Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2004/QĐ-UB | Vinh, ngày 06 tháng 01 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 26-11-2003;
- Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
- Căn cứ Quyết định số: 311/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn đến năm 2010;
- Căn cứ Quyết định số: 28/2003/QĐ-UB ngày 17 tháng 2 năm 2003 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2003;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tại Tờ trình số 695/TM-QLTM ngày 10 tháng 11 năm 2003 (sau khi đã lấy ý kiến góp ý của các Sở, Ban, Ngành liên quan);
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010" (có đề án kèm theo) với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu:
- Nhằm cải tạo, nâng cấp, sắp xếp mạng lưới chợ hiện có và xây dựng mới chợ trung tâm ngành hàng, đầu mối nông sản, hải sản... Phát huy tốt vai trò vị thế trong lưu thông hàng hóa trên từng địa bàn.
Đổi mới phương thức hoạt động, hình thành các mô hình tổ chức quản lý mới phù hợp phát triển kinh tế - xã hội.
- Khuyến khích mặt tích cực, hạn chế những tồn tại, góp phần, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
2. Định hướng quy hoạch
- Thông qua nâng cấp, cải tạo để nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ đã có, từng bước phát triển chợ mới, hiện đại hóa cơ sở vật chất chợ, mở rộng giao lưu hàng hóa, dịch vụ thương mại.
- Phát triển mạng lưới chợ nông thôn để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thu gom hàng hóa cho xuất khẩu... thúc đẩy sản xuất phát triển.
a) Tổng số chợ nâng cấp cải tạo và xây dựng mới: 401 chợ
Trong đó:
- Loại 1: 20 chợ (1 chợ chuyên doanh nông sản cấp vùng, 19 chợ kinh doanh tổng hợp).
- Loại 2: 57 chợ (2 chợ chuyên doanh thủy hải sản, 55 chợ kinh doanh tổng hợp).
- Loại 3: 325 chợ (4 chợ chuyên doanh trâu, bò, 321 chợ KDTH).
b) Phân kỳ đầu tư xây dựng theo các năm như sau:
- Giai đoạn năm 2003-2005
+ Xây dựng mới 06 chợ (có chợ đầu mối nông sản cấp vùng)
+ Cải tạo nâng cấp 65 chợ.
- Giai đoạn năm 2006-2010
+ Xây dựng mới 107 chợ.
+ Nâng cấp cải tạo 223 chợ.
3. Chính sách và các giải pháp
a) Chính sách đầu tư xây dựng:
Chợ là một bộ phận cơ sở hạ tầng xã hội nên việc đầu tư phát triển chợ cần được quan tâm thực hiện đúng quy định, đúng hướng để phát huy hết khả năng của nó trong cơ chế thị trường hiện nay.
b) Nguồn đầu tư: Sử dụng kết hợp nhiều nguồn vốn để đầu tư (nguồn ngân sách Nhà nước trong đó nguồn của tỉnh chủ yếu từ nguồn quỹ đầu tư phát triển chợ được hình thành từ tiền cấp quyền sử dụng đất khu dân cư xung quanh chợ, vốn tín dụng, vốn huy động từ các tổ chức tập thể, cá nhân và các tổ chức Quốc tế...).
c) Sử dụng nguồn vốn đầu tư:
Ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ cho:
+ Phát triển chợ đầu mối phát luồng ở những vùng kinh tế trọng điểm
+ Chợ các xã thuộc chương trình 135 do ngân sách Trung ương thông báo hàng năm, các xã khác miền núi (không thuộc chương trình 135), sẽ xem xét cụ thể để hỗ trợ như sau: Chợ xã miền núi khu vực 3 hỗ trợ 70%, khu vực 2: 50%, khu vực 1: 25%.
Những chợ không thuộc đối tượng trên Nhà nước xem xét hỗ trợ một số chợ, về kinh phí khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng;
d) Chính sách tổ chức quản lý khai thác
Tổ chức thành lập các hình thức quản lý chợ như (DNNN, TNHH, TN, HTX...) phù hợp với từng loại hình chợ, từng địa phương.
đ) Chính sách đào tạo cán bộ quản lý chợ
Hàng năm Sở Thương mại chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo cán bộ của Bộ, của tỉnh, để tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác quản lý chợ dưới nhiều hình thức (ngắn hạn, dài hạn...)
Điều 2. Tổ chức chỉ đạo và thực hiện:
Sở Thương mại, các Ban Ngành liên quan, UBND các huyện, Thành phố, Thị xã căn cứ nội dung Quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ và nhiệm vụ giao tại mục VII của đề án, chủ động tổ chức thực hiện.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Các ông Chánh văn phòng HĐND - UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Thương mại, Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên môi trường, Xây dựng, Thủ trưởng các Ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố, Thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. UBND TỈNH NGHỆ AN |
- 1Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 2Quyết định 311/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn đến 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Quyết định 727/1998/QĐ.UB về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ tỉnh An Giang từ năm 1998 đến năm 2005
Quyết định 01/2004/QĐ-UB phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển hệ thống mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- Số hiệu: 01/2004/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/01/2004
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Nguyễn Văn Hành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/01/2004
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra