CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02-CT | Hà Nội, ngày 08 tháng 1 năm 1982 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 2-CT NGÀY 8 THÁNG 1 NĂM 1982 VỀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN TRỌNG ĐIỂM CỦA NHÀ NƯỚC
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Nghị định số 232-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1- Nay ban hành các chế độ quản lý công trình xây dựng cơ bản của Nhà nước (gọi tắt là công trình trọng điểm Nhà nước) nhằm cụ thể hoá việc quản lý theo điều lệ quản lý xây dựng đã ban hành.
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 2- Yêu cầu.
Các công trình trọng điểm Nhà nước được Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh và tập trung chỉ đạo trong cả quá trình đầu tư xâu dựng nhằm đưa nhanh công trình vào sản xuất sử dụng, bảo đảm phát huy hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu kế hoạch Nhà nước.
Công trình trọng điểm Nhà nước phải được quản lý chặt chẽ việc thực hiện kể từ khi chuẩn bị đầu tư, hoặc chuẩn bị xây dựng (bao gồm cả khảo sát thiết kế) cho đến khi kết thúc đầu tư xây dựng (Điều 34 bản Điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản).
Điều 3- Tiêu chuẩn.
Công trình được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xem xét để quyết định là công trình trọng điểm Nhà nước, là công trình có tầm quan trọng quyết định cơ cấu và tốc độ phát triển kinh tế, văn hoá và quốc phòng, có quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu chủ yếu của kế hoạch của Nhà nước.
Những công trình được ghi vào danh mục công trình trọng điểm là bao gồm cả công trình chính, những công trình liên quan trực tiếp và nhà ở được đầu tư đồng bộ với công trình chính.
Chương 2
CHẾ ĐỘ ƯU TIÊN
Điều 5- Chế độ ưu tiên đối với công trình trọng điểm Nhà nước.
Các ngành, các cấp phải thực hiện chế độ ưu tiên sau đây đối với mỗi công trình trọng điểm:
1. Ưu tiên giải quyết vốn, cung ứng vật tư kỹ thuật, lao động, năng lượng, vận tải, lương thực, thực phẩm và quỹ hàng hoá phục vụ đời sống công nhân viên của công trường theo yêu cầu thực hiện tổng tiến độ xây dựng; nhằm đưa công trình vào sản xuất, sử dụng đồng bộ, hoàn chỉnh đúng thời hạn.
2. Các cơ quan có trách nhiệm phải bảo đảm cân đối cho công trình trọng điểm các yêu cầu về vốn, vật tư kỹ thuật, lao động, năng lượng, vận tải, lương thực, thực phẩm và hàng hoá trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật, phải ghi riêng các chỉ tiêu kế hoạch cho công trình trọng điểm và thông báo thẳng cho chủ đầu tư cũng như cho tổ chức nhận thầu xây lắp và đơn vị kinh doanh ở cơ sở. Chỉ tiêu của công trình nào thì chỉ được dùng cho công trình đó.
3. Đối với công trình nhập của nước ngoài, Bộ Ngoại thương có trách nhiệm ký hợp đồng với nước ngoài bảo đảm các tài liệu thiết kế và vật tư, thiết bị về đúng tiến độ xây dựng.
Trường hợp vật tư và thiết bị thi công chưa về kịp, các cơ quan có vật tư, thiết bị dự trữ chưa dùng đến có trách nhiệm cho vay để bảo đảm tiến độ xây dựng và được bảo đảm hoàn trả lại ngay sau khi có hàng về.
4. Trường hợp công trình trọng điểm thực hiện vượt kế hoạch, rút ngắn thời gian xây dựng, thì Ngân hàng đầu tư và xây dựng có trách nhiệm tiếp tục cho vay và cấp vốn bổ sung, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm bổ sung chỉ tiêu vốn, vật tư, lao động cần thiết.
5. Đối với công trình được xác định là trọng điểm ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, các Bộ, các ngành có liên quan phải ưu tiên giải quyết các yêu cầu của chủ quản đầu tư và chủ đầu tư trong các việc điều tra, khảo sát, cung cấp số liệu, tài liệu... để làm căn cứ tính toán, lập, xét duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật.
Chương 3
TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM NHÀ NƯỚC
Điều 6- Trách nhiệm đối với tổng tiến độ xây dựng.
Tổng tiến độ xây dựng công trình theo thiết kế kỹ thuật và mốc thời gian ghi theo danh mục công trình trọng điểm Nhà nước đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn là chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước.
Tất cả các cơ quan có liên quan: Chủ quản đầu tư, chủ đầu tư, Bộ có lực lượng nhận thầu, các tổ chức nhận thầu khảo sát, thiết kế, chế tạo và cung ứng thiết bị, thi công xây lắp, cung ứng vật tư và vận tải, các tổ chức phục vụ sinh hoạt, các tổ chức sản xuất, kinh doanh khác, các Bộ, các ngành và các địa phương có liên quan, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đều có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch đã ghi cho công trình trọng điểm để thực hiện tổng tiến độ xây dựng.
Điều 7- Chủ đầu tư và các tổ chức nhận thầu có trách nhiệm:
1. Thực hiện đúng kế hoạch hợp đồng kinh tế và chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị, nghị quyết của Nhà nước nhằm bảo đảm đưa công trình vào sản xuất, sử dụng đồng bộ, hoàn chỉnh đúng thời hạn huy động theo tổng tiến độ, bảo đảm chất lượng và tổng dự toán được duyệt.
2. Thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng cơ bản của Nhà nước; quản lý chặt chẽ các định mức, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về thiết kế, thi công, bảo quản thiết bị vật tư kỹ thuật, đơn giá, dự toán.
3. Thực hiện chế độ báo cáo thẳng lên Văn phòng Hội đồng Bộ Trưởng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam, Tổng cục Thống kê và Bộ của mình theo định kỳ 10 ngày, tháng, quý, sáu tháng, năm và báo cáo hàng ngày khi có việc đột xuất. Nội dung chủ yếu của báo cáo là phản ánh được tình hình thực hiện mục tiêu theo thời hạn huy động công trình vào sản xuất, sử dụng và nêu các vấn đề thuộc quyền cấp trên giải quyết.
Điều 8- Chủ quản đầu tư có trách nhiệm:
1. Trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch đầu tư và hợp đồng kinh tế theo chức năng quy định trong điểm 1, Điều 6 của bản Điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Nghị định số 232-CP ngày 6 tháng 6 năm 1981.
2. Cử một đồng chí lãnh đạo chỉ đạo công trình trọng điểm Nhà nước.
Điều 9- Cơ quan có lực lượng nhận thầu chính xây lắp có trách nhiệm:
1. Trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức trực thuộc thực hiện kế hoạch và hợp đồng kinh tế, theo đúng chức năng của nhận thầu chính xây lắp.
2. Cử một đồng chí lãnh đạo chỉ đạo thực hiện chức năng nói trên.
Điều 10- Các cơ quan quản lý cấp trên của các tổ chức sản xuất, kinh doanh có liên quan có trách nhiệm:
Các cơ quan quản lý cấp trên của các tổ chức khảo sát, thiết kế, chế tạo, cung ứng thiết bị, thi công xây lắp, cung ứng vật tư và vận tải... có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức trực thuộc thực hiện kế hoạch và hợp đồng kinh tế, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về chế độ ưu tiên cho công trình trọng điểm Nhà nước.
Điều 11- Uỷ ban kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm:
1. Lập danh mục công trình trọng điểm Nhà nước trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định sau khi đã cùng Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, chủ quản đầu tư, Bộ có lực lượng nhận thầu chính xây lắp xem xét, cân đối.
2. Cân đối đồng bộ các chỉ tiêu kế hoạch (kể cả chỉ tiêu bổ sung) theo các điểm 1, 2, 4 trong Điều 5 của bản Quy chế này.
Điều 12- Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước có trách nhiệm:
1. Thống nhất quản lý Nhà nước, theo dõi, hướng dẫn giải quyết kịp thời các định mức, đơn giá tổng hợp. Kiểm tra việc quản lý chất lượng công trình, việc lập và quản lý dự toán theo định mức , tiêu chuẩn quy trình, quy phạm thiết kế, thi công xây lắp.
2. Hướng dẫn công trường tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý xây dựng cơ bản; quản lý kinh tế - kỹ thuật trong xây dựng.
Điều 13- Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) có liên quan:
1. Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý của chính quyền địa phương về các mặt như cấp giấy phép sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tốt các điều kiện, tiêu chuẩn về sinh hoạt vật chất, tinh thần cho công nhân viên xây dựng, công nhân viên vận hành và cho chuyên gia (nếu có), quản lý trật tự trị an ở khu vực có công trường.
2. Huy động lao động, vật liệu xây dựng, lực lượng vận tải, lương thực, thực phẩm của địa phương phục vụ xây dựng công trình trọng điểm.
3. Có kế hoạch phát triển kinh tế địa phương phù hợp với yêu cầu và khả năng mà công trình trọng điểm đặt ra.
4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) định kỳ kiểm tra, nghe Giám đốc ban quản lý công trình, Giám đốc tổ chức nhận thầu chính xây lắp báo cáo và giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.
Điều 14- Bộ Nội vụ có trách nhiệm:
Tổ chức và chỉ đạo công tác bảo vệ các công trình trọng điểm Nhà nước.
Điều 15- Các Bộ, các ngành và địa phương khác có liên quan có trách nhiệm:
1. Giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình; thủ trưởng cơ quan có liên quan khi nhận được các yêu cầu của công trình trọng điểm Nhà nước đều có trách nhiệm giải quyết nhanh chóng những vấn đề thuộc mình giải quyết.
2. Đối với những vấn đề không giải quyết được phải kịp thời báo cáo và đề nghị lên cơ quan quản lý cấp trên hoặc lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 17- Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.
| Tố Hữu (Đã ký) |
- 1Quyết định 23-CT năm 1982 ban hành danh mục công trình trọng điểm Nhà nước trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 1982 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 1981
- 3Nghị quyết về việc đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ ngân sách Nhà nước năm 1996 do Quốc hội ban hành
- 4Nghị định 232-CP năm 1981 Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản do Hội đồng Chính phủ ban hành
Quyết định 02-CT năm 1982 về chế độ quản lý các công trình xây dựng cơ bản trọng điểm của Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 02-CT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/01/1982
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: 15/01/1982
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 08/01/1982
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết