Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2000/CT-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2000 |
VỀ TĂNG CƯỜNG ĐIỀU HÀNH KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NĂM 2000
Thời gian qua, công tác đầu tư và xây dựng đã được các Bộ, các ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện theo mục tiêu của kế hoạch, trong đó đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu do nguồn lực phát triển còn hạn hẹp và do chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán trong việc định hướng các lĩnh vực ưu tiên phát triển; việc quy hoạch và dự báo phát triển trong từng ngành, từng vùng còn nhiều khiếm khuyết, mang nặng tính chủ quan, duy ý chí, muốn phát triển nhanh đưa ra nhiều lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn,... lại chậm điều chỉnh khi từng lĩnh vực đã có nhiều thay đổi. Mặt khác, các địa phương có xu hướng tập trung đầu tư phát triển các ngành tạo ra nguồn thu lớn để cân đối ngân sách địa phương như sản xuất bia, thuốc lá, xi măng, đường... nhưng lại chưa thật sự chú trọng đến tính cân đối, nhu cầu thị trường và hiệu quả kinh tế.
Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, ngay từ kế hoạch năm 2000 và kế hoạch 5 năm tới, nguồn vốn đầu tư cần phải tập trung vào những dự án, công trình có hiệu quả, những ngành và lĩnh vực có lợi thế, phát huy được các nguồn lực và trí tuệ người Việt Nam... đồng thời phải tính toán kỹ đến năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế và sự biến đổi của quan hệ cung - cầu không chỉ trên thế giới, khu vực mà ngay cả ở thị trường trong nước.
Căn cứ Quyết định số 240/1999/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, về việc giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2000, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, ủy ban nhân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty thực hiện những nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. Tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu đầu tư, tập trung vốn cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, có tác động đến nhiều ngành kinh tế, có tỉ lệ xuất khẩu cao.
- Ngoài việc dành một khoản vốn thoả đáng để khắc phục hậu quả lũ lụt ở các tỉnh miền Trung và ở một số vùng, cần tập trung xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng tại các vùng thường bị thiên tai, bão lụt nhằm hạn chế thiệt hại.
- Rà soát lại các chương trình, dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, bố trí đầu tư tập trung, có trọng điểm, theo mục tiêu kế hoạch.
Các dự án khởi công mới thuộc nhóm B, C phải phù hợp với quy hoạch ngành, vùng đã được thông qua, phải có đầy đủ thủ tục theo quy định hiện hành. Dự án nào không đủ thủ tục theo quy định, không có hiệu quả thì kiên quyết không bố trí vốn. Các dự án đưa vào kế hoạch phải bảo đảm các nguồn vốn chắc chắn, bố trí tập trung và bảo đảm tiến độ.
- Việc bố trí vốn cho các dự án nhóm B phải tập trung, thời gian thực hiện dự án không được kéo dài quá 4 năm. Vốn cho các dự án nhóm C phải theo nguyên tắc bố trí đủ vốn đầu tư để bảo đảm dự án hoàn thành trong thời gian không quá 02 năm, hạn chế khởi công mới dự án nhóm C chưa thật cần thiết.
- Các nguồn vốn ngân sách để lại cho các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đầu tư phải được kế hoạch hoá chặt chẽ và đưa vào kế hoạch đầu tư ngay từ đầu năm.
- Dành vốn để chuẩn bị đầu tư và tiếp tục đầu tư gối đầu một số dự án quan trọng cho kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và các năm tiếp theo trong các ngành kinh tế quốc dân.
2. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA nhằm bảo đảm tiến độ theo hiệp định đã được ký kết, đặc biệt là các dự án hoàn thành vào năm 2000 và năm 2001.
3. Sửa đổi, bổ sung ngay những điều không phù hợp trong Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999, về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999, về quy chế đấu thầu, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch đầu tư.
4. Trường hợp cần thiết phải xây dựng trụ sở làm việc, Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tính toán cân đối trong khả năng nguồn vốn được phân bổ để xây dựng trụ sở, nếu nguồn vốn đầu tư được phân bổ không đáp ứng được nhu cầu thì tự cân đối thêm nguồn hợp pháp khác để đầu tư và tự chịu trách nhiệm nguồn vốn đó. Các dự án đầu tư xây dựng trụ sở thực hiện đúng quy định về quản lý đầu tư và xây dựng theo cơ chế hiện hành.
5. Đối với nguồn vốn tín dụng Nhà nước:
- Tập trung cho các dự án chuyển tiếp để tăng năng lực sản xuất và phát huy hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh ngay trong năm 2000.
Các dự án chuyển tiếp, kể cả dự án nhóm A, B, C đang vay dở dang tại các đầu mối cho vay nào thì cho phép các chủ đầu tư được ký tiếp các hợp đồng vay vốn với các đầu mối đó cho đến khi kết thúc dự án. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại huy động đủ vốn để cho vay theo yêu cầu tiến độ của các dự án đang vay dở dang. Nhà nước tiếp tục thực hiện cơ chế bù lãi suất cho các tổ chức cho vay theo số dư nợ thực tế.
- Đối với các dự án mới triển khai sẽ phân thành 2 nhóm : các dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ giao; các dự án nhóm B và C sẽ căn cứ vào định hướng chung về đối tượng và hình thức tín dụng được thông báo, các chủ đầu tư làm việc cụ thể với Quỹ hỗ trợ phát triển để ký kết các hợp đồng tín dụng, không phân biệt các thành phần kinh tế. Dành phần vốn thích đáng cho vay khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Để tạo điều kiện cho các chủ dự án đầu tư, các đối tác đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ngay từ đầu năm, Quỹ hỗ trợ phát triển ổn định ngay bộ máy tổ chức để hoạt động; xây dựng kế hoạch huy động và cho vay vốn, quy trình thẩm định phương án tài chính, phương án vay trả của các dự án đầu tư khởi công mới, thông báo kết quả thẩm định, hướng dẫn các chủ đầu tư ký kết hợp đồng vay vốn theo đúng quy định. Tổng hợp tình hình triển khai, hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các Tổng công ty tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và cả năm theo quy định tại Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ.
Riêng các dự án nhóm B và nhóm C thuộc nguồn vốn ngân sách, sau khi các Bộ, ngành, địa phương bố trí kế hoạch phải gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chậm nhất là ngày 28 tháng 02 năm 2000 để theo dõi, đôn đốc và kiểm tra thực hiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra định kỳ việc thực hiện kế hoạch đầu tư ở các ngành, các địa phương, bảo đảm đầu tư tập trung theo mục tiêu kế hoạch và cơ cấu đầu tư hợp lý.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |
Chỉ thị 01/2000/CT-TTg về tăng cường điều hành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 01/2000/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/01/2000
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra