Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 1990

 

PHÁP LỆNH

ĐO LƯỜNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 43-LCT/HĐNN8

Để đo lường được thống nhất và chính xác nhằm bảo đảm công bằng và quyền lợi của mọi người; nâng cao chất lượng sản phẩm; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiêm, vật tư, năng lượng; bảo đảm an toàn lao động; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật; tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu quốc tế;
Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định về đo lường.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Đo lường là hoạt động để xác định giá trị của đại lượng cần đo, có quan hệ mật thiết đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Nhà nước thống nhất quản lý đo lường trên cơ sở pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc công nhận.

Điều 2

Mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường hoặc liên quan đến đo lường trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân theo các quy định của Pháp lệnh này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc công nhận có quy định khác.

Điều 3

Hội đồng bộ trưởng thực hiện thống nhất quản lý đo lường trong cả nước.

Việc quản lý Nhà nước về đo lường bao gồm :

1- Lập quy hoạch, kế hoạch về đo lường; quy định các chế độ, thể lệ về đo lường;

2- Tổ chức các cơ quan quản lý đo lường và quản lý hoạt động của các cơ quan này;

3- Quy định đơn vị đo lường hợp pháp; xây dựng và quản lý hệ thống chuẩn đơn vị đo lường, hệ thống mẫu chuẩn;

4- Kiểm định chuẩn đơn vị đo lường và phương tiện đo lường;

5- Duyệt mẫu, cho phép sản xuất và nhập khẩu phương tiện đo lường;

6- Thanh tra Nhà nước về đo lường và xử lý các vi phạm pháp luật về đo lường.

Điều 4

Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm cho hoạt động đo lường được thống nhất và chính xác.

Điều 5

Nghiêm cấm mọi hành vi gian lận trong cân, đong, đo đếm và các hoạt động đo lường khác.

Mọi tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại và tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về đo lường; kiến nghị các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường với Uỷ ban nhân dân, cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường các cấp hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. Các cơ quan này có trách nhiệm xem xét và giải quyết những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

CƠ QUAN QUẢN LÝ ĐO LƯỜNG

Điều 6

Cơ quan quản lý đo lường bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường và cơ quan quản lý đo lường ngành, cơ sở.

Điều 7

Cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường bao gồm :

- Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng thuộc Uỷ ban khoa học Nhà nước;

- Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực;

- Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương.

Hội đồng bộ trưởng quy định tổ chức, bộ máy của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường.

Điều 8

Cơ quan quản lý đo lường ngành, cơ sở có thể được thành lập và hoạt động theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường để đáp ứng yêu cầu quản lý đo lường của ngành, cơ sở.

Điều 9

Cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây :

1- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch về đo lường trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng các dự án pháp luật về đo lường; ban hành các văn bản pháp quy về đo lường thuộc thẩm quyền; tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các văn bản pháp luật về đo lường;

2- Xây dựng và quản lý hệ thống chuẩn đơn vị đo lường, hệ thống mẫu chuẩn; bảo quản và sử dụng các chuẩn quốc gia theo quy định của Nhà nước;

3- Tổ chức hệ thống kiểm định Nhà nước; tiến hành kiểm định Nhà nước chuẩn đơn vị đo lường và phương tiện đo lường; công nhận khả năng kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước cấp dưới về đo lường; uỷ quyền kiểm định Nhà nước cho các cơ sở;

4- Thử nghiệm, duyệt mẫu và cho phép sản xuất, nhập khẩu phương tiện đo lường;

5- Tiến hành thanh tra Nhà nước về đo lường và xử lý các vi phạm pháp luật về đo lường theo thẩm quyền;

6- Hướng dẫn việc tổ chức và quản lý hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước cấp dưới về đo lường; hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan quản lý đo lường ngành, cơ sở;

7- Tổ chức nghiên cứu khoa học - kỹ thuật đo lường;

8- Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ - kỹ thuật đo lường;

9- Hợp tác quốc tế về đo lường.

Hội đồng bộ trưởng quy định việc phân cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường nói tại Điều này.

Chương 3:

ĐƠN VỊ ĐO LƯỜNG HỢP PHÁP VÀ CHUẨN ĐƠN VỊ ĐO LƯỜNG

Điều 10

Đơn vị đo lường hợp pháp là đơn vị đo lường được Nhà nước công nhận và cho phép sử dụng.

Đơn vị đo lường hợp pháp được quy định trong các tiêu chuẩn Việt Nam phù hợp với Hệ đơn vị đo lường quốc tế (SI).

Điều 11

Trong hoạt động đo lường hoặc liên quan đến đo lường phải sử dụng đơn vị đo lường hợp pháp.

Mọi phương tiện đo lường phải được ghi khắc theo đơn vị đo lường hợp pháp.

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định trường hợp cá biệt được phép sử dụng đơn vị đo lường khác với đơn vị đo lường hợp pháp.

Trong giao lưu quốc tế có thể sử dụng đơn vị đo lường khác với đơn vị đo lường hợp pháp của Việt Nam theo sự thoả thuận giữa các bên liên quan.

Điều 12

Chuẩn đơn vị đo lường là phương tiện kỹ thuật để thể hiện đơn vị đo lường và truyền đơn vị đó đến phương tiện đo lường khác.

Hệ thống chuẩn đơn vị đo lường của Việt Nam gồm chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất và các chuẩn có độ chính xác thấp hơn của từng lĩnh vực đo lường.

Chuẩn quốc gia hoặc chuẩn cao nhất do Hội đồng bộ trưởng phê duyệt và phải được định kỳ so sánh với chuẩn quốc tế hoặc chuẩn có độ chính xác cao hơn của nước ngoài.

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định chế độ quản lý hệ thống chuẩn đơn vị đo lường.

Điều 13

Các ngành, cơ sở có quyền trang bị chuẩn đơn vị đo lường cần thiết theo yêu cầu của mình.

Chuẩn có độ chính xác cao nhất của một ngành, cơ sở là chuẩn chính. Chuẩn chính phải được kiểm định Nhà nước và cấp giấy chứng nhận.

Chương 4:

KIỂM ĐỊNH NHÀ NƯỚC PHƯƠNG TIỆN ĐO LƯỜNG

Điều 14

Kiểm định Nhà nước là việc xác định và chứng nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường hoặc cơ sở được uỷ quyền kiểm định Nhà nước về tính năng đo lường và sự hợp pháp của phương tiện đo lường theo quy trình kiểm định được quy định trong các tiêu chuẩn Việt Nam.

Điều 15

Các phương tiện đo lường phải được kiểm định Nhà nước bao gồm :

1- Phương tiện đo lường có liên quan đến việc xác định lượng hàng hoá khi mua bán, giao nhận;

2- Phương tiện đo lường có liên quan đến việc bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khoẻ và môi trường;

3- Phương tiện đo lường có liên quan đến việc giám định tư pháp và các hoạt động công vụ khác của Nhà nước.

Danh mục cụ thể phương tiện đo lường phải được kiểm định Nhà nước và chu kỳ kiểm định các phương tiện đo lường này do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định.

Điều 16

Chế độ kiểm định Nhà nước bao gồm kiểm định ban đầu, kiểm định định kỳ, kiểm định bất thường.

Kiểm định ban đầu được áp dụng đối với các phương tiện đo lường mới được sản xuất, sửa chữa hoặc nhập khẩu.

Kiểm định định kỳ được áp dụng đối với phương tiện đo lường đang sử dụng.

Kiểm định bất thường được áp dụng khi tiến hành thanh tra Nhà nước về đo lường.

Điều 17

Phương tiện đo lường sau khi kiểm định Nhà nước đạt yêu cầu được đóng dấu kiểm định hoặc cấp giấy chứng nhận kiểm định theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

Dấu kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường hoặc cơ sở được uỷ quyền kiểm định Nhà nước có giá trị pháp lý trong cả nước.

Nghiêm cấm việc giả mạo dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định hoặc sử dụng dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định với mục đích lừa đảo.

Điều 18

Tổ chức, cá nhân sản xuất, sửa chữa, nhập khẩu phương tiện đo lường thuộc diện phải được kiểm định Nhà nước phải được kiểm định ban đầu.

Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo lường thuộc diện phải được kiểm định Nhà nước phải đăng ký kiểm định định kỳ.

Thể thức đăng ký kiểm định phương tiện đo lường do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định.

Điều 19

Tổ chức, cá nhân có thể đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường hoặc cơ sở được uỷ quyền kiểm định Nhà nước kiểm định phương tiện đo lường không thuộc diện phải được kiểm định Nhà nước.

Điều 20

Tổ chức, cá nhân có phương tiện đo lường được kiểm định phải trả lệ phí kiểm định. Lệ phí kiểm định do Hội đồng bộ trưởng quy định.

 

 

 

Chương 5:

SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN ĐO LƯỜNG, HÀNG BAO BÌ ĐÓNG GÓI THEO ĐỊNH LƯỢNG

Điều 21

Tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo lường phải thực hiện đúng các quy định về bảo quản và sử dụng phương tiện đo lường, bảo đảm cho các phép đo lường được thống nhất và chính xác.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có thể kiểm tra việc cân, đong, đo đếm khi mua bán, giao nhận.

Điều 22

Nghiêm cấm việc lưu hành, sử dụng phương tiện đo lường thuộc diện phải được kiểm định Nhà nước ở một trong những trường hợp sau đây :

1- Không có dấu kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định.

2- Dấu kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực.

3- Bị sai hỏng không còn đạt yêu cầu về đo lường.

Điều 23

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng bao bì đóng gói theo định lượng phải ghi rõ lượng hàng hoá trên bao bì.

Chênh lệnh giữa lượng hàng hoá thực tế và lượng hàng hoá ghi trên bao bì không được vượt quá giới hạn cho phép trong tiêu chuẩn Việt Nam hoặc trong quy định do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng ban hành.

Chương 6:

SẢN XUẤT, SỬA CHỮA, LƯU THÔNG PHƯƠNG TIỆN ĐO LƯỜNG

Điều 24

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sửa chữa phương tiện đo lường.

Điều 25

Tổ chức, cá nhân sản xuất, sửa chữa phương tiện đo lường phải đăng ký tại cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường.

Việc sản xuất phương tiện đo lường thuộc diện phải được kiểm định Nhà nước, phải được cơ quan quản lý Nhà nức về đo lường duyệt mẫu và cho phép.

Phương tiện đo lường sản xuất theo mẫu đã duyệt được mang dấu hiệu duyệt mẫu do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định.

Mọi thay đổi, cải tiến mẫu phương tiện đo lường đã duyệt phải được phép của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường.

Điều 26

Tổ chức, cá nhân sản xuất phương tiện đo lường không thuộc diện phải được kiểm định Nhà nước có thể đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường thử nghiệm, xác nhận mẫu và kiểm định ban đầu. Những phương tiện đo lường này cũng được mang dấu hiệu duyệt mẫu do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định.

Điều 27

Khi nhập khẩu phương tiện đo lường thuộc diện phải được kiểm định Nhà nước, tổ chức, cá nhân được phép kinh doanh xuất nhập khẩu phải được sự đồng ý của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng.

 

Chương 7:

THANH TRA NHÀ NƯỚC VỀ ĐO LƯỜNG

Điều 28

Cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường thực hiện chức năng thanh tra Nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.

Tổ chức và hoạt động của thanh tra Nhà nước về đo lường do Hội đồng bộ trưởng quy định.

Điều 29

Nhiệm vụ thanh tra Nhà nước về đo lường là thanh tra việc chấp hành pháp luật về đo lường và đề ra các biện pháp nhằm phòng ngừa và chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.

Việc thanh tra Nhà nước về đo lường do đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về đo lường thực hiện.

Điều 30

Khi tiến hành thanh tra Nhà nước về đo lường, trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về đo lường có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :

1- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho việc thanh tra; tiến hành các biện pháp kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường;

2- Đình chỉ việc sử dụng hoặc đưa vào lưu thông phương tiện đo lường không hợp pháp và hàng bao bì đóng gói theo định lượng không đạt yêu cầu về đo lường;

3- Tạm thời đình chỉ việc sản xuất, sửa chữa, kiểm định phương tiện đo lường trái với pháp luật về đo lường và kiến nghị biện pháp xử lý với thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường;

4- Lập biên bản, xử phạt theo thẩm quyền hoặc niêm giữ phương tiện đo lường không hợp pháp cùng các tang vật khác về đo lường và kiến nghị biện pháp xử lý với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

5- Chuyển hồ sơ về việc vi phạm pháp luật về đo lường sang cơ quan điều tra hình sự, nếu xét thấy có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trưởng đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên Nhà nước về đo lường chịu trách nhiệm trước pháp luật về những kết luận và các biện pháp xử lý trong quá trình thanh tra.

Điều 31

Cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường tiến hành thanh tra để làm cơ sở cho việc xem xét, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đo lường.

Kết luận của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng là kết luận có giá trị pháp lý cao nhất về đo lường.

Điều 32

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan tiến hành thanh tra hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường cấp trên trực tiếp về những kết luận và các biện pháp xử lý khi thanh tra đo lường tại cơ sở mình.

Quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước về đo lường cấp trên trực tiếp có hiệu lực thi hành.

Chương 8:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 33

Tổ chức, cá nhân có thành tích nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường hoặc có công phát hiện các vi phạm pháp luật về đo lường được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 34

Người nào gian lận trong cân, đong, đo đếm; không thực hiện các quy định về kiểm định Nhà nước phương tiện đo lường; sử dụng, sản xuất, lưu thông phương tiện đo lường không hợp pháp; sử dụng, giả mạo dấu kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định với mục đích lừa đảo hoặc vi phạm những quy định khác của Pháp lệnh này thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1990.

Điều 36

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 1990

 

Võ Chí Công

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh Đo lường năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 43-LCT/HĐNN8
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 06/07/1990
  • Nơi ban hành: Hội đồng Nhà nước
  • Người ký: Võ Chí Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 01/10/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản