Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2007/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 16 tháng 3 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ, KHAI THÁC SỬ DỤNG THÔNG TIN VÀ BẢO VỆ MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG TỈNH HƯNG YÊN"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND công bố ngày 10/12/2003;

Căn cứ Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2005;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh tại Tờ trình số 39/TTr-VPUBND ngày 09/3/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về tổ chức, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin và bảo vệ mạng tin học diện rộng tỉnh Hưng Yên”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã và các cơ quan đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cường

 

QUY ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ, KHAI THÁC SỬ DỤNG THÔNG TIN VÀ BẢO VỆ MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo QĐ số 04/2007/QĐ-UBND ngày 16/3/2007 của UBND tỉnh Hưng Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng.

Quy định này được áp dụng đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND huyện, thị xã và các cơ quan (sau đây gọi tắt là đơn vị) trên địa bàn tham gia kết nối vào mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh nhằm mục đích đảm bảo tính đồng bộ, an ninh, an toàn, khai thác có hiệu quả hệ thống mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh và phục vụ tốt quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Điều 2.

1. Mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh là mạng tin học được thiết lập trên cơ sở kết nối giữa Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh với mạng tin học cục bộ (LAN) của các đơn vị thông qua mạng viễn thông; đồng thời kế nối với mạng tin học diện rộng (CPNet) của Chính phủ. Máy chủ, máy trạm và các thiết bị khác có liên quan để kết nối mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh được UBND tỉnh trang bị cho các đơn vị tham gia mạng tin học diện rộng và giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng, là các thành phần quan trọng của hệ thống mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh.

2. Trung tâm Tin học tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, điều hành mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh thông qua Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đặt tại Văn phòng UBND tỉnh. Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh làm nhiệm vụ điều phối mọi hoạt động và là nơi lưu trữ mọi dữ liệu, các phần mềm dùng chung, các dịch vụ cơ bản, hệ thống thư điện tử…

3. Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chung toàn bộ hệ thống, đảm bảo thu nhập, cung cấp thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; hướng dẫn và giúp các đơn vị trong việc kết nối, bảo vệ các trang thiết bị kết nối vào mạng diện rộng của tỉnh, trong việc khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu (THDL) tỉnh.

4. Các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý mạng tin học của tỉnh (LAN), các trang thiết bị tin học, các phần mềm tin học, các công văn dữ liệu và thông tin trong mạng nội bộ của đơn vị mình.

Chương II

QUẢN LÝ VÀ QUẢN TRỊ MẠNG TIN HỌC

Điều 3. Các đơn vị tham gia vào mạng diện rộng của tỉnh phải tuân theo các quy định sau:

1. Được quyền khai thác các tài nguyên trên mạng diện rộng của tỉnh, mạng diện rộng của Chính phủ theo đúng quyền hạn của đơn vị và được cụ thể hóa bằng việc phân quyền truy cập mạng.

2. Chịu trách nhiệm phân quyền khai thác thông tin và sử dụng các tài nguyên mạng thuộc thẩm quyền cho các cá nhân trong đơn vị. Trong quá trình vận hành khai thác sử dụng, nếu xảy ra sự cố gây hư hỏng thiết bị kết nối hoặc các phần mềm tin học chuyên dụng, thì phải ghi lại nguyên nhân và báo cho Trung tâm Tin học tỉnh để nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ và thực hiện các biện pháp xử lý.

3. Không được tự ý thay đổi cấu hình, can thiệp vào các thiết bị kết nối hoặc các phần mềm tin học phục vụ khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu cho mạng diện rộng của tỉnh.

4. Khai thác và cung cấp thông tin, dữ liệu cho mạng diện rộng của tỉnh thông qua một cổng chung đã được quy định trong mỗi mạng thành viên.

5. Quản lý, giám sát các tổ chức và cá nhân khai thác thông tin, dữ liệu trên mạng LAN của đơn vị.

6. Thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu và an ninh mạng.

Điều 4. Trách nhiệm của cán bộ quản trị mạng.

Mạng cục bộ trong các đơn vị có 01 cán bộ tin học chuyên trách làm nhiệm vụ quản trị hệ thống gồm: Quản trị mạng và quản lý các thiết bị tin học, quản trị các cơ sở dữ liệu, quản lý các phần mềm và thông tin trên mạng cục bộ đó. Cán bộ quản trị này có trách nhiệm sau:

1. Đảm bảo sự kết nối thông suốt mạng cục bộ của dơn vị với máy chủ Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh.

2. Quản lý đường cáp mạng, các thiết bị mạng (như: connector, hub, switch, router, fire wall…) và các thiết bị tin học của đơn vị. Đảm bảo mạng LAN của đơn vị luôn luôn hoạt động ổn định và kết nối thông suốt với Trung tâm THDL tỉnh.

3. Đảm bảo an toàn, bảo mật các thông tin truyền dẫn trong mạng. Phòng chống virus máy tính, có trách nhiệm thường xuyên cập nhật virus mới và cập nhật những phiên bản diệt virus mới.

4. Phân quyền và quản lý quyền truy nhập của người sử dụng mạng.

5. Hàng ngày cán bộ quản trị mạng LAN tại các đơn vị có nhiệm vụ khởi động máy chủ và các ứng dụng chạy trên máy chủ vào đầu giờ làm việc, tắt máy chủ khi hết giờ làm việc. Khi cần tắt máy chủ hoặc các ứng dụng phải kiểm tra những kết nối hiện tại và gửi thông báo đến những người sử dụng đang truy cập mạng hoặc ứng dụng để đảm bảo không làm mất dữ liệu hay treo máy.

6. Quản trị các cơ sở dữ liệu (CSDL) gồm CSDL chung của đơn vị và CSDL cấp tỉnh được phân quyền quản lý. Nội dung quản trị CSDL bao gồm: Quản lý việc cập nhật dữ liệu; phân quyền khai thác dữ liệu cho các đối tượng người sử dụng, thực hiện các thao tác bảo mật sao lưu dữ liệu theo quy định…

7. Quản lý phần mềm hệ thống, các phần mềm dùng chung, bảo quản hồ sơ mạng, mọi tài liệu kỹ thuật, đĩa cài đặt và cấu hình của mọi thiết bị phần cứng, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng và các tài liệu liên quan.

8. Giúp lãnh đạo đơn vị lập kế hoạch, dự trù kinh phí bảo trì các trang thiết bị; thực hiện thay thế, bổ sung, thay đổi vị trí lắp đặt các thiết bị tin học trên mạng do mình quản lý khi có nhu cầu.

9. Nghiên cứu lĩnh vực hoạt động chuyên môn ở đơn vị cơ sở, đề xuất những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp nhằm hỗ trợ quản lý và nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Đề xuất ý kiến chính thức về công việc chuyên môn với lãnh đạo đơn vị và lãnh đạo Trung tâm để phối hợp xử lý.

10. Tham dự đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ, các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Trung tâm.

11. Thực hiện chế độ báo cáo về các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu đột xuất.

Điều 5. Các cá nhân đăng ký tham gia vào mạng diện rộng của tỉnh thông qua mạng LAN tại đơn vị quản lý của mình và phải tuân theo các quy định sau:

1. Chịu trách nhiệm quản lý các trang thiết bị tin học được giao và sử dụng các trang thiết bị theo đúng quy định của đơn vị. Trong quá trình vận hành, khai thác và sử dụng, nếu xảy ra sự cố gây hư hỏng trang thiết bị hoặc các phần mềm chuyên dụng, phải ghi lại nguyên nhân và báo cáo cho cán bộ quản trị mạng của đơn vị biết để xử lý kịp thời.

2. Được quyền khai thác các tài nguyên trên mạng theo đúng quyền hạn do thủ trưởng đơn vị quy định và được cán bộ quản trị mạng cụ thể hóa bằng phân quyền truy nhập thông tin trên mạng.

3. Không được tự ý di chuyển đường cáp và các thiết bị mạng, không được can thiệp vào phần cứng của các thiết bị tin học.

4. Không được cài đặt các phần mềm vào máy trạm do mình quản lý nếu không được sự đồng ý của cán bộ quản trị mạng. Không được xóa bỏ hoặc can thiệp vào các phần mềm được cài đặt trên các máy chủ và máy trạm khác.

5. Không được tiết lộ mật khẩu truy nhập vào mạng của mình cho người khác. Phải tuân thủ các quy định về truy nhập, khai thác sử dụng mạng… đã được thủ trưởng đơn vị ban hành.

6. Nghiêm cấm việc phát tán virus tin học trên mạng. Khi có nhu cầu sao chép dữ liệu từ các thiết bị lưu trữ bên ngoài, phải kiểm tra và diệt virus trên các thiết bị đó (nếu có) trước khi thực hiện sao chép; nếu cần thiết phải yêu cầu sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ quản trị mạng của đơn vị.

Điều 6. Trách nhiệm của Văn phòng UBND tỉnh:

1. Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan đầu mối trực tiếp quản lý Trung tâm Tích hợp dữ liệu của mạng tin học diện rộng của tỉnh, có các nhiệm vụ sau:

1.1. Xây dựng hồ sơ, quy định về quản lý, quản trị, khai thác các thiết bị mạng, máy chủ đặt tại Trung tâm THDL tỉnh.

1.2. Quản lý, bảo trì cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các thiết bị kết nối tại trung tâm THDL tỉnh. Đảm bảo cung cấp các dịch vụ kết nối với mạng LAN thành viên.

1.3. Cung cấp các phần mềm dùng chung, hệ thống thư điện tử kịp thời, nhanh chóng, chính xác phục vụ cho việc quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thông qua mạng tin học diện rộng của tỉnh.

1.4. Hướng dẫn thống nhất chuẩn công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng tin học trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

1.5. Lập kế hoạch hàng năm cho hoạt động vận hành toàn bộ hệ thống mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh và phát triển các ứng dụng trên mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh.

1.6. Phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức tập huấn, đào tạo để nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức quản trị hệ thống của cán bộ quản trị mạng tại các đơn vị trong việc sử dụng và khai thác có hiệu quả mạng tin học diện rộng của tỉnh.

1.7. Định kỳ báo cáo UBND tỉnh về hoạt động của mạng tin học diện rộng của tỉnh.

2. Trung tâm Lưu trữ - Tin học tỉnh làm nhiệm vụ quản trị hệ thống mạng diện rộng của tỉnh có các nhiệm vụ sau:

2.1. Quản trị hệ thống mạng diện rộng của tỉnh, mạng LAN tại Văn phòng UBND tỉnh. Quản lý quyền truy nhập của các mạng LAN thành viên và những người có quyền truy nhập nhập trực tiếp vào máy chủ của mạng diện rộng.

2.2. Cùng với cán bộ quản trị mạng của các đơn vị duy trì, bảo đảm sự hoạt động của mạng tin học diện rộng và các hệ thống thông tin điện tử trên mạng tin học diện rộng của tỉnh để phục vụ việc truyền nhận thông giữa các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Đảm bảo an toàn, bảo mật các thông tin truyền dẫn trong mạng giữa các máy chủ của mạng diện rộng với các mạng LAN thành viên và thiết bị tin học của các đối tượng người sử dụng trong mạng.

2.3. Quản trị các cơ sở dữ liệu trên máy chủ tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh bao gồm: Quản lý việc cập nhật dữ liệu từ các mạng LAN thành viên và các đối tượng người dùng khác được phép; phân quyền khai thác dữ liệu cho các mạng LAN thành viên và các đối tượng người dùng; bảo mật dữ liệu, tổ chức định kỳ sao lưu dữ liệu, thay đổi thiết kế cấu trúc CSDL trên các máy chủ của mạng diện rộng, hướng dẫn sửa đổi thiết kế cấu trúc CSDL trên các mạng LAN thành viên cho phù hợp với CSDL của mạng diện rộng khi có nhu cầu,…

2.4. Thực hiện các biện pháp phòng chống và diệt virus máy tính, hướng dẫn các mạng LAN thành viên phòng chống và diệt virus trong mạng.

2.5. Phối hợp với đơn vị tư vấn để cài đặt, cập nhật phiên bản mới của các phần mềm dùng chung, các dịch vụ cơ bản,… tại các đơn vị để quản lý thống nhất, đồng bộ và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

2.6. Quản lý các phần mềm hệ thống, các phần mềm dùng chung, các dịch vụ cơ bản,… trên mạng diện rộng.

2.7. Lập sổ nhật ký theo dõi quá trình vận hành hệ thống của Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.

2.8. Lập kế hoạch bảo trì các trang thiết bị, thực hiện thay thế, bổ sung; thay đổi vị trí lắp đặt các thiết bị tin học thuộc Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh khi cần thiết.

2.9. Có kế hoạch và tổ chức họp giao ban hàng tháng với cán bộ quản trị mạng các đơn vị để tổng hợp tình hình hoạt động chuyên môn, bàn giải pháp kỹ thuật và nghiên cứu và ứng dụng tin học vào quy trình xử lý công việc hành chính hàng ngày; phổ biến những thông tin mới về công tác vận hành, phối hợp triển khai các phần mềm ứng dụng trên mạng.

Chương III

VỀ TỔ CHỨC VÀ KHAI THÁC THÔNG TIN TRÊN MẠNG TIN HỌC DIỆN RỘNG

Điều 7. Mạng diện rộng cấp tỉnh được sử dụng để:

1. Truyền nhận thông tin, dữ liệu giữa UBND tỉnh với các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và giữa các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp ở địa phương.

2. Liên kết khai thác các phần mềm dùng chung, các cơ sở dữ liệu, các thông thông tin được lưu trữ trên mạng thông tin học diện rộng nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo và cán bộ quản lý.

Điều 8. Tính pháp lý của thông tin trên mạng.

1. Các văn bản thuộc diện mật, tối mật, tuyệt mật chưa được phép truyền trên mạng tin học diện rộng.

2. Các văn bản được truyền nhận trên mạng diện rộng của tỉnh có giá trị tương đương văn bản gốc, các đơn vị có trách nhiệm nghiêm chỉnh thi hành khi nhận được các văn bản điện tử. Việc truyền nhận văn bản trên mạng diện rộng của tỉnh được thực hiện theo Quy định tại Quyết định số 121/2006/QĐ-UBND và Quyết định 122/2006/QĐ-UBND ngày 22/9/2006 của UBND tỉnh.

Điều 9. Chuẩn công nghệ thông tin.

1. Thống nhất sử dụng hệ điều hành Windows, hệ quản trị cơ sở dữ liệu Lotus Notes cho các ứng dụng quản lý và gửi nhận văn bản giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, trao đổi thư tín điện tử.

2. Giao thức kết nối giữa các mạng LAN với mạng tin học diện rộng của tỉnh là TCP/IP đối với đường truyền tốc độ cao (ADSL,…)

3. Tất cả cá văn bản truyền trên mạng diện rộng của tỉnh phải được soạn thảo bằng phần mềm Word, chuẩn mã chữ, phông chữ theo quy định tại Quyết định số 72/2002/QĐ-TTg ngày 10/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thống nhất dùng bộ mã các ký tự Việt theo chuẩn TCVN6909:2001 trong trao đổi thông tin điện tử giữa các giữa các tổ chức của Đảng và Nhà nước. Mẫu văn bản phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố quy định của thể thức văn bản hành chính thực hiện theo Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 06/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.

Chương IV

VỀ BẢO VỆ MẠNG

Điều 10. Về tổ chức vận hành mạng diện rộng cấp tỉnh.

1. Tất cả các mạng LAN thành viên kết nối với mạng tin học diện rộng của tỉnh đều phải đảm bảo quy định kỹ thuật về an toàn mạng. Các máy chủ của các mạng LAN thành viên được kết nối với Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh phải được cài đặt phần mềm thống nhất dùng để truyền thông tin trên mạng.

2. Không kết nối mạng công vụ của các mạng thành viên vào mạng Internet. Khi có nhu cầu kết nối qua mạng liên kết ngoài cần phải tuân theo các quy định hiện hành của Chính phủ về Internet.

3. Tất cả các máy trạm khai thác thông tin trong mạng diện rộng đều phải tạo lập chế độ lưu trữ thông tin theo phân cấp quy định. Khi các máy này hỏng, hay cần sửa chữa thay thế, nhất thiết phải gỡ thiết bị lưu trữ thông tin học hoặc xóa hết các thông tin, dữ liệu và các phần mềm ứng dụng liên quan đến công tác điều hành quản lý của đơn vị.

4. Khi các mạng LAN thành viên có nhu cầu kết nối, mở rộng thêm máy trạm mới, nhất thiết phải thông báo cho bộ phận quản trị hệ thống của mạng diện rộng biết để đưa vào danh mục quản lý trước khi cài đặt.

Điều 11. Môi trường làm việc.

1. Phòng đặt máy chủ (Server), máy trạm và các thiết bị ngoại vi có liên quan đến hệ thống mạng phải luôn khô ráo sạch sẽ, thoáng mát, tránh những nơi có độ ẩm cao. Định kỳ vệ sinh máy chủ, hệ thống dây mạng và các thiết bị ngoại vi có liên quan đến kết nối mạng. Tránh đặt máy chủ ở những nơi có nhiều từ trường lớn như: Nam châm, máy phát điện, máy nổ và các động cơ khác. Nhiệt độ trong phòng đặt máy chủ phải ổn định.

2. Điện áp trong hệ thống điện của các đơn vị phải được giữ ổn định, tránh rò rỉ điện, các ổ cắm điện cho máy chủ, máy tính cũng như thiết bị ngoại vi phải chắc chắn, an toàn tránh hở mạch để hạn chế việc hư hại cho máy tính và các thiết bị ngoại vi. Đối với các máy chủ thì cần phải có thiết bị lưu điện để đảm bảo không bị ngắt đột ngột do mất điện. có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đề phòng cháy nổ do điện gây ra.

Điều 12. Về bảo mật hệ thống và thông tin dữ liệu.

1. Bảo mật hệ thống.

a) Để đảm bảo an ninh cho toàn hệ thống cần sử dụng các thiết bị chuyển mạch, thiết bị định tuyến có cơ chế bảo mật và phần mềm làm firewall. Sử dụng các biện pháp bảo mật để ngăn chặn sự truy cập bất hợp pháp từ bên ngoài cũng như bên trong cơ quan và hệ thống tin học của cơ quan.

b) Không được tiết lộ tài khoản quản trị mạng tại đơn vị cho người khác. Khi có vấn đề trục trặc trên đường truyền, người quản trị mạng có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm Tin học tỉnh để phối hợp cùng đơn vị tư vấn, bộ phận quản trị mạng kiểm tra, sửa chữa.

2. Bảo mật thông tin dữ liệu.

a) Các thông tin dữ liệu lưu trữ trên mạng phải được định kỳ sao lưu trên băng từ hoặc đĩa CD và lưu trữ theo quy chế lưu trữ hiện hành cho nhà nước.

b) Bộ phận quản trị mạng chịu trách nhiệm đệ trình và áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho mạng tin học diện rộng, bảo vệ các cơ sở dữ liệu, tổ chức phân quyền cho người sử dụng và các mạng LAN thành viên trong việc khai thác thông tin dữ liệu trong mạng tin học diện rộng do cấp lãnh đạo có thẩm quyền quy định theo từng cơ sở du lịch và phần mềm dùng chung.

c) Trung tâm tin học của tỉnh phải thường xuyên kiểm tra sự hoạt động của các phần mềm hệ thống và phần mềm dùng chung trên mạng tin học diện rộng và tìm giải pháp khắc phục khi có sự trục trặc.

Điều 13. Về sao lưu dữ liệu.

Các đơn vị, cá nhân khai thác thông tin trong mạng tin học diện rộng của tỉnh đều phải tạo lập chế độ tạo lập chế độ lưu giữ thông tin học theo phân cấp quy định, với những yêu cầu sau:

1. Với người sử dụng: Có thể sao lưu lên USB, đĩa mềm,…Chỉ thực hiện sao lưu những dữ liệu quan trọng của riêng mình.

2. Với dữ liệu trên máy chủ: Có thể sao lưu lên ổ đĩa cứng khác (trên máy chủ hoặc một máy đơn lẻ), sao lưu ra băng từ hoặc đĩa từ quang.

3. Quy định chu kỳ sao lưu (ví dụ 1 tuần/lần): Cuối một chu kỳ sao lưu, thực hiện sao lưu toàn bộ dữ liệu cần thiết (full backup). Trong một chu kỳ lớn, có thể chia thành các khoảng nhỏ (ví dụ 1 ngày/lần), thực hiện sao lưu những thay đổi kể từ lần sao lưu đầy đủ mới nhất.

4. Dữ liệu của hai lần sao lưu đầy đủ liền nhau phải lưu lên hai băng từ hoặc hai đĩa từ quang khác nhau. Cân quy định số lượng và dung lượng băng từ tối thiểu phải sử dụng (tùy theo thông tin cần sao lưu). Dung lượng tối thiểu sử dụng phải gấp ít nhất ba lần tổng dữ liệu cần sao lưu.

5. Đĩa và băng từ sao lưu phải được giữ ở nơi cách xa về vật lý tới máy chủ, đề phòng trường hợp hỏa hoạn hay bất chắc xảy ra.

6. Thông tin về tất cả các lần sao lưu đều phải ghi rõ trong Nhật ký bảo trì. Các băng, đĩa sử dụng sao lưu phải có đánh số, dán nhãn và ghi chú cẩn thận để có thể tìm lại dễ dàng, tránh nhầm lẫn.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14.

Các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia và hệ thống mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh có trách nhiệm chấp hành nghiêm Quy định này. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham gia và hệ thống có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy định này và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về những vi phạm quy định của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan trong quá trình tham gia điều hành hệ thống mạng. Tùy theo mức độ, cán bộ vi phạm chịu kỷ luật, xử lý hành chính hoặc trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại về tài sản phải xử lý bồi thường theo quy định tại Nghị định 118/2006/NĐ-CP ngày 10/10/2006 của Chính phủ về xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức.

Điều 15.

Trong quá trình quản lý và khai thác thông tin trên mạng tin học diện rộng của UBND tỉnh, nếu có vấn đề nảy sinh mà chưa được quy định rõ ràng trong Quy định này thì Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã đề xuất bổ sung, sửa đổi để từng bước hoàn thiện.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2007/QĐ-UBND Quy định tổ chức, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin và bảo vệ mạng tin học diện rộng tỉnh Hưng Yên

  • Số hiệu: 04/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/03/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên
  • Người ký: Nguyễn Văn Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản