Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1024/QĐ-UBND | Bình Thuận, ngày 09 tháng 5 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “KẾ HOẠCH VÀ LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP CÓ LỢI THẾ SO SÁNH KẾT HỢP VỚI CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU NGÀNH, ĐẨY MẠNH CHUYÊN MÔN HÓA VÀ NÂNG CAO GIÁ TRỊ, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM CỦA TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận tại Tờ trình số 125/TTr-KCN ngày 21 tháng 3 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Kế hoạch và lộ trình phát triển các khu công nghiệp có lợi thế so sánh kết hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành, đẩy mạnh chuyên môn hóa và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”, với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. Quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2020:
1. Quan điểm phát triển:
- Phát triển khu công nghiệp (sau đây viết tắt là KCN) và thu hút đầu tư vào KCN là nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm phát triển công nghiệp nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương;
- Ưu tiên phát triển các khu công nghiệp có lợi thế so sánh với quy mô và tiến độ phù hợp với khả năng đầu tư và thu hút đầu tư. Kết hợp chặt chẽ giữa ưu tiên phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu với chuyển đổi cơ cấu ngành, đẩy mạnh chuyên môn hóa và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm;
- Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung vận động thu hút các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế có tiềm lực mạnh, công nghệ cao, với các dự án đầu tư lớn, đồng bộ đầu tư vào các khu công nghiệp.
2. Mục tiêu và định hướng phát triển:
2.1. Mục tiêu đến năm 2020:
- Hoàn chỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích cho thuê các Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hàm Kiệm I và II, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I giai đoạn 1 (658 ha); cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư lấp đầy 70-80% diện tích cho thuê các Khu công nghiệp Tuy Phong (150 ha), Khu công nghiệp Tân Đức giai đoạn 1 (300 ha), Khu công nghiệp Sơn Mỹ II giai đoạn 1 (540 ha);
- Lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp chế biến sâu titan Sông Bình (Bắc Bình) trong các năm 2013 - 2015; đến năm 2018 hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thu hút lấp đầy 100% diện tích khu công nghiệp;
- Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp khu công nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2012 - 2015 đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp khu công nghiệp tăng bình quân hàng năm 35% - 40% (tỉnh 18% - 19%); kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm từ 15% - 25% (tỉnh 17% - 18%); nộp ngân sách tăng bình quân hàng năm từ 15% - 20% (tỉnh 16%-17%); giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu doanh thu của các doanh nghiệp khu công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 30% - 35% (tỉnh 16% - 17,5%); kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm từ 20% - 25% (tỉnh 17% - 18%); nộp ngân sách tăng bình quân hàng năm từ 35% - 40% (tỉnh 18%-20%).
Đến năm 2015, các khu công nghiệp sẽ đạt giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 2.000 - 2.200 tỷ đồng (chiếm 19,05% - 20,56% giá trị sản xuất của tỉnh), kim ngạch xuất khẩu đạt 95 - 96 triệu USD (chiếm 25,66% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), nộp ngân sách đạt 90 tỷ đồng (chiếm 1,8% thu nội địa của tỉnh) và đến năm 2020 tương ứng là 6.700 - 8.300 tỷ đồng (chiếm 35,5% - 40,7% giá trị giá trị sản xuất của tỉnh), 220 - 230 triệu USD (chiếm 28% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) và 300 tỷ đồng (chiếm 2,23% thu nội địa của tỉnh).
2.2. Định hướng phát triển:
Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Bình Thuận có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp đa dạng, nhiều ngành nghề; cụ thể như:
- Lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông: có hệ thống quốc lộ đi qua gồm: Quốc lộ 1A (hiện đang được mở rộng), Quốc lộ 55, Quốc lộ 28; Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang; tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh – Phan Thiết phục vụ cho vận chuyển hàng hóa và du lịch; cảng vận tải Phan Thiết (1.000 tấn) và Phú Quý (làm mới) đã được xây dựng, cảng cá Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa, Phú Quý đã được nâng cấp; đang triển khai xây dựng cảng Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Dự kiến trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết,…;
- Lợi thế về tài nguyên khoáng sản như: nước khoáng thiên nhiên, cát thủy tinh, đá granít, sét bentonit, quặng sa khoáng titan, zircon và đặc biệt là dầu khí đang được xem là thế mạnh kinh tế mới của tỉnh với nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn;
- Ngoài ra, Bình Thuận còn có ưu thế về nguồn năng lương: hiện nay, đang đẩy mạnh phát triển các trung tâm nhiệt điện, điện gió và điện khí để đưa Bình Thuận thành một trong những trung tâm cung cấp điện của cả nước;
- Bên cạnh đó, tài nguyên đất đai và nguồn lao động dồi dào để thu hút cũng là những lợi thế để phát triển công nghiệp Bình Thuận.
Phát huy và để sử dụng hiệu quả nhất các lợi thế nêu trên; trong những năm tiếp theo, ngành công nghiệp của tỉnh đề ra định hướng phát triển như sau:
- Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư, cơ bản lấp đầy các khu công nghiệp hiện hữu vào năm 2015 (riêng KCN Hàm Kiệm II hoàn thành xây dựng hạ tầng năm 2015, lấp đầy 100% diện tích năm 2016 - 2017, chậm 2 năm). Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện đầu tư, đảm bảo đủ các điều kiện để khởi công xây dựng và tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào 4 khu công nghiệp mới ngay từ năm 2013 - 2015 trở đi theo thứ tự ưu tiên: Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Tuy Phong, Tân Đức, Sơn Mỹ 2; đồng thời, tích cực chuẩn bị đầu tư để thành lập Khu công nghiệp chế biến sâu titan Sông Bình vào năm 2014 - 2015.
Từ năm 2016 - 2020 là giai đoạn tập trung cao nhiều nguồn lực, đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, nhằm tạo ra những tiến bộ đáng kể trong phát triển khu công nghiệp của tỉnh, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra cho năm 2020. Các Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức thực hiện chuẩn bị đầu tư và đầu tư giai đoạn 2 trong năm 2020.
- Tập trung đẩy mạnh công tác tiếp xúc, giới thiệu, vận động, kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh bằng nhiều hình thức. Trong đó, đặc biệt quan tâm kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất là khuyến khích các tập đoàn kinh tế lớn ở cả trong và nước ngoài đầu tư các dự án lớn, đồng bộ vào các khu công nghiệp.
Trong thu hút đầu, đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp điện lực, khí hóa lỏng thiên nhiên LNG; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến sâu sa khoáng, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu; các ngành công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp sản xuất - chế tạo - lắp ráp máy móc thiết bị, phương tiện và công nghiệp sản xuất - chế tạo - lắp ráp máy móc thiết bị, phương tiện có kỹ thuật cao và có các ngành công nghiệp phụ trợ. Thu hút những nhà đầu tư thật sự có năng lực, dự án có công nghệ cao và bảo đảm môi trường.
- Cùng với việc tập trung vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và các khu công nghiệp. Tỉnh ưu tiên dành nguồn vốn thích hợp cho xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là các công trình cấp, thoát nước; cấp điện; đường giao thông ngoài khu công nghiệp đấu nối với khu công nghiệp, phục vụ khu công nghiệp phù hợp với tiến độ xây dựng của từng khu công nghiệp. Đồng thời vận động, mời gọi, có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư khác và các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp đầu tư xây các khu dân cư - dịch vụ - thương mại phục vụ khu công nghiệp đồng bộ, kịp thời.
II. Kế hoạch, lộ trình phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020:
1. Kế hoạch, lộ trình phát triển cụ thể từng khu công nghiệp đến năm 2020:
1.1. Đối với các khu công nghiệp hiện hữu:
a) Khu công nghiệp Phan Thiết 2: hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút lấp đầy 50 - 60% diện tích trong năm 2013. Lấp đầy 80 - 90% diện tích vào năm 2014. Đến 2015 lấp đầy 100% diện tích, đưa 75 - 80% doanh nghiệp đi vào hoạt động;
b) Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1: hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút lấp đầy 50 - 55% diện tích trong năm 2013. Lấp đầy 75 - 85% diện tích vào năm 2014. Đến 2016 có 100% doanh nghiệp đi vào hoạt động.
c) Khu công nghiệp Hàm Kiệm 2:
- Giai đoạn 1 (210 ha): hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút lấp đầy 40 - 50% diện tích trong năm 2013. Lấp đầy 70 - 80% diện tích vào năm 2014;
- Giai đoạn 2 (223 ha):
+ Trong năm 2013 triển khai xây dựng 1 số công trình hạ tầng thiết yếu trong giai đoạn 2;
+ Năm 2014 hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng 50 - 55% và thu hút lấp đầy 10 - 15% diện tích;
+ Năm 2015 cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng và lấp đầy 50 - 60% diện tích;
+ Đến năm 2016 - 2017 hoàn chỉnh xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút lấp đầy 100% diện tích toàn khu công nghiệp và đưa 60 - 70% doanh nghiệp được cấp phép đầu tư vào hoạt động.
1.2. Đối với các khu công nghiệp thành lập mới:
a) Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (giai đoạn 1: 658 ha):
- Năm 2013: đền bù giải tỏa đạt 40 - 50% diện tích (100% diện tích khu vực khởi công và khu dự án trung tâm điện lực và kho, cảng khí), thực hiện khởi công xây dựng trong năm 2013, triển khai xây dựng đường trục chính từ Quốc lộ 55 ra biển và các đường đến hàng rào 2 dự án, san lấp mặt bằng đất khu khởi công;
- Năm 2014: tiếp tục đền bù giải tỏa đạt 65 - 75% diện tích, đảm bảo giao đất sạch để triển khai 2 dự án trong năm 2014. Tập trung đầu tư xây dựng mặt bằng và hạ tầng khu công nghiệp, trong đó: cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng đến khu vực 2 dự án trung tâm điện lực, kho khí, hoàn thành mặt bằng khu kho cảng khí LNG; 25% - 30% mặt bằng và kết cấu hạ tầng khu vực còn lại. Thu hút được 3 - 5 dự án khác với diện tích cho thuê 15 - 20 ha;
- Năm 2015 - 2016: cơ bản hoàn thành đền bù giải tỏa, tiếp tục tập trung cho đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt 60 - 70% giai đoạn 1 khu công nghiệp và thu hút đầu tư lấp đầy 25 - 30% diện tích ngoài khu vực Dự án Trung tâm Điện lực và Kho cảng khí LNG. Khởi công xây dựng Dự án đầu tư hạ tầng dùng chung khu trung tâm điện lực và Dự án Kho, cảng nhập khẩu khí LNG;
- Năm 2017 - 2018: cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng giai đoạn 1 khu công nghiệp Sơn Mỹ, thu hút lấp đầy 50 - 60% diện tích đất khu công nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng các Dự án Nhà máy điện Sơn Mỹ 1 (2.000 MW) và Kho, cảng khí LNG và dự án chuỗi hệ thống truyền tải điện, khí; đảm bảo đưa các dự án này vào hoạt động trong năm 2019 - 2020;
- Năm 2019 - 2020: hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thu hút lấp đầy 75 - 85% diện tích đất khu công nghiệp. Chuẩn bị đầu tư và triển khai giai đoạn 2.
b) Khu công nghiệp Tuy Phong:
- Năm 2013: hoàn thành đền bù giải tỏa 50 - 60% diện tích, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để khởi công xây dựng trong đầu năm 2014;
- Năm 2014 - 2015: khởi công xây dựng khu công nghiệp, tập trung nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành san lấp mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng đạt 60 - 65% diện tích toàn khu. Thu hút đầu tư lấp đầy 35 - 45% diện tích cho thuê;
- Năm 2016: hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư cơ bản lấp đầy 50 - 60% diện tích khu công nghiệp. Đến năm 2018 lấp đầy 100% diện tích và đưa 100% dự án vào hoạt động.
c) Khu công nghiệp Tân Đức (giai đoạn 1: 300 ha):
- Năm 2013 - 2016: tập trung thực hiện phân khu 1 giai đoạn 1 (150 ha) với mục tiêu: khởi công xây dựng, cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư lấp đầy 55 - 60% diện tích phân khu 1 giai đoạn 1. Trong đó:
+ Năm 2013 - 2014: hoàn chỉnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Thực hiện đền bù giải tỏa và hoàn thành giải tỏa 50 - 60% diện tích. Khởi công xây dựng đầu năm 2014 và triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và mặt bằng đạt 20 - 25% diện tích của phân khu 1 khu công nghiệp;
+ Năm 2015 - 2016: tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào phân khu 1 khu công nghiệp. Phấn đấu cuối năm 2016 cơ bản hoàn thành xây dựng mặt bằng và kết cấu hạ tầng, thu hút lấp đầy 55 - 60% diện tích cho thuê phân khu 1. Triển khai đền bù giải tỏa, để xây dựng phân khu 2 trong năm 2017.
- Năm 2017 - 2020: tiếp tục đền bù giải tỏa và xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư lấp đầy 70 - 80% diện tích giai đoạn 1 (300 ha) trong năm 2020. Cụ thể:
+ Năm 2017: thu hút đầu tư lấp đầy 85 - 90% diện tích phân khu 1; hoàn thành đền bù giải tỏa 60 - 70% diện tích phân khu 2 và triển khai xây dựng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật phân khu 2 đạt 15 - 20% diện tích;
+ Năm 2018 - 2019: thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích phân khu 1; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào phân khu 2 và cuối năm 2018 hoàn thành san lấp mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng 70 - 75% diện tích phân khu 2 và thu hút lấp đầy 55 - 65% diện tích phân khu 2;
+ Năm 2020 hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút lấp đầy 70 - 80% diện tích giai đoạn 1 kết cấu hạ tầng Tân Đức và đưa 55 - 60% dự án vào hoạt động.
d) Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 (giai đoạn 1: 540 ha):
- Năm 2013 - 2014: tập trung thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, hoàn thành rà phá bom mìn và triển khai đền bù giải tỏa 40 - 45% phân khu 1 (200 ha phía Nam Quốc lộ 55);
- Năm 2015: cơ bản hoàn thành công tác đền bù giải tỏa phân khu 1 và thực hiện khởi công xây dựng vào đầu năm 2015. Triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng, san lấp mặt bằng cho khoảng 80 - 100 ha khu vực tiếp giáp Khu công nghiệp Sơn Mỹ I;
- Năm 2016 - 2017: tiếp tục tập trung hoàn chỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào phân khu 1. Phấn đấu cuối năm 2017 cơ bản hoàn thành xây dựng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật và thu hút lấp đầy 35 - 45% diện tích phân khu 1. Triển khai xây dựng phân khu 2 trong năm 2017;
- Năm 2018 - 2019: tập trung đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư lấp đầy 40 - 50% diện tích cả giai đoạn 1;
- Năm 2020: hoàn chỉnh đầu tư, thu hút lấp đầy 70 - 80% diện tích giai đoạn 1, đưa 60 - 65% doanh nghiệp được cấp phép vào hoạt động.
đ) Khu công nghiệp chế biến titan Sông Bình - Bắc Bình (300 ha):
+ Năm 2013: trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước đến năm 2020, đồng thời triển khai các bước chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng hoàn thành cơ bản giai đoạn đầu vào cuối năm 2013; có cơ chế, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chế biến sâu quặng sa khoáng titan. Trước mắt, ưu tiên bố trí đủ đất trong khu công nghiệp cho các nhà đầu tư chế biến sản phẩm xỉ, Đioxit-titan (TiO2), zircon siêu mịn, hoàn nguyên ilmennite, rutin nhân tạo và di dời các nhà máy chế biến nằm ngoài khu công nghiệp vào đầu năm 2014;
+ Đến năm 2016: cơ bản hoàn thành việc đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và lấp đầy khoảng 60% diện tích;
+ Đến năm 2016 - 2018: lấp đầy diện tích và 100% dự án đi vào hoạt động và đầu tư mở rộng giai đoạn 2 để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ thu hút các nhà đầu tư chế biến pigment, titan xốp, titan rắn và hợp kim titan theo quy hoạch phân vùng và chế biến titan của Chính phủ phê duyệt..
* Thực hiện lộ trình, kế hoạch trên các khu công nghiệp sẽ phải huy động vốn đầu tư cho giai đoạn 2013 - 2020 như sau:
KCN | Chuyển tiếp | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | Tổng vốn 2013 - 2020 |
PT2 | 21,9 | 5,0 | 5,0 |
|
|
|
|
|
| 10,0 |
HK1 | 117,4 | 20,0 | 40,0 | 60,0 |
|
|
|
|
| 120,0 |
HK2 | 206,3 | 100,0 | 120,0 | 150,0 | 30,0 |
|
|
|
| 400,0 |
SM1-1 SM1-2 |
| 100,0 | 100,0 | 150,0 | 180,0 | 250,0 | 250,0 | 250,0 50,0 | 120,0 150,0 | 1.400,0 200,0 |
SM2-1 SM2-2 |
|
| 50,0 | 80,0 | 120,0 | 200,0 | 220,0 | 250,0 | 180,0 100,0 | 1.100,0 100,0 |
TĐức-1 TĐức-2 |
| 30,0 | 60,0 | 80,0 | 100,0 | 120,0 | 140,0 | 100,0 30,0 | 60,0 100,0 | 690,0 130,0 |
T. Phong |
| 30,0 | 50,0 | 80,0 | 100,0 | 40,0 |
|
|
| 300,0 |
S. Bình |
| 50,0 | 130,0 | 150,0 | 150,0 | 70,0 |
|
|
| 550,0 |
T.cộng | 345,6 | 335,0 | 555,0 | 750,0 | 680,0 | 680,0 | 610,0 | 680,0 | 710,0 | 5.000,0 |
Vốn đầu tư xây dựng các KCN giai đoạn từ năm 2013 - 2020 (tỷ đồng).
Quy mô và cơ cấu vốn đầu tư xây dựng các khu công nghiệp giai đoạn từ 2013 - 2020:
Tống vốn đầu tư (tỷ đồng) | Vốn tự có (20% - 30%) | Vốn vay (30% - 35%) | Thu tiền thuê đất (tái đầu tư) (35% - 50%) |
5.000 | 1.000 - 1.500 | 1.500 - 1.750 | 1.750 - 2.500 |
2. Tác động của hệ thống các khu công nghiệp đến kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020:
Thực hiện kế hoạch, lộ trình phát triển các khu công nghiệp như trên; đến năm 2020 tỉnh ta sẽ có một hệ thống các khu công nghiệp gồm 9 khu công nghiệp với tổng diện tích thực hiện là 2.500 ha chiếm 55% diện tích quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; sự hình thành và phát triển của hệ thống các khu công nghiệp trên sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và các vùng kinh tế trong tỉnh nói riêng. Trong đó:
a) Về khả năng thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh tạo ra đến năm 2020:
- Tổng diện tích đất cho phát triển công nghiệp tập trung 2.450 - 2.500 ha, chiếm 55% diện tích quy hoạch; đất công nghiệp có khả năng cho thuê 1.600 - 1.650 ha;
- Thu hút đầu tư khoảng 200 - 250 doanh nghiệp quy mô trung bình và nhỏ vào đầu tư, với tổng lượng vốn đầu tư thu hút khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng (chưa tính các Dự án Trung tâm Điện lực và Kho, cảng khí LNG khoảng 3,3 - 3,5 tỷ USD giai đoạn 1);
- Đến năm 2020 có 75 - 80% số doanh nghiệp đi vào hoạt động, phát huy 65 -70% công suất thì các doanh nghiệp khu công nghiệp sẽ tạo ra:
+ Giá trị hàng hóa khoảng 30.000 - 33.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 230 - 250 triệu USD và đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 300 - 320 tỷ đồng. Tạo một số mặt hàng xuất khẩu mới có giá trị cao;
+ Thu hút lao động, giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động.
Theo đó, hoạt động của các khu công nghiệp đóng góp vào GDP chung ngành công nghiệp của tỉnh khoảng 35,5 - 40,7%, góp phần chuyển dịch, tăng cơ cấu GDP ngành công nghiệp của tỉnh lên khoảng 36 - 38% vào năm 2020; đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chung của tỉnh khoảng 28%.
b) Tác động tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các vùng trong tỉnh:
Sự hình thành hệ thống các khu công nghệp đến năm 2020 sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế và đô thị một cách mạnh mẽ. Cụ thể:
* Các Khu công nghiệp Phan Thiết I và II, Khu công nghiệp Hàm Kiệm I và II (688,17 ha) sẽ là hạt nhân và động lực phát triển kinh tế chung của tỉnh và khu kinh tế trung tâm thành phố Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, tạo điều kiện hình thành khu đô thị Ngã Hai. Khu vực này tập trung bố trí phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản xuất khẩu; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu (dệt, da, may mặc,…); các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghiệp sạch (giấy dính cao cấp, sản xuất, lắp ráp thiết bị điện - điện tử, thiết bị, dụng cụ y tế…); các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và công nghiệp phụ trợ khác.
Sản phẩm xuất khẩu chính của các khu công nghiệp là nông sản (hạt điều, thanh long), đồ gỗ gia dụng, trang trí; vải, hàng dệt - da - may mặc; giấy dính cao cấp và giấy in mã, bao bì sản phẩm.
* Các Khu công nghiệp Sơn Mỹ I và II và Khu công nghiệp Tân Đức (giai đoạn 1) ở phía Nam tỉnh (quy mô 1.462 ha/3.405 ha quy hoạch) sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam tỉnh, kéo theo sự phát triển của thị xã La Gi, các huyện Hàm Tân, Đức Linh, Tánh Linh và hình thành khu đô thị mới Sơn Mỹ. Trong khu vực này sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp có quy mô lớn, gồm: trung tâm điện lực, kho - cảng nhập khí hóa lỏng LNG cung cấp cho các tỉnh thuộc khu vực phía Nam; công nghiệp dầu khí; các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp máy móc thiết bị, phương tiện phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, vận tải; công nghiệp chế biến nông lâm sản; sản xuất gia công hàng tiêu dùng và xuất khẩu; công nghiệp vật liệu xây dựng….
Sản phẩm xuất khẩu chính của các khu công nghiệp khu vực này là nông sản, đồ gỗ, hàng dệt - da - may mặc.
* Các Khu công nghiệp Tuy Phong, Khu công nghiệp Sông Bình ở phía Bắc tỉnh, quy mô 450 ha, tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu khoáng sản titan, chế biến các sản phẩm sau muối; sản xuất, lắp ráp máy thủy phục vụ ngành thủy sản và phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, gia công hàng tiêu dùng và xuất khẩu khác. Các khu công nghiệp này sẽ là những khu công nghiệp chuyên ngành sản xuất ra các loại hóa chất cơ bản, vật liệu công nghiệp, xây dựng cao cấp có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu sẵn có và có lợi thế cao của tỉnh. Sự phát triển các khu công nghiệp phía Bắc đối trọng với các khu công nghiệp phía Nam tỉnh và là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp, kinh tế - xã hội của các huyện phía Bắc tỉnh, tạo sự phát triển đồng đều về kinh tế - xã hội giữa các khu vực trong tỉnh.
Sản phẩm xuất khẩu chính là các sản phẩm được chế biến tinh và tinh luyện từ titan.
III. Giải pháp thực hiện và tổ chức thực hiện:
1. Giải pháp thực hiện:
Để đạt được mục tiêu phát triển các khu công nghiệp theo kế hoach, lộ trình đã đề ra, thực chất là để tạo ra bước phát triển trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, rất cần thiết và phải thực hiện tốt nhiều giải pháp đồng bộ, thiết yếu sau đây:
1.1. Quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển các khu công nghiệp:
- Trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo Chỉ thị số 07/2012/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ gắn với Nghị quyết của Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020, xem xét lại quy mô, số lượng các khu công nghiệp hiện nay gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khắc phục sử dụng đất lãng phí, chống quy hoạch treo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trong quý II năm 2014; phải tăng cường công tác quản lý, thực hiện quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch xây dựng phát triển các khu công nghiệp theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đặt ra. Đảm bảo từng khu công nghiệp phải xây dựng kế hoạch về tiến độ chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư chi tiết từng năm và tổ chức thực hiện đúng tiến độ đã được duyệt;
- Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình kết quả triển khai thực hiện các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp mới được thành lập, từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa mặt bằng đến đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư, đưa các dự án được cấp phép vào hoạt động. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; đồng thời, rà soát điều chỉnh quy mô đầu tư, thu hồi, giao đất cho chủ đầu tư khác làm chủ đầu tư nếu xét thấy chủ đầu tư hiện tại không có khả năng thực hiện;
- Có kế hoạch triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội bên ngoài hàng rào khu công nghiệp đấu nối với khu công nghiệp, phục vụ khu công nghiệp đồng bộ, phù hợp với sự phát triển trong khu công nghiệp như: đường vào, cung cấp điện, nước, thoát nước, tái định cư, chỗ ở cho người lao động, vệ sinh môi trường, an ninh trật tư, các dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí... đảm bảo môi trường đầu tư vào khu công nghiệp thuận lợi. Coi việc xây dựng khu công nghiệp gắn chặt với phát triển khu dân cư, dịch vụ và hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp là tiêu chí bắt buộc khi phê duyệt các dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp.
1.2. Giải pháp về đầu tư và thu hút đầu tư:
Để đẩy mạnh việc đầu tư và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch hóa cơ chế, chính sách... cần tiếp tục tập trung vào một số giải pháp sau:
- Ưu tiên nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ và cùng với các chủ đầu tư khu công nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu xúc tiến đầu tư và tổ chức các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư như: tổ chức in ấn, phát hành các ấn phẩm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư vào tỉnh, vào các khu công nghiệp của tỉnh, các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư vào tỉnh; tổ chức hội nghị, hội thảo đầu tư trong và ngoài nước tại các trung tâm kinh tế lớn như thành phố Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung (trong chương trình hợp tác các tỉnh miền Trung) và tại một số quốc gia mục tiêu trong khu vực Châu Á.
Đồng thời, tăng cường mối liên kết vùng trong thu hút đầu tư: phối hợp với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và duyên hải miền Trung trong việc giao lưu với các doanh nghiệp để mời gọi hợp tác đầu tư và giới thiệu, chọn lựa dự án đầu tư mới, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp hỗ trợ;
- Trên cơ sở định hướng các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào từng khu công nghiệp cụ thể; tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc đối với các dự án đầu tư mới theo hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm có có lợi thế, có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
- Nghiên cứu, có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư có quy mô lớn, đồng bộ với các ngành công nghiệp phụ trợ, dây chuyền công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm môi trường của các tập đoàn kinh tế lớn;
- Tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng đất đai cho xây dựng khu công nghiệp và xây dựng, phát triển nhà ở cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
1.3. Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp:
Đây là giải pháp vừa cấp bách trước mắt vừa thường xuyên và thiết thực lâu dài, nhằm cung cấp đủ và ngày càng cao về chất lượng lao động cho các doanh nghiệp khu công nghiệp. Thực hiện giải pháp này cần thiết phải đồng bộ từ khâu xác định nhu cầu lao động, cơ cấu ngành nghề, trình độ cần đào tạo, đến tổ chức giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho lao động, đến đào tạo lao động kỹ thuật và lao động quản lý… Trong đó, trước mắt tập trung dạy nghề cho lao động phổ thông có trình độ công nhân bậc 1 - 2 là chính. Do đó:
- Trên cơ sở quy hoạch xác định quy mô và ngành nghề thu hút đầu tư vào từng khu công nghiệp cụ thể, các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư khu công nghiệp cần phối hợp tổng hợp nắm, dự báo về nhu cầu lao động, cơ cấu lao động theo ngành nghề trong khu công nghiệp; từ đó, dự báo nhu cầu lao động cần cung cấp, đào tạo trong từng giai đoạn của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để chủ động lập kế hoạch về lao động và tổ chức đào tạo, dạy nghề cho lao động một cách phù hợp;
- Trong đào tạo, tuyển dụng lao động vào khu công nghiệp quan tâm ưu tiên đào tạo và tuyển dụng con em và những lao động thuộc diện giải tỏa phải chuyển đổi nghề và lao động tại địa phương. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương và thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và phí tuyển dụng những lao động này cho doanh nghiệp sử dụng lao động thỏa đáng;
- Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển các trường dạy nghề gắn liền với các khu công nghiệp, phục vụ đào tạo, dạy nghề cho cụm, các khu công nghiệp liền kề nhau. Gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở bồi dưỡng, đào tạo nghề với các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp về nội dung, chương trình đào tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, tính kỷ luật lao động; phối hợp tạo điều kiện hỗ trợ người lao động chủ động học tập nâng cao trình độ kỹ thuật và quản lý ở trong và ngoài nước.
1.4. Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp:
- Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu; cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định số 06/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2011 quy định về Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh;
- Phát triển các dịch vụ tư vấn về đầu tư và chuyển giao công nghệ để đẩy nhanh và mở rộng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong đầu tư mới, đổi mới công nghệ và đưa nhanh các công nghệ hiện đại vào các khu công nghiệp của tỉnh;
- Nâng cao vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh trong hoạt động tư vấn nghiên cứu khoa học, có cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất. Trong đó, ưu tiên các dự án, đề án, giải pháp về khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, nâng cao năng suất lao động, sản phẩm mới, vật liệu mới, việc phát triển khoa học công nghệ cần gắn với sản xuất và thị trường.
1.5. Tiếp tục hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính:
- Tiếp tục thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” trong thủ tục hành chính, xem xét, thẩm tra, phê duyệt cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép xây dựng, thiết kế cơ sở,…cho các dự án. Thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng của bộ máy quản lý khu công nghiệp;
- Thường xuyên rà soát tình hình, kết quả thực hiện đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong khu công nghiệp để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai;
- Tiếp tục, phân cấp ủy quyền thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về các khu công nghiệp cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh theo hướng cụ thể hóa, minh bạch hóa các quy định, các văn bản hướng dẫn để tạo thuận lợi cho Ban Quản lý các khu công nghiệp trong quá trình thực hiện, mặt khác đảm bảo tính thống nhất quản lý trong khuôn khổ pháp luật, chính sách chung của Nhà nước, tránh chồng chéo trong quản lý, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
1.6. Phát triển khu công nghiệp kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường:
- Thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp về bảo vệ môi trường, hiện trạng môi trường của các khu công nghiệp và doanh nghiệp khu công nghiệp. Đặc biệt, là việc thực hiện đầu tư và vận hành các công trình thu gom, xử lý nước thải; thu gom, xử lý khói bụi, mùi và thu gom, xử lý rác công nghiệp. Có biện pháp tổ chức thực hiện có hệ thống công tác thu gom, vận chuyển và lưu giữ tạm thời chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại trong khu công nghiệp và xử lý chất thải rắn công nghiệp giữa khu công nghiệp với đơn vị dịch vụ thu gom, xử lý chất thải ngoài khu công nghiệp. Thường xuyên tiến hành phân tích, giám sát chất lượng môi trường tại các khu công nghiệp nhằm đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố về môi trường;
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ đầu tư khu công nghiệp và các doanh nghiệp trước trong việc thu hút đầu tư, cấp phép đầu tư và đầu tư xây dựng các công trình liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp. Không cấp phép đầu tư vào khu công nghiệp đối với các dự án ngoài danh mục các dự án quy hoạch thu hút đầu tư vào khu công nghiệp mà có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Các dự án đầu tư vào khu công nghiệp phải đăng ký các biện pháp bảo vệ môi trường và hoàn thành các công trình xử lý môi trường, đảm bảo về môi trường mới cho phép đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh;
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp và doanh nghiệp khu công nghiệp. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với các doanh nghiệp và địa phương về bảo vệ môi trường.
2. Tổ chức thực hiện:
2.1. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đã được phê duyệt trong quy hoạch;
- Định kỳ rà soát, đánh giá tình hình đầu tư xây dựng và tham mưu điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp cho phù hợp với thực tế;
- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư, các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến kêu gọi đầu tư; kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc đầu tư sản xuất kinh doanh, xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu công nghiệp;
- Đinh kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình kết quả thực hiện đầu tư phát triển các khu công nghiệp và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khu công nghiệp về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh biết để chỉ đạo thực hiện.
2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh các chính sách ưu đãi đã có và bổ sung các chính sách mới để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp;
- Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, các chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động hội thảo xúc tiến đầu tư chung vào tỉnh và vào các khu công nghiệp trên phạm vi khu vực và một số nước trọng điểm trong khu vực Châu Á. Trong đó, ưu tiên mời gọi, lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, những tập đoàn kinh tế lớn tham gia đầu tư những dự án có lợi thế nguyên liệu địa phương (chế biến sâu titan) và những dự án công nghiệp lớn, có công nghiệp phụ trợ kèm theo, đáp ứng yêu cầu thị trường, giải quyết tốt lao động, môi trường;
- Tranh thủ nguồn vốn Trung ương và ưu tiên các nguồn vốn địa phương để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ kinh tế - xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp phục vụ phát triển các khu công nghiệp như: trục giao thông chính, công trình cấp thoát nước, điện, tái định cư và các công trình công cộng, nhà ở xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp phục vụ cho các khu công nghiệp;
- Hàng năm, cân đối ngân sách, ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các dự án công trình ngoài hàng rào các khu công nghiệp (đường giao thông, cấp điện, nước, thoát nước, hệ thống xử lý nước thải).
2.3. Sở Công thương:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc triển khai quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa các khu công nghiệp mới vào danh mục các khu công nghiệp cả nước quy hoạch phát triển đến 2020. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá, khảo sát thị trường và tham gia hội chợ, triển lãm các sản phẩm lợi thế của tỉnh theo kế hoạch xúc tiến thương mại được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm.
2.4. Sở Xây dựng:
- Thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận đầu tư;
- Chủ trì triển khai quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư gắn với quy hoạch các khu công nghiệp. Quy hoạch và triển khai xây dựng các dự án cấp nước, khu thương mại dịch vụ phục vụ cho các khu công nghiệp của tỉnh.
2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường dự án; theo dõi, kiểm tra, giám sát các dự án đảm bảo các quy định về môi trường.
2.6. Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan, xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ và cân đối nguồn vốn thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 06/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh.
2.7. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức quản lý Nhà nước và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức của đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển các khu công nghiệp.
2.8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và các khu công nghiệp đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lao động và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp khu công nghiệp.
Trong đào tạo nghề kết hợp chặt chẽ đào tạo nghề trung hạn và dài hạn để có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, kết hợp với việc đào tạo nghề ngắn hạn nhằm cung cấp kịp thời lao động cho các khu công nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các khu vực có đất bị thu hồi chuyển thành các khu công nghiệp.
2.9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan, chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực triển khai các công việc liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù giải tỏa và xây dựng khu công nghiệp, quản lý tốt an ninh trật tự khu vực khu công nghiệp.
Điều 2.
1. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án “Kế hoạch và lộ trình phát triển các khu công nghiệp có lợi thế so sánh kết hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành, đẩy mạnh chuyên môn hóa và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020” trong kế hoạch phát triển ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Trên cơ sở Đề án quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định này, các sở, ngành liên quan, theo nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện trong kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đề xuất những giải pháp để thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 10/2009/NQ-HĐND về Đề án quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa IX, kỳ họp thứ 13 ban hành
- 2Quyết định 406/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ban hành
- 3Nghị quyết 03/NQ-HĐND7 năm 2009 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020
- 4Quyết định 500/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt đề cương chi tiết và dự toán dự án Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020
- 5Quyết định 2302/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Đề án Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 tầm nhìn 2020 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 6Nghị quyết 41/2010/NQ-HĐND quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020
- 7Quyết định 1058/QĐ-UB năm 2004 quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện, thị xã và cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề xã, thị trấn tỉnh Hà Nam đến năm 2010
- 8Công văn 2308/QLCL-CL2 năm 2013 góp ý dự thảo Đề án nâng cao Giá trị gia tăng hàng nông, lâm thủy sản do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
- 9Công văn 1300/TTg-KTN năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 1692/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020
- 11Quyết định 907/QĐ-UBND.HC năm 2015 phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020
- 12Quyết định 44/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 3173/2005/QĐ-UBND do tỉnh An Giang ban hành
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Nghị quyết 10/2009/NQ-HĐND về Đề án quy hoạch tổng thể phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa IX, kỳ họp thứ 13 ban hành
- 5Quyết định 06/2011/QĐ-UBND về Quy định chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm lợi thế của tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 6Quyết định 406/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ban hành
- 7Nghị quyết 03/NQ-HĐND7 năm 2009 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020
- 8Quyết định 500/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt đề cương chi tiết và dự toán dự án Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn năm 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020
- 9Quyết định 2302/QĐ-UBND năm 2010 ban hành Đề án Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 tầm nhìn 2020 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 10Nghị quyết 41/2010/NQ-HĐND quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020
- 11Quyết định 1058/QĐ-UB năm 2004 quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện, thị xã và cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề xã, thị trấn tỉnh Hà Nam đến năm 2010
- 12Công văn 2308/QLCL-CL2 năm 2013 góp ý dự thảo Đề án nâng cao Giá trị gia tăng hàng nông, lâm thủy sản do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành
- 13Công văn 1300/TTg-KTN năm 2014 điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 1692/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020
- 15Quyết định 907/QĐ-UBND.HC năm 2015 phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020
- 16Quyết định 44/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 3173/2005/QĐ-UBND do tỉnh An Giang ban hành
Quyết định 1024/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án kế hoạch và lộ trình phát triển các khu công nghiệp có lợi thế so sánh kết hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành, đẩy mạnh chuyên môn hóa và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020
- Số hiệu: 1024/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/05/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Lê Tiến Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/05/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra