Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/2008/NQ-HĐND

Vĩnh Long, ngày 11 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2009

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
KHOÁ VII KỲ HỌP LẦN THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Sau khi xem xét báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2008 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2009, báo cáo của các ngành bảo vệ pháp luật, thông báo của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham gia xây dựng chính quyền, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận và thống nhất,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2008 và nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2009 với mục tiêu, chỉ tiêu và các giải pháp chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CHUNG:

Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP 13,5%, tiếp tục kiềm chế lạm phát; tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; ưu tiên đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thuỷ sản. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu GDP. Tập trung cao cho phát triển sản xuất công nghiệp, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; nâng cao mức sống của nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học - công nghệ; chăm sóc sức khoẻ nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội; giảm nghèo, giảm tai nạn giao thông và bảo vệ tốt môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của Uỷ ban nhân dân các cấp và các ngành.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU:

1. Các chỉ tiêu kinh tế:

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng: 13,5%.

- Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng: 5,8 %.

Trong đó: Nông nghiệp tăng: 4,3 %.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng: 32%.

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng: 12,0%.

- Cơ cấu GDP (theo giá thực tế)

+ Khu vực I: 48,2%.

+ Khu vực II: 18,2%.

+ Khu vực III: 33,6%.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu: 200 triệu USD.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 6.300 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn: 1.302 tỷ đồng.

- Tổng chi ngân sách địa phương: 2.121,7 tỷ đồng.

2. Các chỉ tiêu về môi trường:

- Hộ dân sử dụng nước sạch phổ thông đạt: 84%.

Trong đó: Từ hệ thống cấp nước tập trung: 53%.

- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 70%.

- Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom: 75%.

- Tỷ lệ chất thải rắn ở bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện - thị, trạm y tế xã và bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân được thu gom và xử lý 100%.

- Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung 100%.

3. Các chỉ tiêu phát triển xã hội:

- Giảm số hộ nghèo theo tiêu chí hiện tại xuống còn: 7,4 %.

- Giảm tỷ lệ sinh: 0,3 ‰.

- Tạo việc làm cho: 27.500 lao động.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn dưới: 21%.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 32%.

- GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) 17 tr.đ/người/năm.

III. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH:

1. Về lĩnh vực kinh tế:

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng giá trị sản lượng chăn nuôi. Nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi; chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, gắn với thị trường tiêu thụ, tiếp tục phát triển dự án trồng nấm rơm. Xây dựng vùng chuyên canh cây con ổn định, có lợi thế tạo ra sản lượng hàng hoá lớn với chất lượng cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Tạo nguồn vốn đầu tư thuỷ lợi, giao thông, nước sạch,... nông thôn, xây dựng làng nghề. Tăng cường quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên có hiệu quả, các ngành liên kết tìm đầu ra và sản phẩm cho hàng nông sản.

- Đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục quy hoạch phát triển các khu, tuyến công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các cụm, tuyến công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở các huyện - thị. Có chính sách tốt hơn để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển, nhất là các nhà máy chế biến thủy sản, đầu tư khu công nghệ cao, nhà máy sản xuất bia.

- Nâng chất lượng các dịch vụ đã có, phát triển và mở rộng các ngành dịch vụ mới đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Đa dạng hoá ngành hàng xuất khẩu, chú trọng các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh như gạo, cá da trơn, trái cây, nấm rơm,... Thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, định hướng sản xuất ngày càng phát triển và ổn định.

- Tập trung mọi nguồn lực, huy động vốn, đảm bảo đủ vốn cho các công trình trọng điểm, xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khắc phục tình trạng dàn trải vốn, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng để đẩy mạnh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản và sử dụng hết nguồn vốn phân bổ trong năm.

- Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng của kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại và phát triển hợp tác xã mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; phát huy hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Công thương, Hội Nghề gốm trong việc liên kết sản xuất, mở rộng thị trường và huy động vốn.

- Điều hành thu, chi ngân sách theo nguyên tắc vừa đảm bảo theo luật vừa có những điều chỉnh hợp lý để góp phần khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tập trung nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào các dự án, công trình trọng điểm, các công trình chuyển tiếp, đảm bảo đủ vốn quy hoạch và chuẩn bị đầu tư. Thực hiện có hiệu quả chủ trương sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng bằng các giải pháp cụ thể cho từng công trình.

- Coi trọng và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát để hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, gắn quy hoạch đầu tư với các quy hoạch có liên quan theo sự chỉ đạo của Chính phủ.

- Đại biểu thống nhất theo tờ trình về điều chỉnh giá đất; giao Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định và công bố bảng giá đất trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm năm 2009.

2. Về các vấn đề về xã hội:

Thực hiện có hiệu quả việc xã hội hoá trên các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, y tế, văn hoá, truyền thông, thể dục thể thao, du lịch, lao động và các vấn đề xã hội khác,...

- Đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, chú trọng các đối tượng nông dân, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, các đối tượng hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước như cán bộ hưu trí, gia đình thương binh, liệt sỹ,....

- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao vai trò và trách nhiệm của lực lượng giáo viên. Củng cố kết quả, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trung học cơ sở, thực hiện phổ cập bậc trung học ở những nơi có điều kiện. Chủ động phân luồng học sinh để có giải pháp trong việc đào tạo. Tiếp tục nâng cao giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh; kiểm soát có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học. Nâng cao và đa dạng hoá hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng. Có biện pháp tích cực để thu hút nhân tài về tỉnh. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực.

- Kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá. Tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động văn hoá. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn, gắn kết với du lịch để phát huy có hiệu quả giá trị di sản văn hoá dân tộc.

- Củng cố mạng lưới y tế. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho y tế bảo đảm yêu cầu về chất lượng. Quan tâm nhiều hơn đến phát triển y học cổ truyền. Tiếp tục thực hiện chương trình đầu tư nâng cấp trạm y tế xã, phường; bệnh viện tuyến huyện - thị, bệnh viện chuyên khoa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, vận động phòng chống HIV/AIDS và suy dinh dưỡng ở trẻ em,… giải quyết tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

- Phát triển phong trào luyện tập thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân. Tăng đầu tư cho thể thao thành tích cao. Nâng cao hơn nữa chất lượng phát thanh truyền hình, mở rộng mạng truyền hình cáp. Duy trì và phát triển thêm hệ thống loa không dây ở khóm - ấp. Mở rộng truyền hình cáp xuống huyện - thị. Tiếp tục củng cố hoạt động của hệ thống nhà văn hoá, bưu điện văn hoá xã.

- Thực hiện tốt hơn nữa chính sách cho người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ. Tiếp tục đầu tư vốn ngân sách các cấp và huy động các tổ chức, cá nhân để thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ hộ nghèo, người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Có nhiều biện pháp hữu hiệu để kéo giảm hộ nghèo. Thực hiện tốt các chính sách bảo trợ xã hội, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

- Cải tiến nội dung, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trước mắt giải quyết tốt nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hoà Phú, tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Tăng cường quản lý nhà nước về thực hiện Luật Lao động.

3. Về lĩnh vực pháp chế:

- Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức. Củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp. Sớm ban hành quy định các lĩnh vực liên thông và tổ chức thực có hiệu quả trong tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chánh các cấp trong tỉnh.

- Thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đề cao trách nhiệm cá nhân. Thực hiện tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với dân, giữa Nhà nước với doanh nghiệp và giữa chính quyền các cấp.

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm trong cán bộ và nhân dân. Nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhất là các vụ án tham nhũng, khẩn trương xét xử công khai những vụ án lớn của tỉnh.

- Đẩy mạnh công tác hoà giải cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội và tăng cường sự đoàn kết trong nhân dân. Ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông.

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền trong nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, quản lý chặt các địa bàn xung yếu. Thực hiện tốt công tác huấn luyện, diễn tập theo kế hoạch và hoàn thành tốt công tác tuyển quân năm 2009.

- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện nghị quyết về vận động lập quỹ quốc phòng - an ninh; tổ chức bảo vệ dân phố.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh năm 2009:

Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân tỉnh và các ngành, các cấp cụ thể hoá tổ chức, triển khai thực hiện để đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VII, kỳ họp lần thứ 15 thông qua ngày 11/12/2008, có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phan Đức Hưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 88/2008/NQ-HĐND thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2009 do tỉnh Vĩnh Long ban hành

  • Số hiệu: 88/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Người ký: Phan Đức Hưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản