Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/NQ-HĐND

Nghệ An, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 
NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
KHOÁ XVIII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 2048/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn Ngân sách địa phương;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 9223/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2021; Báo cáo thẩm tra của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2022

1. Quan điểm chỉ đạo

a) Bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm có tính kết nối, tác động lan tỏa tới sự phát triển liên vùng và địa phương; các dự án hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn nhất là hệ thống công trình thủy lợi, hạ tầng y tế, giáo dục… quan trọng, có tác động tích cực đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

b) Lấy đầu tư công dẫn dắt và là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

c) Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; có hình thức khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.

2. Mục tiêu

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội như đường ven biển, đường giao thông từ Quốc lộ 46 đến bến 5, bến 6 cảng Cửa Lò, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2), đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ), Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện sản nhi… Khởi công mới một số dự án của các ngành, các huyện góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 95% - 100% trong năm 2022.

3. Định hướng đầu tư công năm 2022

a) Kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

b) Quán triệt nguyên tắc tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải. Ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.

c) Tập trung bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương theo quy định. Năm 2022, nguồn chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước không thực hiện thông báo vốn theo tiêu chí tính điểm cho các huyện, thành, thị để tập trung bố trí vốn hoàn thành các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 (theo khả năng thực hiện và giải ngân). Hạn chế tối đa các dự án kéo dài quá thời gian quy định. Đối với các dự án khởi công mới, thực hiện rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên để thực hiện đầu tư trong năm 2022 các dự án trọng tâm, trọng điểm, có tính chất liên vùng, giao thông quan trọng, quốc phòng, an ninh, các dự án thủy lợi bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai; các dự án giáo dục đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân nhằm tạo đột phá quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án khởi công mới so với thời gian tối đa được phép quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

d) Đối với nguồn thu sử dụng đất phần tỉnh hưởng đưa vào đầu tư công, tập trung ưu tiên bố trí các dự án trọng điểm, bức xúc thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, hạ tầng công cộng. Đối với phần thu sử dụng đất huyện, xã hưởng theo phân cấp định hướng cơ cấu chi giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, trả nợ, đối ứng các dự án thuộc chương trình mục tiêu, trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, xã để đảm bảo cơ cấu Trung ương giao.

e) Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết tập trung ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế công lập và đối ứng các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định.

Điều 2. Nguồn vốn đầu tư

1. Tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2022: 9.389,98 tỷ đồng, trong đó đưa vào đầu tư công tập trung phần tỉnh quản lý là 5.829,18 tỷ đồng.

2. Chi tiết theo từng nguồn vốn như sau:

a) Nguồn Ngân sách Trung ương: 4.271,3 tỷ đồng. Trong đó:

- Vốn trong nước: 3.789,16 tỷ đồng. Trong đó:

Các dự án trọng điểm, liên kết vùng, đường ven biển: 1.250 tỷ đồng.

Các dự án theo ngành, lĩnh vực: 2.539,16 tỷ đồng (trong đó thu hồi vốn ứng trước: 145,442 tỷ đồng).

- Vốn nước ngoài: 482,14 tỷ đồng.

b) Nguồn Ngân sách địa phương: 5.118,68 tỷ đồng. Trong đó:

- Chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước: 1.276,88 tỷ đồng.

- Đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất: 3.500 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách cấp huyện, xã hưởng theo phân cấp: 2.168 tỷ đồng, phần ngân sách tỉnh hưởng tập trung giải phóng mặt bằng, trả nợ vay, bổ sung quỹ phát triển đất, ghi thu ghi chi, bố trí vốn các dự án vay lại nguồn Chính phủ vay nước ngoài...: 1.077 tỷ đồng, đưa vào đầu tư tập trung: 255 tỷ đồng.

- Đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết: 26 tỷ đồng.

- Đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương: 315,8 tỷ đồng được dùng để bố trí cho dự án vay lại của Chính phủ.

Như vậy, nguồn Ngân sách địa phương đưa vào đầu tư công tập trung 1.557,88 tỷ đồng (5.118,68 - 315,8 - 3.500 255).

Điều 3. Nguyên tắc phân bổ

1. Nguyên tắc chung

a) Thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Việc phân bổ vốn phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí theo đúng quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư công; bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, trong đó tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm, liên vùng, dự án đường ven biển và các dự án chuyển tiếp có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

c) Kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước; bảo đảm sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp quy hoạch. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

d) Danh mục nhiệm vụ, dự án bố trí vốn năm 2022 phải thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương; đáp ứng điều kiện bố trí kế hoạch theo quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư công. Mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ đi luỹ kế bố trí vốn đến hết năm 2021 và không vượt quá kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trừ đi số vốn đã bố trí trong kế hoạch năm 2021 của dự án; phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2022.

2. Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn như sau:

a) Vốn trong nước:

- Thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương tối thiểu bằng số vốn được thông báo tại công văn số 6926/BKHĐT-TH.

- Theo khả năng thực hiện và giải ngân, ưu tiên bố trí đủ vốn cho:

Các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước 31/12/2021.

Các dự án chuyển tiếp đến nay đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định, các dự án nhóm C chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 của địa phương.

Các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2022 theo thời gian bố trí vốn.

Các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; trong đó phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C so với thời gian tối đa được phép quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

- Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, phải bảo đảm có Quyết định đầu tư trước thời điểm phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo quy định tại khoản 5 Điều 61 Luật Đầu tư công.

b) Vốn nước ngoài:

- Dự án đủ thủ tục đầu tư kết thúc Hiệp định trong năm 2022 không có khả năng gia hạn Hiệp định, chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022.

- Dự án khởi công mới đã ký Hiệp định hoặc dự kiến ký Hiệp định đến ngày 31/12/2021 và có khả năng giải ngân trong năm 2022.

- Bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án.

3. Đối với các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước 31/12/2021, dự án chuyển tiếp đến nay đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định, dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2022 theo thời gian bố trí vốn nhưng vướng mắc nên chưa bố trí hoặc bố trí chưa đủ vốn để kết thúc trong năm 2022, cho phép tiếp tục kéo dài thời gian bố trí vốn sang năm sau.

Điều 4. Phương án phân bổ

(Chi tiết tại các phụ lục số 1,2,3 kèm theo)

Điều 5. Một số giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022

1. Tiếp tục rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của phát luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư.

2. Triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ngay trong quý I/2022, hoàn thành các thủ tục để thu hồi vốn ứng trước. Chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu… đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án ngay khi có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán một lần vào cuối năm. Đối với các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn cho các nhà thầu. Các sở, ngành và địa phương thực hiện phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.

3. Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng tiến độ quy định. Nghiêm túc thực hiện lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng; xây dựng hồ sơ mời thầu chất lượng, bảo đảm không đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

4. Tăng cường sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong nước theo phương thức đối tác công - tư để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và 5 năm 2021 - 2025. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công cộng, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nông thôn. Huy động nguồn lực đất đai và tài nguyên cho đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn nước ngoài, phải tính toán, cân đối giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ của các dự án đã triển khai và các dự án mới.

5. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình đầu tư công. Trong đó, đặc biệt đề cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Căn cứ Nghị quyết này để phân bổ chi tiết cho các đơn vị triển khai thực hiện. Đối với các dự án khởi công mới, chỉ triển khai phân bổ chi tiết cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan, đảm bảo thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2021.

b) Tổ chức thực hiện và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đầu tư công năm 2022 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Khoá XVIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực kể từ ngày được thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Thái Thanh Quý

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 56/NQ-HĐND năm 2021 về kế hoạch đầu tư công năm 2022 do tỉnh Nghệ An ban hành

  • Số hiệu: 56/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Thái Thanh Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản