Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 159-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 1973

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HÀNG HÓA TRONG THỜI GIAN TỚI

I. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HÀNG HÓA

Theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 19 của Ban chấp hành trung ương Đảng, nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa là một yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý sản xuất. Mấy năm gần đây, một số ngành và địa phương đã có chuyển biến bước đầu về nhận thức và về tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Nhưng sự chuyển biến ấy chưa mạnh, chưa đều. Nhìn chung công tác quy định chất lượng sản phẩm và hàng hóa còn lỏng lẻo và chưa có nề nếp. Cơ quan sản phẩm còn kém và không ổn định. Bao bì thiếu hoặc xấu, sản phẩm không có nhãn hiệu, không có thời gian bảo hành. Công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm xuất xưởng không nghiêm ngặt. Khâu vận chuyển, bảo quản, lưu thông phân phối và khâu nhập khẩu có nhiều thiếu sót làm giảm chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Tình hình đó đã gây nên nhiều thiệt hại lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, tăng cường quốc phòng và cải thiện đời sống nhân dân.

Nguyên nhân chủ quan của tình hình chất lượng sản phẩm hàng hóa kém và không ổn định trên đây là:

- Tư tưởng sản xuất chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng khá phổ biến trong cán bộ và công nhân, mà trước hết là trong cán bộ quản lý. Tinh thần trách nhiệm trước Nhà nước và người tiêu thụ chưa đủ.

- Chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và hàng hóa chưa được đặt thành một yêu cầu bắt buộc trong kế hoạch sản xuất và lưu thông phân phối.

- Thiếu những quy định chính thức làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa; thiếu các chế độ chính sách khuyến khích việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

- Kế hoạch sản xuất không đồng bộ, tổ chức và quản lý sản xuất công nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi cho công việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

- Công tác tiêu chuẩn hóa, đo lường và kiểm tra chất lượng là ba khâu chính của công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa chưa được quan tâm đầy đủ.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ HÀNG HÓA TRONG THỜI GIAN TỚI

Nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa là một yêu cầu cấp thiết của sản xuất và đời sống. Quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa phải là nội dung chủ yếu của công tác quản lý sản xuất, quản lý kinh tế.

Trong những năm tới phải tập trung sức phấn đấu ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cho những sản phẩm chủ yếu trong các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là một số vật liệu xây dựng, thực phẩm, may mặc, giấy bút, thuốc men và một số sản phẩm thiết yếu khác, trong đó phải hết sức chú trọng các mặt hàng xuất khẩu.

Đối với sản phẩm là tư liệu sản xuất phải phấn đấu đạt các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu để bảo đảm hiệu quả kinh tế dự tính cho các ngành sử dụng các tư liệu đó; kiên quyết khắc phục việc sản xuất những tư liệu sản xuất chất lượng xấu, ít giá trị sử dụng, chất lượng sản phẩm phải được thể hiện chủ yếu trong giá trị sử dụng.

Đối với sản phẩm là tư liệu tiêu dùng, cần bảo đảm trước hết tính đa năng sử dụng và độ bền chắc, đồng thời cố gắng đáp ứng thị hiếu của người dùng. Riêng đối với lương thực và thực phẩm chế biến, cần bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng tối thiểu và đặc biệt là chỉ tiêu vệ sinh. Đối với thuốc men phải nâng cao chất lượng để bảo đảm cho thuốc có hiệu lực phòng bệnh và chữa bệnh tốt, dễ dùng và lâu hỏng.

Đối với sản phẩm xuất khẩu, phải phấn đấu nhanh chóng đạt các chỉ tiêu chất lượng do khách hàng yêu cầu, kể cả chỉ tiêu mỹ quan, bao bì đóng gói, đồng thời phấn đấu tiến đến sản xuất một số mặt hàng đặc sản Việt nam có chất lượng cao trên thị trường quốc tế.

Phải cố gắng trong một thời gian ngắn đưa đại bộ phận các sản phẩm chủ yếu kể trên đạt mức quy định trong các tiêu chuẩn hay trong các quy định chính thức khác về chất lượng, sau đó có kế hoạch từng bước nâng mức chất lượng lên cao hơn. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phải cùng với các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất và các ngành hữu quan khác, căn cứ vào phương hướng, phạm vi và mức độ chất lượng trên đây, quy định danh mục các sản phẩm kèm theo chất lượng cụ thể phải đạt để làm mục tiêu phấn đấu cho các ngành, các cấp trong ba năm tới.

Để bảo đảm thực hiện phương hướng trên, cần làm những công việc sau đây:

1. Đưa chất lượng sản phẩm và hàng hóa thành một chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch sản xuất và lưu thông phân phối của Nhà nước.

Khi làm kế hoạch sản xuất, phải dựa trên cơ sở bảo đảm chất lượng mà quyết định số lượng; những sản phẩm chính bắt buộc phải có chỉ tiêu chất lượng cụ thể, kiên quyết không cho sản xuất những sản phẩm xấu.

Phải tiến tới thực hiện tất cả các sản phẩm chính trong kế hoạch đều có tiêu chuẩn kỹ thuật cấp Nhà nước hay ngành, cấp địa phương hay xí nghiệp. Từ nay đối với tất cả các sản phẩm chính ghi trong kế hoạch, cơ quan quản lý sản xuất đều phải quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật; đối với những sản phẩm chủ yếu có quan hệ rộng rãi đến việc kinh doanh của nhiều ngành, nhiều địa phương và đời sống nhân dân cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn Nhà nước, trong khi chưa có tiêu chuẩn Nhà nước phải quy định rõ tiêu chuẩn ngành; đối với các sản phẩm khác chưa có tiêu chuẩn Nhà nước hoặc tiêu chuẩn ngành phải quy định rõ tiêu chuẩn địa phương hay xí nghiệp.

Trong các hợp đồng mua bán, cung tiêu, gia công hay nhập khẩu hàng hóa, phải quy định rõ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hay hàng hóa, kèm theo các điều khoản xử lý nếu không bảo đảm chất lưọng.

Trừ những chất lượng tự chế tự trang, các sản phẩm mới sản xuất hàng loạt của các xí nghiệp trưng ương phải được đăng ký ở Hội đồng xét duyệt sản phẩm trung ương; các sản phẩm mới do các xí nghiệp địa phương sản xuất phải đăng ký ở cơ quan quản lý tiêu chuẩn, đo lường và kiểm tra chất lượng của tỉnh hay thành phố. Tiêu chuẩn chất lượng phải được công bố cho người mua và truyền đạt đầy đủ cho người sản xuất và những người có liên quan.

Từng thời kỳ, các xí nghiệp phải xem xét lại chất lượng của những sản phẩm chính, xác định rõ những mặt chất lượng còn yếu, nên lên mức chất lượng cụ thể cần đạt được trong từng năm và các biện pháp kèm theo để không ngừng nâng cao chất lượng.

Khi báo cáo về tình hình sản xuất và lưu thông phân phối hàng quý, hàng năm các ngành các cấp phải báo cáo rõ tình hình chất lượng sản phẩm và hàng hóa có kèm theo những số liệu cụ thể.

Từ năm 1974 trở đi, khi xét việc hoàn thành kế hoạch sản phẩm của một đơn vị phải xét cả về mặt chất lượng sản phẩm đã đạt, đơn vị nào “không hoàn thành kế hoạch về chất lượng sản phẩm thì xem như không hoàn thành kế hoạch sản xuất toàn diện”. Các cơ quan tiêu chuẩn hóa chịu trách nhiệm xét công nhận về pháp lý các tiêu chuẩn kỹ thuật. Các cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa, trước hết là phòng (ban) kiểm tra chất lượng ở cơ sở phải chịu trách nhiệm kết luận về chất lượng sản phẩm và hàng hóa trong phạm vi được phân cấp.

2. Sớm bổ sung và ban hành các chế độ, thể lệ làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước chủ trì cùng các ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành một số chế độ, thể lệ cần thiết sau đây:

- Thể lệ đăng ký xét duyệt, cho phép sản xuất sản phẩm mới và đình chỉ sản xuất sản phẩm mà chất lượng đã lỗi thời, giá trị sử dụng thấp.

- Điều lệ quản lý đo lường, điều lệ về công tác tiêu chuẩn hóa, điều lệ tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

- Điều lệ kiểm tra chất lượng Nhà nước, quy định nguyên tắc và thủ tục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

- Điều lệ thưởng phạt về chất lượng sản phẩm, giá cả theo phẩm cấp.

3. Phấn đấu nhanh chóng ổn định sản xuất, tạo điều kiện cho các cơ sở bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm .

Các ngành, các cấp cần ra sức thực hiện tốt chỉ thị số 11-TTg ngày 9-1-1971 về cải tiến quản lý xí nghiệp bước 1, chỉ thị số 50-6TTg ngày 3-3-1973 của Thủ tướng Chính phủ.

Cần đặc biệt chú ý mấy vấn đề sau:

a) Cần sớm xác định phương án sản phẩm chính cho cơ sở sản xuất trong hai, ba năm tới để có đủ thời gian chuẩn bị sản xuất chu đáo, tạo điều kiện giữ được chủ động để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất, Ủy ban hành chính các tỉnh và thành phố nhất thiết phải tổ chức nghiên cứu xác định phương án sản phẩm trong 2-3 năm tới để trên cơ sở đó các xí nghiệp tiến hành nghiên cứu thiết kế, thí nghiệm, sản xuất thử, xây dựng tiêu chuẩn, quy trình công nghệ, chuẩn bị nguyên liệu vật tư, thiết bị lao động…trước khi đi vào sản xuất hàng loạt. Phải kiên quyết chấm dứt tình trạng chưa sản xuất thử hoặc có sản xuất thử nhưng chưa được giám định về chất lượng đã tổ chức sản xuất hàng loạt, nhất là đối với tư liệu sản xuất quan trọng, đối với các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật sản xuất tương đối phức tạp và các sản phẩm xuất khẩu.

Cần nghiên cứu thiết kế những mặt hàng mới có chất lượng cao nhất là các mặt hàng xuất khẩu.

b) Phải bảo đảm quy cách vật tư để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Trước hết các ngành sản xuất phải cùng với Bộ Ngoại thương xác định và thống nhất yêu cầu về chất lượng, quy cách hàng nhập để làm cơ sở ký hợp đồng với nước ngoài. Trong trường hợp nước ngoài không thỏa mãn được yêu cầu thì Bộ Ngoại thương phải trao đổi, bàn bạc với Bộ chủ quản trước khi quyết định ký kết. Bộ Ngoại thương cũng như các Bộ sản xuất cần nắm vững tiêu chuẩn các nguyên liệu, vật tư, thiết bị của nước ngoài mà ta thường nhập để làm cơ sở bàn bạc với các Bộ đặt hàng, dựa vào đó mà ký kết hợp đồng và giám định khi nhập khẩu. Bộ Ngoại thương cần phối hợp với các ngành tăng cường công tác giám định hàng nhập, kịp thời phát hiện và giải quyết những hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

Đối với nguyên liệu, vật tư trong nước, cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để làm cơ sở ký kết hợp đồng cung cấp tiêu thụ và xác định giá cả theo cấp chất lượng. Cần hết sức chú ý tới các nông sản phẩm dùng để chế biến hàng xuất khẩu, tổ chức thu mua kịp thời vụ và tổ chức tốt công tác sơ chế.

Bộ Vật tư và các cơ quan cung ứng khác phải phấn đấu đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời và đúng yêu cầu về chất lượng các vật tư, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu chủ yếu cho các cơ sở sản xuất.

Các xí nghiệp sử dụng vật tư cần tổ chức tốt công tác bốc dỡ, bảo quản và thực hiện tốt chế độ kiểm tra, xử lý nguyên liệu, vật tư trước khi đưa vào sản xuất.

Phải cố gắng nâng cao trình độ kỹ thuật cho đội ngũ công nhân và cán bộ làm công tác vật tư, đồng thời phải chuyển một số cán bộ kỹ thuật đã qua thực tế sản xuất cho các ngành ngoại thương quản lý vật tư và kho hàng.

c) Tích cực sữa chữa, bổ sung thiết bị và dụng cụ sản xuất để bảo đảm mức độ chính xác cần thiết. Các ngành, các cấp cần tổ chức, đánh giá lại chất lượng của thiết bị, dụng cụ sản xuất và có kế hoạch sữa chữa hoặc bổ sung, thay thế. Đối với một số dây chuyền công nghệ đã quá lạc hậu, hoặc trang bị què quặt, không bảo đảm được chất lượng sản phẩm, cần phải nghiên cứu cải tiến lại, nếu cần thiết thì phải đổi mới dây chuyền công nghệ. Việc cải tiến hay đổi mới này phải dựa trên phương án sản phẩm đã được ổn định, có tính toán kỹ về kinh tế - kỹ thuật.

d) Tăng cường công tác xây dựng và bổ sung quy trình công nghệ và định mức kinh tế - kỹ thuật.

Cần thường xuyên xem xét lại các quy trình và định mức đã có, thay đổi hoặc bổ sung cho phù hợp với điều kiện sản xuất mới. Sản xuất nào chưa có quy trình công nghệ, nhất thiết phải xây dựng cho được quy trình. Định mức nào lạc hậu, phải kiên quyết thay đổi.

Cần chú ý tổ chức phổ biến đầy đủ các quy trình công nghệ và định mức kinh tế - kỹ thuật cho người sản xuất và những người có liên quan, và thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các quy định, định mức đó.

đ) Hết sức chú trọng đào tạo bồi dưỡng tay nghề cho công nhân và nâng cao trình độ của cán bộ kỹ thuật: phải có chế độ sử dụng và đãi ngộ đúng đắn đối với công nhân lành nghề và cán bộ kỹ thuật giỏi. Các Bộ, Tổng cục, Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố cần chấp hành tốt chỉ thị số 38-TTg ngày 4-2-1971 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra cấp bậc kỹ thuật hàng năm cho công nhân kỹ thuật. Từ nay về sau, việc tổ chức học tập và rèn luyện tay nghề cho công nhân và nâng cao trình độ cho cán bộ khoa học kỹ thuật phải được tiến hành thường xuyên. Các ngành và địa phương phải có kế hoạch đạo tạo nhằm nâng cao cấp bậc bình quân của công nhân để nhanh chóng xây dựng một đội ngũ công nhân kỹ thuật giỏi. Đối với công nhân lành nghề, thợ bậc cao và cán bộ kỹ thuật khá phải có chế độ sử dụng và đãi ngộ hợp lý để khuyến khích họ ở vị trí sản xuất. Bộ Lao động phải sớm nghiên cứu chế độ này để tránh tình trạng đưa thợ giỏi sang làm công tác gián tiếp sản xuất.

e) Tăng cường công tác bao bì đóng gói và bảo quản sản phẩm. Xí nghiệp làm ra sản phẩm nào thì phải lo bao bì đóng gói cho sản phẩm đó. Việc chuẩn bị bao bì đóng gói phải được xem là một trong những nội dung chuẩn bị sản xuất. Khi xây dựng kế hoạch sản xuất phải có kế hoạch bao bì.

Cần củng cố và mở rộng thêm các cơ sở sản xuất bao bì bằng gỗ, tre, rơm rạ, bìa cứng, thủy tinh, đồng thời cần có biện pháp sử dụng nhiều lần những bao bì đã có để tiết kiệm nguyên vật liệu. Các Bộ quản lý, các xí nghiệp bao bì cần tổ chức tốt việc nghiên cứu kỹ thuật bao bì.

Trong lúc từng xí nghiệp còn phải tự tổ chức làm lấy bao bì, các cơ quan xét duyệt kế hoạch phân phối vật tư phải coi trọng việc phân phối vật tư cho sản xuất bao bì cũng như cho sản xuất sản phẩm chính.

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới của ta, cần phải hết sức coi trọng công tác bảo quản sản phẩm và hàng hóa. Trong 2-3 năm tới, các xí nghiệp cần có kế hoạch xây dựng đủ kho tàng cần thiết. Kho phải thích hợp với yêu cầu bảo quản của từng loại hàng. Phải nghiên cứu áp dụng các phương pháp bảo quản tiên tiến để chống ẩm, chống nhiệt, chống mốc, chống han gỉ và mối mọt.

4. Chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa, trước hết là ở cơ sở sản xuất công nghiệp.

Ba mặt chủ yếu của công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa là tiêu chuẩn hóa, đo lường, kiểm tra chất lượng phải được chấn chỉnh và tăng cường.

a) Về công tác tiêu chuẩn hóa.

Các ngành, các cấp phải nghiêm chỉnh thực hiện điều lệ về công tác tiêu chuẩn hóa theo nghị định số 123-CP ngày 28-8-1963 của Hội đồng Chính phủ. Phải coi tiêu chuẩn hóa là một trong những cơ sở pháp lý và khoa học kỹ thuật quan trọng để thống nhất quản lý kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm cho sản xuất đạt năng suất cao và sản phẩm có chất lượng tốt. Cụ thể cần làm cho các việc chính sau đây:

- Kế hoạch tiêu chuẩn hóa là bộ phận cấu thành của kế hoạch kinh tế và khoa học kỹ thuật. Kế hoạch đó phải được xây dựng và chỉ đạo thực hiện đồng thời với kế hoạch sản xuất kinh doanh và nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

- Phải đẩy mạnh tốc độ xây dựng tiêu chuẩn các cấp, đặc biệt tiêu chuẩn cấp Nhà nước và cấp ngành. Từ nay đến hết năm 1975, phấn đấu xây dựng đủ tiêu chuẩn cấp Nhà nước cho các sản phẩm do Nhà nước thống nhất quản lý (chủ yếu là tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật, về cỡ, loại, thông số kích thước cơ bản); trọng tâm là xây dựng tiêu chuẩn cấp Nhà nước cho các sản phẩm cơ khí. Đối với các sản phẩm còn lại, phải xây dựng tiêu chuẩn cấp ngành, cấp địa phương, cấp xí nghiệp.

- Các ngành, các cấp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thiết kế, các trường học kỹ thuật phải tổ chức vận dụng và thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn đã ban hành. Phải coi tiêu chuẩn là pháp lệnh, không được làm khác tiêu chuẩn nếu không thuộc diện ngoại lệ được cơ quan ban hành tiêu chuẩn cho phép châm chước. Các hợp đồng kinh tế tiêu thụ sản phẩm nhất thiết phải được ký kết trên cơ sở tiêu chuẩn đối với những mặt hàng đã tiêu chuẩn hóa. Việc điều chỉnh giá và định giá bán sản phẩm phải phù hợp với yêu cầu về quy cách và chất lượng do tiêu chuẩn quy định.

- Phải nhanh chóng củng cố và tăng cường hệ thống cơ quan chuyên trách công tác tiêu chuẩn hóa từ trung ương tới các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Cục tiêu chuẩn thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần được tăng cường cán bộ, phương tiện cần thiết. Thành lập tổ chức chuyên trách quản lý sản xuất và tại các tỉnh và thành phố có sản xuất công nghiệp. Thành lập bộ phận tiêu chuẩn hóa ở các xí nghiệp - trước hết là ở các xí nghiệp quốc doanh trọng yếu của các ngành và các địa phương.

Các cơ quan nghiên cứu, thiết kế, và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tham gia tích cực vào việc nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn các cấp; coi xây dựng tiêu chuẩn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của mình.

a) Về công tác đo lường.

Các ngành, các cấp và các cơ sở sản xuất, lưu thông phân phối cần tích cực chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đo lường, trước mắt cần làm tốt một số công việc sau đây:

- Ở các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất phải tổ chức chuyên trách để giúp thủ trưởng tổ chức và quản lý công tác đo lường của các cơ sở.

- Ở các tỉnh và thành phố, phải tăng cường cán bộ và thiết bị cho tổ chức chuyên trách công tác đo lường địa phương. Các tỉnh chưa có cần thành lập ngay tổ chức này.

- Ở các cơ sở sản xuất, cần thành lập bộ phận quản lý đo lường để giúp giám đốc tổ chức và quản lý tốt công tác đo lường trong xí nghiệp; phải tích cực tổ chức sữa chữa, hiệu chỉnh các dụng cụ đo, thường xuyên giám định những dụng cụ đo lường trong sản xuất để bảo đảm độ chính xác cần thiết.

- Cần gấp rút củng cố và mở rộng các xí nghiệp sản xuất dụng cụ đo lường thông thường, xúc tiến việc xây dựng các xí nghiệp sản xuất dụng cụ đo lường đã được ký kết nhập của nước ngoài, đồng thời chuẩn bị kế hoạch xây dựng xí nghiệp sản xuất dụng cụ đo lường phức tạp hơn.

- Trong những năm 1973-1974, phải nhập thêm dụng cụ đo lường và kiểm nghiệm cần thiết cho các cơ sở. Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Ngoại thương cần phối hợp với các ngành giải quyết tốt việc nhập thiết bị đo lường, trước hết là dụng cụ đo độ dài, khối lượng, dung tích, áp suất, lưu lượng nhiệt và năng lượng.

Cục đo lường thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần được tăng cường về mọi mặt.

c) Về công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

Cần tổ chức tốt 3 khâu kiểm tra sau đây:

Công nhân phải tự kiểm tra sản phẩm của mình làm ra và không được phép nộp sản phẩm xấu; tổ trưởng sản xuất và quản đốc phân xưởng phải kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm và định mức; cán bộ kiểm tra chuyên trách phải nghiêm khắc xử lý với những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Phải nhanh chóng chấn chỉnh và thống nhất phương pháp phân tích, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Các xí nghiệp phải có phòng (ban) kiểm tra kỹ thuật để giúp giám đốc kiểm tra chất lượng bán thành phẩm trong dây chuyền sản xuất, kiểm tra chất lượng thành phẩm của xí nghiệp và các vật tư kỹ thuật từ ngoài nhập vào. Phòng (ban) kiểm tra kỹ thuật của xí nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Bộ, Tổng cục chủ quản và trước Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa của Nhà nước trong việc bảo đảm cho xuất xưởng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đã quy định.

Phải bổ sung cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa những cán bộ, công nhân có trình độ chuyên môn khá và có đạo đức tốt để tăng hiệu lực cho công tác kiểm trách nhiệm. Biên chế của phòng (ban) kiểm tra kỹ thuật ở xí nghiệp phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm trách nhiệm. Cán bộ và công nhân làm công tác kiểm tra được hưởng mọi quyền lợi như cán bộ, công nhân trực tiếp sản xuất. Việc khen thưởng cán bộ, công nhân kiểm tra không phụ thuộc vào việc hoàn thành kế hoạch sản xuất của đơn vị mà phụ thuộc vào tình hình khiếu nại về chất lượng bán thành phẩm và sản phẩm xuất xưởng.

Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa cần được nhanh chóng tăng cường về cán bộ có kinh nghiệm trong sản xuất, và về các phương tiện cần thiết để sớm triển khai công tác kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

Cán bộ được Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa ủy nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm hay hàng hóa ở những xí nghiệp sản xuất công nghiệp, nông trường, cơ sở thương nghiệp, kho tàng, cơ sở thiết kế và nghiên cứu khoa học có liên quan, có quyền làm việc trực tiếp với các cơ sở này. Cơ quan lãnh đạo các cơ sở đó có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cần thiết để cán bộ kiểm tra làm tròn trách nhiệm được giao đúng hạn và yêu cầu quy định trong giấy ủy nhiệm.

Để tạo điều kiện cho việc giám định chất lượng được chính xác, khi cần thiết Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa được tổ chức các ban giám định chất lượng để giúp Cục xác định chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Các Bộ, Tổng cục các cơ sở sản xuất, cơ quan nghiên cứu, thiết kế, các trường đại học có nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và công nhân tham gia vào các ban giám định chất lượng trên.

Uỷ ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Tổng cục Thống kê, các Bộ, Tổng cục cũng như Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần sớm xây dựng biểu mẫu báo cáo và thống kê về chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Bắt đầu từ tháng 1 năm 1974, để tăng cường việc theo dõi và quản lý chất lượng, Chính phủ quy định chế độ báo cáo như sau:

- Hàng tháng, quý, sáu tháng, năm, các phòng (ban) kiểm tra kỹ thuật của các xí nghiệp trung ương phải báo cáo tình hình chất lượng sản phẩm lên Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

- Hàng quý, sáu tháng, năm, cơ quan quản lý chất lượng ở các tỉnh và thành phố trực thuộc phải báo cáo tình hình chất lượng sản phẩm ở các xí nghiệp địa phương lên Cục kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

- Hàng quý, sáu tháng, năm, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phải báo cáo tình hình chất lượng sản phẩm và hàng hóa lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ.

Các Bộ, Tổng cục quản lý sản xuất cần có tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa (bao gồm ba mặt tiêu chuẩn hóa, đo lường và kiểm tra chất lượng) để giúp Bộ trưởng tổ chức và quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa theo đúng quy định của Nhà nước.

Bộ Nội thương cần chấn chỉnh công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hóa của hệ thống các Tổng công ty, hệ thống kho và đặc biệt là ở các công ty gia công đặt hàng. Phải tăng cường công tác nghiệm thu khi nhận hàng gia công và kiên quyết đưa ra tòa án xử lý các trường hợp cắt xén, hoặc đổi nguyên liệu, nộp hàng xấu.

Bộ Ngoại thương cần tăng cường công tác giám định hàng xuất khẩu và nhập khẩu, bảo đảm giám định kịp thời và chính xác. Phải kiên quyết không cho xuất khẩu các lô hàng không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định.

Công tác kiểm tra chất lượng công trình trong ngành xây dựng cơ bản sẽ do Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước xây dựng đề án và trình Chính phủ quyết định.

Ở các tỉnh và thành phố có sản xuất công nghiệp cần thành lập tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa bao gồm 3 bộ phận: tiêu chuẩn hóa, đo lường, kiểm tra chất lượng.

Ở địa phương nào có Ban khoa học và kỹ thuật thì đặt tại đó; nơi nào không có Ban khoa học và kỹ thuật thì đặt tại Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố.

Hội đồng trọng tài kinh tế ở các cấp cần tăng cường hoạt động để giải quyết kịp thời và có hiệu lực những việc tranh chấp về kinh tế, trợ lực cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

5. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phục vụ cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa.

Trong thời gian tới, phải hướng các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật vào việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Trong chương trình nghiên cứu của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi xí nghiệp hay cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, đều phải có phần dành cho việc cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa. Mỗi cán bộ khoa học kỹ thuật đều có nhiệm vụ tham gia nghiên cứu cải tiến chất lượng sản phẩm và hàng hóa thuộc ngành chuyên môn của mình. Thủ trưởng các ngành, các cấp phải tạo mọi điều kiện cho kế hoạch nghiên cứu đó được tiến hành thuận lợi.

Đối với những phát minh, sáng kiến làm nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa cần phải khen thưởng kịp thời và thích đáng, theo đúng chế độ khen thưởng của Nhà nước đã ban hành.

Cần nghiên cứu vấn đề đầu tư và chế độ mua bằng phát minh sáng chế của các nước ngoài để tiến lên chế tạo những mặt hàng mới đạt tiêu chuẩn quốc tế.

6. Đẩy mạnh công tác việc tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa quan trọng của chất lượng sản phẩm, tạo nên một chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng và hành động trong cán bộ và công nhân.

Các cơ quan tuyên truyền và báo chí cần tuyên truyền giải thích sâu rộng trong quần chúng lao động ý nghĩa của chất lượng sản phẩm và hàng hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Cần làm cho công nhân, cán bộ trực tiếp sản xuất xác định đầy đủ trách nhiệm của mình để sản xuất và quản lý tổng hợp ở các ngành, các cấp thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện cho xí nghiệp sản xuất có chất lượng tốt.

Cần kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt về bảo đảm chất lượng sản phẩm và hàng hóa, nghiêm khắc phê phán những hành động vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, những thói quen làm bừa, làm ẩu, những tư tưởng chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng, xem đó là hành động không tuân theo pháp chế của Nhà nước. Phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức quản lý và biện pháp đòn bẩy kinh tế, thưởng phạt nghiêm minh.

Vấn đề bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm và hàng hóa đã trở nên cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thủ trưởng các ngành, các cấp nghiên cứu và phổ biến xuống tận cơ sở, đồng thời thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết này. Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ báo cáo việc thực hiện nghị quyết này của các ngành lên Hội đồng Chính phủ. Ủy ban Pháp chế có trách nhiệm cùng với Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những hình thức kỷ luật đối với những cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã, cá nhân vi phạm những điều quy định của Nhà nước về chất lượng sản phẩm.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 159-TTg về công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa trong thời gian tới do Thủ Tướng chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 159-TTg
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/07/1973
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 12
  • Ngày hiệu lực: 22/07/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản