Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/2017/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 27 tháng 10 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN VỐN NGÂN SÁCH CẤP TỈNH GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIII – KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật Đầu tư công năm 2014; Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 và số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 7690/TTr-UBND ngày 13/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 114/BC-HĐND ngày 26/10/2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục tái cơ cấu gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, góp phần hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu đã được xác định tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các quy hoạch ngành, lĩnh vực và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2015-2020.

b) Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể: (1) Đối với Chương trình 135: Phấn đấu đến hết năm 2020, đưa 17 xã và 54 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; (2) Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới: Đến 2020 có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm ít nhất 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; không còn xã dưới 18 tiêu chí.

- Đối với Khu kinh tế Vân Đồn: Ưu tiên bố trí vốn ngân sách để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình có tính chất lan tỏa cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái làm cơ sở kêu gọi các nguồn vốn khác đầu tư vào khu kinh tế, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phát triển thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

- Về kết cấu hạ tầng giao thông: Hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường cao tốc (cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái), cải tạo nâng cấp đồng bộ hệ thống đường tỉnh đảm bảo tính kết nối, lan tỏa; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ các dự án trọng điểm mà tỉnh khuyến khích đầu tư…

- Về y tế: Cải tạo, nâng cấp hệ thống Trung tâm y tế cấp huyện; phòng khám quản lý sức khỏe cán bộ thuộc Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; đầu tư xây dựng Bệnh viện Lão Khoa…

- Về nông nghiệp: Tập trung đầu tư các công trình cấp thiết, có ảnh hưởng lớn đến sản xuất của đời sống nhân dân, nhất là các công trình ứng phó với biển đổi khí hậu; đầu tư hạ tầng thiết yếu nhằm ổn định đời sống dân cư; nguồn nước cho khu vực khó khăn và các xã đảo bị xâm nhập mặn; hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy hoạch; các công trình liên quan đến an toàn ngư dân, phát triển và phát huy giá trị nuôi trồng thủy sản…

- Về giáo dục đào tạo: Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất Trường Đại học Hạ Long, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình thiết yếu theo hướng thiết thực các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục…

- Về thiết chế văn hóa, thể thao: Đầu tư xây dựng đồng bộ và đưa vào sử dụng Cung văn hóa thanh thiếu niên, Trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh, nâng cấp sân vận động Cẩm Phả thành sân vận động tỉnh để có thể thi đấu quốc tế.

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới trụ sở một số xã và một số nhiệm vụ có tính cộng đồng, nhất là công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn, công trình thủy lợi có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội có tính cấp thiết trên cơ sở bảo đảm hiệu quả thiết thực tại các địa phương khó khăn theo nguyên tắc ngân sách tỉnh hỗ trợ không quá 70% tổng mức đầu tư.

- Đối với hỗ trợ đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phòng cháy chữa cháy và tư pháp: Cải tạo, nâng cấp trụ sở công an các xã lên phường; một số đồn công an, trụ sở công an phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại các địa bàn trọng điểm; khu căn cứ chiến đấu để xây dựng quân đội, bảo đảm tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm huấn luyện quân dự bị động viên, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo đúng các hợp tác thỏa thuận đã được tỉnh ký kết với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Công an, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tối cao.

2. Nguyên tắc

a) Bám sát các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) của Quốc gia, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; gắn chặt với quá trình tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu thu - chi ngân sách nhà nước.

b) Tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối từ ngân sách cấp tỉnh cho cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020.

c) Phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh; bảo đảm các cân đối chung và để thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội. Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và các công trình, dự án khởi công mới chậm nhất phải hoàn thành vào năm 2020. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

d) Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công; việc bố trí vốn cho các dự án có xem xét đảm bảo tính hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương, vùng miền. Các công trình tránh trú bão chuyển về tỉnh đầu tư.

đ) Ủy ban nhân dân các địa phương phải cam kết bố trí phần vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu, các dự án có vốn hỗ trợ ngân sách tỉnh để hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn bổ sung từ các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án, không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản; quy trình thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương phải được thực hiện như đối với các dự án do tỉnh quản lý.

e) Dự phòng tối thiểu 10% theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong quá trình điều hành, khi có nhu cầu phát sinh, Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sử dụng nguồn dự phòng để triển khai thực hiện ở các năm tiếp theo và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

3. Thứ tự ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn

a) Vốn để thanh toán cho các dự án hoàn thành đã quyết toán.

b) Vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP); đầu tư phát triển Khu kinh tế Vân Đồn thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

c) Phân bổ để thu hồi vốn ứng của các địa phương và vốn đã ứng cho ngân sách Trung ương.

d) Các chương trình mục tiêu theo nghị quyết, đề án, quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã và đang triển khai, trong đó: dành tỷ lệ 11,3% tổng số vốn ngân sách tỉnh được phân bổ giai đoạn 2018-2020 để phân bổ cho các địa phương theo tiêu chí chấm điểm.

đ) Vốn chuẩn bị đầu tư.

e) Vốn thực hiện các dự án chuyển tiếp và hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020, đặc biệt các dự án trọng điểm, dự án động lực có tầm ảnh hưởng lớn.

f) Các dự án khởi công mới giai đoạn 2018-2020: Chỉ xem xét sau khi đã thực hiện các nội dung ưu tiên nêu trên và đủ điều kiện cân đối kế hoạch vốn.

4. Nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020 do tỉnh quản lý

Tổng số: 44.342.029 triệu đồng, trong đó:

a) Vốn ngân sách Trung ương: 4.915.232 triệu đồng (theo số thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 và Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017).

b) Vốn ngân sách tỉnh: 38.256.797 triệu đồng, bao gồm:

(1) Vốn đã thực hiện năm 2016: 9.353.366 triệu đồng (trong đó: Vốn ứng năm 2016 là 1.150.880 triệu đồng).

(2) Vốn kế hoạch năm 2017: 7.292.612 triệu đồng (gồm: (i) Kế hoạch phân bổ đầu năm là 5.482.349 triệu đồng; (ii) Dự kiến năm 2017 phân bổ 1.170.040 triệu đồng cho giải phóng mặt bằng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; phân bổ 87.937 triệu đồng từ nguồn điều hòa chi thường xuyên cho Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn 2. (iii) Vốn bổ sung trong kế hoạch 2017 là 552.286 triệu đồng.

(3) Vốn đầu tư công từ ngân sách cấp tỉnh giai đoạn 2018-2020 là 20.731.000 triệu đồng.

(4) Thu hồi vốn ứng của các địa phương là 175.500 triệu đồng.

(5) Thu hồi vốn đã ứng cho Trung ương là 213.170 triệu đồng, gồm: 164.197 triệu đồng của dự án Cầu Bắc Luân II và 48.973 triệu đồng của giải phóng mặt bằng Dự án đường nối thành phố Hạ Long với Cầu Bạch Đằng, tỉnh Quảng Ninh.

(6) Nguồn vốn vay lại của ngân sách tỉnh vay lại để thực hiện các dự án ODA theo Hiệp định đã ký kết (bội chi ngân sách) là 491.149 triệu đồng.

c) Vốn dự phòng tiền lương: 1.170.000 triệu đồng.

5. Phương án phân bổ chi tiết

a) Tổng nguồn vốn giai đoạn 2016-2020: 44.342.029 triệu đồng, trong đó:

(1) Đối với ngân sách Trung ương: 4.915.232 triệu đồng

Nguồn vốn này được phân bổ chi tiết theo danh mục dự án và mức vốn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao tại Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 và Quyết định số 1178/QĐ-BKHĐT ngày 29/8/2017.

(2) Đối với vốn ngân sách tỉnh: 39.426.797 triệu đồng (bao gồm: Nguồn dự phòng tiền lương 1.170.000 triệu đồng).

- Vốn đã phân bổ giai đoạn 2016-2017: 16.645.978 triệu đồng (trong đó: Vốn đã thực hiện năm 2016: 9.353.366 triệu đồng, vốn kế hoạch năm 2017: 7.292.612 triệu đồng).

- Phương án phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2018-2020: 22.780.819 triệu đồng, bao gồm:

Đơn vị: triệu đồng

TT

Nội dung

Kế hoạch vốn GĐ 2018-2020

 

TỔNG SỐ

22.780.819

 

 

PHẦN I: VỐN NGÂN SÁCH TỈNH

21.610.819

 

A

Trích dự phòng tối thiểu 10% vốn đầu tư giai đoạn 2018-2020

3.043.862

 

B

Vốn bố trí giai đoạn 2016-2020

18.566.937

 

I

Các chương trình, dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2018-2020

11.382.318

 

1

Các nhiệm vụ chi đầu tư đã được cụ thể hóa cần ưu tiên

5.202.226

 

-

Thanh toán nợ đọng XDCB đối với các dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán

600.000

 

-

Chương trình 135

1.134.026

 

-

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới

728.200

 

-

Hỗ trợ Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh

60.000

 

-

Hỗ trợ các địa phương theo tiêu chí chấm điểm

2.200.000

 

-

Hỗ trợ đầu tư Khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp, Khu kinh tế

390.000

 

-

Vốn chuẩn bị đầu tư

90.000

 

2

Kế hoạch vốn phân bổ chi tiết cho các công trình, dự án

6.180.092

 

-

Đối ứng ODA (trong đó tỉnh vay lại: 491.149 triệu đồng)

702.727

 

-

Đối ứng các dự án thực hiện theo hình thức PPP

224.668

 

-

Các dự án trọng điểm theo Nghị quyết 130/NQ-HĐND ngày 14/3/2014

1.168.586

 

-

Ngân sách tỉnh hỗ trợ các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách huyện trước Nghị quyết 16/2016/NQ-HĐND

116.985

 

-

Khoa học, công nghệ, chính quyền điện tử

475.908

 

-

Công trình, dự án khác chuyển tiếp sang giai đoạn 2018-2020

955.744

 

-

Công trình, dự án khởi công mới giai đoạn 2016-2017

2.221.475

 

-

Ngân sách Tỉnh bố trí phần vốn Trung ương giai đoạn 2016-2020 còn thiếu

314.000

 

II

Các chương trình dự án khởi công mới giai đoạn 2018-2020

7.184.619

 

1

Các nhiệm vụ chi đầu tư đã được cụ thể hóa cần ưu tiên (Kèm theo biểu số 01, mục I)

2.265.000

 

2

Dự án khởi công mới giai đoạn 2018-2020 (Kèm theo biểu số 01, mục II)

4.127.069

 

3

Ngân sách tỉnh hỗ trợ một số công trình thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện (Kèm theo biểu số 02)

792.550

 

 

PHẦN II: NGUỒN DỰ PHÒNG TIỀN LƯƠNG

(Kèm theo biểu số 03)

1.170.000

 

6. Giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công

a) Nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút các nhà đầu tư mới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và tăng thu ngân sách nhà nước:

- Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Có cơ chế và biện pháp đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng, thực sự là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và góp phần tăng tỷ trọng trong thu ngân sách nhà nước; nhất là các chính sách cụ thể để khuyến khích các hộ cá nhân kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau khi có hiệu lực thi hành.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp; chủ động trao đổi, tiếp xúc, khảo sát, đối thoại với doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực: Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

b) Nhóm giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển:

- Cân đối thu - chi hợp lý, dành nguồn lực cho đầu tư, tăng cường giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thu ngân sách nhằm khai thác tối đa nguồn thu, chống thất thu cho ngân sách cũng như phải đảm bảo được tính bền vững, lâu dài của nguồn thu.

- Thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với các công trình động lực quan trọng, có sức lan tỏa lớn. Triển khai các quy hoạch kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin truyền thông. Ưu tiên và đa dạng các nguồn lực đầu tư, nhất là đẩy mạnh hình thức PPP nhất là ở Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc, Quảng Yên để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cho việc thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đối với từng hình thức đầu tư cụ thể.

- Tiếp tục cơ cấu lại chi tiêu của ngân sách nhà nước theo hướng sử dụng tiết kiệm và nâng cao hiệu quả, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách địa phương để tăng dần cơ cấu chi đầu tư phát triển. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư tập trung, hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải.

- Quyết liệt triển khai các dự án đã có hiệp định, đảm bảo giải ngân vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các khoản vốn vay khác của nhà nước, đồng thời kiểm soát chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả đầu tư của dự án, nhất là đối với các dự án có khoản vay lớn đang triển khai tại các địa phương Hạ Long, Móng Cái.

- Thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc phát huy có hiệu quả vai trò nòng cốt của các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời tăng cường thu hút mọi nguồn lực xã hội, phát triển mạnh các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, những việc mà doanh nghiệp, người dân làm được và làm tốt thì nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện; đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn.

c) Nhóm giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý đầu tư công:

- Thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện; tuân thủ quy định pháp lý trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư, từ việc chuẩn bị dự án, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra, giám sát chương trình, dự án và kế hoạch đầu tư công.

- Nâng cao chất lượng lập báo cáo đề xuất, thẩm định, trình duyệt chủ trương đầu tư các dự án; khắc phục triệt để tình trạng chuẩn bị dự án kém chất lượng, quyết định chủ trương đầu tư dàn trải, phê duyệt tổng mức đầu tư thiếu chính xác; chỉ quyết định chủ trương đầu tư khi đã thẩm định, làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính thực hiện.

- Tập trung quyết liệt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ (nhất là các dự án trọng điểm), công tác đấu thầu để rút ngắn thời gian thi công các dự án.

- Tăng cường công tác rà soát để bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

- Quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Khoản vốn dự phòng, chưa phân bổ chỉ được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, cấp bách theo quy định của Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, không được sử dụng vốn dự phòng cho các dự án mới ngoài các quy định của Luật.

- Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định; trong đó, phải đánh giá kết quả thực hiện, những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

- Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tiếp tục rà soát từng dự án với nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư. Xem xét điều chỉnh những dự án dù đã được ghi trong danh mục, được ưu tiên, đã có chủ trương, nghị quyết nhưng không hiệu quả hoặc để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý thì không triển khai.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết và chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

- Hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án mới thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.

- Trong quá trình chỉ đạo điều hành hàng năm phát sinh các dự án, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh sử dụng vốn dự phòng để triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh phân bổ và ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020. Tổng hợp chung toàn tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp cuối năm 2017.

2. Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27/10/2017 và có hiệu lực kể từ ngày 07/11/2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đọc

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 82/2017/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách cấp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 82/2017/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 27/10/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản