Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2013/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 16 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG TẠI CÁC ĐÔ THỊ VÀ CÁC CỤM DÂN CƯ TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 12/12/2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/11/2009 của Chính phủ về Về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 43/TTr-SXD ngày 9/05/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định quản lý chất thải rắn thông thường tại các đô thị và các cụm dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; Cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Công ty TNHH nhà nước nột thành viên Môi trường đô thị; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng(b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La (b/c);
- Chủ tịch, Phó CT UBND tỉnh;
- Cục kiểm tra VB- Bộ tư pháp;
- Thường trực UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Các Phòng khối nội dung - VP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu VT - Châu (45b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cầm Ngọc Minh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG TẠI CÁC ĐÔ THỊ VÀ CÁC CỤM DÂN CƯ TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan trong việc quản lý chất thải rắn thông thường tại các đô thị và các cụm dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La.

2. Mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (kể cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình người nước ngoài đang cư trú tại các đô thị và các cụm dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La) có hoạt động liên quan đến chất thải rắn thông thường phải chấp hành Quy định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

3. Việc quản lý chất thải rắn nguy hại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Giải thích một số từ ngữ

Trong quy định này, một số từ ngữ chuyên ngành được hiểu như sau:

1. “Chất thải rắn thông thường” là chất thải ở thể rắn được thải ra từ quá trình sản xuất công nghiệp, làng nghề, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác. Chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại.

2. Chất thải rắn sinh hoạt” là chất thải rắn phát thải trong sinh hoạt cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng.

3. “Chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ” là các chất thải có nguồn gốc từ thực phẩm rau, quả, củ, lá cây, thức ăn thừa được phân loại và thu gom xử lý chôn lấp, đốt hoặc xử lý thành phân vi sinh.

4. “Chất thải rắn sinh hoạt vô cơ” là các chất thải kim loại, thủy tinh, chai, lọ bằng thủy tinh, nhựa, bao nilon được thu gom phân loại để tái chế nhằm thu hồi phế liệu và giảm thiểu chôn lấp tại khu xử lý chôn lấp.

5. “Chất thải rắn xây dựng” là chất thải rắn phát thải trong quá trình cải tạo, xây dựng; phá dỡ công trình và các phế liệu trong xây dựng.

6. “Chất thải rắn công nghiệp” là chất thải rắn phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc các hoạt động khác.

7. “Đơn vị vệ sinh môi trường” là các tổ chức được phép thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

8. “Đô thị” là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.

9. “Cụm hay khu dân cư tập trung” được hiểu là một khu vực có mật độ các công trình kiến trúc - nhà ở do con người xây dựng lớn hơn so với các khu vực xung quanh nó và với quy mô từ 400 người trở lên (Theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 7 tháng 5 năm 2009).

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG

Điều 3. Nguyên tắc quản lý chất thải rắn thông thường

1. Việc quản lý chất thải rắn thông thường nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người; mọi hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và các luật, văn bản khác khác có liên quan.

2. Sở Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước đối với chất thải rắn thông thường; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn; Quy hoạch xây dựng các khu chôn lấp xử lý chất thải rắn; Hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thành phố, các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện theo quy định.

3. UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường, quản lý bãi chôn lấp rác thải theo phân cấp; kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

4. Các đơn vị vệ sinh môi trường được giao tổ chức thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường trên các địa bàn, khu vực đến nơi xử lý theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.

5. Mọi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh khu vực làm việc, nơi công cộng, nơi cư trú không để rác, đất, phế thải ở hè, đường, trước cửa cơ quan và nhà của mình; Tự phân loại rác và thực hiện lưu giữ chất thải trong khu vực của mình đảm bảo vệ sinh môi trường; đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.

6. UBND tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn thông thường trên theo hướng giảm ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ hiện đại và tiết kiệm tài nguyên đất.

Điều 4. Phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ và chất thải rắn sinh hoạt vô cơ. Khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế các loại rác thải đối với rác thải hữu cơ dễ phân hủy, nơi nào có điều kiện, có thể ủ thành phân bón cho cây trồng.

2. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và phải thực hiện lưu giữ chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, đổ chất thải đúng thời gian, đúng nơi quy định.

3. Đơn vị vệ sinh môi trường có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện về phương tiện thu gom, vận chuyển, các bãi tập kết rác thải sinh hoạt; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai giám sát việc phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với điều kiện địa bàn quản lý.

4. Các hộ gia đình phải có dụng cụ để thu gom chất thải rắn sinh hoạt, lưu giữ đảm bảo vệ sinh môi trường ở trong nhà và chuyển đến các điểm tập kết, phương tiện thu gom của đơn vị vệ sinh môi trường đúng thời gian, đúng nơi quy định.

5. Các tổ chức, cá nhân có cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải có dụng cụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt, bố trí điểm thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt và phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để vận chuyển về nơi xử lý theo đúng quy định.

6. Trên các tuyến đường phố, quảng trường, nơi công cộng tập trung đông người, các đơn vị vệ sinh môi trường đặt các thùng rác công cộng tại các địa điểm thuận tiện để phục vụ việc thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt; hàng ngày thực hiện thu gom bằng xe tải nhỏ hoặc xe chuyên dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự giao thông.

7. Các đơn vị vệ sinh môi trường hàng ngày thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các tổ chức, hộ gia đình, các điểm tập kết về nơi xử lý theo quy định và có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thu gom, vận chuyển đảm bảo vệ sinh môi trường. Không thu gom và vận chuyển chất thải trong giờ cao điểm: 7 giờ đến 8 giờ và 17 giờ 30 đến 18 giờ 30 (Đối với khu vực thành phố Sơn La, trừ trường hợp đột xuất), không tập kết xe gom rác, xe vận chuyển ở các địa điểm ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông.

8. Chất thải rắn sinh hoạt rơi vãi trên đường, hè phố, nơi công cộng phải được các đơn vị vệ sinh môi trường thu gom, quét dọn hàng ngày. Trường hợp trên hè, đường phố, nơi công cộng có đất, cát, phế thải xây dựng hoặc chất thải sinh hoạt rơi vãi mất vệ sinh và mất an toàn giao thông, đơn vị vệ sinh môi trường trên địa bàn phải chủ động khắc phục ngay khi kiểm tra phát hiện (hoặc nhận được tin báo).

9. Chất thải rắn sinh hoạt được đơn vị vệ sinh môi trường vận chuyển về các khu xử lý để tái chế, tái sử dụng hoặc chôn lấp theo quy định. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải là phương tiện chuyên dụng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, các phương tiện vận chuyển phải an toàn, đi đúng tuyến đường, không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi; khi vào khu xử lý rác phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý khu xử lý chất thải.

Điều 5. Xử lý, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt

1. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý theo các công nghệ: chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý chế biến thành phân hữu cơ, viên đốt hoặc các công nghệ khác tùy theo tính chất chất thải rắn sinh hoạt đã phân loại. Công nghệ xử lý phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường Việt Nam theo quy định, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung của các đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La được giao cho các đơn vị vệ sinh môi trường quản lý, vận hành. Đơn vị được giao quản lý, vận hành có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình công nghệ, đảm bảo vận hành an toàn và tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Vị trí các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông thường phải đảm bảo đúng quy hoạch, tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng, không ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư.

Điều 6. Phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng

1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn xây dựng phải thực hiện phân loại chất thải rắn xây dựng thành các loại: đất, bùn hữu cơ, cát, đá và chất thải rắn từ vật liệu xây dựng để có biện pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp.

2. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm phát sinh chất thải xây dựng phải có biện pháp đảm bảo môi trường, không làm bụi bẩn, ô nhiễm; không sử dụng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ chất thải rắn xây dựng. Phải ký hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng về đúng nơi quy định của các đô thị hoặc trong trường hợp tự vận chuyển về bãi chôn lấp chất thải các đô thị thì các phương tiện vận chuyển phải tuân thủ điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều này, không để rơi vãi chất thải trên đường và phải trả chi phí xử lý chất thải xây dựng tại bãi chôn lấp theo quy định.

3. Các đơn vị vệ sinh môi trường thực hiện việc thu gom và vận chuyển chất thải rắn xây dựng về bãi chôn lấp chất thải của đô thị theo quy định và theo dõi, kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm làm ô nhiễm môi trường, bụi bẩn đường phố, ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông, phối hợp với chính quyền địa phương quản lý để kiểm tra, xử lý theo quy định.

4. Xe vận chuyển chất thải xây dựng dạng đất, bùn hữu cơ phải là xe chuyên dụng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành không làm rò rỉ, rơi vãi bùn, đất chất thải khi vận chuyển. Thùng xe phải kín khít và che chắn theo quy định. Các xe vận chuyển khi vào bãi đổ phế thải phải tuân thủ quy định của đơn vị quản lý bãi chôn lấp chất thải xây dựng. Các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu rời, phế thải xây dựng khi ra khỏi công trường xây dựng phải đảm bảo không làm bẩn đường phố.

5. Các tổ chức, cá nhân, đơn vị vệ sinh môi trường có trách nhiệm phát hiện việc đổ bừa bãi chất thải rắn xây dựng trên hè, đường phố, nơi công cộng (hoặc nhận được tin báo) kịp thời phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn lập biên bản và chủ động thu dọn, khắc phục ngay. Các đơn vị vệ sinh môi trường tổ chức theo dõi, kiểm tra, kiến nghị Thanh tra xây dựng, đội quy tắc đô thị huyện (thành phố), Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, UBND các cấp xử lý đối với chủ công trình, chủ phương tiện vận tải vi phạm các quy định liên quan tới quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn được giao theo quy định của pháp luật.

6. Chất thải rắn xây dựng được xử lý tại bãi chôn lấp phế thải xây dựng phải tuân thủ quy trình công nghệ vận hành, đảm bảo vệ sinh môi trường, không gây ồn, bụi. Trường hợp xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ tái chế thành các vật liệu và chế phẩm xây dựng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt về công nghệ, không để gây ô nhiễm thứ cấp.

Điều 7. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp

1. Chủ nguồn thải tại cơ sở sản xuất, kinh doanh phải phân loại chất thải rắn công nghiệp thành các loại:

a) Chất thải công nghiệp nguy hại (theo TCVN 6706-2000 chất thải rắn công nghiệp nguy hại – phân loại): Việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý, chất thải rắn công nghiệp, nguy hại được thực hiện theo quy định quản lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại.

b) Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại: Việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được thực hiện tương tự như các loại chất thải rắn thông thường.

2. Các tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở có phát sinh chất thải rắn công nghiệp phải tự tổ chức lưu giữ an toàn các chất thải rắn công nghiệp không nguy hại trong khu vực sản xuất, kinh doanh của mình và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển về nơi xử lý, tiêu hủy theo quy định. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phải là các phương tiện chuyên dụng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và cấp phép lưu hành.

3. Trường hợp tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc điều hành cơ sở có phát sinh chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép để tự thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phải đảm bảo phương tiện vận chuyển có thùng xe kín khít, phải che chắn đảm bảo không để rơi vãi chất thải rắn công nghiệp ra môi trường và phải phải trả chi phí xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại tại khu xử lý, tiêu hủy theo đúng quy định tại quyết định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

4. Chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được xử lý, chôn lấp hợp vệ sinh như chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn xây dựng theo quy định.

Điều 8. Trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ nguồn thải chất thải rắn thông thường

1. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình

a) Mọi cá nhân phải để chất thải rắn đúng quy định nơi công cộng.

b) Các hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn bằng các dụng cụ chứa hợp vệ sinh hoặc đựng trong các túi có mầu sắc phân biệt, đổ chất thải vào đúng nơi quy định.

c) Khi tiến hành các hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng phải có trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị được phép vận chuyển chất thải rắn xây dựng để đổ đúng nơi quy định.

d) Các hộ gia đình tại các đô thị, làng nghề, có tổ chức sản xuất tại nơi ở phải có trách nhiệm phân loại chất thải, hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

đ) Các hộ gia đình tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom phải thực hiện xử lý chất thải rắn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, không được đổ chất thải ra đường, sông, hồ, suối và các nguồn nước mặt. Các chất thải ở dạng bao bì chứa hóa chất độc hại, hoặc sản phẩm hóa chất đã hết hạn sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được thu gom lưu giữ trong các túi riêng, được thu gom, vận chuyển và xử lý riêng.

e) Có nghĩa vụ nộp phí vệ sinh theo quy định của chính quyền địa phương.

2. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề:

a) Phải thực hiện thu gom, phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn bằng các dụng cụ hợp vệ sinh theo hướng dẫn của đơn vị thu gom, vận chuyển.

b) Phải ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; thanh toán toàn bộ kinh phí theo hợp đồng.

Điều 9. Quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn thông thường

1. Công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn thông thường thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; Thông tư số 13/2007/TT- BXD hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007 và các quy định khác có liên quan.

2. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, lập quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn thông thường, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

3. Các chủ đầu tư khi lập dự án và thi công xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, các trạm trung chuyển, các bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường phải thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Xã hội hóa trong lĩnh vực chất thải rắn thông thường

1. UBND tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý và đầu tư xây dựng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường.

2. Tổ chức, cá nhân có thể đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn thông thường theo các hình thức xã hội hóa với các nội dung sau đây:

a) Đầu tư thiết bị, phương tiện thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải thông thường; xây dựng toàn bộ hoặc từng hạng mục công trình thuộc khu xử lý chất thải rắn thông thường; xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn thông thường.

b) Mua sắm trang thiết bị, vật tư phục vụ hoạt động xử lý chất thải rắn thông thường.

c) Đầu tư chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường.

3. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động đầu tư, tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực chất thải rắn thông thường được hưởng ưu đãi theo quy định hiện hành.

Điều 11. Phí vệ sinh và đơn vị thực hiện thu phí

1. Các tổ chức, đơn vị, các cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn tỉnh phải nộp phí vệ sinh, phí bảo vệ môi trường theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Đơn vị thực hiện thu phí theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. UBND tỉnh xây dựng và ban hành đơn giá dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh.

Chương III

THANH TRA, KIỂM TRA XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Thanh tra, kiểm tra

Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn, phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Điều 38 chương VII của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.

Điều 13 Giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm quy định quản lý chất thải rắn.

2. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý chất thải rắn được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 14. Xử lý vi phạm hành chính

1. Các tổ chức cá nhân có trách nhiệm phát hiện, phòng ngừa, kiến nghị xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động quản lý chất thải rắn.

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, hình thức và mức độ xử lý được thực hiện Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

3. Trường hợp các phương tiện vận chuyển chất thải rắn thông thường hoạt động không đúng thời gian quy định, gây cản trở giao thông thì bị xử phạt theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

4. Những hành vi gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý chất thải thông thường, hoặc cố ý làm trái với Quy định này, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 15. Khen thưởng

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát hiện đối tượng vi phạm quy định trên, kịp thời báo cho đơn vị quản lý chất thải rắn, UBND xã, phường thị trấn nơi gần nhất sẽ được xem xét đề nghị khen thưởng theo quy định hiện hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

1. Sở Xây dựng

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất thải rắn thông thường tại các đô thị và các cụm dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Sơn La; phối hợp, tổ chức hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường về quản lý chất thải rắn; hướng dẫn thực hiện công tác xã hội hóa quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu lập, thẩm định quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn, xác định các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

c) Chỉ đạo Thanh tra xây dựng tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và xử lý vi phạm hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Tham mưu, trình cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

d) Chủ trì phối hợp với sở Tài chính, các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành đơn giá dịch vụ công ích trên địa bàn.

đ) Chủ trì phối hợp với sở Tài chính thẩm định về khối lượng, định mức, tiêu chuẩn, đơn giá, phê duyệt dự toán dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn hàng năm do đơn vị vệ sinh môi trường trình. Trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm định của sở Xây dựng, sở Tài chính xem xét trình UBND tỉnh cấp phát kinh phí cho đơn vị vệ sinh môi trường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

e) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các quy định về quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh.

f) Định kỳ 6 tháng, 1 năm kiểm tra tình hình thực hiện hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường tại các đô thị trên địa bàn. Xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động quản lý chất thải rắn theo thẩm quyền; Tổng hợp báo cáo định kỳ, đột xuất UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện quản lý chất thải rắn theo phân công của UBND tỉnh, chỉ đạo lực lượng Thanh tra môi trường kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

b) Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải, các khu tái chế, tái sử dụng, bãi chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật.

c) Chủ trì, phối hợp với sở Xây dựng tổ chức điều tra quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các cơ sở xử lý, tiêu hủy, các bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường và đề xuất cơ chế, chính sách theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Giao thông vận tải

a) Chỉ đạo Thanh tra giao thông vận tải phối hợp với Thanh tra xây dựng, Thanh tra môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm do chủ phương tiện vận chuyển làm rơi, vãi, đỗ bừa bãi chất thải trên hè phố, trên đường và nơi công cộng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

b) Cấp giấy phép hoạt động cho các phương tiện vận chuyển chất thải rắn thông thường để phục vụ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm phục vụ công tác quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan hướng dẫn quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đầu tư đối với các tổ chức, các nhân tham gia đầu tư xây dựng khai thác, kinh doanh các bãi chôn lấp, các nhà máy xử lý rác thải theo quy định của pháp luật.

5. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với sở Xây dựng, sở Kế hoạch và Đầu tư xác định kinh phí trình UBND, HĐND tỉnh trong tổng kinh phí hoạt động môi trường đô thị, đảm bảo cho hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn tỉnh.

b) Hướng dẫn việc sử dụng tiền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

c) Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc xác định đền bù ảnh hưởng môi trường tại các khu xử lý chất thải rắn thông thường.

d) Phối hợp với sở Xây dựng và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan xây dựng đơn giá dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh.

e) Trên cơ sở kết quả thẩm định khối lượng, định mức, tiêu chuẩn, đơn giá, dự toán dịch vụ thu gom vận chuyển chất thải rắn của sở Xây dựng, sở Tài chính chủ trì tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phát kinh phí cho đơn vị vệ sinh môi trường theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

f) Tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quy định mức thu phí vệ sinh thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

6. Sở khoa học và Công nghệ

Tổ chức thẩm tra, cho ý kiến đề xuất vế công nghệ, dây chuyền thiết bị xử lý chất thải rắn của các dự án chuẩn bị đầu tư trước khi được cấp có thẩm quyền cấp phép đầu tư.

7. Các sở, ban, ngành khác có liên quan

a) Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc thực hiện vệ sinh môi trường theo đúng các quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, thanh tra việc quản lý chất thải rắn thông thường tại các đô thị thuộc phạm vi quản lý và giải quyết các vấn đề có liên quan đến quản lý bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan khác có liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất thải rắn thông thường thuộc địa phương mình quản lý theo quy định.

2. Có trách nhiệm quản lý việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường, quản lý bãi chôn lấp rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

3. Chỉ đạo các lực lượng, các phòng ban chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường, quản lý vệ sinh môi trường trên địa bàn theo quy định.

4. Chỉ đạo hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra UBND các xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Tổ chức đánh giá tình hình quản lý chất thải thông thường tại địa phương, báo cáo kết quả theo yêu cầu của sở Xây dựng về tình hình thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn; kiến nghị đề xuất các vấn đề có liên quan đến việc quản lý chất thải rắn thông thường.

Điều 18. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

1. Phối hợp với đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn quản lý.

2. Chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các tổ chức, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các hộ gia đình, công dân trên địa bàn chấp hành các quy định tại quyết định này và các quy định khác có liên quan, tổ chức kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

3. Tổ chức tuyên truyền quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh; các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn thông thường và giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.

4. Tổ chức, phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc thu phí vệ sinh nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định.

5. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường trên địa bàn theo quy định.

Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường

1. Đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường.

a) Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường phải tuân thủ theo quy trình công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương và các ngành, cơ quan có liên quan trên địa bàn về các nội dung sau:

- Thời gian đổ và thời gian thu gom chất thải rắn sinh hoạt trong ngày của khu vực địa phương, đường phố, ngõ xóm;

- Địa điểm bãi chôn lấp chất thải và các cơ sở xử lý chất thải của tỉnh; huyện, thành phố.

- Địa điểm đặt dụng cụ chứa chất thải rắn sinh hoạt, công dụng của từng loại thùng chứa tại các trục hè đường, tuyến phố, nơi công cộng.

c) Chịu trách nhiệm quản lý, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao; theo dõi, kiểm tra phát hiện các trường hợp vi phạm hành chính về quản lý chất thải rắn thông thường báo cáo cho chính quyền địa phương và các lực lượng có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm.

d) Phối hợp với UBND các cấp, các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi xả các chất thải vi phạm các quy định. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm trong qua trình xả thải phải chủ động khắc phục hậu quả theo quy định.

đ) Phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện thu phí vệ sinh trên địa bàn được giao theo quy định.

e) Chịu trách nhiệm về tình trạng rơi, vãi chất thải rắn thông thường, phát tán mùi gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển.

f) Chịu trách nhiệm đào tạo nghiệp vụ, trang bị bảo hộ lao động, công cụ, dụng cụ lao động cho công nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường.

g) Vào ngày 15 tháng 11 hàng năm phải có trách nhiệm lập dự toán khối lượng việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường theo đúng tiêu chuẩn, định mức trình sở Xây dựng thẩm định trước khi trình sở Tài chính xin cấp kinh phí.

2. Đơn vị được giao quản lý, vận hành bãi chôn lấp và khu xử lý chất thải rắn thông thường:

a) Chỉ được phép tiếp nhận và xử lý các loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định từ các đơn vị thu gom, vận chuyển đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận; tiếp nhận và xử lý các loại chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp không độc hại phù hợp với quy trình, công nghệ xử lý chất thải của khu xử lý, bãi chôn lấp.

b) Quản lý vận hành bãi chôn lấp và khu xử lý chất thải rắn thông thường theo đúng quy trình công nghệ, đảm bảo hoạt động an toàn và vệ sinh môi trường.

c) Xây dựng kế hoạch, chương trình và biện pháp phòng ngừa, ứng cứu sự cố môi trường theo quy định.

d) Triển khai thực hiện chương trình giám sát, quan trắc môi trường tại cơ sở và báo cáo kết quả quan trắc đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường định kỳ 6 tháng 1 lần.

đ) Thực hiện kế hoạch an toàn lao động trong vận hành và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

e) Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giữ gìn trật tự trị an khu vực xử lý và xung quanh nhà máy.

f) Vào ngày 15 tháng 11 hàng năm phải có trách nhiệm lập dự toán khối lượng việc xử lý tiêu hủy chất thải rắn thông thường theo đúng định mức quy định trình sở Xây dựng thẩm định trước khi trình sở Tài chính xin cấp kinh phí.

3. Định kỳ vào ngày 25 tháng cuối của các quý trong năm đơn vị thu gom, vận chuyển, chôn lấp, xử lý chất thải rắn phải có trách nhiệm tổng hợp báo cáo về tình hình kết quả thực hiện công việc trên địa bàn tỉnh gửi về Sở xây dựng; UBND các huyện, thành phố có liên quan để tổng hợp kiểm tra, theo dõi.

Điều 20. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình

1. Mọi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh ở nơi công cộng; đổ rác, chất thải đúng thời gian và nơi quy định, không để chất thải sinh hoạt trên hè phố, lòng đường; có trách nhiệm tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền và các đoàn thể địa phương phát động. Khi phát hiện những vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn thì thông báo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh; dịch vụ trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm quy định, hướng dẫn các thành viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện đúng các nội dung trong Quy định này; thực hiện phân loại chất thải ngay từ nguồn; ký hợp đồng với các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo đúng quy định.

Điều 21. Sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn thông thường, vận động nhân dân làm tốt công tác phân loại chất thải tại nguồn, đổ rác đúng thời gian, đúng nơi quy định; phối hợp với UBND các cấp kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý chất thải rắn thông thường, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Điều 22. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại Quy định này. Định kỳ hàng năm chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức đánh giá, tông kết theo quy định

2. Các cấp, các ngành có trách nhiệm: Lập kế hoạch hành động, tổ chức quán triệt, tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nội dung Quy định này; tổ chức kiểm tra thực hiện, kịp thời xử lý vi phạm theo quy định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những nội dung cần phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp, các sở, ngành, đơn vị, phản ánh về sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.