Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/NQ-HĐND

Cần Thơ, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG KẾT HỢP VỚI KIỂM SOÁT SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI CÁ NHÂN THAM GIA GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN; KIỂM SOÁT VÀ ĐIỀU TIẾT HỢP LÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI VÀO TRUNG TÂM THÀNH PHỐ CẦN THƠ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông;

Căn cứ Công văn số 148/TTg-KTN ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn;

Xét Tờ trình số 140/TTr-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố Cần Thơ; Báo cáo thẩm tra của Ban đô thị; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố Cần Thơ”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố bao gồm các mục tiêu cụ thể như sau:

a) Tăng cường phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân;

b) Kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố: Có giải pháp kiểm soát, lộ trình hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân tại một số khu vực, đồng thời đảm bảo quyền đi lại của người dân;

c) Kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố: Chủ động có phương án phòng, chống ùn tắc thường xuyên do phương tiện giao thông gây ra trên các trục đường chính vào thành phố.

2. Nội dung đề án

a) Tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng:

- Về phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối và tiếp cận cao:

+ Rà soát, điều chỉnh, tối ưu lộ trình mạng lưới xe buýt, đưa vào hoạt động ngay các tuyến xe buýt trục chính, tuyến có tính kết nối cao đến các khu vực có nhu cầu đi lại lớn. Đảm bảo tỷ lệ 40% mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đạt tiêu chí trong phạm vi 500m để người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt. Đến năm 2020 phát triển khoảng 14 tuyến xe buýt, 280 xe.

+ Mở mới một số tuyến xe buýt gom (loại mini buýt), khoảng 06 tuyến, 50 xe hoạt động chủ yếu tại trung tâm quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng.

+ Xây dựng tuyến xe buýt nhanh từ Ô Môn đến khu đô thị Nam Cần Thơ.

+ Nâng cao khả năng tiếp cận của mọi đối tượng hành khách (bao gồm cả người khuyết tật) tại các khu vực điểm dừng, nhà chờ, điểm trung chuyển, điểm đầu cuối xe buýt thông qua hệ thống giao thông ưu tiên như: đèn tín hiệu ưu tiên, biển báo, cầu bộ hành, bến bãi trông giữ phương tiện cá nhân,...

+ Nghiên cứu phát triển 02 tuyến “buýt đường thủy”: tuyến 01 (bến khách Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Điền), tuyến 02 (bến khách Ninh Kiều - cồn Ấu - cồn Sơn - cù lao Tân Lộc).

+ Thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại các khu vực phát sinh thu hút khách du lịch lớn như công viên Lưu Hữu Phước; công viên Ninh Kiều; cồn Cái Khế; công viên Sông Hậu.

+ Tổ chức tuyến phố đi bộ tại khu vực đường Hai Bà Trưng, khu vực công viên Sông Hậu.

- Về đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng:

+ Tăng cường cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với nhiều hình thức (website, bảng điện tử, màn hình led,...)

+ Rà soát hệ thống điểm dừng, đỗ, nhà chờ của mạng lưới tuyến buýt; bổ sung, thay thế các điểm dừng, nhà chờ không đáp ứng quy định của Bộ Giao thông vận tải về kết cấu hạ tầng, khoảng cách, thông tin.

+ Xây dựng các điểm trung chuyển là đầu mối vận tải công cộng (điểm đầu, cuối xe buýt, bãi đỗ xe đạp công cộng,...) phục vụ chức năng chuyển đổi các loại hình vận tải thuận tiện, linh hoạt có camera giám sát tại khu vực cảng khách Cần Thơ, bến tàu khách Ninh Kiều, bến xe trên đường Nguyễn Văn Linh (bến xe trung tâm Cần Thơ cũ), bến xe Nam Cần Thơ.

+ Ưu tiên hỗ trợ công nghệ vé thông minh.

- Về cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng:

Triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động xe buýt gồm chính sách trợ giá, hỗ trợ lãi suất cho vay, thành lập Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

b) Kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông:

- Tăng cường công tác quản lý hành chính phương tiện cơ giới cá nhân:

+ Nghiên cứu bổ sung xe đạp điện, ô tô điện vào đối tượng quản lý phương tiện cơ giới cá nhân.

+ Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh, tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý phương tiện cá nhân của cơ quan đăng kiểm, Thanh tra giao thông, Công an.

+ Đẩy mạnh việc lắp đặt mới, nâng cấp hệ thống camera tại các nút giao thông phục vụ công tác xử phạt, “xử phạt nguội”, điều tiết giao thông.

+ Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về niên hạn sử dụng và tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy và về quản lý phương tiện xe đạp điện, xe ô tô điện.

+ Tăng cường công tác quy hoạch sử dụng đất hợp lý trong khu đô thị trung tâm (hạn chế xây dựng các tòa nhà cao tầng tại các khu vực đông dân cư, khu vực phát sinh thu hút nhu cầu đi lại lớn) và các khu đô thị vệ tinh (tích hợp các chức năng cơ bản về khu nhà ở, khu mua sắm, trường học, bệnh viện,...).

- Tăng cường biện pháp về tài chính, kinh tế đối với phương tiện cơ giới cá nhân:

+ Xây dựng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện cá nhân (ô tô con, xe máy) theo hướng tăng lũy tiến theo thời gian và theo khu vực sau năm 2020.

+ Tăng cường quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trên cơ sở phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển mạnh hệ thống vận tải hành khách công cộng. Nghiên cứu phương án thu phí xe ô tô trong giờ cao điểm theo vành đai vận tải; hạn chế sử dụng phương tiện xe máy trên một số trục chính, một số khu vực trong khu đô thị trung tâm sau năm 2020; phấn đấu đến năm 2025 tổng số chuyến đi của phương tiện cơ giới cá nhân chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng đạt từ 15% ÷ 20%, đến năm 2030 đạt từ 20% ÷ 25%.

c) Kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố:

- Tăng cường công tác tổ chức giao thông đô thị:

+ Hình thành các vành đai vận tải nhằm tăng cường công tác điều tiết phương tiện vận tải từ xa, hạn chế lưu thông qua khu vực trung tâm thành phố.

+ Tổ chức, điều tiết giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hóa trên cơ sở vành đai vận tải, theo hướng kiểm soát phương tiện xe tải theo tải trọng, khung giờ trong ngày và giấy phép lưu hành vào phố cấm.

+ Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn thành phố.

- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị:

+ Phát triển hệ thống giao thông tĩnh (bãi đỗ xe): Góc giao đường Phan Đình Phùng - Ngô Văn Sở (Tòa án cũ); đường Hai Bà Trưng, ven sông Cần Thơ; bãi đỗ xe phường An Phú (02 bãi đỗ xe): Phía Bắc công viên phường An Phú và đường 30 tháng 4, ven rạch; phường Cái Khế (03 bãi đỗ xe): phía Bắc cầu Cái Khế, Khu E1 Trung tâm hội nghị; đường Cách mạng tháng Tám, phía Bắc điểm giao với đường Nguyễn Văn Cừ và Khu A4 Trung tâm thể dục thể thao.

+ Xây dựng 02 trung tâm phân phối hàng hóa tại khu vực cầu Bình Thủy, cầu Hưng Lợi trước năm 2020.

+ Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông: Nâng cấp mở rộng đường Hoàng Quốc Việt; xây dựng cầu Quang Trung (đơn nguyên 2); xây dựng đường và cầu Trần Hoàng Na, đường song hành đến nút IC3; xây dựng đường Nguyễn Văn Cừ nối dài; xây dựng trục đường hẻm 91 đường Cách mạng tháng Tám, nối đường Cách mạng tháng Tám với đường tỉnh 918; xây dựng đường Huỳnh Phan Hộ; xây dựng đường vành đai sân bay Cần Thơ; xây dựng tuyến nối quốc lộ Nam Sông Hậu với Quốc lộ 91.

+ Xây dựng 05 cầu vượt bộ hành kết cấu thép tại các khu vực: Đường 3 tháng 2 - Trường Đại học Cần Thơ (khu 2); đường 3 tháng 2 - trường Nguyễn Việt Hồng; đường Nguyễn Văn Cừ - Đại học Y dược Cần Thơ; đường Cách mạng tháng Tám - Trường Bùi Hữu Nghĩa; đường Lê Hồng Phong - Trường Tiểu học Trà Nóc 4.

+ Xây dựng 04 cầu vượt kết cấu thép hoặc hầm chui tại các nút giao thông: 30 tháng 4 - Nguyễn Văn Linh, 3 tháng 2 - Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt - Mậu Thân, 3 tháng 2 - Trần Hưng Đạo.

+ Cải tạo, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông: 30 tháng 4 - Nguyễn Văn Linh, 3 tháng 2 - Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Linh -Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt, Mậu Thân - Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi - Hùng Vương.

d) Kinh phí và cơ cấu đầu tư:

- Giai đoạn đến năm 2020, nguồn kinh phí thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư khoảng 1.256,88 tỷ đồng (không bao gồm vốn của các dự án đã bố trí vốn và vốn của dự án nằm trong đề án khác).

- Cơ cấu nguồn kinh phí đầu tư: Ngân sách Nhà nước khoảng 44,5 tỷ đồng (chiếm 3,54%); vốn sự nghiệp kinh tế khoảng 2,5 tỷ đồng (chiếm 0,2%); vốn xã hội hóa, PPP (hợp tác công tư) khoảng 601,88 tỷ đồng (chiếm 47,89%); vốn ODA kết dư khoảng 608 tỷ đồng (chiếm 48,37%).

Điều 2. Trách nhiệm và hiệu lực thi hành

1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định và cụ thể hóa các giải pháp nhằm đảm bảo triển khai thực hiện tốt Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố.

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa IX, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày ký ban hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Hiểu

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 73/NQ-HĐND năm 2016 thông qua Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn; kiểm soát và điều tiết hợp lý phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 73/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Phạm Văn Hiểu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản