Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA 
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 125-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 1974 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT ĐỐI VỚI TÁC PHẨM VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC KỸ THUẬT

Chế độ nhuận bút đối với những tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật là một bộ phận trong chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích sáng tác, nghiên cứu và dịch thuật về văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật.

Chế độ nhuận bút nhằm mục đích:

1. Động viên mạnh mẽ mọi lực lượng sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật về văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

2. Đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người làm công tác văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật.

NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT ĐỐI VỚI NHỮNG TÁC PHẨM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT, KHOA HỌC, KỸ THUẬT

1. Trả nhuận bút là nhằm đáp ứng một cách xứng đáng công lao sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật, khuyến khích tài năng, phát huy sức sáng tạo của những người làm công tác văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật. Mức nhuận bút phải phù hợp với điều kiện kinh tế và đời sống chung trong nước; do đó, một mặt cần tránh định nhuận bút quá thấp, không lợi cho việc khuyến khích sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật và nâng cao chất lượng tác phẩm; mặt khác, phải tránh việc định nhuận bút quá cao có thể gây ra chênh lệch quá đáng so với các ngành lao động khác trong xã hội, và làm cho giá thành tác phẩm quá đắt, có thể hạn chế việc phổ biến các tác phẩm trong nhân dân.

2. Định nhuận bút một tác phẩm được xuất bản, được biểu diễn, v.v… chủ yếu phải căn cứ vào chất lượng cao hay thấp của tác phẩm, tức là căn cứ vào giá trị tư tưởng và nghệ thuật (tác phẩm văn học, nghệ thuật) hoặc vào giá trị về khoa học, kỹ thuật (tác phẩm khoa học, kỹ thuật).

3. Chế độ nhuận bút trước hết phải đảm bảo cho tác giả một số tiền gọi là nhuận bút cơ bản tương xứng với giá trị tác phẩm và công lao sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật. Ngoài ra, để khuyến khích những tác phẩm có giá trị được sử dụng nhiều lần và lâu dài, ở một số thể loại, các tác giả còn được trả thêm một khoản nhuận bút tính theo số lượng tác phẩm được in ra hoặc số lượt được diễn lại, v.v… Việc trả nhuận bút cho số lượng tác phẩm in ra hoặc diễn lại sẽ tính theo tỷ lệ phần trăm giảm dần của nhuận bút cơ bản.

4. Một tác phẩm được sử dụng dưới hình thức nào thì sẽ được tính nhuận bút theo hình thức đó. Ví dụ: một kịch bản điện ảnh hoặc sân khấu đã được hưởng nhuận bút cơ bản theo hình thức điện ảnh hoặc sân khấu rồi, nếu lại được in thành sách thì vẫn được hưởng nhuận bút theo chế độ nhuận bút trả cho sách, và ngược lại một tác phẩm đã in thành sách được hưởng nhuận bút theo hình thức sách rồi, nếu sau đó được sử dụng làm kịch bản sân khấu hoặc điện ảnh thì tác phẩm đó vẫn được hưởng nhuận bút về sân khấu điện ảnh.

Trong trường hợp tác phẩm nguyên bản (tức là tác phẩm thể hiện đầu tiên bằng hình thức nào đó) được dùng để cải biên, hoặc chuyển thể (ví dụ: từ tiểu thuyết chuyển sang sân khấu, điện ảnh, v.v… ), thì cơ quan sử dụng tác phẩm cải biên, chuyển thể, ngoài việc việc trả tiền nhuận bút cho người cải biên, chuyển thể, còn phải trả cho tác giả có tác phẩm nguyên bản một số tiền nhuận bút từ 20% đến 30% số tiền nhuận bút cơ bản của người cải biên, chuyển thể.

5. Nói chung, những tác phẩm thuộc loại sáng tác được khuyến khích nhiều hơn so với những tác phẩm thuộc loại cải biên, chuyển thể, dịch thuật v.v… Tùy theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và của sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật trong từng thời kỳ, chế độ nhuận bút có thể định mức cao hơn cho một số loại tác phẩm cần được khuyến khích nhiều hơn, nhưng không được gây chênh lệch quá đáng giữa các loại với nhau và phải đảm bảo sự phát triển nhịp nhàng giữa các ngành.

6. Công tác đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, quay phim … cũng là công tác sáng tạo nghệ thuật, được hưởng phần nhuận bút thích đáng.

7. Giữa các loại tác giả, cần có sự phân biệt thích đáng trong việc trả nhuận bút:

a) Tác giả ngoài biên chế được hưởng hoàn toàn nhuận bút về tác phẩm của mình;

b) Tác giả trong vùng biên chế mà làm việc sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật v.v… ngoài kế hoạch công tác của cơ quan mình, cũng được hưởng hoàn toàn nhuận bút về tác phẩm của mình.

c) Tác giả trong biên chế mà sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật v.v… trong kế hoạch của cơ quan mình, thì không được hưởng nhuận bút, ví tác giả ăn lương cốt là để làm việc đó; nhưng để khuyến khích tác giả, cơ quan lĩnh nhuận bút tác phẩm đó sẽ trích từ 30% đến 50% nhuận bút cơ bản tùy theo giá trị của tác phẩm để trả thêm cho tác giả đó. Ngoài ra, tác giả cũng được hưởng nhuận bút tính theo số lượng tác phẩm được in ra hoặc số lượt được diễn lại.

Hội đồng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Văn hóa phối hợp với Bộ Tài chính, căn cứ vào những nguyên tắc chung trên đây, bàn bạc cùng các ngành có liên quan, để ban hành những quy định cụ thể về nhuận bút và kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện đúng những quy định đó.

Nghị quyết này thay thế cho Nghị quyết số 25-CP ngày 24 tháng 2 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ và Nghị định số 168-CP ngày 07 tháng 12 năm 1967 của Hội đồng Chính phủ về việc trả tiền nhuận bút.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 125-CP về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật do Hội Đồng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 125-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 20/05/1974
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản