Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 111-HĐBT

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TRONG VIỆC SẮP XẾP BIÊN CHẾ 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG 

Thực hiện Nghị quyết số 109-HĐBT ngày 12 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng bộ trưởng về việc sắp xếp tổ chức - biên chế hành chính sự nghiệp, nay quy định một số chính sách trong việc sắp xếp biên chế như sau:

1. Đối với những công chức tiếp tục làm việc trong biên chế hành chính, sự nghiệp:

Bố trí vào các ngạch, bậc cho phù hợp với trình độ, năng lực cụ thể của từng người trên cơ sở đáng giá theo chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ của từng người.

Đối với một số anh chị em có sức khoẻ, phẩm chất tốt và có khả năng vươn lên nhưng hiện nay trình độ, năng lực yếu, thì cho đi đào tạo hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ theo yêu cầu của công việc được giao.

Thời gian đào tạo dưới 1 năm thì được hưởng nguyên lương do đơn vị cử đi trả.

Thời gian đào tạo trên một năm, được hưởng nguyên lương 1 năm đầu, những năm sau theo chế độ hiện hành về đi học dài hạn.

Nguồn kinh phí đào tạo (kể cả tiền lương) do ngân sách Nhà nước đài thọ.

Sau khi học tập xong, sẽ xếp vào ngạch, bậc theo công việc được giao, hưởng lương và các chế độ áp dụng cho ngạch bậc ấy.

2. Đối với những người chuyển từ cơ quan hành chính, sự nghiệp đến những nơi khác có nhu cầu:

- Nếu chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị ở miền núi, hải đảo theo các dự án được Nhà nước duyệt thì được phụ cấp 1 lần bằng 12 tháng lương và phụ cấp, được cấp tiền tàu xe, tiền cước và phụ cấp lưu trú cho bản thân và cho gia đình khi di chuyển, được hưởng lương theo công việc mới. Trường hợp lương mới thấp hơn lương đang hưởng thì được bảo lưu lương cũ 18 tháng.

- Ở những đơn vị sự nghiệp (y tế, văn hoá nghệ thuật, nghiên cứu khoa học) những người trong biên chế Nhà nước nay chuyển sang chế độ dân lập hoặc bán công, không nhận lương và phụ cấp của Ngân sách Nhà nước nữa, vẫn thuộc biên chế Nhà nước và vẫn được tính thời gian công tác liên tục để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (nếu người đó tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước).

3. Đối với những người thôi việc, chuyển hẳn ra ngoài biên chế Nhà nước:

- Mỗi năm công tác được trả một tháng lương và phụ cấp, mức tối thiểu là 3 tháng lương và phụ cấp.

- Những người thôi việc đi xây dựng các vùng kinh tế mới theo các dự án được duyệt được nhận thêm 6 tháng lương và phụ cấp, được cấp tiền tàu xe và cước vận chuyển.

- Nếu người thôi việc tuổi đời dưới 45 có yêu cầu và có khả năng học nghề để tìm việc mới, thì được cấp thêm một khoản kinh phí học nghề trong 6 tháng (tương đương với giá 20 kg gạo/tháng).

- Người thôi việc được giữ nguyên hộ khẩu và nhà ở hiện tại. Trường hợp người thôi việc chuyển về nông thôn, chính quyền địa phương có trách nhiệm tạo các điều kiện thuận lợi cho đời sống, như đăng ký hộ khẩu, cấp đất sản xuất nông, lâm nghiệp theo chính sách hiện hành.

4. Về chế độ hưu trí, tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 227 - ngày 29 tháng 12 năm 1987 của Hội đồng bộ trưởng: Những người đã có đủ thời gian công tác theo tiêu chuẩn nghỉ hưu nhưng tuổi đời chưa đủ nếu đơn vị không có nhu cầu thì được xét để nghỉ hưu trước tuổi (thời gian nghỉ trước tuổi tối đa không quá 5 năm) không cần giám định y khoa.

5. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành, địa phương có liên quan xây dựng một số chương trình và dự án trình Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng về giải quyết việc làm cho những người thôi việc từ khu vực Nhà nước, lao động hợp tác từ các nước trở về, bộ đội, thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ, thanh niên đến tuổi lao động có nhu cầu việc làm ở các thành phố lớn và khu công nghiệp tập trung.

6. Từ nay, các cơ quan hành chính, sự nghiệp khi tuyển người mới phải theo đúng quy chế thi tuyển, tập sự trước khi bổ nhiệm chính thức. Việc chuyển ngạch hoặc chuyển bậc trong một ngạch phải qua đánh giá trình độ, năng lực, theo yêu cầu, tiêu chuẩn của từng ngạch, bậc.

7. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi thống nhất với Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thi hành Quyết định này.

 

TM.HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Kiệt

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 111-HĐBT năm 1991 về một số chính sách trong việc sắp xếp biên chế do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 111-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/04/1991
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 27/04/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 02/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản