Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2014/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 01 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH SỬ DỤNG CHUNG CỘT ĐIỆN ĐỂ TREO, MẮC CÁP VIỄN THÔNG, CÁP TRUYỀN HÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Thông tư số 10/2011/TT-BTTTT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 117/TTr-STTTT ngày 02 tháng 12 năm 2013 và Báo cáo Thẩm định số 234/BC-STP ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định sử dụng chung cột điện để treo, mắc cáp viễn thông, cáp truyền hình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Bạc Liêu; Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu và các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Chiến

 

QUY ĐỊNH

SỬ DỤNG CHUNG CỘT ĐIỆN ĐỂ TREO, MẮC CÁP VIỄN THÔNG, CÁP TRUYỀN HÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2014/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định việc sử dụng chung cột điện lực để treo, mắc cáp viễn thông, cáp truyền hình trên hệ thống cột điện nhằm nâng cao sự hợp tác giữa đơn vị có cột điện với đơn vị thuê sử dụng chung cột điện như: Việc lắp đặt (treo cáp) mới, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa và sắp xếp lại hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình treo, mắc trên cột điện, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn lưới điện, an toàn thông tin, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

2. Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ quản lý và treo, mắc cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện của đơn vị có cột điện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng cho các đơn vị có cột điện và các đơn vị sử dụng chung cột điện để treo, mắc cáp viễn thông, cáp truyền hình trên địa bàn tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính thực hiện quản lý, kiểm tra việc dùng chung cột điện và chỉnh trang cáp viễn thông, cáp truyền hình theo Quy định này.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

1. Cáp viễn thông, cáp truyền hình phải được lắp đặt chung trên hệ thống cột điện hiện có tại các khu vực mà chưa thể thực hiện hạ ngầm hoặc không thể xây dựng cột treo, mắc cáp viễn thông, cáp truyền hình riêng biệt.

2. Trước khi sử dụng chung cột điện phải thỏa thuận thống nhất với đơn vị có cột điện bằng hợp đồng sử dụng dịch vụ quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện theo quy định của pháp luật, của Quy định này và theo quy định của đơn vị có cột điện.

Các đơn vị có sử dụng chung cột điện được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với hệ thống của mình trên cột điện trong đầu tư, phát triển, vận hành, duy tu bảo dưỡng và thu hồi theo quy định của pháp luật và theo Quy định này.

Tại các khu vực đã có quy hoạch xây dựng ngầm hóa cáp viễn thông, cáp truyền hình thì việc treo cáp thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

3. Cáp viễn thông, cáp truyền hình chỉ được treo trên cột điện khi cột được thiết kế an toàn và đảm bảo tải trọng cho phép.

4. Cáp viễn thông, cáp truyền hình khi được treo trên cột điện phải đảm bảo mỹ quan đô thị, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông theo Thông tư số 10/2011/TT-BTTTT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông (QCVN 33:2011/BTTTT) và quy hoạch, quy định của cơ quan quản lý ở địa phương.

5. Không được treo cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện nếu vi phạm các quy định tại Mục 2.1, Điểm 2.1.1.2 (các trường hợp không được sử dụng cáp treo). Không được treo cáp viễn thông, cáp truyền hình trên phần tháp sắt của cột điện theo Thông tư số 10/2011/TT-BTTTT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông (QCVN 33:2011) và theo quy định của đơn vị có cột điện.

6. Các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng cột điện treo cáp viễn thông, cáp truyền hình phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, trường hợp đặc biệt, khẩn cấp phục vụ phòng chống thiên tai, lụt bão hoặc lắp tạm để phục vụ hội nghị, lễ hội do cấp có thẩm quyền tổ chức (cấp phép) thì thực hiện theo Khoản 3, Điều 10 của Quy định này.

7. Khi di dời cột điện để giải phóng mặt bằng theo quyết định thu hồi đất của nhà nước, các đơn vị thuê sử dụng chung cột điện phải chấp hành theo tiến độ mà chủ dự án đã thống nhất với đơn vị có cột điện.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Đơn vị có cột điện: Công ty Điện lực Bạc Liêu, các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp, các đơn vị chiếu sáng công cộng và các đơn vị khác có sở hữu cột điện trên địa bàn tỉnh.

2. Đơn vị sử dụng chung cột điện: Các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp truyền hình cáp, quân đội, công an, đài truyền thanh các cấp và đơn vị quản lý đường dây chiếu sáng công cộng.

3. Cáp viễn thông, cáp truyền hình là tên các loại cáp được dùng để truyền thông tin trong mạng viễn thông gồm (cáp đồng, cáp quang): Cáp điện thoại, cáp internet, cáp truyền hình, cáp truyền thanh...

4. Cột điện bao gồm các cột: Bê tông vuông, bê tông ly tâm, cột thép do các đơn vị có cột điện đầu tư và quản lý.

5. Lỗ leo cột điện: Lỗ dùng cho công nhân điện leo lên cột bằng dụng cụ và đứng trên cột để công tác. Lỗ có đường kính Ø18 xuyên qua tâm trụ, lỗ có khoảng cách đều nhau 425mm từ mặt đất đến lỗ lắp đà.

Chương II

QUY ĐỊNH SỬ DỤNG CHUNG CỘT ĐIỆN ĐỂ TREO, MẮC CÁP VIỄN THÔNG, CÁP TRUYỀN HÌNH

Điều 5. Điều kiện sử dụng chung cột điện của đơn vị có cột điện

1. Đối với đường dây điện lực trên không có cấp điện áp dưới 110KV thì cáp viễn thông, cáp truyền hình phải treo phía dưới đường dây trên không; khoảng cách nhỏ nhất cho phép giữa cáp viễn thông, cáp truyền hình, phụ kiện treo cáp và dây điện lực khi dùng chung cột thực hiện đúng theo quy định tại QCVN 33:2011. Vỏ kim loại của cáp tại các hộp cáp, dây treo cáp hoặc dây tự treo cáp bằng kim loại phải được nối đất.

2. Đối với đường dây trên không có cấp điện áp từ 110KV trở lên thì không được treo cáp viễn thông, cáp truyền hình.

3. Tại các cột điện có treo máy biến áp, tụ bù hoặc có lắp đặt các thiết bị thao tác đóng cắt, phải thực hiện các giải pháp tăng cường đảm bảo vận hành an toàn cho các thiết bị và không gây cản trở việc kiểm tra, thao tác các thiết bị trong vận hành. Đối với các trạm biến áp là trạm giàn thì dây cáp viễn thông, cáp truyền hình phải đi phía dưới xà đỡ máy biến áp và phải được luồn trong ống bảo vệ (ống PVC, ống xoắn ruột gà...).

4. Tại các vị trí vượt lộ, vượt sông ngòi, kênh rạch phải đảm bảo độ cao treo cáp theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định và phải có biển báo độ cao vượt lộ, vượt sông theo quy định.

5. Hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện không được vượt quá kết cấu chịu lực làm rạn nứt, cong, nghiêng, gây đổ ngã cột điện, không được gây cản trở công tác duy tu, kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện của đơn vị có cột điện.

6. Không trồng cột điện mới khi đã có hệ thống cột điện hiện hữu đạt yêu cầu và điều kiện sử dụng chung.

7. Hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình hiện hữu treo, móc trên cột điện chưa phù hợp kỹ thuật, an toàn thì đơn vị thuê sử dụng chung cột điện phải khắc phục hoàn thiện theo Quy định này và hướng dẫn của đơn vị có cột điện.

Điều 6. Yêu cầu về treo cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện của đơn vị có cột điện

1. Mối nối cáp (măng sông cáp) trên cột điện phải cách thân cột điện lớn hơn 0,4 mét và phải đảm bảo cách điện. Mối nối cáp không được ở giữa khoảng cột và phải được tiếp đất hai đầu của màng chắn cáp viễn thông.

2. Không cho phép treo cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột khi:

- Cáp viễn thông, cáp truyền hình treo bằng cách quấn xung quanh thân cột.

- Sử dụng bù lon xỏ qua lỗ leo cột để lắp đặt cáp, hộp nối, ống nhựa bảo vệ cáp xuống đất...

- Để dư nhiều vòng trên cột với đường kính bó cáp lớn hơn 500mm và không có khung treo cáp.

- Cột bị nghiêng chưa sửa chữa, cột của đường dây điện đang thi công và cột chuẩn bị di dời...

- Chưa có sự đồng ý của đơn vị có cột điện (bằng văn bản).

3. Cáp viễn thông, cáp truyền hình kim loại treo trên cột trạm biến áp phân phối phải được tăng cường bảo vệ bằng ống PVC. Cáp không được giao chéo, nằm ngang với dây trung thế (dây dẫn sơ cấp), thân máy biến áp của trạm mà phải đi phía dưới đà đỡ máy biến áp.

4. Chỉ cho phép cáp phối trên cột vượt đường giao thông có ô tô qua lại, qua các công trình có tầm quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, qua những nơi thường xuyên tập trung đông người, qua các khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được nhà nước xếp hạng khi cột điện có hệ số an toàn chịu lực lớn hơn 2 lần.

5. Cáp thông tin vượt qua đường bộ, qua cầu, qua sông phải đảm bảo đạt tĩnh không theo Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 18 tháng 5 năm 2011 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư 36/2012/TT-BGTVT ngày 13 tháng 9 năm 2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa, trên sợi cáp thấp nhất và tại vị trí thấp nhất phải treo biển báo độ cao.

6. Khi trên cột điện treo nhiều cáp phối, cáp thuê bao thì cáp phải được bó gọn gàng, đảm bảo mỹ quan, không gây cản trở giao thông và người qua lại.

Điều 7. Về thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo hệ thống cột điện sử dụng chung

1. Đơn vị có cột điện phải có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng cột điện, lập danh sách các cột điện hiện đang quá tải do hệ thống cáp viễn thông trên cột điện gây nghiêng, cong cột, rạn nứt cột, sụt lún, bể móng cột, không đảm bảo kỹ thuật an toàn điện, không theo các điều kiện hợp đồng hoặc thỏa thuận đã ký, đơn vị có cột điện phải thông báo cho các đơn vị này để phối hợp xử lý, cụ thể: Làm gọn, tháo dỡ hoặc đi ngầm, gia cố móng cột, trồng cột riêng, trồng cột ghép. Khi thực hiện công tác kiểm tra, rà soát thường xuyên, đơn vị có cột điện phối hợp với các đơn vị sử dụng chung cột điện để cùng nhau nhanh chóng có biện pháp xử lý.

2. Khi thực hiện công tác sửa chữa, cải tạo, bảo trì theo kế hoạch nếu có ảnh hưởng đến hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện thì đơn vị có cột điện phải thông báo trước 15 ngày làm việc cho các đơn vị có sử dụng chung cột điện để cùng phối hợp. Đến ngày thực hiện công tác của đơn vị có cột điện mà vẫn không có sự phối hợp hoặc hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện vẫn chưa được tháo dỡ, di dời trước thì đơn vị có cột điện vẫn triển khai công tác và được quyền thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 13 của Quy định này.

3. Các đơn vị có sử dụng chung cột điện phải đăng ký thi công sửa chữa, cải tạo hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện trước ít nhất 05 ngày làm việc với đơn vị có cột điện (nếu công tác sửa chữa, cải tạo cần cắt điện), trừ các trường hợp khẩn cấp hoặc đột xuất phục vụ cho các mục đích an ninh, quốc phòng, lễ hội... Thực hiện theo Khoản 6, Điều 3 của Quy định này. Đơn vị có cột điện xem xét, nếu công tác trên không cần cắt điện có thể thỏa thuận để thi công ngay. Nếu công tác trên cần phải cắt điện thì đơn vị có cột điện phải thông báo cho đơn vị có sử dụng chung cột điện thời gian cụ thể để phối hợp nêu tại Khoản 2, Điều này.

4. Nhằm đảm bảo an toàn lao động, các đơn vị thi công hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện phải thông báo với đơn vị có cột điện biết để đơn vị có cột điện tiến hành kiểm tra, có biện pháp cắt, mở điện đảm bảo an toàn cho các đơn vị thi công. Các đơn vị có sử dụng chung cột điện phải tổ chức tập huấn kiến thức an toàn điện, trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn lao động cần thiết cho nhân viên của mình theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về sự an toàn trong quá trình thi công.

Điều 8. Phối hợp tháo dỡ, di dời cột điện sử dụng chung

1. Đơn vị có cột điện là đầu mối thông báo cho các đơn vị có sử dụng chung cột điện để cùng phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến việc tháo dỡ, di dời cột điện để giải phóng mặt bằng.

2. Khi nhận được văn bản của các chủ dự án yêu cầu di dời, thu hồi các cột điện sử dụng chung hoặc ngầm hóa lưới điện thì đơn vị có cột điện phải thông báo bằng văn bản cho tất cả các đơn vị có sử dụng chung cột điện phối hợp thực hiện di dời đồng bộ theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 của Quy định này.

3. Đơn vị có cột điện chịu trách nhiệm tháo dỡ, thu hồi các cột điện khi phải di dời và tất cả các cột điện thuộc tài sản của mình đang tồn tại trong phạm vi toàn tỉnh nhưng không còn sử dụng nữa. Trường hợp trên cột điện phải tháo dỡ, di dời còn có hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện nhưng không thể nhận biết được chủ sở hữu hoặc chủ tài sản không nhìn nhận trốn tránh trách nhiệm thì đơn vị có cột điện phải thông báo bằng văn bản cho tất cả các đơn vị có sử dụng chung cột điện và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phải thống kê, báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp giải quyết. Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo mà không nhận được ý kiến phản hồi, đơn vị có cột điện được quyền thực hiện theo Khoản 3, Điều 13 của Quy định này.

Điều 9. Xử lý sự cố hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện

Các đơn vị có sử dụng chung cột điện và đơn vị có cột điện phải thiết lập đường dây nóng của từng phạm vi, cung cấp đầy đủ các số điện thoại liên lạc cần thiết. Khi có sự cố cũng như các tình huống đột xuất, khẩn cấp, trong thời gian sớm nhất các bên phải phối hợp khắc phục ngay.

Điều 10. Hợp đồng sử dụng dịch vụ quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện

1. Các đơn vị sử dụng cột điện phải ký hợp đồng sử dụng dịch vụ quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện với đơn vị có cột điện theo đơn giá do hai bên thỏa thuận hoặc đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Thời hạn hợp đồng do đơn vị có cột điện và đơn vị sử dụng cột điện thỏa thuận.

3. Các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng cột điện treo cáp viễn thông, cáp truyền hình phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và phục vụ nhiệm vụ chính trị không phải ký hợp đồng dịch vụ quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện, nhưng phải thông báo cho đơn vị chủ quản cột điện từng tuyến cáp cụ thể và phải được sự đồng ý của đơn vị có cột điện.

Điều 11. Thủ tục đăng ký

1. Các đơn vị lần đầu đăng ký sử dụng cột điện phải có văn bản đăng ký và ký hợp đồng sử dụng dịch vụ quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện theo quy định tại Điều 10 của Quy định này.

2. Đơn vị sử dụng cột điện khi treo thêm, treo mới cáp viễn thông, cáp truyền hình phải có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu sau đây:

a) Văn bản đồng ý về chủ trương của đơn vị có cột điện cho treo thêm, treo mới cáp viễn thông, cáp truyền hình.

b) Văn bản đăng ký treo thêm, treo mới từng tuyến cáp hoặc một cụm (nhóm) tuyến cáp viễn thông, cáp truyền hình.

Trường hợp treo thêm cáp viễn thông, cáp truyền hình dẫn đến thay đổi về quyền lợi, nghĩa vụ thanh toán chi phí treo cáp hoặc các quy định khác của hợp đồng sử dụng dịch vụ quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình thì các bên cần tiến hành thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng cho phù hợp.

3. Đối với các đơn vị sử dụng cột điện phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng, ngoài hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải có hồ sơ, tài liệu chứng minh tuyến cáp viễn thông, cáp truyền hình chỉ phục vụ mục đích này.

Điều 12. Chấp nhận đăng ký cho treo thêm, treo mới cáp viễn thông, cáp truyền hình

Đơn vị có cột điện chấp nhận cho treo cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện nếu:

1. Thực hiện đúng các thủ tục đăng ký theo quy định tại Điều 11 của Quy định này.

2. Không vượt quá tải trọng trong giới hạn cho phép của cột điện.

3. Đảm bảo an toàn điện theo các quy định hiện hành.

4. Đảm bảo mỹ quan đô thị hoặc phù hợp với quy hoạch của địa phương.

5. Thực hiện ký hợp đồng (trừ các đơn vị, doanh nghiệp không phải ký hợp đồng) hoặc không vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã ký.

6. Thỏa thuận thiết kế với đơn vị có cột điện.

7. Không vi phạm các yêu cầu khác của Quy định này.

Điều 13. Cách thức và lộ trình thỏa thuận sử dụng chung cột điện

1. Các đơn vị có sử dụng chung cột điện phải hoàn tất việc thỏa thuận hợp đồng thuê hoặc biên bản thỏa thuận nguyên tắc, có kế hoạch kiểm tra thu hồi các hệ thống cáp trên cột điện không sử dụng sau 60 ngày liên tiếp kể từ ngày Quy định này có hiệu lực.

2. Đối với những hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình treo móc trên cột điện hiện hữu chưa đảm bảo kỹ thuật, an toàn thì đơn vị có cột điện phải tổ chức khảo sát thực tế, bàn bạc thỏa thuận với các đơn vị có sử dụng chung cột điện về hướng khắc phục, cải tạo hay tháo bỏ hoàn toàn.

3. Trường hợp các đơn vị có sử dụng chung cột điện nhưng không đăng ký, hợp đồng thuê, thỏa thuận nguyên tắc với đơn vị có cột điện hoặc trốn tránh trách nhiệm phối hợp giải quyết những bất thường do hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện đe dọa gây sự cố lưới điện thì đơn vị có cột điện báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền địa phương và các ngành chức năng giám sát cùng đơn vị có cột điện tháo dỡ hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện để xử lý nhanh chóng các khiếm khuyết đe dọa gây sự cố. Khi đó, đơn vị có cột điện không phải chịu trách nhiệm về việc hư hỏng vật tư, thiết bị cũng như tín hiệu đường truyền thông tin liên lạc của các tuyến cáp này.

Chương III

QUY ĐỊNH CẢI TẠO, LÀM GỌN CÁP VIỄN THÔNG, CÁP TRUYỀN HÌNH TREO TRÊN CỘT ĐIỆN

Điều 14. Xây dựng kế hoạch, quy trình cải tạo làm gọn cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện

1. Hàng năm, đơn vị có cột điện xây dựng kế hoạch, quy trình cải tạo, làm gọn cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện ở các tuyến đường trong toàn tỉnh, gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

2. Các đơn vị có sử dụng chung cột điện phối hợp triển khai thực hiện theo kế hoạch, quy trình đã được phê duyệt và theo Quy định này.

Điều 15. Quy định về thẻ nhận diện cáp, thẻ báo hiệu độ cao treo cáp và thứ tự treo cáp trên cột điện

1. Tất cả cáp viễn thông, cáp truyền hình khi treo trên cột điện bắt buộc phải treo thẻ cáp để nhận diện và báo hiệu, cụ thể như sau:

a) Thẻ nhận diện cáp

- Vật liệu chế tạo: Mica hoặc kim loại.

- Nội dung ghi trên thẻ: Ghi theo thứ tự từ trên xuống, gồm:

+ Loại cáp: Cáp quang/cáp đồng.

+ Dung lượng cáp.

+ Tên đơn vị chủ quản: Viết tắt tên đơn vị.

+ Số điện thoại liên hệ.

- Màu nền và màu chữ trên thẻ:

+ Công ty Điện lực Bạc Liêu (PCBL): Nền trắng và chữ đỏ.

+ Viễn thông Bạc Liêu (VNPT): Nền trắng và chữ xanh.

+ Công ty Truyền hình cáp SaiGon Tourist (SCTV): Nền trắng có vạch màu ghi bên lề phải và chữ đỏ.

+ Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel): Nền đỏ và chữ vàng.

+ Công ty Cổ phần Viễn thông FPT: Nền đỏ và chữ trắng.

b) Biển báo hiệu độ cao: Treo tại các vị trí giao chéo với đường bộ, đường thủy.

- Vật liệu chế tạo: Mica hoặc kim loại.

- Nội dung ghi trên thẻ: Ghi khoảng cách tại điểm thấp nhất tới mặt đường bộ, đường thủy (đơn vị là mét, lấy sau dấu phẩy một đơn vị (ví dụ: 7,5 mét)...

- Trong trường hợp đơn vị có cáp viễn thông, cáp truyền hình phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng cần giữ bí mật, đơn vị đó có thể mã hóa hoặc dùng các ký hiệu màu sắc khác để thể hiện các thông tin được quy định tại Khoản 2, Điều này (gọi chung là ký hiệu khác). Ký hiệu khác này được ban hành dưới dạng bảo mật và chỉ những người có trách nhiệm được biết.

c) Đối với trường hợp treo mới cáp viễn thông, cáp truyền hình lên cột điện: Thẻ cáp phải được gắn ngay khi treo cáp.

2. Thứ tự treo cáp trên cột điện: Thứ tự treo cáp của các đơn vị viễn thông, truyền hình cáp tại gông đỡ cáp trên cột điện theo thứ tự nhìn từ trên xuống như sau:

(1): Công ty Điện lực Bạc Liêu (PCBL);

(2): Viễn thông Bạc Liêu (VNPT);

(3): Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel);

(4): Công ty Truyền hình cáp SaiGon Tourist (SCTV);

(5): Công ty Cổ phần Viễn thông FPT.

Đối với trường hợp cáp viễn thông, cáp truyền hình hiện hữu đang treo trên cột điện, các đơn vị phải cải tạo theo thứ tự treo cáp nêu trên. Trừ một số trường hợp ngoại lệ như: Cáp viễn thông, cáp truyền hình hiện hữu của các đơn vị treo trên cột điện quá nhiều và đan xen lẫn nhau, rất khó thực hiện được theo thứ tự nêu trên (để sắp xếp đúng theo thứ tự có thể phải cắt nối cáp...) thì thực hiện theo kết quả thực tế bó cáp của các đơn vị ở vị trí nào sẽ được chấp nhận ở vị trí đó.

Điều 16. Quy định phương pháp bó cáp và treo thẻ nhận diện cáp

1. Tại các vị trí cột điện

Đối với cáp dự phòng tại các vị trí cột, cáp phải được quấn vào các khung chuyên dùng và bắt chắc chắn vào thân cột (khung cáp dự phòng được bắt vào cột điện bằng các cổ dê, không được dùng bu lông xỏ qua lỗ leo cột điện).

Tại các vị trí cột đặc biệt trên lưới điện như: Cột có lắp các thiết bị, trạm biến áp, cột dừng, cột góc, cột vượt... Đơn vị có cột điện sẽ có thỏa thuận và thống nhất cách thực hiện riêng tại từng vị trí với các đơn vị khi khảo sát hiện trường.

2. Tại các vị trí dọc theo tuyến cáp viễn thông, cáp truyền hình

Tại các vị trí dọc theo tuyến cáp cách cột 01 mét, các đơn vị chủ quản cáp phải bó cáp của đơn vị mình thành bó riêng, khoảng cách giữa các mối bó cáp kề nhau 05 mét.

+ Đối với vị trí ít cáp viễn thông ( 03 sợi) không treo gông, các đơn vị viễn thông bó riêng cáp của đơn vị mình.

+ Đối với các vị trí cột có cáp của từ 03 đơn vị trở lên thì các cáp này sau khi nhận diện và bó lại theo từng đơn vị còn được bó chung thành một bó cáp bằng dây bó cáp chuyên dùng.

3. Treo thẻ nhận diện cáp

Tại khoảng cách tối đa 300m tại vị trí néo, vị trí nối cáp, tuyến cáp phải được treo thẻ nhận diện cáp theo đúng bản vẽ sơ đồ tổ chức mạng viễn thông, truyền hình cáp, sơ đồ mặt bằng chi tiết. Thẻ nhận diện cáp được treo cố định vào bó cáp cách thân cột ≥ 0,5 mét, thẻ này có kích thước và màu sắc thống nhất theo Quy định này.

Điều 17. Độ võng tối thiểu

1. Độ võng tối thiểu của cáp treo trên cột điện phải được tính toán và quy định theo QCVN 33:2011 về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông.

2. Nếu tính toán độ võng tối thiểu (quy định tại Khoản 1, Điều này) vi phạm các quy định, yêu cầu về an toàn điện thì việc tính toán độ võng tối thiểu này phải tuân theo Điều: II.4.48; II.4.49; II.4.50 của Quy phạm trang bị điện ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BCN ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

3. Các đơn vị sử dụng cột điện có trách nhiệm nghiên cứu, thực hiện theo đúng các quy định, yêu cầu về an toàn điện.

Chương IV

TỔ CHỨC THI CÔNG

Điều 18. Các yêu cầu về an toàn khi tổ chức thi công

1. Trước khi đơn vị thi công treo cáp viễn thông, cáp truyền hình phải có phương án tổ chức thi công được đơn vị có cột điện chấp thuận, đồng thời lập phiếu công tác theo mẫu của đơn vị có cột điện.

2. Khi thực hiện treo cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện phải tuân thủ các quy định về an toàn điện trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn điện, Quy phạm trang bị điện và Luật Điện lực.

3. Kết thúc công việc phải kiểm tra thu hồi hết dụng cụ thi công, trả mặt bằng thi công, dọn sạch mặt bằng thi công và bàn giao mặt bằng thi công cho đơn vị có cột điện.

4. Đảm bảo an toàn cho vận hành lưới điện, khi lắp đặt các phụ kiện treo cáp, kéo cáp và hộp cáp, tuyệt đối không được đục thân cột, không được tác động xung lực vào thân cột.

5. Khi đào móng cột điện để gia cường thêm móng phải có biện pháp ngăn ngừa cột điện bị đổ, phải làm cây chống hoặc dây chằng tạm cho cột.

6. Khi kéo cáp qua đường phải có phương án bảo đảm an toàn giao thông và vệ sinh môi trường được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép thi công trên đường bộ đang khai thác hoặc có phương án bảo đảm giao thông thủy được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, tránh gây ra xung lực làm nghiêng và có thể gãy cột.

7. Trước khi kéo cáp viễn thông, cáp truyền hình lên cột điện phải thực hiện xong các hạng mục thi công về gia cường cột, gia cường móng cột, lắp dây chằng cột dừng, cột góc… Để đảm bảo an toàn khi thi công kéo cáp.

Điều 19. Nghiệm thu

1. Việc nghiệm thu được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy định của đơn vị có cột điện.

2. Đơn vị sử dụng chung cột điện sau khi hoàn thành công trình phải chủ động phối hợp với đơn vị sở hữu cột điện để thực hiện công tác nghiệm thu.

3. Các biên bản nghiệm thu các giai đoạn, nghiệm thu tổng thể, biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng phải được lập theo đúng biểu mẫu được pháp luật quy định. Đơn vị sử dụng cột điện phải thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Hội đồng nghiệm thu và đúng theo Quy định này.

4. Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng là căn cứ pháp lý để đơn vị có cột điện làm thủ tục bàn giao đưa công trình vào khai thác vận hành, quyết toán công trình.

Chương V

TRÁCH NHIỆM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Điều 20. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, các đơn vị có cột điện, các đơn vị sử dụng chung cột điện và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này.

2. Phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng chung cột điện thực hiện các nghĩa vụ theo Quy định này.

3. Chủ trì phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc xây dựng Kế hoạch, Quy trình cải tạo, làm gọn cáp viễn thông, cáp truyền hình hàng năm trên địa bàn tỉnh và phối hợp triển khai thực hiện sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 21. Sở Công Thương

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông giải quyết vướng mắc, hướng dẫn và công khai quy trình thủ tục quản lý nhà nước về việc đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, thu hồi có liên quan đến việc sử dụng chung cột điện trong phạm vi toàn tỉnh.

Điều 22. Sở Giao thông Vận tải

1. Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn các đơn vị các quy trình, thủ tục di dời hệ thống cột điện để thực hiện dự án, công trình giao thông.

2. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan về các giải pháp xây dựng hào kỹ thuật chung cho các công trình, kết cấu hạ tầng như: Điện, nước, mạng thông tin dữ liệu, cáp viễn thông, cáp truyền hình, chiếu sáng công cộng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 23. Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn các quy định và các chính sách tài chính cho tổ chức, cá nhân thực hiện các loại hình dịch vụ thuê, miễn phí sử dụng chung cột điện, hào kỹ thuật.

Điều 24. Cục Thuế tỉnh

Hướng dẫn việc đăng ký nộp thuế, thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật cho đầu tư sử dụng cột điện chung, hào kỹ thuật chung đối với công trình, kết cấu hạ tầng như: Điện, nước, mạng thông tin dữ liệu, cáp viễn thông, cáp truyền hình, chiếu sáng công cộng.

Điều 25. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

1. Phối hợp với các sở, ngành liên quan để quản lý việc sử dụng chung cột điện, việc duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, di dời cột điện và việc cải tạo, làm gọn hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình trên cột điện.

2. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng trực thuộc hỗ trợ cho đơn vị có cột điện và đơn vị sử dụng chung cột điện thực hiện tốt Quy định này.

3. Giám sát việc tháo dỡ tuyến cáp viễn thông, cáp truyền hình không xác định được chủ sở hữu, không bó cáp đúng quy định hoặc tự ý treo trên cột điện mà chưa có sự đồng ý của đơn vị có cột điện.

Điều 26. Đơn vị có cột điện

1. Đơn vị có cột điện quản lý chặt chẽ vấn đề treo cáp viễn thông, cáp truyền hình trên hệ thống cột điện.

2. Có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý các tuyến cột điện có treo cáp viễn thông, cáp truyền hình với các nội dung: Đơn vị thuê cột điện; chủng loại và số lượng từng loại cáp treo trên cột điện; điểm đầu - điểm cuối của tuyến cáp viễn thông, cáp truyền hình; số và ngày ký hợp đồng thuê cột điện; đơn vị hoặc cá nhân được giao trách nhiệm quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện.

3. Định kỳ hàng tháng kiểm tra các tuyến cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện để cập nhật các thông tin: Tình trạng hiện tại của tuyến cáp treo trên cột điện; số lượng cáp phát sinh mới của đơn vị sử dụng cột điện có ký hợp đồng; số lượng cáp phát sinh mà không xác định được chủ thể. Báo cáo và đề xuất cấp có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Sở Thông tin và Truyền thông) để xử lý những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện.

4. Thông báo và yêu cầu đơn vị sử dụng cột điện thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn điện theo quy định của pháp luật, của Quy định này và theo quy định của đơn vị có cột điện.

5. Kiểm tra, tính toán khả năng chịu lực và tải trọng an toàn của cột điện trước khi tiến hành thủ tục cho treo cáp viễn thông, cáp truyền hình.

6. Nếu phát hiện cáp viễn thông, cáp truyền hình treo trên cột điện gây mất an toàn cho cộng đồng hoặc cho hệ thống điện thì có trách nhiệm xử lý ngay và thông báo cho đơn vị sử dụng cột điện biết để có biện pháp khắc phục. Trường hợp khẩn cấp nguy cơ gây mất an toàn là nghiêm trọng và cận kề mất an toàn thì đơn vị có cột điện chịu trách nhiệm xử lý ngay, lập biên bản và tiến hành tháo dỡ để đảm bảo an toàn và không chịu trách nhiệm liên quan về việc mất tín hiệu của tuyến cáp. Sau đó mời đơn vị chủ sở hữu tuyến cáp liên quan để phối hợp giải quyết và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông) biết.

7. Có trách nhiệm đưa các quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, các yêu cầu về kỹ thuật, trình tự thủ tục treo cáp viễn thông, cáp truyền hình của Quy định này vào nội dung hợp đồng để hai bên ký kết và thực hiện. Đối với đơn vị sử dụng cột điện thuộc diện không phải ký hợp đồng theo quy định tại Khoản 3, Điều 10 của Quy định này thì cần hướng dẫn, yêu cầu thực hiện theo quy định của pháp luật, của Quy định này và quy định của đơn vị có cột điện.

8. Thông báo thời gian khởi công công trình cải tạo, làm gọn cáp viễn thông, cáp truyền hình để các đơn vị có cáp phối hợp thực hiện và báo cáo chính quyền địa phương theo dõi và hỗ trợ.

Điều 27. Đơn vị có sử dụng chung cột điện

1. Tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn điện theo Quy định này và theo quy định của pháp luật liên quan.

2. Tự chịu trách nhiệm về mất mát, hư hỏng đối với cáp viễn thông, cáp truyền hình của mình treo trên cột điện.

3. Có trách nhiệm tháo dỡ cáp của mình nếu cáp có nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng hoặc hệ thống điện hoặc nhận được thông báo của đơn vị có cột điện. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, đơn vị có cột điện có quyền phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thực hiện tháo dỡ tuyến cáp đó mà không chịu trách nhiệm về việc mất mát, hư hỏng cáp và việc gián đoạn thông tin liên lạc.

4. Phải ký hợp đồng thuê cột điện với đơn vị có cột điện và thanh quyết toán đầy đủ đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng (riêng đối với các đơn vị đặc thù không kinh doanh như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh không phải ký hợp đồng thuê cột).

5. Trường hợp treo thêm, treo mới cáp phải được sự đồng ý bằng văn bản của đơn vị có cột điện và đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ theo Quy định này và quy định của pháp luật liên quan.

6. Khi thực hiện treo cáp viễn thông, cáp truyền hình lên cột điện phải thực hiện các thủ tục đăng ký (trình tự thủ tục được quy định tại Điều 11 của Quy định này và quy định của đơn vị có cột điện).

7. Tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Quy định này và các thỏa thuận khác trong hợp đồng đã ký kết.

8. Chuẩn bị nhân công để thực hiện các công tác gồm: Nhận diện cáp, bó cáp, treo thẻ nhận diện cáp và biển báo độ cao treo cáp của doanh nghiệp.

9. Tháo dỡ, thu hồi các tuyến cáp thông tin của đơn vị mình không còn sử dụng đang treo trên cột điện.

10. Phối hợp với đơn vị có cột điện thực hiện công tác làm gọn cáp: Đưa cáp vào gông, giá đỡ sau khi đơn vị có cột điện đã hoàn tất lắp đặt các gông, khung quấn cáp.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc Chính phủ ban hành những văn bản mới có liên quan đến nội dung của Quy định này thì Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương và các ngành, các cấp có liên quan đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 08/2014/QĐ-UBND về sử dụng chung cột điện để treo, mắc cáp viễn thông, cáp truyền hình trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

  • Số hiệu: 08/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Lê Minh Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản