Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/NQ-HĐND | Cần Giờ, ngày 27 tháng 12 năm 2021 |
VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2022
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ BA
(Ngày 23, 24 tháng 12 năm 2021)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân huyện về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2021;
Xét Tờ trình số 6800/TTr-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2021 và Báo cáo số 6799/BC-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân huyện về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo thẩm tra số 229/BC-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Xã hội và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân huyện,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân huyện tán thành nội dung báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Hội đồng nhân dân huyện nhấn mạnh một số nội dung như sau:
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021
1. Năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện đã nỗ lực, tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả có 07/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 02 chỉ tiêu đạt một phần và 7 chỉ tiêu đạt từ 50 đến 80% kế hoạch[1]. Thành lập mới 01 Hợp tác xã và 40 doanh nghiệp mới với tổng số vốn đăng ký 471,2 tỷ đồng, tăng 10 doanh nghiệp và tăng 1,9 lần vốn đăng ký so với năm 2020.
- Tổng mức đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.488 tỷ đồng, bằng 47,7 % so với năm 2020 và bằng 46% kế hoạch. Ước giá trị khối lượng thanh toán vốn đầu tư trong năm đạt 909 tỷ đồng, bằng 98,52% so với năm 2020 và đạt 91,39 % so với kế hoạch vốn thành phố giao.
- Thu ngân sách địa phương ước thực hiện đạt 1.240,5 tỷ đồng, bằng 69,1 % so với năm trước và vượt 73,4% so với dự toán năm. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện đạt 1.126,2 tỷ đồng, bằng 94,6% so với năm 2020 và vượt 57,4% so với dự toán năm.
- Trong năm, Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và công nhận xã Thạnh An - xã đảo thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; nhận Huân chương Lao động Hạng ba vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới và được Thành phố công nhận là một trong ba địa phương kiểm soát được dịch Covid-19 đầu tiên của thành phố.
- Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đảm bảo dân chủ, đúng luật.
- Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị, bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng được kéo giảm so với năm 2020, trật tự kinh doanh ở các chợ tùng bước sắp xếp, đảm bảo trật tự, an toàn phòng chống dịch.
- Đã huy động nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
- Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, số lượng hồ sơ giải quyết đúng hạn được nâng lên, hồ sơ hành chính giải quyết trễ hạn giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 14,5% tỷ lệ hồ sơ đất đai trễ hạn so với năm 2020).
- Tình hình quốc phòng - an ninh chính trị được giữ vững; số vụ phạm pháp ma túy, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông được kéo giảm so với năm trước.
2. Tuy nhiên, trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng còn những khó khăn, hạn chế, cụ thể:
- Tổng giá trị sản xuất đạt 88% so với năm trước, bằng 77% kế hoạch. Các ngành dịch vụ, sản xuất thủy sản là ngành kinh tế chủ lực của huyện nhưng mức tăng trưởng thấp và giảm so với năm 2020 (ngành dịch vụ bằng 97,2 % so với năm trước và đạt 80,2 kế hoạch; ngành thủy sản bằng 80% so với năm trước và đạt 75,9% so với kế hoạch).
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 24% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 17,2 - 22,2%.
- Thu ngân sách Nhà nước bằng 62,8% so với năm 2020, đạt 67,9% dự toán năm (chỉ tiêu tăng 11% so với năm 2020).
- Tạo việc làm mới 674 lao động, giảm 559 lao động so với năm 2020, đạt 67,4% kế hoạch.
- Tỷ lệ học sinh phân luồng sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp đạt 4,5%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 15,5%.
- Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình.
- Các dự án lắp đặt mạng cấp nước trên địa bàn huyện cũng như phương án cấp nước cho các hộ ở khu vực xa khu dân cư thuộc xã An Thới Đông, Lý Nhơn tiến độ thực hiện còn chậm, gây bức xúc kéo dài.
- Những bất cập của quy định giải quyết hồ sơ trên lĩnh vực đất đai (tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng đất...) chậm được điều chỉnh gây bức xúc trong nhân dân[2].
II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022
Hội đồng nhân dân huyện thống nhất chủ đề, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu đã được Ủy ban nhân dân huyện trình và ý kiến của đại biểu tại kỳ họp, cụ thể như sau:
1. Về mục tiêu tổng quát: Tập trung thực hiện đạt hiệu quả chủ đề "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
2. Chỉ tiêu chủ yếu:
(1) Tăng trưởng tổng giá trị sản xuất tăng 16%.
(2) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 30% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn.
(3) Thu ngân sách Nhà nước đạt chỉ tiêu thành phố giao.
(4) Duy trì 100% hộ dân sử dụng nước sạch, lượng nước và nguồn nước cung cấp bảo đảm đầy đủ liên tục, đạt chất lượng hợp vệ sinh.
(5) Tỷ lệ chất thải sinh hoạt được thu gom xử lý trên 95%
(6) Xóa 11 điểm ô nhiễm môi trường và điểm ngập nước phát sinh mới được thống kê rà soát qua khảo sát thực tế năm 2021.
(7) Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học, tỷ lệ người dân huyện biết chữ trong độ tuổi 15-60 là 99,8%; tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp đạt 10%.
(8) Phấn đấu tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa từ 96% trở lên và tỷ lệ khu phố văn hóa, ấp văn hóa 100% và 100% xã văn hóa nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị.
(9) Tạo việc làm mới cho 1.000 lao động.
(10) Tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc đạt từ 86,2% trở lên.
(11) Tỷ lệ hộ dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; 7 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế.
(12) - Giảm hộ nghèo theo chuẩn 28 triệu đồng/người/năm còn 0,31% trên tổng số hộ dân.
- Giảm hộ nghèo theo chuẩn 36 triệu đồng/người/năm trở xuống còn 23,38% và giảm hộ cận nghèo có thu nhập từ trên 36 đến 46 triệu đồng/người/năm còn 14,01% trên tổng số hộ dân[3].
(13) Chỉ số cải cách hành chính đạt loại Tốt trở lên.
(14) Tỷ lệ người dân hài lòng về cung ứng dịch vụ hành chính công đạt trên 97%.
3. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022:
Hội đồng nhân dân huyện thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện. Để thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Hội đồng nhân dân huyện đề nghị Ủy ban nhân dân huyện tập trung chỉ đạo, điều hành các nội dung trọng tâm sau:
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết, kết luận sau giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân huyện; khẩn trương tổ chức khảo sát tình hình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện để làm cơ sở tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết về phát triển thủy sản trên địa bàn huyện đến năm 2025.
- Tập trung triển khai tăng tốc, quyết liệt, hiệu quả đối với 9 chương trình trọng điểm phát triển huyện theo Nghị quyết đại hội XII Đảng bộ huyện, trong đó chú trọng dành nguồn lực và khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ du lịch, thương mại, phát triển nông nghiệp, thủy sản để vừa phát triển sản xuất vừa làm hậu cần cho phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn của huyện.
- Tổ chức thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nhắc nhở, phổ biến và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch để người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng xử lý khi nhiễm bệnh, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo khôi phục kinh tế, kịp thời xây dựng các phương án ứng phó với biến chủng mới Omicron và khi dịch bùng phát.
- Tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn thu ngân sách và xử lý nợ thuế.
- Thực hiện nghiêm công tác quản lý đất đai theo đúng quy định của pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường các giải pháp về quản lý đô thị (giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chỉnh trang và phát triển đô thị). Đôn đốc và đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị góp phần phát triển lưu thông hàng hóa và dịch vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Tập trung các giải pháp thực hiện đạt kết quả công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.
- Tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, hướng đến giảm tội phạm trên địa bàn huyện.
- Tăng cường giám sát hiệu quả đầu tư công, tinh gọn bộ máy hành chính, đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thanh tra công vụ, chấn chỉnh kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có thái độ, hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân. Đồng thời xử lý nghiêm minh những vi phạm đảm bảo sự trong sạch của bộ máy. Khắc phục tình trạng chậm tiến độ đối với các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng gây nhiều khó khăn trong thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện thí điểm xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để đánh giá, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đầu tư phát triển sản xuất.
- Phối hợp với Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hệ thống phân phối nước sạch, bảo đảm lượng nước và nguồn nước cung cấp cho nhân dân đầy đủ liên lục, đạt chất lượng, hợp vệ sinh.
1. Hội đồng nhân dân huyện giao Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch triển khai, tập trung chỉ đạo và điều hành các phòng, ban, ngành, các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết này.
2. Giao Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân huyện phối hợp hoạt động, tăng cường giám sát chặt chẽ, kịp thời đôn đốc trong quá trình thực hiện nghị quyết này.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tuyên truyền, phổ biến, phát động các phong trào hành động thiết thực, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện nghị quyết; tăng cường giám sát, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của người dân đến các cấp chính quyền.
4. Hội đồng nhân dân huyện kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ huyện nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, cùng nhận thức đúng, hiểu rõ, đồng thuận, chia sẻ, chung sức vượt qua khó khăn và quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân huyện khóa XI, kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 24 tháng 12 năm 2021.
| CHỦ TỊCH |
[1] Tổng giá trị sản xuất đạt 88% so với năm trước, bằng 77% kế hoạch (chỉ tiêu tăng trưởng 14%)
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 24% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 17,2-22,2%.
Thu ngân sách Nhà nước bằng 62,8% so với năm trước, đạt 67,9% dự toán năm (chỉ tiêu tăng 11% so với năm 2020).
Tạo việc làm mới 674 lao động, giảm 559 lao động so với năm 2020, đạt 67,4% kế hoạch
Tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc đạt 86,12%, thấp hơn 0,1% so với kế hoạch.
Duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học, tỷ lệ người dân huyện biết chữ trong độ tuổi 15-60 là 99,76%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 0,04%; tỷ lệ học sinh phân luồng sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp đạt 4,5%, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 15,5%.
Chưa có điểm ô nhiễm môi trường và điểm ngập nước phát sinh mới được xóa, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch (xóa tất cả các điểm ô nhiễm môi trường và điểm ngập nước phát sinh mới).
[2] Việc tạm ngừng giải quyết hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp (đất không có tiếp giáp đường giao thông) theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố đã gây khó khăn cho các hộ dân có nhu cầu tách thửa. Công tác giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thuộc Đề án di dời 1.280 hộ dân sống ven sông, ven biển và vùng trũng thấp đủ điều kiện còn chậm.
[3] Đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 4.500 hộ nghèo có thu nhập từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống và 2.697 hộ cận nghèo có thu nhập từ trên 36 đến 46 triệu đồng/người/năm.
- 1Nghị quyết 48/NQ-HĐND năm 2021 về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2022 do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 2Nghị quyết 12/NQ-HĐND về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2022 do thành phố Hà Nội ban hành
- 3Nghị quyết 29/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh 6 tháng cuối năm 2022 do tỉnh Kon Tum ban hành
Nghị quyết 51/NQ-HĐND năm 2021 về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 do Hội đồng nhân dân huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 51/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 27/12/2021
- Nơi ban hành: Huyện Cần Giờ
- Người ký: Lê Minh Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/12/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra