Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/2014/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 08 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ KINH PHÍ KHUYẾN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG VÀ QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công;

Căn cứ Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương;

Sau khi xem xét Tờ trình số 4216/TTr-UBND ngày 21/11/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Đối tượng áp dụng:

a) Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn);

b) Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn;

c) Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện hoạt động dịch vụ khuyến công.

2. Mức chi cho hoạt động khuyến công:

a) Chi tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp huyện:

- Chi cho tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp huyện. Mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/lần đối với cấp tỉnh và 25 triệu đồng/lần đối với cấp huyện;

- Chi thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được bình chọn: đạt giải cấp tỉnh được thưởng không quá 2,5 triệu đồng/sản phẩm; đạt giải cấp huyện được thưởng không quá 1,2 triệu đồng/sản phẩm.

b) Chi hỗ trợ các cơ sở công nghiệp thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp tỉnh, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí thành lập, nhưng không quá 35 triệu đồng/hội, hiệp hội;

c) Chi thù lao cho cộng tác viên để duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công. Mức hỗ trợ không quá 3 triệu đồng 01 cộng tác viên/năm;

d) Chi hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, gồm các mức:

- Chi hỗ trợ tư vấn, đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp được chọn thí điểm tối đa không quá 50% chi phí tư vấn, nhưng không quá 20 triệu đồng/cơ sở;

- Chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 30% nhưng không quá 150 triệu đồng/mô hình.

đ) Chi cho cán bộ ngành công thương tham dự hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn, tổng kết, đào tạo, tập huấn, bảo vệ kế hoạch, quyết toán (chương trình khuyến công, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng): theo chế độ hội nghị, công tác phí hiện hành của tỉnh;

e) Chi cho hoạt động thẩm định các đề án khuyến công, gồm:

- Chi văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính; chi công tác phí, xăng xe, thuê xe đi kiểm tra (nếu có) thực hiện theo thực tế phát sinh;

- Chi công tác thẩm định, xét chọn, đề án khuyến công:

Chi họp thẩm định: mức chi không quá 250.000 đồng/01 lần họp đối với người chủ trì; mức chi không quá 200.000 đồng/01 lần họp đối với thành viên dự họp.

g) Các nội dung chi còn lại của hoạt động khuyến công địa phương được áp dụng theo mức chi hoạt động khuyến công quốc gia quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 6, Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương.

3. Điều kiện để được hỗ trợ kinh phí khuyến công:

Điều kiện để các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

a) Nội dung phù hợp với nội dung quy định tại Điều 4 và ngành nghề phù hợp với danh mục ngành nghề quy định tại Điều 5 của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ;

b) Nhiệm vụ, đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt;

c) Tổ chức, cá nhân đã đầu tư vốn hoặc cam kết đầu tư đủ kinh phí thực hiện đề án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (sau khi trừ số kinh phí được ngân sách Nhà nước hỗ trợ);

d) Cam kết của tổ chức, cá nhân thực hiện đề án khuyến công chưa được hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của Nhà nước cho cùng một nội dung chi được kinh phí khuyến công hỗ trợ.

4. Lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước:

Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến công địa phương thực hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 của Điều 8, Thông tư Liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương.

Điều 2. Giao trách nhiệm cho UBND tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết này.

Trong quá trình thực hiện, nếu UBND tỉnh có đề nghị điều chỉnh, bổ sung về Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, HĐND tỉnh ủy quyền cho Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh căn cứ vào các quy định của pháp luật, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và tình hình thực tế của địa phương để quyết định điều chỉnh, bổ sung và báo cáo HĐND tỉnh trong kỳ họp gần nhất.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2014 và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 76/2014/NQ-HĐND về Quy chế quản lý kinh phí khuyến công địa phương và quy định mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 76/2014/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản