Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 09/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 01 năm 1993

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ: - ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA - DANH MỤC HÀNG HÓA BUỘC ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG - THỰC HIỆN NHÃN SẢN PHẨM HÀNG HÓA

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
- Căn cứ Pháp lệnh chất lượng hàng hóa ngày 27.12.1990;
- Căn cứ Nghị định 140/HĐBT ngày 19.4.1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về việc kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả;
- Căn cứ Nghị định 327/HĐBT ngày 19.10.1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định về việc thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hóa; quyết định số 24/TĐC-QĐ ngày 22.01.1992 của Tổng cục trường Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng ban hành “Quy định về việc đăng ký chất lượng hàng hóa” và quyết định số 199/QĐ ngày 24.2.1992 của Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành “Danh mục hàng hóa bắt buộc đăng ký chất lượng”;
- Xét đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này các quy định sau đây:

- Quy định về việc đăng ký chất lượng hành hóa.

- Quy định danh mục hàng hóa bắt buộc đang ký chất lượng.

- Quy định về việc thực hiện nhãn sản phẩm.

Điều 2: Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường - Chất lượng thành phố chịu trách nhiệm tổ chức việc đăng ký chất lượng hàng hóa theo quy định.

Điều 3:

a/ Các hồ sơ đăng ký trước đây nếu có nội dung trái với quy định này đều phải đăng ký lại trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.

b/ Tổ chức hoặc cá nhân thuộc các thành phần kinh tế do thành phố Hồ Chí Minh quản lý, có sản xuất hàng hóa trong “Danh mục hàng hóa bắt buộc đăng ký chất lượng” phải đăng ký chất lượng hàng hóa theo quy định.

Điều 4: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố trước đây, nếu có nội dung trái với quyết định này, đều bãi bỏ.

Điều 5: Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc và Thủ trưởng các sở ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰ C




Nguyễn Văn Huấn

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA

(Ban hành kèm theo quyết định số 69 ngày 9.1.1993 của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh)

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1.1. Các đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy phép hoạt động (gọi tắt là cơ sở) có sản xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa bắt buộc phải đăng ký chất lượng theo bản quy định này.

Các cơ sở sản xuất những hàng hóa khác (ngoài danh mục những hàng hóa bắt buộc phải đăng ký) cũng có thể đăng ký chất lượng hàng hóa của mình.

Đối với sản phẩm sản xuất thử thì chưa cho đăng ký và không được bán ra thị trường.

Hàng hóa thuộc lãnh vực bí mật quốc gia hoặc chỉ phục vụ cho các mục tiêu quốc phòng và an ninh, công trình xây dựng, hàng hóa và thuốc chữa bệnh không thuộc đối tượng đăng ký theo bản quy định này.

1.2. Bản đăng ký chất lượng hàng hóa là văn bản pháp quy kỹ thuật để cơ sở sản xuất thực hiện trong sản xuất kinh doanh, đồng thời là cơ sở pháp lý cho việc thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa (CLHH) trong việc giải quyết khiếu nại, khiếu tố về chất lượng hàng hóa và các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa cơ sở sản xuất với khách hàng.

Bản đăng ký chất lượng không có giá trị thay cho phiếu kết quả, thử nghiệm chất lượng, giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cũng như phiếu xác nhận chất lượng của cơ sở giao cho khách hàng. Bản đăng ký chất lượng chỉ có giá trị trong thời hạn đã được ghi trong bản đăng ký. Thời hạn đăng ký không quá một năm đối với hàng hóa tiêu dùng và không quá hai năm đối với hàng hóa là tư liệu sản xuất, khi hết hạn phải đăng ký lại.

1.3. Căn cứ để đăng ký chất lượng hàng hóa là:

a/ Các TCVN bắt buộc áp dụng.

b/ Các TCVN và các tiêu chuẩn khác (kể cả của nước ngoài) mà cơ sở đăng ký tự nguyện áp dụng.

c/ Các tiêu chuẩn cơ sở hoặc quy định về chất lượng do cơ sở tự xây dựng.

Các văn bản ở mục b. và c. phải có đầy đủ các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đối với từng loại hàng hóa do cơ quan cấp đăng ký hướng dẫn, đồng thời không trái với các TCVN bắt buộc áp dụng và những quy định khác về an toàn, vệ sinh và môi trường do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Riêng văn bản ở mục c. có mức chất lượng không được thấp hơn mức tối thiểu được phép áp dụng.

1.4. Nhãn sản phẩm (etiquette) là một nội dung bắt buộc trong bản đăng ký chất lượng. Nhãn sản phẩm phải được gắn, in lên sản phẩm hoặc bao bì của từng đơn vị bao gói hàng hóa. Trên nhãn sản phẩm có thể in nhãn hiệu hàng hóa (đã được đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ).

Nhãn hiệu hàng hóa in trên sản phẩm và việc nộp nhãn sản phẩm này không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu háng hóa được quy định tại Nghị định 197/HĐBT ngày 14 tháng 12 năm 1982 và Nghị định 84/HĐBT ngày 20.3.1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

1.5. Cơ quan cấp đăng ký chất lượng:

Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TC-ĐL-CL) thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền để xét và cấp đăng ký chất lượng hàng hóa cho các cơ sở thuộc thành phố Hồ Chí Minh quản lý và các cơ sở do các trung tâm CLĐLCL khu vực ủy quyền.

II. NỘI DUNG VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA:

2.1. Hồ sơ đăng ký chất lượng hàng hóa gồm:

a/ Bốn (4) bản đăng ký chất lượng hàng hóa (theo mẫu ở phụ lục 1) do cơ sở tự kê khai, ký tên, ghi rõ họ tên và đóng dấu. Nếu cơ sở chưa có dấu phải được chính quyền quận huyện quản lý kinh doanh xác nhận và đóng dấu.

b/ Một (1) bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh có thị thực của chính quyền địa phương.

c/ Bốn (4) bản tiêu chuẩn hoặc quy định về chất lượng (theo điểm 1.3). Nếu là TCVN bắt buộc áp dụng hoặc TCVN còn hiệu lực thì chỉ cần 01 bản.

d/ Bốn (4) mẫu sản phẩm có đóng dấu của cơ sở sản xuất. Nếu cơ sở chưa có dấu phải được chính quyền quận huyện xác nhận và đóng dấu.

e/ Bản hướng dẫn sử dụng và bảo hành sản phẩm (nếu có).

Nội dung đăng ký phải ghi đầy đủ, chi tiết và đúng vị trí các cột theo yêu cầu của giấy đăng ký và được đánh máy sạch sẽ, rõ ràng, không tẩy xóa, không viết tay. Từ ngữ phải theo đúng văn phong của tiêu chuẩn, tránh nhầm lẫn. Đối với một số mặt hàng đặc biệt phải có thêm những văn bản cần thiết khác (theo phụ lục 2).

2.2 Nội dung nhãn sản phẩm:

Nhãn sản phẩm cần thể hiện được các đặc tính, công dụng và nguồn gốc của hàng hóa như:

- Tên sản phẩm.

- Tên cơ sở sản xuất.

- Địa chỉ cơ sở sản xuất.

- Số đăng ký chất lượng.

- Các đặc tính của hàng hóa: loại, quy cách, các chỉ tiêu và mức chất lượng chính, khối lượng, dung tích, số lượng hàng hóa trong một đơn vị bao gói…

- Thời gian bảo hành (nếu có).

- Ngày xuất xưởng, thời hạn sử dụng (đối với hàng hóa có thời hạn sử dụng nhất định).

- Hướng dẫn sử dụng.

Cách thức thực hiện nhãn sản phẩm phải theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

2.3. Hồ sơ hết hạn và đăng ký lại:

Khi đăng ký lại thì hồ sơ bao gồm các phần a, b, c, d trong mục 2.1 đồng thời kèm theo bản chính của giấy đăng ký cũ.

Nếu giấy đăng ký còn hiệu lực mà cơ sở cần thay đổi địa chỉ, thay đổi chủ cơ sở, thay đổi nhãn sản phẩm, thay đổi nội dung đăng ký thì cơ sở phải đăng ký lại và kèm giấy đăng ký cũ (bản chính).

2.4. Thủ tục xem xét và cấp đăng ký chất lượng:

Chi cục TCĐLCL sau khi xem xét hồ sơ, nếu thấy:

a/ Đủ điều kiện, thì làm thủ tục bao gồm:

- Cấp số đăng ký chất lượng, đóng dấu của chi cục TCĐLCL lên hồ sơ và lên nhãn sản phẩm.

- Vào sổ đăng ký và lưu trữ hồ sơ.

- Thu lệ phí đăng ký chất lượng.

- Trao một hồ sơ đăng ký chất lượng đã cấp số đăng ký và đóng dấu cho cơ sở.

Thời gian giải quyết không được quá 10 ngày.

Cơ sở sản xuất sau khi được cấp đăng ký chất lượng, trong thời hạn một tháng phải nộp đủ nhãn sản phẩm chính thức lưu hành cho Chi cục TCĐLCL để lưu vào hồ sơ.

b. Không đủ điều kiện, thì Chi cục TCĐLCL thông báo rõ những vấn đề cần bổ sung cho cơ sở xin đăng ký biết trong thời hạn 7 ngày từ ngày nhận hồ sơ.

Đối với một số mặt hàng đặc biệt (theo quy định của UBND thành phố), Chi cục TCĐLCL sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở trước khi cấp đăng ký.

2.5. Số đăng ký ghi trong bản đăng ký chất lượng được quy ước như sau:

Số đăng ký gồm hai phần cách nhau bằng gạch chéo:

- Phần trước là ký hiệu mã hóa của Chi cục TCĐLCL TP. HCM.

- Phần sau là số thứ tự của hàng hóa đã được cấp số đăng ký và năm đăng ký chất lượng.

Thí dụ: 53/001.200-M-91 là háng hóa thứ 1.200 thuộc nhóm thực phẩm được cấp số đăng ký chất lượng tại Chi cục TCĐLCL thành phố Hồ Chí Minh năm 1991.

III. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG:

3.1 Đối với cơ sở chất lượng:

a/ Các cơ sở sản xuất chỉ được phép giao cho khách hàng những hàng hóa đạt mức chất lượng đã đăng ký.

b/ Người chủ nhãn sản phẩm phải có trách nhiệm quản lý sản phẩm của mình trong việc in ấn và sử dụng.

c/ Nếu các cơ sở sản xuất không chấp hành nghiêm chỉnh quy định về đăng ký chất lượng hoặc có hành vi gian dối trong việc đăng ký chất lượng như sản xuất những hàng hóa có mức chất lượng thấp hơn mức đăng ký, vi phạm trong việc in ấn và sử dụng nhãn sản phẩm… thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 34 của quy định về việc thi hành pháp lệnh chất lượng hành hóa ban hành kèm theo Nghị định 327/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và theo các điều 11 và 12 tại Nghị định số 140/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng quy định về kiểm tra và xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả.

3.2 Đối với cơ quan cấp đăng ký:

Cơ quan cấp đăng ký là Chi cục TCĐLCL thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm:

a/ Tổ chức và thực hiện việc đăng ký chất lượng trong phạm vi quản lý của mình theo đúng quy định này.

b/ Trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khác thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các vi phạm về đăng ký và thực hiện đăng ký chất lượng hàng hóa theo các điều 25, 26, 27, 33, 34, 36 và 42 của chương VI và chương VII tại “Quy định về việc thi hành pháp lệnh chất lượng hàng hóa” ban hành kèm theo Nghị định 327/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HCM

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/QĐ-UB năm 1993 về: đăng ký chất lượng hàng hóa, danh mục hàng hóa buộc đăng ký chất lượng, thực hiện nhãn sản phẩm hàng hóa do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 09/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/01/1993
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Huấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản