CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2006/NQ-CP | Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2006 |
Trong hai ngày 23, 24 tháng 01 năm 2006, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 01, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, ngày 16 tháng 01 năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2002/NĐ-CP về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Sau 4 năm thực hiện Nghị định, kết quả cho thấy đây là một chủ trương đúng về cải cách cơ chế quản lý tài chính đối với lĩnh vực sự nghiệp, góp phần tăng cường huy động và quản lý thống nhất các nguồn tài chính; khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp tăng thu, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập gắn với hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ viên chức.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và sức phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập, mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp các loại hình dịch vụ công cho xã hội, Chính phủ nhất trí sửa đổi Nghị định số 10/2002/NĐ-CP theo hướng chuyển đổi mạnh hơn cơ chế hoạt động, quy định rõ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, từ năm 1993 đến nay, cả nước đã thành lập 5 trường đại học, cao đẳng bán công. Trong quá trình hoạt động, nhìn chung, các trường đại học và cao đẳng bán công đã phát huy được tính chủ động, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân. Tuy nhiên, mô hình này chưa huy động được một cách mạnh mẽ sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng và phát triển trường; cơ chế quản lý nhân sự, tài chính, tài sản chưa được phân định rõ ràng giữa công và tư dẫn đến tư tưởng còn trông chờ vào sự hỗ trợ, bao cấp của Nhà nước.
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005, các trường đại học, cao đẳng bán công cần được chuyển đổi sang loại hình tự thục nhằm hình thành những cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng năng động, tự chủ và có khả năng huy động mạnh mẽ các nguồn đầu tư về tài chính và các nguồn lực khác trong xã hội. Việc nghiên cứu chuyển đổi cần có tính tổng thể, phù hợp với việc chuyển đổi các trường phổ thông bán công, bảo đảm chính sách đồng bộ, thống nhất.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
a) Trong những năm qua, cùng với các quy định về chính sách thuế, các quy định về quản lý thuế luôn là một bộ phận được đề cập chung trong các luật thuế nên các nội dung cần phải cụ thể hóa chưa được thể hiện đầy đủ, rõ ràng, dẫn đến việc tuân thủ pháp luật về thuế và thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về thuế, chống thất thu thuế còn nhiều hạn chế. Luật Quản lý thuế được xây dựng là nhằm hình thành hành lang pháp lý cụ thể, đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý thuế hiện nay.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Quản lý thuế; Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.
b) Chính phủ nhất trí việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động lần này chỉ sửa những nội dung của Chương XIV Bộ luật Lao động liên quan đến đình công và giải quyết đình công theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49/2005/QH11 của Quốc hội khóa XI. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của tập thể lao động, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động trước và trong quá trình đình công; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức công đoàn, đại diện người sử dụng lao động đối với đình công.
Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.
c) Dạy nghề là một hoạt động có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực có trình độ, có kỹ thuật cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc xây dựng hệ thống pháp luật về dạy nghề đồng hồ, thống nhất là rất cần thiết nhằm phát triển hoạt động dạy nghề, góp phần thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Dạy nghề; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.
d) Pháp lệnh Thể dục, Thể thao năm 2000 đã tạo điều kiện phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời chuyển biến căn bản trong nhận thức của xã hội về giá trị, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thể dục thể thao trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, để đáp ứng những mục tiêu và nhiệm vụ mới phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hội nhập quốc tế, Pháp lệnh cần được sửa đổi và nâng lên thành Luật.
Giao Ủy ban Thể dục Thể thao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Thể dục thể thao trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
đ) Hoạt động chuyển giao công nghệ thời gian qua đã góp phần quan trọng để đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về chuyển giao công nghệ còn chưa thống nhất và đồng bộ, ảnh hưởng đến khả năng thu hút và chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp. Việc ban hành Luật Chuyển giao công nghệ là nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về chuyển giao công nghệ cho phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường xã hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Chuyển giao công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2006 tiếp tục duy trì đà phát triển của những tháng cuối năm 2005. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp ổn định, bước đầu khống chế được dịch cúm gia cầm; lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát tirển; hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, đặc biệt là vốn đăng ký mới; chỉ số giá tiêu dùng tuy tăng cao so với cùng kỳ năm trước, nhưng không gây “sốt giá” do lượng hàng cung ứng dồi dào. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và trật tự an toàn giao thông có những chuyển biến tích cực. Tình hình khiếu nại, tố cáo trên toàn quốc giảm, song số vụ khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ khiếu kiện tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Chính phủ nhận định, năm 2006 sẽ có một số khó khăn ảnh hưởng không thuận đến sản xuất và đời sống nhân dân, thời tiết còn diễn biến phức tạp, hạn hán có khả năng nặng hơn năm trước; dịch cúm gia cầm vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; giá cả đứng ở mức cao; tình trạng lãng phí, tham nhũng và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006, năm mở đầu cho kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần sớm hoàn thành việc giao kế hoạch cho các đơn vị cơ sở, đồng thời nhanh chóng xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006. Trước mắt, các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo tốt việc phát triển sản xuất kinh doanh; giảm chi phí sản xuất, bình ổn giá cả, thị trường; tổ chức tốt việc thực hiện Công điện số 28/TTg-KTTH ngày 06 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
| TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị quyết số 06/2005/NQ-CP về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2005 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 03/2006/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 1Nghị quyết số 06/2005/NQ-CP về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2005 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 03/2006/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 10/2002/NĐ-CP về Chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu
Nghị quyết số 02/2006/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2006 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 02/2006/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 26/01/2006
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: 07/02/2006
- Số công báo: Từ số 21 đến số 22
- Ngày hiệu lực: 22/02/2006
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định