THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 41-TTg | Hà Nội,, ngày 05 tháng 05 năm 1964 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC TÍN DỤNG VÀ TIỀN TỆ Ở NÔNG THÔN
Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn đã góp phần tích cực vào công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, xóa bỏ về căn bản nạn cho vay nặng lãi, xây dựng quan hệ vay mượn mới ở nông thôn.
Tuy vậy, đối chiếu với phương hướng trong các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 8 của Trung ương Đảng và so với yêu cầu của nhiệm vụ phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông, tăng cường quản lý kinh tế tài chính hện nay, công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn làm chưa tốt. Vốn cho vay chưa thật tập trung vào các mặt chính của sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Những chế độ và nguyên tắc tín dụng xã hội chủ nghĩa chưa được thực hiện đầy đủ, gây nên tư tưởng ỷ lại vào vốn của Nhà nước và làm lãng phí vốn trong các hợp tác xã. Công tác thu nợ còn rất yếu, nợ quá hạn ngày càng tăng, làm khó khăn cho việc tập trung vốn phục vụ tái sản xuất mở rộng. Công tác huy động vốn, quản lý quỹ xã và quỹ hợp tác xã cũng còn yếu; việc huy động và sử dụng vốn chưa thống nhất vào hệ thống tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch tín dụng, tiền tệ chưa thực hiện đầy đủ. Các hình thức cho vay tự do lấy lãi vẫn còn trong nông dân và trong một số hợp tác xã sản xuất. Các hợp tác xã tín dụng (và quỹ tín dụng ở miền núi) nói chung chưa được củng cố, chưa thực sự làm cánh tay đắc lực của cơ quan Ngân hàng ở nông thôn.
Để bổ khuyết tình hình nói trên, căn cứ vào quyết định của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ ngày 13-11-1963, Thủ tướng Chinh phủ chỉ thị một số điểm cơ bản dưới đây về công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn, nhằm góp phần phát triển nhanh chóng lực lượng sản xuất, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, làm cho nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho việc thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.
I. VỀ NGUỒN VỐN.
Tín dụng ở nông thôn có hai loại: tín dụng dài hạn và tín dụng ngắn hạn, do đó nguồn vốn cũng chia ra nguồn vốn tín dụng dài hạn và nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.
Nguồn vốn dài hạn trong năm gồm có:
- Vốn do ngân sách Nhà nước cấp,
- Số nợ dài hạn thu hồi được.
- Một phần số dư vững chắc tăng thêm trong năm của vốn tích lũy, vốn khấu hao cơ bản của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp gửi ở cơ quan Ngân hàng.
Vốn tín dụng dài hạn dùng để bổ sung vốn cơ bản của hợp tác xã sản xuất nhằm tăng thêm tài sản cố định cần thiết cho việc thực hiện tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa.
Nguồn vốn tín dụng ngắn hạn gồm có:
- Số dư tiết kiệm và tiền gửi tư nhân ở nông thôn do Ngân hàng huy động tăng thêm trong năm,
- Số dư tiền gửi của các hợp tác xã và các cơ quan, đoàn thể ở xã, do cơ quan Ngân hàng quản lý,
- Số nợ ngắn hạn thu hồi được trong khu vực kinh tế hợp tác xã.
Vốn tín dụng ngắn hạn nhằm bổ sung cho vốn lưu động của các hợp tác xã sản xuất để dùng vào chi phí sản xuất: trồng trọt, chăn nuôi,chế biến sản phẩm nông nghiệp, làm nghề phụ … Cơ quan Ngân hàng có nhiệm vụ điều hòa nguồn vốn tín dụng ngắn hạn trong khu vực kinh tế hợp tác.
Vốn ở nông thôn phải được quản lý chặt chẽ theo mấy điểm sau đây:
1. Để thực hiện nguyên tắc tập trung tín dụng, chỉ cơ quan Ngân hàng và hợp tác xã tín dụng được cơ quan Ngân hàng ủy nhiệm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính các cấp và sự giúp đỡ của các tổ chức quần chúng, có trách nhiệm huy động và tập trung mọi nguồn tiền tạm thời chưa dùng đến trong nông dân, trong các tổ chức kinh tế, các cơ quan, đoàn thể ở xã để phân phối lại theo kế hoạch tín dụng thống nhất của Ngân hàng Nhà nước.
Các hợp tác xã nông nghiệp, dưới sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước có thể động viên để tăng thêm vốn của xã viên để tăng thêm vốn mở rộng sản xuất, như đầu tư dài hạn vào các công trình thủy lợi, khoanh vùng đắp bờ, xây dựng cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản… nhưng không được trả lãi cao hơn lãi xuất tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng và khi trả chỉ được trích một phần khấu hao, tích lũy, chứ không được lấy vốn của Ngân hàng và các quỹ khác của hợp tác xã để trả số nợ này. Cũng có thể dùng một số sản phẩm không hoặc chưa nằm trong diện thu mua của Nhà nước mà các hợp tác xã sản xuất ra được để trả nợ nếu được người cho vay đồng ý (thí dụ: gạch, ngói, vôi…), tuyệt đối không được dùng lương thực, thực phẩm và các loại nông sản chủ yếu… để trả nợ làm ảnh hưởng đến kế hoạch thu mua của Nhà nước.
2. Các hợp tác xã nông nghiệp, nghề cá, nghề muối, thủ công nghiệp, hợp tác xã mua bán cần mở tài khoản và gửi các loại vốn cố định (quỹ tích lũy, khấu hao, cổ phần công hữu), vốn lưu động và các quỹ chuyên dùng khác vào cơ quan Ngân hàng hoặc hợp tác xã tín dụng được cơ quan Ngân hàng ủy nhiệm. Khi rút tiền ra để sử dụng, các hợp tác xã sản xuất nên phân biệt các loại vốn khác nhau để sử dụng cho đúng mục đích của nó.
Ủy ban hành chính các cấp, các tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, các hợp tác xã tín dụng được Ngân hàng ủy nhiệm, có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn, giúp đỡ về tài vụ cho các hợp tác xã nhằm sử dụng tốt các loại vốn tự có và vốn đi vay vào việc phát triển sản xuất là chính, tránh đầu tư vào những việc chưa cần thiết cho sản xuất, hết sức tranh chi tiêu lãng phí, triệt để chống lợi dụng, tham ô.
II. VỀ CHO VAY, THU NỢ
Cơ quan Ngân hàng và các hợp tác xã tín dụng cho vay vốn, cũng chư các tổ chức vay vốn đều phải thực hiện đầy đủ ba nguyên tắc cơ bản của tín dụng xã hội chủ nghĩa sau đây:
1. Vốn vay phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng ghi trong kế hoạch và chỉ được nhận tiền dần dần theo mức thực hiện kế hoạch.
2. Vốn vay phải được trả lại cả vốn và lãi đúng thời hạn quy định.
3. Vốn vay phải được bảo đảm bằng giá trị vật chất tương đương hoặc phải sử dụng vào việc tạo ra của cải vật chất thực sự.
Muốn được vay vốn, các hợp tác xã sản xuất phải có những điều kiện sau đây:
1. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước (nộp thuế, bán sản phẩm, trả nợ…).
2. Lập được kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài vụ, kế hoạch vay vốn và trả nợ.
3. Có vốn cố định (vốn cổ phần, vốn khấu hao, vốn tích lũy) và vốn lưu động tự có gửi vào Ngân hàng hoặc Hợp tác xã tín dụng được cơ quan Ngân hàng ủy nhiệm.
4. Có sổ sách kế toán rõ ràng.
Cơ quan Ngân hàng cần hướng dẫn, giúp đỡ các hợp tác xã cố gắng nâng cao dần trình độ quản lý để bảo đảm đạt được bốn điều kiện trên đây.
Vốn cho vay phải tập trung vào những yêu cầu chính, vào các vùng cần thiết và có điều kiện sản xuất, đúng với phương hướng sản xuất của từng địa phương, từng hợp tác xã sản xuất nhằm bảo đảm vốn cho vay ra thực sự phục vụ sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thời hạn cho vay tùy theo đối tượng sử dụng vốn vay mà quy định: thời hạn cho vay dài hạn, nói chung là từ trên một năm đến năm năm, riêng về thiết bị lớn có thể tới bảy năm, trường hợp cá biệt có thể kéo dài thêm, nhưng tối đa không quá mười năm. Thời hạn cho vay ngắn hạn là một chu kỳ sản xuất tối đa không quá 12 tháng.
Thu nợ:
a) Đối với nợ vay dài hạn, các hợp tác xã sản xuất phải trích khấu hao và một phần tích lũy để trả dần theo khế ước.
b) Đối với nợ vay ngắn hạn, các hợp tác xã sản xuất phải trích phần hoàn lại chi phí sản xuất thu hoạch từng vụ để trả đủ.
c) Trường hợp gặp thiên tai, mất mùa nặng thực sự không có khả năng trả đủ nợ thì cơ quan Ngân hàng xét gia thêm hạn trả nợ cho sát.
Sau khi cho vay, cơ quan Ngân hàng và Hợp tác xã tín dụng được cơ quan Ngân hàng ủy nhiệm phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc sử dụng vốn. Đối với những hợp tác xã sản xuất không chấp hành đúng kỷ luật tín dụng như: dùng vốn sai mục đích, dây dưa không trả nợ hoặc tham ô, lợi dụng vốn vay… thì tùy theo từng trường hợp cụ thể, cơ quan Ngân hàng có trách nhiệm phải thi hành kỷ luật tín dụng như: thu hồi vốn trước thời hạn, áp dụng lãi suất cao hơn, tạm đình chỉ cho vay, hoặc đưa truy tố trước pháp luật.
III. VỀ QUẢN LÝ TIỀN TỆ.
Các hợp tác xã nông nghiệp, nghề cá, nghề muối, nghề thủ công nghiệp hợp tác xã mua bán, và các cơ quan đoàn thể ở xã cần gửi tiền mặt chưa dùng đến thuộc tất cả các loại quỹ vào cơ quan Ngân hàng hoặc Hợp tác xã tín dụng được cơ quan Ngân hàng ủy nhiệm, và chịu sự quản lý tiền mặt của cơ quan Ngân hàng. Những khoản thanh toán giữa Nhà nước và hợp tác xã và giữa các tổ chức có mở tài khoản tại Ngân hàng với hợp tác xã sẽ dần dần thực hiện bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; khi cần tiền mặt, hợp tác xã mới rút tiền mặt để chi.
Cơ quan Ngân hàng các cấp và Hợp tác xã tín dụng phải tổ chức tập trung tiền mặt kịp thời, tiến hành thanh toán nhanh chóng, và bảo đảm trả tiền mặt dễ dàng, thuận tiện, không chậm trễ cho các đơn vị rút tiền.
IV. KẾ HOẠCH HÓA CÔNG TÁC TÍN DỤNG VÀ TIỂN TỆ Ở NÔNG THÔN
Cũng như các mặt công tác khác trong sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa, công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn phải đi vào kế hoạch. Do đó, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ở các cấp, các tổ chức thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước, các hợp tác xã sản xuất đều phải lập kế hoạch tín dụng dài hạn, kế hoạch tín dụng ngắn hạn và kế hoạch tiền mặt hàng năm hàng quý theo quy định của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể.
Các Ủy ban hành chính các cấp cần có trách nhiệm chỉ đạo chặt chẽ các khâu lập và xét duyệt kế hoạch, phổ biến chỉ tiêu kế hoạch và tổ chức thực hiện kết hoạch tín dụng và tiền tệ ở nông thôn.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC TÍN DỤNG VÀ TIỀN TỆ Ở NÔNG THÔN.
Để bảo đảm được nhiệm vụ quản lý công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn, phục vụ kịp thời cho yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân đang ngày càng phát triển, cần chú ý phát triển và củng cố các tổ chức Ngân hàng và Hợp tác xã tín dụng. Đi đôi với việc cùng các tổ chức đã có, Ngân hàng Nhà nước cần bàn bạc với Ủy ban hành chính các tỉnh có kế hoạch cụ thể mở rộng mạng lưới phòng giao dịch ở nông thôn hơn nữa. Đồng thời cần căn cứ vào tình hình cụ thể từng nơi và khả năng hoạt động của từng Hợp tác xã tín dụng mà phân công và hướng dẫn cho các hợp tác xã tín dụng giúp đỡ Ngân hàng huy động và quản lý vốn, cho vay và thu nợ, nhằm làm cho các tổ chức tín dụng phát huy được vai trò và khả năng thực sự làm cánh tay đắc lực của Ngân hàng ở nông thôn. Các cấp chính quyền địa phương, các Chi nhánh, Chi điếm Ngân hàng Nhà nước phải tăng cường giúp đỡ các Hợp tác xã tín dụng củng cố tổ chức, mở rộng màng lưới ủy nhiệm tiết kiệm trong các đội, tổ sản xuất để đẩy mạnh công tác huy động vốn, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ và thường xuyên kiểm tra hoạt động của hợp tác xã tín dụng. Đối với cán bộ thường trực nhất là cán bộ kế toán của Hợp tác xã tín dụng không nên thay đổi công tác luôn vì cần phải đi sâu vào chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm công tác (trường hợp cần thiết cần điều động cán bộ này đi công tác khác thì phải bàn bạc nhất trí trước với cơ quan Ngân hàng và phải bố trí người khác có khả năng thay thế) Ngân hàng Nhà nước cần căn cứ vào doanh số cho vay, thu nợ và số dư huy động vốn của mỗi cơ sở hợp tác xã tín dụng mà định mức phụ cấp hợp lý cho cán bộ thường trực của Hợp tác xã tín dụng. Mức phụ cấp này tối đa không cao hơn mức phụ cấp hàng tháng của cán bộ thường trực của Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã. Ủy ban hành chính xã cần dành cho cán bộ thường trực của Hợp tác xã tín dụng những quyền lợi về vật chất và tinh thần như đối với các cán bộ nửa thoát ly ở xã.
Công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn chiếm một vị trí rất quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp phát triển kinh tế và văn hóa ở nông thôn, nó không phải là vấn đề thuần túy nghiệp vụ của một nghành. Do đó, Ủy ban hành chính các cấp có trách nhiệm chỉ đạo tốt các công tác huy động vốn, sử dụng vốn, cho vay, thu nợ và quản lý tiền tệ trong địa phương.
Bộ tài chính có trách nhiệm nghiên cứu cải tiến chế độ kế toán tài vụ của các hợp tác xã kiểm tra và giúp đỡ các hợp tác xã quản lý và sử dụng tốt các loại vốn.
Các cơ quan thuộc các nghành Nông nghiệp, Công nghiệp, Thương nghiệp, Khai hoang, Thủy lợi, Thủy sản, Vật tư, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong các chủ trương, chính sách cụ thể và trong các hoạt động thường xuyên ở nông thôn, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn và tập trung vốn để thức đẩy sản xuất phát triển, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa và nâng cao đời sống của nhân dân.
Ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc thi hành chỉ thị này.
| K.T.THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 41-TTg năm 1964 về công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 41-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 05/05/1964
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 32
- Ngày hiệu lực: 20/05/1964
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định