Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT TRONG QUẢN LÝ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2016-2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VIII, KỲ HỌP LẦN THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 79/NQ-HĐND, ngày 16 tháng 7 năm 2021 của HĐND tỉnh về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 136/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh về thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021;

Sau khi xem xét Báo cáo kết quả giám sát số 85/BC-ĐGS ngày 13 tháng 7 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021 và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021; đồng thời nhấn mạnh:

Trong giai đoạn 2016-2021, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản đã có chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khoáng sản được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản được quản lý và thực hiện theo quy hoạch phê duyệt; công tác cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính có liên quan được thực hiện đúng quy trình, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đã cơ bản chấp hành các quy định của nhà nước, thực hiện thăm dò, khai thác theo Giấy phép được cấp, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Một số tổ chức, cá nhân đã tích cực hỗ trợ, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế sau: Một số tổ chức, doanh nghiệp thực hiện không đúng với Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, tình trạng tổ chức khai thác ngoài phạm vi đã được cấp, khai thác vượt độ sâu, khai thác vượt công suất đã được cấp phép vẫn còn diễn ra; công tác hoàn thổ sau khi khai thác mỏ chưa đảm bảo theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hạ tầng giao thông xuống cấp và môi trường ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động vận chuyển khoáng sản; công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản còn lạc hậu, chưa tận dụng tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản; công tác phối hợp giữa các sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Điều 2. Để đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung một số nội dung sau:

1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh

- Chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các khu vực có trữ lượng khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, đặc biệt là khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác và dự trữ khoáng sản cát trắng cho công nghiệp vật liệu xây dựng, huyện Phong Điền, nhằm kịp thời đáp ứng các công trình, dự án đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân.

- Chỉ đạo các ngành tăng cường phối hợp trong việc quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản, nhất là quy chế phối hợp, cung cấp thông tin giữa các ngành tài nguyên và môi trường - thuế - công an - các địa phương.

- Chỉ đạo các ngành trong quá trình thẩm định, cấp phép các dự án đầu tư khai thác khoáng sản cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhằm khai thác triệt để khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường.

- Chỉ đạo việc đánh giá tình trạng sụt lún, mất nguồn nước ngầm tại khu vực mỏ đá vôi xã Phong Xuân, huyện Phong Điền nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

- Ưu tiên bố trí nguồn lực nhằm nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông xuống cấp do hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là Tỉnh lộ 16 đoạn qua thị xã Hương Trà, đường Dạ Lê đoạn qua thị xã Hương Thủy...

3. Đối với các Sở, ngành

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Quá trình lập quy hoạch thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản, cần kết hợp quy hoạch các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản (bãi thải, bãi tập kết, đường vận chuyển...).

- Thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là tiến độ đóng cửa mỏ khoáng sản.

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu điều chỉnh tăng mức ký quỹ bảo vệ môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản nhằm thực hiện công tác hoàn thổ, phục hồi và bảo vệ môi trường sau khai thác.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương rà soát trữ lượng còn lại của các mỏ khoáng sản hết thời gian khai thác để tham mưu phương án cấp quyền khai thác phục vụ các dự án trọng điểm, nhu cầu của các địa phương, tránh tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan đề xuất phương án khai thác khoáng sản gắn với phương án phục hồi môi trường, đánh giá tác động môi trường trong quá trình thẩm định, trình phê duyệt các dự án khai thác khoáng sản.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu điều chỉnh việc khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng không quy định cụ thể công trình sử dụng ngân sách nhà nước cần cung cấp khoáng sản; chỉ quy định theo lĩnh vực: công trình phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi, thủy điện; công trình khắc phục thiên tai, địch họa; công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới...theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 22 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

b) Sở Xây dựng

- Phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống các bến, bãi kinh doanh tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, đồng thời tạo điều kiện bổ sung một số điểm tập kết vật liệu phù hợp với thực tiễn. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND, ngày 03 tháng 01 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định về quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tham mưu hỗ trợ, phát triển sản xuất vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sử dụng cát nghiền nhân tạo trong quá trình phê duyệt các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư Nhà nước.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư

Đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp các thủ tục hành chính trong quá trình nghiên cứu đầu tư dự án khai thác khoáng sản và tổ chức giám sát, theo dõi việc thực hiện dự án theo đúng quy định.

d) Cục Thuế

Tăng cường công tác kiểm tra, kê khai khối lượng tài nguyên, khoáng sản; đồng thời truy thu các loại thuế, phí đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản.

e) Công an tỉnh

Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn.

3. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

a) Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo quy định Luật Khoáng sản.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản thực hiện đúng quy định của pháp luật.

c) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; phối hợp giải quyết các thủ tục liên quan đến thuê đất, chuyển loại rừng... nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

d) Đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động khoáng sản trên địa bàn, nhất là phương án khai thác khoáng sản được phê duyệt, thời hạn hoạt động khai thác, công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.

e) Định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 81 Luật khoáng sản năm 2010.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, Kỳ họp lần thứ 4 thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- UBTV Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Công tác địa biểu;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành và đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã và TP Huế;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Văn phòng: L/đ và CV;
- Lưu VT, LT.

CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 78/NQ-HĐND năm 2022 thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2021

  • Số hiệu: 78/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Lê Trường Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản