Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 07/2009/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 11 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH THU THỦY LỢI PHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ý kiến của các thành viên UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 04/6/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thu thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2010 và thay thế Quyết định số 69/2004/QĐ-UBT ngày 13/10/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định thu thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Cục trưởng Cục Thuế Trà Vinh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trà Vinh; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã và Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi căn cứ Quyết định này thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Hoàn Kim

 

QUY ĐỊNH

THU THỦY LỢI PHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2009/QĐ-UBND ngày 11/6/ 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

Là tỉnh ven biển với 65 km bờ biển, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, Trà Vinh có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 222.567 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản khoảng 180.050 ha. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, hình thành hệ thống đê biển, đê sông, đê bao nội đồng, cống đầu mối, kênh thủy lợi chính, kênh cấp I, kênh cấp II, kênh nội đồng, tạo nguồn tưới tiêu cho gần 80% diện tích canh tác; chủ động ngăn mặn, tiêu úng, xổ phèn, kiểm soát mặn một số vùng ven biển, cấp nước phục vụ sản xuất, phát triển nuôi trồng thủy sản, ngoài ra cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và tạo mạng lưới giao thông nông thôn góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Để có nguồn kinh phí tái đầu tư duy tu, sửa chữa, duy trì năng lực hệ thống công trình thủy lợi và chi phí cho công tác quản lý trong quá trình quản lý vận hành công trình sử dụng có hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững.

Căn cứ Lệnh của Chủ tịch nước số 03/2001/L-CTN ngày 15/04/2001 về việc công bố Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi và Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt Nghị định số 115/2008/NĐ-CP);

Căn cứ Thông tư số 11/2009/TT-BTC ngày 21/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng, giao kế hoạch đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi và quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi;

Căn cứ Thông tư số 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt Thông tư số 36/2009/TT-BTC);

Căn cứ tình hình thực tế địa phương và năng lực công trình thủy lợi phục vụ tạo nguồn, chủ động tưới tiêu, ngăn mặn, xổ phèn, ngăn lũ, triều cường, kiểm soát mặn một số vùng ven biển phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, làm dịch vụ khác từ công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định cụ thể việc thu thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, như sau:

Điều 1. Đối tượng thu, không thu

Theo Điều 14 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi; cụ thể:

1. Đối tượng thu

- Tổ chức, cá nhân sử dụng nước gián tiếp hoặc trực tiếp từ công trình thủy lợi để sản xuất nông nghiệp như: Trồng lúa, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày, lâm nghiệp, làm muối phải đóng thủy lợi phí.

- Tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ các công trình thủy lợi không phải mục đích sản xuất nông nghiệp như: nuôi trồng thủy sản; cây công nghiệp dài ngày, dược liệu, hoa; cấp nước cho nhà máy sinh hoạt; chăn nuôi; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp; cấp nước cho chăn nuôi, vận chuyển tàu, bè qua âu thuyền, cống; làm dịch vụ phát điện; kinh doanh du lịch, an dưỡng nghỉ mát, .., phải đóng tiền nước.

2. Đối tượng không thu

- Đối với diện tích đất, mặt nước ở ngoài khu vực đê bao hoàn toàn không hưởng lợi trực tiếp, gián tiếp từ các công trình thủy lợi, những nơi Nhà nước chưa có những công trình đầu tư để cải thiện môi trường sản xuất; những nơi có đất rừng tự nhiên,... không thuộc đối tượng nộp thủy lợi phí, tiền nước theo Quy định này.

Điều 2.

1. Xác định mức thu và mức thu cụ thể trên địa bàn tỉnh.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định 143/2003/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 115/2008/NĐ-CP của Chính phủ, mức thủy lợi phí đối với công trình đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, như sau:

a) Mức thu đối với đất trồng lúa.

Điều kiện thực tế địa bàn Trà Vinh nằm giữa hệ thống hai sông Tiền, sông Hậu với hệ thống công trình thủy lợi tương đối hoàn chỉnh đến công trình kênh cấp II, có ưu thế lợi dụng thủy triều để tưới tiêu, cấp nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản, do đó đối với toàn vùng trên địa bàn tỉnh năng lực phục vụ của công trình hiện nay chủ động một phần đến đầu kênh cấp II, biện pháp tưới tiêu lợi dụng triều vận hành hệ thống công trình đầu mối và nội đồng cấp nước đến công trình mặt ruộng của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp; cụ thể:

- Đối với diện tích mặt đất, mặt nước lấy nước bằng biện pháp tưới tiêu bằng động lực lấy bằng 100% tưới tiêu bằng động lực.

 - Đối với diện tích mặt đất, mặt nước lấy nước bằng biện pháp lợi dụng thủy triều vận hành hệ thống công trình kênh cống để tưới tiêu, cấp nước và chủ động một phần đến kênh cấp II áp dụng cả hai trường hợp: lợi dụng thủy triều để tưới thì mức thu bằng 70% mức phí tưới tiêu bằng trọng lực và tưới tiêu chủ động một phần thì thu bằng 60% mức phí tưới tiêu bằng trọng lực.

- Đối với diện tích mặt đất, mặt nước lấy nước bằng biện pháp lợi dụng thủy triều vận hành hệ thống công trình kênh cống và có bơm hỗ trợ áp dụng cả hai trường hợp lấy 70% mức thu “- Tưới tiêu bằng trọng lực có kết hợp động lực hỗ trợ”.

 

Trường hợp lợi dụng triều để tưới, tiêu và năng lực phục vụ của công trình chủ động một phần

Mức thu

1

- Tưới tiêu bằng động lực

1.050.000 đồng/ha/vụ = 105.000 đồng/công/vụ (1công = 0,1ha)

2

- Tưới tiêu xét đến lợi dụng triều để tưới tiêu và trường hợp năng lực phục vụ của công trình chủ động một phần.

732.000đx70%x60% = 307.440 đồng/ha/vụ = 30.744 đồng/công/vụ,

tính tròn 30.700 đồng/công/vụ.

3

- Tưới tiêu bằng lợi dụng triều và kết hợp động lực hỗ trợ.

824.000 đ x70% = 576.800 đồng/ha/vụ,

= 57.680 đồng/công/vụ, tính tròn 57.600 đồng/công/vụ.

b) Đối với diện tích trồng mạ, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày, áp dụng mức thu thủy lợi phí bằng 40% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa; cụ thể:

- Trường hợp tưới tiêu bằng động lực:

105.500 đồng/công/vụ x 40% = 42.200 đồng/công/vụ, tính tròn 42.000 đồng/công/vụ.

- Trường hợp lợi dụng triều để tưới và năng lực phục vụ của công trình chủ động một phần:

30.744 đồng/công/vụ x 40% = 12.297 đồng/công/vụ, tính tròn 12.300 đồng/công/vụ.

- Trường hợp lợi dụng triều để tưới tiêu và kết hợp động lực hỗ trợ:

57.680 đồng/công/vụ x 40% = 23.072 đồng/công/vụ, tính tròn 23.000 đồng/công/vụ.

c) Mức thủy lợi phí đối với sản xuất muối bằng 2% giá trị muối thành phẩm.

d) Biểu thu tiền nước đối với tổ chức, cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi để phục vụ cho các mục đích không phải sản xuất lương thực:

TT

Các đối tượng dùng nước

Đơn vị

Thu theo biện pháp công trình

Bơm điện

Hồ đập, kênh cống

1

Cấp nước dùng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

đồng/m3

1.500

750

2

Cấp nước cho nhà máy nước sinh hoạt, chăn nuôi

đồng/m3

1.100

750

3

Cấp nước cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu

đồng /công (1000m2)

42.000

12.300

4

Cấp nước để nuôi trồng thủy sản

đồng/m2 mặt thoáng

250

5

- Nuôi trồng thủy sản tại công trình hồ chứa thủy lợi

- Nuôi cá bè

% Giá trị sản lượng

7%


8%

6

- Vận tải qua âu thuyền, cống của hệ thống thủy lợi

 + Thuyền, sà lan

 + Các loại bè

 


đồng/tấn/lượt

đồng/m2 bè/lượt

 


6.000

1.500

7

- Sử dụng nước từ công trình thủy lợi để phát điện

% giá trị sản lượng điện thương phẩm

8%

8

- Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí (kể cả kinh doanh sân golf, casino, nhà hàng)

% tổng giá trị doanh thu

10%

- Trường hợp cấp nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, thực tế tỉnh Trà Vinh không tính được theo mét khối (m3) trong quy định này tính thu theo diện tích (ha), theo quy định điểm d khoản 1 Điều 19 sửa đổi, bổ sung mức thu bằng 40% mức thủy lợi phí đối với đất trồng lúa; cụ thể:

- Trường hợp cấp nước bằng biện pháp công trình bơm điện lực thu thủy lợi phí bằng 40% giá trị thu thủy lợi phí cây lúa tưới tiêu bằng động lực tại tiết 1 khoản 1 Điều 2 Quy định này, 105.500 đồng/công/vụ x 40% = 42.200 đồng/công/vụ, tính tròn 42.000 đồng/công/vụ.

- Trường hợp cấp nước bằng biện pháp công trình đập, kênh, cống thu thủy lợi phí bằng 40% giá trị thu thủy lợi phí cây lúa tại tiết 2 khoản 1 Điều 2 Quy định này và bằng 30.744 đồng/công/vụ x 40% = 12.297 đồng/công/vụ, tính tròn 12.300 đồng/công/vụ.

2. Mức thủy lợi phí quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này được tính ở vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước đến công trình đầu mối của công trình thủy lợi.

3. Tổ chức hợp tác dùng nước thoả thuận với tổ chức, cá nhân sử dụng nước về mức phí dịch vụ lấy nước từ sau công trình cống đầu kênh đến mặt ruộng (kênh nội đồng), nhưng không được vượt quá mức trần do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.

4. Mức thu thủy lợi phí của các công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc có một phần vốn ngân sách nhà nước do đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thỏa thuận với hộ dùng nước và được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.

Điều 3. Miễn thủy lợi phí

1. Đối tượng miễn thủy lợi phí

Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối.

2. Phạm vi, mức miễn thủy lợi phí

Phạm vi, mức miễn thủy lợi phí theo quy định điểm a, điểm b khoản 5 Điều 19 Nghị định 143/2003/NĐ-CP sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ; cụ thể:

a) Phạm vi miễn giảm

- Diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối;

- Diện tích mặt đất, mặt nước trong hạn mức giao đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân do Nhà nước giao, được thừa kế, cho, tặng, nhận chuyển nhượng hợp pháp, phần diện tích vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì không được miễn thủy lợi phí;

- Miễn toàn bộ thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi thủy sản và làm muối của hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ;

- Đối với diện tích mặt đất, mặt nước các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán của các doanh nghiệp, nông lâm trường không thuộc phạm vi được miễn thủy lợi phí;

- Diện tích mặt đất, mặt nước được miễn thủy lợi phí quy định tại khoản này không phân biệt được cấp, tưới, tiêu nước từ công trình thủy lợi đầu tư bằng vốn ngân sách hay các nguồn vốn khác, thu thủy lợi phí theo mức Nhà nước quy định hay thoả thuận.

b) Mức miễn thủy lợi phí:

Mức miễn thủy lợi phí theo quy định điểm b khoản 5 Điều 19 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ; cụ thể tại các điểm a, b, c và tiết 3, 4 điểm d khoản 1 Điều 2 của Quy định này.

Điều 4. Các trường hợp không thuộc diện miễn thủy lợi phí quy định tại Điều 3 phải nộp thủy lợi phí theo Quy định này.

Điều 5. Lập kế hoạch thu, tổ chức, quản lý, sử dụng nguồn thu thủy lợi phí

1. Cuối năm trước, đầu năm sau hằng năm Công ty TNHH nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt Công ty TNHH Quản lý KTCT thủy lợi), Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chỉ đạo Xí nghiệp, Trạm quản lý thủy nông huyện, thị phối hợp các xã, ấp lập bộ thu, kế hoạch thu thủy lợi phí trên địa bàn, trình UBND huyện, thị xác nhận. Công ty TNHH Quản lý KTCT thủy lợi chịu trách nhiệm tổng hợp bộ thu thủy lợi phí của tỉnh, trên cơ sở tổng hợp bộ thu thủy lợi phí từng huyện, thị, thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Công ty TNHH Quản lý KTCT thủy lợi căn cứ tổng hợp bộ thu thủy lợi phí hằng năm của tỉnh trên cơ sở lập kế hoạch thu, lập kế hoạch cấp bù thủy lợi phí do thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008/NĐ-CP , thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Lập kế hoạch, giao dự toán, cấp phát, thanh quyết toán sản phẩm được giao kế hoạch, báo cáo tài chính, quy chế quản lý tài chính của công ty thực hiện theo Mục II, Mục III, Mục IV Thông tư số 11/2009/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn đặt hàng, giao kế hoạch với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi và quy chế tài chính của công ty nhà nước làm nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi.

4. Trình tự, thủ tục, hồ sơ, lập, giao dự toán, cấp phát, thanh quyết toán cấp bù miễn thủy lợi phí thực hiện Mục III, Mục IV, Mục V Thông tư số 36/2009/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 115/2008/NĐ-CP .

Điều 6. Khen thưởng và xử phạt

1. Các tổ chức, tập thể, cá nhân có thành tích trong việc đóng góp xây dựng, bảo vệ các công trình thủy lợi được biểu dương khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Các tổ chức, tập thể và cá nhân làm thất thoát, chiếm dụng và sử dụng nguồn thu thủy lợi phí, tiền nước sai mục đích, thu không đúng quy định hoặc gây trở ngại trong công tác thu thủy lợi phí tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành.

Điều 7. Thủ trưởng các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Cục trưởng Cục Thuế Trà Vinh; Giám đốc Công ty TNHH Quản lý KTCT thủy lợi; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức quần chúng tuyên truyền sâu rộng trong nội bộ và nhân dân, quán triệt mục đích, ý nghĩa của việc thu thủy lợi phí và chính sách miễn thủy lợi phí của Nhà nước để mọi tổ chức,công dân thực hiện đúng quy định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 07/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định thu thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh Trà Vinh do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành

  • Số hiệu: 07/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
  • Người ký: Trần Hoàn Kim
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 08/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản