Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 09/2007/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 12 tháng 06 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác Trợ giúp pháp lý ở tỉnh ta luôn được các cấp chính quyền quan tâm và đã đạt được những kết quả nhất định, thông qua công tác này đã thực hiện hàng chục ngàn vụ việc tư vấn pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có những hạn chế cần được quan tâm khắc phục, như: việc tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tuy đã được tổ chức thường xuyên nhưng vẫn còn mang tính hình thức, nội dung chưa thực sự phong phú, đa dạng; lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức và chưa thật chú trọng đến công tác này; việc bồi dưỡng kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng Trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cộng tác viên chưa được quan tâm thường xuyên... đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả của công tác Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua. Để khắc phục những hạn chế trên và kịp thời triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Trợ giúp pháp lý, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức quán triệt sâu rộng Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ, Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản có liên quan của tỉnh trong cán bộ, công chức và nhân dân ở địa phương, đơn vị mình. Tăng cường trợ giúp pháp lý là một chủ trương lớn, đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Các cấp, các ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này và xác định rõ trách nhiệm của cấp, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị mình trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện công tác Trợ giúp pháp lý.

2. Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và các phòng Tư pháp, Ban Tư pháp bằng các hình thức thích hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ và Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ cho các tầng lớp nhân dân của tỉnh, đặc biệt là các đối tượng được trợ giúp pháp lý. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, đổi mới hình thức, phương thức hoạt động, nội dung trợ giúp pháp lý và đề xuất các biện pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng được trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; đồng thời gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng biên giới của tỉnh.

3. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các Sở, ngành chức năng xây dựng Đề án tổ chức bộ máy và biên chế đội ngũ công chức làm công tác Trợ giúp pháp lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng theo quy định để thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện có Chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý có trách nhiệm bố trí nơi đặt trụ sở thích hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Chi nhánh. Đối với các địa phương không có Chi nhánh, Ủy ban nhân dân huyện phải tạo điều kiện để thành lập các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở trung tâm huyện và các xã, thị trấn nơi tập trung đông đối tượng được trợ giúp pháp lý để đảm bảo thuận lợi đáp ứng yêu cầu của người dân. Đến hết năm 2010 ở các huyện không có Chi nhánh trợ giúp pháp lý thì phải có các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hoặc Điểm trợ giúp pháp lý.

4. Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và phối hợp với các Sở, Ban ngành ở tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên pháp lý, tổ chức các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý hoặc Điểm trợ giúp pháp lý, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian làm việc để cán bộ, công chức, viên chức tham gia làm Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Phối hợp triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý theo đề nghị của Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm; tạo điều kiện cung cấp thông tin tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị có liên quan.

5. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, Ban, ngành ở tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thường xuyên thực hiện việc bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ Trợ giúp viên, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý hoạt động có hiệu quả, như: Định kỳ tổ chức biên soạn tài liệu, mở các lớp tập huấn nghiệp vụ; cấp phát tài liệu cần thiết; tổ chức các hội thi Trợ giúp viên, Cộng tác viên trợ giúp pháp lý giỏi. v.v...

6. Sở Văn hóa thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật có liên quan về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, từng bước xây dựng các trang tin, chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý miễn phí với thời lượng thích hợp để tư vấn pháp luật, giải thích, tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn tỉnh hiểu và tích cực tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành chức năng tiến hành soát xét lại diện các đối tượng được trợ giúp pháp lý để cấp phát kịp thời những giấy tờ chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật để cho họ được hưởng trợ giúp pháp lý.

8. Sở Tài chính có trách nhiệm xem xét, bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động trợ giúp pháp lý hàng năm của Trung tâm và các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý theo quy định.

9. Đề nghị Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tích cực tham gia, phối hợp để thực hiện có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các sở, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị ở tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy;
- TT Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Bộ Tư pháp;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- UBND các huyện, Thành phố;
- Các Sở, ngành thuộc tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Báo Đắk Lắk; Lđ VP
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Ngọc Cư

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/2007/CT-UBND về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 09/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/06/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Lữ Ngọc Cư
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/06/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 13/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản