Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2007/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 17 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2003; Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003; Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005; Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các ngành liên quan;

Căn cứ Thông tư số 30/2006/TTLT-BTC-BNN&PTNT-BTS ngày 06/4/2006 của Liên bộ: Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Thủy sản Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư;

Căn cứ Nghị quyết số 99/2006/NQ-HĐND ngày 08/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XVI, kỳ họp thứ 7 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XIV; Kết luận số 11-KL/TU Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (kỳ thứ 11) ngày 26 tháng 10 năm 2006; Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 27 tháng 8 năm 2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1605/TTr-SNN ngày 19/10/2006 về việc đề nghị ban hành quy định về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế trang trại tỉnh Tuyên Quang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thị Quang

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-UBND ngày 17/01/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh )

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Khái niệm và vị trí của kinh tế trang trại

1. Kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu dựa vào hộ gia đình, nhằm mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng rừng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản.

2. Phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với xoá đói giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới.

3. Quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất hình thành các trang trại gắn liền với quá trình phân công lại lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm các ngành phi nông nghiệp, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá trong nông nghiệp và nông thôn.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông lâm nghiệp hoặc sản xuất nông lâm nghiệp là chính có thêm các hoạt động dịch vụ phi nông nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (sau đây gọi chung là hộ) đạt một trong hai tiêu chí về giá trị sản lượng hàng hóa, dịch vụ bình quân 1 năm hoặc về quy mô sản xuất để xác định là kinh tế trang trại:

1. Giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân 1 năm đạt từ 40 triệu đồng trở lên.

2. Quy mô sản xuất phải tương đối lớn và có sản phẩm hàng hóa đạt hiệu quả kinh tế vượt trội so với kinh tế nông hộ tương ứng với từng ngành sản xuất và vùng kinh tế.

a) Đối với trang trại trồng trọt:

- Trang trại trồng cây hàng năm: Diện tích đất sản xuất từ 2 ha trở lên.

- Trang trại trồng cây lâu năm: Diện tích đất sản xuất từ 3 ha trở lên.

- Trang trại lâm nghiệp: Diện tích đất sản xuất từ 10 ha trở lên.

b) Đối với trang trại chăn nuôi:

- Chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò…): Chăn nuôi sinh sản, lấy sữa có thường xuyên từ 10 con trở lên; chăn nuôi lấy thịt có thường xuyên từ 50 con trở lên.

- Chăn nuôi gia súc (lợn, dê...): Chăn nuôi sinh sản có thường xuyên hơn 20 con trở lên, trong đó chăn nuôi dê sinh sản phải từ 100 con trở lên; chăn nuôi lợn thịt có thường xuyên từ 100 con trở lên (không kể lợn sữa), dê thịt từ 200 con trở lên.

- Chăn nuôi gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng…) có thường xuyên từ 2.000 con trở lên (không tính số đầu con dưới 7 ngày tuổi).

c) Trang trại nuôi trồng thủy sản:

Diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản có từ 02 ha trở lên (riêng đối với nuôi tôm thịt theo kiểu công nghiệp có diện tích từ 01 ha trở lên).

Đối với hộ sản xuất, kinh doanh tổng hợp có nhiều loại sản phẩm hàng hóa của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, hoặc sản phẩm hàng hóa có tính chất đặc thù như trồng hoa, cây cảnh, trồng nấm, nuôi ong, sản xuất giống thủy sản và thủy đặc sản... thì tiêu chí xác định là giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ bình quân 1 năm nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 3. Một số chính sách chung của Nhà nước đối với kinh tế trang trại

1. Nhà nước khuyến khích phát triển và bảo hộ kinh tế trang trại. Các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài theo pháp luật để sản xuất kinh doanh.

2. Nhà nước đặc biệt khuyến khích việc đầu tư khai thác và sử dụng có hiệu quả đất trống, đồi núi trọc, tận dụng khai thác các loại đất còn hoang hoá, ao, hồ, đầm, bãi bồi ven sông để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng chuyên canh với tỷ suất hàng hoá cao. Đối với vùng đất hẹp, người đông, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại sử dụng ít đất, nhiều lao động, thâm canh cao gắn với chế biến và thương mại, dịch vụ, làm ra nông sản có giá trị kinh tế lớn. Ưu tiên giao đất, cho thuê đất đối với những hộ nông dân có vốn, kinh nghiệm sản xuất, quản lý, có yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá và những hộ không có đất sản xuất nông nghiệp mà có nguyện vọng tạo dựng cơ nghiệp lâu dài trong nông nghiệp.

3. Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách phát huy kinh tế tự chủ của hộ nông dân, phát triển kinh tế trang trại đi đôi với chuyển đổi hợp tác xã cũ, mở rộng các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất - kinh doanh giữa các hộ nông dân với nông, lâm trường quốc doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để tạo động lực và sức mạnh tổng hợp cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

4. Nhà nước hỗ trợ về vốn, khoa học - công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại phát triển bền vững.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Chính sách cụ thể về phát triển kinh tế trang trại

1. Chính sách đất đai

a) Hộ có nhu cầu và khả năng sử dụng đất để phát triển trang trại được Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã giao đất hoặc cho thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; diện tích đất được giao, được thuê phụ thuộc vào quỹ đất của địa phương và khả năng sản xuất kinh doanh của chủ trang trại.

b) Hộ sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã xét duyệt theo quy định của Luật Đất đai.

c) Hộ đang sử dụng đất làm kinh tế trang trại phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là không có tranh chấp thì được tiếp tục sử dụng theo quy định sau:

- Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn còn lại;

- Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản thì phải chuyển sang thuê đất;

- Trường hợp sử dụng đất do được Nhà nước cho thuê, đất nhận chuyển nhượng, đất được thừa kế, nhận khoán của tổ chức, do hộ gia đình, cá nhân góp vốn thì được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai.

Nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất.

2. Chính sách giao rừng, cho thuê rừng trồng là rừng sản xuất:

Các hộ có nhu cầu và khả năng sử dụng rừng để phát triển kinh tế trang trại theo dự án có hiệu quả kinh tế được Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã giao rừng, cho thuê rừng, đăng ký quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng là rừng sản xuất theo quy định tại Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng; diện tích rừng được giao, được thuê phụ thuộc vào diện tích rừng hiện có của địa phương và khả năng sản xuất kinh doanh của chủ trang trại.

3. Chính sách thuế

a) Trang trại của hộ sản xuất nông nghiệp có thu nhập từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với trang trại sản xuất hàng hoá lớn, có thu nhập cao từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ có hướng dẫn riêng sau khi có quy định của Chính phủ.

b) Chủ trang trại được miễn toàn bộ tiền thuê đất, thuê mặt nước khi đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (theo danh mục kèm theo Quy định này) trên địa bàn các huyện Na Hang, Chiêm Hóa.

c) Trang trại mới thành lập được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước với thời hạn cụ thể kể từ khi đi vào hoạt động trong các trường hợp sau:

- Bảy năm (07) đối với trang trại đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư trên địa bàn huyện: Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và thị xã Tuyên Quang.

- Mười một năm (11) đối với trang trại đầu tư trên địa bàn huyện Na Hang, Chiêm Hoá và trang trại đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư (theo danh mục kèm theo Quy định này) trên địa bàn huyện: Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và thị xã Tuyên Quang.

- Mười lăm năm (15) đối với trang trại đầu tư vào lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn huyện Na Hang, Chiêm Hoá.

d) Các chủ trang trại xây dựng các công trình thuỷ lợi, sử dụng nước mặt, nước ngầm trong phạm vi trang trại theo quy hoạch không phải nộp thuế tài nguyên nước.

4. Chính sách khuyến nông

a) Các trang trại được ưu tiên hỗ trợ từ các chương trình dự án của Nhà nước về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và phát triển nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và triển khai thực hiện hằng năm, thông qua việc cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật.

b) Các trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ mới về giống cây, con so với giống cây, con hoặc công nghệ hiện đang sử dụng vào sản xuất phù hợp với quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa trên địa bàn được hỗ trợ kinh phí khuyến nông để xây dựng mô hình cụ thể như sau:

- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch về giống, vật tư chính (thức ăn, phân bón, hoá chất, thuốc) trong trường hợp áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất mà nhu cầu đầu tư tăng thêm so với mức bình thường, mức hỗ trợ tối đa 60% mức chi phí về giống và tối đa 40% chi phí vật tư chính nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/mô hình.

- Đối với một số mô hình có tính đặc thù riêng, mức hỗ trợ như sau:

+ Mô hình công nghệ cao hỗ trợ tối đa 40% mức chi phí về giống và tối đa 20% chi phí vật tư chính và một phần kinh phí chuyển giao công nghệ, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/mô hình.

+ Mô hình áp dụng công cụ, cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ tối đa 30% giá trị công cụ, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/mô hình.

+ Mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, bảo quản chế biến và ngành nghề khác (không bao gồm lò sấy của mô hình bảo quản chế biến): Hỗ trợ tối đa 50% trang thiết bị, nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 75 triệu đồng/mô hình.

- Về mua bản quyền, quy trình công nghệ mới, phải gắn với mô hình cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% chi phí mua bản quyền (không bao gồm kinh phí mua nhà xưởng, nhà lưới, nhà kính, thiết bị công nghệ), nhưng tổng mức hỗ trợ không quá 80 triệu đồng/mô hình.

Quy mô mô hình, mức hỗ trợ cho từng mô hình cụ thể do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định, trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật của từng mô hình và đơn giá vật tư của từng năm, đảm bảo phù hợp với tính chất của từng mô hình, nhưng không vượt quá tỷ lệ tối đa và tổng mức hỗ trợ quy định ở trên.

5. Chính sách tín dụng

Trang trại có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được vay vốn tín dụng đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư của Ngân hàng phát triển theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Trang trại phát triển sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng thương mại của các ngân hàng thương mại quốc doanh; việc vay vốn được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 423/2000/QĐ-NHNN1 ngày 22/9/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng đối với kinh tế trang trại, chủ trang trại được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm tiền vay theo quy định cụ thể của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

6. Chính sách lao động, đào tạo

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ để các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo được nhiều việc làm cho lao động nông thôn, ưu tiên sử dụng lao động của hộ nông dân không có đất, thiếu đất sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo thiếu việc làm. Chủ trang trại được thuê lao động không hạn chế về số lượng; trả công lao động trên cơ sở thoả thuận với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động. Chủ trang trại phải trang bị đồ dùng bảo hộ lao động theo từng loại nghề cho người lao động và có trách nhiệm với người lao động khi gặp rủi ro, tai nạn, ốm đau trong thời gian làm việc theo hợp đồng lao động.

Đối với trang trại trên địa bàn huyện Na Hang, Chiêm Hoá, chủ trang trại được ưu tiên vay vốn thuộc chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo để tạo việc làm cho lao động tại chỗ; thu hút lao động ở các vùng đông dân cư đến phát triển sản xuất.

Các chủ trang trại mới thành lập được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo các chuyên đề nâng cao năng lực quản lý, khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển trang trại được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo; mức hỗ trợ không quá 2 triệu đồng/trang trại/năm; thời gian hỗ trợ trong 3 năm kể từ khi trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định.

7. Chính sách thị trường

Các trang trại được hỗ trợ cung cấp thông tin thương mại, thị trường, kỹ thuật, các chương trình xúc tiến thương mại; được ưu tiên mời tham dự các hội thảo về thương mại, dự báo thị trường, dịch vụ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ tổng hợp trong nông nghiệp.

Hỗ trợ 30% kinh phí đăng ký nhãn hiệu, chất lượng, thương hiệu đối với chủ trang trại có sản phẩm hàng hóa được cấp giấy chứng nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/sản phẩm.

Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận và tham gia các chương trình, dự án hợp tác, hội chợ triển lãm; chủ trang trại tham gia hội chợ triển lãm lần đầu được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng trưng bày sản phẩm hàng hóa theo mức tối đa không quá 10 triệu đồng/trang trại.

Khuyến khích chủ trang trại xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình và sản phẩm mua gom của trang trại khác, của các hộ nông dân.

8. Chính sách về vệ sinh môi trường:

Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch được hỗ trợ 1 lần kinh phí xây hầm Bioga để đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư, mức hỗ trợ tối đa không quá 2 triệu đồng/trang trại.

9. Chính sách bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại:

Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của trang trại không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, Nhà nước cần thu hồi đất được giao, được thuê của trang trại thì chủ trang trại được thanh toán hoặc bồi thường theo quy định hiện hành của Nhà nước.

10. Chủ trang trại có nghĩa vụ:

Trong quá trình sản xuất phải thực hiện các quy trình kỹ thuật về bảo vệ đất và làm giàu đất và các quy định khác của pháp luật về đất đai;

Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

Tuân thủ các quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lao động;

Tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí khuyến khích phát triển kinh tế trang trại thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, trong đó:

1. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã căn cứ dự án đầu tư, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của các trang trại trên địa bàn để lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, tổng hợp dự toán kinh phí khuyến khích phát triển kinh tế trang trại của các huyện thị vào dự toán ngân sách của tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định hiện hành.

3. Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt để kiểm soát, quản lý, cấp phát, thanh toán kinh phí khuyến khích phát triển kinh tế trang trại theo đúng định mức, chế độ chi tiêu và quy định hiện hành của Nhà nước, của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Các đơn vị được giao dự toán kinh phí khuyến khích phát triển kinh tế trang trại chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích và quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

5. Các chính sách khuyến khích của tỉnh về khuyến nông, thị trường, vệ sinh môi trường chỉ thực hiện hỗ trợ một lần đối với dự án đầu tư lần đầu của chủ trang trại.

Điều 6. Giao trách nhiệm

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân 3 loại rừng, lập quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, quy hoạch phát triển hệ thống thuỷ lợi, quy hoạch cơ sở công nghiệp chế biến nông lâm sản của tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Hướng dẫn các huyện, thị xã quy hoạch cụ thể vùng phát triển kinh tế trang trại phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế trang trại chung của tỉnh.

Tổ chức hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, thông tin thị trường; hướng dẫn các doanh nghiệp công nghiệp chế biến ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, nguyên liệu cho các trang trại; tổ chức đào tạo nghiệp vụ kỹ thuật, quản lý cho chủ trang trại; hàng năm, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế trang trại và kiến nghị những chính sách cần bổ sung, sửa đổi để phát triển kinh tế trang trại.

2. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã:

Lập quy hoạch vùng phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch phát triển kinh tế trang trại của tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Công bố công khai quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, quỹ đất chưa sử dụng, quỹ đất có nhu cầu cho thuê, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn để các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu quyết định đầu tư phát triển kinh tế trang trại.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn đối với kinh tế trang trại theo đúng pháp luật hiện hành.

3. Các sở, ngành, đơn vị liên quan:

Có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Điều 7. Trong quá trình thực hiện Quy định này sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế./.

 

DANH MỤC

LĨNH VỰC ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2007/QĐ-UBND ngày 17/01/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. Lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư

1- Trồng, chăm sóc rừng;

2- Nuôi trồng nông, lâm thủy sản trên đất hoang hóa, vùng nước chưa được khai thác;

3- Sản xuất giống nhân tạo, giống cây trồng, vật nuôi mới và có hiệu quả kinh tế cao.

II. Lĩnh vực khuyến khích đầu tư

1- Trồng cây dược liệu;

2- Bảo quản nông sản sau thu hoạch;

3- Bảo quản nông thủy sản và thực phẩm;

4- Sản xuất nước hoa quả đóng chai, đóng hộp; sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản;

5- Dịch vụ kỹ thuật trồng cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ cây trồng, vật nuôi;

6- Sản xuất, nhân giống cây trồng, vật nuôi.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 03/2007/QĐ-UBND ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

  • Số hiệu: 03/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/01/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Lê Thị Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/01/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản