Hệ thống pháp luật

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2002/QĐ-BTS

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG VÙNG NUÔI TÔM TẬP TRUNG

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ Nghị định số 50CP ngày 21 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản ;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi Thuỷ sản ngày 25 tháng 4 năm 1989;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 86/2001/NÐ-CP ngày 16 /11/2001 về Điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 175 CP ngày 18/10/1994 về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của các ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Cục trưởng Cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản,
 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản, Giám đốc các Sở Thuỷ sản và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I, II, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản III và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN
THỨ TRƯỞNG
 



Nguyễn Việt Thắng


QUY CHẾ

QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG VÙNG NUÔI TÔM TẬP TRUNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2002/QÐ-BTS ngày 24 tháng 1 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản) 

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định nội dung quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung nhằm mục đích phát triển nuôi tôm bền vững .

Điều 2. Ðối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Các tổ chức, cá nhân nuôi tôm trong vùng nuôi tôm tập trung trên phạm vi cả nước ( sau đây gọi tắt là cơ sở) ;

2. Các cơ quan nghiên cứu và quản lý có liên quan.

Điều 3. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vùng nuôi tôm tập trung là vùng nuôi tôm trên một diện tích từ 30 ha trở lên (không phân biệt địa giới hành chính), có cùng nguồn nước cấp; Tôm được nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh;

2. Hệ thống xử lý nước bao gồm: ao lắng để chứa và làm sạch nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi ; ao chứa nước thải để xử lý làm giảm thiểu ô nhiễm trong nước thải trước khi xả ra môi trường xung quanh;

3. Chất thải từ hoạt động nuôi tôm gồm chất th̐3;i rắn, chất thải lỏng như: thức ăn thừa, phân tôm, xác tôm chết, dư lượng các loại thuốc, hoá chất phòng trị bệnh cho tôm, chế phẩm sinh học và các chất xử lý môi trường ao nuôi, nước thải từ ao nuôi;

4. Quản lý môi trường vùng nuôi tôm tâp trung là biện pháp kiểm soát các hoạt động trong nuôi tôm từ khâu chọn địa điểm xây dựng ao đầm nuôi, cải tạo ao đầm, xử lý nước, thả giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đến thu hoạch tôm thương phẩm. 

Chương 2:

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNGTRONG VÙNG NUÔI TÔM TẬP TRUNG

Điều 4. Các dự án đầu tư nuôi tôm phải tuân thủ các quy định trong Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT ngày 29/4/1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các Dự án đầu tư;

Điều 5. Xây dựng ao đầm nuôi tôm phải thoả mãn các yêu cầu sau:

1. Ðịa điểm xây dựng: Tránh nguồn chất thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của khu vực đông dân cư (nơi có dư lượng các hoá chất và chất hữu cơ vượt quá mức cho phép);

2. nguồn nước nuôi tôm phải bảo đảm các chỉ tiêu theo Thông tư của Bộ Thuỷ sản số 01/2000/TT-BTS ngày 28/4/ sửa đổi bổ sung Thông tư số 04 TS/TT ngày 30/8/1990 (Phụ lục 1, bảng 1a về giá trị giới hạn cho phép nồng độ các chất ô nhiễm trong nước biển, vùng nuôi thuỷ sản ven bờ); Chất đất phù hợp với yêu cầu của ao nuôi tôm;

3. Bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng: điện, đường giao thông, các hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước; khu vực chứa bùn của ao nuôi do nạo vét cải tạo.

4. Diện tích ao lắng, ao xử lý nước thải có tỷ lệ diện tích phù hợp với ao nuôi.

Điều 6. Các quy định đối với hoạt động nuôi tôm:

1. Tôm giống trước khi đưa vào vùng nuôi phải được thuần dưỡng và kiểm tra dịch bệnh (virut, vi khuẩn và ký sinh trùng...). Chất lượng tôm giống phải bảo đảm theo tiêu chuẩn Ngành (28 TCN 124: 1998 đối với tôm sú giống P15; 28 TCN 96: 1996 đối với tôm sú giống từ P25 đến P30)) .

2. Trong quá trình nuôi dưỡng, thấy tôm có hiện tượng nhiễm bệnh, Cơ sở tuyệt đối không được tháo nước ao nuôi ra môi trường xung quanh, cần báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trên địa bàn để tìm cách khắc phục và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc xử lý dịch bệnh.

3. Hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh học trong nuôi tôm; Sử dụng thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn; Tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc thú y, hoá chất và chế phẩm sinh học thuộc danh mục cấm do Bộ Thuỷ sản quy định.

4. Nước thải từ hoạt động nuôi tôm xả ra môi trường phải bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước .

5. Ngừng việc dùng thuốc kháng sinh cho tôm nuôi thương phẩm trước thu hoạch 4 tuần. 

Chương 3:

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CƠ SỞ

Điều 7. Trách nhiệm của Vụ Khoa học Công nghệ :

1. Giám sát việc triển khai Quy chế này;

2. Tham mưu cho Bộ về việc xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản;

3. Chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu làm tốt công tác điều tra khảo sát và dự báo môi trường vùng nuôi tôm tập trung;

4. Ðánh giá hiện trạng môi trường vùng nuôi tôm tập trung thông qua việc tiếp nhận và phân tích các báo cáo đánh giá môi trường vùng nuôi tôm tập trung từ các Sở, các cơ quan nghiên cứu của ngành nhằm cảnh báo cho các vùng nuôi để bảo vệ môi trường và phát triển nuôi trồng bền vững;

5. Tham mưu cho Bộ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung.

Điều 8. Trách nhiệm của Cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản:

1. Chỉ đạo các Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản kiểm tra, kiểm soát các hoạt động quản lý môi trường trong vùng nuôi tôm tập trung thuộc địa bàn quản lý và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền.

2. Phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ trong công tác phòng trừ dịch bệnh cho tôm nuôi và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, trong đó có vùng nuôi tôm tập trung;

3. Phối hợp với Trung tâm Kiểm tra chất lượng và An toàn vệ sinh thực phẩm (NAFIQACEN) trong việc thực hiện chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh vùng nuôi tôm tập trung (lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu môi trường và phân tích dư lượng các chất độc hại, thuốc kháng sinh trong tôm nuôi thương phẩm).

4. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra các hoạt động quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung do Bộ tổ chức;

5. Báo cáo Bộ về tình hình thực hiện Quy chế quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung thông qua việc phân tích báo cáo của các Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thuỷ sản về tình hình thực hiện Quy chế này theo định kỳ sáu tháng, một năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu .

6. Hàng năm lập kinh phí đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung cho các địa phương có nuôi tôm trong toàn quốc .

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có quản lý thuỷ sản:

1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Trung tâm Khuyến ngư, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản) kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế của các cơ sở thuộc địa bàn quản lý;

2. Phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường kiểm tra, kiểm soát việc bảo vệ môi trường trong vùng nuôi tôm tập trung.

3. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh các quy định được nêu ở Điều 11;

4. Tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ về các hoạt động quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung tại địa phương;

5. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện Quy chế của địa phương, theo định kỳ sáu tháng, một năm và đột xuất khi có yêu cầu của Bộ Thuỷ sản.

6. Chủ trì tổ chức các lớp tập huấn về quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung, có sự phối hợp với Cục bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản và các Viện Nghiên cứu đóng trên địa bàn.

Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ thuỷ sản :

1. Có nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo môi trường, dịch bệnh vùng nuôi tôm tập trung thuộc địa bàn phụ trách, đề xuất các giải pháp phòng ngừa hữu hiệu để thông báo kịp thời cho các cơ sở ;

2. Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương về nội dung tập huấn, hướng dẫn cho nông, ngư dân về quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung;

3. Cùng cơ quan chức năng của địa phương và cơ sở, xây dựng phương án và tiến hành xử lý kịp thời các sự cố ô nhiễm môi trường nước nuôi trồng thuỷ sản thuộc địa bàn quản lý;

4. Báo cáo về Bộ Thuỷ sản (Vụ Khoa học Công nghệ) tình hình diễn biến môi trường vùng nuôi tôm tập trung theo định kỳ sáu tháng, một năm và đột xuất khi có yêu cầu của Bộ Thuỷ sản.

Điều 11. Trách nhiệm của Cơ sở:

1. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định được nêu tại Chương II của Quy chế này, các quy định khác có liên quan của Nhà nước và của Bộ Thuỷ sản;

2. Cung cấp trung thực và đầy đủ thông tin diễn biến môi trường, dịch bệnh ao nuôi tôm của cơ sở cho cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu; Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nói trên tiến hành thu mẫu môi trường và thuỷ sản nuôi để việc phân tích đạt kết quả cao;

3. Phối hợp với cơ quan nghiên cứu của Ngành và cơ quan chức năng của địa phương trong việc tìm phương án xử lý môi trường và dịch bệnh khi có sự cố,

đề xuất ý kiến với cơ quan chức năng có thẩm quyền trong quá trình thực hiện Quy chế này. 

Chương 4:

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI TỐ CÁO 

Điều 12. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo cơ quan Nhà nước, cá nhân có hành vi vi phạm trong việc thực hiện Quy chế này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo . 

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản, Vụ Khoa học Công nghệ, các cơ quan nghiên cứu của Ngành, các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quản lý thuỷ sản theo trách nhiệm và quyền hạn của mình hướng dẫn thực hiện Quy chế này.

Điều 15. Mọi sửa đổi, bổ sung nội dung Quy chế này do Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản xem xét và quyết định.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2002/QĐ-BTS về Quy chế quản lý môi trường vùng nuôi tôm tập trung do Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 04/2002/QĐ-BTS
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/01/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Thuỷ sản
  • Người ký: Nguyễn Việt Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/02/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản