Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/2016/NQ-UBND | Đồng Tháp, ngày 03 tháng 8 năm 2016 |
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2016-2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm;
Xét Tờ trình số 64/TTr-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về dự thảo Nghị quyết về Chương trình việc làm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 135/BC-HĐND ngày 29 tháng 7 năm 2016 của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân Tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua Chương trình việc làm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020 (Có nội dung chi tiết kèm theo).
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị của các Ban Hội đồng nhân dân và ý kiến đóng góp của đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh, cụ thể hóa xây dựng Chương trình, giải pháp điều hành, thực hiện khả thi, sát với thực tiễn, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao, nhằm bảo đảm thực hiện tốt Chương trình việc làm 05 năm (2016-2020) đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua tại kỳ họp này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp khoá IX, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 03 tháng 8 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2016./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
NỘI DUNG
CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Kèm theo Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân Tỉnh)
1. Mục tiêu, chỉ tiêu
a) Mục tiêu chung
- Giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa phương phục vụ cho quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bảo đảm nâng cao đời sống của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy sự phát triển xã hội nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tỉnh.
- Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động thông qua Chương trình việc làm, là động lực, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tỉnh.
- Phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định; khuyến khích tạo ra nhiều việc làm, mở rộng và phát triển sản xuất thu hút người lao động làm việc; tư vấn, cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm dưới 50% trong tổng lao động xã hội của Tỉnh.
- Các chỉ tiêu chủ yếu;
+ Giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 người (bình quân 30.000người/năm), trong đó: Giải quyết việc làm từ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội: 60.000 người; giải quyết việc làm thông qua chương trình hỗ trợ vốn vay tạo việc làm 12.500 người; giải quyết việc làm thông qua tư vấn, cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh: 72.650 người; giải quyết việc làm thông qua chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ờ nước ngoài: 4.850 người.
+ Phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 3% mỗi năm.
2. Đối tượng, phạm vi áp dụng
a) Đối tượng: Người từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu tìm kiếm việc làm để làm việc.
b) Phạm vi: Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
c) Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.
3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
a) Nhiệm vụ
Thường xuyên lồng ghép, kết hợp Chương trình việc làm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình trọng tâm như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm làm tăng hiệu quả, tính thiết thực của Chương trình việc làm trên địa bàn Tỉnh.
Thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển, nhất là các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng sản xuất, nhằm tạo thêm nhiều việc làm để thu hút nhiều lao động tham gia.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về việc làm, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh trong tuyển dụng lao động, hạn chế tình trạng tranh chấp lao động, tạo sự hài hòa, ổn định và phát triển trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đình công, lãng công trái với quy định; đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, từng bước cân đối đáp ứng giữa cung-cầu lao động, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giải quyết việc làm; kịp thời nắm bắt nguồn lao động ở mỗi địa phương, ở đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể để phối hợp giải quyết việc làm.
Phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động của Trung ương, của Tỉnh đã ban hành, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các chương trình, chính sách để giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả cao.
Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành, bảo đảm trung thực, phản ánh đúng thực trạng, qua đó phát hiện những mô hình hay, điển hình tiên tiến để nhân rộng, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém.
b) Một số giải pháp chủ yếu
- Nhóm giải pháp tạo việc làm từ phát triển kinh tế-xã hội:
+ Tạo điều kiện, tận dụng mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm mà Tỉnh có thế mạnh để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài tham gia đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, xuất khẩu để thu hút nguồn lao động vào làm việc. Đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thực hiện tốt các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư, phát triển sản xuất tạo việc làm cho người lao động.
+ Tổ chức thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với những cách làm mới sáng tạo, đổi mới trong tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ trên thị trường; chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các ngành nghề, lĩnh vực khác phù hợp.
+ Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, thu hút lực lượng lao động tham gia làm việc, nhất là lực lượng học sinh, sinh viên mới ra trường, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho người dân tự tạo việc làm, tham gia mua bán, trao đổi sản phẩm tại các khu du lịch, các tour du lịch.
- Nhóm giải pháp thông tin, tuyên truyền:
+ Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về Chương trình giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức phù hợp; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên hệ thống thông tin đại chúng, pano, áp phích, tờ bướm, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm để tạo thêm chỗ làm việc, tự tạo việc làm cho người lao động.
+ Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý về lao động, việc làm, kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên các cấp.
+ Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người lao động về việc làm, tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực và nhu cầu thị trường việc làm tại địa phương nhằm tạo thu nhập cho bản thân và gia đình, từng bước chuyển đổi ngành, nghề phù hợp.
- Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
+ Tổ chức sắp xếp lại các cơ sở đào tạo phù hợp với từng vùng, từng khu vực, ngành nghề đào tạo; đổi mới phương pháp đào tạo, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín để đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là ngoại ngữ, văn hóa khi làm việc ở nước ngoài.
+ Khai thác có hiệu quả các cơ sở dạy nghề hiện có; tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng dạy nghề theo địa chỉ tại các doanh nghiệp nhằm chuyển đổi việc làm cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đồng thời thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI, nhằm tạo nguồn đào tạo nghề.
- Nhóm giải pháp thực hiện các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án phục vụ giải quyết việc làm
+ Xây dựng kế hoạch thực hiện tốt Chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, cung cấp thông tin, vận động người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng các chính sách phù hợp tạo động lực và điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ cho lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, khu vực nông thôn; liên kết với các công ty xuất khẩu lao động, tìm hiểu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường lao động ở nước ngoài, nhất là các thị trường làm việc ổn định, thu nhập cao, tạo nhiều cơ hội cho người lao động lựa chọn, đăng ký tham gia.
+ Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động, đổi mới tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án sản xuất của người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dễ tăng gia sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và tự tạo việc làm cho bản thân; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi; quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi, bảo đảm quay vòng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nhiều dự án, nhiều người lao động vay vốn làm ăn.
+ Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, thông tin về thị trường lao động thông qua việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm, nâng cao năng lực của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tỉnh và hệ thống thông tin về cung-cầu lao động; tăng cường đầu tư các cơ sở dịch vụ việc làm của tỉnh nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động; thường xuyên tổ chức sàn giao dịch việc làm luân phiên ở các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức tốt việc điều tra, thu thập thông tin về cung-cầu lao động.
+ Thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về việc làm cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, vùng sâu, vùng biên giới tiếp cận với chính sách ưu đãi, hỗ trợ về học nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ gia đình ở từng địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.
+ Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm chăm lo đến đời sổng người lao động, giữ mối quan hệ gắn kết với nhau, tạo môi trường lành mạnh, hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động nhằm phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
4. Huy động nguồn lực thực hiện chương trình
a) Chương trình việc làm cho người lao động trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2016-2020 được huy động từ nhiều nguồn vốn, bao gồm: các nguồn đầu tư phát triển, vốn từ các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, vốn hỗ trợ, vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện Chương trình và có sự lồng ghép với nhau trong quá trình triển khai thực hiện.
b) Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình: 329.500 triệu đồng.
* Vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm: 319.000 triệu đồng
- Quỹ quốc gia giải quyết việc làm giai đoạn 201 1-2015 chuyển sang hàng năm: 250.000 triệu đồng (trong đó, vốn Trung ương 210.000 triệu đồng, vốn địa phương 40.000 triệu đồng).
- Nguồn vốn bổ sung từ ngân sách Trung ương; 50.000 triệu đồng (bình quân mỗi năm phân bổ 10.000 triệu đồng).
- Nguồn vốn bổ sung từ ngân sách tỉnh: 19.000 triệu đồng (năm 2016 bổ sung 3.000 triệu đồng; từ năm 2017 trở đi mỗi năm bổ sung 4.000 triệu đồng).
* Nguồn vốn sự nghiệp: 10.500 triệu đồng
- Tổ chức sàn giao dịch việc làm: 2.000 triệu đồng (bình quân 400 triệu đồng/năm, trong đó: Trung ương 200 triệu đồng, địa phương 200 triệu đồng);
- Điều tra, thu thập thông tin cung-cầu lao động: 7.500 triệu đồng (bình quân 1.500 triệu đồng/ năm, trong đó Trung ương 500 triệu đông, địa phương 1.000 triệu đồng);
- Giám sát, đánh giá, thông tin tuyên truyền: 1.000 triệu đồng (bình quân 200 triệu đồng/năm từ nguồn ngân sách địa phương).
Ngoài các nguồn vốn trên, khuyến khích, tranh thủ huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
- 1Nghị định 03/2014/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về việc làm
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Quyết định 63/2017/QĐ-UBND về Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020
- 4Quyết định 2476/QĐ-UBND năm 2017 về Chương trình việc làm tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020
- 5Quyết định 36/2017/QĐ-UBND về Chương trình việc làm tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017-2020
Nghị quyết 55/2016/NQ-HĐND về Chương trình việc làm tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020
- Số hiệu: 55/2016/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 03/08/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
- Người ký: Phan Văn Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/08/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra