Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 104/2006/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 30 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC; CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT HỒ SƠ, CÔNG VIỆC CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; Thông tư hướng dẫn số 03/2006/TT-BNV ngày 08 tháng 02 năm 2006 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;
Căn cứ Quyết định số 22/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Giao nhiệm vụ xử lý các vướng mắc, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính; Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 167/2003/QĐ-UB ngày 16 tháng 12 năm 2003 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quy định về việc khen thưởng xử lý kỷ luật đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 20 tháng 10 năm 2003 của Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Chính phủ;
- Các Bộ : Tư pháp, Nội vụ;
- TVTU; TTHĐND TP;
- Đoàn đại biểu QH TP;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp)
- CT, các PCT UBND TP;
- Sở Tư pháp;
- Các Sở, Ban, Ngành thuộc thành phố;
- UBND các quận, huyện;
- UBND các phường, xã;
- Trung tâm Công báo TP;
- Đài PTTHĐN, Báo Đà Nẵng;
- Lưu VP UBND TP, SNV.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC; CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT HỒ SƠ, CÔNG VIỆC CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 104/2006/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu:

1. Thực hiện chế độ khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân theo Quy định này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước các cấp; đề cao kỷ luật, kỷ cương; tăng cường giáo dục phẩm chất, đạo đức, lối sống; kịp thời biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt; kiên quyết chống nhũng nhiễu, gây phiền hà, thái độ thờ ơ “ thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm ” của cán bộ, công chức, viên chức theo Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 20 tháng 10 năm 2003 của Thành uỷ Đà Nẵng về việc tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, nhũng nhiễu, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức các cấp; Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Thành uỷ Đà Nẵng về triển khai năm công tác cán bộ và cải cách hành chính, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 14 tháng 4 năm 2004 của Thành uỷ Đà Nẵng về việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và Quyết định số 91/2004/QĐ-UB ngày 12 tháng 5 năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Chương trình đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2010 của thành phố Đà Nẵng;

2. Chế độ khen thưởng, xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định pháp luật của Nhà nước và gắn với kết quả đánh giá việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; cơ quan, đơn vị.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Cán bộ, công chức, viên chức, kể cả các loại hợp đồng lao động, tập sự, thử việc (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức); các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước (gọi tắt là cơ quan, đơn vị) thuộc thành phố Đà Nẵng.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ; CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 3. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân:

1. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc triển khai Quy định về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân theo cơ chế “ một cửa” tại cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền quy định, phê duyệt;

2. Thường xuyên kiểm tra, rà soát đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính, kết quả giải quyết hồ sơ, công việc đối với tổ chức, cá nhân theo cơ chế “một cửa” tại cơ quan, đơn vị; kịp thời điều chỉnh hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp;

3. Quy định và thực hiện quy trình luân chuyển giải quyết hồ sơ, công việc trong nội bộ cơ quan, đơn vị và phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân đúng quy định;

4. Hệ thống và cụ thể hoá các loại biểu mẫu kèm theo thủ tục của các loại công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý;

5. Thực hiện Nội quy, Quy chế làm việc; tổ chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nơi tiếp công dân của cơ quan, đơn vị đúng quy định;

6. Công khai, minh bạch hoạt động công vụ; đơn giản hoá thủ tục hành chính theo quy định để người dân dễ biết, kiểm tra và thực hiện;

7. Cải tiến lề lối làm việc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ; có biện pháp đấu tranh phòng, chống và không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị;

8. Tổ chức quản lý và có biện pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức thuộc quyền; thường xuyên đánh giá, rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực, phẩm chất cán bộ và yêu cầu của công việc, nhất là đối với cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu, giải quyết những yêu cầu công việc của tổ chức, cá nhân; định kỳ thực hiện việc chuyển đổi, luân chuyển cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân theo quy định;

9. Giải quyết đơn, thư yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật; kịp thời xử lý thông tin từ “Hòm thư góp ý”, “điện thoại đường dây nóng” và trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến cơ quan, đơn vị mình.

Điều 4. Trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân:

1. Đeo thẻ công chức, viên chức, thẻ chức danh trong giờ làm việc khi thi hành nhiệm vụ, công vụ;

2. Thường trực trong giờ làm việc theo quy định, không để tổ chức, cá nhân phải chờ đợi;

3. Chấp hành nghiêm túc Nội quy, Quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ công vụ, trong sinh hoạt cộng đồng dân cư nơi cư trú;

4. Hướng dẫn, giải thích, trả lời rõ ràng theo thẩm quyền được giao, đúng quy định của Nhà nước, không để tổ chức, cá nhân đi lại nhiều lần;

5. Thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân :

a) Đúng thủ tục;

b) Đúng quy trình;

c) Tham mưu, đề xuất giải quyết đúng quy định của Nhà nước;

d) Giao, trả hồ sơ đúng hẹn hoặc sớm hơn thời gian theo quy định;

đ) Thu phí, lệ phí, thuế theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước;

6. Trong giải quyết hồ sơ, công việc nếu có sai sót thì phải nhanh chóng khắc phục hậu quả và xin lỗi tổ chức, cá nhân;

7. Thi hành công vụ phải trung thực, công bằng; không làm hư hại, sai lệch nội dung hồ sơ; mất hồ sơ; không làm sai, làm trái thẩm quyền theo quy định;

8. Tác phong, thái độ tiếp xúc khi làm việc phải lịch sự, tận tình; không được quan liêu, nhũng nhiễu, gây khó khăn, trở ngại, phiền hà trong khi giải quyết yêu cầu, công việc của tổ chức, cá nhân;

9. Nghiêm cấm việc gợi ý, vòi vĩnh, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác khi giải quyết yêu cầu công việc của tổ chức, cá nhân.

Chương III

CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ KỶ LUẬT

Mục 1. CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG

Điều 5. Tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện nội dung nêu tại Điều 3, Điều 4 của Quy định này thì được khen thưởng.

Quy trình xét khen thưởng, mức khen và hình thức khen thưởng được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về khen thưởng.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình thực hiện chế độ khen thưởng theo quy định đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 6. Việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong việc giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân được thực hiện trong các thời điểm sau:

1. Tổng kết đánh giá kết quả thi đua tháng, quý, sáu tháng, hàng năm của cơ quan, đơn vị hoặc khen thưởng đột xuất;

2. Sơ kết, tổng kết đánh giá công tác cải cách hành chính, thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và các văn bản quy định của pháp luật về trách nhiệm nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, công vụ;

3. Đánh giá cán bộ, công chức hàng năm, nâng lương trước thời hạn theo quy định.

Mục 2. XỬ LÝ KỶ LUẬT

Điều 7. Cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ, giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân mà có hành vi vi phạm nội dung quy định tại Điều 4 Quy định này nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật theo Quy định này.

Điều 8. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp và liên đới chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp sau:

1. Không tổ chức triển khai hoặc triển khai thực hiện không có hiệu quả các nội dung quy định tại Điều 3 của Quy định này;

2. Thiếu trách nhiệm; quản lý, kiểm tra, giám sát không chặt chẽ để cán bộ, công chức thuộc quyền vi phạm, làm trái quy định của Nhà nước và Quy định này;

3. Thiếu trách nhiệm, không có biện pháp giải quyết kịp thời những yêu cầu bức xúc của tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực, ngành mình phụ trách; chậm có biện pháp khắc phục những hạn chế, sai sót, vi phạm của cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị; không chấp hành hoặc chậm thực hiện kết luận, kiến nghị, yêu cầu xử lý trách nhiệm có liên quan của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 9. Hình thức xử lý kỷ luật

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức có hành vi vi phạm nêu tại Điều 4 và Điều 8 của Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo các hình thức như sau:

a) Đối với cán bộ, công chức : Áp dụng một trong các hình thức kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các văn bản pháp luật hiện hành;

b) Đối với lao động hợp đồng theo Bộ luật Lao động: Áp dụng một trong các hình thức kỷ luật theo quy định của Bộ luật Lao động;

2. Cán bộ, công chức đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 của Điều này còn có thể bị xem xét xử lý như sau:

a) Điều chuyển (không theo kế hoạch điều chuyển, luân chuyển) sang làm công tác khác;

b) Cán bộ, công chức phải hoàn trả, bồi thường thiệt hại (nếu có) cho cơ quan hoặc người bị thiệt hại theo quy định pháp luật của Nhà nước;

Điều 10. Áp dụng hình thức kỷ luật

1. Hình thức khiển trách. Áp dụng đối với cán bộ, công chức :

a) Vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 của Quy định này đã lập biên bản mà vẫn tiếp tục vi phạm;

b) Vi phạm lần đầu quy định tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 4 của Quy định này do thiếu trách nhiệm, ở mức độ nhẹ;

c) Vi phạm lần đầu quy định tại Điều 8 của Quy định này do thiếu trách nhiệm hoặc có tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Hình thức cảnh cáo. Áp dụng đối với cán bộ, công chức :

a) Có hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách mà tái phạm;

b) Vi phạm lần đầu quy định tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 4; Điều 8 của Quy định này nhưng có tính chất tương đối nghiêm trọng hoặc có tình tiết tăng nặng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

c) Vi phạm lần đầu quy định tại khoản 7, 8, 9 Điều 4 của Quy định này ở mức độ nhẹ nhưng làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan hoặc có tình tiết giảm nhẹ theo Quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

d) Vi phạm từ 02 (hai) hành vi trở lên theo Quy định này hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là khiển trách.

3. Hình thức hạ bậc lương. Áp dụng đối với cán bộ, công chức :

a) Đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm;

b) Vi phạm lần đầu quy định tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 4, Điều 8 của Quy định này nhưng có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân;

c) Vi phạm quy định tại khoản 7, 8, 9 Điều 4 của Quy định này do lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm, cố ý vi phạm, vi phạm có tổ chức hoặc tình tiết tăng nặng khác theo Quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

d) Vi phạm từ 02 (hai) hành vi vi phạm trở lên theo Quy định này hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là cảnh cáo.

4. Hình thức hạ ngạch. Áp dụng đối với cán bộ, công chức :

a) Có hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương mà tái phạm;

b) Vi phạm quy định tại khoản 7, 8 Điều 4 của Quy định này nhưng có tính chất nghiêm trọng;

c) Vi phạm quy định tại khoản 9 Điều 4 của Quy định này nhưng tính chất tương đối nghiêm trọng do cố ý, có tổ chức, có hứa hẹn, trao đổi, giao kèo, gây trở ngại, khó khăn, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân;

d) Vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 4, Điều 8 của Quy định này mà xét thấy không đủ phẩm chất, đạo đức và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của ngạch đang đảm nhiệm;

đ) Vi phạm từ 2 (hai) hành vi vi phạm trở lên theo Quy định này hoặc quy định của pháp luật có liên quan trong đó có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là hạ bậc.

5. Hình thức cách chức. Áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ :

a) Công chức, viên chức giữ chức vụ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước có hành vi vi phạm kỷ luật đã bị xử lý bằng hình thức hạ ngạch; cán bộ, công chức giữ chức vụ ở xã, phường đã bị xử lý bằng hình thức hạ bậc lương mà tái phạm;

b) Có hành vi vi phạm quy định tại khoản Điều 4, Điều 8 Quy định này có tính chất nghiêm trọng, không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ được giao;

c) Vi phạm từ 2 (hai) hành vi vi phạm trở lên theo Quy định này hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức kỷ luật hạ ngạch đối với cán bộ, cán bộ, viên chức giữ chức vụ ở cơ quan hành chính, sự nghiệp; hạ bậc lương đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ ở xã, phường.

6. Hình thức buộc thôi việc. Áp dụng đối với cán bộ, công chức :

a) Đang trong thời gian thi hành một trong các hình thức kỷ luật cách chức hoặc hạ ngạch đối với cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước; hạ bậc lương đối với cán bộ, công chức xã phường; cảnh cáo đối với công chức dự bị mà tái phạm hoặc vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật;

b) Vi phạm quy định tại Điều 4, Điều 8 của Quy định này nhưng tính chất và mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ cán bộ, công chức;

c) Vi phạm từ 2 (hai) hành vi vi phạm trở lên theo Quy định này hoặc quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức kỷ luật là cách chức hoặc hạ ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan hành chính, sự nghiệp; hạ bậc đối với cán bộ, công chức xã phường.

Điều 11. Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và người có trách nhiệm liên quan

1. Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp theo quy định tại Điều 10 của Quy định này đối với thủ trưởng hoặc cấp phó phụ trách của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chính, trực tiếp vi phạm;

2. Thủ trưởng phụ trách hoặc cấp phó phụ trách trực tiếp liên đới chịu trách nhiệm và chịu hình thức kỷ luật thích hợp do để cán bộ, công chức thuộc quyền vi phạm bị xử lý kỷ luật;

3. Cán bộ, công chức bộ phận có trách nhiệm liên quan cùng vi phạm thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm bị xử lý hình thức kỷ luật phù hợp theo quy định pháp luật của Nhà nước.

Điều 12. Thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị khi tiếp nhận thông tin phản ánh hoặc phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 4 của Quy định này phải trực tiếp chỉ đạo ngay việc thẩm tra, xác minh, kết luận xử lý trách nhiệm cá nhân có liên quan theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ, công chức của thành phố; có biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, vi phạm quy định tại Điều 8 của Quy định này đồng thời thông báo kết quả xử lý và tổ chức rút kinh nghiệm chung trong toàn cơ quan, đơn vị;

2. Chậm nhất trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi lập biên bản phát hiện vi phạm; có đủ cơ sở kết luận về hành vi vi phạm hoặc có kết luận kiến nghị, yêu cầu xử lý trách nhiệm có liên quan của cơ quan có thẩm quyền thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải tiến hành biện pháp khắc phục kip thời, yêu cầu để cá nhân vi phạm làm bản kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật hoặc thực hiện trình tự xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức vi phạm theo quy định hiện hành của Nhà nước;

3. Việc áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1, Điều 9 của Quy định này phải thông qua Hội đồng kỷ luật của cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức và quy định hiện hành của Nhà nước;

4. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét và quyết định hình thức kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền có ý kiến thoả thuận, quyết định kỷ luật theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức của UBND thành phố.

Điều 13. Khiếu nại và giải quyết các kết luận khiếu nại

1. Cán bộ, công chức nếu không đồng ý với quyết định kỷ luật của cơ quan có thẩm quyền thì có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi tiếp nhận đơn, thư phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật;

2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là oan sai thì cán bộ, công chức được phục hồi danh dự, bố trí lại công tác phù hợp, hưởng lương và chế độ khác theo quy định của pháp luật;

3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo kết luận việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức tiến hành không đúng quy định về nội dung, hình thức, quy trình xử lý thì người có thẩm quyền ký quyết định kỷ luật phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định xử lý kỷ luật; đồng thời chỉ đạo người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức tổ chức lại việc xem xét kỷ luật cán bộ, công chức theo đúng quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm định kỳ lấy kết quả tổ chức và giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân theo Quy định này làm cơ sở đánh giá kết quả thi đua tháng, quý, năm của cán bộ, công chức;

Điều 15.

1. Giám đốc các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố; thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp trên về kết quả triển khai thực hiện Quy định này;

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thường xuyên kiểm tra, kịp thời đề nghị biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tốt, xuất sắc; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho tổ chức, cá nhân khi thi hành nhiệm vụ, công vụ;

3. Cơ quan thi đua khen thưởng của thành phố có trách nhiệm tổng hợp, xét đề nghị của các cơ quan, đơn vị để trình UBND thành phố quyết định khen thưởng kịp thời;

4. Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Thanh tra thành phố, thanh tra sở, ngành, quận, huyện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra trong phạm vi trách nhiệm của mình chủ động phát hiện, kiến nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cùng cấp hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong việc giải quyết yêu cầu công việc của tổ chức, cá nhân;

5. Giám đốc Sở Nội vụ thành phố có trách nhiệm phối hợp cùng với các sở ban, ngành, UBND quận huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở và kịp thời đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc đề xuất xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm theo Quy định này;

Điều 16.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ thành phố để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 104/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định về khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước thuộc thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, cá nhân do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu: 104/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/11/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Trần Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản