

Các yêu cầu dữ liệu cụ thể bao gồm mục đích cung cấp thông tin cần thiết và thời gian cung cấp

P

B

T

T

T

N

B

T

T

T

T

Cung cấp dữ liệu cụ thể cho một hệ thống hoặc thành phần cụ thể phù hợp với từng phạm vi công việc

 

 

 

 

 

 

 

N

 

 

T

Giảm các khía cạnh của bản yêu cầu thông tin của chủ đầu tư xuống bậc tiếp theo

 

B

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Tạo lập, thu thập và lưu trữ thông tin yêu cầu

 

 

 

N

N

 

N

N

N

N

N

Đánh giá và phê duyệt dữ liệu phân phối trước khi nộp

 

B

 

N

N

T

N

N

 

 

N

Quản lý thi công

Cung cấp mô hình giai đoạn thi công 4D

 

B

 

 

 

 

 

N

 

 

T

Cung cấp mô hình tiến trình thi công 4D

 

B

 

 

 

 

 

N

B

 

T

Cung cấp mô hình 4D mô phỏng hậu cần bao gồm cả cần trục

 

B

 

 

 

 

 

N

B

 

N

Triển khai kế hoạch triển khai BIM trong tổ chức

 

N

N

N

N

N

N

N

N

N

N

Phối hợp đầy đủ thiết kế và nhóm thiết kế

 

 

 

T

N

 

 

 

 

 

 

Cung cấp (các) mô hình phân tích năng lượng cho nhóm đánh giá dự án

 

 

 

N

N

 

 

 

 

 

 

Cung cấp (các) mô hình phân tích kết cấu để đánh giá bởi nhóm dự án

 

 

 

N

 

 

 

 

 

 

 

Lập các báo cáo phát hiện va chạm của các mô hình liên hợp

 

 

 

 

N

 

 

 

 

 

 

Đảm bảo việc triển khai BIM công nhận hoạt động Quản lý công trình và các hoạt động vận hành và bảo trì

B

B

 

 

 

B

 

N

 

T

T

Kết hợp các mô hình thầu phụ (thiết kế và thi công)

 

 

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Đảm bảo tất cả các bản vẽ được lấy từ các mô hình thông tin

 

B

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Xuất và công bố các file theo lịch trình trao đổi file dữ liệu

 

B

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Kiểm soát và đảm bảo chất lượng

Tuân thủ quy trình kiểm tra trong Hồ sơ yêu cầu thông tin của CĐT

 

 

 

N

N

 

 

N

 

 

N

Đảm bảo tất cả các yêu cầu về bộ dữ liệu được hoàn thành đầy đủ theo giai đoạn Mức độ phát triển thông tin

 

T

 

N

N

 

B

N

 

 

N

Báo cáo các thay đổi về ngân sách, chi phí và thiết kế

P

 

N

 

 

 

 

N

 

 

 

Kiểm tra và điều phối các mô hình ảo, bao gồm phát hiện va chạm đầy đủ liên tục theo chương trình BIM

 

B

 

T

N

 

 

T

 

 

T

Báo cáo về chất lượng mô hình chung về mặt hình học, vật liệu và siêu dữ liệu

 

B

 

 

 

 

N

 

 

 

 

Báo cáo về tuân thủ dự án Kế hoạch thực hiện BIM liên quan đến Cấp độ chi tiết của mô hình, tính đầy đủ của mô hình và tính phù hợp của tiêu chuẩn BIM

 

B

 

 

 

B

N

 

 

 

 

Báo cáo về tính năng của mô hình 4D và 5D sử dụng bởi các chuyên gia tư vấn khác

 

B

T

 

 

 

N

T

 

 

 

Đánh giá các dữ liệu được nhận dưới các yêu cầu dữ liệu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin

 

 

 

N

N

 

N

N

 

 

N

Hỗ trợ phụ trách thiết kế bằng cách thực hiện quy trình phối hợp 3D và quy trình phát hiện xung đột kết hợp của bên thứ ba để hỗ trợ đánh giá phối hợp thiết kế

 

B

 

T

N

 

 

T

 

 

T

Các cuộc họp

Sử dụng các mô hình thông tin trong các cuộc họp giữa thiết kế và chủ đầu tư

 

 

 

 

N

 

 

N

 

 

 

Tổ chức các cuộc họp nhóm BIM

 

T

T

T

N

B

B

 

 

 

 

Tổ chức các cuộc họp điều khiển các giai đoạn công việc chính của BIM

T

T

T

T

T

N

N

T

 

T

 

Tổ chức các bài học kinh nghiệm sau khi hoàn thành các giai đoạn

B

N

N

N

N

N

N

N

N

N

N

Báo cáo và quản trị

Cung cấp các báo cáo tình trạng hàng tháng về phát triển BIM

B

T

N

N

N

N

N

N

T

T

N

Cung cấp mô hình mua sắm hàng tháng nêu bật các gói công việc đã được cho và / hoặc mua sắm

B

B

 

 

 

 

 

N

 

 

T

Cung cấp mô hình hàng tháng thể hiện tiến trình thực tế của chương trình so với kế hoạch

B

B

 

 

 

 

 

N

 

 

T

Báo cáo kết quả chuỗi cung ứng trong quá trình thi công

B

B

 

 

 

 

 

N

 

 

T

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

Biểu mẫu số 6

Cấu trúc Môi trường dữ liệu chung

Thống nhất các quy định và yêu cầu thực hiện trong phân tách cấu trúc lưu trữ dữ liệu và quyền sử dụng các thư mục chứa dữ liệu trong Môi trường dữ liệu chung được chọn.

S

Sửa

Chủ đầu tư

Kiến trúc

Kết cấu

Cơ điện

Kiến trúc cảnh quan

Hạ tầng

Nội thất

Quản lý vận hành

Đ

Đọc

K

Không vào

Cấu trúc Môi trường dữ liệu chung

Chung

 

Các tiêu chuẩn

 

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

S

Đ

Kế hoạch chi phí

 

Đ

Đ

Đ

Đ

Đ

Đ

S

S

Dự án

 

Đ

Đ

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Các báo cáo

Báo cáo thường niên hàng tháng

Đ

K

K

K

K

K

S

K

Các báo cáo va chạm

Đ

S

Đ

Đ

Đ

S

S

Đ

Dữ liệu phi hình học

Đ

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Các phản hồi

Đ

 

 

 

 

 

S

 

Các cuộc họp

 

S

S

S

S

S

S

S

S

Kiến trúc

 

Các mô hình

Đang thực hiện

Đ

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

K

Chia sẻ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Công bố

S

Đ

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Lưu trữ

Đ

K

K

K

K

Đ

S

K

Các bản vẽ

Đang thực hiện

Đ

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

K

Chia sẻ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Công bố

Đ

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Các tài liệu

Lưu trữ

Đ

K

K

K

K

Đ

S

K

Báo cáo va chạm

Đ

S

K

K

K

Đ

S

K

Thông tin yêu cầu của chủ đầu tư

Đ

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Các tài liệu khác

Đ

S

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Kết cấu

 

Các mô hình

Đang thực hiện

Đ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

S

K

Chia sẻ

Đ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Công bố

S

Đ

Đ

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Lưu trữ

Đ

K

K

K

K

Đ

S

K

Bản vẽ

Đang thực hiện

Đ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

S

K

Chia sẻ

Đ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Công bố

Đ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Tài liệu

Lưu trữ

Đ

K

K

K

K

Đ

S

K

Báo cáo va chạm

Đ

K

S

K

K

Đ

S

K

Thông tin yêu cầu của chủ đầu tư

Đ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

S

Đ

Các tài liệu khác

Đ

Đ

S

Đ

Đ

Đ

S

Đ

...

...

...

...

...

...

...

...

...

...

...

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

Biểu mẫu số 7

Các bộ phận/cấu kiện công trình trong mô hình BIM

Chủ đầu tư liệt kê các bộ phận/cấu kiện công trình thể hiện trong mô hình BIM.

 

 

 

 

 

 

1

2

3

4

5

6

 

 

CẤU KIỆN

ELEMENTS

PHẦN NGẦM

SUBSTRUCTURE

MÓNG

Foundations

Móng thường

Standard Foundations

Tường móng

Wall Foundations

Cột móng

Column Foundations

Kết cấu phụ

Standard Foundation Supplementary Components

Móng đặc biệt

Special Foundations

Cọc dẫn hướng

Driven Piles

Cọc nhồi

Bored Piles

Móng giếng chìm

Caissons

Tường móng đặc biệt

Special Foundation Walls

Móng neo

Foundation Anchors

Trụ gia cố

Underpinning

Móng bè

Raft Foundations

Đài cọc

Pile Caps

Dầm móng

Grade Beams

Tường vây

Subgrade Enclosures

Tường vây

Walls for Subgrade Enclosures

Thi công tường vây

Subgrade Enclosure Wall Construction

Lớp trát tường vây

Subgrade Enclosure Wall Interior Skin

Các thành phần phụ tường vây

Subgrade Enclosure Wall Supplementary Components

Sàn nền

Slabs-on-Grade

Sàn nền thường

Standard Slabs-on-Grade

Sàn nền kết cấu

Structural Slabs-on-Grade

Rãnh trên sàn

Slab Trenches

Hố thang máy

Pits and Bases

Kết cấu phụ

SlabOn-Grade Supplementary Components

Lớp cách sàn

Perimeter Insulation

Lớp ngăn hơi

Vapor Retarder

Lớp chống thấm

Waterproofing

Lớp lót sàn

Mud Slab

Lớp sàn phụ

Subbase Layer

Thoát nước và khí

Water and Gas Mitigation

Hệ thống thoát nước ngầm

Building Subdrainage

Thoát nước móng

Foundation Drainage

Thoát nước dưới sàn

Underslab Drainage

Hệ thống chống rò rỉ khí

Off-Gassing Mitigation

Chống rò rỉ khí phóng xạ

Radon Mitigation

Chống rò rỉ khí mê tan

Maethane Mitigation

Hoạt động liên quan tới móng

Substructure Related Activities

Đào đất tầng hầm

Substructure Excavation

Thoát nước thi công

Construction Dewatering

Chống hố đào

Excavation Support

Neo

Anchor Tiebacks

Cừ chắn

Cofferdams

Thành chống

Cribbing and Walers

Đông cứng mặt đất

Ground Freezing

Tường xi măng

Slurry Walls

Xử lý nền đất

Soil Treatment

VỎ CÔNG TRÌNH

SHELL

Phần thân

Superstructure

Thi công sàn

Floor Construction

Khung kết cấu tầng

Floor Structural Frame

Khung bê tông

Concrete

Bê tông đúc sẵn với dầm T đảo ngược

Precast Structural Inverted T Beam

Cột kết cấu đúc sẵn

Precast Structural Column

Xây tô

Masonry

Khung cột kết cấu thép

Steel Framing Columns

Khung dầm kết cấu thép

Steel Framing Beams

Khung giằng kết cấu thép

Steel Framing Bracing Rods

Khung kết cấu thép nhẹ

Steel Joists

Khung kim loại

Cold-Formed Metal Framing

Khung gỗ

Wood Floor Trusses

Sàn và lớp bù

Floor Decks, Slabs, and Toppings

Sàn ghép gỗ

Wood Floor Deck

Sàn ghép kim loại

Metal Floor Deck

Sàn vật liệu tổng hợp

Composite Floor Deck

Sàn bê tông

Concrete

Bê tông đúc sẵn với dầm T đôi

Precast Structural Double Tee

Sàn ban công thi công

Balcony Floor Construction

Sàn lửng thi công

Mezzanine Floor Construction

Sàn dốc

Ramps

Các thành phần phụ của sàn thi công

Floor Construction Supplementary Components

Mái thi công

Roof Construction

Khung kết cấu mái

Roof Structural Frame

Mái, sàn và lớp bao phủ

Roof Decks, Slabs, and Sheathing

Thi công mái đón

Canopy Construction

Các thành phần bổ sung cho mái thi công

Roof Construction Supplementary Components

Cầu thang

Stairs

Cầu thang thi công

Stair Construction

Mặt dưới cầu thang

Stair Soffits

Lan can cầu thang

Stair Railings

Cầu thang thoát hiểm

Fire Escapes

Lối đi kim loại

Metal Walkways

Thang leo

Ladders

Lớp bao ngoài phương đứng

Exterior Vertical Enclosures

Các tường ngoài

Exterior Walls

Lớp ốp tường ngoài

Exterior Wall Veneer

Thi công tường ngoài

Exterior Wall Construction

Tường ngoài - gỗ

Exterior Walls - Wood

Tường ngoài - Khung kim loại

Exterior Walls - Cold-Form Metal Framing

Tường ngoài - Khối xây

Exterior Walls - Masonry

Tường ngoài - Bê tông đúc sẵn

Exterior Walls - Precast Concrete

Lớp trát trong của tường ngoài

Exterior Wall Interior Skin

Các bộ phận lắp tường bên ngoài

Fabricated Exterior Wall Assemblies

Tường trên mái

Parapets

Rào chắn các khu vực thiết bị, kỹ thuật

Equipment Screens

Các thành phần phụ cho tường ngoài

Exterior Wall Supplementary Compomnents

Các thành phần phụ trên lỗ mở của tường ngoài

Exterior Wall Opening Supplementary Compomnents

Các cửa sổ ngoài

Exterior Windows

Cửa sổ ngoài không cố định

Exterior Operating Windows

Cửa sổ ngoài cố định

Exterior Fixed Windows

Tường cửa sổ ngoài

Exterior Window Wall

Cửa sổ ngoài có chức năng đặc biệt

Exterior Special Function Windows

Các cửa đi bên ngoài và các lưới chắn

Exterior Doors and Grilles

Cửa vào bên ngoài

Exterior Entrance Doors

Cửa đi đa năng bên ngoài

Exterior Utility Doors

Cửa quá khổ bên ngoài

Exterior Oversize Doors

Cửa ngoài có chức năng đặc biệt

Exterior Special Function Doors

Lưới chắn ngoài

Exterior Grilles

Cổng ngoài

Exterior Gates

Các thành phần phụ của cửa ngoài

Exterior Door Supplementary Components

Các tấm lam và tấm thông khí bên ngoài

Exterior Louvers and Vents

Tấm lam ngoài

Exterior Louvers

Các tấm thông khí bên ngoài

Exterior Vents

Các phụ kiện của cửa đi bên ngoài

Exterior Wall Appurtenances

Cố định lưới chắn bên ngoài

Exterior Fixed Grilles and Screens

Thiết bị bảo vệ lỗ mở bên ngoài

Exterior Opening Protection Devices

Tường ban công hoặc lan can bên ngoài

Exterior Balcony Walls and Railings

Chế tạo bên ngoài

Exterior Fabrications

Thiết bị chống chim

Bird Control Devices

Các đặc trưng của tường ngoài

Exterior Wall Specialties

Lớp bao ngoài phương ngang

Exterior Horizontal Enclosures

Mái

Roofing

Mái dốc lợp

Steep Slope Roofing

Mái độ dốc thấp

Low Slope Roofing

Mái đón

Canopy Roofing

Thành phần phụ của mái

Roofing Supplementary Components

Các bộ phận của mái

Roof Appurtenances

Phụ kiện mái

Roof Accessories

Đặc trưng của mái

Roof Specialties

Thoát nước mưa

Rainwater Management

Các bao che ngang

Traffic Bearing Horizontal Enclosures

Sơn lót

Traffic Bearing Coatings

Màng chống thấm ngang

Horizontal Waterproofing Membrane

Lớp bề mặt

Wear Surfaces

Các thành phần bổ sung bao quanh theo phương ngang

Horizontal Enclosure Supplementary Components

Các lỗ mở ngang

Horizontal Openings

Cửa sổ mái và cửa trần

Roof Windows and Skylights

Lỗ thông hơi và lỗ mở trên mái

Vents and Hatches

Các thành phần phụ của lỗ mở ngang

Horizontal Openings Supplementary Components

Lớp bao ngoài phía trên

Overhead Exterior Enclosures

Trần ngoài trời

Exterior Ceilings

Trần mái bên ngoài nhà

Exterior Soffits

Vách ngăn bên ngoài

Exterior Bulkheads

NỘI THẤT

INTERIORS

Thi công nội thất

Interior Construction

Các vách ngăn

Partitions

Vách ngăn nội thất cố định

Interior Fixed Partitions

Tường xây

Masonry

Khung kim loại nguội

Cold-Form Metal Framing

Gỗ

Wood

Vách ngăn nội thất kính

Interior Glazed Partitions

Vách ngăn nội thất rời

Interior Demountable Partitions

Vách ngăn nội thất di động

Interior Operable Partitions

Tấm chắn nội thất

Interior Screens

Các thành phần phụ vách ngăn nội thất

Interior Partitions Supplementary Components

Cửa sổ nội thất

Interior Windows

Cửa sổ nội thất không cố định

Interior Operating Windows

Cửa sổ nội thất cố định

Interior Fixed Windows

Cửa sổ nội thất chức năng đặc biệt

Interior Special Function Windows

Các thành phần phụ cửa sổ nội thất

Interior Window Supplementary Components

Cửa nội thất

Interior Doors

Cửa xoay

Interior Swinging Doors

Cừa vào chính

Interior Entrance Doors

Cửa trượt

Interior Sliding Doors

Cửa gập

Interior Folding Doors

Cửa cuốn

Interior Coiling Doors

Cửa tấm

Interior Panel Doors

Cửa có chức năng đặc biệt

Interior Special Function Doors

Cửa vào

Interior Access Doors and Panels

Các thành phần phụ của cửa nội thất

Interior Door Supplementary Components

Lưới chắn bên trong và cổng

Interior Grilles and Gates

Lưới chắn bên trong

Interior Grilles

Cổng bên trong

Interior Gates

Kết cấu nâng sàn

Raised Floor Construction

Lối vào sàn

Access Flooring

Bệ sàn

Platform/Stage Floors

Kết cấu trần treo

Suspended Ceiling Construction

Trần treo cách âm

Acoustical Suspended Ceilings

Trần thạch cao

Suspended Plaster and Gypsum Board Ceilings

Trần treo đặc biệt

Specialty Suspended Ceilings

Trần treo chức năng đặc biệt

Special Function Suspended Ceilings

Linh kiện trần treo

Ceiling Suspension Components

Các thành phần đặc biệt nội thất

Interior Specialties

Lan can

Interior Railings and Handrails

Lam nội thất

Interior Louvers

Thông tin đặc biệt

Information Specialties

Phòng ngăn nhỏ

Compartments and Cubicles

Tường dịch vụ

Service Walls

Lớp bảo vệ tường và cửa

Wall and Door Protection

Vệ sinh, phòng tắm, phụ kiện giặt là

Toilet, Bath and Laundry Accessories

Thắp sáng bằng khí

Interior Gas Lighting

Lò sưởi và bếp

Fireplaces and Stoves

Bộ phận an toàn đặc biệt

Safety Specialties

Kho đặc biệt

Storage Specialties

Thành phần đặc biệt khác bên trong

Other Interior Specialties

Hoàn thiện nội thất

Interior Finishes

Hoàn thiện tường

Wall Finishes

Hoàn thiện tường gạch

Tile Wall Finish

Tấm tường

Wall Paneling

Phủ tường

Wall Coverings

Thảm tường

Wall Carpeting

Ốp đá mặt

Stone Facing

Bề mặt tường đặc biệt

Special Wall Surfacing

Sơn tường

Wall Painting and Coating

Xử lý cách âm tường

Acoustical Wall Treatment

Thành phần phụ để hoàn thiện tường

Wall Finish Supplementary Components

Lắp đặt nội thất

Interior Fabrications

Sàn

Flooring

Xử lý sàn

Flooring Treatment

Lát sàn

Tile Flooring

Đặc tính sàn

Specialty Flooring

Xây gạch sàn

Masonry Flooring

Ốp gỗ sàn

Wood Flooring

 

Resilient Flooring

 

Terrazzo Flooring

 

Fluid-Applied Flooring

Trải thảm

Carpeting

 

Athletic Flooring

Sàn lối vào

Entrance Flooring

Thành phần phụ của sàn

Flooring Supplementary Components

Hoàn thiện cầu thang

Stair Finishes

Ốp hoàn thiện cầu thang

Tile Stair Finish

Hoàn thiện cầu thang gạch

Masonry Stair Finish

Hoàn thiện cầu thang gỗ

Wood Stair Finish

 

Resilient Stair Finish

 

Terrazzo Stair Finish

Trải thảm cầu thang

Carpeted Stair Finish

Hoàn thiện trần

Ceiling Finishes

Hoàn thiện trần thạch cao

Plaster and Gypsum Board Finish

Ốp trần

Ceiling Paneling

Sơn trần

Ceiling Painting and Coating

Xử lý cách âm trần

Acoustic Ceiling Treatment

Thành phần phụ hoàn thiện trần

Ceiling Finish Supplementary Components

CÁC HỆ THỐNG KỸ THUẬT

SERVICES

Hệ thống vận chuyển

Conveying

Hệ thống vận chuyển phương đứng

Vertical Conveying Systems

Thang máy

Elevators

Thang nâng

Lifts

Thang cuốn

Escalators

Thang máy nhỏ chở hàng

Dumbwaiters

Băng di chuyển dốc

Moving Ramps

Hệ thống vận chuyển phương ngang

Horizontal Conveying

Băng chuyền ngang

Moving Walks

Bàn xoay

Turntables

Cầu tải hành khách

Passenger Loading Bridges

Hệ thống di chuyển người khác

People Movers

Vận chuyển vật liệu

Material Handling

Cần cẩu

Cranes

Ròng rọc, palăng

Hoists

Cầu trục

Derrecks

Băng tải

Conveyors

Thiết bị vận chuyển hành lý

Baggage Handling Equipment

Máng trượt

Chutes

Hệ thống ống nén khí

Pneumatic Tube Systems

Hệ thống thâm nhập

Operable Access Systems

Giàn giáo treo

Suspended Scaffolding

Dây treo

Rope Climbers

Thang nâng

Elevating Platforms

Giàn giáo di động

Powered Scaffolding

Hệ thống cách ly

Building Envelope Access

Cấp thoát nước

Plumbing

Hệ thống cấp nước nội bộ

Domestic Water Distribution

Bể chứa nước uống

Facility Potable-Water Storage Tanks

Thiết bị nước nội bộ

Domestic Water Equipment

Ống nước nội bộ

Domestic Water Piping

 

Plumbing Fixtures

Các thành phần bô sung để phân phối nước nội bộ

Domestic Water Distribution Supplementary Components

Thoát nước vệ sinh

Sanitary Drainage

Thiết bị thoát nước vệ sinh

Sanitary Sewerage Equipment

Đường ống thoát nước vệ sinh

Sanitary Sewerage Piping

Các thành phần bổ sung của hệ thống thoát nước vệ sinh

Sanitary Drainage Supplementary Components

Hệ thống hỗ trợ cấp thoát nước

Building Support Plumbing Systems

Thiết bị thoát nước mưa

Stormwater Drainage Equipment

Đường ống thoát nước mưa

Stormwater Drainage Piping

Rãnh thoát nước mưa

Facility Stormwater Drains

 

Gray Water Systems

Các thành phần bổ sung hỗ trợ cho hệ thống cấp thoát nước tòa nhà

Building Support Plumbing System Supplementary Components

Hệ thống khí nén trung tâm

General Service Compressed-Air

Quy trình phụ trợ hệ thống cấp thoát nước

Process Support Plumbing Systems

Hệ thống khí nén

Compressed-Air Systems

Hệ thống hút chân không

Vacuum Systems

Hệ thống gas

Gas Systems

Hệ thống xử lý rác thải hóa học

Chemical-Waste Systems

Hệ thống lọc nước qua sử dụng

Processed Water Systems

Các thành phần bổ sung hỗ trợ hệ thống cấp thoát nước

Process Support Plumbing System Supplementary Components

Điều hòa không khí

HVAC

Hệ thống cấp nhiên liệu

Facility Fuel Systems

Đường ống nhiên liệu

Fuel Piping

Bơm nhiên liệu

Fuel Pumps

Bồn chứa nhiên liệu

Fuel Storage Tanks

Hệ thống sưởi

Heating Systems

Sinh nhiệt

Heat Generation

Lưu nhiệt

Thermal Heat Storage

Thiết bị cấp nhiệt phân cấp

Decentralized Heating Equipment

Thành phần bổ sung của hệ thống sưởi

Heating System Supplementary Components

Hệ thống làm mát

Cooling Systems

Làm mát trung tâm

Central Cooling

Làm mát bằng không khí

Evaporative Air-Cooling

 

Thermal Cooling Storage

Phân phối làm mát

Decentralized Cooling

Thành phần bổ sung của hệ thống làm mát

Cooling System Supplementary Components

Bộ phận hệ thống phân phối điều hòa không khí

Facility HVAC Distribution Systems

 

Facility Hydronic Distribution

Bộ phận phân phối hơi nước

Facility Steam Distribution

 

HVAC Air Distribution

Thành phần bổ sung của hệ thống phân phối

Facility Distribution Systems Supplementary Components

Thông khí

Ventilation

Khí cấp

Supply Air

Khí hoàn lưu

Return Air

Khí thải

Exhaust Air

Không khí bên ngoài

Outside Air

Phục hồi năng lượng không khí

Air-to-Air Energy Recovery

 

HVAC Air Cleaning

Thành phần bổ sung của hệ thống thông khí

Ventilation Supplementary Components

Hệ thống điều hòa thông gió chuyên dụng

Special Purpose HVAC Systems

Làm tan tuyết

Snow Melting

Phòng cháy chữa cháy

Fire Protection

Chữa cháy

Fire Suppression

Chữa cháy bằng nước

Water-Based Fire-Suppression

Bình chữa cháy

Fire-Extinguishing

Thành phần bổ sung của hệ thống chữa cháy

Fire Suppression Supplementary Components

Phòng cháy chuyên dụng

Fire Protection Specialties

Tủ chống cháy

Fire Protection Cabinets

Bình chữa cháy

Fire Extinguishers

Hệ thống bổ sung khí thở

Breathing Air Replenishment Systems

Phụ kiện chữa cháy

Fire Extinguisher Accessories

Điện

Electrical

Máy phát điện

Facility Power Generation

Cụm máy phát điện

Packaged Generator Assemblies

Thiết bị pin

Battery Equipment

Pin năng lượng mặt trời

Photovoltaic Collectors

Pin nhiên liệu

Fuel Cells

Điều khiển điện

Power Filtering and Conditioning

Chuyển mạch

Transfer Switches

Thành phần bổ sung của máy phát điện

Facility Power Generation Supplementary Components

Phân phối điện

Electrical Service and Distribution

Cung cấp đường điện vào

Electrical Service Entrance

Phân phối điện

Power Distribution

Bộ phận tiếp đất

Facility Grounding

Thành phần bổ sung của hệ thống phân phối điện

Electrical Service and Distribution Supplementary Components

Bảng điện tổng

General Purpose Electrical Power

Hệ thống dây nhánh

Branch Wiring System

Ổ điện

Wiring Devices

Thành phần bổ sung của bảng điện tổng

General Purpose Electrical Power Supplementary Components

Chiếu sáng

Lighting

Điều khiển ánh sáng

Lighting Control

Mạng lưới chiếu sáng

Branch Wiring for Lighting

Đèn chiếu sáng

Lighting Fixtures

Thành phần bổ sung của hệ thống chiếu sáng

Lighting Supplementary Components

Hệ thống phụ tùng điện

Miscellaneous Electrical Systems

Chống sét

Lightning Protection

Bảo vệ điện áp

Transient Voltage Suppression

Thông tin liên lạc

Communications

Hệ thống truyền dữ liệu

Data Communications

Hệ thống truyền âm

Voice Communications

Hệ thống truyền âm thanh và video

Audio-Video Communication

Hệ thống phân phối và giám sát

Distributed Communications and Monitoring

Thành phần bổ sung của hệ thống kết nối

Communications Supplementary Components

An toàn điện tử và an ninh

Electronic Safety and Security

Kiểm soát truy cập và phát hiện xâm nhập

Access Control and Intrusion Detection

Giám sát điện tử

Electronic Surveillance

Nhận dạng và báo động

Detection and Alarm

Giám sát và kiểm soát điện tử

Electronic Monitoring and Control

Thành phần bổ sung của hệ thống an toàn điện tử và an ninh

Electronic Safety and Security Supplementary Components

Tự động hóa tích hợp

Integrated Automation

Tích hợp điều khiển tự động

Integrated Automation Facility Controls

THIẾT BỊ VÀ ĐỒ DÙNG

EQUIPMENT & FURNISHINGS

Thiết bị

Equipment

Thiết bị cho xe cộ và người đi bộ

Vehicle and Pedestrian Equipment

Thiết bị bảo dưỡng xe

Vehicle Servicing Equipment

Thiết bị kiểm soát đỗ xe nội bộ

Interior Parking Control Equipment

Thiết bị xếp dỡ

Loading Dock Equipment

Thiết bị kiểm soát nội bộ dành cho người đi bộ

Interior Pedestrian Control Equipment

Thiết bị khu thương mại

Commercial Equipment

Thiết bị dịch vụ và thương mại

Mercantile and Service Equipment

Thiết bị chứa

Vault Equipment

Thiết bị thông tin và dịch vụ

Teller and Service Equipment

Thiết bị chứa lạnh

Refrigerated Display Equipment

Thiết bị giặt và làm sạch khô thương mại

Commercial Laundry and Dry Cleaning Equipment

Thiết bị bảo trì

Maintenance Equipment

Thiết bị y tế

Hospitality Equipment

Thiết bị bếp

Unit Kitchens

Thiết bị xử lý ảnh

Photographic Processing Equipment

Thiết bị bưu chính, đóng gói và vận chuyển

Postal, Packaging and Shipping Equipment

Thiết bị văn phòng

Office Equipment

Thiết bị phục vụ đồ ăn

Foodservice Equipment

Thiết bị làm việc

Institutional Equipment

Thiết bị giáo dục khoa học

Educational and Scientific Equipment

Thiết bị chăm sóc sức khỏe

Healthcare Equipment

Thiết bị tôn giáo

Religious Equipment

Thiết bị an ninh

Security Equipment

Thiết bị giam giữ

Detention Equipment

Thiết bị khu ở

Residential Equipment

Thiết bị gia dụng

Residential Appliances

Cầu thang khu ở

Residential Stairs

Quạt trần

Residential Ceiling Fans

Thiết bị cho khu giải trí và nghỉ ngơi

Entertainment and Recreational Equipment

Thiết bị sân khấu

Theater and Stage Equipment

Thiết bị âm nhạc

Musical Equipment

Thiết bị thể thao

Athletic Equipment

Thiết bị giải trí

Recreational Equipment

Thiết bị khác

Other Equipment

Thiết bị xử lý chất thải rắn

Solid Waste Handling Equipment

Thiết bị nông nghiệp

Agricultural Equipment

Thiết bị trồng trọt

Horticultural Equipment

Thiết bị khử trùng

Decontamination Equipment

Đồ đạc

Furnishings

Đồ đạc cố định

Fixed Furnishings

Trang trí nghệ thuật cố định

Fixed Art

Xử lý cửa sổ

Window Treatments

Tủ, Kệ

Casework

Ghế ngồi cố định

Fixed Multiple Seating

Đồ đạc cố định khác

Other Fixed Furnishings

Đồ đạc di chuyển được

Movable Furnishings

Trang trí nghệ thuật di động

Movable Art

Đồ nội thất

Furniture

Phụ kiện

Accessories

Ghế ngồi di động

Movable Multiple Seating

Đồ đạc di động khác

Other Movable Furnishings

THI CÔNG HOẶC PHÁ DỠ ĐẶC BIỆT

SPECIAL CONSTRUCTION & DEMOLITION

Thi công đặc biệt

Special Construction

Thi công tích hợp

Integrated Construction

Kết cấu đặc biệt

Special Structures

Xây dựng chức năng đặc biệt

Special Function Construction

Các tổ hợp chức năng đặc biệt

Special Facility Components

Thi công thể thao và giải trí đặc biệt

Athletic and Recreational Special Construction

Trang thiết bị đặc biệt

Special Instrumentation

Bộ phận bổ sung

Facility Remediation

Xử lý vật liệu nguy hiểm

Hazardous Materials Remediation

Phá dỡ

Demolition

Phá dỡ kết cấu

Structure Demolition

Phá dỡ các bộ phận

Selective Demolition

Di chuyển kết cấu

Structure Moving

CÔNG TRƯỜNG XÂY DỰNG

BUILDING SITEWORK

Chuẩn bị mặt bằng

Site Preparation

Dọn dẹp mặt bằng

Site Clearing

Phá dỡ các thành phần trên mặt bằng

Site Elements Demolition

Sắp xếp thành phần trên công trường

Site Element Relocations

Gia cố công trường

Site Remediation

Đào đắp công trường

Site Earthwork

Cấp phối

Grading

Cải tạo nền công trường

Site Improvements

Đường bộ

Roadways

Chỗ đỗ xe

Parking Lots

Bãi đậu xe lề đường

Parking Lot Pavement

Vỉa hè bãi đỗ xe

Parking Lot Curbs and Gutters

Phụ kiện đỗ xe

Parking Lot Appurtenances

Nơi tập trung và Lối cho người đi bộ

Pedestrian Plazas and Walkways

Sân bay

Airfields

Các khu vực thể thao, thư giãn và sân chơi

Athletic, Recreational, and Playfield Areas

Nâng cấp nền

Site Development

Cảnh quan

Landscaping

Các tiện ích cấp chất lỏng và gas

Liquid and Gas Site Utilities

Cấp nước

Water Utilities

Phân phối nước trong công trường

Site Domestic Water Distribution

Phân phối nước chữa cháy trong công trường

Site Fire Protection Water Distribution

Thoát nước thải

Sanitary Sewerage Utilities

Đường ống thoát nước vệ sinh

Sanitary Sewerage Piping

Kết cấu thoát nước vệ sinh

Sanitary Sewerage Structures

Thoát nước mưa

Storm Drainage Utilities

Phân phối điện công trường

Site Energy Distribution

Phân phối nhiên liệu công trường

Site Fuel Distribution

Thành phần bổ sung cho các tiện ích về chất lỏng và gas

Liquid and Gas Site Utilities Supplementary Components

Điện cho công trường

Electrical Site Improvements

Các hệ thống cung cập điện cho công trường

Site Electric Distribution Systems

Chiếu sáng công trường

Site Lighting

Thông tin liên lạc công trường

Site Communications

Hệ thống thông tin liên lạc công trường

Site Communications Systems

Các công trình phụ trợ trên công trường

Miscellaneous Site Construction

Hầm

Tunnels

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

Biểu mẫu số 8

Mức độ phát triển thông tin

Chủ đầu tư đưa ra bảng Mức độ phát triển mô hình dự kiến yêu cầu áp dụng trong công trình xuyên suốt các giai đoạn dự án.

Danh mục cấu kiện

Bảng thuộc tính có liên quan

Thiết kế cơ sở

Thiết kế kỹ thuật

Thiết kế bản vẽ thi công

Ngày

Ngày

Ngày

LOD

Tác giả

Ghi chú

LOD

Tác giả

Ghi chú

LOD

Tác giả

Ghi chú

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 


Biểu mẫu số 9

Sản phẩm bàn giao

Chủ đầu tư đưa ra quy định về sản phẩm bàn giao dự kiến cho (các) giai đoạn thực hiện áp dụng BIM của dự án.

Ghi chú:

- KT: Kiến trúc

- KC: Kết cấu

- CĐ: Cơ điện

- NT: Nhà thầu

- CQ: Cảnh quan

Đối tượng, Cấu kiện

Thiết kế sơ bộ

Thiết kế cơ sở

Thiết kế kỹ thuật

Thiết kế bản vẽ thi công

Hoàn công

LOD

Tác giả

LOD

Tác giả

LOD

Tác giả

LOD

Tác giả

LOD

Tác giả

Phần Ngầm

 

Móng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vỏ công trình

 

Phần thân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sàn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mái

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nội thất

 

Hoàn thiện tường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoàn thiện sàn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hoàn thiện trần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hệ thống kỹ thuật

 

Hệ thống vận chuyển

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thiết bị và đồ dùng

 

Thiết bị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đồ dùng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phá dỡ và thi công đặc biệt

 

Thi công đặc biệt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phá dỡ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

...

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.


PHẦN VII: HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BIM

I. Giới thiệu chung

Kế hoạch thực hiện BIM được lập bởi nhà thầu để xác định tiến trình xây dựng mô hình BIM. Trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, nhà thầu xây dựng Kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ (Pre-BEP) để làm cơ sở Chủ đầu tư lựa chọn. Nội dung Pre-BEP bao gồm:

- Đáp ứng các yêu cầu trong EIR.

- Khả năng và kinh nghiệm của nhà thầu.

- Mục tiêu cho phối hợp xây dựng mô hình thông tin.

- Các mốc chính.

- Chiến lược quản lý thông tin công trình.

Sau giai đoạn lựa chọn nhà thầu, nhà thầu được lựa chọn lập Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án với các nội dung chính sau:

- Đáp ứng các yêu cầu trong EIR.

- Khả năng và kinh nghiệm của nhà thầu.

- Ma trận trách nhiệm.

- Kế hoạch quản lý và các tài liệu quy định

- Các phương pháp và Tiến trình.

- Kế hoạch chuyển giao tổng thể.

Trong quá trình lập Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án, nhà thầu cần phối hợp với Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan của Dự án để thống nhất các nội dung chi tiết.

Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án phải được Chủ đầu tư chấp thuận trước khi tổ chức triển khai. Trong quá trình thực hiện, các bên liên quan có thể đề xuất điều chỉnh Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án. Nhà quản lý BIM có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan xem xét, đánh giá các đề xuất. Trong trường hợp có ý kiến nhất trí thì điều chỉnh kế hoạch, báo cáo với Chủ đầu tư xem xét, chấp thuận.

Tài liệu Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án được thực hiện trên cơ sở thống nhất với Chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan trong dự án, do đó để việc sử dụng tài liệu có hiệu quả, thống nhất, các thành viên trong dự án cần tự kiểm soát các phiên bản tài liệu và nội dung để đảm bảo thông tin được cập nhật kịp thời và chính xác.

II. Nội dung kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ

Nội dung chính trong kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ bao gồm:

1. Thông tin tổng quan

Bao gồm các thông tin về Chủ đầu tư, Địa chỉ liên hệ, Tên công trình, Vị trí của công trình và Một số thông tin cơ bản khác về công trình.

2. Các yêu cầu và tiến trình BIM

Nhà thầu phản hồi về Mục tiêu chiến lược áp dụng, các ứng dụng BIM, mức độ phát triển thông tin trong Hồ sơ yêu cầu thông tin nhằm đánh giá tính khả thi và làm cơ sở cho quy trình triển khai sau này.

Quy trình BIM định hình khi các ứng dụng BIM trong các giai đoạn dự án được xác định, kèm theo các yêu cầu về Mức độ phát triển thông tin đã chỉ rõ các yêu cầu cần thiết và trách nhiệm của từng bên trong việc triển khai công việc liên quan.

a. Các ứng dụng BIM

Tham chiếu về danh sách các ứng dụng BIM đã được phân loại trong Hồ sơ yêu cầu thông tin (Biểu mẫu số 4 của phụ lục I). Danh mục ứng dụng đã nêu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin là bắt buộc thực hiện. Các ứng dụng đề xuất khác ở mức “trung bình” và “thấp” sẽ được thực hiện nếu có sự thống nhất của Chủ đầu tư và các bên liên quan.

b. Mức độ phát triển thông tin

Mức độ phát triển thông tin cần được nhà thầu xem xét phản hồi đáp ứng và có giải pháp để thống nhất với Chủ đầu tư (Nội dung theo Bảng Mức độ phát triển thông tin và cần phải phù hợp với Biểu mẫu số 9 trong Hồ sơ yêu cầu thông tin của phụ lục I).

3. Chuyển giao và sản phẩm

Nhà thầu phản hồi đáp ứng hoặc đề xuất Tiến độ trao đổi dữ liệu (nếu Chủ đầu tư chưa đưa ra trong Hồ sơ yêu cầu thông tin nêu tại Biểu mẫu số 2 của phụ lục I mà chỉ đưa ra Biểu mẫu số 1 của phụ lục I). Cần căn cứ Bảng giao nộp sản phẩm mô hình (ví dụ tại Biểu mẫu số 9 của phụ lục I).

a. Mô hình BIM

Nhà thầu phản hồi đáp ứng các yêu cầu về thông tin như: Đầy đủ thông tin tham số về kích thước hình học của từng đối tượng cấu kiện công trình, thông số thể hiện đến mức độ chi tiết các phụ kiện chính của từng cấu kiện nhằm phục vụ công tác thống kê khối lượng chi tiết.

Ví dụ: các loại cửa ra vào phải thống kê được số lượng và chủng loại bản lề, tay nắm cửa trực tiếp từ mô hình BIM trong hệ cửa.

b. Sản phẩm bản vẽ 2 chiều

Thông tin được trích xuất từ mô hình sử dụng các quy định thể hiện bản vẽ hiện hành. Các bản vẽ, phối cảnh, báo cáo, tiến độ phải bao gồm các nội dung sau:

- Thông tin chỉ dùng cho mục tiêu thể hiện ý đồ thiết kế.

- Giảm thiểu việc lặp lại các chi tiết minh họa và trùng lặp bản vẽ.

- Các thông tin phải được phân bổ có trật tự và tính logic.

4. Phối hợp

Nhà thầu xác nhận lại các đề xuất về phần mềm và phiên bản áp dụng dự kiến căn cứ theo yêu cầu của Hồ sơ yêu cầu thông tin. Xác định Môi trường dữ liệu chung sẽ sử dụng và các đề xuất đảm bảo an toàn dữ liệu.

a. Phần mềm và phiên bản

Nhà thầu phản hồi đáp ứng hoặc đề xuất Tiến độ trao đổi dữ liệu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin (theo Biểu mẫu số 2 của phụ lục I) về các loại phần mềm sử dụng, mọi sự thay đổi bổ sung phần mềm và cập nhật phiên bản mới cần được sự chấp thuận của tất cả các bên tham gia và Chủ đầu tư nhằm tránh việc xung đột và đảm bảo tính đồng bộ của dữ liệu.

b. Môi trường dữ liệu chung và cấu trúc

Nhà thầu phản hồi đáp ứng và đề xuất yêu cầu về Môi trường dữ liệu chung và cấu trúc trong Hồ sơ yêu cầu thông tin (theo Biểu mẫu số 6 của phụ lục I). Quyền truy cập và bất kỳ sự bổ sung nào về cấu trúc đặt tên hoặc Môi trường dữ liệu chung sẽ được xác định và chấp thuận với các bên bởi Quản lý thông tin, các bên tham gia và Chủ đầu tư.

c. An toàn dữ liệu

Để nâng cao tính bảo mật và khả năng truy cập dữ liệu từ Môi trường dữ liệu chung. Các bên có liên quan và được sử dụng phải nghiêm túc tôn trọng vị trí tài liệu, thư mục, cấu trúc. Mọi sự thay đổi phải được chấp thuận của tất cả các bên tham gia và Chủ đầu tư.

Tất cả các thông tin dự án có trên Môi trường dữ liệu chung là các tài liệu được bảo mật, trừ khi có sự chấp thuận khác của Chủ đầu tư.

5. Các quy ước về thông tin/tài liệu

Nhà thầu phản hồi và đưa ra các đề xuất trong Hồ sơ yêu cầu thông tin như: Hệ đo lường, Kế hoạch phân chia dữ liệu mô hình và Đảm bảo chất lượng mô hình như yêu cầu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin.

a. Hệ đo lường

Tất cả mô hình, thông tin trong từng cấu kiện mô hình và thiết kế tương ứng phải sử dụng theo hệ đo lường như sau:

- Hệ mét.

- Phương pháp đo đạc theo cách thức hiện hành của Việt Nam.

- Mô hình tạo lập theo tỉ lệ 1:1 đảm bảo chính xác.

b. Xây dựng mô hình

Liệt kê các loại mô hình cần xây dựng và tác giả mô hình, ví dụ:

Loại mô hình

Tác giả

Mô hình Kiến trúc

Kiến trúc sư chính

Mô hình Cơ điện

Kỹ sư Cơ điện chính

Mô hình Kết cấu

Kỹ sư Xây dựng chính

Mô hình cảnh quan

Kiến trúc sư cảnh quan chính

Chiến lược phân chia mô hình: Mô hình các bộ môn được phân chia tùy theo các tính chất sau: theo khu vực, theo cấu tạo, theo trình tự thực hiện của dự án, theo số lượng bộ môn, theo quy trình triển khai giữa các nhóm.

c. Phương pháp đánh giá, kiểm tra mô hình nội bộ

Người chịu trách nhiệm chính hoặc kiểm tra mô hình mỗi bộ môn kỹ thuật cần có các quy trình hoặc tiêu chí đánh giá chất lượng mô hình.

Ví dụ: kiểm tra mô hình qua các bước sau trước khi chia sẻ lên CDE:

- Loại bỏ các đối tượng không cần thiết trong mô hình.

- Các mô hình cần được để ở khung nhìn mặt bằng hoặc khung nhìn thông báo nếu có để giảm thiểu thời gian khi mở các file.

- Cấu trúc đặt tên dự án cần được kiểm tra và chấp thuận

d. Xử lý xung đột

Khi thông tin thiết kế có sự sai lệch hoặc xung đột với nhau giữa các phần, các phiên bản thì mô hình BIM tổng hợp tại thời điểm hiện tại được ưu tiên sử dụng trước các tài liệu khác.

III. Nội dung Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án

Nội dung chính trong kế hoạch thực hiện BIM cho dự án bao gồm:

1. Phiên bản tài liệu

Phiên bản số

Ngày chấp thuận

Người chấp thuận

1

14/4/2015

Nguyễn Văn A

2

16/8/2015

Nguyễn Văn A

..

...

...

2. Các tiêu chuẩn áp dụng

Để thống nhất một hướng tiếp cận trong sử dụng tiêu chuẩn, hướng dẫn BIM hiện hành (tên chủ đầu tư) yêu cầu các nhóm dự án, các nhà thầu phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đã được yêu cầu trong tài liệu Hồ sơ yêu cầu thông tin.

- Các tiêu chuẩn thay thế là:

- Các tiêu chuẩn bổ sung là:

3. Tổng quan về công trình và mục tiêu chiến lược

a. Thông tin tổng quan

Bao gồm các thông tin về Chủ đầu tư, Địa chỉ liên hệ, Tên công trình, Vị trí của công trình và Một số thông tin cơ bản khác về công trình.

b. Mục tiêu chiến lược

Thống nhất mục tiêu áp dụng BIM trên cơ sở nội dung đã nêu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin có tham khảo thêm các đề xuất của các bên liên quan và nhà thầu BIM.

4. Các yêu cầu và tiến trình BIM

Nhà thầu phản hồi về các ứng dụng BIM, mức độ phát triển thông tin trong Hồ sơ yêu cầu thông tin nhằm đánh giá tính khả thi và làm cơ sở cho quy trình triển khai sau này.

Quy trình BIM định hình khi các ứng dụng BIM trong các giai đoạn dự án được xác định, kèm theo các yêu cầu về Mức độ phát triển thông tin đã chỉ rõ các yêu cầu cần thiết và trách nhiệm của từng bên trong việc triển khai công việc liên quan.

a. Các ứng dụng BIM

Tham chiếu về danh sách các ứng dụng BIM đã được phân loại trong Hồ sơ yêu cầu thông tin và trong Kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ (theo Biểu mẫu số 4 của phụ lục I). Danh mục ứng dụng đã nêu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin là bắt buộc thực hiện. Các ứng dụng đề xuất khác ở mức “trung bình” và “thấp” sẽ được thực hiện nếu có sự thống nhất của Chủ đầu tư và các bên liên quan.

b. Mức độ phát triển mô hình

Mức độ phát triển thông tin cần được nhà thầu xem xét phản hồi đáp ứng và có giải pháp để thống nhất với Kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ đã trình Chủ đầu tư và căn cứ Hồ sơ yêu cầu thông tin (theo Biểu mẫu số 8 và cần phải phù hợp với Biểu mẫu số 9 của phụ lục I).

5. Kế hoạch triển khai

Các lưu ý chung về đặc điểm đặc thù của công trình áp dụng BIM, nhằm giúp các bên nâng cao nhận thức mối liên hệ triển khai và quản lý áp dụng BIM phù hợp, hiệu quả.

a. Kế hoạch triển khai BIM

Các bên tham gia triển khai áp dụng BIM cần lưu ý kết hợp và liên kết chặt chẽ các quy trình BIM vào các quy trình triển khai dự án tổng thể. Phải bố trí các nhân sự BIM cần thiết, phù hợp đáp ứng được các yêu cầu và tiến độ dự án tổng thể đề ra.

Ngoài ra, các nội dung ảnh hưởng và các mốc trình tự sau sẽ tác động đến quy trình triển khai BIM

- Hiện trạng mặt bằng xây dựng

- Phê duyệt quy hoạch kiến trúc

- Quy trình đấu thầu

- Dữ liệu trao đổi quan trọng

- Giai đoạn thử nghiệm chuyển giao dữ liệu

b. Các mốc chính: ghi cụ thể các mốc quan trọng, ví dụ:

Các mốc

Ngày

1 - Phê duyệt quy hoạch kiến trúc

20/7/2017

2 - Phê duyệt khối lượng đầu thấu

20/8/2017

3 - Phê duyệt biện pháp thi công

20/9/2017

Các mốc quan trọng cho việc triển khai BIM và trao đổi dữ liệu chuyển giao cần được quy định trong Kế hoạch trao đổi dữ liệu và được thống nhất với Chủ đầu tư trên cơ sở Kế hoạch triển khai BIM sơ bộ.

6. Các bên liên quan và trách nhiệm

Phân công vai trò và trách nhiệm cụ thể của tất cả các bên liên quan đến dự án, những người sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các phần hoạt động quan trọng.

a. Tổng quan

Nhằm giảm thiểu tối đa sự trùng lặp hoặc thiếu sót các thành viên hoặc bên liên quan khác nhau đến dự án có thể ảnh hưởng đến vai trò và trách nhiệm trong thực tiễn triển khai. Thông tin cụ thể các bên tham gia được liệt kê chi tiết tham khảo theo Biểu mẫu số 1 của phụ lục II.

b. Vai trò và trách nhiệm

Vai trò và trách nhiệm được mô tả cụ thể theo Biểu mẫu số 5 của phụ lục I. Các thành viên có trách nhiệm đối chiếu phiên bản Kế hoạch triển khai BIM mới nhất về tổng thể mục tiêu thực hiện.

Ví dụ Trách nhiệm cụ thể của Nhà điều phối BIM đảm bảo các nhóm nhiệm vụ sau:

- Phối hợp tất cả các hệ kỹ thuật và hoạt động BIM cụ thể của một hệ bên trong từng tổ chức.

- Quản lý các ứng dụng BIM được phân bổ cho từng đơn tổ chức

- Phối hợp bất kỳ vấn đề BIM có liên quan nào đến các hoạt động của nhóm bộ môn của tổ chức đó.

7. Chuyển giao và sản phẩm

Nhà thầu chi tiết hóa và cập nhật đề xuất Kế hoạch trao đổi dữ liệu (theo Biểu mẫu số 2 của phụ lục I). Cần căn cứ Sản phẩm bàn giao (theo Biểu mẫu số 9 của phụ lục I).

a. Mô hình BIM

Nhà thầu phản hồi đáp ứng các yêu cầu về thông tin như: Đầy đủ thông tin tham số về kích thước hình học của từng đối tượng cấu kiện công trình, thông số thể hiện đến mức độ chi tiết các phụ kiện chính của từng cấu kiện nhằm phục vụ công tác thống kê khối lượng chi tiết.

Ví dụ:

- Các loại cửa ra vào phải thống kê được số lượng và chủng loại bản lề, tay nắm cửa trực tiếp từ mô hình BIM trong hệ cửa.

- Các sàn, phòng và khu vực không gian phải thống kê được diện tích sử dụng chính xác đến từng khu vực. Điều này nhằm đảm bảo việc lập kế hoạch không gian và tài sản quản lý công trình ở giai đoạn sau.

b. Sản phẩm bản vẽ 2 chiều

Thông tin được trích xuất từ mô hình sử dụng các quy định thể hiện bản vẽ hiện hành. Các bản vẽ, phối cảnh, báo cáo, tiến độ phải bao gồm các nội dung sau:

- Thông tin chỉ dùng cho mục tiêu thể hiện ý đồ thiết kế.

- Giảm thiểu việc lặp lại các chi tiết minh họa và trùng lặp bản vẽ.

- Các thông tin phải được phân bổ có trật tự và tính logic.

8. Phối hợp

Nhà thầu xác nhận lại các đề xuất về phần mềm và phiên bản áp dụng dự kiến căn cứ theo yêu cầu của Hồ sơ yêu cầu thông tin. Xác định Môi trường dữ liệu chung sẽ sử dụng và các đề xuất đảm bảo an toàn dữ liệu.

a. Phần mềm và phiên bản

Nhà thầu phản hồi đáp ứng hoặc đề xuất theo Bảng tiến độ trao đổi dữ liệu trong Hồ sơ yêu cầu thông tin (Biểu mẫu số 2 của phụ lục I) về các loại phần mềm sử dụng, mọi sự thay đổi bổ sung phần mềm và cập nhật phiên bản mới cần được sự chấp thuận của tất cả các bên tham gia và Chủ đầu tư nhằm tránh việc xung đột và đảm bảo tính đồng bộ của dữ liệu.

b. Môi trường dữ liệu chung và cấu trúc

Nhà thầu phản hồi đáp ứng và đề xuất theo yêu cầu về Môi trường dữ liệu chung và cấu trúc trong Hồ sơ yêu cầu thông tin (Biểu mẫu số 6 của phụ lục I). Quyền truy cập và bất kỳ sự bổ sung nào về cấu trúc đặt tên hoặc Môi trường dữ liệu chung sẽ được xác định và chấp thuận với các bên bởi Quản lý thông tin, các bên tham gia và Chủ đầu tư.

c. An toàn dữ liệu

Để nâng cao tính bảo mật và khả năng truy cập dữ liệu từ Môi trường dữ liệu chung. Các bên có liên quan và được sử dụng phải nghiêm túc tôn trọng vị trí tài liệu, thư mục, cấu trúc. Mọi sự thay đổi phải được chấp thuận của tất cả các bên tham gia và Chủ đầu tư và Quản lý thông tin.

Tất cả các thông tin dự án có trên Môi trường dữ liệu chung là các tài liệu được bảo mật, trừ khi có sự chấp thuận khác của Chủ đầu tư.

d. Họp phối hợp BIM

Số lượng và tần suất các buổi họp phối hợp BIM, các buổi hướng dẫn (nếu có) sẽ phụ thuộc vào tính chất ứng dụng BIM, độ phức tạp của các tiến trình BIM sẽ thực hiện, kế hoạch thực hiện và trình tự thực hiện dự án. Các buổi họp BIM được thống nhất (theo Biểu mẫu số 2 của phụ lục II).

9. Các quy ước về thông tin/tài liệu

Xác nhận kỹ thuật liên quan đến thông tin yêu cầu như: Hệ đo lường, Kế hoạch phân chia dữ liệu mô hình, và Đảm bảo chất lượng tra mô hình.

a. Đơn vị đo lường

Tất cả mô hình, thông tin trong từng bộ phận kết cấu công trình trong mô hình phải sử dụng theo hệ đo lường như sau:

- Hệ mét.

- Phương pháp đo đạc theo cách thức hiện hành của Việt Nam.

- Mô hình tạo lập theo tỉ lệ 1:1 đảm bảo chính xác.

b. Hệ tọa độ

Đường lưới công trình phải được tạo và sử dụng chung cho tất cả thành viên của nhóm thiết kế.

Các điểm gốc tọa độ gốc cho công trình bao gồm các tọa độ tương đối và tuyệt đối trong tất cả các file mô hình của dự án. Các vị trí tọa độ này không được thay đổi và phải duy trì trong suốt các giai đoạn dự án. Việc này nhằm giảm thiểu sai lệch giữa các hệ tọa độ công trình mà mỗi thành viên trong dự án đang triển khai. Trường hợp nếu thông tin khảo sát rõ ràng có thể lấy làm cơ sở xác định tọa độ của dự án.

Ví dụ:

Để xác định tọa độ gốc trong mỗi tòa nhà, các bước cơ bản để thiết lập vị trí mô hình và điểm gốc liên quan đến vị trí là:

- Các mô hình sử dụng tọa độ chia sẻ.

- Hướng Bắc của tòa nhà cần được xác định chính xác.

- Tòa nhà xác định điểm tham chiếu tại điểm giao đường lưới đầu tiên tại phía dưới bên trái vị trí công trình. Lấy trùng với điểm tọa độ gốc.

c. Các tiến trình BIM

Quản lý BIM hoặc Quản lý thông tin phải cung cấp tài liệu chi tiết về các tiến trình ứng dụng BIM căn cứ theo bảng Các ứng dụng BIM đã được Chủ đầu tư chấp thuận.

d. Xây dựng mô hình

Liệt kê các loại mô hình cần được xây dựng và tác giả mô hình theo bảng ví dụ sau:

Loại mô hình

Tác giả

Mô hình Kiến trúc

Kiến trúc sư chính

Mô hình Cơ điện

Kỹ sư Cơ điện chính

Mô hình Kết cấu

Kỹ sư Xây dựng chính

Mô hình cảnh quan

Kiến trúc sư cảnh quan chính

Kế hoạch phân chia mô hình: Mô hình các bộ môn được phân chia theo tiêu chí: theo khu vực, theo cấu tạo, theo trình tự thực hiện của dự án, theo số lượng bộ môn, theo quy trình triển khai giữa các nhóm.

e. Phương pháp đánh giá, kiểm tra mô hình nội bộ

Người chịu trách nhiệm chính hoặc người kiểm tra mô hình mỗi bộ môn kỹ thuật cần có các quy trình hoặc tiêu chí đánh giá chất lượng mô hình tham khảo theo Biểu mẫu số 3

Quy trình kiểm soát chất lượng của phụ lục II.

Ví dụ: kiểm tra mô hình qua các bước sau trước khi chia sẻ lên CDE:

- Làm sạch các đối tượng không cần thiết của CAD đang có trong mô hình.

- Các mô hình cần được đóng ở khung nhìn mặt bằng hoặc khung nhìn thông báo nếu có để giảm thiểu thời gian khi mở các file.

- Các đối tượng không cần thiết cần được làm sạch hoặc loại bỏ.

- Cấu trúc đặt tên dự án cần được kiểm tra và chấp thuận

f. Xử lý xung đột

Khi thông tin thiết kế có sự sai lệch hoặc xung đột với nhau giữa các phần, các phiên bản thì mô hình BIM tổng hợp tại thời điểm hiện tại được ưu tiên sử dụng trước các tài liệu khác.

10. Kết thúc và bàn giao dự án

Phần thỏa thuận về các cuộc họp cuối cùng khi dự án kết thúc nhằm đúc kết các bài học thành công và rút kinh nghiệm các thiếu sót phục vụ cho các dự án sau:

- Thống nhất các nguồn dữ liệu tập hợp giao nộp.

- Tiếp nhận phản hồi và chia sẻ các bài học là một phần cần thiết của dự án cho phép tiếp tục nâng cấp và cải tiến.

- Dự án sẽ được xem xét các khía cạnh thành công, mục tiêu và các chỉ số thực hiện. Tại mỗi giai đoạn dự án xác định cả yếu tố thành công và chưa thành công.

- Các bên liên quan phải đáp ứng các yêu cầu chuyển giao thông tin và sản phẩm mô hình theo các quy định trong tài liệu này và tài liệu EIR.

Chủ đầu tư yêu cầu tất cả các mô hình BIM phải được cập nhật cuối cùng để giao nộp.

 

Phụ lục II: Biểu mẫu trong hồ sơ kế hoạch thực hiện BIM

Biểu mẫu số 1: Các thành viên liên quan đến triển khai BIM trong dự án

Biểu mẫu số 2: Kế hoạch các cuộc họp

Biểu mẫu số 3: Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm


Biểu mẫu số 1

Các thành viên liên quan đến triển khai BIM trong dự án

Danh sách các thành viên và vai trò được liệt kê trong bảng dưới đây. Bảng này có thể được cập nhật thay đổi trong suốt dự án sau khi có sự chấp thuận của Nhà quản lý BIM.

Họ và tên thành viên

Đại diện

Công ty

Địa chỉ

Số điện thoại di động

Số điện thoại cố định

Email

 

Chủ đầu tư

 

 

 

 

 

 

Quản lý BIM

 

 

 

 

 

 

Quản lý thông tin

 

 

 

 

 

 

Kiến trúc sư

 

 

 

 

 

 

Thiết kế nội thất

 

 

 

 

 

 

Kiến trúc phong cảnh

 

 

 

 

 

 

Cơ điện

 

 

 

 

 

 

Kết cấu

 

 

 

 

 

 

Hạ tầng

 

 

 

 

 

 

Quản lý dự án

 

 

 

 

 

 

Quản lý chi phí

 

 

 

 

 

 

Quản lý vận hành

 

 

 

 

 

 

Chỉ huy trưởng

 

 

 

 

 

 

Nhà thầu

 

 

 

 

 

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.


Biểu mẫu số 2

Kế hoạch các cuộc họp

Loại cuộc họp

Giai đoạn dự án

Tần suất

Thành phần

Địa điểm

Họp khởi động dự án

 

 

 

 

Bảo vệ Kế hoạch thực hiện BIM

 

 

 

 

Phối hợp thiết kế

 

 

 

 

Đánh giá chi tiết, toàn diện quá trình thi công

 

 

 

 

Các cuộc họp khác giữa nhiều bên tham gia

 

 

 

 

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

Biểu mẫu số 3

Quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm

Nhà thầu thống nhất các mục tiêu và phương pháp kiểm tra mô hình được tiến hành bởi các nhóm dự án hoặc Nhà quản lý BIM.

Bảng dưới đây xác định các mục tiêu và phương pháp kiểm tra mô hình được tiến hành bởi các nhóm dự án hoặc Nhà quản lý BIM.

Kiểm tra

Định nghĩa

Trách nhiệm

Phần mềm

Tần suất

Trực quan

Đảm bảo không có các mô hình không được xác định trước và đáp ứng được ý đồ thiết kế

Các đơn vị tư vấn thiết kế

Phần mềm gốc

 

Phát hiện va chạm và các điểm giao nhau

Phát hiện các vấn đề trong mô hình khi 2 cấu kiện công trình va chạm nhau cả về phần cứng và phần mềm

Các đơn vị tư vấn thiết kế

Phần mềm gốc và các phần mềm khác như Navisworks Manage

 

Kiểm tra tiêu chuẩn

Đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn của dự án BIM đều được tuân thủ (font, kích thước, dạng nét vẽ, cấp độ/ layers…)

Các đơn vị tư vấn thiết kế

Phần mềm gốc

 

Kiểm tra dữ liệu mô hình

Quy trình được sử dụng để đảm bảo rằng dữ liệu dự án không có các yếu tố không xác định, không chính xác hoặc bị trùng lặp, bao gồm phân loại đối tượng và báo cáo đối với các yếu tố không tuân thủ, các kế hoạch hành động khắc phục

Các đơn vị tư vấn thiết kế

Phần mềm gốc

 

Kiểm tra BIM tự động

Quá trình tự động thực hiện bởi phần mềm, thực hiện các bộ quy tắc cụ thể được thiết kế nhằm xác định các vấn đề liên quan đến chất lượng hình học và dữ liệu có thể dẫn đến dữ liệu không chính xác từ quá trình phân tích và quản lý chi phí.

Các đơn vị tư vấn thiết kế, Các tổ chức khác

Solibri

 

Ghi chú: Nội dung trong Bảng là để tham khảo. Chủ đầu tư có thể thay đổi cho phù hợp với yêu cầu và giai đoạn áp dụng BIM cho dự án/công trình.

 

PHẦN VIII: MỘT SỐ THUẬT NGỮ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BIM

STT

Từ

Định nghĩa

Từ tiếng Anh

Viết tắt

1

Bảng giao nộp sản phẩm mô hình

Bảng nêu rõ trách nhiệm xây dựng và giao nộp Mô hình BIM ở từng giai đoạn của dự án

Model Production and Delivery Table

MPDT

2

Bảng thành phần mô hình

Liệt kê các thành phần trong công trình

 

 

3

Kế hoạch trao đổi dữ liệu

Những mốc chính mà các bên liên quan phải trao đổi hoặc giao nộp tài liệu và/hoặc mô hình để thực hiện kiểm tra và phối hợp BIM

Information Exchange Schedule

 

4

Bên thiết kế

Đề cập chủ yếu đến kiến trúc sư và các kỹ sư tham gia vào giai đoạn thiết kế

Design Consultant

 

5

Các ứng dụng BIM

Những sản phẩm dự kiến hoặc kỳ vọng của dự án là kết quả của việc tạo lập, phối hợp và liên kết các Mô hình với cơ sở dữ liệu khác. Một ứng dụng BIM là cách sử dụng mô hình trong đó Người sử dụng tạo ra các sản phẩm từ Mô hình như: Phát hiện xung đột, Dự toán chi phí và Quản lý không gian…

BIM Uses

 

6

Đóng góp

Các thiết kế, dữ liệu, thể hiện hoặc thông tin mà một bên trong Dự án tạo ra hoặc chuẩn bị và chia sẻ với các bên khác trong Dự án để sử dụng trong hoặc liên quan đến một Mô hình được phát hành. Đóng góp bao gồm một mô hình được phát hành.

Project Output

 

7

Dự án BIM

Một dự án thiết kế, thi công hoặc quản lý vận hành mà công cụ phần mềm BIM được sử dụng chủ đạo như là việc tạo ra các mô hình BIM, các bản vẽ, các tài liệu, các thông số kỹ thuật...

BIM Project

 

8

Giao nộp dữ liệu

Một mốc trao đổi thông tin, nơi dữ liệu trích xuất từ các Mô hình BIM được trao đổi tại thời điểm xác định trước.

Data Drop

 

9

Hợp đồng chính

Các hợp đồng tư vấn, xây lắp, cung ứng hoặc các dạng hợp đồng khác mà các bên ký kết để hình thành dự án

Main contract

 

10

Hướng dẫn BIM

Văn bản hướng dẫn việc áp dụng BIM được quy định trong Hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không quy định rõ sẽ áp dụng hướng dẫn nào thì văn bản hướng dẫn BIM mới nhất do Bộ Xây dựng công bố sẽ được sử dụng

BIM Guide

 

11

Kế hoạch phân chia dữ liệu mô hình

Kế hoạch để phân chia dữ liệu mô hình BIM đảm bảo cho các bên tham gia có thể truy cập và phối hợp dễ dàng sử dụng hệ thống hiện có.

Data Segregation Plan

 

12

Kế hoạch thực hiện BIM

Kế hoạch thực hiện BIM (BEP) được xây dựng bởi nhà thầu. thường trước khi kí hợp đồng để chỉ rõ yêu cầu thông tin của Chủ đầu tư (EIR) - và định nghĩa cách thực hiện các khía cạnh mô hình hóa thông tin cạnh của một dự án. Kế hoạch thực hiện BIM làm rõ vai trò và trách nhiệm, tiêu chuẩn được áp dụng và các quy trình theo sau.

BIM Execution Plan (BEP)

 

13

Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án

Sau giai đoạn lựa chọn nhà thầu, nhà thầu được lựa chọn lập Kế hoạch thực hiện BIM cho dự án với các nội dung chính sau:

- Đáp ứng các yêu cầu trong EIR.

- Khả năng và kinh nghiệm của nhà thầu.

- Ma trận trách nhiệm.

- Kế hoạch quản lý và các tài liệu quy định

- Các phương pháp và Tiến trình.

- Kế hoạch chuyển giao tổng thể.

 

Post- BEP

14

Kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ

Trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, nhà thầu xây dựng Kế hoạch thực hiện BIM sơ bộ để làm cơ sở Chủ đầu tư lựa chọn. Nội dung Pre-BEP bao gồm:

- Đáp ứng các yêu cầu trong EIR.

- Khả năng và kinh nghiệm của nhà thầu.

- Mục tiêu cho phối hợp xây dựng mô hình thông tin.

- Các mốc chính.

- Chiến lược quản lý thông tin công trình.

 

Pre- BEP

15

Khu vực Chia sẻ

Là một trong bốn khu vực của Môi trường dữ liệu chung, được dùng để lưu giữ thông tin đã được chấp thuận. Thông tin này được chia sẻ để các đơn vị khác sử dụng làm nguyên liệu tham khảo cho việc phát triển thiết kế của mình. Khi tất cả các thiết kế đã hoàn thành, thông tin phải được đặt ở trạng thái “Chờ phát hành” trong Khu vực Chia sẻ của Khách hàng (Client Shared Area)

Shared Area

 

16

Khu vực Công việc đang tiến hành

Là một trong bốn khu vực của Môi trường dữ liệu chung, nơi mỗi công ty hay cá nhân thực hiện công việc của mình, WIP được dùng để lưu giữ các thông tin chưa được chấp thuận của các tổ chức liên quan

Work in Progress Area (WIP)

WIP

17

Khu vực Lưu trữ

Là một trong bốn khu vực của Môi trường dữ liệu chung, ghi lại mọi tiến triển tại mỗi mốc dự án và phải lưu lại bản ghi của tất cả các trao đổi và thay đổi nhằm cung cấp các dấu vết lịch sử trao đổi để kiểm tra và đối chiếu trong trường hợp có tranh chấp…

Archive Area

 

18

Khu vực Tài liệu phát hành

Là một trong bốn khu vực của Môi trường dữ liệu chung, được sử dụng để lưu trữ các thông tin được phát hành, là những thông tin đã được chấp thuận bởi khách hàng và có giá trị hợp đồng

Published Area

 

19

Mô hình BIM

Mô hình thông tin công trình (BIModel) là mô hình số hóa 3D, giàu dữ liệu, dựa trên đối tượng được tạo bởi các bên tham gia dự án sử dụng công cụ phần mềm BIM

BIModel

 

20

Mô hình BIM được phát hành

Mô hình BIM do Tác giả mô hình BIM phát hành theo các yêu cầu như đã thống nhất trong Kế hoạch thực hiện BIM

 

 

21

Mô hình hóa thông tin công trình

Mô hình hóa thông tin công trình (BIM) là một tập hợp các công nghệ, quy trình và chính sách cho phép nhiều bên liên quan hợp tác thiết kế, xây dựng và vận hành một cơ sở trong không gian ảo. Như một thuật ngữ, BIM đã phát triển rất nhiều trong những năm qua và bây giờ là 'biểu hiện của sự đổi mới kỹ thuật số' trong ngành công nghiệp xây dựng

Building Information Modelling (BIM)

 

22

Môi trường dữ liệu chung

Một nguồn thông tin duy nhất mà thu thập, quản lý và phổ biến, tài liệu dự án liên quan, đã được phê duyệt cho các bộ môn trong một quá trình được quản lý. Một Môi trường dữ liệu chung (CDE) thường được phục vụ bởi một hệ thống quản lý tài liệu tạo điều kiện cho việc chia sẻ dữ liệu / thông tin giữa các bên tham gia dự án. Thông tin trong một CDE cần phải mang theo một trong bốn nhãn (hoặc nằm trong phạm vi một trong bốn lĩnh vực): Đang trong tiến trình làm việc, Khu chia sẻ, Khu công bố, và Khu Lưu trữ

Common Data Environment (CDE)

CDE

23

Mức độ phát triển thông tin

một khái niệm được sử dụng trong Mô hình thông tin công trình dùng để chỉ mức độ rõ ràng về thông tin và độ chi tiết của các thành phần trong mô hình BIM ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình thiết kế và thi công xây dựng.

Level of Development (LOD)

LOD

24

Mục tiêu chiến lược

Chủ đầu tư xác định Mục tiêu chiến lược làm căn cứ hình thành các quy trình triển khai BIM.

Ví dụ: Nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng BIM phù hợp với nhu cầu của (tên chủ đầu tư). Các mục tiêu chiến lược theo thứ tự ưu tiên đã được lựa chọn dưới đây yêu cầu các bên có liên quan tuyệt đối tuân thủ:

- Nâng cao khả năng phối hợp giữa các bên có liên quan để đảm bảo chất lượng thiết kế.

- Đưa ra quyết định nhanh chóng nhờ vào tính trực quan của mô hình BIM.

- Kiểm soát khối lượng qua mô hình BIM.

Strategic Goals

 

25

Người dùng mô hình BIM

Là người sử dụng Mô hình trong Dự án, như sử dụng cho phân tích, lập dự toán hoặc lên kế hoạch tiến độ hoặc để lập các Mô hình khác. Người dùng mô hình BIM cũng có thể bao gồm Tác giả của mô hình BIM khác.

BIM User

 

26

Nhà quản lý thông tin

Nhà quản lý thông tin là người trung tâm, đầu mối cho tất cả các vấn đề về quản lý tập tin và tài liệu trong dự án. Người này cũng đảm bảo tất cả các thông tin đều tuân thủ các tiêu chuẩn của dự án và mỗi mô hình hay tập tin đều phải được xác nhận “phù hợp cho mục đích (gì)” trước khi xuất bản.

Vai trò này chịu trách nhiệm dưới Nhà quản lý điều phối thiết kế.

Information Manager

IM

27

Quản lý CAD

Quản lý CAD đảm bảo tất cả các mô hình CAD và bản vẽ được chuyển giao phải sử dụng các giải pháp CNTT đã đồng ý, và làm theo “phương pháp và tiêu chuẩn” CAD của dự án. Vai trò này phải chịu trách nhiệm với Điều phối viên CAD.

CAD Manager

 

28

Tác giả mô hình BIM

Bên có trách nhiệm phát triển nội dung của mô hình với mức độ chi tiết cần thiết theo yêu cầu của Dự án. Các tác giả mô hình được xác định trong Kế hoạch thực hiện BIM

BIM Author

 

29

Tiêu chuẩn CAD

Là tiêu chuẩn bao gồm một số điểm cơ bản dưới đây:

1. Quy ước đặt tên lớp (layer naming)

2. Bản vẽ mẫu

3. Ghi chú trong bản vẽ

CAD standard

 

30

Vai trò và trách nhiệm

Nhiệm vụ của tất cả các bên liên quan trong việc áp dụng BIM vào dự án, nhằm xác định các việc cần làm và bên nào chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động đó.

Roles and responsabilities

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Standard, P. A. S. 1192-2: 2013. Specification for information management for the capital/delivery phase of construction projects using building information modelling.

[2] Standard, B. S. 1192: 2007+ A2: 2016. Collaborative production of architectural, engineering and construction information-Code of practice.

[3] BIM Forum (2016). Level of Development (LOD) Specification.

[4] Workgroup, BIM Guide. "Singapore BIM Guide." Guide, Building and Construction Authority, BIM Steering Committee (2013).

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1057/QĐ-BXD năm 2017 công bố Hướng dẫn tạm thời áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong giai đoạn thí điểm do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 1057/QĐ-BXD
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/10/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Lê Quang Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản