Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2006/NQ-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2006

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 02 NĂM 2006

Trong hai ngày 27 và 28-2-2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2, bàn và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Thương mại trình Ðề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006-2010.

Qua 5 năm 2001-2005, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế nước ta đã được mở rộng và tăng trưởng ở mức độ khá cao, đạt chỉ tiêu đề ra; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có bước chuyển dịch tích cực; nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu đạt được nhiều thành tựu quan trọng; các chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Tuy vậy, quy mô xuất khẩu vẫn còn nhỏ bé, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới; xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng chưa vững chắc; cơ cấu mặt hàng xuất khẩu còn chưa hợp lý; khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế; năng lực cạnh tranh còn yếu kém.

Giai đoạn 2006-2010 cần tập trung phát triển xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đầy tăng trưởng GDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giải quyết việc làm; đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Ðể đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách xuất khẩu, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thông tin thị trường, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ xuất khẩu; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; chuyên nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội ngành hàng, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Giao Bộ Thương mại tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, hoàn chỉnh Ðề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006-2010, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Chính phủ đã thảo luận về dự án Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội trình; dự án Luật Công chứng do Bộ trưởng Tư pháp trình; dự án Luật Ðê điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình; dự án Luật Cư trú do Bộ Công an trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các Thành viên Chính phủ về các dự án Luật nói trên.

a) Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua đã thu được những kết quả đáng kể: giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động cải thiện thu nhập của người lao động và có đóng góp xây dựng đất nước; thị trường lao động ngoài nước mở rộng hơn, chất lượng nguồn lao động từng bước được nâng lên; các văn bản pháp luật về lĩnh vực này ngày càng hoàn thiện... Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng lao động trong nước; việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phát triển chưa ổn định; trình độ tay nghề và ngoại ngữ, ý thức kỷ luật và tác phong công nghiệp của lao động Việt Nam còn thấp; việc tuyển chọn, đào tạo nghề, giáo dục định hướng cho lao động chưa tốt; còn xảy ra tiêu cực trong việc đưa đi và quản lý lao động ngoài nước... Trong thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài trong việc đào tạo, giáo dục, quản lý người lao động, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam.

Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

b) Về Dự án Luật Công chứng, cần thể hiện rõ chủ trương đổi mới hoạt động công chứng theo định hướng cải cách hành chính, cải cách tư pháp và chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp; tạo khung pháp lý cần thiết cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; minh bạch, đơn giản hóa trình tự, thủ tục công chứng, tạo thuận lợi cho công dân và tổ chức trong hoạt động công chứng.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Công chứng; Bộ trưởng Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

c) Việc thực hiện Pháp lệnh Ðê điều năm 2000 đã đạt được những kết quả nhất định: công tác quản lý, bảo vệ đê điều được củng cố và tăng cường, nhất là việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm về đê điều; hệ thống đê điều từng bước được nâng cấp vững chắc hơn... Tuy vậy, quá trình thực hiện Pháp lệnh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về việc cấp quyền sử dụng đất lâu dài trong phạm vi bảo vệ đê điều, sử dụng bãi sông để xây dựng công trình, nhà cửa ở những vùng đê qua khu đô thị, khu dân cư; việc xử lý nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, lòng sông; việc phân công, phân cấp, xã hội hóa công tác quản lý và bảo vệ đê điều. Dự án Luật Ðê điều phải khắc phục được những hạn chế trên, đồng thời các quy định về hành lang thoát lũ, sử dụng bãi ven sông phải thống nhất, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi cao; các công trình xây dựng ven các tuyến đê, ven sông phải theo đúng quy hoạch, bảo đảm thoát lũ và an toàn đê điều.

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Ðê điều; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

d) Tự do cư trú là một trong những quyền cơ bản của công dân, đã được ghi nhận trong Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật khác. Thời gian qua, việc quản lý cư trú đã góp phần vào cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm và nắm tình hình biến động của nhân khẩu, hộ khẩu. Tuy nhiên, các quy định trước đây về đăng ký, quản lý cư trú được ban hành trong thời kỳ bao cấp với thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra sự phân tán, thiếu tập trung, thống nhất trong quản lý cư trú; nhiều văn bản pháp luật quy định về cư trú còn tản mạn, chồng chéo, không phù hợp với yêu cầu đổi mới hiện nay. Vì vậy, dự án Luật Cư trú phải thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, tạo khuôn khổ pháp lý để quản lý nhà nước về cư trú đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam; bảo đảm tính hiệu quả, công khai minh bạch, thuận tiện trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, tạo thuận lợi tối đa cho công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài tại Việt Nam trong cư trú, làm ăn sinh sống.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự án Luật Cư trú; Bộ trưởng Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả xin ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2002/NÐ-CP ngày 3-6-2002 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí; nghe Bộ trưởng Thương mại báo cáo về một số vấn đề cần quan tâm trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

a) Chính phủ nhất trí thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2002/NÐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

b) Bộ Thương mại chủ trì, khẩn trương soạn thảo văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về nội dung các công việc cần phải hoàn thành phục vụ kết thúc đàm phán gia nhập WTO để các bộ, ngành thực hiện. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo xử lý ngay các vấn đề liên quan lĩnh vực của bộ, cơ quan mình phụ trách để sớm kết thúc đàm phán gia nhập WTO với các đối tác theo đúng tiến độ và lộ trình đã đề ra.

4. Chính phủ đã xem xét Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2006 và kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 2-2006 do Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư trình; Báo cáo tình hình thương mại tháng 2-2006 do Bộ trưởng Thương mại trình.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm giữ được tốc độ tăng trưởng khá: sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng; trong nông nghiệp, mặc dù gặp hạn hán, thiên tai, vẫn bảo đảm tiến độ gieo trồng; dịch vụ tiếp tục phát triển; xuất khẩu phát triển khá; nguồn vốn đầu tư đạt khá; thu, chi ngân sách bảo đảm tiến độ, chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Các cấp, các ngành đã tổ chức tốt các hoạt động cho nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách. An ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội trong dịp Tết cơ bản ổn định.

Những khó khăn nổi lên là tình hình hạn hán, mưa lũ, sâu bệnh và hậu quả của dịch cúm gia cầm gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân; giá một số hàng công nghiệp và dịch vụ có xu hướng tăng; xuất khẩu giày dép là một trong những sản phẩm chủ lực đang bị EU áp thuế bán phá giá; tình hình trật tự-an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra...

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các giải pháp trong Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP , tập trung khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy xuất khẩu; kiềm chế tốc độ tăng giá trong tầm kiểm soát của Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông; phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2006 ngay từ quý đầu./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 03/2006/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2006 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 03/2006/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 02/03/2006
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản