Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1029/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 3 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 06 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Thực hiện Quyết định số 3637/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 6777/TTr-STP-VB ngày 30 tháng 12 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nội dung ban hành

Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Thủ trưởng các sở ngành và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Các phòng NCTH;
- Lưu: VT, (NCPC/Kh).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Minh Châu

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1029/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố)

Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của nước ta, hiện có 16 quận, 5 huyện và 01 thành phố thuộc Thành phố với diện tích tự nhiên rộng hơn 2.095 km2. Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là một trong những thành phố năng động, sáng tạo, luôn giữ vai trò trung tâm của nền kinh tế và phát triển nhanh về nhiều lĩnh vực (ứng dụng công nghệ thông tin, văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, .v.v.) so với các tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam và cả nước. Cùng với sự phát triển kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn chú trọng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính. Một trong những biện pháp thực hiện mục tiêu này chính là cải cách thể chế, cụ thể là tiếp tục nâng cao, hoàn thiện hành lang pháp lý của địa phương để đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật chung của cả nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế hóa đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng trong thực tiễn xã hội. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp, đặc biệt là của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong thời gian qua, bên cạnh việc triển khai kịp thời những quy định do các cơ quan nhà nước tại Trung ương phân công, phân cấp, Ủy ban nhân dân Thành phố luôn chủ động nghiên cứu, xây dựng và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thẩm quyền của địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý xã hội, phục vụ sự phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác này, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đánh giá toàn diện thực trạng công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực đến nay, từ đó xây dựng các giải pháp thiết thực nhằm phân định rõ trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong việc tiếp tục tham mưu có hiệu quả việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, phù hợp pháp luật.

Phần I

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. TÌNH HÌNH XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành, để triển khai có hiệu quả và thống nhất về trình tự, thủ tục thực hiện, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 08 tháng 03 năm 2017 quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2019). Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2019 quy định các yêu cầu tăng cường việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố.

Tiếp đó, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020; Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, chính quyền địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự điều chỉnh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Với những văn bản pháp luật mới, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự thay đổi, điều chỉnh. Nhằm kịp thời điều chỉnh cho phù hợp pháp luật hiện hành, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2022 thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 08 tháng 03 năm 2017 và Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2019, trong đó quy định cụ thể về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các cấp, đảm bảo phù hợp với mô hình chính quyền địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo số liệu thống kê giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 (thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực) đến ngày 30 tháng 8 năm 2022, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đã ban hành tổng cộng 828 văn bản, cụ thể:

Năm

HĐND Thành phố (Nghị quyết)

UBND Thành phố (Quyết định)

HĐND cấp huyện (Nghị quyết)

UBND cấp huyện (Quyết định)

Tháng 7/2016

10

41

04

09

2017

28

67

0

95

2018

29

48

0

97

2019

18

40

01

55

2020

14

63

01

60

2021

31

27

0

19

Từ tháng 01/2022 đến 20/12/2022

24

40

0

07

Nhìn chung, đa số văn bản quy phạm pháp luật do các cấp có thẩm quyền tại Thành phố ban hành đều tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành theo quy định pháp luật, đảm bảo về thẩm quyền, hình thức, nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Thông qua hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã góp phần quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực thi nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước tại Thành phố tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thành phố.

II. TÌNH HÌNH VỀ CÔNG TÁC KIỂM TRA, RÀ SOÁT, XỬ LÝ VÀ HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2017 quy định Quy chế về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức, quản lý cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố đều ban hành Kế hoạch về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật trên địa bàn Thành phố; trong đó, chú trọng các nội dung trọng tâm như: tập trung rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các văn bản để thi hành các luật, bộ luật mới được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp; chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố liên quan đến các văn bản hết hiệu lực do các Bộ, ngành Trung ương công bố hàng năm; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của Sở Tư pháp, các sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Trên cơ sở này, các cơ quan, đơn vị đều chủ động ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, đơn vị mình để tổ chức thực hiện, cũng như tiến hành rà soát, tham mưu xử lý văn bản theo đúng quy định, trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/QĐ-UBND của Chính phủ và Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố, đảm bảo có lộ trình, tiến độ thích hợp.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, Sở Tư pháp đã cùng các sở ngành nghiên cứu, tổng kết, nghiêm túc đánh giá thực tiễn tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua để nhìn nhận các vấn đề, các mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, qua công tác kiểm tra theo thẩm quyền, Sở Tư pháp cũng đánh giá được thực trạng ban hành văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Hội đồng nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân quận, huyện, nhìn nhận những hạn chế, sai sót phổ biến trong công tác xây dựng, ban hành văn bản của cấp huyện. Từ đó, Sở Tư pháp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đề ra các giải pháp khắc phục, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố có những chỉ đạo xử lý, chấn chỉnh và hoàn thiện về mặt thể chế làm cơ sở đẩy mạnh nhận thức và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật địa phương.

Ngoài ra, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, hàng năm Sở Tư pháp đều tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các Quyết định về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố. Công tác này được Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện theo đúng quy trình và thời gian quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP)Sau khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chính phủ ban hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, đồng thời tại Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng dụng mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, Ủy ban nhân dân Thành phố đã kịp thời ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2022 nhằm cập nhật các quy định pháp luật hiện hành về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và tổ chức, quản lý cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2017).

Khẳng định rằng, công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên địa bàn Thành phố có chất lượng, kịp thời phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị đình chỉ thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, góp phần trong công tác thể chế bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

III. TÌNH HÌNH VỀ ĐỘI NGŨ NHÂN SỰ LÀM CÔNG TÁC XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô dân số và mức độ đô thị hóa, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và hoạt động kinh tế năng động nhất, thu hút nhiều vốn đầu tư của các tổ chức, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, được Trung ương chọn thí điểm nhiều mô hình quản lý mới trước khi áp dụng, triển khai rộng rãi trên cả nước. Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt, giải quyết nhiều vấn đề của một đô thị đông dân, như việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, chưa theo kịp với sự gia tăng dân số cơ học, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao nên tình trạng vi phạm pháp luật như vi phạm pháp luật lao động, giao thông, xây dựng, phạm pháp hình sự, .v.v. còn xảy ra nhiều.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội của Thành phố vừa có nhiều thuận lợi, vừa có những khó khăn, thách thức đòi hỏi đội ngũ nhân sự của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và Ủy ban nhân dân các cấp phải luôn năng động, sáng tạo, am hiểu pháp luật, chặt chẽ về mặt pháp lý trong việc tham mưu công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển liên tục của Thành phố.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân Thành phố luôn quan tâm và chỉ đạo thường xuyên việc kiện toàn tổ chức bộ máy pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ và nâng cao năng lực, hiệu quả của đội ngũ nhân sự làm công tác pháp chế tại các quận - huyện, thành phố Thủ Đức, bởi đây là đội ngũ nhân sự chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về số lượng tổ chức pháp chế cụ thể, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định 14 Sở phải thành lập Phòng Pháp chế. Với sự quyết tâm và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố đã có 11 Sở thành lập Phòng Pháp chế. Ngoài ra, có một số cơ quan không thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân Thành phố cũng có Phòng Pháp chế như Công an Thành phố, Cục thuế Thành phố. Đến thời điểm triển khai Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 ngày 4 tháng 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, một số Thông tư liên tịch giữa các Bộ ngành với Bộ Nội vụ hướng dẫn về cơ cấu tổ chức bộ máy của các sở ngành có nội dung không phù hợp với Nghị định 55/2011/NĐ-CP (hiện nay, các Thông tư liên tịch này đã được sửa đổi, không còn quy định về tổ chức bộ máy của các sở ngành). Một số sở ngành đã sáp nhập Phòng Pháp chế vào các phòng chuyên môn khác hoặc giải thể. Hiện nay, Thành phố chỉ còn 04 Sở có Phòng Pháp chế gồm Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Giao thông vận tải.

Về vai trò của tổ chức pháp chế, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây là bộ phận đầu mối trong việc phối hợp với các phòng ban chuyên môn tham mưu thủ trưởng đơn vị thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phần lớn các văn bản đều giao cho từng phòng ban chuyên môn chủ trì soạn thảo, tổ chức pháp chế sẽ thẩm định, có ý kiến về mặt trình tự thủ tục, tính hợp pháp, hợp hiến, .v.v, đồng thời theo dõi tiến độ thực hiện, đảm bảo thời hạn, đúng trình tự, thủ tục theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chất lượng dự thảo văn bản.

Bên cạnh đó, tổ chức pháp chế còn tham gia góp ý các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các sở ngành khác chủ trì soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến đối với các dự thảo theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó có những văn bản quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, .v.v. Nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng và thiết thực, mang lại hiệu quả và được tiếp thu vào các văn bản quy phạm pháp luật.

Về công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố, các sở ngành ban hành kế hoạch triển khai phù hợp, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức pháp chế trong việc thực hiện thường xuyên và định kỳ rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân Thành phố và hướng dẫn của Sở Tư pháp; thu thập, tập hợp, phân loại văn bản thuộc đối tượng rà soát, xác định hiệu lực văn bản, rà soát đối chiếu văn bản thuộc từng lĩnh vực chuyên môn góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố, tạo thuận lợi trong việc tra cứu, tìm hiểu pháp luật của tổ chức và công dân hoặc kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế đối với các văn bản không còn phù hợp.

Riêng Sở Tư pháp, ngoài chức năng là cơ quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện nay khối lượng công việc về tư vấn pháp lý cho Ủy ban nhân dân Thành phố và theo đề nghị của các sở ngành cũng ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung; do đó, với số lượng biên chế hiện tại của Sở Tư pháp đòi hỏi mỗi nhân sự thực hiện nhiệm vụ tham mưu về xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật phải thực sự nỗ lực hết mình để đáp ứng với yêu cầu của công việc.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm triển khai mô hình cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản theo quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Tính đến nay, đối với cấp Thành phố, Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-STP-KTrVB ngày 16 tháng 01 năm 2019 công nhận 28 cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cấp Thành phố.

Đối với cấp huyện, tại Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có bố trí nhân sự làm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo biên chế của Phòng Tư pháp. Tuy nhiên, nhân sự thực hiện chủ yếu là kiêm nhiệm, không phải là chuyên trách. Đối với cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống văn bản thì Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức là cơ quan có thẩm quyền sử dụng, công nhận, quản lý cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đã xác định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền địa phương. Cùng với sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Tư pháp, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Thành phố, chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh được nâng cao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được kiểm tra, rà soát, đánh giá, xác định hiệu lực, những văn bản không còn phù hợp được bãi bỏ hoặc thay thế, những văn bản có sai sót được sửa đổi, bổ sung. Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, kỹ thuật soạn thảo theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, chú trọng việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan để tăng tính khả thi khi triển khai thực hiện, đảm bảo quy trình thẩm định của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Trong quá trình xây dựng văn bản, các cơ quan, đơn vị luôn chú trọng xác định rõ thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân để đảm bảo việc ban hành đúng thẩm quyền được giao theo quy định pháp luật. Riêng đối với việc quy định chính sách hoặc thủ tục hành chính, các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo đều thực hiện đầy đủ các bước đánh giá tác động chính sách, tác động thủ tục hành chính nhằm đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, khả thi của chính sách, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đó là:

- Một số văn bản có nội dung mang tính dự báo và tiên liệu thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của thực tiễn tại Thành phố (có những văn bản mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, gây khó khăn trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật).

- Một số văn bản còn sai về thể thức, kỹ thuật trình bày (ngôn ngữ sử dụng trong văn bản đôi khi chưa chính xác và chuẩn với quy định của pháp luật hiện hành; văn bản chứa quy phạm pháp luật nhưng lại được ban hành bằng hình thức văn bản hành chính và ngược lại văn bản không chứa quy phạm pháp luật nhưng lại được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; tình trạng sao chép lại các quy định đã được nêu tại các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên vẫn còn tồn tại.

- Việc ban hành văn bản để quy định chi tiết những nội dung được cấp Trung ương giao đôi khi còn chậm (một số trường hợp là văn bản của Trung ương ban hành đã có hiệu lực thi hành đến một năm, thậm chí là hơn một năm sau thì Thành phố mới ban hành văn bản quy định chi tiết).

- Việc lấy ý kiến đối với hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đôi khi còn mang tính hình thức, đại trà, chưa tập trung vào các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo văn bản; các đơn vị được lấy ý kiến chưa có sự đầu tư, nghiên cứu khi góp ý dự thảo văn bản.

- Còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị khi gửi hồ sơ đến Sở Tư pháp thẩm định chưa đảm bảo đủ thành phần theo quy định; không đảm bảo về thời gian, làm ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả thẩm định.

Những tồn tại nêu trên là do vẫn còn có một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác pháp chế, bố trí nhân sự kiêm nhiệm công tác pháp chế nên năng lực và kinh nghiệm còn có một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được yêu cầu trong quá trình tham mưu lãnh đạo. Chẳng hạn, tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng về thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nên cần có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định các chế độ chính sách đặc thù cho Thành phố; do vậy, các cơ quan, đơn vị luôn chú trọng công tác đánh giá tác động chính sách và thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố. Tuy nhiên, các nội dung chính sách dự kiến trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành do các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo thực hiện đánh giá thường có phạm vi rộng, thuộc nhiều lĩnh vực nên khi thực hiện đánh giá theo các tiêu chí nhiều lúc còn gặp khó khăn, lúng túng cho đội ngũ nhân sự. Cùng với đó, công tác pháp chế liên tục được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới ngoài mảng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật như bồi thường nhà nước, theo dõi tình hình thi hành pháp luật, .v.v., trong khi phần lớn đội ngũ nhân sự pháp chế chưa có quá trình tích lũy kinh nghiệm nên còn lúng túng trong triển khai các nhiệm vụ công tác pháp chế.

Với yêu cầu cao đối với người làm công tác pháp chế là phải có trình độ chuyên môn Luật và chuyên ngành nhưng không có chế độ đãi ngộ riêng tương xứng (nhất là chế độ theo quy định) nên khó thu hút nhân sự thực hiện. Kinh phí cho công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng được cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là đối với các dự thảo phức tạp, phạm vi rộng, thuộc nhiều lĩnh vực. Từ đó, một số đơn vị chưa mạnh dạn bố trí nhân sự, phân công giao việc cho tổ chức pháp chế theo quy định, đồng thời cán bộ làm công tác pháp chế chưa phát huy năng lực và chứng minh sự cần thiết của công tác pháp chế đối với hoạt động của đơn vị.

Phần II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG, BAN HÀNH

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) đã quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương. Trong đó, nội dung tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào những vấn đề cụ thể như: xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp trong văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tập huấn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực để triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, tại khoản 5 Điều 184 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) quy định:

“Điều 184. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân trong việc bảo đảm các điều kiện cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật

... 5. Hướng dẫn việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương”.

Với trách nhiệm nêu trên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 3637/QĐ-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030; trong đó có nội dung giao Sở Tư pháp tham mưu, xây dựng Đề án nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Với những kết quả đã đạt được và các tồn tại, hạn chế được trình bày tại Phần I Đề án, trên cơ sở tham mưu, báo cáo của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân Thành phố đánh giá cao về sự quan trọng và cần thiết tiếp tục đẩy mạnh hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành “Đề án nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030” với các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này.

II. MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị trong soạn thảo, góp ý, thẩm định, ban hành văn bản và chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến hết năm 2025, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố phấn đấu đạt và duy trì các mục tiêu sau đây:

- Hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố;

- Phấn đấu đạt tỷ lệ 90% các văn bản quy phạm pháp luật do Thành phố ban hành đảm bảo trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của Thành phố;

- Phấn đấu đạt tỷ lệ 90% đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

- Phấn đấu thực hiện đạt 90% văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;

- Hoàn thành việc biên soạn, phát hành tài liệu về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật (ưu tiên hình thức tài liệu điện tử);

- Đảm bảo cơ sở vật chất, cơ chế chính sách đối với người làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực thi trong thực tế các chế độ chi cho công tác này đã được quy định.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành theo chức năng, lĩnh vực phụ trách; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Giao Sở Tư pháp chủ trì: (i) thực hiện việc rà soát, cập nhật Cơ sở dữ liệu pháp luật của Thành phố vào Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia; kịp thời kiểm tra, rà soát, thu thập, cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Thành phố trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đảm bảo phục vụ tra cứu, áp dụng, thi hành; (ii) biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật khi cần có nội dung cần hướng dẫn nghiệp vụ nhằm giới thiệu đến các sở ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức nghiên cứu, tham khảo, sử dụng khi thực hiện công tác.

2. Tăng cường trách nhiệm khi chủ trì soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu trách nhiệm sau:

a) Đối với việc tham mưu xây dựng, soạn thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố

Đảm bảo tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thẩm quyền về nội dung và hình thức, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP), Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành, trong đó lưu ý tuân thủ thực hiện nghiêm, đầy đủ quy trình 02 bước gồm: (1) Lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, (2) Xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và trình ban hành.

Văn bản quy phạm pháp luật phải thực hiện đúng thể thức, kỹ thuật trình bày theo các mẫu được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP, không để sai sót đối với các lỗi về hình thức văn bản.

Đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố có quy định chính sách, phải thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng chính sách, nghiêm túc công tác đánh giá tác động chính sách theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) và Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành để có cơ sở tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố đề xuất chính sách, giải pháp trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét.

Đối với dự thảo có quy định thủ tục hành chính hoặc có dấu hiệu quy định thủ tục hành chính, phải thực hiện đánh giá tác động về thủ tục hành chính trước khi gửi lấy ý kiến về nội dung thủ tục hành chính của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính (Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố). Trường hợp dự thảo có nội dung chính sách về giới, cơ quan lập đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm lấy ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, giải trình việc tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, trong đó có ý kiến góp ý của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính và hoàn chỉnh dự thảo trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định.

Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được phân công soạn thảo. Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

b) Đối với việc tham mưu xây dựng, soạn thảo và trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức, Hội đồng nhân dân huyện, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, Ủy ban nhân dân quận, huyện, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp)

Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp thẩm quyền, nội dung và hình thức theo quy định, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) và Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành; thực hiện đúng thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật theo các mẫu được quy định tại các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP; không để sai sót đối với các lỗi về hình thức văn bản.

Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cùng cấp về tiến độ soạn thảo, chất lượng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được phân công soạn thảo. Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật được phân công thực hiện.

3. Tăng cường phối hợp tổ chức lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cùng cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình lập đề nghị, xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định (trong đó lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố trong trường hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố thực hiện phản biện xã hội). Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo rõ số lần tổ chức lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và những trường hợp không có ý kiến; giải trình cụ thể đối với việc tiếp thu ý kiến góp ý tại Tờ trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và Bảng tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến kèm theo hồ sơ dự thảo.

Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm rà soát quy định pháp luật để tổ chức lấy ý kiến Bộ ngành có liên quan đối với các đề nghị xây dựng nghị quyết Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách đặc thù trong trường hợp pháp luật có quy định hoặc trong trường hợp cần thiết để có cơ sở xác định thẩm quyền và cơ sở pháp lý xây dựng chính sách.

4. Nâng cao vai trò của cơ quan thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Văn bản thẩm định đảm bảo đầy đủ, cụ thể các nội dung theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP) và Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.

Cơ quan thẩm định phải có chính kiến về việc dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đủ hay chưa đủ điều kiện trình xem xét, ban hành, không thực hiện thẩm định đối với các đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có chứa chính sách, thủ tục hành chính nhưng chưa thực hiện đánh giá tác động chính sách, thủ tục hành chính theo quy định.

Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cùng cấp về kết quả thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Người đứng đầu cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp việc thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không đảm bảo các nội dung yêu cầu theo luật định.

5. Nâng cao chất lượng độ ngũ làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

a) Kiện toàn bộ máy, đội ngũ làm công tác pháp chế:

Thủ trưởng các sở ngành căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn tại đơn vị để xây dựng phương án kiện toàn tổ chức pháp chế cho phù hợp, trường hợp không thể thành lập Phòng Pháp chế thì phải có phòng chuyên môn tham mưu chức năng, nhiệm vụ công tác pháp chế theo Thông tư số 01/2015/TT-BTP ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế. Đồng thời, thực hiện thủ tục đổi tên để tên phòng ban có cụm từ “Pháp chế”, như: Phòng Tổ chức - Pháp chế, Thanh tra - Pháp chế, Văn phòng - Pháp chế (tương tự Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa Thể thao, .v.v.) nhằm xác định vai trò, vị trí của pháp chế trong tổ chức bộ máy đơn vị. Trên cơ sở này, các sở ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các Quy chế có liên quan cho phù hợp, phối hợp Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động; sửa đổi, bổ sung các quy chế trong nội bộ, trong đó cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ pháp chế vào chức năng, nhiệm vụ của phòng chuyên môn nhận sáp nhập, xây dựng quy chế phối hợp giữa các phòng chuyên môn trong triển khai các nhiệm vụ pháp chế theo quy định pháp luật hiện hànhChủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục quan tâm, bố trí nhân sự làm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo biên chế của Phòng Tư pháp, đảm bảo nguồn lực, điều kiện thực hiện chức năng, nhiệm vụ về công tác này theo quy định pháp luật và thực tiễn tại địa phương.

b) Kiện toàn đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên địa bàn Thành phố

Thủ trưởng các sở ngành rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản để phục vụ cho công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố theo quy định tại Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2022 về Quy chế về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và tổ chức, quản lý cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục quan tâm công nhận, quản lý cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn theo quy định pháp luật hiện hành.

c) Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và các quy định pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, cộng tác viên phụ trách công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật luật trên địa bàn Thành phố

Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoặc phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng - nghiệp vụ liên quan đến công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị và tại địa phương phù hợp với yêu cầu công tác. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức cấp xã theo hình thức phù hợp (như: hội nghị phổ biến, quán triệt, cập nhật các quy định pháp luật, tập huấn kỹ năng xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, .v.v.). Sở Tư pháp phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị theo chức năng; giới thiệu báo cáo viên có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị tập huấn.

Giao Sở Tư pháp tổ chức “Lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế và cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính” trên địa bàn Thành phố (chậm nhất trong Quý IV năm 2023) và trong năm 2025 tham mưu tổ chức Hội nghị chuyên đề về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm đánh giá, trao đổi, rút kinh nghiệm thực tiễn công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2015 - 2025, từ đó xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp (nếu có).

6. Đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 42/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ Tài chính); Thông tư số 09/2023/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2023 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố nhằm đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật các cấp.

IV. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu của giai đoạn năm 2025 - 2030

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố trong những năm tiếp theo đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch đảm bảo phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến hết năm 2030, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố phấn đấu đạt và duy trì các mục tiêu sau đây:

- Phấn đấu đạt tỷ lệ trên 95% các văn bản quy phạm pháp luật do Thành phố ban hành đảm bảo trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của Thành phố;

- Phấn đấu đạt tỷ lệ trên 95% đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;

- Phấn đấu thực hiện đạt tỷ lệ trên 95% văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

2. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện giai đoạn năm 2025 - 2030

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trong giai đoạn này, các nội dung, giải pháp và tiến độ thực hiện có thể được tiến hành song song, lồng ghép hoặc xen kẽ, hỗ trợ nhau trong suốt thời gian thực hiện Đề án thông qua các hoạt động sau:

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

- Tăng cường trách nhiệm khi chủ trì soạn thảo, trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu các giải pháp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không đảm bảo tiến độ, trình tự xây dựng tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

- Tăng cường phối hợp tổ chức lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao vai trò của cơ quan thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

- Xây dựng các giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ giúp nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;

- Thường xuyên kiện toàn đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên địa bàn Thành phố, đảm bảo tăng về số lượng và nâng cao về chất lượng;

- Tiếp tục rà soát, cập nhật Cơ sở dữ liệu pháp luật của Thành phố vào Cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia;

- Nghiên cứu các giải pháp để đề xuất tăng cường đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Kinh phí xây dựng Đề án và thực hiện các nội dung trong Đề án do ngân sách Thành phố bảo đảm.

2. Căn cứ nhiệm vụ tại Đề án này, các sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ được giao, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách Thành phố hàng năm gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với kinh phí xây dựng Đề án, Sở Tư pháp xây dựng, gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

II. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

Chủ trì hoặc phối hợp tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Đề án theo từng giai đoạn.

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật dài hạn, hàng năm; tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ.

Phối hợp với Sở Tài chính dự toán, sử dụng và quản lý kinh phí thực hiện Đề án hàng năm theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật cho phù hợp quy định của Trung ương.

Biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về công tác soạn thảo, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố.

Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai, đôn đốc thực hiện các nội dung của Đề án; tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố kết quả việc thực hiện Đề án theo tiến độ các nội dung cụ thể; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định.

2. Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc giao các sở ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; có ý kiến về nội dung thủ tục hành chính quy định tại dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc hướng dẫn các sở ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện đúng trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tiếp nhận và kiểm tra chặt chẽ, đầy đủ thành phần hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Ủy ban nhân dân thành phố (phải có báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp và ý kiến giải trình đầy đủ của cơ quan chủ trì soạn thảo đối với ý kiến thẩm định); thông tin và hướng dẫn cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị lại thành phần hồ sơ dự thảo trong trường hợp phát hiện hồ sơ dự thảo chưa có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp.

Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quy định chi tiết các luật được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp; theo dõi và đôn đốc các sở ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đảm bảo tiến độ, thời gian trong việc tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo các danh mục đã được Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với các sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức xây dựng dự toán kinh phí hàng năm đảm bảo triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp dự toán, bố trí kinh phí để đảm bảo các điều kiện cho công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; bố trí nguồn kinh phí cho công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố.

Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật cho phù hợp quy định của Trung ương.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Tư pháp, các sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức rà soát, khảo sát để có biện pháp, hướng dẫn củng cố, kiện toàn nguồn nhân lực trong công tác xây dựng, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tham mưu kiện toàn tổ chức pháp chế của các sở ngành theo chức năng, nhiệm vụ.

Chịu trách nhiệm theo dõi, tham mưu và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng sở ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức trong công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: nghiên cứu, đưa công tác tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vào kế hoạch thi đua và cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; gắn công tác tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật với công tác đánh giá thi đua khen thưởng cá nhân, tập thể tại cơ quan, đơn vị.

5. Các sở ngành Thành phố

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế theo quy định; kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực soạn thảo, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản theo lĩnh vực, chuyên ngành đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu, nhiệm vụ.

Thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ động kiểm tra, rà soát văn bản theo thẩm quyền và lĩnh vực nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong việc tham mưu xử lý văn bản theo quy định về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ động xây dựng dự toán kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm; đảm bảo sử dụng kinh phí theo đúng quy định.

Thủ trưởng các sở ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tại cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong trường hợp tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng pháp luật; có trách nhiệm báo cáo, phối hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện Đề án khi được yêu cầu.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tại cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức và theo dõi thực hiện công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trên địa bàn quản lý gắn với trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan chủ trì soạn thảo, góp ý, thẩm định để xem xét đánh giá thi đua khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thuộc thẩm quyền quản lý.

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trong trường hợp tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng pháp luật; có trách nhiệm báo cáo, phối hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về kết quả thực hiện Đề án khi được yêu cầu./.

 



span', 'dctk > span', 'dctd > span']; var hasChild = selectors.some(function(selector) { return clickedElement.closest(selector).find('span').length > 0; }); if (!hasChild) { var totalSubLevels = 1; } else { function findMatchingParent(element) { var parent = element.parent(); if (parent.length === 0) return null; for (var i = 0; i < selectors.length; i++) { if (parent.is(selectors[i])) { superLevel++; return parent; } } return findMatchingParent(parent); } var parentElement = findMatchingParent(clickedElement); while (parentElement !== null) { level++; parentElement = findMatchingParent(parentElement); } var closestElement = clickedElement.closest(selectors.join(', ')); var nodeName = closestElement.prop('nodeName').toLowerCase(); var className = closestElement.attr('class'); var textContent = closestElement.text().trim(); var address = selectors.find(function(selector) { return closestElement.is(selector); }); var totalSubLevels = closestElement.find('span').length + 1; var parent_id = closestElement.parent().attr('id'); var variableName = 'parent_id_' + level; // Gán giá trị của parent_id cho biến động này window[variableName] = parent_id; } if (totalSubLevels>1) { var dynamicVars = {}; var variableName = 'parent_id_' + level; dynamicVars[variableName] = parent_id; var buble_id = dynamicVars[variableName]; } else { buble_id = 'dc_' + $(this).parent().attr('id'); } if ($this.next('.pointy').length === 0) { $this.after('

'); } var $pointer = $this.next('.pointer'); var $canvas = $this.next('canvas'); var $pointy = $canvas.next('div.pointy'); if ($pointy.is(':visible')) { } if ($pointer.is(':visible')) { } else { if ($('#ajax_tra_cuu').is(':visible')) { $('#ajax_tra_cuu').hide(); } $("#right_info_col").css('height', '1px'); $('#rightdocinfo').hide('slow'); $('#r-toc').hide('slow'); if ($('button#toggleSidebar').length) { if (parseInt($('#customSidebar').css('right'),10) == 0) { $('#customSidebar').animate({ right: '-280px' }, 500); $('#toggleSidebar').html(''); } else { } } if ($pointy.is(':visible')) { var $pointer = $canvas.next('.pointer'); if ($pointer.is(':visible')) { $pointer.hide(); $canvas.hide(); } else { } } else { if ($canvas.length==1) { var $canvas = $this.next('canvas'); var $pointer = $canvas.next('.pointer'); if ($pointer.length>0) { $pointer.show(); $canvas.show(); } $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $pointer.css({'z-index':9999}); $canvas.css({'z-index':9999}); if (level==0) { if (totalSubLevels==1) { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $(window).height() / 4; } else { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $('#nav-tab-vb').height()-10; } $('html,body').animate({ scrollTop: scrollTop_offset }, 'slow'); } } else { $pointer.show(); if ($pointy.length==0) { var elementOffset = $(this).position().top; var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); if (level>0 && e.originalEvent === undefined) { //clicked by js var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/(level+1), 450)); var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); } else { var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); } if (level>0 && e.originalEvent === undefined) { newTop = newTop+pointerHeight+10; } var position = $this.position(); $pointer.css({ left: $('#doc-left-col, #noi_dung_dk').width() + 50 + "px", width: $('#doc-right-col').width()-30, height: pointerHeight, 'z-index': 9999, top: newTop + "px" }); $this.pointy({ pointer: $pointer, defaultClass: 'zindex', activeClass: 'pointy-active', arrowWidth: 20 }); var initialTop = $pointer.position().top; $pointer.draggable({ containment: 'document', drag: function() { if (screen.width<1280) { var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); } $this.trigger('pointy-update'); } }); $pointer.on('click', '.close_pointy', function(e) { $pointer.hide(); $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); }); var isDragging = false, startX, startY, offsetX, offsetY; var startDragging = function(e) { if (checkIfScrollingContent(e)) return; if ($(e.target).is('.close_pointy')) { return; } isDragging = true; var touch = e.originalEvent.touches[0]; var pos = $pointer.position(); startX = touch.pageX; startY = touch.pageY; offsetX = startX - pos.left; offsetY = startY - pos.top-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); //e.preventDefault(); }; var duringDragging = function(e) { if (checkIfScrollingContent(e)) return; if (isDragging) { var touch = e.originalEvent.touches[0]; var moveX = touch.pageX; var moveY = touch.pageY; if (screen.width<1280) { var newLeft = moveX - offsetX; var newTop = moveY - offsetY-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; if (newLeft < 0) { newLeft = 0; } else if (newLeft + $pointer.outerWidth() > $(window).width()) { newLeft = $(window).width() - $pointer.outerWidth(); } if (newTop < initialTop) { newTop = initialTop; } $pointer.css({ left: newLeft, top: newTop }); } else { var newLeft = moveX - offsetX; var newTop = moveY - offsetY-$pointer.height()-$pointer.height()/1.365; if (newLeft < 0) { newLeft = 0; } else if (newLeft + $pointer.outerWidth() > $(window).width()) { newLeft = $(window).width() - $pointer.outerWidth(); } $pointer.css({ left: newLeft, top: newTop }); } $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); //e.preventDefault(); } }; var stopDragging = function(e) { $pointer.prev('canvas.pointy').show(); if (checkIfScrollingContent(e)) return; if (screen.width<1280) { var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); } $this.trigger('pointy-update'); }; function checkIfScrollingContent(e) { if ($(e.target).closest('.list_tds').length > 0) { //e.stopPropagation(); return true; } return false; } $pointer.on('touchstart', startDragging); $pointer.on('touchmove', duringDragging); $pointer.on('touchend', stopDragging); var updatePointerPosition = function() { var offset = $this.position(); var windowHeight = $(window).height() - $('#nav-tab-vb').height()-20; var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); var elementOffset = $this.position().top; var newTop = elementOffset - (pointerHeight / 2); var maxTop = $(document).height() - pointerHeight; newTop = Math.max(0, Math.min(newTop, maxTop)); $pointer.css({ left: $('#doc-left-col, #noi_dung_dk').width() + 50 + "px", width: $('#doc-right-col').width() - 30, height: pointerHeight, top: newTop + "px" }); }; $(window).on('resize orientationchange', function() { updatePointerPosition(); var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); $this.trigger('pointy-update'); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); }); } } } if ($pointer.is(':visible')) { if (level==0) { if (totalSubLevels==1) { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $(window).height() / 4; } else { scrollTop_offset = $pointer.offset().top - $('#nav-tab-vb').height()-10; } $('html,body').animate({ scrollTop: scrollTop_offset }, 'slow'); } } } $pointer.css('opacity', '1'); $('.pointy').click(function(e) { //e.preventDefault(); //e.stopPropagation(); }); var parent = $(this).parent(); var dataCT = parent.attr('data-ct'); var dataDC = parent.attr('data-dc'); var dataTN = parent.attr('data-tn'); var loai_buble = parent.prop('nodeName').toLowerCase(); var text_html = $(this).text(); if (loai_buble=='cttd' || loai_buble=='a') { pointer_html = ''; } else if(loai_buble=='dctd') { if (this.hasAttribute('o-title')) { tieu_de_dan_chieu = $(this).attr('o-title'); } else { tieu_de_dan_chieu = text_html; } pointer_html = ''; } else if(loai_buble=='dctk') { pointer_html = ''; } if ($pointer.find('#chu_thich_buble_'+buble_id).length) { } else { $pointer.html(pointer_html); } if (loai_buble=='cttd' || loai_buble=='a') { var load_cttd = setInterval(function(){ if (!$pointer.find('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_'+buble_id+'_loading').length) { $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/vanban/chu-thich/', data: { 'ndct': dataCT, 'id_ct': buble_id, 'dc_text': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } }); $('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').addClass('dc_'+buble_id+'_loading'); } },500); } else if(loai_buble=='dctd') { var load_cttd = setInterval(function(){ if ($pointer.find('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').length){ if (dataDC.length == 32) { $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/public/dan-chieu/' + dataDC, data: { 'text_dan_chieu': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } }); } else { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).load('/ajax/public/dan-chieu/' + dataDC + '/'); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} clearInterval(load_cttd); } } else { clearInterval(load_cttd); } },500); } else if(loai_buble=='dctk') { if ($('#noi_dung_buble_'+buble_id + ' .dc_loading').length){ $.ajax({ type: 'POST', url: '/ajax/vanban/chu-thich/', data: { 'ndct': dataCT, 'id_ct': buble_id, 'loai_hd': 'noi_dung_tham_khao', 'dc_text': text_html }, success: function(response) { $("#noi_dung_buble_" + buble_id).html(response); if ($(document).width()>=1280){$this.trigger('pointy-update');} } }); } } $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $pointer.css({'z-index':9999}); $canvas.css({'z-index':9999}); $('.pointer').on('mouseenter mouseleave click touchstart', function() { // Khi di chuột vào $('.pointer').removeClass('pointy-active'); $('.pointer').css({'z-index':1}); $(this).css({'z-index':9999}); $('canvas.pointy').removeClass('pointy-active'); $('canvas.pointy').css({'z-index':1}); $(this).prev('canvas.pointy').addClass('pointy-active'); $(this).prev('canvas.pointy').css({'z-index':9999}); } ); var list_tds_max_height_interval = setInterval(function(){ if ($pointer.find('.list_tds').length) { var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); $pointer.find('.list_tds').css('max-height', pointerHeight + 'px'); clearInterval(list_tds_max_height_interval); } },50); $(window).resize(function() { if ($(document).width()<=768) { $pointer.hide(); $pointer.prev('canvas.pointy').hide(); } var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); var list_tds_max_height_interval = setInterval(function(){ if ($pointer.find('.list_tds').length) { var windowHeight = $(window).height()-20 - $('#nav-tab-vb').height(); var pointerHeight = Math.max(250, Math.min((windowHeight * 0.8)/totalSubLevels, 450)); $pointer.find('.list_tds').css('max-height', pointerHeight + 'px'); clearInterval(list_tds_max_height_interval); } },50); }); var parentElement = $(this).parent(); var selectors = 'cttd.chuthichtudong > span, a.chuthichtudong > span, dctk > span, dctd > span'; // Find and click all matching child elements parentElement.find(selectors).each(function() { //$(this).click(); }); var cap_nhat_pointy_top = setInterval(function(){ if ($this.position().top-$this.parent().height()+10!=$pointer.prev('canvas.pointy').position().top) { $pointer.prev('canvas.pointy').css({'top': $this.position().top-$this.parent().height()+10+'px'}); clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } else { clearInterval(cap_nhat_pointy_top); } },50); }); }); function random_string_id(numstr) { var text = ""; var possible = "abcdefghijklmnopqrstuvwxyz0123456789"; for (var i = 0; i < numstr; i++) text += possible.charAt(Math.floor(Math.random() * possible.length)); return text; } let lastChosen = null; let lastChosentr = null; function scroll_den_hd(ndsh_dich_address) { if (lastChosen) { $(lastChosen).css('background-color', ''); } if (lastChosentr) { $(lastChosentr).css('background-color', ''); } lastChosen = $('[href="javascript:scroll_den_hd(\'' + ndsh_dich_address + '\')"]'); lastChosentr = $('[data-ct="' + ndsh_dich_address + '"]'); $(lastChosen).css('background-color', 'yellow'); $(lastChosentr).css('background-color', 'yellow'); var targetElement = $('[address="' + ndsh_dich_address + '"]'); $('.selected_dchd').removeClass('selected_dchd'); targetElement.addClass('selected_dchd'); targetElement.children('p').children('cttd').click(); targetElement.children('cttd').click(); targetElement.children('p').children('dctk').click(); targetElement.children('dctk').click(); } $(document).ready(function() { $(document).on('click', 'cttd.chuthichtudong span, a.chuthichtudong span, dctk span, dctd span', function() { $('#modal_noi_dung_tra_phi .modal-dialog.zoom').removeAttr('style'); $('.pointer, canvas').css({ 'z-index': '50', 'important': true }); }); });