Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 09/1998/QĐ-VPCP

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIẾT HOA TRONG VĂN BẢN CỦA CHÍNH PHỦ VÀ VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 50/CP, ngày 06 tháng 8 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ;
Trong khi Nhà nước chưa có quy định về chuẩn hóa viết hoa trong tiếng Việt; để bảo đảm có sự thống nhất về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ một cách thuận lợi;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hành chính Văn phòng Chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ.

Điều 2. Căn cứ Quyết định này, các Vụ trưởng, Cục trưởng và cán bộ, chuyên viên thuộc Văn phòng Chính phủ tổ chức thực hiện đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Vụ trưởng Vụ Hành chính có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện Quyết định này và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ xem xét việc thay đổi hoặc bổ sung khi cần thiết./.

 

 

Nơi nhận:
- BTCN, các PCN VPCP,
- Thư ký Thủ tướng và Thư ký các Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Các Vụ, đơn vị trực VPCP,
- Lưu: VT, HC.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM




Đoàn Mạnh Giao

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIẾT HOA TRONG VĂN BẢN CỦA CHÍNH PHỦ VÀ VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/1998/QĐ-VPCP, ngày 22 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ phải bảo đảm các yêu cầu sau:

- Đúng với ngữ pháp và chính tả tiếng Việt phổ thông,

- Theo cách viết thông dụng trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước đang được đa số các cơ quan và các nhà ngôn ngữ học tiếng Việt chấp nhận,

- Giảm tối đa các chữ viết hoa,

Thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn bản.

Điều 2. Viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ phải đúng với cách viết thông dụng trong ngữ pháp, chính tả tiếng Việt: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết:

- Đầu câu: tiêu đề, lời nói đầu, các chương, mục, điều, kết luận, … của văn bản.

- Đầu câu sau dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!);

- Đầu dòng sau dấu chấm (.), dấu chấm phẩy (;) …. xuống dòng (như trường hợp các căn cứ để ra nghị định, quyết định,….);

- Đầu trong dấu hai chấm mở, đóng ngoặc kép: “….” (đoạn trích đầy đủ nguyên văn câu của tác giả, tác phẩm);

- Chỉ địa danh, chỉ tên người;

- Chỉ tên riêng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội;

- Chỉ chức danh của Đảng, Nhà nước, quân đội, tổ chức kinh tế, xã hội;

- Chỉ các danh hiệu cao quý;

- Chỉ các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, các hoạt động xã hội, các sinh hoạt nghi lễ trong cộng đồng;

- Chỉ tên các văn kiện của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người.

1. Đối với danh từ riêng chỉ tên người Việt Nam: viết hoa tất cả chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng.

Ví dụ:

- Tên Nam: Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Thụ,

- Tên nữ:

+ Không có từ đệm : Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi,

+ Có từ đệm: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hồng Gấm.

2. Đối với danh từ riêng chỉ tên người nước ngoài đã được phiên âm ra tiếng Việt (đọc theo âm tiếng Việt): viết hoa chữ cái đầu theo âm tiếng Việt đối với các âm tiết tạo thành tên riêng, giữa các âm tiết có gạch nối ngắn.

Ví dụ:

- Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen, V.I Lê-nin;

- Ác-kim-mê-đét (Ác-si-mét) – 287 – 212 tr. CN;

Điều 4. Viết hoa danh từ riêng chỉ địa danh.

1. Đối với danh từ riêng chỉ địa danh Việt Nam: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng.

Ví dụ:

- Việt Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Cao Bằng, Thừa Thiên – Huế …

2. Đối với danh từ riêng chỉ địa danh nước ngoài.

a) Danh từ riêng chỉ địa danh nước ngoài đã phiên âm theo tiếng Việt (đọc theo âm tiếng Việt): viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên riêng, giữa các âm tiết có gạch nối ngắn.

Ví dụ:

- Mát-xcơ-va, Ác-hen-ti-na, Áp-ga-ni-xtan, Xu-đăng, Li-băng, Pa-le-xtin, In-đô-nê-xi-a, I-ta-li-a, Crô-a-ti-a, Tat-gi-ki-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, U-gan-đa, Ma-lai-xi-a, Căm-pu-chi-a, Ru-ma-ni-a, Phi-lip-pin,…

b) Đối với danh từ riêng đã phiên theo âm Hán - Việt: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng, giữa các âm tiết không có gạch nối.

Ví dụ:

- Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ba lan, Bắc Kinh, Luân Đôn, Bình Nhưỡng, Nga, Pháp…

Điều 5. Viết hoa các danh từ chỉ phương hướng mang ý nghĩa định danh: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ phương hướng và của âm tiết chỉ địa danh, giữa các âm tiết không có gạch nối.

Ví dụ:

- Phía Bắc, phía Nam, phía Đông, phía Tây Việt Nam;

- Các tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam;

- Các tỉnh, thành phố phía Nam Việt Nam;

- Khu vực miền Bắc, Trung, Nam Bộ;

- Các nước Đông Âu, Tây Bắc Âu, các nước Đông Nam Á,…

Điều 6. Viết hoa tên riêng các cơ quan của Đảng, Nhà nước và tổ chức xã hội.

1. Tên riêng các cơ quan Trung ương Đảng, tổ chức xã hội: viết hoa chữ cái đầu của các từ tạo thành tên riêng như trong Điều lệ, các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

(Phụ lục I)

a) Tên các cơ quan của Trung ương Đảng (theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam):

Ví dụ:

- Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc;

- Cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương (Điều 9, trang 17, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam);

- Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong số Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Điều 17, trang 27);

- Số lượng Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định (Điều 17, trong 27, 28);

- Bộ Chính trị cử Thường vụ Bộ Chính trị,…

b) Tên riêng của các Ban thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: viết hoa chữ cái đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên của các cơ quan đó.

Ví dụ:

- Ban Tổ chức Trung ương,

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương,

- Ban Đối ngoại Trung ương,

- Ban Tài chính – Quản trị Trung ương,

- Ban Kinh tế Trung ương,

- Ban Tư tưởng -  Văn hóa Trung ương …

c) Tên riêng của các tổ chức đảng ở địa phương và của một số tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang, an ninh:

Ví dụ:

- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Hà Tây, thành phố Hải Phòng;

- Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam theo quy định tại Chương VI (Điều 10, trang 18, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam);

- Đảng ủy Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân ủy Trung ương), Tổng cục Chính trị (Điều 26, trang 41);

- Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đảm nhận công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong các đơn vị thuộc Đảng bộ Công an, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương (Điều 28, trang 44),…

2. Tên riêng của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các âm tiết chỉ chức năng tạo thành tên riêng của các cơ quan như đã viết trong Hiến pháp, các Bộ luật và các văn bản của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

a) Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

Ví dụ:

- Chủ tịch nước

– Phó Chủ tịch nước

- Hội đồng Quốc phòng và An ninh

– Văn phòng Chủ tịch nước

b) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

Ví dụ:

- Quốc hội;

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

- Hội đồng dân tộc;

- Các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Kinh tế và Ngân sách; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Đối ngoại,…

c) Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

- Chính phủ,

- Thủ tướng (Phó Thủ tướng) Chính phủ,

- Tên riêng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức kinh tế: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết đầu trong tổ hợp từ tạo thành tên riêng của các cơ quan đó (Quyết định số 01/QĐ-CTN, ngày 01 tháng 10 năm 1997 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – căn cứ vào Nghị quyết số 03 NQ/1997/QH10 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X, Kỳ họp thứ nhất, ngày 20-9-1997 đến 29-9-1997 phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ).

(Phụ lục II)

d) Tên riêng của cơ quan chính quyền ở địa phương (tỉnh, thành phố, huyện, quận, phường, xã): viết hoa các chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ tạo thành tên riêng của cơ quan đó theo đúng như các văn bản của Nhà nước đã ban hành.

(Phụ lục III)

Ví dụ:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên;

- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;

- Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội;

- Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;

- Ủy ban nhân dân xã X, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội;

- Ủy ban nhân dân phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, …

đ) Tên riêng của các trường học thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo, các tổ chức kinh tế …: chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của âm tiết thứ nhất, âm tiết chỉ cấp, chức năng đào tạo và âm tiết chỉ biệt hiệu tạo thành tên riêng đó.

Ví dụ:

Tên riêng của các trường:

- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội;

- Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh;

- Trường Đại học Kinh tế quốc dân;

- Trường Đại học Thương mại;

- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;

- Trường Cao đẳng (hoặc Trung học) Sư phạm (hay Kinh tế, Thương mại, Y tế, Ngân hàng, Tài chính …) Hà Nội (hoặc tỉnh khác);

- Trường Phổ thông Trung học Chu Văn An Hà Nội;

- Trường Phổ thông Cơ sở Phương Mai Hà Nội…

Tên riêng của các tổ chức kinh tế:

- Công ty Giống cây trồng;

- Công ty Chăn nuôi gia súc;

- Tổng Công ty Sữa;

- Tổng Công ty Thép;

- Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội,…

3. Tên riêng của các tổ chức xã hội: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và của các âm tiết chỉ tính chất, chức năng, nhiệm vụ tạo thành tên riêng của tổ chức đó.

Ví dụ:

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

- Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

4. Danh từ chung đứng trước tên riêng của người, địa danh đặc trưng, được tôn kính: viết hoa chữ cái đầu của danh từ chung đó.

a) Tên một lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong nước cũng như ngoài nước, thể hiện sự trân trọng, lịch sự, tôn kính.

Ví dụ:

- Bác Hồ, Cha già dân tộc;

- Bác Hồ, Người là bậc đại trí, đại nhân;

- Bác Hồ, Người là niềm tin tất thắng…

b) Tên một địa danh mang tính đặc trưng, tính lịch sử và cá biệt:

Ví dụ:

- Thủ đô Hà Nội, Kinh thành Thăng Long, Kinh đô Huế, Tổ quốc Việt Nam, Đất tổ Hùng Vương.

5. Tên các tổ chức quốc tế viết đầy đủ và viết tắt

(Phụ lục IV)

a) Tên của một tổ chức quốc tế viết thông dụng:

- Viết đầy đủ tên tiếng Việt bằng chữ thường: viết hoa như ở khoản 2, Điều 6 của Quy định này,

- Viết đầy đủ tên tiếng Anh bằng chữ thường sau tên tiếng Việt,

- Viết tắt tên tiếng Anh bằng chữ in hoa trong dấu ngoặc đơn (…) tiếp liền sau tên tiếng Anh.

Ví dụ:

- Liên hợp quốc (LHQ) – United Nations (UN),

- Hiệp hội các nước Đông-Nam Á-Association of South East Asian Nations (ASEAN),

- Tổng sản lượng quốc gia-Gross National Product (GNP),

- Tổng sản lượng nội địa-General Domestic Product (GDP),

- Quĩ tiền tệ Quốc tế-International Monetary Fund (IMF),

- Tổ chức Bắc Đại Tây Dương-North Atlantic Treaty Organization (NATO),

- Khu vực mậu dịch tự do-Free Trade Area (FTA),

- Tổ chức LHQ về lương thực và nông nghiệp-Food and Agriculture (FAO),

- Ngân hàng Phát triển châu Á – ASEAN Development Bank (ADB),

b) Tên của một tổ chức quốc tế viết tắt trong văn bản tiếng Việt:

- Ở câu đầu viết đầy đủ tên tiếng Việt bằng chữ thường, kèm theo tên tiếng Anh viết tắt bằng chữ in hoa trong dấu ngoặc đơn (…): giải thích nội dung khái niệm,…

- Ở các câu tiếp theo: chỉ viết chữ tắt, không viết lại tên đầy đủ.

(Phụ lục IV)

Ví dụ:

Điều 1. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao” (viết tắt theo tiếng Anh là BOT) là văn bản ký kết giữa…

2. “Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh” (viết tắt theo tiếng Anh là BTO) là văn bản…

3. “Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (viết tắt theo tiếng Anh là BT) là văn bản….

Điều 2. ...

1. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO, BT trong lĩnh vực giao thông, sản xuất, và kinh doanh điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải và các lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Chính phủ Việt Nam…

3. Chính phủ Việt Nam dành ưu đãi cho doanh nghiệp BOT…

(Quy chế đầu tư theo Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh và Hợp đồng xây dựng – chuyển giao áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – Ban hành kèm theo Nghị định số 62/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ).

Điều 7. Viết hoa chức danh của Đảng và Nhà nước.

1. Chức danh trọng yếu của Đảng, Nhà nước: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất (tên riêng các cơ quan, các Ban… của Đảng: viết như tại khoản 1, Điều 6 của Quy định này).

Ví dụ:

- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương (Đồng chí…., Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư);

- Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị;

- Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng;

- Ủy viên Trung ương Đảng;

- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Thủ tướng (Phó Thủ tướng) Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Chức danh Trưởng (Phó) Ban, Chủ nhiệm (Phó Chủ nhiệm) Ủy ban, Bộ trưởng (Thứ trưởng) các Bộ, Thủ thưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch (Phó Chủ tịch) UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và của các âm tiết chỉ tên riêng bộ phận tùy thuộc.

Ví dụ:

- Bộ trưởng (Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng;

- Trưởng (Phó trưởng) Ban Tổ chức Trung ương;

- Trưởng (Phó trưởng) Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (Phó Chủ nhiệm) Văn phòng Chính phủ;

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (Phó Chủ nhiệm) Ủy ban Dân tộc và Miền núi;

- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu;

- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau.

3. Tên cấp bậc, chức vụ trong quân đội: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết chỉ tên riêng, cấp bậc, chức vụ và đơn vị tùy thuộc.

Ví dụ:

- Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

- Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 2;

- Trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

4. Các chức danh khác của các cơ quan Đảng và Nhà nước: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ chức vụ.

Ví dụ:

- Bí thư (Phó Bí thư) Tỉnh ủy Hà Nam;

- Giám đốc (Phó Giám đốc) Sở Tài chính Hà Tây;

- Giám đốc (Phó Giám đốc) Nhà máy Dệt Nam Định;

- Tổng giám đốc (Phó Tổng giám đốc) Tổng công ty Thép Việt Nam;

- Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) Trường Đại học Y khoa Hà Nội,…

5. Tên danh hiệu, giải thưởng cao quý, học hàm, học vị khoa học.

- Tên danh hiệu, giải thưởng cao quí: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu và âm tiết của từ chỉ danh hiệu.

Ví dụ:

- Anh hùng Lao động,

- Anh hùng Lực lượng vũ trang,

- Huân chương Sao vàng,

- Huân chương Độc lập,

- Nghệ sĩ Nhân dân,

- Nhà giáo Nhân dân,

- Nghệ sĩ Ưu tú,

- Nhà giáo Ưu tú…

- Tên học vị, học hàm khoa học: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu và âm tiết chỉ chuyên ngành:

Ví dụ:

- Kĩ sư Địa chất, Bác sĩ;

- Tiến sĩ khoa học Luật,

- Kĩ sư Kinh tế, Cử nhân Kinh tế,…

- Phó Giáo sư,

- Thạc sĩ khoa học Kinh tế,

- Giáo sư,

- Phó Tiến sĩ khoa học Kinh tế, Luật;

- Viện sĩ,

Nguyễn Văn A, Giáo sư, Tiến sĩ…

- Lê Văn B, Nghệ sĩ Nhân dân …

Điều 8. Viết hoa tên các hoạt động xã hội, ngày lễ, ngày kỷ niệm.

1. Tên các hoạt động xã hội: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu.

Ví dụ:

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng;

- Đại hội VIII của Đảng;

- Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa VIII;

- Hội nghị Trung ương V, khóa VIII,…

2. Tên các ngày kỷ niệm, ngày lễ:

Ví dụ:

- Kỷ niệm ngày Quốc khánh;

- Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Chiến thắng 30-4;

- Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Điều 9. Viết hoa tên các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các tác phẩm chính trị văn hóa, nghệ thuật,…

1. Tên văn kiện và số thứ tự cụ thể:

- Tên văn kiện: viết hoa như tại khoản 1, Điều 9 của Quy định này.

- Viết số thứ tự trong văn kiện: số thứ tự viết bằng chữ số Ả Rập (1, 2, 3…) phải đặt sau hai âm tiết “lần thứ”, nếu viết bằng chữ số La Mã (I, II, III…) thì không viết hai âm tiết đó.

Ví dụ:

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng – Đại hội VIII của Đảng;

- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng – Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng;

- Nghị quyết Trung ương II, khóa VIII của Đảng;

- “Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Dân sự đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995”. (Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 1995, trang 5).

2. Danh từ luật, chỉ tên riêng luật cụ thể, điều của luật cụ thể…: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết luật, âm tiết chỉ tên riêng luật cụ thể và âm tiết điều trong luật cụ thể, không viết hoa các âm tiết “điểm”, “khoản”. Khi một từ chỉ tên riêng của một bộ luật, luật cụ thể không viết lại đầy đủ mà viết tắt: viết hoa chữ cái đầu âm tiết luật – “Luật này” hoặc “Pháp lệnh này”.

Ví dụ:

- Viết đầy đủ: điểm a, khoản 2, Điều 12 của Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Viết không đầy đủ: điểm a, khoản 2, Điều 12 Bộ luật này (tức là Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Điều 10. Quy định này có tính chất tạm thời sử dụng nội bộ để đáp ứng với yêu cầu công tác soạn thảo văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện phù hợp với ngôn ngữ Việt Nam hiện đại./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM




Đoàn Mạnh Giao

 

PHỤ LỤC I

CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, CHỦ TỊCH NƯỚC, CÁC CƠ QUAN QUỐC HỘI CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CÁC ĐOÀN THỂ TRUNG ƯƠNG

1. Các cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam:

- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

- Bộ Chính trị

- Thường vụ Bộ Chính trị

a. Các chức danh của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam:

- Tổng Bí thư

- Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng

- Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị

- Ủy viên Bộ Chính trị

- Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

b. Các Ban và đơn vị trực thuộc Trung ương Đảng:

- Văn phòng Trung ương                                                 - Ban Kinh tế Trung ương

- Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương                         - Ban Nội chính Trung ương

- Ban Tổ chức Trung ương                                             - Ban Dân vận Trung ương

- Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương                            - Ban Khoa giáo Trung ương

- Ủy ban Kiểm tra Trung ương                                         - Ban Đối ngoại Trung ương

- Ban Tài chính – Quản trị Trung ương                             - Ban Cán sự đảng ngoài nước

- Báo Nhân dân                                                              - Tạp chí Cộng sản

2. Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

- Chủ tịch nước

- Phó Chủ tịch nước

- Hội đồng Quốc phòng và An ninh

- Văn phòng Chủ tịch nước

3. Các cơ quan của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Ủy ban Quốc phòng và An ninh

- Hội đồng Dân tộc

- Ủy ban Kinh tế và Ngân sách

- Văn phòng Quốc hội

- Ủy ban Đối ngoại

- Ủy ban Pháp luật

- Ủy ban về các vấn đề xã hội

- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

- Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

- Đoàn thư ký kỳ họp

4. Các Đoàn thể Trung ương:

- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

- Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

- Hội Nông dân Việt Nam

- Hội Cựu chiến binh Việt Nam

 

PHỤ LỤC II

CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ VÀ CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ:

1- Bộ Quốc Phòng                                 13- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2- Bộ Công an                                       14- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

3- Bộ Ngoại giao                                    15- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

4- Bộ Tư pháp                                       16- Bộ Giáo dục và Đào tạo

5- Bộ Kế hoạch và Đầu tư                       17- Bộ Y tế

6- Bộ Thương mại                                  18- Ủy ban Dân tộc và Miền núi

7- Bộ Tài chính                                      19- Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ

8- Bộ Văn hóa – Thông tin                      20- Thanh tra Nhà nước

9- Bộ Giao thông vận tải                         21- Văn phòng Chính phủ

10- Bộ Xây dựng                                    22- Ủy ban Thể dục Thể thao

11- Bộ Công nghiệp                                23- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

12- Bộ Thủy sản

2. Các cơ quan thuộc Chính phủ:

1. Tổng cục Bưu điện                          13. Ban Biên giới của Chính phủ

2. Tổng cục Du lịch                             14. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia

3. Tổng cục Hải quan                          15. Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia

4. Tổng cục Thống kê                          16. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

5. Tổng cục Địa chính                          17. Học viện Hành chính Quốc gia

6. Đài Tiếng nói Việt Nam                    18. Tổng cục Khí tượng thủy văn

7. Thông tấn xã Việt Nam                    19. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam

8. Đài Truyền hình Việt Nam                20. Kiểm toán Nhà nước

9. Ban Vật giá Chính phủ                     21. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

10. Ban Tôn giáo Chính phủ                 22. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

11. Ban Cơ yếu Chính phủ                   23. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

12. Cục Dự trữ Quốc gia                     24. Ủy ban quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình

                                                         25. Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam

 

PHỤ LỤC III

CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

TT

Tỉnh, Thành phố

TT

Tỉnh, Thành phố

1-

Thành phố Hà Nội

32-

Tỉnh Quảng Trị

2-

Thành phố Hồ Chí Minh

33-

Tỉnh Thừa Thiên – Huế

3-

Thành phố Hải Phòng

34-

Tỉnh Quảng Nam

4-

Thành phố Đà Nẵng

35-

Tỉnh Quảng Ngãi

5-

Tỉnh Cao Bằng

36-

Tỉnh Bình Định

6-

Tỉnh Lạng Sơn

37-

Tỉnh Phú Yên

7-

Tỉnh Lai Châu

38-

Tỉnh Khánh Hòa

8-

Tỉnh Hà Giang

39-

Tỉnh Ninh Thuận

9-

Tỉnh Sơn La

40-

Tỉnh Bình Thuận

10-

Tỉnh Tuyên Quang

41-

Tỉnh Gia Lai

11-

Tỉnh Yên Bái

42-

Tỉnh Kon Tum

12-

Tỉnh Lào Cai

43-

Tỉnh Đắk Lắk

13-

Tỉnh Bắc Kạn

44-

Tỉnh Lâm Đồng

14-

Tỉnh Thái Nguyên

45-

Tỉnh Đồng Nai

15-

Tỉnh Phú Thọ

46-

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

16-

Tỉnh Vĩnh Phúc

47-

Tỉnh Long An

17-

Tỉnh Bắc Giang

48-

Tỉnh Tây Ninh

18-

Tỉnh Bắc Ninh

49-

Tỉnh Bình Dương

19-

Tỉnh Hòa Bình

50-

Tỉnh Bình Phước

20-

Tỉnh Hà Tây

51-

Tỉnh Tiền Giang

21-

Tỉnh Quảng Ninh

52-

Tỉnh Bến Tre

22-

Tỉnh Hải Dương

53-

Tỉnh Cần Thơ

23-

Tỉnh Hưng Yên

54-

Tỉnh Sóc Trăng

24-

Tỉnh Thái Bình

55-

Tỉnh Đồng Tháp

25-

Tỉnh Hà Nam

56-

Tỉnh Vĩnh Long

26-

Tỉnh Nam Định

57-

Tỉnh Trà Vinh

27-

Tỉnh Ninh Bình

58-

Tỉnh An Giang

28-

Tỉnh Thanh Hóa

59-

Tỉnh Kiên Giang

29-

Tỉnh Nghệ An

60-

Tỉnh Bạc Liêu

30-

Tỉnh Hà Tỉnh

61-

Tỉnh Cà Mau

31-

Tỉnh Quảng Bình

 

 

 

PHỤ LỤC IV

MỘT SỐ CHỮ VIẾT TẮT TIẾNG ANH THƯỜNG GẶP

Viết tắt

Tên đầy đủ tiếng Anh

Tên đầy đủ tiếng Việt

ADB

Asian Development Bank

Ngân hàng Phát triển Châu Á

AFTA

ASEAN Free Trade Area

Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN

AIA

ASEAN Investment Area

Khu vực Đầu tư ASEAN

AICO

ASEAN Industrial Cooperation (scheme)

Chương trình Hợp tác công nghiệp ASEAN

AIPO

ASEAN Inter-parliamentary Organization

Tổ chức Liên minh Nghị viện ASEAN

AIT

Asian Institure of Technology

Viện Kỹ thuật châu Á

AMEX

American Stock Exchange

Sở Giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ

AMM/ PMC

ASEAN Ministerial Meeting/ Post Ministerial Conference

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN/Hội nghị sau hội nghị Bộ trưởng

APEC

Asia Pacific Economic Cooperation

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình dương

ARF

ASEAN Regional Forum

Diễn đàn Khu vực ASEAN

ASC

Asean Standing Committee

Ủy ban Thường trực ASEAN

ASEAN

Association of Southeast Asian Nations

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

ASEM

Asia-Europe Meeting

Hội nghị Á – Âu

BIT

Bilateral Investment Treaty

Hiệp định Đầu tư song phương

BOOT

Build – Own – Operate – Transfer

Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Vận hành – Chuyển giao

BOP

Balance of Payment

Cán cân thanh toán

BOT

Build – Operate-Transfer

Hợp đồng Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao

BTO

Build – Transfer-Operate

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Vận hành

BT

Build – Transfer

Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao

CAP

Collective Action Plan (APEC)

Kế hoạch Hành động tập thể (trong APEC)

ARICOM

The Caribbean Community

Cộng đồng các nước vùng Ca-ri-bê

CBM

Confidence Building Measures

Các biện pháp xây dựng lòng tin

CEPT

Common Effective Preferential Tariffs

Hệ thống ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung

CIDA

Canadian International Development Agency

Cơ quan phát triển quốc tế của Ca-na-đa

CPE

Centrally Planned Economy

Nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung

EAEC

European Atomic Energy Community

Tổ chức Năng lượng nguyên tử châu Âu

ECOSOC

Economic and Social Council (UN)

Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc

ECU

European Currency Unit

Đơn vị tiền tệ châu Âu

EEC

European Economic Community

Cộng đồng Kinh tế Châu Âu

EEZ

Exclusive Economic Zone

Vùng đặc quyền kinh tế

EMS

European Monetary System

Hệ thống tiền tệ châu Âu

EPZ

Export Processing Zone

Khu chế xuất

ESCAP

Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (UN)

Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á – Thái Bình dương của Liên hợp quốc

FAO

Food and Agriculture Organization

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc

FDI

Foreign Direct Investment

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài

FS

Feasibility Study

Nghiên cứu khả thi

GATT

General Agreement on Tariffs and Trade

Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.

GDP

Gross Domestic Product

Tổng sản lượng quốc nội

GNI

Gross National Income

Tổng thu nhập quốc dân

GNP

Gross National Product

Tổng sản lượng quốc dân

GSP

Generalized System of Preferences

Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập

GSTP

Global System of Trade Preferences

Hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu

IAEA

International Atomic Energy Agency

Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế

IAP

Individual Action Plan (APEC)

Chương trình Hành động quốc gia (trong APEC)

IBRD

International Bank for Reconstruction and Development

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế

ICAO

Internationl Civil Aviation Organization

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế

ICJ

International Court of Justice

Tòa án quốc tế

IDA

International Development Association (WB)

Hiệp hội Phát triển quốc tế (thuộc Ngân hàng thế giới)

IFC

International Finance Corporation (WB)

Công ty Tài chính quốc tế (thuộc Ngân hàng thế giới)

ILO

International Labour Organization

Tổ chức Lao động quốc tế

IMF

International Monetary Fund

Quỹ tiền tệ quốc tế

IMO

International Maritime Organization

Tổ chức Hàng hải quốc tế

INTERPOL

International Criminal Police Organization

Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế

IOM

International Organization for Migration

Tổ chức di cư quốc tế

ISO

International Organization for Standardization

Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa

IP

Intellectual Property

Sở hữu trí tuệ

IPR

Intellectual Property Right

Quyền sở hữu trí tuệ

JETRO

Japan External Trade Organization

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản

JICA

Japan International Cooperation Agency

Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản

JV

Joint Venture

Công ty liên doanh

LC

Letter of Credit

Tín dụng thư

LDC

Less Developed Country

Nước kém phát triển

LLDC

Least Developed Country

Nước kém phát triển nhất

MFN

Most – favoured Nation

Tối huệ quốc

MITI

Ministry of International Trade and Industry

Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản

MOU

Memorandum of Understanding

Bị vong lục; Bản thỏa thuận

NAFTA

North American Free Trade Area

Khu vực Mậu dịch tự do Bắc Mỹ

NATO

North Atlantic Treaty Organization

Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây dương

NGO

Non-governmental Organization

Tổ chức phi chính phủ

NIC

Newly Industrializing Country

Nước mới công nghiệp hóa

NT

National Treatment

Đãi ngộ quốc gia

NTB

Non-tariff barrier

Hàng rào phi quan thuế

OAS

Organization of American States

Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ

OAU

Organization of African Unity

Tổ chức Đoàn kết châu Phi

ODA

Official Development Assistance

Viện trợ Phát triển chính thức

OECD

Organization for Economic Cooperation and Development

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế

OECF

Overseas Economic Cooperation Fund (Japan)

Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại (Nhật Bản)

OPEC

Organization of the Petroleum Exporting Countries

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ

PLO

Palestine Liberation Organization

Tổ chức Giải phóng Palextin

R&D

Research and Development

Nghiên cứu và phát triển

RDF

Rapid Deployment Force

Lực lượng phản ứng nhanh

SDR

Special Drawing Right

Quyền rút vốn đặc biệt

ROT

Recover-Operate-Transfer

Hợp đồng Phục hồi – Vận hành – Chuyển giao

SAARC

South Asian Association for Regional Cooperation

Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á

SEANWFZ

Southeast Asian Nuclear Weapon-Free Zone

Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân

SEAMEO

Southeast Asian Ministers of Education Organization

Tổ chức Bộ trưởng giáo dục Đông Nam Á

TNC

Transnational Corporation

Công ty Xuyên quốc gia

UN

United Nations

Liên hợp quốc

UNCLOS

United Nations Conference on the Law of the Sea

Hội nghị của Liên hợp quốc về Luật Biển

UNCTAD

United Nations Conference on Trade and Development

Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển

UNDP

United Nations Development Programme

Chương trình của Liên hợp quốc về Phát triển

UNEP

United Nations Environment Programme

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc

UNESCO

United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc

UNFPA

United Nations Fund for Population Activities

Quỹ dân số Liên hợp quốc

UNHCR

United Nations High Commissioner for Refugees

Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn

UNICEF

United Nations Children’s Fund

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc

UNIDO

United Nations Industrial Development Organization

Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc

UPU

Universal Postal Union

Liên hợp Bưu chính quốc tế

UR

Uruguay Round

Vòng Uraguay

USAID

United States Agency for International Development

Cơ quan phát triển quốc tế của Hoa Kỳ

VAT

Value-added tax

Thuế trị giá gia tăng

VER

Voluntary Export Restriction

Tự nguyện hạn chế xuất khẩu

WB

World Bank

Ngân hàng thế giới

WEF

World Economic Forum

Diễn đàn kinh tế thế giới

WFC

World Food Council

Hội đồng Lương thực thế giới

WFP

United Nations World Food Programme

Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc

WHO

World Health Organization

Tổ chức Y tế thế giới

WIPO

World Intellectual Property Organization

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới

WTO

World Trade Organization

Tổ chức Thương mại thế giới

WTO

World Tourism Organization

Tổ chức Du lịch thế giới

ZOPFAN

Zone of Peace, Freedom and Neutrality

Khu vực hòa bình, tự do và trung lập

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 09/1998/QĐ-VPCP ban hành Quy định tạm thời về viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 09/1998/QĐ-VPCP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/11/1998
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Đoàn Mạnh Giao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản