Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2018/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 03 tháng 4 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ VÀ BIỂU MẪU BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN, THANH TOÁN KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

Căn cứ Thông tư 82/2017/TT-BTC ngày 15/8/2017 của Bộ Tài chính quy định về chế độ báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 619/TTr-STC ngày 02/4/2018 của Sở Tài chính; Báo cáo thẩm định số 33/BC-STP ngày 23/3/2018 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm.

2. Đối tượng áp dụng: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện).

Điều 2. Nguồn vốn đầu tư công

Các nguồn vốn đầu tư công theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công bao gồm:

1. Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, trong đó:

a) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn trong nước, bao gồm cả vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và các nguồn vốn khác thuộc ngân sách nhà nước (nếu có).

b) Vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương.

c) Vốn trái phiếu Chính phủ.

d) Vốn công trái quốc gia.

đ) Vốn hỗ trợ chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

2. Vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.

3. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước do Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay để đầu tư các dự án thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách xã hội.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện chế độ báo cáo

1. Số liệu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán các nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm phải kịp thời, chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung thông tin của dự án theo từng nguồn vốn và đúng thời gian quy định. Đồng thời phải có thuyết minh các tồn tại, vướng mắc, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện giao kế hoạch, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công theo kế hoạch; đề xuất các biện pháp tháo gỡ có liên quan đến công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư công.

2. Danh mục dự án, số vốn bố trí cho từng dự án, từng chương trình của từng Bộ, ngành, địa phương đảm bảo đúng các quyết định giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền (bao gồm kế hoạch năm, kế hoạch bổ sung, kế hoạch kéo dài, kế hoạch điều chỉnh). Đối với nguồn vốn đầu tư công thuộc địa phương quản lý, trường hợp Hội đồng nhân dân các cấp giao kế hoạch vốn (nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương, vốn đầu tư công khác do địa phương quản lý) cao hơn hoặc bổ sung ngoài kế hoạch vốn đầu tư công do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao thì địa phương phải có giải trình rõ các nguồn vốn giao tăng, nguồn vốn giao bổ sung trong kế hoạch và tổng hợp đầy đủ vào cột giao kế hoạch vốn của địa phương quy định tại Quyết định này.

3. Hằng tháng các cơ quan, đơn vị tổng hợp, báo cáo tổng số vốn đã thanh toán theo từng nguồn vốn, từng chương trình, từng cấp ngân sách của từng địa phương và của từng Sở, ngành. Hằng quý, hằng năm, giữa kỳ, cả giai đoạn trung hạn tổng hợp báo cáo tình hình thanh toán vốn chi tiết tới từng dự án theo đúng quy định tại các biểu mẫu báo cáo tại Quyết định này. Tỷ lệ giải ngân vốn hằng tháng, hằng quý, hằng năm, giữa kỳ và cả giai đoạn trung hạn phải được tính trên tổng số kế hoạch vốn đầu tư công được cấp có thẩm quyền giao hằng năm và trung hạn theo quy định.

Điều 4. Quy định về cơ quan tổng hợp báo cáo và thời gian báo cáo.

1. Sở Kế hoạch & Đầu tư: Lập báo cáo và gửi các cơ quan theo các biểu mẫu ban hành kèm theo Quyết định này:

a) Biểu số 01-KH: Báo cáo phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các dự án thuộc địa phương quản lý năm...:

* Cơ quan nhận báo cáo: Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

* Thời gian báo cáo:

- Đối với kế hoạch giao đầu năm: Sau 03 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh ký Quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các đơn vị theo quy định.

- Đối với kế hoạch vốn bổ sung trong năm hoặc kế hoạch điều chỉnh (nếu có): sau 07 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền ký Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công cho địa phương.

- Đối với kế hoạch vốn năm trước kéo dài sang năm sau: sau 07 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định kế hoạch vốn được phép kéo dài của địa phương.

b) Biểu số 02-KH: Tình hình thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công giữa kỳ trung hạn và cả giai đoạn trung hạn 20..- 20... :

* Cơ quan nhận báo cáo: Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

* Thời gian báo cáo:

- Giữa kỳ trung hạn trước ngày 07/7 năm thứ 3 của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

- Cả giai đoạn trung hạn trước ngày 25/02 năm đầu tiên của giai đoạn trung hạn tiếp theo.

2. Kho bạc Nhà nước tỉnh: Lập báo cáo và gửi các cơ quan theo các biểu mẫu ban hành kèm theo Quyết định này:

- Biểu số 01-KBNN: Tình hình thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công các dự án thuộc địa phương quản lý năm...

* Cơ quan nhận báo cáo: Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

* Thời gian báo cáo: Định kỳ hằng Quý, hằng năm.

- Biểu số 02-KBNN: Tình hình thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công giữa kỳ trung hạn và cả giai đoạn trung hạn 20…-20…

* Cơ quan nhận báo cáo: Sở Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

* Thời gian báo cáo: Định kỳ giữa kỳ trung hạn, cả giai đoạn 05 năm trung hạn.

3. UBND cấp huyện: Lập báo cáo và gửi các cơ quan theo các biểu mẫu ban hành kèm theo Quyết định này:

a) Biểu số 01-TC: Báo cáo phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các dự án thuộc địa phương quản lý năm...:

* Cơ quan nhận báo cáo: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh.

* Thời gian báo cáo:

- Đối với kế hoạch giao đầu năm: Sau 03 ngày kể từ ngày UBND cấp huyện ký Quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các đơn vị theo quy định.

- Đối với kế hoạch vốn bổ sung trong năm hoặc kế hoạch điều chỉnh (nếu có): sau 07 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền ký Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công cho địa phương.

- Đối với kế hoạch vốn năm trước kéo dài sang năm sau: sau 07 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định kế hoạch vốn được phép kéo dài của địa phương.

b) Biểu số 02-TC: Tình hình thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công các dự án thuộc địa phương quản lý năm... :

* Cơ quan nhận báo cáo: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh.

* Thời gian báo cáo:

- Hằng quý (thời gian 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng) trước ngày 07 của tháng đầu tiên quý tiếp theo.

- Hằng năm (báo cáo 13 tháng) trước ngày 25/02 năm sau năm kế hoạch.

c) Biểu số 03-TC: Tình hình thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công giữa kỳ trung hạn và cả giai đoạn trung hạn 20..- 20..

* Cơ quan nhận báo cáo: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh.

* Thời gian báo cáo:

- Giữa kỳ trung hạn trước ngày 07/7 năm thứ 3 của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

- Cả giai đoạn trung hạn trước ngày 25/02 năm đầu tiên của giai đoạn trung hạn tiếp theo.

Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan.

1. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Hằng quý, hằng năm, giữa kỳ và cả giai đoạn trung hạn, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán các nguồn vốn đầu tư công của tỉnh theo đúng quy định trình Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để tổ chức triển khai thực hiện việc quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công theo quy định hiện hành.

2. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch & Đầu tư

Tổng hợp, báo cáo danh mục dự án, số vốn bố trí cho từng dự án, từng chương trình đảm bảo theo đúng các quyết định giao kế hoạch vốn của cấp có thẩm quyền (bao gồm kế hoạch năm, kế hoạch bổ sung, kế hoạch kéo dài, kế hoạch điều chỉnh) gửi Sở Tài chính tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định. Đối với nguồn vốn đầu tư công thuộc địa phương quản lý, trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao kế hoạch vốn (nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương, vốn đầu tư công khác do địa phương quản lý) cao hơn hoặc bổ sung ngoài kế hoạch vốn đầu tư công do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao thì Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính giải trình rõ các nguồn vốn giao tăng, nguồn vốn giao bổ sung trong kế hoạch và chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu trong báo cáo.

3. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước tỉnh

a) Tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch, thanh toán vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm của dự án trên địa bàn tỉnh gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính theo quy định.

b) Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về tính chính xác của số liệu tổng hợp về tình hình thực hiện, thanh toán các nguồn vốn đầu tư công. Thuyết minh các tồn tại, vướng mắc, các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công theo kế hoạch, đề xuất các biện pháp tháo gỡ có liên quan đến công tác quản lý, thanh toán vốn đầu tư công.

c) Thường xuyên chỉ đạo Kho bạc Nhà nước cấp huyện đối chiếu số liệu báo cáo về kế hoạch vốn trung hạn, hằng năm, số liệu giải ngân các nguồn vốn đầu tư công chi tiết các dự án, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với quy định, trường hợp phát hiện số liệu kế hoạch vốn của địa phương giao cho từng Chương trình, dự án không đúng với số kế hoạch vốn do Quốc hội, Chính phủ giao cho địa phương (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn ODA, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ) phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

4. Trách nhiệm của UBND cấp huyện

Tổng hợp báo cáo gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh theo quy định. Chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh về tính chính xác của số liệu báo cáo tình hình giao kế hoạch vốn đầu tư công, tình hình thực hiện kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công.

Điều 6. Chế độ báo cáo và hình thức báo cáo.

1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đúng thời gian và theo các biểu mẫu (ban hành kèm theo) của Quyết định này.

2. Báo cáo được gửi theo đường bưu điện (đối với bản có dấu); đồng thời gửi qua hộp thư điện tử theo địa chỉ phongdautustcnd@gmail.com của Sở Tài chính (Phòng Tài chính Đầu tư xây dựng cơ bản).

Điều 7. Tổ chức thực hiện.

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2018.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Website tỉnh, Công báo tỉnh;
- Như Điều 7;
- Lưu: VP1, VP3, VP6, VP5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Ngô Gia Tự

 

PHỤ LỤC

HƯỚNG DẪN LẬP MỘT SỐ CÁC CHỈ TIÊU BÁO CÁO TẠI CÁC BIỂU MẪU QUY ĐỊNH TẠI QUYẾT ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 03/4/2018 của UBND tỉnh Nam Định)

1. Các chỉ tiêu liên quan đến dự án đầu tư:

1.1. Quyết định đầu tư: Là Quyết định phê duyệt dự án đầu tư ban đầu hoặc Quyết định điều chỉnh cuối cùng (nếu có) của cấp có thẩm quyền.

1.2. Nhóm dự án (Quan trọng quốc gia, A, B, C): căn cứ theo tiêu chí phân loại dự án tại Luật Đầu tư công.

1.3. Thời gian khởi công - hoàn thành: Là thời gian ghi tại Quyết định đầu tư dự án ban đầu hoặc Quyết định điều chỉnh gần nhất tại thời điểm báo cáo (nếu có).

1.4. Mã số dự án đầu tư: Là mã số được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho từng dự án theo quy định.

2. Các chỉ tiêu liên quan đến nguồn vốn đầu tư:

2.1. Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia: là nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Ngân sách địa phương để thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2.2. Vốn các chương trình mục tiêu: là nguồn vốn Ngân sách Trung ương bố trí cho Bộ, ngành và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện các dự án đầu tư thuộc các chương trình theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước theo từng giai đoạn cụ thể.

2.3. Vốn Ngân sách Trung ương bổ sung ngoài kế hoạch được giao (nếu có): Là nguồn vốn Ngân sách Trung ương bổ sung cho các Bộ, ngành, địa phương từ các nguồn: vượt thu, dự phòng ngân sách trung ương; vốn bổ sung từ các khoản thu hồi vốn của ngân sách trung ương đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần để đầu tư cho các dự án thuộc các Bộ...

2.4. Nguồn thu để lại đầu tư chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước: Là các khoản thu từ tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí và các khoản thu khác (nếu có) được cấp có thẩm quyền cho phép để lại thực hiện các dự án đầu tư của các Bộ, ngành, địa phương.

2.5. Nguồn bội chi ngân sách địa phương: Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Luật Ngân sách Nhà nước là các khoản vay bù đắp bằng các nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật để sử dụng cho đầu tư phát triển.

3. Các chỉ tiêu liên quan đến kế hoạch vốn đầu tư:

3.1. Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm: Là số kế hoạch vốn đầu tư do Bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ chi tiết cho từng dự án theo các Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (bao gồm cả vốn được giao để thu hồi ứng, thanh toán nợ Xây dựng cơ bản).

Đối với nguồn vốn Ngân sách Trung ương bổ sung ngoài kế hoạch được giao cho các địa phương để thực hiện các dự án đầu tư cụ thể; UBND tỉnh, thành phố thực hiện phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án theo đúng các quyết định, văn bản thông báo của cấp có thẩm quyền.

3.2. Kế hoạch vốn kéo dài năm trước chuyển sang: Là số kế hoạch vốn của năm trước được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thực hiện sang năm tiếp theo.

3.3. Kế hoạch vốn giai đoạn trước chuyển sang: Là số kế hoạch vốn kéo dài của năm cuối cùng của giai đoạn trước được tiếp tục thanh toán trong năm đầu tiên của giai đoạn sau theo quy định của cấp có thẩm quyền thông báo cho Bộ, ngành hoặc địa phương.

3.4. Kế hoạch vốn còn lại chưa thanh toán bị hủy bỏ (nếu có) là số kế hoạch vốn còn lại nhưng đến hết thời hạn quy định không được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thanh toán, phải thực hiện bị hủy bỏ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3.5. Kế hoạch vốn còn lại tiếp tục được kéo dài thanh toán sang năm sau hoặc giai đoạn sau: Là số kế hoạch vốn còn lại tiếp tục được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thanh toán sang năm sau hoặc giai đoạn sau theo quy định của Luật Đầu tư công.

3.6. Lũy kế vốn đã bố trí từ khởi công đến hết kế hoạch năm trước năm báo cáo: Là tổng số kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền giao cho dự án đầu tư từ khi khởi công đến hết kế hoạch năm trước năm báo cáo.

3.7. Lũy kế vốn ứng trước kế hoạch chưa thu hồi từ các năm trước: Là tổng số vốn đã ứng trước từ Ngân sách Trung ương cho dự án nhưng đến hết năm trước năm báo cáo chưa được bố trí đủ nguồn để thu hồi vốn ứng trước.

4. Các chỉ tiêu liên quan đến thanh toán kế hoạch vốn đầu tư:

4.1. Thanh toán kế hoạch vốn đầu tư giao trong năm; kế hoạch vốn đầu tư trung hạn; kế hoạch vốn kéo dài; kế hoạch vốn ứng trước: Là số vốn thực tế đã được thanh toán qua Kho bạc Nhà nước và cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát thanh toán (bao gồn cả vốn thanh toán khối lượng hoàn thành, vốn tạm ứng theo chế độ) theo từng loại kế hoạch vốn nêu trên được cấp có thẩm quyền giao trong năm kế hoạch hoặc trong giai đoạn trung hạn cho các Bộ, ngành và địa phương.

4.2. Lũy kế vốn đã thanh toán từ khởi công đến hết kế hoạch năm trước năm báo cáo: Là tổng số vốn đã thanh toán cho dự án từ khi khởi công đến hết niên độ năm trước năm báo cáo.

5. Về xác định thời điểm chốt số báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư công giữa kỳ trung hạn và cả giai đoạn trung hạn:

5.1. Báo cáo giữa kỳ trung hạn: Báo cáo lũy kế thanh toán kế hoạch vốn từ ngày 01 tháng 01 năm thứ nhất của giai đoạn trung hạn (bao gồm cả nguồn vốn thuộc giai đoạn trước và các năm trước chuyển sang) đến hết ngày 30 tháng 6 năm thứ ba của giai đoạn trung hạn.

5.2. Báo cáo cả giai đoạn trung hạn: Báo cáo lũy kế thanh toán kế hoạch vốn từ ngày 01 tháng 01 năm thứ nhất của giai đoạn trung hạn (bao gồm cả nguồn vốn thuộc giai đoạn trước và các năm trước chuyển sang) đến hết ngày 31 tháng 01 năm đầu tiên của giai đoạn trung hạn tiếp theo.

6. Về tổng hợp theo ngành, lĩnh vực: Các đơn vị tổng hợp báo cáo các dự án chi tiết theo ngành, lĩnh vực được thống nhất theo thứ tự như sau: (1) Giao thông, (2) Thủy lợi, (3) Y tế, (4) Giáo dục, (5) ngành, lĩnh vực khác (nếu có)…

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2018/QĐ-UBND quy định về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh Nam Định ban hành

  • Số hiệu: 04/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/04/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Ngô Gia Tự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản