Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-NQ/HĐNN7

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 1981

 

 NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ KHEN THƯỞNG TỔNG KẾT THÀNH TÍCH KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;
Theo đề nghị của Hội đồng bộ trưởng ;

QUYẾT NGHỊ :

Điều 1. Nay ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Điều 2. Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều lệ này.

 

Hội đồng Nhà nước
Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Chủ tịch




Trường Chinh

 

 

ĐIỀU LỆ

KHEN THƯỞNG TỔNG KẾT THÀNH TÍCH KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
(Ban hành theo Nghị quyết số 47 NQ/HĐNN7 ngày 29 tháng 9 năm 1981 của Hội đồng Nhà nước)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và rất anh dũng. Đồng bào cả nước đã đem hết sức người, sức của ra đánh giặc, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng. Thắng lợi vĩ đại đó là thành tích của toàn dân ở cả hai miền, đặc biệt là của các lực lượng vũ trang nhân dân, của cán bộ và đồng bào ở tiền tuyến lớn.

Để biểu dương thành tích to lớn của quân và dân ta, phát huy truyền thống đoàn kết đấu tránh của dân tộc, động viên mọi người ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ; đồng thời đánh dấu một thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, một sự kiện quan trong của thời đại, Điều lệ này quy định chính sách khen thưởng tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho quân, dân và cán bộ trong cả nước.

Chương I:

ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG

Điều 1: Đối tượng được xét khen thưởng.

Các đối tượng sau đây được xét khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước :

1- Cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, gồm quân đội và công an.

2- Cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và cán bộ các đoàn thể,

kể cả công nhân quốc phòng và thanh niên xung phong.

3- Cán bộ xã, phường, thôn, ấp, cán bộ hợp tác xã, tự vệ và dân quân du kích.

4- Những người không phải là cán bộ, chiến sĩ mà có thành tích kháng chiến chống mỹ, cứu nước.

Điều 2: Tiêu chuẩn để xét khen thưởng.

Tiêu chuẩn chung để xét khen thưởng đối với các đối tượng 1, 2, 3 nói trong Điều 1 là căn cứ vào thời gian tham gia kháng chiến và thành tích đóng góp của mỗi người :

a) Công tác tích cực và liên tục đến ngày 30-4-1975.

b) Từ ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến nay không phạm sai lầm nghiêm trọng.

Điều 3: Thời gian để xét và mức khen thưởng.

1- Mốc thời gian để xét khen thưởng chung cho cả nước tính từ ngày 20-7-1954 đến ngày 30-4-1975.

2- Mức khen thưởng :

a) Mức khen thưởng chung :

- Huân chương kháng chiến hạng nhất tặng thưởng những người tham gia kháng chiến 20 năm.

- Huân chương kháng chiến hạng nhì tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 15 năm đến dưới 20 năm,

- Huân chương kháng chiến hạng ba tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 10 năm đến dưới 15 năm.

- Huy chương kháng chiến hạng nhất tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 7 năm đến dưới 10 năm.

- Huy chương kháng chiến hạng nhì tặng thưởng những người tham gia kháng chiến từ 5 năm đến dưới 7 năm.

b) Cán bộ chủ chốt của xã, hợp tác xã được xét khen thưởng theo tiêu chuẩn chung nói trên ; đối với cán bộ, nhân viên khác trong các ban, ngành ở xã, phường, thôn, ấp, thì tiêu chuẩn thời gian để xét khen thưởng phải tăng thêm 2 năm so với tiêu chuẩn chung.

c) Các đối tượng được xét khen thưởng nếu chỉ hoạt động ở miền Bắc thì ít nhất phải tham gia phục vụ trong 1/3 thời kỳ chống chiến tranh phá hoại, tính từ ngày 5-8-1964 đến ngày 28-1-1973. Nếu có đủ thâm niên quy định trong Điều lệ, nhưng không có điều kiện nói trên, thì được khen thưởng thấp hơn một mức, so với tiêu chuẩn chung.

Điều 4: Những trường hợp được rút ngắn thời gian để xét khen thưởng.

Những trường hợp sau đây được rút ngắn thời gian để xét khen thưởng :

1- Được giảm 1/3 thời gian so với tiêu chuẩn chung : các đối tượng 1, 2, 3 trong Điều 1 đã phục vụ ở miền Nam hoặc ở Lào, Cam-pu-chia.

2- Được giảm 1/5 thời gian so với tiêu chuẩn chung :

a) Các đối tượng 1, 2, 3 trong Điều 1 đã phục vụ ở vùng thường xuyên có chiến sự ở miền Bắc ;

b) Cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân vũ trang, công an nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tự vệ và du kích cơ động trực chiến do các ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã, khu phố trực tiếp chỉ huy, và cán bộ, đội viên thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước phục vụ ở miền Bắc.

3- Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân vũ trang, công an nhân dân, du kích xã thoát ly tập trung và thanh niên xung phong, nếu chưa đủ thời gian tham gia kháng chiến để xét khen thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì, nhưng có tham dự cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 ở miền Nam, thì chỉ cần có thời gian tham gia kháng chiến được 1 năm cũng được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì.

Điều 5

Khen thưởng đối với các liệt sĩ và những người bị thương tật trong kháng chiến, những người đã về nghỉ hưu, hoặc đã từ trần trước ngày 30-4-1975 :

1- Đối với các liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ từ sau ngày 20-7-1954 đến ngày 20-12-1960 ở miền Nam thì truy tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất.

2- Đối với các liệt sĩ và những người bị thương tật xếp hạng 6, 7, 8 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thì mức khen thưởng thấp nhất là Huân chương kháng chiến hạng ba ; nếu có đủ tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba thì nâng lên hạng nhì ; nếu có đủ tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì thì nâng lên hạng nhất.

3- Đối với những người vì chiến đấu hoặc vì công tác mà bị thương tật, tàn phế, do đó phải nghỉ công tác và đối với những người về nghỉ hưu hoặc mất sức và những người đã từ trần trước ngày 30-4-1975 thì thời gian tham gia kháng chiến tính đến ngày nghỉ công tác hoặc đến ngày từ trần và căn cứ vào tiêu chuẩn chung mà xét khen thưởng hoặc truy tặng.

Điều 6

Khen thưởng đối với những người không phải là cán bộ, chiến sĩ mà có thành tích kháng chiến.

1- Việc xét khen thưởng phải căn cứ vào các thành tích :

a) Tham gia các hoạt động trực tiếp phục vụ chiến đấu, như : đấu tranh vũ trang, làm nòng cốt trong đấu tranh chính trị, vận động binh sĩ địch, đi liên lạc hoặc làm cơ sở liên lạc, làm công tác mật giao, chuyển đưa vũ khí, tài liệu, tin tức cho kháng chiến, đi dân công phục vụ tiền tuyến, bảo đảm giao thông vận tải, bảo vệ, nuôi giấu cán bộ, bộ đội.

b) ủng hộ của cải vật chất cho kháng chiến.

2- Mức khen thưởng quy định như sau :

a) Những người có công lao đặc biệt đối với kháng chiến hoặc có nhiều thành tích xuất sắc, thì được tặng thưởng Huân chương kháng chiến.

b) Những người có nhiều công lao đối với kháng chiến hoặc có thành tích xuất sắc, thì được tặng thưởng Huy chương kháng chiến.

c) Những người có thành tích ở dưới mức được tặng Huy chương kháng chiến sẽ do Hội đồng bộ trưởng quy định việc khen thưởng.

Điều 7

Khen thưởng đối với Việt kiều.

Việt kiều có thành tích tham gia, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng được xét khen thưởng tuỳ theo sự đóng góp của mỗi người.

Điều 8

Khen thưởng các đơn vị và cá nhân có thành tích đặc biệt.

Đối với những đơn vị, địa phương có thành tích đặc biệt xuất sắc và những cá nhân có công lao to lớn, hoặc có những đóng góp lớn lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xét tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công.

Những người được tặng thưởng Huân chương nói trên vẫn được tặng thưởng Huân chương kháng chiến.

Quy định này được áp dụng cho cả những đơn vị, địa phương hoặc cá nhân có thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp mà chưa được xét khen thưởng.

Chương II

THỦ TỤC XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG

Điều 9

Xét và đề nghị khen thưởng.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, các đơn vị cơ sở có nhiệm vụ chỉ đạo và thực hiện việc xét khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ, cứu nước theo các quy định trong Điều lệ này.

Các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương xét và đề nghị khen thưởng cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân thuộc địa phương mình quản lý.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, các cơ quan khác của Nhà nước và các đoàn thể trung ương xét và đề nghị khen thưởng cho cán bộ, công nhân, viên chức và các bộ, chiến sĩ thuộc mình quản lý, kể cả ở các đơn vị trực thuộc trung ương đóng ở các địa phương.

Điều 10

Cơ quan quyết định khen thưởng.

Việc tặng thưởng các Huân chương kháng chiến do Hội đồng Nhà nước quyết định.

Việc tặng thưởng các Huy chương kháng chiến do Hội động bộ trưởng quyết định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11: Hiệu lực thi hành.

Điều lệ này thay thế các quy định về việc khen thưởng Huân chương, Huy chương "Chống Mỹ, cứu nước" do Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ban hành ngày 31 tháng 10 năm 1974.

Những người đã được thưởng các Huân chương, Huy chương "Chống Mỹ, cứu nước", thì nay khai báo lại để xét thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến theo quy định của Điều lệ này.

Điều lệ này đã được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 29 tháng 9 năm 1981.

 

 

Trường Chinh
(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 47-NQ/HĐNN7 về việc ban hành Điều lệ khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 47-NQ/HĐNN7
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 29/09/1981
  • Nơi ban hành: Hội đồng Nhà nước
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: 15/01/1982
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 14/10/1981
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản