Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 98-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 1972 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TÍN DỤNG, TIỀN TỆ Ở NÔNG THÔN VÀ CHẤN CHỈNH CÁC HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ 

I

Nhờ thực hiện Chỉ thị số 131-CT/TW ngày 28-6-1966 của Ban Bí thư trung ương Đảng về việc củng cố hợp tác xã tín dụng để tăng cường công tác tín dụng và quản lý tiền tệ ở nông thôn, trong mấy năm qua, các hợp tác xã tín dụng đã hoạt động tương đối mạnh và đều, huy động được nhiều vốn, phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, đấu tranh chống nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn có kết quả. Nhiều hợp tác xã tín dụng đã thực sự trở thành cánh tay đắc lực của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung, thống nhất quản lý tín dụng, tiền tệ ở nông thôn vào hệ thống tín dụng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, phong trào hợp tác xã tín dụng còn nhiều khuyết điểm và nhược điểm. Một số hợp tác xã tín dụng chưa chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc, chế độ quản lý tín dụng, tiền tệ của Nhà nước; cho vay ít chú ý hiệu quả kinh tế; còn cảm tình nể nang, cho vay sai đối tượng, lãng phí vốn, nợ thu hồi nhỏ; tình trạng tham ô, lãng phí, mất vốn xảy ra ở nhiều nơi, có nơi nghiêm trọng.

Nguyên nhân chủ yếu vì:

- Việc quản lý và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với hợp tác xã tín dụng bị buông lỏng, chưa thực hiện được tốt nguyên tắc quản lý tập trung, thống nhất tín dụng, tiền tệ ở nông thôn; cán bộ ngân hàng thiếu và yếu, nhiều nơi Ngân hàng Nhà nước khoán trắng cho hợp tác xã tín dụng, thiếu kiểm tra, đôn đốc và giúp đỡ đúng mức.

- Các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, chưa quan tâm đầy đủ lãnh đạo công tác tín dụng và quản lý tiền tệ; chưa kết hợp hoạt động của hợp tác xã tín dụng với việc quản lý kinh tế tài chính chung; chưa phát huy đúng mức tác dụng của hợp tác xã tín dụng đối với sản xuất và đời sống trong xã; có nơi, có khi còn thúc ép hợp tác xã tín dụng làm sai nguyên tắc, chế độ của Nhà nước.

- Trình độ nghiệp vụ của cán bộ hợp tác xã tín dụng còn non yếu; phần lớn cán bộ chưa nắm vững các nguyên tắc, chế độ tín dụng, quản lý tiền tệ, nên trong việc chấp hành còn phạm nhiều sai lầm.

- Việc lãnh đạo và quản lý tập trung, thống nhất các hoạt động tín dụng, tiền tệ ở nông thôn vào hệ thống Ngân hàng Nhà nước chưa được quy định bằng những chế độ, thể lệ rõ ràng và đầy đủ.

II

Trong điều kiện hiện nay, nền nông nghiệp miền Bắc nước ta đang đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa có kế hoạch, cho nên tín dụng, tiền tệ cũng phải được quản lý tập trung thống nhất theo kế hoạch, phù hợp với nguyên tắc quản lý tín dụng, tiền tệ xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, phần lớn sản xuất nông nghiệp của ta vẫn còn là sản xuất nhỏ, phân tán, nên việc quản lý tập trung, thống nhất tín dụng, tiền tệ phải được tiến hành theo phương thức thích hợp.

Trên cơ sở vị trí, nhiệm vụ của hợp tác xã tín dụng quy định trong Chỉ thị số 131-CT/TW ngày 28-6-1966 của Ban Bí thư trung ương Đảng, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng tốt hợp tác xã tín dụng là tổ chức kinh tế thuộc hệ thống tín dụng xã hội chủ nghĩa thống nhất làm cánh tay đắc lực cho mình và thông qua nó mà quản lý tập trung và thống nhất các hoạt động tín dụng tiền tệ ở nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình tập trung vốn nhanh hơn nữa và phân phối vốn một cách có kế hoạch, vừa phù hợp với phương hướng và yêu cầu của nền nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn trên những vùng rộng lớn, vừa sát với trình độ sản xuất và yêu cầu vốn của từng vùng, từng hợp tác xã.

Để khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm trong phong trào hợp tác xã tín dụng, phát huy tác dụng của hợp tác xã tín dụng và đề cao trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý tập trung, thống nhất tín dụng, tiền tệ ở nông thôn, cần định rõ các loại nhiệm vụ của hợp tác xã tín dụng trong mối quan hệ với Ngân hàng Nhà nước như sau:

1. Loại nhiệm vụ của bản thân hợp tác xã tín dụng:

a) Huy động vốn cổ phần của xã viên;

b) Cho vay kinh tế phụ gia đình và nhu cầu đời sống của nông dân trong xã.

Việc cho vay phải có tác dụng hướng dẫn kinh tế phụ gia đình phát triển đúng hướng, vừa có lợi cho kinh tế tập thể, vừa cải thiện đời sống xã viên, góp phần đấu tranh chống nạn cho vay nặng lãi. Nguồn vốn cho vay là vốn tự có của hợp tác xã tín dụng; nếu thiếu vốn thì hợp tác xã tín dụng được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Hợp tác xã tín dụng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hiệu quả của việc cho vay và thu hồi vốn.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm lãnh đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã tín dụng thực hiện các công việc nói trong điểm 1 này theo đúng chế độ tín dụng của Nhà nước.

2. Loại nhiệm vụ làm ủy nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước:

a) Huy động tiền gửi tiết kiệm trong nông thôn; vốn huy động được phải tập trung lên Ngân hàng Nhà nước, hợp tác xã tín dụng không được tự động dùng vốn này để cho vay;

b) Cho vay ngắn hạn các nhu cầu về chi phí sản xuất của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo đúng chế độ, thể lệ của Ngân hàng Nhà nước và trong phạm vi kế hoạch tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước xét duyệt; vốn cho vay là vốn của Ngân hàng Nhà nước;

c) Thu chi tiền mặt đối với các hợp tác xã và cơ quan đoàn thể trong xã; kiểm tra quỹ tiền mặt và tình hình sử dụng tiền mặt của các tổ chức này;

d) Giám đốc tài chính đối với các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, kiểm tra tình hình sử dụng vốn và thu nợ dài hạn trong xã.

Ngân hàng Nhà nước tùy theo tình hình và khả năng của từng hợp tác xã tín dụng và trình độ của Ban quản lý mà có thể ủy nhiệm cho nó làm một số hay tất cả những công việc nói trong điểm 2 này.

Mọi hoạt động của hợp tác xã tín dụng đều phải có kế hoạch; kế hoạch này nằm trong hệ thống kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, được Ngân hàng Nhà nước xét duyệt và chỉ đạo thực hiện.

Hợp tác xã tín dụng phải chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc, chế độ của Nhà nước, những quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với hợp tác xã tín dụng, thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước xét duyệt, thường kỳ báo cáo tình hình hoạt động, kinh doanh của mình, tình hình tín dụng, tiền tệ ở nông thôn cho Ngân hành Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cải tiến các chế độ kế hoạch hóa, kế toán, thống kê, báo cáo của các cấp Ngân hàng Nhà nước và của hợp tác xã tín dụng nhằm bảo đảm cho Ngân hàng Nhà nước tập trung và thống nhất quản lý các hoạt động tín dụng, tiền tệ của hợp tác xã tín dụng; đồng thời tạo điều kiện cho hợp tác xã tín dụng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hợp tác xã tín dụng được hưởng hoa hồng về những công việc làm ủy nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước.

Chế độ hoa hồng do Ngân hàng Nhà nước quy định, bảo đảm cho hợp tác xã tín dụng có thu nhập hợp lý, đủ trang trải các khoản chi phí và có tích lũy.

Hợp tác xã tín dụng phải thực hiện đầy đủ chế độ hạch toán kinh tế và chế độ tài chính công khai.

III

Để chấn chỉnh phong trào hợp tác xã tín dụng theo những quy định trên đây:

1. Ngân hàng Nhà nước phải kiện toàn các Chi điếm Ngân hàng huyện có đủ năng lực chỉ đạo và quản lý tốt các hoạt động của hợp tác xã tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, nắm sát tình hình các mặt về tín dụng, tiền tệ, phát hiện và giải quyết kịp thời yêu cầu tín dụng chính đáng của hợp tác xã và của nhân dân, tổ chức lưu thông tiền tệ có lợi cho sản xuất và đời sống ở nông thôn.

2. Phải củng cố hợp tác xã tín dụng: Ủy ban hành chính xã phải bổ sung những cán bộ có năng lực, có đạo đức cho hợp tác xã tín dụng thay thế những cán bộ mất tín nhiệm với nhân dân. Phải tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa cán bộ hợp tác xã tín dụng, có chính sách đãi ngộ thích đáng, tạo điều kiện cho cán bộ nhanh chóng trưởng thành kịp với yêu cầu của nhiệm vụ. Đề cao trách nhiệm của Ủy ban hành chính xã trong việc lãnh đạo hợp tác xã tín dụng chấp hành đúng đắn các nguyên tắc, chế độ và kế hoạch về tín dụng, quản lý tiền tệ, trong việc theo dõi kiểm tra các hoạt động của hợp tác xã tín dụng, ngăn ngừa mọi hoạt động lợi dụng, tham ô có thể xảy ra.

Ngân hàng Nhà nước phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực quản lý, đạo đức cách mạng cho cán bộ hợp tác xã tín dụng.

3. Phát huy vai trò làm chủ tập thể của quần chúng xã viên, tạo điều kiện cho xã viên giám sát các hoạt động của Ban quản lý hợp tác xã tín dụng, phát hiện các hiện tượng vi phạm nguyên tắc, chế độ trong hợp tác xã tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn và có những quy định cụ thể để thi hành nghị quyết này.

Nghị quyết này cần được phổ biến đến Ủy ban hành chính xã và hợp tác xã tín dụng.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 98-CP về việc tăng cường quản lý tín dụng, tiền tệ ở nông thôn và chấn chỉnh các hợp tác xã tín dụng do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 98-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 15/05/1972
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 30/05/1972
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản