Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 18 tháng 4 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Thông tý số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hýớng dẫn tổ chức hoạt ðộng và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 28/TTr-NN ngày 13/3/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thông

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND ngày 18/4/2012 của UBND tỉnh Hưng Yên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Ngoài nội dung tại Khoản 1, Điều 1 của Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, thì:

Đối với những công trình thuỷ lợi được xây dựng mới và đưa vào sử dụng sau khi quy định này có hiệu lực, việc phân cấp quản lý, khai thác được áp dụng theo các nội dung của quy định này.

Các công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, nhưng không thuộc tỉnh quản lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.

2. Đối tượng áp dụng:

Theo nội dung tại Khoản 2, Điều 1 của Thông tư 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình thuỷ lợi: Là công trình thuộc kết cấu hạ tầng nhằm khai thác mặt lợi của nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, bao gồm: Cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, kênh, công trình trên kênh và bờ bao các loại.

2. Hệ thống công trình thuỷ lợi: Là tập hợp các công trình thuỷ lợi có liên quan trực tiếp với nhau trong quản lý, vận hành và bảo vệ trong một lưu vực hoặc một khu vực nhất định.

3. Cống đầu kênh: (theo quy định của Nghị định số 115/2008/NĐ-CP) là công trình dẫn nước hoặc tiêu nước cho một diện tích hưởng lợi nhất định thuộc trách nhiệm quản lý của người hưởng lợi. Chi phí quản lý vận hành, tu sửa và bảo vệ các công trình từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng do người hưởng lợi đóng góp (gọi tắt là phí dịch vụ thủy nông nội đồng).

4. Tổ chức hợp tác dùng nước: (sau đây gọi là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp) là hình thức hợp tác của những người cùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi, làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ công trình, phục vụ sản xuất, dân sinh.

5. Công trình trên kênh: Là công trình nằm trên kênh làm nhiệm vụ dẫn, điều tiết nước của kênh đó.

6. Bờ vùng một xã: Là công trình bao bọc cho một lưu vực nằm trong một xã, làm nhiệm vụ ngăn nước không cho tràn vào lưu vực đó để bảo vệ sản xuất nông nghiệp dân sinh kinh tế và môi trường.

7. Công trình đầu mối: Là hạng mục công trình thuỷ lợi ở vị trí khởi đầu của hệ thống dẫn, thoát nước; làm chức năng cấp hoặc thoát nước, điều tiết, khống chế và phân phối nước.

Điều 3. Nội dung, yêu cầu của công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi

Theo nội dung tại Điều 4 của Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

Chương II

NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀ QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ, KHAI THÁC HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Điều 4. Nguyên tắc phân cấp

1. Phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải đảm bảo tính hệ thống, kết hợp quản lý theo lưu vực và vùng lãnh thổ. Bảo đảm an toàn và khai thác có hiệu quả các công trình thuỷ lợi trong việc tưới, tiêu, cấp nước phục vụ các ngành sản xuất, dân sinh, kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

2. Công trình được phân cấp đơn vị nào quản lý thì đơn vị đó trực tiếp tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ và đầu tư duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp theo đúng các quy định của Nhà nước. Phân cấp đảm bảo mỗi công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi do một chủ thể trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ.

3. Doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được phân cấp quản lý, khai thác công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại Thông tư số 40/2011/TT-BNNPTNT ngày 27/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

4. Doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được giao quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 11, Điều 12 của Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

Điều 5. Nguyên tắc xác định quy mô cống đầu kênh

Cống đầu kênh được xác định theo diện tích tưới, tiêu hưởng lợi mà cống đó phụ trách, được quy định như sau:

- Cống đầu kênh của hệ thống kênh tưới và kênh tưới, tiêu kết hợp có diện tích hưởng lợi nhỏ hơn 50 ha.

- Cống đầu kênh của hệ thống kênh tiêu có diện tích hưởng lợi nhỏ hơn 100 ha.

Nếu kênh tưới, kênh tiêu và kênh tưới, tiêu kết hợp nào chưa có cống đầu kênh thì ranh giới để phân cấp quản lý khai thác, bảo vệ tạm thời xác định khi chưa xây cống như sau:

- Tại cửa dẫn, thoát nước của kênh tưới và kênh tưới, tiêu kết hợp có diện tích hưởng lợi nhỏ hơn 50 ha.

- Tại cửa dẫn, thoát nước của kênh tiêu có diện tích hưởng lợi nhỏ hơn 100 ha.

Điều 6. Phân cấp cho Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý, khai thác

1. Đối với vùng có trạm bơm: Gồm các trạm bơm tưới, tiêu và tưới, tiêu kết hợp trên địa bàn xã hiện tại do các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý thì vẫn tiếp tục quản lý. Phạm vi quản lý là:

- Với trạm bơm tưới: Gồm công trình đầu mối; hệ thống kênh tưới và công trình trên kênh từ công trình đầu mối đến hết mặt ruộng.

- Với trạm bơm tiêu: Gồm công trình đầu mối; hệ thống kênh tiêu và công trình trên kênh từ mặt ruộng đến công trình đầu mối; cống và kênh xả tiêu.

- Với trạm bơm tưới, tiêu kết hợp: Gồm công trình đầu mối; hệ thống kênh và công trình trên kênh từ công trình đầu mối đến hết mặt ruộng; cống và kênh xả tiêu.

2. Hệ thống kênh và công trình trên kênh từ sau cống đầu kênh tới mặt ruộng trên địa bàn xã (kể cả vùng có trạm bơm của công ty và vùng tự chảy).

3. Bờ vùng của một xã.

Điều 7. Phân cấp quản lý, khai thác cho các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi

Toàn bộ công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi thuộc phạm vi tỉnh quản lý trừ các trường hợp tại Điều 6 đã quy định.

Điều 8. Phân cấp quản lý, khai thác đối với một số công trình đặc thù

Đối với một số công trình thủy lợi có đặc thù riêng về yêu cầu quản lý khai thác không thực hiện phân cấp theo các tiêu chí nêu ở Điều 6, Điều 7 của quy định này, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, thẩm định trình UBND tỉnh quyết định cụ thể.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản theo thẩm quyền về quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi khi thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.

b) Thẩm định danh mục các công trình thủy lợi được phân cấp, vị trí các cống đầu kênh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.

c) Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực quản lý khai thác công trình thuỷ lợi theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn phối hợp với doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi xác định ranh giới quản lý cụ thể từng công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi, các cống đầu kênh.

b) Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn trong các lĩnh vực quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Chỉ đạo các đơn vị quản lý trực tiếp công trình thuỷ lợi trên địa bàn xác định các cống đầu kênh và ranh giới quản lý cụ thể từng công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi giữa các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi với các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

b) Chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong việc thực hiện các quy định về phân cấp quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

c) Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn trong các lĩnh vực quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Tuyên truyền, phổ biến các quy định về phân cấp quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi cho nhân dân địa phương biết và thực hiện.

4. Doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi:

a) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp xã, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị liên quan xác định vị trí các cống đầu kênh và ranh giới quản lý cụ thể từng công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi giữa các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi với các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, giữa các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi với nhau, việc xác định vị trí các cống đầu kênh và ranh giới quản lý cụ thể từng công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi phải hoàn thành trong năm 2012. Việc phân cấp được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2013; cắm mốc chỉ giới quản lý, khai thác, bảo vệ công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các công trình thủy lợi được phân cấp và vị trí các cống đầu kênh.

b) Định kỳ báo cáo và báo cáo đột xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp có thẩm quyền khi có sự thay đổi về hiện trạng công trình, tình hình quản lý, khai thác đối với các công trình thuỷ lợi được phân cấp quản lý, khai thác.

c) Lập kế hoạch rà soát các trạm bơm không nằm trong quy hoạch thủy lợi đề nghị xoá bỏ, đề xuất các phương án phục vụ cho phần diện tích mà các trạm bơm đó phụ trách trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi thực hiện xoá bỏ.

5. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp:

a) Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi và các đơn vị có liên quan xác định vị trí các cống đầu kênh và ranh giới quản lý cụ thể từng công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi giữa các doanh nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi với các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; cắm mốc chỉ giới quản lý, khai thác, bảo vệ công trình, hệ thống công trình thuỷ lợi sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục các công trình thủy lợi được phân cấp và vị trí các cống đầu kênh. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo công trình định kỳ và đột xuất theo các công việc đối với công trình thuỷ lợi được phân cấp quản lý, khai thác.

b) Định kỳ báo cáo và báo cáo đột xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp có thẩm quyền khi có sự thay đổi về hiện trạng công trình, tình hình quản lý, khai thác đối với các công trình thuỷ lợi được phân cấp quản lý, khai thác.

c) Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân xã tuyên truyền, phổ biến các quy định về phân cấp quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi cho nhân dân địa phương biết và thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những vướng mắc để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 05/2012/QĐ-UBND phê duyệt Quy định phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 05/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/04/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản