Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 103/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 103/2004/QĐ-TTG NGÀY 08 THÁNG 6 NĂM 2004 BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 102/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 03/QĐ-BCĐCCHC ngày 12 tháng 12 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.

Điều 3. Các Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)


QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 103/2004 /QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Điều 2. Các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia vào các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ được Trưởng ban Ban Chỉ đạo phân công.

Thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban Chỉ đạo về các nhiệm vụ được phân công.

Chương 2:

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 3. Trưởng ban

1. Lãnh đạo, điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

2. Chủ trì và kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

3. Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Điều 4. Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Tấn Dũng

1. Giúp Trưởng ban trực tiếp chỉ đạo, điều phối các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo; phối hợp triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính đã được phê duyệt.

2. Triệu tập các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo.

3. Thay mặt Trưởng ban xử lý công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo, chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo khi Trưởng ban vắng mặt.

4. Chỉ đạo công tác cải cách hành chính liên quan đến công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

5. Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Thư ký.

Điều 5. Phó Trưởng ban Đỗ Quang Trung

Ngoài những nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính quy định tại Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ, trực tiếp phụ trách các lĩnh vực công tác sau đây của Ban Chỉ đạo:

ư- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức; xã hội hoá lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao; phổ biến, tuyên truyền Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

- Là đầu mối của Ban Chỉ đạo trong phối hợp với các cơ quan triển khai các chủ trương, đề án của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương.

Điều 6. Uỷ viên Ban Chỉ đạo Đoàn Mạnh Giao

Ngoài những nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính quy định tại Nghị định số 18/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ, trực tiếp phụ trách các lĩnh vực công tác sau đây của Ban Chỉ đạo:

- Cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hoá nền hành chính nhà nước.

- Chỉ đạo tổ chức các cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về công tác cải cách hành chính; dự thảo các văn bản chỉ đạo và truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính.

Điều 7. Uỷ viên Ban Chỉ đạo Uông Chu Lưu

Ngoài những nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính quy định tại Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, trực tiếp phụ trách các lĩnh vực công tác sau đây của Ban Chỉ đạo:

- Cải cách thể chế, bao gồm cả việc đổi mới quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, kiểm tra định kỳ hàng năm và năm năm văn bản quy phạm pháp luật.

- Là đầu mối của Ban Chỉ đạo trong phối hợp với các cơ quan, bảo đảm kết hợp cải cách thể chế với đổi mới công tác lập pháp, cải cách tư pháp.

Điều 8. Uỷ viên Ban Chỉ đạo Nguyễn Sinh Hùng

Ngoài những nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính quy định tại Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, trực tiếp phụ trách các lĩnh vực công tác sau đây của Ban Chỉ đạo:

ư- Cải cách tài chính công, bao gồm cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách, cơ chế khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính; xây dựng và chỉ đạo thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công.

- Là đầu mối của Ban Chỉ đạo trong việc phối hợp với các cơ quan về cải cách tài chính.

Điều 9. Uỷ viên Ban Chỉ đạo Tạ Xuân Đại

- Đề xuất ý kiến liên quan đến việc kết hợp cải cách hành chính với đổi mới hệ thống chính trị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

Điều 10. Uỷ viên Ban Chỉ đạo Trần Xuân Giá

- Đề xuất các chủ trương, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong tổng thể đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội; kết hợp cải cách hành chính với cải cách kinh tế.

- Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

Điều 11. Các thành viên khác (khi cần bổ sung) có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 12. Thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận tập thể để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, đồng thời chủ động kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những vấn đề về chủ trương và biện pháp chỉ đạo cải cách hành chính.

Điều 13. Ban Chỉ đạo thành lập các nhóm nghiên cứu chuyên đề hoặc nhóm công tác gồm thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký và huy động thêm cán bộ của các cơ quan khác tham gia.

Điều 14. Ban Chỉ đạo họp định kỳ mỗi tháng một lần, họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban thường trực.

Điều 15. Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện làm việc của Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký.

Điều 16. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương mình; tạo điều kiện thuận lợi để Ban Chỉ đạo tiến hành các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính của Chính phủ; gửi Ban Chỉ đạo các báo cáo định kỳ tháng (trước ngày 20), báo cáo 6 tháng, báo cáo năm về tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của bộ, ngành, địa phương mình, nêu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị những giải pháp tháo gỡ.

Điều 17. Ban Chỉ đạo làm việc với lãnh đạo bộ, ngành, địa phương để góp ý kiến, hướng dẫn các vấn đề cụ thể về cải cách hành chính liên quan đến bộ, ngành, địa phương; mời các chuyên gia quản lý, nhà khoa học về cải cách hành chính và các lĩnh vực có liên quan làm cộng tác viên nghiên cứu theo chuyên đề.

Điều 18. Các thành viên Ban Chỉ đạo là Thủ trưởng các cơ quan của Chính phủ được sử dụng bộ máy của bộ, cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ được phân công và báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng và định kỳ.

Ban Thư ký có trách nhiệm tổ chức các công việc cụ thể, đáp ứng các yêu cầu để Ban Chỉ đạo và từng thành viên Ban Chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ được giao.