Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/NQ-HĐND

Khánh Hòa, ngày 12 tháng 7 năm 2024

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ “CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, KHAI THÁC CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Xét Tờ trình số 331/TTr-HĐND ngày 11 tháng 7 năm 2024 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại Kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua nội dung Báo cáo số 70/BC-ĐGS ngày 13 tháng 6 năm 2024 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được

Sau khi Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật được ban hành, quá trình triển khai được Ủy ban nhân dân các cấp, sở ngành, cơ quan, đơn vị chú trọng nên việc triển khai thực hiện từ khâu tuyên truyền nội dung đến ban hành các quy hoạch, kế hoạch, quyết định, các văn bản chỉ đạo điều hành... đã thực hiện đồng bộ. Đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định như: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn; các tài sản kết cấu hạ tầng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được phân cấp và bàn giao cho các cơ quan đơn vị thực hiện việc quản lý, khai thác; một số nội dung quy định về đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa nước đã được các đơn vị được giao quản lý, khai thác thực hiện; giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác đã được xây dựng và ban hành...

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thực hiện việc đầu tư xây dựng mới được một số công trình thủy lợi lớn như: Hồ chứa nước Đắc Lộc, hồ chứa nước Đầu làng Ka Tơ, hồ chứa nước Sông Chò 1, kênh mương hồ chứa nước Tà Rục và các dự án kè sông, kè biển..., góp phần đảm bảo việc cấp nước để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác quản lý, sử dụng, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như sau:

2.1. Đối với cấp tỉnh:

2.1.1. Tồn tại, hạn chế:

* Khách quan:

- Một số công trình thủy lợi có liên quan đến hệ thống cầu, đường thuộc quản lý của ngành Giao thông vận tải chưa được thường xuyên nạo vét, bị bồi lấp, ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước.

- Các công trình hồ chứa tích trữ nước còn thiếu tại nhiều khu vực, vùng lõm nên tỷ lệ diện tích đất sản xuất cây công nghiệp, cây màu, cây lâu năm được phục vụ tưới từ hệ thống công trình thủy lợi còn thấp.

- Số lượng công trình thủy lợi tương đối nhiều, trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh nhưng lực lượng cán bộ kỹ thuật quản lý công trình ở địa phương, đơn vị còn thiếu (chủ yếu làm kiêm nhiệm), trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được công tác quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí triển khai còn hạn chế.

- Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đầu tư xây dựng từ những năm 1970-1980, hiện nay không đáp ứng tiêu chuẩn mới, sau nhiều năm khai thác, sử dụng, cùng với sự tác động của thời tiết, đồng thời do còn thiếu nguồn kinh phí bố trí đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

- Định mức kinh tế kỹ thuật trong quản lý khai thác công trình thủy lợi của các đơn vị chưa được xây dựng mới (hiện nay các đơn vị đang triển khai thực hiện xây dựng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới ban hành Thông tư số 27/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 hướng dẫn để triển khai thực hiện xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi) nên giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi hiện nay chưa được tính đúng, tính đủ; do đó, các nguồn kinh phí hỗ trợ từ giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác cho các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa đáp ứng đủ nguồn thu để đảm bảo chi phí tái sản xuất (bảo trì tài sản, kiểm định an toàn đập, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước, thiết bị quan trắc ...).

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 129/2017/NĐ-CP, cụ thể: hướng dẫn việc xác định nguyên giá, giá quy ước tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; việc giao quản lý các công trình thủy lợi (do nhà nước và nhân dân cùng làm); hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện việc điều chỉnh nhiệm vụ thiết kế của hồ chứa nước nên khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

- Một số công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng từ lâu, chủ yếu là do người dân hiến đất xây dựng hoặc khi xây dựng không bồi thường đất thuộc hành lang bảo vệ công trình; do đó, hiện nay có một số thửa đất của người dân chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ đảm bảo phục vụ tưới cho 18,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, diện tích lúa 02 vụ đáp ứng tưới được 70% diện tích, còn lại các cây công nghiệp ngắn ngày như mía, cây lâu năm chỉ phục vụ tưới được 1,1% (một số khu vực diện tích đất sản xuất nông nghiệp chưa được công trình thủy lợi phục vụ cấp nước tưới, người dân phải sử dụng nước trời để sản xuất nên không thể chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất).

* Chủ quan:

- Luật Thủy lợi (thay thế Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04/4/2001) có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Tuy nhiên, đến ngày 20/4/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh mới ban hành Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND Quy định về phân cấp quản lý các công trình thủy lợi sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (theo nội dung quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 21 của Luật Thủy lợi) là chưa kịp thời.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Công văn số 1615/SNN-CCTL ngày 25/4/2023 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tuy nhiên, đến nay Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, rà soát, tổng hợp danh mục các công trình thủy lợi đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng theo Công văn số 1615/SNN-CCTL ngày 25/4/2023 và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chưa đôn đốc báo cáo nội dung này, dẫn đến tình trạng các địa phương áp dụng không thống nhất trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023.

- Về công tác chỉ đạo phối hợp quản lý hành lang an toàn các công trình thủy lợi thuộc cấp tỉnh quản lý chưa hiệu quả; hiện nay hầu hết các hồ chứa lớn do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, đều có tình trạng bị lấn chiếm, sử dụng đất xâm phạm vào phạm vi an toàn công trình thủy lợi (trong đó có một số trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất). Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3523/QĐ-UBND ngày 16/11/2018 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 07/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Kết luận Thanh tra số 241/KL-CCTL ngày 29/7/2022 và Kết luận Thanh tra số 217/KL-CCTL ngày 05/05/2023 về việc chấp hành pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa năm 2021 và năm 2022 nhưng việc xử lý chưa nghiêm, số trường hợp được xử lý rất hạn hữu, trong khi tình trạng vi phạm nhiều, một số trường hợp tiếp tục phát sinh trong thời gian gần đây.

- Về công tác thông báo xả lũ đối với các địa phương, nhìn chung đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lý vận hành hồ, đập với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương bị ảnh hưởng, gây thiệt hại vì thời gian thông báo xả lũ ngắn, chưa đảm bảo triển khai công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt (thành phố Nha Trang là địa phương ở khu vực hạ du, bị ảnh hưởng từ việc xả lũ từ hồ Suối Dầu và hồ Am Chúa nhưng 02 hồ này không nằm trên địa bàn thành phố, chưa có quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân thành phố với đơn vị quản lý hồ là công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa).

- Theo Báo cáo của công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa hiện có một số công trình thủy lợi không hoạt động do không còn nhu cầu sử dụng (cụ thể: trạm bơm Bình Sơn, trạm bơm Ninh An, trạm bơm Ninh Thọ); tuy nhiên, Ủy ban nhân dân tỉnh chưa có phương án xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo quy định.

- Việc thực hiện các nội dung quy định về đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước chưa tốt, một số chỉ tiêu, kế hoạch đạt được còn thấp, đặc biệt là các nội dung yêu cầu nguồn kinh phí lớn thực hiện theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ như: Cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước (có 09/29 hồ chứa được cắm mốc đạt 31%), phương án ứng phó tình huống khẩn cấp (có 09/29 hồ chứa nước được lập phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đạt 31%), công tác kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước (có 08/29 hồ chứa nước được kiểm định đạt tỷ lệ 27,5%)...

- Một số công trình thủy lợi đã bị hư hỏng, xuống cấp chưa được bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn công trình; đặc biệt, các công trình thủy lợi do địa phương quản lý chưa được thực hiện công tác bảo trì hàng năm, có nhiều công trình xây dựng đã trên 20 năm bị xuống cấp cần được quan tâm sửa chữa, nâng cấp. Các công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa quản lý tuy có thực hiện nhưng số lượng công trình được bảo trì chưa đảm bảo.

- Một số quy định liên quan đến lĩnh vực thủy lợi đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua như: Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 về việc quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 quy định về phân cấp khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 21/7/2023 về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chưa được Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2.1.2. Khó khăn, vướng mắc:

- Về xây dựng giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; sản phẩm dịch vụ thủy lợi khác và nguyên giá của từng địa phương chưa thực hiện được (do diện tích phục vụ tưới từng công trình nhỏ, đa số công trình quy mô tưới nhỏ lẻ, hồ sơ tài sản thất lạc hoặc không có...) gây khó khăn trong công tác xây dựng giá.

- Đối với công tác an toàn đập, hồ chứa nước đa số cần phải có nguồn kinh phí lớn, trong khi thời gian quy định thực hiện ngắn (từ 03-05 năm), do đó gây khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện.

- Nhiều công trình thủy lợi xây dựng lâu, hư hỏng, có tên nhưng không còn tồn tại hạng mục công trình, không có hồ sơ minh chứng tài sản nên không thể xác định được nguyên giá để mở sổ kế toán.

- Hiện nay quy định về định mức bảo trì công trình thủy lợi có sự mâu thuẫn giữa Quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Thông tư 05/2019/TT-BNNPTNT ngày 02/5/2019 quy định chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08/9/2021 của Bộ Xây dựng quy định hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng nên gây khó khăn trong việc xây dựng Định mức kinh tế kỹ thuật của đơn vị quản lý khai thác.

2.2. Đối với cấp huyện:

2.2.1. Tồn tại, hạn chế:

Đoàn Giám sát nhận thấy một số nội dung chưa được Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt, cụ thể như sau:

- Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ công trình thủy lợi tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn tình trạng người dân sử dụng đất lấn chiếm vào phạm vi an toàn của các công trình thủy lợi, đổ rác, đục khoét kênh mương,... khiến cho các công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn, hư hỏng, xuống cấp nhanh.

- Công tác chỉ đạo phòng chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với đơn vị quản lý xử lý các hành vi xâm lấn, vi phạm sử dụng đất trong phạm vi an toàn các công trình thủy lợi vẫn còn nhiều hạn chế.

- Theo Báo cáo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn 2021-2023 không thực hiện việc cân đối ngân sách cấp huyện để bố trí kinh phí hàng năm cho việc bảo trì, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, xử lý khắc phục sự cố các công trình thủy lợi trên địa bàn; hầu hết Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Ủy ban nhân dân cấp xã tự bố trí kinh phí để sửa chữa các công trình trên địa bàn xã.

- Các công trình thủy lợi trên địa bàn cấp huyện đang quản lý là các công trình đập và kênh mương nội đồng, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư đã lâu, công tác bảo quản, quản lý hồ sơ sau đầu tư của các công trình thủy lợi còn nhiều thiếu sót; hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều có tình trạng hồ sơ bị thất lạc hoặc chưa đầy đủ nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

2.2.2. Khó khăn, vướng mắc:

- Nguồn kinh phí dùng cho việc đầu tư xây dựng mới; duy tu, khắc phục, sửa chữa hư hỏng các công trình thủy lợi còn hạn hẹp, chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa lớn các công trình thủy lợi.

- Các nguồn hỗ trợ kinh phí giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và thu từ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác cho các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa đáp ứng đủ nguồn thu để đảm bảo chi phí tái sản xuất (bảo trì tài sản, kiểm định an toàn đập, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập...).

- Kinh phí chi trả cho công tác quản lý, vận hành thấp nên một số tổ chức thủy lợi (ở các xã) không đủ kinh phí hoạt động, gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức và thực hiện công tác quản lý, vận hành khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình.

Điều 2. Để phát triển hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ động phòng chống thiên tai và đạt mục tiêu đề ra của Quy hoạch tỉnh; đồng thời, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh một số nội dung như sau:

1. Báo cáo xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ như: việc xác định nguyên giá, giá quy ước tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; việc giao quản lý các công trình thủy lợi (do nhà nước và nhân dân cùng làm); hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện việc điều chỉnh nhiệm vụ thiết kế của hồ chứa nước; định mức bảo trì công trình thủy lợi (hiện nay có sự mâu thuẫn giữa Quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Thông tư số 05/2019/TT-BNNPTNT ngày 02/5/2019 quy định chế độ, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và Thông tư số 14/2021/TT-BXD ngày 08/9/2021 của Bộ Xây dựng quy định hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng). Riêng Dự án Hồ chứa nước Đồng Điền, huyện Vạn Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đảm bảo nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, các khu công nghiệp và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Khu Kinh tế Bắc Vân Phong.

2. Sớm ban hành văn bản triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh như: Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 về việc quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 19/10/2021 quy định về phân cấp khai thác, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 21/7/2023 về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

3. Chỉ đạo giải quyết đối với các trường hợp người dân đang sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã kiểm tra, rà soát và xử lý kịp thời các trường hợp xâm lấn mốc chỉ giới hành lang an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi theo từng giai đoạn để đảm bảo diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được phục vụ tưới từ công trình thủy lợi; đồng thời, xác định các công trình thủy lợi có nhiệm vụ thiết kế không còn phù hợp để thực hiện việc lập hồ sơ điều chỉnh nhiệm vụ thiết kế đối với các công trình thủy lợi không còn phù hợp theo Quy hoạch tỉnh tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực thủy lợi trong thời gian tới.

4. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

- Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống kênh, đường ống cấp nước có kết nối liên thông các hồ chứa nước từ hệ thống dẫn nước hồ Sông Chò 1 cho các khu tưới thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh để tạo nguồn nước cho nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phương án giải quyết đối với các công trình thủy lợi có liên quan đến hệ thống cầu, đường thuộc quản lý của ngành Sở Giao thông vận tải chưa được thường xuyên nạo vét, bị bồi lấp, ảnh hưởng đến công tác tiêu thoát nước các công trình thủy lợi.

- Kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 11/2023/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh để bảo đảm triển khai thống nhất trên toàn tỉnh.

5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát, hoàn thiện hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và tổng hợp danh mục các công trình thủy lợi mà Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố làm đại diện chủ sở hữu, bảo đảm việc quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi.

6. Chỉ đạo công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa và Ủy ban nhân dân các huyện, Ủy ban nhân dân các xã hoàn thiện quy chế phối hợp; quy trình vận hành các công trình thủy lợi, nhất là quy trình, công tác vận hành điều tiết xả lũ tại các đập, hồ chứa; bên cạnh đó, nghiên cứu phương thức liên lạc, thời gian thông báo xả lũ, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương chịu ảnh hưởng của việc xả lũ.

7. Tiếp tục thực hiện các nội dung đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước: cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình; phương án ứng phó tình huống khẩn cấp.

8. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trong việc bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

9. Bồi dưỡng để nâng cao công tác chuyên môn đối với lực lượng quản lý khai thác các công trình thủy lợi các địa phương cấp huyện.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2024./.


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- UBND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh;
- Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- VP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Mạnh Dũng