Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2011/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 04 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 168/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 tháng 2003 của Chính phủ Quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;
Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “quy định về phân cấp quản lý và thực hiện bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị, các tổ chức và các nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quyết định này quy định nội dung về phân cấp quản lý và thực hiện bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ.

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Mạng lưới đường bộ được chia thành sáu hệ thống, gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng:

a) Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ ba địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, khu vực.

b) Đường tỉnh là đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện; đường nối liền địa bàn từ hai huyện trở lên; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

c) Đường huyện là đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã; đường nối liền địa bàn từ hai xã thuộc huyện trở lên; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

d) Đường xã là đường nối trung tâm hành chính của xã với các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương; đường nối giữa các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương thuộc xã; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã.

đ) Đường đô thị là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị.

e) Đường chuyên dùng là đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển, đi lại của một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Công trình đường bộ gồm đường bộ, nơi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, đảo giao thông, dải phân cách, cột cây số, tường, kè, hệ thống thoát nước, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và các công trình, thiết bị phụ trợ đường bộ khác.

3. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm các loại đường dây, đường ống, tuynen và hào kỹ thuật đặt cọc, ngang qua đường.

4. Quy trình bảo trì công trình đường bộ là tài liệu quy định về nội dung, phương pháp, trình tự để thực hiện bảo trì công trình đường bộ. Quy trình bảo trì công trình đường bộ bao gồm quy trình bảo trì các bộ phận, kết cấu công trình và quy trình bảo trì thiết bị lắp đặt, vận hành thiết bị.

5. Bảo dưỡng thường xuyên là các thao tác kỹ thuật được tiến hành thường xuyên nhằm phòng ngừa và khắc phục kịp thời những hư hỏng nhỏ của các bộ phận công trình và thiết bị.

Bảo dưỡng thường xuyên để hạn chế tối đa sự phát triển từ hư hỏng nhỏ trở thành hư hỏng lớn. Các công việc này được thực hiện thường xuyên liên tục hàng ngày, trong suốt cả năm trên toàn bộ tuyến đường, để đảm bảo giao thông vận tải đường bộ được an toàn, thông suốt và êm thuận.

6. Bảo trì công trình là tập hợp các hoạt động nhằm duy trì hoạt động bình thường và đảm bảo an toàn sử dụng công trình.

Công tác bảo trì đường bộ bao gồm công tác bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất.

Công tác sửa chữa định kỳ bao gồm công tác sửa chữa vừa và công tác sửa chữa lớn.

7. Sửa chữa vừa là sửa chữa những hư hỏng, khắc phục những biểu hiện xuống cấp của bộ phận, kết cấu công trình có thể ảnh hưởng đến chất lượng khai thác đường bộ và gây mất an toàn khai thác.

8. Sửa chữa lớn là công việc sửa chữa tiến hành khi có hư hỏng hoặc xuống cấp ở nhiều bộ phận công trình nhằm khôi phục chất lượng ban đầu của công trình.

9. Sửa chữa đột suất là công việc sửa chữa công trình đường bộ chịu các tác động đột xuất như gió bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy hoặc những tác động đột xuất khác đã dẫn tới những hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa kịp thời để đảm bảo giao thông liên tục.

Điều 4. Yêu cầu và nội dung công tác quản lý và bảo trì đường bộ.

1. Đường bộ sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa lớn, sửa chữa vừa phải được nghiệm thu, bàn giao, tổ chức quản lý, bảo trì. Thời gian thực hiện quản lý, bảo trì được tính từ ngày chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác ký biên bản nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác.

2. Công tác quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện theo quy định từ Điều 5 đến Điều 7 trong Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19 tháng 4 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP VÀ THỰC HIỆN BẢO TRÌ HỆ THỐNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Điều 5. Tổ chức phân cấp quản lý, bảo trì đường bộ.

1. Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý các hệ thống đường trên địa bàn tỉnh.

a) Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giao thông vận tải trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường tỉnh.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường huyện, đường xã, đường đô thị trên địa bàn do địa phương quản lý theo quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố giao Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn quản lý, bảo trì một số đường xã tuỳ theo điều kiện thực tế của địa phương.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì và khai thác đường chuyên dùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành đường bộ.

4. Đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư công trình theo hình thức: BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao), BTO (Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh), BT (Xây dựng – Chuyển giao) thì Nhà đầu tư thực hiện quản lý, bảo trì. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của Nhà đầu tư.

Điều 6. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải.

1. Tham mưu giúp UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giao thông vận tải chuyên ngành ở địa phương. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình tổ chức quản lý Nhà nước về GTVT trong toàn tỉnh. Cùng UBND các huyện, thành phố kết hợp chặt chẻ quản lý Nhà nước theo ngành với quản lý theo lãnh thổ trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức xây dựng và thực hiện quy họach phát triển GTVT của tỉnh Lâm Đồng, chịu trách nhiệm bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp theo từng thời gian và trình UBND Tỉnh phê duyệt trên cơ sở đồng ý của Bộ Giao thông vận tải.

a) Xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển GTVT 5 năm, hàng năm của tỉnh và có tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm theo quy định.

b) Chỉ đạo chương trình Quốc gia về an toàn giao thông và các biện pháp bảo đảm giao thông thông suốt trong toàn tỉnh.

3. Tham mưu giúp UBND Tỉnh ban hành các văn bản theo thẩm quyền nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về GTVT trong toàn tỉnh.

4. Tham mưu giúp UBND Tỉnh trong việc tổ chức quản lý bảo trì, khai thác bảo vệ hệ thống đường bộ trong toàn tỉnh (trừ hệ thống đường đô thị), kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về GTVT của các huyện, thành phố.

a) Được UBND Tỉnh ủy quyền thực hiện nhiệm vụ trực triếp quản lý, bảo trì, khai thác hệ thống đường tỉnh và đường quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam ủy thác.

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đường chuyên dùng thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường chuyên dùng.

c) Hướng dẫn, kiểm tra tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư công trình đường bộ theo hình thức: BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh), BT (Xây dựng - Chuyển giao) thực hiện công tác quản lý, bảo trì.

5. Ngoài ra Sở Giao thông vận tải được trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành giao thông vận tải tại địa phương.

b) Là cơ quan thường trực công tác an toàn giao thông của tỉnh. Cùng với chính quyền địa phương, các ban ngành, cơ quan hữu quan chỉ đạo việc đảm bảo an toàn giao thông thông suốt của mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh, trong mọi tình huống về thiên tai, sự cố công trình.

c) Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ trong toàn tỉnh.

d) Thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở các công trình cầu, đường giao thông theo thẩm quyền.

đ) Cấp giấp phép mở đường ngang vào các đường quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải hoặc Tổng cục Đường bộ Việt Nam ủy thác. Cấp giấy phép sử dụng hành lang an toàn đường bộ theo thẩm quyền. Kiểm tra việc thực hiện quy định của Nhà nước khi thi công đường bộ đang khai thác.

e) Cấp giấy phép lưu hành đặc biệt cho xe quá khổ và hướng dẩn xử lý kỹ thuật cho xe quá tải lưu hành trên hệ thống đường do tỉnh quản lý.

g) Huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để khôi phục giao thông kịp thời khi bị thiên tai, sự cố công trình.

h) Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong toàn tỉnh.

i) Lập kế hoạch và chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ trong toàn tỉnh.

k) Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi toàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Xây dựng.

1. Hướng dẫn lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quản lý, bảo trì hệ thống đường đô thị trong toàn tỉnh và có tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm theo quy định.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, đồng thời đôn đốc Ủy ban nhân dân thành phố và các huyện quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ để thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng hệ thống đường đô thị trong toàn tỉnh theo quy định của pháp luật (thực hiện theo quy định từ Điều 14 đến Điều 24 chương V trong Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ và Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị).

3. Cùng với chính quyền địa phương, các ban ngành, cơ quan hữu quan chỉ đạo việc đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trong mọi tình huống do tác động đột xuất như gió bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy hoặc những tác động đột xuất khác gây ra cho hệ thống đường đô thị trong toàn tỉnh.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính.

1. Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn lập dự toán và tổng hợp, cân đối kế hoạch vốn để thực hiện công tác quản lý, bảo trì, khai thác, nâng cấp cải tạo cho hệ thống đường của tỉnh hàng năm theo quy định báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.

a) Đối với hệ thống đường tỉnh: Sở Giao thông vận tải quản lý trực tiếp, hàng năm lập dự trù kinh phí gửi Sở Kế hoạch và đầu tư và Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện công tác quản lý, bảo trì, nâng cấp cải tạo.

b) Đối với hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã: UBND huyện, hành phố hàng năm lập dự trù kinh phí theo phân công, phân cấp trình Hội đồng nhân dân huyện, thành phố phê duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện công tác quản lý, bảo trì, nâng cấp cải tạo.

2. Nguồn vốn của công tác quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện theo Nghị định số 168/2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ Quy định về nguồn tài chính và quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì đường bộ.

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

1. Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập quy hoạch sử dụng đất dành cho đường bộ; quy định về bảo vệ môi trường do tác động của giao thông đường bộ gây ra.

2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi liên quan đến công trình đường bộ; hướng dẫn việc sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ để canh tác đất nông nghiệp đảm bảo kỹ thuật và an toàn công trình đường bộ.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

1. Trong phạm vi quyền hạn của mình, UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt tổ chức quản lý Nhà nước về GTVT trên địa bàn của mình. Cùng Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng kết hợp chặt chẽ việc quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông với quản lý theo lãnh thổ thuộc địa phương mình.

2. Tổ chức xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch GTVT của địa phương sau khi có ý kiến thống nhất của Sở Giao thông vận tải và chịu trách nhiệm bổ sung, chỉnh sửa quy hoạch cho phù hợp theo từng thời gian.

a) Căn cứ vào quy hoạch đã được duyệt, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển GTVT 5 năm và hàng năm của địa phương.

b) Chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về an toàn giao thông và đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trong toàn địa phương.

3. Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về GTVT ở địa phương.

4. UBND tỉnh giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý, bảo vệ, bảo trì và khai thác hệ thống đường huyện, đường xã, đường đô thị trên địa bàn.

a) UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt quyết định đầu tư sửa chữa, nâng cấp, làm mới các công trình đường giao thông do mình quản lý theo quy hoạch đã được duyệt, theo kế hoạch của địa phương và của tỉnh.

b) Theo thẩm quyền của mình thực hiện Luật Xây dựng, các quy định của Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý đầu tư XBCB các công trình giao thông trên địa bàn địa phương.

c) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng tổ chức, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo trì, khai thác để bảo vệ hệ thống đường bộ và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về GTVT trên địa bàn của huyện, thành phố.

d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

đ) Quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

e) Phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ.

g) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, chống lấn chiếm, cưỡng chế dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép để giải tỏa hành lang an tòan đường bộ.

h) Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, sự cố công trình.

i) Cấp, thu hồi giấy phép thi công trên đường bộ theo phân cấp.

k) Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt theo quy định của pháp luật.

l) Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm UBND cấp huyện, thành phố có trách nhiệm thống kê, báo cáo về tình hình quản lý, bảo trì, khai thác và xây dựng giao thông, công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến UBND Tỉnh và Sở Giao thông vận tải.

Điều 11. Trách nhiệm của UBND các xã, phường, thị trấn.

1. Quản lý, bảo trì hệ thống đường xã khi được UBND huyện, thành phố giao trong phạm vi địa phương theo quy định.

2. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Phối hợp với đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình đường bộ bao gồm cả việc giữ gìn các cột mốc lộ giới.

4. Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

5. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, sự cố công trình.

6. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

7. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm UBND cấp xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thống kê, báo cáo về tình hình quản lý, bảo trì, khai thác và xây dựng giao thông, công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến UBND các huyện, thành phố.

Điều 12. Trách nhiệm của các đơn vị: công ty TNHH một thành viên xây dựng và quản lý đường bộ 1 Lâm Đồng, công ty TNHH một thành viên xây dựng và quản lý đường bộ 2 Lâm Đồng, công ty Quản lý công trình đô thị các thành phố và Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng các huyện.

1. Lập kế hoạch kinh phí công tác quản lý, bảo trì đường bộ, bao gồm theo dõi, kiểm tra, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất các hư hỏng của công trình đường bộ hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định phê duyệt để triển khai thực hiện.

2. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Ủy ban nhân dân các cấp để tổ chức và thực hiện việc cắm mốc lộ giới xác định phạm vi đất dành cho đường bộ và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn quản lý, bảo vệ.

3. Quản lý, bảo trì đường bộ, bao gồm theo dõi, kiểm tra, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất các hư hỏng của công trình đường bộ; duy trì tình trạng kỹ thuật của đường, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và năng lực thông qua của công trình đường bộ.

4. Thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao đường bộ theo thẩm quyền.

5. Kịp thời báo cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ.

Điều 13. Trách nhiệm của Thanh tra Sở Giao thông vận tải.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đồng thời có tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm theo quy định.

Điều 14. Phối hợp bảo vệ bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

1. Đơn vị quản lý các tuyến đường đang khai thác và các chủ đầu tư các dự án xây dựng nâng cấp, cải tạo đường bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng phương án cắm mốc lộ giới xác định hành lang an toàn đường bộ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Ủy ban nhân dân các cấp công bố công khai việc tổ chức việc cắm mốc lộ giới trên thực địa và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã được cắm mốc lộ giới.

2. Đơn vị quản lý các tuyến đường đang khai thác có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, đình chỉ và lập hồ sơ các vụ việc của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm lấn chiếm và sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ theo quy định. Đồng thời báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, thành phố nơi có hành lang an toàn đường bộ bị vi phạm và phối hợp với cơ quan có liên quan theo Điều 13 của bảng quy định này để giải tỏa công trình lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ do đơn vị mình trực tiếp quản lý theo thẩm quyền và có tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm lên cơ quan quản lý đường bộ cấp trên về công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ.

3. Sở Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch và biện pháp xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường bộ mới phát sinh theo báo cáo của đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ mà chưa được giải quyết triệt để, đồng thời báo cáo kết quả và những khó khăn, vướng mắc về Tổng Cục đường bộ Việt Nam (đối với quốc lộ) hoặc về UBND Tỉnh (đối với các đường thuộc địa phương quản lý) để tiếp tục có biện pháp giải quyết.

4. Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng căn cứ vào bảng quy định này có trách nhiệm chỉ đạo công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi toàn tỉnh; đồng thời có quy định cụ thể các nội dung bắt buộc phải có trong Giấy phép thi công các công trình kết cấu hạ tầng khác trong vi phạm hành lang an toàn đường bộ để áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh; tổng kết và báo cáo hàng năm về công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật; cần quan tâm đến việc giao đất, cho thuê đất, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng dọc đường bộ đang quản lý bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ; không làm ảnh hưởng đến an toàn công trình giao thông và hoạt động giao thông vận tải; ngăn chặn và dần từng bước chấm dứt tình trạng các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà dọc quốc lộ. Chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý đường bộ và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ kể cả việc bảo vệ mốc lộ giới. Đối với các trường hợp lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ cần kiên quyết giải tỏa và không bồi thường cho các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

6. Thanh tra Sở Giao thông vận tải và các cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm thi hành.

1. Ủy ban nhân dân các cấp, các sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, các sở ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy định này.

2. Sở Giao thông vận tải đôn đốc, theo dõi việc thực hiện và định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 01/2011/QĐ-UBND Quy định về phân cấp quản lý và thực hiện bảo trì hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 01/2011/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/01/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Huỳnh Đức Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản