Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2011/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 26 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 13/TTr-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê chuẩn Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quyết định Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011- 2015 với các nội dung chính sau đây:

1. Mục tiêu phát triển:

a) Mục tiêu chung:

Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, kết hợp xây dựng mới một cách đồng bộ mạng lưới giao thông nông thôn của tỉnh, bao gồm hệ thống đường huyện, đường xã, đường thôn bản, ngõ xóm theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn, phục vụ có hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến cuối năm 2015, đạt 95% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa; 95% thôn, bản có đường ô tô đến được thôn;

- Phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác đường giao thông nông thôn:

+ Nâng tỷ lệ mặt đường các loại được xây dựng trên đường xã, thôn, ngõ xóm từ 31,55% hiện nay lên 50% (mỗi năm thực hiện 163Km, trong đó xây dựng mặt đường bê tông xi măng 150Km, tương ứng nhu cầu 20.000 tấn xi măng);

+ Đảm bảo 100% đường huyện, đường xã được quản lý, bảo trì theo quy định; đường thôn, bản, ngõ xóm được bảo dưỡng định kỳ từ một đến hai lần trên năm phù hợp với điều kiện, khả năng của từng thôn, bản.

+ Phấn đấu trên 50% đường thôn, bản, ngõ xóm luôn sạch và không lầy lội về mùa mưa;

- Xây dựng 04 vị trí cầu lớn vượt sông ở vị trí trọng yếu (cầu Yên Bình, cầu Hòa Lạc huyện Hữu Lũng; cầu Na Sầm, cầu Tân Việt huyện Văn Lãng).

2. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 – 2015:

a) Nhu cầu vốn cho đầu tư xây dựng:

Huy động vốn đầu tư xây dựng cho cả giai đoạn: 2.371 tỷ đồng, bình quân huy động 474,2 tỷ đồng/năm (cải tạo, nâng cấp đường huyện: 1.839 tỷ đồng; đường xã, đường thôn bản, ngõ xóm: 532 tỷ đồng).

b) Nhu cầu vốn bảo trì:

Vốn bảo trì cho cả giai đoạn 118 tỷ đồng, bình quân huy động 24 tỷ đồng/năm (bảo trì đường huyện: 12,2 tỷ đồng/năm; bảo trì đường xã, thôn bản, ngõ xóm: 11,4 tỷ đồng/năm).

c) Tổng vốn huy động cho phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 là 2.489 tỷ đồng, bình quân cần huy động 497,8 tỷ đồng/năm. Trong đó:

- Nguồn vốn vay, tài trợ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn huy động khác: 1.544 tỷ đồng;

- Ngân sách đầu tư: 720 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ 100.000 tấn xi măng, giá trị 100 tỷ đồng);

- Đóng góp bằng tiền, vật tư quy tiền: 50 tỷ đồng;

- Huy động 3,5 triệu ngày công lao động tương đương 175 tỷ đồng.

3. Các giải pháp, chính sách chủ yếu:

a) Công tác chỉ đạo:

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động xã hội sâu rộng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Hội đồng nhân dân các cấp từ huyện đến xã phải có các nghị quyết chuyên đề về phát triển giao thông, có sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện hàng năm. Quá trình tổ chức thực hiện chính quyền các cấp phải xây dựng các cơ chế, chính sách và hình thức huy động nguồn lực một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

b) Cơ chế huy động vốn:

- Huy động vốn cho đầu tư xây dựng:

+ Hệ thống đường huyện: Do Nhà nước đầu tư bằng các nguồn vốn ngân sách, bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, các nguồn vốn vay, vốn của các thành phần kinh tế đầu tư theo các hình thức khác và các nguồn vốn khác.

+ Hệ thống đường xã, đường thôn bản, ngõ xóm: Tiếp tục thực hiện theo giải pháp dân làm là chính, nhà nước hỗ trợ. Nhân dân đóng góp ngày công lao động, vật tư, tiền vốn, Nhà nước hỗ trợ bằng vật tư kỹ thuật (xi măng, sắt thép, cấu kiện bê tông đúc sẵn, máy, thiết bị...), hỗ trợ bằng vốn từ ngân sách, từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

- Huy động vốn cho công tác quản lý và bảo trì:

Kinh phí cho công tác quản lý và bảo trì đường huyện được huy động từ vốn ngân sách và vốn hỗ trợ từ Quỹ bảo trì đường bộ. Đối với hệ thống đường xã, đường thôn bản chủ yếu huy động sự đóng góp từ nhân dân, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ một phần.

c) Cơ chế thực hiện đầu tư:

- Đối với đường huyện, tùy quy mô, tính chất từng dự án, nguồn vốn đầu tư, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chủ đầu tư và thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình. Hệ thống đường xã, đường thôn bản, ngõ xóm, chủ đầu tư các dự án là Uỷ ban nhân dân xã, nhân dân tổ chức thi công, cơ quan chuyên môn về giao thông của huyện có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện. Đối với các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, đòi hỏi trình độ chuyên môn mà cấp xã không đủ năng lực thì Uỷ ban nhân dân huyện lựa chọn đơn vị có đủ năng lực để làm chủ đầu tư và có sự tham gia của Uỷ ban nhân dân xã.

- Việc lựa chọn quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật công trình giao thông nông thôn thực hiện theo Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 7 năm 2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

d) Cơ chế quản lý và bảo trì:

- Đối với hệ thống đường huyện, đường xã thực hiện theo Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ; Quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh về trách nhiệm quản lý bảo trì đường huyện, đường xã.

- Đối với hệ thống đường thôn bản, ngõ xóm, tùy điều kiện, khả năng của từng địa phương, Uỷ ban nhân dân xã quy định cụ thể, gắn với quy ước, hương ước từng thôn, bản. Yêu cầu tất cả các đường thôn bản, ngõ xóm phải được trông coi, bảo quản và thực hiện sửa chữa định kỳ mỗi năm ít nhất một lần trên cơ sở hướng dẫn của ngành Giao thông vận tải.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn Khoá XV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2011./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phùng Thanh Kiểm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 53/2011/NQ-HĐND về đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 53/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 26/07/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Phùng Thanh Kiểm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản