CHỦ TỊCH NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03QĐ/1998/CTN | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC SỐ 03/1998/ QĐ/CTN NGÀY 5 THÁNG 1 NĂM 2000 VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP TRUNG TÂM ASEAN VỀ NĂNG LƯỢNG
CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào khoản 10 Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 24 tháng 8 năm 1998;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Công văn số 1320/CP-CTQT ngày 15 tháng 12 năm 1999;
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê chuẩn Hiệp định thành lập Trung tâm ASEAN về Năng lượng ký ngày 25/5/1998 tại Manila (Philippines)
Điều 2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm làm thủ tục đối ngoại về việc Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thành lập Trung tâm ASEAN về Năng lượng và thông báo cho các cơ quan hữu quan ngày có hiệu lực của việc phê chuẩn Hiệp định nói trên.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trần Đức Lương (Đã ký) |
HIỆP ĐỊNH
THÀNH LẬP TRUNG TÂM ASEAN VỀ NĂNG LƯỢNG
Chính phủ Brunei Darussalam, CH Indonesia, CHDCND Lào, Malaysia, Liên bang Myanmar, CH Philippines, CH Singapore, Vương quốc Thái Lan, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Là các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (sau đây gọi là "ASEAN");
Lưu tâm đến cam kết đối với các vấn đề và các ưu tiên về chiến lược năng lượng ghi trong Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Bangkok năm 1995 là: "ASEAN đảm bảo cung cấp năng lượng an ninh và bền vững hơn thông qua việc đa dạng hoá và, phát triển và bảo tồn các nguồn, hiệu quả sử dụng năng lượng, và áp dụng rộng rãi hơn các công nghệ không gây tác hại đến môi trường";
Tái xác nhận rằng Hợp tác Năng lượng ASEAN như ghi trong Hiệp định hợp tác năng lượng ASEAN ký tại Manila, Philippines ngày 24 tháng 6 năm 1986 và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định này ký tại Bangkok, Thai lan ngày 15 tháng 12 năm 1995 và ở Subang Jaya, Malaysia ngày 23 tháng 7 năm 1997;
Ghi nhận rằng tiến trình và việc thực hiện của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo quản lý năng lượng ASEAN - EC (sau đây gọi là "AEEMTRC"), trong việc tăng cường sự hợp tác về năng lượng giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Liên minh Châu Âu từ 1988;
Ghi nhớ quyết định về chuyển AEEMTRC thành một Trung tâm ASEAN về năng lượng của Hội nghị lần thứ 14 các Bộ trưởng ASEAN về năng lượng (sau đây gọi là "AMEM") tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 1/7/1996;
Được khuyến khích bởi sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao liên tục của các thành viên ASEAN và các thách thức đang đặt ra đối với vấn đề liên đới phụ thuộc của an ninh cung cấp năng lượng, thương mại và đầu tư, các vấn đề môi trường trên phạm vi toàn cầu, khu vực và quốc gia mà ASEAN là một người nắm phần quan trọng.
ĐỒNG Ý NHƯ SAU:
Điều 1: Thành lập
1. Trung tâm ASEAN về Năng lượng (sau đây được gọi là "Trung tâm") được thành lập từ ngày 1 tháng Giêng năm 1999.
2. Trung tâm đặt trụ sở tại Jakarta, Indonesia (sau đây gọi là "Nước chủ nhà"), văn phòng và trang bị do Chính phủ CH Indonesia cung cấp thông qua Bộ Năng lượng và Mỏ.
Điều 2: Mục đích
Mục đích của Trung tâm là phục vụ như một chất xúc tác đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực ASEAN bằng cách khởi sướng, điều phối và thúc đẩy các hoạt động quốc gia, cũng như các hoạt động liên kết và tập thể về năng lượng.
Điều 3: Hội đồng lãnh đạo
1. Một Hội đồng lãnh đạo (sau đây gọi là "Hội đồng"), được thành lập chịu trách nhiệm toàn bộ về đường lối chính sách và giám sát Trung tâm.
2. Hội đồng bao gồm các Trưởng đoàn các quan chức cao cấp về năng lượng của các nước thành viên ASEAN. Một đại diện của Ban thư ký ASEAN là thành viên đại diện cho cơ quan.
3. Đứng đầu Hội đồng là Chủ tịch của Hội nghị các quan chức cao cấp về năng lượng của các nước thành viên ASEAN (sau đây gọi là "SOME").
4. Hội đồng có các trách nhiệm sau đây:
a. phê duyệt cơ cấu tổ chức và đề ra các chính sách hướng dẫn và chỉ đạo Trung tâm;
b. phê duyệt các quy chế, thủ tục và quy định của Trung tâm;
c. phê duyệt kế hoạch công tác, bao gồm cả ngân quỹ hàng năm của Trung tâm và kiểm soát việc thực hiện.
d. bổ nhiệm một Giám đốc Điều hành Trung tâm trên cơ sở luân phiên và phù hợp với thông lệ của ASEAN;
e. thực hiện bất kỳ chức năng nào khác khi thấy cần thiết để đạt được mục tiêu của Trung tâm nêu trong Điều 2.
5. Hội đồng họp ít nhất một năm một lần gắn liền với SOME. Hội nghị bất thường có thể được Chủ tịch triệu tập khi có đề nghị của bất kỳ thành viên nào của Hội đồng. Các quyết định của Hội đồng có thể do Hội đồng xác định. Để thực hiện Hội đồng có thể đặt ra các quy định và thủ tục tiến hành các cuộc họp.
6. Hội đồng, thông qua Chủ tịch, phải báo cáo AMEM về toàn bộ tiến trình và việc thực hiện các hoạt động của Trung tâm.
Điều 4: Giám đốc điều hành
1. Giám đốc Điều hành có thời hạn công tác là ba (3) năm và có thể kéo dài thêm từng năm một nhưng không quá 2 (hai) năm.
2. Giám đốc Điều hành phải chịu trách nhiệm và giải trình về quản lý Trung tâm và các chức năng khác có thể do Hội đồng yêu cầu.
3. Giám đốc Điều hành có các cán bộ chuyên môn và nhân viên giúp việc để thực hiện các trách nhiệm và chức năng của mình.
4. Hội đồng sẽ chỉ định một quan chức làm Quyền Giám đốc Điều hành khi Giám đốc Điều hành vắng mặt hoặc không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình và nếu chưa có Giám đốc Điều hành. Quyền Giám đốc Điều hành phải có khả năng thực thi mọi quyền lực của Giám đốc Điều hành phù hợp với Hiệp định này. Trong trường hợp chưa có Giám đốc Điều hành thì Quyền Giám đốc Điều hành sẽ đảm nhiệm công việc cho đến khi Giám đốc Điều hành được bổ nhiệm, phù hợp với khoản 4c, Điều 3.
Điều 5: Ngôn ngữ làm việc
Ngôn ngữ làm việc của Trung tâm là tiếng Anh.
Điều 6: Nước chủ nhà
Như là một cam kết với Trung tâm, Nước Chủ nhà phải cung cấp phòng làm việc và các phương tiện hoạt động, trong số đó bao gồm cả hỗ trợ cho các cơ quan. Nước Chủ nhà phải dành cho Trung tâm và các cán bộ của Trung tâm các ưu đãi cần thiết cho việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ của họ, tương tự như đã dành cho Ban thư ký và cán bộ ASEAN.
Điều 7: Ngân quỹ
1. Chi phí hoạt động của Trung tâm một phần do tất cả các nước các thành viên ASEAN đóng góp thông qua việc thành Quỹ hỗ trợ Năng lượng ASEAN (sau đây gọi là "Quỹ").
a. Mỗi nước thành viên góp vào Quỹ số tiền là năm trăm hai mươi tám ngàn đô la Mỹ (528000 USD) đóng thành 3 lần mỗi lần một trăm bảy mươi sáu ngàn đô la Mỹ (176000 USD), quyền và sở hữu số tiền này vẫn hoàn toàn thuộc về nước thành viên.
b. Các nước thành viên phải đóng góp vào hoặc trước ngày 1 tháng giêng các năm 1998, 1999 và 2000.
c. Tất cả các đóng góp cho Quỹ đều bằng đô la Mỹ.
d. Một tài khoản cho Quỹ được Ban thư ký ASEAN mở và thực hiện vai trò giám sát và điều hành Quỹ để tập hợp đóng góp của các nước thành viên vào hoặc trước ngày quy định.
e. Mặc dù quy định ở khoản 1d, Hội đồng phải chịu trách nhiệm toàn bộ về Quỹ bao gồm cả việc ban hành và phê duyệt các quy định và thủ tục đối với việc đầu tư và sử dụng tiền lãi của Quỹ. Tất cả tiền lãi của Quỹ phải dùng cho hoạt động của Trung tâm.
f. Bất cứ thành viên mới của ASEAN tham gia Hiệp định này phải đóng góp vào Quỹ số tiền là năm trăm hai mươi tám ngàn đô la Mỹ (528000 USD). Hội đồng sẽ xác định số lần và thời hạn đóng góp.
2. Trung tâm sẽ tìm và tạo ra các quỹ bên trong và những khả năng nguồn vốn khác cho các chương trình và hoạt động của mình.
Điều 8: Tham gia của thành viên mới
Bất kỳ thành viên mới nào của ASEAN tham gia Hiệp định này sẽ tính từ ngày Thư xin tham gia được gửi đến Tổng thư ký ASEAN.
Điều 9: Chấm dứt hoạt động
1. Hiệp định này có thể được chấm dứt bằng thoả thuận của tất cả các nước thành viên ASEAN và sẽ được tiến hành bằng cách không phương hại đến quyền lợi của họ trong việc này. Ngay sau khi chấm dứt Hiệp định này Trung tâm sẽ được giải thể.
2. Khi chấm dứt hoạt động của Trung tâm, tất cả các đóng góp và phẫn lãi Quỹ phải được chuyển trả lại cho các nước thành viên sau khi đã trừ chi phí đóng cửa và các khoản chưa thanh toán thuộc nghĩa vụ của Trung tâm.
Điều 2: Điều khoản quá độ
Mặc dù quy định tại Điều 4, khoản 1 ở trên, nhiệm kỳ của Giám đốc Điều hành đầu tiên là năm (5 năm). Điều này giúp cho Giám đốc Điều hành thúc đẩy và xúc tiến việc thành lập Trung tâm.
Điều 2: Giải quyết tranh chấp
Bất cứ tranh chấp nào liên quan đến việc giải thích và thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết bằng hoà giải thông qua tham khảo ý kiến hoặc thảo luận giữa các nước thành viên ASEAN phù hợp với Nghị định thư về cơ chế giải quyết quá trình tranh chấp ký tại Manila, Philippine ngày 20 tháng 11 năm 1996.
Điều 2: Điều khoản cuối cùng
1. Hiệp định này phải được các nước thành viên ASEAN phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày chính thư phê chuẩn nộp cho Tổng thư ký ASEAN.
2. Hiệp định này có thể được sửa đổi khi các nước thành viên ASEAN nhất trí. Các sửa đổi như vậy sẽ có hiệu lực từ ngày ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định này.
3. Hiệp định này phải gửi cho Tổng thư ký ASEAN để cung cấp bản sao cho các nước thành viên ASEAN.
Với sự chứng nhận, những người ký tên dưới đây, được sự ủy quyền đầy đủ của Chính phủ nước mình, đã ký Hiệp định này.
Làm tại......................, bằng tiếng Anh, ngày hôm nay, tháng 11 năm 1998.
Thay mặt Chính phủ Brunei Darussalam | Ngài Hoàng tử Mohamed Bolkiah Bộ trưởng Bộ Ngoại giao |
Thay mặt Chính phủ CHXHCN Việt Nam | Ngài Nguyễn Mạnh Cầm Phó Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao |
Ghi chú :
- Hiệp định này được Ban thư ký chuyển lần lượt cho các nước ký.
- Ngày 22-5-1998, ngày Chính phủ Việt Nam ký vào Hiệp định được coi là ngày ký của Hiệp định.
- Manila là nơi các Bộ trưởng quyết định về chủ trương thành lập Trung tâm được lấy làm nơi ký.
Quyết định 03QĐ/1998/CTN thành lập Trung tâm Asean về năng lượng do Chủ tịch nước ban hành
- Số hiệu: 03QĐ/1998/CTN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/01/2000
- Nơi ban hành: Chủ tịch nước
- Người ký: Trần Đức Lương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/01/2000
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết