Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 1971 

 

CHỈ THỊ

VỀ ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ CẢI TIẾN MỘT BƯỚC CÔNG TÁC QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Hiện nay, nhìn chung, các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh của chúng ta làm ăn chưa tốt và đang trong tình trạng sản xuất chưa thật ổn định. Do ảnh hưởng của chiến tranh phá hoại và do buông lỏng quản lý, trong hầu hết các ngành khả năng thiết bị, vật tư, lao động, tiền vốn sẵn có đều chưa được khai thác tốt. Công suất thiết bị sử dụng và huy động được rất thấp; hiện tượng vật tư ứ đọng, sử dụng không tiết kiệm còn xảy ra phổ biến, năng suất lao động còn thấp nhiều so với trước chiến tranh; chi phí sản xuất và kinh doanh tăng, hiệu quả đầu tư giảm; mức doanh lợi, khả năng tích luỹ cho Nhà nước còn rất ít, nhiều xí nghiệp bị lỗ quá mức và kéo dài nghiêm trọng. Tình trạng trên đưa đến hậu quả là sản lượng tăng ít, chất lượng sản phẩm không bảo đảm, có thứ không tiêu thụ được.

Yêu cầu cấp bách là phải chuyển được tình hình này, nhanh chóng chấn chỉnh công tác quản lý, thanh toán hậu quả của chiến tranh phá hoại, đưa sản xuất đi vào thế ổn định và phát triển, đưa công tác quản lý vào nền nếp, tận dụng những năng lực sản xuất hiện có của xí nghiệp, tăng năng suất lao động, tăng sản lượng, nâng cao phẩm chất hàng hoá, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao mức doanh lợi và tích luỹ cho Nhà nước.

Kinh nghiệm bước đầu của các xí nghiệp thí điểm cải tiến quản lý của trung ương cho thấy rằng tình hình hiện nay hoàn toàn có thể nhanh chóng chấn chỉnh lại được. Trong khi tiến hành ổn định tình hình sản xuất, đồng thời có thể và cần thiết cải tiến một bước công tác quản lý ở các xí nghiệp.

Sau đây là nội dung yêu cầu chung cho tất cả các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Từ yêu cầu này, các ngành, các cấp sẽ vận dụng cụ thể cho sát với từng xí nghiệp, và có phân biệt những loại công việc thuộc đơn vị cơ sở phải thực hiện, những loại công việc thuộc cơ quan quản lý cấp trên phải làm.

I. NỘI DUNG ỔN ĐỊNH TÌNH HÌNH SẢN XUẤT VÀ CẢI TIẾN MỘT BƯỚC CÔNG TÁC QUẢN LÝ XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP QUỐC DOANH

A. Về tiếp tục ổn định tình hình sản xuất của xí nghiệp:

- Ổn định địa điểm, từ sơ tán, phân tán trở lại tập trung; ổn định mặt bằng sản xuất.

- Chấn chỉnh và kiện toàn các dây chuyền sản xuất cho hợp lý bao gồm cả việc bổ sung hay giảm bớt một số máy móc, thiết bị thiếu hay thừa, để phát huy tối đa mọi năng lực sản xuất của xí nghiệp, nhất là công suất thiết bị chủ yếu.

- Tiến hành các công việc sửa chữa, khôi phục, dọn dẹp, vệ sinh công nghiệp tại nơi sản xuất, sắp xếp lại kho tàng, có rào dậu, cửa khoá, có người quản lý bảo vệ chu đáo.

- Gấp rút chấn chỉnh khâu cung tiêu (cung cấp năng lượng và vật tư, tiêu thụ sản phẩm…) bằng việc cải tiến tổ chức cung ứng vật tư, tổ chức vận tải và chế độ hợp đồng.

- Ổn định nguồn cung cấp năng lượng.

- Ổn định và chăm sóc tốt đời sống công nhân, viên chức của xí nghiệp, giải quyết tốt hơn các điều kiện làm việc, sinh hoạt, ăn, ở, đi làm, nhất là đối với phụ nữ.

B. Về chấn chỉnh và cải tiến các mặt công tác quản lý.

1. Chấn chỉnh và cải tiến một bước công tác kế hoạch hoá xí nghiệp:

Các cơ quan chủ quản cần xác định lại cho thật rõ phương hướng sản xuất và ở những nơi có điều kiện, xác định sơ bộ kế hoạch dài hạn cho xí nghiệp vào khoảng 2 – 3 năm; trước mắt chủ yếu là xác định có cơ sở vững chắc các mặt hàng chính và loại mặt hàng phụ để xí nghiệp có điều kiện chuẩn bị kỹ thuật từ bây giờ cho một thời gian dài sau này;

Về hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch: vẫn giữ hệ thống các chỉ tiêu bao gồm cả chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu tính toán (hướng dẫn) mà Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đang cho thi hành hiện nay. Chú trọng quán triệt nội dung đúng đắn của từng chỉ tiêu để ra sức thực hiện cho tốt. (Về hệ thống chỉ tiêu mới dự định cải tiến thì sẽ tiếp tục nghiên cứu để khi có điều kiện sẽ cho ban hành sau này).

Tiến hành xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kỹ thuật, tài vụ ở xí nghiệp. Phải thống nhất kế hoạch hoá hiện vật và tài chính ngay từ cơ sở làm cho kế hoạch hiện vật phải đi đôi với kế hoạch tài chính. Việc xây dựng tất cả các kế hoạch ở xí nghiệp phải tổng hợp vào một đầu mối (Phòng kế hoạch).

Trên cơ sở phát huy tính chủ động của xí nghiệp, thực hiện một sự cân đối tích cực, mà cố gắng tận dụng năng lực sản xuất hiện có của xí nghiệp. Trong việc làm kỳ này, chú ý đến các chỉ tiêu chất lượng, phát huy vai trò phản ánh kiểm tra và giám đốc của kế hoạch tài chính. Cần lập kế hoạch tiến bộ kỹ thuật cùng một lần với kế hoạch sản xuất để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch trang bị bổ sung và mở rộng sau này. Chú ý cân đối vật tư theo yêu cầu sản xuất với chất lượng cao hơn. Tiếp theo kế hoạch sản xuất, xí nghiệp cần có kế hoạch tác nghiệp toàn diện để bảo đảm thực hiện kế hoạch từng quý, từng tháng.

Trong việc cải tiến phương pháp lập kế hoạch kỳ này bao gồm việc cân đối từ cơ sở và tổng hợp theo ngành, thực hiện chế độ bảo vệ kế hoạch theo trình tự mà Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã quy định: thực hiện việc ký kết hợp đồng kinh tế trực tiếp với khách hàng ngay trong khi xây dựng kế hoạch sản xuất.

2. Chấn chỉnh và cải tiến một bước công tác quản lý tài sản, vật tư của xí nghiệp:

Quản lý tài sản cố định:

- Kiểm kê để nắm lại thiết bị, máy móc, nhà xưởng và các tài sản cố định về số lượng, chất lượng, đánh giá lại năng lực sản xuất, xác định vốn cố định cần thiết (chưa phải là đánh giá lại tất cả tài sản cố định, mà tập trung vào một số khâu xét quá bất hợp lý, sau này có điều kiện sẽ tiến hành kiểm kê giá trị lại một cách toàn diện).

- Khôi phục và sửa chữa các thiết bị, có biện pháp huy động và nâng cao công suất sử dụng. Chú trọng tăng ca máy, giảm số giờ ngừng hoạt động của máy. Bảo vệ, bảo quản chu đáo những thiết bị máy móc chưa dùng hoặc đề nghị Bộ điều đi những thứ không dùng.

- Xác định và thanh lý những tài sản thiệt hại do chiến tranh.

- Tính toán việc trích khấu hao một cách chặt chẽ, hợp lý nhằm huy động sử dụng tốt mọi tài sản cố định (khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn). Xác định quỹ khấu hao hiện có.

Tiến hành hạch toán và quản lý tài sản cố định theo đúng chế độ Nhà nước.

Quản lý tài sản lưu động:

- Chấn chỉnh, sắp xếp lại kho tàng trong xí nghiệp (chế độ kho, kế toán kho, người giữ kho, phương tiện phân phối, vận chuyển, cung cấp vật tư, thu hồi vật tư trong nội bộ xí nghiệp).

- Kiểm kê và nắm lại tình hình vật tư kỹ thuật (số lượng, chất lượng, giá trị) và vốn lưu động.

- Xác định số mất mát, hao hụt do chiến tranh hoặc do nguyên nhân khác, tính toán số thừa dư không dùng đến, số sản phẩm ứ đọng và đề nghị cách xử lý, xác định và điều chỉnh mức vốn lưu động.

- Tính toán số cần dùng của xí nghiệp, số cần bổ sung hàng năm để lập kế hoạch vật tư và kế hoạch vốn lưu động năm 1971.

- Tiến hành quản lý, sử dụng vật tư theo định mức, kiểm tra chặt chẽ việc tiết kiệm vật tư.

- Xác định và thanh toán các khoản nợ nần dây dưa.

- Tiến hành hạch toán vật tư và hàng hoá theo đúng chế độ Nhà nước.

3. Chấn chỉnh và cải tiến một bước công tác quản lý lao động và quỹ lương:

- Cần xây dựng các định mức cần thiết một cách có căn cứ, lúc đầu dựa vào thống kê kinh nghiệm, tiến lên có căn cứ khoa học (định mức lao động, định mức tiêu hao vật tư, định mức chất lượng sản phẩm).

- Đẩy mạnh và mở rộng chế độ trả lương theo sản phẩm, lương khoán…, thực hiện các chế độ thưởng phạt cho công nhân và cán bộ quản lý, áp dụng lương giờ.

- Tiến hành quản lý và kiểm soát việc chi tiêu quỹ lương theo mức thực hiện cân đối với các kế hoạch khác…

- Trên cơ sở định mức lao động mà lập kế hoạch lao động và quỹ lương 1971, xác định số lao động thừa để có biện pháp tổ chức và sắp xếp công việc trong ngành, hoặc điều động sang ngành khác.

- Chấn chỉnh tổ chức lao động trong xí nghiệp, phân xưởng, tổ, đội… làm đủ giờ công theo chế độ với định mức năng suất lao động nhất định.

- Tiến hành bồi dưỡng, bổ túc nghề nghiệp, sát hạch, sắp xếp nâng bậc công nhân theo chế độ, theo định kỳ.

- Kiểm tra thực hiện chế độ phòng hộ lao động và an toàn lao động.

4. Chấn chỉnh và cải tiến một bước công tác quy định kỹ thuật:

- Xây dựng và thực hiện điều lệ quản lý kỹ thuật, chú ý thực hiện chế độ và chuẩn bị sản xuất toàn diện và coi trọng việc giữ gìn, bảo quản tài sản cố định.

- Thực hiện đúng chế độ bảo vệ, bảo quản, vận hành và tu sửa thiết bị, nhất là đối với các thiết bị quý và đắt tiền.

- Xây dựng chế độ bảo quản, sử dụng tốt dụng cụ, đồ nghề, các phương tiện đo lường, kiểm tra, kiểm nghiệm… đối với các thứ sai hỏng thì sửa, thiếu thì sắm thêm.

- Xây dựng định mức tiêu hao vật tư cho từng loại thành phẩm.

- Xây dựng và thực hiện định mức chất lượng thành phẩm, bảo đảm giá trị sử dụng và phân loại thành phẩm để áp dụng chế độ thưởng phạt đối với vấn đề này; lập quy chế xuất xưởng.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ kiểm tra chất lượng sản phẩm, nghiệm thu sản phẩm.

- Đẩy mạnh công tác thí nghiệm, sản xuất thử và thiết kế mặt hàng mới.

- Chấn chỉnh và tăng cường tổ chức phổ biến các phát minh, sáng kiến và thông tin kỹ thuật.

5. Thi hành đúng đắn chế độ hạch toán kinh tế ở xí nghiệp. Chú trọng vận dụng các đòn bẩy kinh tế vào trong công tác quản lý xí nghiệp.

Những việc chấn chỉnh và cải tiến nêu trên tạo tiền đề cho việc thi hành được đúng đắn chế độ hạch toán kinh tế. Cần xác định xí nghiệp không chỉ là đơn vị sản xuất mà là đơn vị kinh doanh, một nguồn thu vững chắc cho ngân sách Nhà nước. Yêu cầu là xí nghiệp phải có lãi. Để làm tốt việc này, cần đề cao trách nhiệm của giám đốc là phải nắm tài sản, nắm sản xuất, bảo đảm nộp lãi cho ngân sách. Trước mắt cần chấn chỉnh tổ chức kế toán và thống kê ở xí nghiệp, và cho phép xí nghiệp vận dụng các đòn bẩy kinh tế vào trong công tác quản lý, cụ thể như sau:

Yêu cầu cụ thể là bộ máy tổ chức kế toán và thống kê giúp cho giám đốc xí nghiệp phải tính được tương đối chính xác chi phí sản xuất của xí nghiệp, tính lại giá thành hợp lý cho xí nghiệp, xác định giá bán buôn xí nghiệp, giá bán buôn công nghiệp và lãi định mức của xí nghiệp. Điều này trở thành một yêu cầu rất quan trọng để có căn cứ xác định và thực hiện chế độ nộp và phân phối lợi nhuận.

Về mặt tổ chức: thống nhất tổ chức kế toán và thống kê ở xí nghiệp, chủ trương thực hiện đúng đắn các biểu báo thống kê số liệu ban đầu nhằm nâng cao tính thống nhất, tập trung, tính chính xác, kịp thời của kế toán, thống kê và hạch toán nghiệp vụ kỹ thuật.

Phát huy tác dụng kiểm tra, giám đốc của kế toán, nâng cao trình độ phân tích hoạt động kinh tế để kịp thời sửa chữa các khuyết điểm, phát hiện và khai thác tốt khả năng tiểm tàng của xí nghiệp.

Về vận dụng các đòn bẩy kinh tế vào trong công tác quản lý xí nghiệp, trước mắt chú trọng thực hiện tốt chế độ lương sản phẩm, chế độ thưởng và phạt, chế độ phân phối lơi nhuận dưới hình thức 3 quỹ cho một số xí nghiệp có điều kiện.

- Đối với lương theo sản phẩm: Đẩy mạnh và mở rộng chế độ trả lương theo sản phẩm trên cơ sở định mức chặt chẽ, kiểm soát chặt chẽ để đến hết năm 1971 có thể trở thành hình thức trả lương chủ yếu. Việc đẩy mạnh và mở rộng chế độ trả lương theo sản phẩm dựa trên những điều kiện mà bản dự thảo điều lệ của Bộ Lao động đã đề ra và đã được Thường vụ Hội đồng Chính phủ thông qua mà chấp hành. Việc xây dựng định mức lao động phải tiến hành tại đơn vị cơ sở dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.

- Đối với chế độ thưởng và phạt: Tinh thần là có thưởng đối với những người có thành tích trong việc thực hiện kế hoạch, vượt tiêu chuẩn phẩm chất, tiết kiệm nguyên vật liệu, giữ gìn thiết bị tốt, sửa chữa thiết bị giỏi; chế độ phạt nhằm vào những người có hành vi có hại đến các việc trên. Bộ Lao động sẽ nghiên cứu trình Chính phủ quy định cụ thể về việc này để áp dụng cho cả công nhân và cán bộ.

- Đối với việc trích lập 3 quỹ: Thi hành đúng nội dung của bản điều lệ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, áp dụng trước tiên đối với các xí nghiệp làm thí điểm cải tiến quản lý.

C. Chấn chỉnh và cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý ở các xí nghiệp.

Để làm được tốt các việc trên và để củng cố lại tổ chức của xí nghiệp cho đúng đắn, từng xí nghiệp phải chấn chỉnh và cải tiến tổ chức sản xuất và tổ chức quản lý cho phù hợp đặc điểm kỹ thuật của xí nghiệp. Chấn chỉnh lại dây chuyền công nghệ, thực hiện sự tập trung, thống nhất chỉ đạo vào người phụ trách xí nghiệp. Cần chú trọng đầy đủ cả về tổ chức công nghệ và tổ chức quản lý.

- Soát lại dây chuyền sản xuất từ tổ sản xuất lên phân xưởng, các phòng ban và định lại biên chế của từng bộ phận. Tinh giản bộ máy quản lý, bỏ bớt các phòng bàn trùng lắp về nhiệm vụ, bỏ bộ máy quản lý hành chính ở phân xưởng, thực hiện sự chỉ đạo tập trung của giám đốc và phân công phó giám đốc theo 3 lĩnh vực lớn: sản xuất, kỹ thuật, kinh tế. Nơi nào không có phó giám đốc kinh tế thì chú trọng phát huy vai trò của kế toán trưởng. Đối với xí nghiệp lớn thì có thể có một phó giám đốc về đời sống.

- Xác định rành mạch và cụ thể chế độ thủ trưởng, đưa chế độ này đi vào nề nếp, cụ thể là:

Giám đốc phải quản lý xí nghiệp toàn diện, chịu trách nhiệm về tài sản xí nghiệp về thực hiện các chi tiêu kế hoạch Nhà nước, về hướng phát triển và mở rộng xí nghiệp và nộp lợi nhuận cho Nhà nước.

Chỉ huy sản xuất theo tiến độ và tập trung vào người được phân công chịu trách nhiệm từ khâu chuẩn bị sản xuất đến ra thành phẩm cuối cùng. Xây dựng và thi hành đúng đắn chế độ chỉ huy sản xuất của đốc công, quản đốc phân xưởng; bảo đảm hiệu lực của mệnh lệnh chỉ huy trong sản xuất, tập trung tối cao vào người phó giám đốc sản xuất hay phó giám đốc kỹ thuật (có thể gọi là kỹ sư trưởng).

Thực hiện đúng đắn chế độ kế toán trưởng mới.

- Phải tăng cường sự lãnh đạo mới của Đảng uỷ trong xí nghiệp nhằm bảo đảm đường lối, chính sách của Đảng, kế hoạch được hoàn thành, chế độ thủ trưởng được đề cao đi đôi với bảo đảm dân chủ và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo

đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân giỏi về kinh tế, kỹ thuật, vững vàng về chính trị, tư tưởng và phẩm chất đạo đức để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

- Xây dựng những tổ chức bảo đảm quần chúng tham gia quản lý, phát huy dân chủ.

- Tăng cường, cải tiến công tác chính trị, tư tưởng, gắn chặt với nội dung và yêu cầu chấn chỉnh và cải tiến quản lý xí nghiệp như đã nói trên đây. Phải thường xuyên đi sâu vào việc động viên, giáo dục và uốn nắn những lệch lạc trong việc chấp hành các chính sách, chế độ, nội quy quản lý kinh tế, kỹ thuật của xí nghiệp, đồng thời đẩy mạnh việc giáo dục nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, cán bộ trong xí nghiệp.

II. PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH VÀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO

Về phương pháp tiến hành:

1. Tiến hành khẩn trương, sắp xếp chương trình kế hoạch cho hợp lý, nội dung công tác cho cụ thể và thiết thực: từng cơ sở, từng ngành phải căn cứ vào tình hình cụ thể mà đặt chương trình kế hoạch công tác cho hợp lý, để tiến hành khẩn trương. Trong các việc nêu trên, có việc đang làm nay nhắc lại, có việc mới đề ra phải làm thêm. Xét cho cùng, tất cả các việc này đều thuộc hệ thống thường xuyên của giám đốc xí nghiệp và của cơ quan quản lý cấp trên.

2. Phân công rõ ràng, chỉ đạo nhạy bén, bảo đảm tiến hành được liên tục: cần phân biệt phần việc thuộc trách nhiệm của đơn vị cơ sở và phần việc thuộc các cơ quan cấp trên, kể cả cơ quan chủ quản và cơ quan tổng hợp. Hai phần việc đều phải thực hiện ăn khớp với nhau thì mới đạt đựơc kết quả tốt.

3. Kết hợp với cuộc điều tra nắm lại năng lực sản xuất của các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh đang tiến hành mà tiến hành công tác. Qua việc nắm chắc lại tình hình mà vạch được kế hoạch ổn định sản xuất và cải tiến một bước công tác quản lý.

Về tổ chức chỉ đạo:

1. Tại đơn vị cơ sở: Giám đốc xí nghiệp phải đích thân chỉ đạo công tác này, trên từng mặt nghiệp vụ có các phó giám đốc giúp việc. Trong các phó giám đốc, có phân công người chịu trách nhiệm thường trực, có một hoặc hai cán bộ giúp việc, vừa là đầu mối tổng hợp mọi mặt công tác ở đơn vị cơ sở, vừa là đầu mối quan hệ thường xuyên với cơ quan quản lý cấp trên.

2. Tại cơ quan quản lý cấp trên: Bộ, Tổng cục, (nếu là cấp trung ương) Cục, Sở, Ty (nếu là cấp địa phương) tổ chức những tổ công tác xuống các xí nghiệp hướng dẫn, giúp đỡ. Lúc cần thiết, tổ công tác mời cán bộ của cơ quan tổng hợp tham gia. Tiến hành trước đối với xí nghiệp trọng điểm rồi triển khai dần.

Tại Bộ, Tổng cục, một đồng chí thứ trưởng tổng cục phó đặc trách công tác này. Tại các Cục, Sở, Ty ở địa phương, một đồng chí thủ phó cũng làm như vậy.

3. Đảng uỷ xí nghiệp cần tăng cường lãnh đạo kiểm tra giám đốc xí nghiệp, làm tốt công việc ổn định sản xuất và cải tiến quản lý xí nghiệp lần này. Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, giáo dục động viên các đảng viên và quần chúng công nhân tích cực thực hiện cuộc vận động này.

4. Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm với nội dung của cuộc vận động này. Phải gây được một khí thế cách mạng sôi nổi phấn khởi trong quần chúng công nhân.

Về thời hạn: Từ 6 tháng đến một năm, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể của từng đơn vị. Tinh thần tranh thủ đạt kết quả sớm để sau này chuyển sang tiến hành việc cải tiến quản lý xí nghiệp với mức độ cao hơn như cải tiến kế hoạch, áp dụng chế độ 3 quỹ xí nghiệp,v.v…

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 


 
Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11-TTg năm 1971 về ổn định tình hình sản xuất và cải tiến một bước công tác quản lý xí nghiệp công nghiệp quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 11-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/01/1971
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 15/05/1971
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 24/01/1971
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản