Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2009/QĐ-UBND | Vĩnh Long, ngày 07 tháng 4 năm 2009 |
BAN HÀNH ĐỀ ÁN VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số: 24/2008/NQ-CP, ngày 28/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 04/11/2008 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long;
Xét đề nghị của ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và được đăng công báo tỉnh.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08./2009/QĐ-UBND ngày 07 /4/2009 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Vĩnh Long)
THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN
Kinh tế tỉnh nhà những năm gần đây có bước phát triển khá. Đến hết năm 2008, tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2008 tăng bình quân trên 12%/năm. Trong đó, tỷ trọng khu vực I chiếm 53,5%, khu vực II chiếm 15,2%, khu vực II chiếm 31,3%. Nền nông nghiệp của tỉnh là một nền sản xuất tiên tiến trong khu vực, có cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Nông thôn từ thời kỳ đổi mới đến nay phát triển tương đối khá, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch… Nông dân là lực lượng quan trọng trong sản xuất, chiếm cơ cấu trên 60% lao động của tỉnh, đã và đang đóng góp hiệu quả cho kinh tế tỉnh nhà, là lực lượng cách mạng tin tưởng của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, Hội Nông dân đã thể hiện tốt vai trò một tổ chức chính trị - xã hội quan trọng và đã có những đóng góp to lớn trong hỗ trợ nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện kinh tế nông thôn.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây chuyển dịch đúng hướng, ngành nông nghiệp giai đoạn 2001-2005 giảm bình quân 0,75%/năm, và giảm mạnh giai đoạn 2006-2008 (bình quân 1,25%/năm). Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 59,2% nằm 2000 giảm còn 53,5% năm 2008. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất cao (trên 50%) trong cơ cấu tổng sản phẩm và có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2008.
1. Sản xuất nông nghiệp - thủy sản:
Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (giá cố định 1994) trong giai đoạn 2000-2008 tăng bình quân 5,9%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 4,8%/năm, lâm nghiệp tăng 1,35 %/năm, thủy sản tăng 26,65%/năm. Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng hàng năm không ổn định, tăng nhiều trong những năm 2003, 2004, 2005 bình quân trên 6%/năm; năm 2006, 2007 mức giảm chỉ còn trên 4,6%/năm; riêng năm 2008 lại tăng nhanh 7,64%, là năm có mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2000-2008. Các giải pháp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp chủ yếu bằng tăng vụ; năng suất lúa đã dần bão hoà; trong khi đó lại gặp phải tác động bất lợi của điều kiện tự nhiên (lũ, hạn, dịch bệnh liên tục trên cây trồng và vật nuôi...), giá cả nông sản không ổn định làm cho sản xuất có dấu hiệu chậm lại.
Tuy có những khó khăn nhất định do thiên tai, dịch bệnh, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có những tiến bộ quan trọng về năng suất và sản lượng. Năng suất lúa tăng khá, diện tích cây lâu năm được mở rộng; đàn bò và đàn heo tăng mạnh; ngành thủy sản có bước đột phá về diện tích và sản lượng nuôi.
Cơ cấu nông-lâm-thủy sản: giai đoạn 2001-2008, có sự chuyển dịch theo hướng tăng mạnh ngành thủy sản. Tỉ trọng tương ứng: 2000: 95,19%-0,98%-3,83%; năm 2008: 84,14%-0,64%-15,22%. Cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ: có dấu hiệu gia tăng ngành trồng trọt. Tỉ trọng tương ứng: năm 2000: 73,47%-22,58%-3,95%; năm 2007: 74,37%-21,78%-3,85%. Riêng năm 2008 ngành chăn nuôi có dấu hiệu phục hồi, tỉ trọng tương ứng 70,44%-25,94%-3,62%. Qua đó nhận thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp tuy thiếu ổn định nhưng tiếp tục phát triển đúng hướng.
Khoa học kỹ thuật được áp dụng khá rộng rãi: Giai đoạn 2000-2007 đã thực hiện 38 đề tài/dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp bộ (kinh phí trên 11 tỷ đồng). Trong năm 2008 đã hợp đồng thực hiện 12 đề tài – tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng. Nhiều đề tài, dự án khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào phục vụ sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra nhiều mô hình kinh tế tổng hợp, đạt lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha, phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương, góp phần tích cực cho việc tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có bước tiến bộ: Tình hình cơ giới hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực; máy làm đất, máy thu hoạch, máy sấy lúa... được nông dân đầu tư ngày càng nhiều. Ước đến 2008 đã cơ giới hóa 100% khâu tuốt lúa, 96% diện tích khâu làm đất, 31% diện tích thu hoạch, 24,5% sản lượng sấy… từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thất thoát, giảm giá thành sản xuất. Tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để nông dân mua thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổng số tiền đầu tư hơn 57 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng có hỗ trợ lãi suất hơn 40 tỷ đồng, còn lại là vốn dân đầu tư.
Mô hình và giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh: giá trị sản xuất liên tục gia tăng từ 29,75 triệu đồng/ha năm 2003 lên 43,68 triệu đồng/ha năm 2005, 62,31 triệu đồng/ha vào năm 2007 và ước năm 2008 đạt 75 triệu đồng/ha. Ngoài ra, diện tích sản xuất đạt giá trị trên 50 triệu/ha/năm cũng tăng mạnh hàng năm như: từ 29.300 ha (2005), 32.530 ha (2006), 34.305 ha (2007) và lên đến 48.893 ha (2008). Một số mô hình cho giá trị sản xuất, năng suất cao xuất hiện nhiều như: Hợp tác xã Bưởi Năm Roi tại xã Mỹ Hòa - Huyện Bình Minh với diện tích 31 ha, hiệu quả kinh tế 50 - 60 triệu đồng/ha. Mô hình Cam sành xã Tân Hội - Thị xã Vĩnh Long, hiệu quả kinh tế 150 - 180 triệu đồng/ha. Mô hình Chôm chôm cho trái nghịch vụ tại Bình Hòa Phước- Long Hồ, Quới Thiện Vũng Liêm, hiệu quả kinh tế 80 -120 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất khoai lang tại xã Tân Thành, Tân Qiới – Bình Tân hiệu quả kinh tế từ 300-400 triệu đồng/ha….
2. Các tổ chức sản xuất và lao động ở nông thôn:
2.1. Một số tổ chức sản xuất chủ yếu ở nông thôn:
Kinh tế trang trại: Theo thống kê toàn tỉnh có 361 trang trại bao gồm các loại hình: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tổng hợp… Tổng vốn đầu tư của các trang trại ước khoảng 171 tỷ đồng; diện tích bình quân khoảng 2,4 ha/trang trại. Bước đầu hình thành một số trang trại sản xuất hàng hóa qui mô lớn, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của địa phương. Đến hết năm 2008, các huyện thị đã cấp 112 giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trong thực tế, nếu áp dụng theo các tiêu chí trang trại hiện hành, số lượng trang trại có thể lớn hơn rất nhiều, tuy nhiên người dân vẫn còn e ngại trong việc đăng ký chứng nhận kinh tế trang trại.
Hợp tác xã nông nghiệp: Hiện toàn tỉnh có 32 HTX nông nghiệp và 01 liên hiệp HTX thủy sản; các hợp tác xã tuy có phát triển nhưng chưa thật bền vững, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn hoạt động và khâu tiêu thụ sản phẩm. Năm 2008 trên 40% hợp tác xã hoạt động có lãi; một số HTX có được uy tín nhất định về chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm như HTX Rau an toàn Thành Lợi, HTX Bưởi Mỹ Hòa, HTX Phước Hậu, HTX Tân Thành….
Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp: Hiện nay toàn tỉnh có 2.127 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, ước có hơn 81.000 hộ tham gia tổ hợp tác; với hơn 22 loại hình, một số tổ hoạt động chuyên, còn phần lớn các tổ chỉ hoạt động hợp tác giản đơn. Số lượng tổ khá giỏi đạt trên 50% theo tiêu chí phân loại của UBND Tỉnh.
Doanh nghiệp nông nghiệp: Tính từ năm 2000-2008, trên địa bàn nông thôn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được 624 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.189 tỷ đồng, giải quyết việc làm khoảng hơn 6.580 lao động. Qui mô bình quân hơn 3,5 tỷ đồng/doanh nghiệp. Trong đó, ngành nông nghiệp chiếm khoản 4,5% số doanh nghiệp, 24% vốn đầu tư; ngành công nghiệp chiếm khoảng 21% số doanh nghiệp, 26% vốn đầu tư.
2.2. Về chuyển dịch cơ cấu lao động và trình độ lao động: Trong tổng số lao động đang làm việc năm 2008, số lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật ước khoảng 29,87%. Tuy nhiên, lao động nông thôn qua đào tạo còn thấp. Cơ cấu ngành nghề của lao động nông thôn có sự thay đổi theo xu hướng tiến bộ; lao động nông lâm thủy sản năm 2005 là 68,6% đến năm 2007 là 66%; bình quân tỷ trọng lao động khu vực nông-lâm-thủy sản giảm 1,3%/năm, chuyển dịch sang khu vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên sự chuyển dịch cơ cấu lao động chậm hơn so với chuyển dịch cơ cấu kinh tế (2,44%).
3. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội:
3.1. Thủy lợi: Đã hình thành hệ thống công trình thủy lợi như kênh, đê bao, cống hở, bọng, kè... góp phần khép kín thuỷ lợi đạt diện tích 96.000 ha (chiếm 82,53% diện tích đất nông nghiệp), trong đó có: 70.625 ha ngăn được lũ lớn (chiếm 73,57% diện tích khép kín thủy lợi); 49.997 ha diện tích chủ động tưới tiêu (chiếm 42,9% diện tích khép kín thủy lợi).
3.2. Giao thông nông thôn: Tổng mức vốn đầu tư xây dựng giao thông nông thôn từ năm 2000-2008 trên 900 tỉ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh trên 630 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 124 tỷ đồng, còn lại các nguồn khác trên 150 tỷ đồng. Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đến hết năm 2008 có có 87/94 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã; 72/94 xã có đường liên ấp được nhựa hóa/bê tông hóa trên 50%; 768/846 ấp/khóm xe hai bánh lưu thông suốt 2 mùa mưa nắng. Đến tháng 12/2008 toàn tỉnh có 186/207 km đường tỉnh (90%), 227/350 km đường huyện (65%) được láng nhựa.
3.3. Điện nông thôn: Năm năm gần đây, tỉnh đã tập trung đầu tư nhiều chương trình, dự án điện khí hóa, phát triển điện nông thôn đến tận các vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc, vùng căn cứ cách mạng. Đến nay có 100% số xã có điện với trên 97,57% số hộ dân có điện sử dụng. Giá bán điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đảm bảo theo quy định của Chính phủ.
3.4. Nhà ở nông thôn:
Đến năm 2006, có 23,6% nhà ở nông thôn là nhà tạm và 23,03% nhà khung gỗ lâu bền, mái lá, còn lại là nhà kiên cố và bán kiên cố chiếm 53,37%. Diện tích nhà ở bình quân hộ nông thôn là 60,2m2.
Thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lụt Đồng bằng Sông Cửu Long, tỉnh đã xây dựng 42 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đã bố trí cho 6.215 hộ dân nhận nền, xây nhà và vào ở. Tỉnh còn tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng, cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ (giai đoạn 2), ước kinh phí 187 tỷ đồng, có khả năng bố trí cho 3.520 hộ dân.
3.5. Hệ thống chợ: Hoạt động thương mại dịch vụ của tỉnh ngày một phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Mạng lưới chợ được mở rộng, tính đến cuối năm 2008 toàn tỉnh có 101 chợ, trong đó 15 chợ thị và 86 chợ ở nông thôn; 01 chợ loại một, 15 chợ loại hai và 85 chợ loại ba. Tổng nguồn vốn đầu tư cho chợ từ năm 2003-2008 là 256 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau.
3.6. Trường, lớp học: Nhà nước đã bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản thông qua các đề án kiên cố hóa trường lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đến năm 2006, 100% xã có trường tiểu học, 90,43% xã có trường trung học cơ sở; mỗi huyện có 2-3 trường cấp III hoặc cấp II-III. Năm học 2008-2009, toàn tỉnh có 490 trường; tổng số phòng học mầm non, phổ thông là 5.095 phòng, trong đó phòng học kiến cố (cấp 3 và cấp 4) là 4.965 phòng, số phòng tạm thời và tre lá là 130 phòng (2,55%). Đến hết 2008 toàn tỉnh có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 10%. Công tác phổ cập giáo dục được tiếp tục cũng cố và nâng cao tỉ lệ đạt chuẩn quốc gia; chống mù chữ đạt tỉ lệ 98,28%, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 98,87%.
Ngoài ra, tỉnh có 1 trường đại học, 5 trường cao đẳng và 3 trường trung học chuyên nghiệp phục vụ tốt cho yêu cầu học tập của người dân.
3.7. Trạm y tế: Chất lượng khám và điều trị từng bước được cải thiện. Đến cuối năm 2008, toàn tỉnh đã có 80/107 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt tỉ lệ 74,76%; số bác sĩ tại 107 xã phường là 97 - người đạt tỷ lệ 90,65%. Mạng lưới y tế nói chung ngày càng được mở rộng với 01 bệnh viện đa khoa tỉnh, 01 bệnh viện đa khoa quân - dân y, 6 bệnh viện đa khoa huyện, 6 phòng khám đa khoa khu vực và 102 trạm y tế xã phường; tổng số giường bệnh 1.740 giường. Số cán bộ y tế cũng không ngừng tăng lên, từ 1.900 người năm 2000 lên 2.487 người năm 2008.
3.8. Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn:
- Về nước sinh hoạt: Từ nhiều nguồn vốn đầu tư đến năm 2008 đã thực hiện: 104 công trình hệ cấp nước tập trung công suất trên 100 m3/ ngày đêm; mở rộng được 60.230m đường ống chính; 110.000 lu xi măng 1,3 – 2 m3; 426.224 lu xi măng 200 lít; 3.465 bể chứa nước mưa 4 m3; 5.173 giếng khoan bơm tay UNICEF. Ước đến 2008 tỉnh Vĩnh Long cung cấp nước sạch cho 83% hộ dân nông thôn (nước phổ thông), trong đó có 53% dân số sử dụng nước sạch theo quy định của Bộ Y tế.
- Về vệ sinh môi trường nông thôn: mặc dù có khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhưng từ sự nỗ lực của các ban ngành, các địa phương và nhân dân đã thực hiện nhiều công trình vệ sinh gia đình, trong chăn nuôi,... Kết quả: hiện toàn tỉnh có khoảng 68% hộ dân nông thôn sử dụng hố xí hợp vệ sinh; số chuồng trại hợp vệ sinh chiếm 11% trên tổng số chuồng trại vùng nông thôn; xây dựng 381 công trình vệ sinh công cộng. Toàn tỉnh có 41% số điểm trường, 80% cơ sở y tế có hố xí hợp vệ sinh; công tác thu gom và vận chuyển rác từng bước được cải thiện, các khu vực trung tâm thị trấn huyện, các điểm chợ được trang bị phương tiện thu gom rác thải.
3.9. Văn hóa, thể thao:
Đến năm 2008, 100% xã có hệ thống truyền thanh đến ấp, 27/94 xã có nhà văn hóa; 91/94 xã có bưu điện văn hóa. Ngoài ra, tỉnh có 01 trung tâm văn hóa tỉnh, 5 trung tâm văn hóa huyện, thị; bên cạnh đó, hệ thống 9 thư viện với hơn 300 ngàn đầu sách phục vụ khá tốt cho học tập và nghiên cứu của nhân dân.
Cuối năm 2008, có 100% xã phường, thị trấn thực hiện quy chế dân chủ, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị 01/TU của Tỉnh ủy về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng”. Thực hiện tiêu chuẩn mới, toàn tỉnh có gần 190 ngàn hộ gia đình văn hóa (đạt 81,75%); có hơn 10.700 tổ nhân dân tự quản đạt văn hóa (đạt 78,77%); có gần 640 khu dân cư văn hóa theo tiêu chí cũ, trong đó có 195 ấp khóm đạt tiêu chuẩn văn hóa theo tiêu chí mới; 39 xã, phường đạt tiêu chuẩn văn hóa, trong đó 8 xã, phường đạt tiêu chuẩn văn hóa mới.
Năm 2008, có khoảng 276 ngàn người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên (23,2% dân số); toàn tỉnh có 23 sân bóng đá, 18 nhà tập thể thao đơn giản, 32 sân quần vợt, nhiều sân cầu lông và bóng chuyền khác... Các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng khá tốt yêu cầu của người dân như: câu lạc bộ đờn ca tài tử, điểm vui chơi, các câu lạc bộ thể thao, tổ chức các giải, hội thao, tổ chức các trò chơi dân gian....
4. Thu nhập người dân nông thôn và công tác xóa đói giảm nghèo:
GDP bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2008 đạt 14,8 triệu đồng/năm (tương đương 870 USD).
Về tích lũy, bình quân hộ nông thôn là 7,25 triệu đồng/năm, trong đó tích lũy bằng tiền mặt và các khoản khác chiếm tỷ trọng lớn 94,06%. Tuy nhiên mức độ tích lũy thấp hơn so với trung bình khu vực ĐBSCL, nhưng cao hơn trung bình chung cả nước.
Công tác xóa đói giảm nghèo được các cấp, các ngành quan tâm và tổ chức thực hiện. Đến cuối năm 2008, tỉ lệ hộ nghèo còn 8,6% với tổng số hộ nghèo 20.570 hộ. Hàng năm tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo tỉnh Vĩnh Long (QĐ 1586/2006/QĐ-UBND); xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm hỗ trợ người nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Thực hiện chính sách BHYT cho người nghèo 2008, tỉnh đã cấp 111.192 thẻ BHYT cho hộ nghèo và các cụ cao tuổi từ 85 trở lên. Thực hiện chính sách xây dựng nhà đại đoàn kết, năm 2008 đã cất mới và bàn giao 1.673 căn; nâng số lượng đã xây dựng và tặng lên hơn 20 ngàn căn, tổng số vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.
5. Hệ thống chính trị cơ sở:
Đảng và nhà nước luôn quan tâm, kiện toàn và nâng cao năng lực cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ cấp xã phường.
Công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã của tỉnh trong thời gian qua có nhiều tiến bộ, đã chuẩn hóa được một số cán bộ, công chức có đủ trình độ theo quy định, công tác đào tạo được tập trung gắn với quy hoạch, kế hoạch và đào tạo có địa chỉ.
Hội nông dân các cấp đã phát huy tốt vai trò vận động, phối hợp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn mới.
6. Về an ninh trật tự:
Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là những vùng trọng điểm, đồng bộ với phát triển kinh tế. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật được tăng cường và đạt kết quả khá tốt. Nhận thức về pháp luật trong nhân dân và cán bộ có bước chuyển biến mới; ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên. Công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm chỉ đạo; việc khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp giảm... từ đó góp phần quan trọng trong việc ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như:
1. Về nông nghiệp:
- Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp. Cây lúa năng suất sản xuất đã đạt tới ngưỡng. Kinh tế vườn phát triển rất chậm, nguyên nhân do giá cả trái cây không ổn định và ở mức thấp gây bất lợi cho người sản xuất; việc tiêu thụ nông sản theo Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các HTX nông nghiệp; công tác xây dựng thương hiệu nông sản còn chậm. Cơ giới hóa cày xới, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến còn hạn chế.
- Vệ sinh an toàn trên nhiều loại nông sản chưa được chú trọng đúng mức; chất lượng nông sản chưa cao, chưa đồng đều, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nước. Công tác kiểm tra kiểm soát vệ sinh an toàn nông sản thực phẩm không thường xuyên, liên tục; điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng và vệ sinh nông sản thực phẩm…
- Hiệu quả sản xuất thấp, giá thành sản xuất của nhiều loại nông sản còn cao; các mặt hàng về trái cây như cam sành, bưởi 5 roi, xoài cát là đặc sản chính của địa phương, song chất lượng không đồng đều, sản xuất lại manh mún, giá thành cao, khó cạnh tranh với hàng hoá cùng loại của các nước khác trong khu vực. Các khâu sơ chế, chế biến còn yếu kém, người dân không thu được các giá trị gia tăng từ các khâu này.
- Công tác giống và cung ứng vật tư nông nghiệp chưa có sự quản lý, kiểm soát tốt dẫn đến tình trạng cây giống, phân bón... giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, gây thiệt hại cho nông dân.
- Rủi ro về dịch bệnh cao, khả năng chống chịu với dịch bệnh còn yếu kém do sản xuất qui mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, hay thả rong do đó gây khó khăn trong việc phòng ngừa dịch bệnh; chăn nuôi heo cũng ở tình trạng tương tự, số hộ nuôi số lượng nhỏ còn nhiều. Đa số các hộ nuôi, trồng và tự bán sản phẩm, không qua hợp đồng tiêu thụ, không có liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ.
- Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp (nông lâm thủy sản) đã đi đúng hướng, nhưng nếu tính theo cơ cấu trồng trọt-chăn nuôi-dịch vụ thì có dấu hiệu đáng lo ngại, hiện trồng trọt chiếm tỉ trọng lớn, đặc biệt là cây lúa, đang có xu hướng mở rộng. Ngành thủy sản có sự phát triển đột phá, nhưng sự phát triển nhìn chung chưa vững chắc và chưa tương xứng với tiềm năng. Việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản chưa tương xứng; chưa chú trọng công tác rà soát và đánh giá tác động môi trường của các hoạt động nuôi trồng.
- Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống thủy lợi, điện phục vụ sản xuất tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chất lượng chưa cao và thiếu bền vững; điện phục vụ sản xuất ở các vùng sâu thường yếu khiến thiết bị khó hoạt động, thường xuyên cúp điện trong mùa khô; hệ thống đê bao bằng đất phải thường xuyên sửa chữa, nhiều nơi vẫn chưa có đê bao bảo vệ; thiếu vốn cho đầu tư duy tu, sữa chữa hệ thống thủy lợi...
- Kinh tế hợp tác chưa phát triển mạnh, đặc biệt là khâu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, chậm xây dựng thương hiệu. Trình độ quản lý của một số ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế; nông dân tham gia hợp tác cũng như tổ chức hợp tác mang tính hình thức; hiệu quả kinh tế của một số hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thật sự hấp dẫn đối với nông dân. Kinh tế trang trại hiện còn ở qui mô rất khiêm tốn. Các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, trang trại chưa thực sự hỗ trợ các loại hình này.
- Vốn đầu tư cho nông nghiệp đạt thấp từ 16,53% năm 2006 xuống còn 5,98% năm 2008 trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh hàng năm. Tính theo tổng mức vốn đầu tư thì năm 2006 được đầu tư 66,35 tỷ đồng – tương đương 1,02% giá trị sản xuất nông nghiệp, năm 2008 là 41,81 tỷ đồng – tương đương 0,54% giá trị sản xuất nông nghiệp.
2. Về nông dân:
- Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn thấp hơn khu vực thành thị. Cụ thể, năm 2004 thấp hơn khu vực thành thị 34,7%, năm 2006 là 29,5%. Người dân nông thôn nói chung, nông dân nói riêng còn chịu nhiều thiệt thòi về mức hưởng thụ chăm sóc y tế, văn hóa. Khả năng tích lũy của nông hộ yếu, do đó khó khăn trong đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.
- Lao động trong nông thôn vừa thừa lại vừa thiếu, thiếu lao động trong thời điểm thu hoạch, thừa lao động trong thời gian nông nhàn. Lý do, do biến động lao động từng thời điểm cụ thể như: phần lớn lao động trẻ từ nông thôn ra thành thị làm việc nên thiếu hụt lao động vào lúc mùa vụ, áp lực từ lao động không có tay nghề, lao động từ thành thị về nông thôn…
- Tập quán làm ăn nhỏ lẻ là cản trở lớn nhất trong quá trình tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện hình thành ngành sản xuất lớn, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân lỏng lẻo, hầu hết hàng hóa nông sản chưa có nhãn hiệu, thương hiệu cạnh tranh trên thị trường... Thực hiện Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Vĩnh Long chưa chặt chẽ và đều khắp. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chủ trương “liên kết 4 nhà” bước đầu có triển khai nhưng qui mô nhỏ, chậm triển khai nhân rộng...
- Tốc độ giảm nghèo đang chậm lại, hộ cận nghèo có xu hướng tăng do ảnh hưởng của lạm phát tác động đến kinh tế chung của cả nước. Ngoài ra nguy cơ tái nghèo có thể tăng do thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả…
- Trình độ dân trí nông thôn còn rất hạn chế, ít có điều kiện học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ văn hóa, kỹ năng quản lý sản xuất và đặc biệt là kiến thức về thị trường.
3. Về nông thôn:
- Cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm, chợ, nước sạch, môi trường... có bước phát triển nhưng chưa đồng bộ. Mạng lưới giao thông đã cơ bản hình thành nhưng chưa bền vững (đường hẹp và chịu tải yếu). Các đường 907, 908 cần được đầu tư sữa chữa, nâng cấp. Tỉnh vẫn còn 7 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, gần 100 ấp chưa có đường dân sinh tốt.
- Một số ngành, lĩnh vực có qui hoạch nhưng thiếu vốn thực hiện; cơ chế quản lý điều hành quy hoạch chưa hiệu quả. Việc thực hiện các quy hoạch nhìn chung chưa đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các ngành, địa phương nên một số nội dung qui hoạch có sự trùng lấp, chồng chéo.
- Hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công trình có độ ổn định và tuổi thọ thấp, mau xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ đa mục tiêu; tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Vì vậy thủy lợi chưa đáp ứng với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng chuyên canh và nhu cầu phát triển bền vững. Các công trình thủy lợi một số nơi thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng đã tác động không tốt đến hiệu quả khai thác sử dụng.
- Công cụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn thô sơ, lạc hậu, nhất là khâu chế biến; kỹ năng lao động hạn chế, chủ yếu là lao động chân tay như khâu gieo sạ, thu hoạch, phơi lúa…
- Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ trang trại, cơ giới hóa, hợp tác hóa... tuy được quan tâm, nhưng tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, chồng chéo như thuế, tín dụng, đất đai... Đặc biệt là vốn hỗ trợ thực hiện các chính sách và vốn đối ứng thực hiện các dự án nói chung còn hạn chế.
- Ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng lên, nhất là ở các khu công nghiệp, một số các làng nghề, khu dân cư tập trung; rác thải y tế xử lý chưa đạt yêu cầu. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm vì ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân hiện nay.
III. NGUYÊN NHÂN CỦA TỒN TẠI VÀ HẠN CHẾ:
1. Nguyên nhân khách quan:
- Nông nghiệp, nông thôn tỉnh vốn có điểm xuất phát thấp, mật độ dân số cao (718 người/km2). Thu nhập bình quân đầu người đạt thấp so với cả nước và khu vực; nhiều nơi trong tỉnh thu nhập bình quân đầu người rất thấp, đặc biệt là ở xã nông thôn sản xuất nông nghiệp là chính. Bên cạnh đó, tư tưởng sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, tự mình làm chủ đất mình và tự mua bán làm giảm vị thế cạnh tranh của hàng hóa nông sản.
- Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, bất cập như việc quản lý chất lượng giống cây, con, vật tư nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm môi trường... Không có đủ cơ chế, con người, vật tư thiết bị phục vụ công tác kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, giống cây, con trên địa bàn. Một số cơ chế, chính sách của Trung ương đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chậm triển khai thực hiện...
- Gần đây, tình hình dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn như cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc, heo tai xanh, rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoán lá trên cây lúa... đã làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất; làm cho cơ cấu ngành chăn nuôi giảm nhẹ trong những năm gần đây.
- Kinh tế cả nước nói chung, kinh tế tỉnh nhà nói riêng có nhiều chuyển biến bất lợi. Giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng nhanh gần đây làm tăng chỉ số hàng hóa tiêu dùng, tăng tỉ lệ lạm phát ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, nhất là người nghèo. Đặc biệt giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn gia súc tăng cao làm ảnh hưởng đến người sản xuất.
2. Nguyên nhân chủ quan:
- Chưa có một chủ trương chung về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn dẫn đến sự không đồng bộ trong đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
- Người dân nói chung, còn thờ ơ với những cảnh báo của cơ quan chức năng, để có những bước chuẩn bị đối phó với các thay đổi về sản xuất và thị trường sau khi đã tham gia WTO.
- Quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn còn bất cập, chưa phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, do đó chưa đáp ứng tính đồng bộ và lâu dài trong xây dựng chính sách; một số qui hoạch mặc dù mới được phê duyệt nhưng nhanh chóng bị lỗi thời, cần được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho sát với tình hình thực tế.
- Mặc dù được nhà nước quan tâm đào tạo, tuy nhiên bộ máy cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu. Các quy định về chính sách hiện nay chủ yếu thực hiện cho trưởng đầu ngành cấp xã, nên các cán bộ cấp phó và tương đương chịu nhiều thiệt thòi, dẫn đến thiếu cán bộ có năng lực, cán bộ kế thừa. Trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở một số nơi còn hạn chế; chưa có chính sách đủ mạnh để khuyến khích cán bộ công tác ở cơ sở...
- Việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn còn yếu và lúng túng.
- Hệ thống thông tin, cập nhật thông tin, quản lý và điều phối dữ liệu chưa thống nhất. Hiện tại, nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội nông thôn chưa được thống nhất quản lý, nhiều số liệu ở nhiều ngành khác nhau nên việc quản lý sử dụng số liệu phục vụ xây dựng chính sách gặp nhiều khó khăn. Một số chỉ tiêu về nhà ở, cơ giới hóa nông nghiệp, kinh tế nông thôn chưa có sự thống nhất cao do chưa có số liệu cơ sở và điều tra hàng năm.
- Thiếu chỉ đạo đầu tư, phối hợp có hiệu quả giữa các ngành trong xây dựng và phát triển nông thôn. Điều này thể hiện rõ trong việc xây dựng mô hình thí điểm phát triển nông thôn mới. Mặc dù đề xuất ban chỉ đạo gồm nhiều ngành tham gia nhưng trong chỉ đạo thì các ngành lồng nghép các nội dung vời nhiều địa phương khác nhau, chưa có sự thống nhất về địa điểm đầu tư tập trung, vùng đầu tư chiến lược.
- Nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn rất lớn, đặc biệt là vốn để thực hiện các dự án theo quy hoạch đã được duyệt còn hạn chế, chưa tương xứng với mức đóng góp của nông nghiệp, nông thôn.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về việc thực hiện vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đề án cần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ sau đây:
1. Mục tiêu chung:
- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; nâng cao dân trí; nâng cao cơ hội học tập và chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ.
2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể:
2.1. Mục tiêu đến 2020:
+ Về nông nghiệp:
- Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm - thủy sản tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 4%-4,5%/năm.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đưa tiêu chuẩn GlobalGAP vào thực hiện ở các nông sản chủ lực của tỉnh như lúa, cây có múi, xoài, khoai lang và một số loại rau. Nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, phấn đấu đến năm 2020 đạt bình quân trên 129 triệu đồng/năm/1 ha đất canh tác. Đảm bảo diện tích sản xuất lương thực phù hợp yêu cầu, giữ diện tích đất canh tác lúa khoảng 40.000ha.
- Tiếp tục đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các công trình thủy lợi kết hợp giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa chức năng, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tốt cho giao thông nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển nông sản hàng hóa. Phấn đấu có 100% diện tích nông nghiệp được khép kín thuỷ lợi, tương đương 108.000-110.000 ha; 60% diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động theo lợi thế tận dụng thủy triều biển Đông.
- Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần cơ cấu lao động nông nghiệp, tăng dần cơ cấu lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực phi nông nghiệp từ bình quân trên 20.000 lao động/năm. Phấn đấu đến năm 2020, lao động trong nông nghiệp còn lại dưới 35% lực lượng lao động của tỉnh.
+ Về nông dân:
- Nâng cao trình độ giác ngộ và vị thế chính trị của giai cấp nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xóa đói, giảm nghèo; phấn đấu nâng cao thu nhập bình quân nhân khẩu 1.381 USD/năm). Phấn GDPnông thôn đạt trên 22 triệu đồng/năm (tương đương đấu bình quân đầu người toàn tỉnh từ 2.400 USD trở lên.
- Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ở tất cả các tuyến y tế trong các lĩnh vực phòng bệnh, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe, đặc biệt là vùng nông thôn. Giảm tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch; không để dịch bệnh lớn xảy ra.
- Nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa cho nhân dân ở hầu hết các vùng nông thôn. Phấn đấu có 70% xã phường đạt chuẩn văn hóa, 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt các yêu cầu về chuẩn hóa nghề nghiệp, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng dạy và học, hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học, nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp nhằm đảm bảo vững chắc kết quả phổ cập giáo dục.
- Tỉ lệ lao động có chuyên môn, kỹ thuật qua đào tạo, tự học, truyền nghề... đạt trên 50%. Cơ bản giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; nâng tỷ lệ thời gian sử dụng lao động của lực lượng lao động trong độ tuổi ở nông thôn trên mức 85%. Bình quân giai đoạn 2011-2020 xuất khẩu từ 1.000-1.200 lao động/năm. Phấn đấu tỉ lệ tăng dân số bình quân toàn tỉnh dưới 1%.
+ Về nông thôn:
- Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết cơ bản việc làm cho dân cư nông thôn. Hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nông thôn, phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Phấn đấu mỗi huyện, thị đều có ít nhất một khu, cụm công nghiệp phục vụ và thu hút đầu tư từ 70% diện tích khu, cụm trở lên.
- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Phấn đấu cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất; có từ 75% trở lên đường liên ấp ô tô đi được; nâng tải, nhựa hóa các hương lộ trong toàn tỉnh ước khoảng 350km; nâng cao hiệu quả vận tải đường thủy nội địa, đảm bảo luồng lạch thông thoáng, xây dựng hệ thống cầu, cảng phối hợp tốt với giao thông đường bộ.
- Phấn đấu 100% xã có chợ kiên cố (chợ loại 3); mỗi huyện có ít nhất 01 chợ loại 1, từ 4 đến 6 chợ loại 2.
- Đảm bảo cung cấp điện sinh hoạt cho trên 99% hộ dân cư nông thôn tập trung; đáp ứng điện sản xuất cho 100% các cụm công nghiệp, làng nghề và dịch vụ nông thôn; mở rộng hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Phấn đấu có 90% hộ dân trở lên sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
- Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo tiêu chí trung ương quy định) đạt trên 60% trên tổng số xã nông thôn toàn tỉnh.
- Đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của chuẩn quốc gia về trạm y tế; phấn đấu duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế cho 100% trạm y tế xã đã đạt chuẩn.
- Về cơ sở vật chất văn hóa - thể thao: phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn có một khu vui chơi, giải trí và luyện tập thể dục, thể thao; phát triển các cơ sở vật chất văn hóa thể thao khác theo yêu cầu và điều kiện thực tế của địa phương.
- Phấn đấu đến năm 2015 có 50% trường tiểu học, 40% trường học đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thiện cơ sở vật chất và qui mô trường lớp mầm non, phổ thông tạo điều kiện tốt nhất nâng cao chất lượng giáo dục. Phấn đấu đến năm 2015 tỉnh Vĩnh Long đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học.
- Nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Kiểm soát, ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.
2.2. Mục tiêu đến 2010:
- Tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản đạt trung bình 6,5%/năm trong giai đoạn 2006-2010. Lao động nông nghiệp còn dưới 58% lao động của tỉnh.
- Phấn đấu đến năm 2010 đạt bình quân 80 triệu đồng/năm/1ha đất canh tác; Phấn đấu GDP bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 930-950 USD.
- Đẩy mạnh phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu: giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển thủy lợi với bố trí dân cư, phát triển giao thông nông thôn và cải thiện môi trường sinh thái; phấn đấu 93% (≈100.000 ha) diện tích đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi, trong đó có 42% diện tích đất chủ động tưới tiêu và khoảng 50.000 ha đất sản xuất lúa.
- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là ở các xã còn nhiều khó khăn.
+ Phấn đấu có 75% (theo NQ tỉnh) hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
+ Về giao thông, phấn đấu tất cả các xã (94/94) đều có đường ô tô đến trung tâm xã (kể cả xã cù lao); 100% đường dân sinh ấp khóm được xây dựng bằng đá, nhựa hoặc dal; từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông hiện hữu bảo đảm phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hoá theo hướng đường phải đạt tiêu chuẩn mặt (láng nhựa hoặc đal) từ 3m trở lên.
- Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển công nghiệp nông thôn. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, tuyến công nghiệp hiện hữu; xây dựng các khu, cụm công nghiệp đã có chủ trương; triển khai quy hoạch các cụm - tuyến công nghiệp huyện, thị làm cơ sở cho việc tạo lập quỹ đất sạch phục vụ cho sản xuất công nghiệp;
- Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp nông thôn gắn với khôi phục, phát triển làng nghề; tập trung mạnh cho nghề trồng lát tại Vũng Liêm, nghề gạch-gốm tại Mang Thít, đan thảm tại Tam Bình và các ngành ngề truyền thống, ngành nghề mới ở nông thôn.
- Tăng cường công tác xóa đói, giảm nghèo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh dưới 6% (theo tiêu chí hiện hành). Giảm tỷ lệ nhà tạm trong nông thôn xuống còn dưới 17%. Phấn đấu hàng năm xây dựng trên 1.500 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở.
- Lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật (qua đào tạo, tự học, truyền nghề...) đạt trên 35%. Giải quyết việc làm hàng năm cho trên 27.000 lao động.
- Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện thí điểm một số xã.
- Phấn đấu 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.
- Cơ bản hoàn thành cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước mưa và nước thải ở xã, thị trấn và cụm công nghiệp. Đảm bảo trên 40% các khu đô thị, 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn về môi trường. (kèm theo phụ lục 1,2: danh mục các dự án, đề án)
II. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:
1. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa:
1.1. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp:
Rà soát quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp để có điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm ổn định sản xuất cho giai đoạn 2011 đến 2020 và xa hơn. Trong đó, tập trung vào các quy hoạch phát triển ngành thủy sản, cây ăn trái, sản xuất lúa chất lượng cao... hướng đến việc khai thác hiệu quả thế mạnh sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng thị trường.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Dựa vào tiềm năng của tỉnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp tìm kiếm đầu ra cho nông sản chủ lực; tăng cường thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa theo Quyết định 80/2006/QĐ-TTg. Tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp liên kết với nhau hình thành loại hình doanh nghiệp mới, trong đó người dân có thể tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Để phát triển ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, qui mô lớn cần có chính sách đầu tư làm điểm để nhân rộng; phát triển hướng ưu tiên nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả chế biến và bảo quản sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước cơ giới hóa các khâu trong sản xuất. Để thực hiện tốt giải pháp phát triển cần có chính sách tập trung vào các chương trình, đề án chuyên ngành về phát triển ngành trồng trọt theo hướng sạch và an toàn; đẩy mạnh ngành chăn nuôi kể cả thủy sản theo hướng công nghiệp, tập trung; tăng đầu tư hỗ trợ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản; tăng cường đầu tư hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung mạnh vào cây lúa; hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt cho khâu chế biến nông sản… Từng bước hình hành các khu vực sản xuất tập trung, qui mô lớn.
1.2. Phát triển mạnh công nghiệp, thương mại và dịch vụ:
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn nông thôn nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn, xây dựng bộ mặt nông thôn tiến bộ, hài hòa. Trong những năm sắp tới cần tăng cường đầu tư:
- Thực hiện các dự án thuộc Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long theo Quyết định 2388/QĐ-UBND ngày 15/11/2007 của UBND Tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2008-2010 và tầm nhìn 2020. Thực hiện các dự án hỗ trợ làng nghề về đất đai và cơ sở hạ tầng, đào tạo và học nghề, xúc tiến thương mại… Trước mắt cần lập mới quy hoạch bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 với nội dung theo hướng phù hợp với Nghị định 66/2006/NĐ-CP và thông tư 116/2006/TT-BNN.
- Đẩy mạnh phát triển các cụm, tuyến công nghiệp ở các huyện, thị đây vừa là cơ sở phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn vừa là cơ sở để hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Thực hiện các chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề theo Đề án Phát triển tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006-2010 được ban hành theo Quyết định số 2018/QĐ-UBND ngày 10/10/2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh và Đề án phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006-2010 theo quyết định 234/QĐ-UBND ngày 29/01/2007 của UBND Tỉnh.
- Đầu tư phát triển hệ thống thương mại và dịch vụ thương mại, bao gồm cả qui hoạch mạng lưới chợ và cơ sở hạ tầng thương mại, chú trọng các giải pháp phát triển chợ nông thôn nhằm tăng cường lưu chuyển hàng hóa, tạo thuận lợi trong việc trao đổi, mua bán nông sản hàng hóa cho nông dân. Xây dựng hoạch hệ thống chợ nông thôn có ưu tiên phát triển các chợ nằm cạnh các quốc lộ, tỉnh lộ, ven sông lớn, có vị trí giao thông thuận tiện trước. Phát triển ngành dịch vụ trong giai đoạn từ nay đến 2010 thực hiện theo Quyết định 591/QĐ-UBND ngày 15/11/2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt chương trình phát triển dịch vụ của tỉnh giai đoạn 2006-2010.
2. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị:
2.1. Thủy lợi và giao thông nông thôn:
Xây dựng các công trình giao thông nông thôn kết hợp với hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nói chung, phục vụ sản xuất nông nghiệp nói riêng.
2.1.1. Về giao thông:
Đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn theo hướng phục vụ sản xuất gắn với hệ thống giao thông quốc gia; có phân kỳ kế hoạch trung hạn (3 năm), trước mắt là 2009-2011, có sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư và chú trọng đầu tư cho khu vực nông thôn. Cần thực hiện các công trình giao thông nông thôn trọng yếu nhằm thúc đẩy giao thông khu vực nông thôn như xây dựng và hoàn thiện đường 909, các đường huyện và đường dân sinh (bao gồm các cầu, phà Vũng Liêm, Phà Lục Sỹ Thành). Nâng cấp các tỉnh lộ 902, 907, 908; nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cầu trên các tỉnh lộ nhằm phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy phát triển các cụm, tuyến công nghiệp ở các huyện, thị.
Tiếp cận và thai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách địa phương; sử dụng quỹ đất tạo vốn, vận động xã hội hóa xây dựng giao thông; lồng ghép xây dựng giao thông với thực hiện các công trình thủy lợi và dự án liên quan để phát huy nguồn lực đầu tư và xây dựng nông thôn mới toàn diện.
Thực hiện đúng trình tự quản lý đầu tư xây dựng, phối hợp có hiệu quả để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; chọn tư vấn, thầu thi công có năng lực và trách nhiệm; tăng cường công tác giám sát thi công và giám sát cộng đồng.
2.1.2. Về thủy lợi:
Qui hoạch và triển khai qui hoạch hệ thống thủy lợi, bao gồm cả qui hoạch đê kè chống sạt lỡ; chú ý kết hợp với phục vụ giao thông nông thôn.
Tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi thực hiện các dự án, chương trình phát triển thuỷ lợi cho vùng chuyên trồng cây ăn trái, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung; thực hiện các chương trình kiên cố hoá thuỷ lợi nội đồng trên cơ sở những vùng khép kín thuỷ lợi để nâng cao hiệu suất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Một số dự án, công trình chủ yếu của chương trình phát triển thuỷ lợi trọng điểm phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2020 như sau:
- Giai đoạn năm 2008-2010: tập trung đầu tư một số kênh trục phục vụ thuỷ lợi giao thông do Trung ương đầu tư, các dự án, công trình có qui mô lớn (đê bao, kênh trục) bảo vệ vườn cây ăn trái tập trung ở các cù lao, bảo vệ vườn cây ăn trái và thổ cư dọc tuyến kênh trục, kênh cấp I, nhất là đầu tư thuỷ lợi cho nuôi trồng thuỷ sản xen ruộng lúa, đầu tư kiên cố hoá cống, đập ở một số khu vực còn thiếu và yếu.
- Giai đoạn năm năm 2011-2015: đầu tư hoàn thiện các kênh trục phục vụ thuỷ lợi giao thông do Trung ương đầu tư, đầu tư hoàn chỉnh khép kín thuỷ lợi 100% diện tích đất nông nghiệp, tiếp tục đầu tư kiên cố hoá cống, đập ở một số khu vực thuộc huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Tân, Tam Bình… bước đầu đầu tư thuỷ lợi cho một số mô hình cho vùng chuyên trồng rau màu, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung…
2.2. Điện:
Tăng đầu tư phát triển và hoàn chỉnh mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh, huyện, thị xã có chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng điện phục vụ địa bàn nông thôn; xây dựng lưới điện đảm bảo mỹ quan đô thị đồng thời phải đảm bảo thiết kế lưới điện đến tất cả các khu dân cư mới được qui hoạch.
Việc xây dựng các trạm biến áp phân phối không chỉ gắn với các tuyến trung thế xây dựng mới mà còn phát triển trên các tuyến trung thế hiện hữu san tải cho các trạm bị quá tải. Ngoài các trạm biến áp một pha đáp ứng nhu cầu điện cho ánh sáng sinh hoạt cần dự trù xây dựng các trạm biến áp 3 pha tại các trung tâm, khu dân cư, các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và các cơ sở công nghiệp có qui môn lớn nhằm phục vụ cho mục đích công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Cải tạo lưới điện theo hướng an toàn, đúng qui cách, qui chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng điện cung cấp cho nhân dân.
2.3. Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn:
Qui hoạch và đầu tư hệ thống cấp nước nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp nước sạch cho dân cư nông thôn. Tăng cường xã hội hóa khai thác và quản lý hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn. Giai đoạn từ nay đến 2010, 2011-2015 và tầm nhìn 2020 chương trình nước tiếp tục đầu tư, chuyển dần những công trình cấp nước đơn lẻ (giếng khoan tay, bể lọc cát chậm, giếng thấm gia đình) thành các công trình cấp nước tập trung với khả năng xử lý nước đạt tiêu chuẩn, phục vụ có hiệu quả các cụm, tuyến dân cư từ 300 đến 500 hộ/1 hệ thống.
Kết hợp đầu tư mới với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn bằng nhiều hình thức: tập huấn, truyền thông, tờ rơi, hội thảo, hội thi và lồng ghép thực hiện chỉ thị 200/TTg với chỉ thị 01/TU của Tỉnh ủy về xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư, nơi công cộng; nâng cao năng lực quản trị đội ngũ quản lý hệ thống cấp nước ở các địa phương.
2.4. Công nghệ thông tin và truyền thông:
Xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp trên địa bàn tỉnh và có chất lượng tốt nhằm đảm bảo yêu cầu tiếp cận thông tin rộng rãi đến người dân nông thôn. Tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia thị trường viễn thông, internet.
2.5. Y tế:
Hệ thống y tế nông thôn phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân. Cần tăng đầu tư cơ sở vật chất và con người cho hệ thống y tế, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho khu vực nông thôn.
Tuyến tỉnh: tổ chức lại hoạt động của Bệnh viên Đa khoa Vĩnh Long, tăng cường đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại, chuyên sâu.
Tuyến huyện, thị: đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng bệnh viện huyện thị đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong địa bàn. Đầu tư mới trang thiết bị cho bệnh viện huyện với phương châm: đưa kỹ thuật về tuyến trước, ưu tiên máy móc thiết bị cận lâm sàng, phòng mổ, cấp cứu với tính chất đồng bộ. Trước mắt đầu tư, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình, Long Hồ và Trà Ôn.
Tuyến xã: đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tăng cường trang thiết bị nhằm đảm bảo yêu cầu phục vụ người dân khám, chữa bệnh tại chỗ. Đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý trạm y tế. Trước mắt trang bị cho các trạm chưa đạt chuẩn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng căn cứ kháng chiến.
Về cán bộ: duy trì và giữ vững 100% trạm y tế có đủ 3 chức danh; phấn đấu mỗi trạm có một cán bộ dược phụ trách công tác dược. Duy trì các trạm y tế, phòng khám đa khoa có bác sỹ hoạt động. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp với khả năng chuyên môn, chuyên khoa. Tổ chức đào tạo lại nâng cao trình độ cán bộ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đảm bảo mục tiêu giữ mức sinh dưới 1%; tăng cường thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; thực hiện Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình theo nội dung và mục tiêu các Nghị quyết của Trung ương.
2.6. Giáo dục: Tăng đầu tư từ ngân sách cho ngành giáo dục, đẩy mạnh tiến độ thực hiện nâng cấp cơ sở vật chất gắn với dự án xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Từng bước nâng cao chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Trong giai đoạn 2008-2010 tiếp tục thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường lớp (giai đoạn 2) nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất phòng học đến năm 2010 (được UBND Tỉnh phê duyệt), tổng kinh phí: 157,46 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực hạn chế lưu ban, bỏ học; nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp. Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ để lập kế hoạch cán bộ, bổ sung lực lượng trẻ thay thế giáo viên không đủ chuẩn, năng lực yếu.
2.7. Văn hóa, thể thao: tăng cường ngân sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất các công trình văn hóa, thể dục thể thao, du lịch. Tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm về văn hóa, thể thao như: nhà văn hóa, sân bóng đá xã, sân cầu lông, bóng chuyền, xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, thể thao nhằm phát triển các phong trào văn hóa, thể thao ở nông thôn.
Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục phát triển phong trào thể dục thể thao ngày càng sâu rộng. Thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Cũng cố và kiện toàn hệ thống cán bộ làm công tác gia đình, văn hóa, thể thao, du lịch.
2.8. Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai:
Tuyên truyền giáo dục người dân kiến thức và ý thức về phòng chống thiên tai, đặc biệt là phòng chống bão lũ; nâng cao nhận thức và khả năng tự bảo vệ trong các trường hợp thiên tai.
Tăng cường năng lực bộ máy quản lý phòng chống giảm nhẹ thiên tai, tăng cường cơ sở thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Nhanh chóng di dời và kiên quyết không để người dân sống trong vùng có nguy cơ bị thiên tai đe dọa.
Phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các tỉnh trong khu vực nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến sản xuất và đời sống người dân Vĩnh Long.
2.9. Bảo vệ môi trường nông thôn:
Tăng cường năng lực quản lý về môi trường. Đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh. Kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Khuyến khích các dự án thân thiện với môi trường và hạn chế những đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Ngành nông nghiệp có chủ trương hỗ trợ nông dân, chủ trang trại xây dựng mô hình sản xuất ít gây ô nhiễm; quy định về xử lý ô nhiễm môi trường đối với các khu vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản qui mô lớn.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nông thôn nói riêng. Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và các biện pháp thích nghi.
Trong giai đoạn 2008-2010, tập trung thực hiện bảo vệ môi trường theo Đề án Bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, làng nghề trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2008-2010 (Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 08/8/2008 của UBND Tỉnh).
Xây dựng cơ chế theo thẩm quyền tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; khuyến khích đầu tư công nghệ, thiết bị về bảo vệ môi trường.
2.10. Xây dựng nông thôn mới:
Xây dựng chương trình phát triển nông thôn mới, trong đó bao gồm xây dựng tiêu chí và hệ thống chính sách của tỉnh phù hợp với tiêu chí nông thôn mới theo Trung ương quy định.
Triển khai xây dựng nông thôn mới, theo hướng xã nông thôn mới phải đạt tiêu chí xã văn hóa theo Chỉ thị 01/TU và đồng thời xây dựng các kết cấu hạ tầng, đời sống văn hóa, tổ chức sản xuất phù hợp với từng điều kiện của địa phương theo qui mô cấp xã.
Từng ngành, địa phương căn cứ nội dung, điều kiện thực tiễn phân công, xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai thực hiện có kết quả theo trách nhiệm quy định.
2.11. Phát triển nhà ở và khu dân cư tập trung:
Thực hiện tốt dự án đầu tư (giai đoạn 2) Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ để bố trí cho các đối tượng sống trong vùng sạt lở nguy hiểm theo Quyết định 1151/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng cụm dân cư nông thôn theo Dự án Qui hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2006-2010 và định hướng 2015 tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, giai đoạn 2006-2010 tập trung xây dựng cụm dân cư nông thôn cho các xã có đông đồng bào dân tộc, thường xuyên bị thiên tai đe dọa, có nhiều hộ dân sống phân tán tại các huyện Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Minh, Long Hồ.
Nhằm tăng cường tính chủ động trong nguồn vốn thực hiện các dự án bố trí dân cư và theo đúng qui trình lập dự án có thể kết hợp thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ và Dự án Qui hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2006-2010 và định hướng 2015 tỉnh Vĩnh Long nhằm nâng cao hiệu quả và rút ngắn thực hiện các dự án bố trí dân cư.
3. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác:
3.1. Cộng đồng cùng chống nghèo:
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về giảm nghèo; tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và người nghèo về công tác giảm nghèo; tạo cơ chế khuyến khích ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo của mọi người dân.
3.2. Hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục:
- Hỗ trợ người nghèo về y tế: Trợ giúp người nghèo trong việc chăm sóc chăm sóc sức khỏe; ngân sách tiếp tục hỗ trợ người nghèo tham gia bảo biểm y tế: mua 100% bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo; hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm y tế đối với các hộ cận nghèo. Tiếp tục huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ người nghèo trong lúc ốm đau, bệnh tật:
- Hỗ trợ người nghèo về giáo dục: Tiếp tục thực hiện chính sách miễn giảm học phí và các khoản đóng góp; hỗ trợ tập viết, sách giáo khoa cho các học sinh thuộc diện nghèo.
- Hỗ trợ đồng bào dân tộc nghèo: Tiếp tục thực hiện đầu tư từ ngân sách tỉnh cho các xã đông đồng bào dân tộc như các xã 135 theo dự án các xã nghèo đã được phê duyệt. Thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở và nước sạch cho các hộ đồng bào dân tộc nghèo. Giúp đồng bào vùng dân tộc ổn định đời sống, phát triển sản xuất, tiếp cận phương thức sản xuất mới, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường đầu tư cho các hộ đồng bào dân tộc thông qua việc lồng ghép thực hiện các dự án khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công trên địa bàn tỉnh.
3.4. Nhà ở cho người nghèo:
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ chính sách. Thông qua “Quỹ vì người nghèo”, huy động các nguồn từ thiện, công nhân viên chức, các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước và từ ngân sách tỉnh ủng hộ giúp đỡ người nghèo xây dựng nhà ở, xóa nhà dột nát. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo khó khăn về về nhà ở. Tạo điều kiện cho các hộ nghèo được ưu tiên xét di dời vào các khu dân cư tập trung theo các dự án qui hoạch dân cư nông thôn.
3.5. Vốn xóa đói giảm nghèo và các vấn đề khác:
- Kêu gọi các nguồn vốn tài trợ của nước ngoài đầu tư cho hộ nghèo, thúc đẩy sản xuất, phát triển ngành nghề nhất là những nghề truyền thống. Phát huy các nguồn vốn tự vận động của các đoàn thể như vốn giúp nhau làm kinh tế gia đình, vốn xoay vòng, làm nhà, hỗ trợ cây con giống cho nhau theo phương thức lưu chuyển vốn.
- Ngân hàng chính sách xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách cho vay đối với người nghèo; đảm bảo nguồn vốn vay đáp ứng được nhu cầu của người nghèo.
- Các đoàn thể tham gia hỗ trợ các hộ nghèo chí thú làm ăn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn mô hình sản xuất phù hợp với khả năng và trình độ của từng hộ nghèo, tạo điều kiện để các hộ này phát triển.
4. Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn:
4.1. Phát triển trang trại và kinh tế hợp tác:
4.1.1. Phát triển kinh tế trang trại:
- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn, chuyển dịch lao động từ khu vực I sang khu vực II và khu vực III là tiền đề thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển, đẩy nhanh sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, chất lượng cao, mẫu mã đồng đều trên cơ sở đưa máy móc, kỹ thuật xuống đồng ruộng.
- Khuyến khích các trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt lĩnh vực giống, kỹ thuật thâm canh, xử lý môi trường, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, có năng lực cạnh tranh.
- Phát triển mạnh kinh tế trang trại làm hạt nhân để đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Phát triển trang trại với quy mô vừa tầm với trình độ, năng lực quản lý của các trại chủ; các trang trại nhỏ cùng loại hình gắn kết lại với nhau trong tổ chức thị trường tiêu thụ nông sản.
4.1.2. Phát triển kinh tế hợp tác:
- Đổi mới toàn diện phương thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó ưu tiên phát triển tổ hợp tác sản xuất, tổ hợp tác dịch vụ, tổ hợp tác tiêu thụ nông sản hàng hoá và tổ hợp tác liên hoàn các khâu của quá trình sản xuất đến tiêu thụ nông sản hàng hoá. Nhiều tổ hợp tác phát duy được hiệu quả kinh tế, có trình độ quản lý, nguồn lực (đất đai, tài sản, tín dụng, thị trường…) đủ mạnh thì tự nguyện liên kết lại thành hợp tác xã.
- Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác không chạy theo số lượng, tập trung củng cố nâng chất hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động. Tăng cường vai trò của các đoàn thể trong vận động thành lập và hỗ trợ các loại hình kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả.
- Quá trình xây dựng phát triển kinh tế hợp tác đối tượng ưu tiên vận động hàng đầu là những nông hộ có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, am hiểu về thị trường, khoa học kỹ thuật…; khi hợp tác xã làm ăn có hiệu quả cần phát triển mở rộng thì mới vận động, bổ sung các đối tượng khác.
- Trong hoạt động kinh doanh hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài - theo đó lựa chọn ngành nghề kinh doanh, sản xuất có hiệu quả, trong thời gian ngắn có lợi nhuận, có thu nhập, từ đó mới mở rộng ra các lĩnh vực tiềm năng khác; các lựa chọn ưu tiên của các hợp tác xã là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, tiêu thụ nông sản hàng hoá.
- Xây dựng mô hình hợp tác xã có quy mô từ 100-200 ha đất canh tác, khép kín từ dịch vụ làm đất, cung ứng vật tư đến thu mua, liên doanh liên kết các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản hàng hoá làm mô hình mẫu, rút kết kinh nghiệm nhân ra diện rộng.
- Hỗ trợ cho các hợp tác xã về tín dụng, đào tạo cán bộ nòng cốt, cùng các chính sách khác theo quy định.
4.2. Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn nông thôn:
Khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư vào khu vực nông thôn. Ưu tiên hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại các khu cụm tuyến công nghiệp trên địa bàn nông thôn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... Thực hiện các chính sách ưu đãi khác theo quy định.
5. Tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn:
5.1. Đào tạo và thu hút nhân lực:
- Hỗ trợ và khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp, trường học thành lập cơ sở giáo dục để đào tạo nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lao động đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề.
- Tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển Trường Cao đẳng Cộng đồng theo hướng đào tạo đa ngành nghề, đa trình độ; Trường Cao đẳng Kinh tế Tài chính thực hiện các chương trình đào tạo chuyển tiếp lên đại học thông qua hợp tác với các trường đại học khác.
- Tăng đầu tư đổi mới trang thiết bị phục vụ giảng dạy tại các cơ sở dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu về đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn.
- Tiếp tục đào tạo nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho nông dân. Tập trung đào tạo các kỹ năng về quản lý, sản xuất và thị trường cho các hộ sản xuất kinh doanh có qui mô lớn, trang trại.
- Đào tạo nghề công nghiệp, dịch vụ cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn để lực lượng này có thể tìm được việc làm thích hợp tại các khu vực công nghiệp và dịch vụ. Trong đào tạo lao động phi nông nghiệp phải thực hiện đào tạo có địa chỉ, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp, tránh đào tạo đại trà không định hướng.
- Thực hiện các chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ trí thức về công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn.
5.2. Phát triển nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ:
5.2.1. Đổi mới, đẩy mạnh khuyến nông và công tác giống:
Tăng cường chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó chú trọng đến công tác khuyến nông nhằm tăng cường kỹ thuật sản xuất cho nông dân để gia tăng năng suất sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của nông sản hàng hóa trong nước và thế giới. Hoàn thiện tổ chức bộ máy làm công tác khuyến nông, vừa thống nhất từ tỉnh đến huyện vừa có sự tham gia chỉ đạo của chính quyền địa phương. Tăng cường các hoạt động khuyến nông theo hướng nâng cao kiến thức bảo quản, sơ chế, chế biến sau thu hoạch, vệ sinh an toàn nông sản thực phẩm, phổ biến định hướng kiến thức về thị trường trên các loại cây trồng vật nuôi chính của địa phương.
Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao các loại giống mới có hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu giống và sản xuất giống; sản xuất vật tư nông nghiệp có tính an toàn cao cho sản xuất hàng hóa nông sản; các phương tiện, thiết bị chuẩn đoán và phòng trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới trong sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Tập trung cho công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp cho nông dân. Đẩy mạnh xã hội hóa, thương mại hóa trong sản xuất giống đi đôi với tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng giống trong nông nghiệp.
5.2.2. Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý:
Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tăng cường đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ làm khoa học kỹ thuật có trình độ cao. Thực hiện đào tạo tại chỗ, đưa đi đào tạo trong và ngoài nước học tập và áp dụng hiệu quả các kỹ thuật sản xuất mới. Thực hiện chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực trong và ngoài nước trong các lĩnh vực có liên quan về công tác tại địa phương bằng các chính sách hỗ trợ vật chất, điều kiện làm việc. Thực hiện các chính sách hỗ trợ vật chất và tinh thần nhằm giữ chân và phát huy kiến thức đối với các cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý có trình độ, năng lực phục vụ địa phương.
5.2.2. Xúc tiến thương mại, tiếp thị đầu tư, nghiên cứu và dự báo thị trường:
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, công tác tiếp thị, đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường đối với các sản phẩm chủ lực như gạch gốm, sản phẩm từ cây lát, lục bình, bưởi năm roi, cam sành, sản phẩm từ cá tra, ba sa, rau an toàn... để nông dân có điều kiện nghiên cứu, quyết định sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản chủ lực, sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn. Tổ chức, vận động nông dân tham gia thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đáp ứng yêu cầu của thị trường đối với các mặt hàng nông sản thông qua các hình thức hỗ trợ kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, doanh nghiệp....
6. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách để khai thác các nguồn lực phát triển nhanh kinh tế - xã hội nông thôn:
Tăng cường xã hội hóa công tác đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng, quản lý điện, nước, giao thông, thủy lợi, chợ... Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, tham gia quản lý kết cấu hạ tầng nông thôn thông qua hỗ trợ một phần kinh phí, miễn giảm thuế theo quy định.
Tăng đầu tư từ ngân sách cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo kế hoạch và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền. Huy động từ nhiều nguồn hỗ trợ nông dân, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, ưu tiên xây dựng hệ thống thủy lợi và giao thông nông thôn phục vụ sản xuất. Trong thực hiện chú trọng lồng ghép các chương trình mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Quan tâm giải quyết tốt vấn đề đất ở, nhà ở, việc làm cho người bị thu hồi đất. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội, cuộc sống của một bộ phận dân cư, do đó, khi thực hiện công tác này cần phải được chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể phối hợp vận động, tuyên truyền, nhân dân đồng thuận, hạn chế khiếu kiện.
Trên sơ sở qui hoạch các dự án, công trình cần thực hiện, có kế hoạch hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước xây dựng các khu tái định cư tập trung để bố trí người bị thu hồi đất trước khi thực thu hồi đất, nhằm ổn định chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và lao động của người dân.
Ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo (học phí) cho các Trung tâm dạy nghề tỉnh, huyện, thị tổ chức đào tạo nghề cho các hộ dân nằm trong vùng dự án có đất bị thu hồi. Trong xây dựng các khu tái định cư cần chú trọng đến việc xây dựng ở các khu vực dễ tiếp cận việc làm như gần các khu, cụm tuyến, công nghiệp; xây dựng các công trình dịch vụ công cộng như: chợ, khu thương mại... để người dân có cơ hội tìm được việc làm thích hợp.
Xây dựng qui hoạch vùng sản xuất lúa trong toàn tỉnh, trong đó bao gồm các qui hoạch về sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, đồng thời đảm bảo tiêu dùng nội địa. Xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo quyền lợi người trồng lúa và đảm bảo diện tích lúa ở mức hợp lý.
Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Thực hiện các chính sách khuyến khích cán bộ công chức tỉnh, huyện về chỉ đạo điểm trên cơ sở giữ nguyên lương, phụ cấp (nếu có) và công thêm chi phí khuyến khích.
Tăng cường nghiên cứu về các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết nhằm xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiệu quả và không vi phạm các quy định của WTO.
Tăng cường thực hiện các quy định của Nhà nước về tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả thị trường đối với một số mặt hàng thiết yếu, đấu tranh chống đầu cơ, tích trữ, buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng… bảo đảm lợi ích của người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng.
7. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân:
7.1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng:
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết có liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
7.2. Tăng cường quản lý nhà nước:
Củng cố và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nông nghiệp cấp huyện, xã và các lĩnh vực khác ở nông thôn trong việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, phường; thực hiện tốt phân cấp quản lý cho cấp dưới bên cạnh việc thực hiện tốt chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác ở cơ sở theo đúng quy định.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu nhân dân của cán bộ công chức.
7.3. Phát huy vai trò các đoàn thể:
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. Phát huy vai trò giám sát của các đoàn thể đối với hoạt động của cơ quan công quyền và cán bộ công chức.
Nâng cao năng lực hoạt động của Hội nông dân, tạo điều kiện cho Hội nông dân tham gia các dự án, chương trình nâng cao đời sống nông dân. Bổ sung chức năng, tăng cường đào tạo cán bộ hội nhằm giúp Hội nông dân tham gia hướng dẫn các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
7.4. Phát huy dân chủ ở cơ sở:
Tạo điều kiện để nhân dân tham gia ý kiến, giám sát việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Đối với những công trình, dự án có huy động sức dân thì sau khi hoàn thành cần công khai quyết toán theo quy định.
Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra nhân dân cấp xã, phường.
1. Về điều hành thực hiện:
Thành lập Ban điều hành Chương trình Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn của tỉnh. Cơ cấu thành phần Ban điều hành gồm: Phó chủ tịch UBND Tỉnh làm trưởng ban, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm phó ban cùng một số ngành, đoàn thể có liên quan làm ủy viên.
Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện, thị, xã. Riêng ở cấp xã thì tuỳ điều kiện thực tế, giao Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn quyết định thành lập BCĐ riêng hay ghép lại với BCĐ 01.
2. Triển khai, quán triệt:
Thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong toàn thể cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7; Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ; Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 04/11/2008 của Tỉnh ủy Vĩnh Long; Đề án thực hiện của UBND Tỉnh; Nghị quyết Đại hội VIII tỉnh Đảng bộ và các chủ trương chính sách khác của Đảng và Nhà nước nhằm làm chuyển biến nhận thức về phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn trong nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhất là trong hệ thống chính quyền cơ sở.
Các cấp chính quyền địa phương, các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nông dân, cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
3. Nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn thực hiện đề án:
Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần tổng nguồn đầu tư rất lớn, cần phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó dựa trên nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ (gồm nguồn hỗ trợ chính và nguồn tỉnh xin trung ương đầu tư); ngân sách địa phương (như: nguồn thu sử dung đất, nguồn thu xổ số kiến thiết, nguồn vay kho bạc, nguồn kế hoạch trung ương cấp); nguồn vốn thu hút FDI, ODA; nguồn vốn của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và nguồn vốn huy động của nhân dân. Trên cơ sở đó, các ngành, các cấp, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện.
Tổng nguồn vốn và chi tiết cơ cấu nguồn sẽ được cụ thể trong các đề án, dự án, chương trình chi tiết của các Sở, ngành, UBND các huyện, thị thực hiện khi trình UBND Tỉnh phê duyệt.
4. Xây dựng mô hình điểm và nhân rộng mô hình:
Mỗi huyện chọn một xã trung bình khá làm điểm chỉ đạo và nhân rộng. Xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn tại điểm chỉ đạo. Hằng năm có sơ, tổng kết quá trình thực hiện, đề ra phương hướng, giải pháp và kế hoạch nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Đảm bảo đến 2020 có 60% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới theo quy định.
5. Nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các đoàn thể:
Các ngành, các cấp và các đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ, nội dung đề án và điều kiện thực tiễn nhanh chóng xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm, chương trình công tác nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp, tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung có liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Triển khai xây dựng các qui hoạch, đề án, dự án, chính sách… trỉnh Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Kinh phí xây dựng các qui hoạch, đề án, dự án, chính sách… được ngân sách cấp theo quy định.
Hàng năm có sơ, tổng kết kết quả thực hiện, xây dựng kế hoạch thực hiện năm tiếp theo báo cáo về Ban điều hành Chương trình vào cuối tháng 9 hằng năm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh các khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về UBND Tỉnh, Ban điều hành Chương trình để được hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện./.
- 1Quyết định 80/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 66/2006/NĐ-CP về việc phát triển ngành nghề nông thôn
- 3Thông tư 116/2006/TT-BNN hướng dẫn Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Chỉ thị 01/2000/CT-TTg về tăng cường điều hành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1151/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 23/2008/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị quyết số 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 9Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 10Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 1586/2006/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2006 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 12Quyết định 234/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010
- 13Quyết định 591/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Chương trình phát triển dịch vụ của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010
- 14Quyết định 1322/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường các tuyến, khu công nghiệp, làng nghề trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2008 - 2010
- 15Quyết định 2018/QĐ-UBND năm 2006 về Đề án "Phát triển tiểu thủ công nghiệp tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010"
- 16Quyết định 2388/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
Quyết định 08/2009/QĐ-UBND ban hành Đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành
- Số hiệu: 08/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 07/04/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Phạm Văn Đấu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra