Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2016/NQ-HĐND

Lào Cai, ngày 18 tháng 7 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Thực hiện Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Xét Tờ trình số 144/TTr-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 28/HĐND-BKTNS ngày 11 tháng 7 năm 2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Khóa XV - Kỳ họp thứ hai thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2016 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.

Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về Chính sách đầu tư xây dựng đường Giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vịnh

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Chính sách này quy định chính sách hỗ trợ để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020, gồm các loại đường: Đường từ xã tới các thôn bản hoặc đường nối liền các thôn, bản; đường trục thôn xóm; đường trục chính nội đồng; đường ngõ, xóm.

2. Đối tượng áp dụng: Áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng đường Giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương II

HỖ TRỢ ĐẦU TƯ MỞ MỚI ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

Điều 3. Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh

1. Mức hỗ trợ để mở mới đường giao thông (chưa có nền đường) là 120 triệu đồng/km.

2. Mức hỗ trợ để mở rộng nền đường giao thông đã có nền đường <4,0m đạt chiều rộng ≥ 4,0m là 80 triệu đồng/km.

3. Hỗ trợ khoán gọn tăng thêm để thực hiện thi công phá đá mở nền đối với những đoạn đường mở mới, nâng cấp nền đường có địa chất là đá:

a) Đối với đoạn đường có khối lượng đá từ 1.000m3/km đến 2.500m3/km, hỗ trợ 100 triệu đồng/km;

b) Đối với đoạn đường có khối lượng đá từ 2.500m3/km đến 5.000m3/km, hỗ trợ 200 triệu đồng/km;

c) Đối với đoạn đường có khối lượng đá từ 5.000m3/km đến 7.500m3/km, hỗ trợ 300 triệu đồng/km;

d) Đối với đoạn đường có khối lượng đá từ 7.500m3/km đến 10.000m3/km, hỗ trợ 400 triệu đồng/km.

Điều 4. Nội dung, mức hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện

Ngân sách huyện hỗ trợ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật; thiết kế, giám sát, hướng dẫn thi công, lập hồ sơ nghiệm thu, hoàn công, mức hỗ trợ 05 triệu đồng/km.

Điều 5. Nhân dân thực hiện

Hiến đất, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực, tổ chức thi công hoàn thành nền đường.

Chương III

HỖ TRỢ XÂY DỰNG MẶT ĐƯỜNG BÊ TÔNG XI MĂNG HOẶC LÁNG NHỰA

Điều 6. Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh

1. Hỗ trợ 100% xi măng hoặc nhựa đường và vận chuyển đến địa điểm tập kết (mà ô tô vào được) đối với tuyến đường trục thôn, xã có bề rộng mặt đường từ

3,0m trở lên và đường nội đồng có bề rộng mặt từ 2,5m trở lên đã được xã, huyện đăng ký với tỉnh thực hiện thi công trong năm kế hoạch.

2. Hỗ trợ 100% vật liệu đến địa điểm tập kết (mà ô tô vào được) đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trong diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Vật liệu móng, mặt đường bê tông xi măng (cát vàng, đá dăm hoặc sỏi); vật liệu làm móng, mặt đường láng nhựa (đá dăm, cấp phối đá dăm). Trong đó: Kinh phí tỉnh hỗ trợ vật liệu rải móng đường tối đa không được vượt quá mức kinh phí rải cấp phối chống trơn lầy với vật liệu tương đương.

3. Hỗ trợ 50% phần khối lượng vật liệu móng, mặt đường bê tông xi măng hoặc láng nhựa (trừ xi măng và nhựa đường) đến địa điểm tập kết mà xe ô tô vào được đối với các công trình đường giao thông thuộc các xã còn lại chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

4. Không hỗ trợ vật liệu (trừ xi măng và nhựa đường) làm móng, mặt đường bê tông xi măng hoặc láng nhựa cho các xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Điều 7. Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện

1. Lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật; thiết kế, giám sát, hướng dẫn thi công, lập hồ sơ nghiệm thu, hoàn công đường bê tông xi măng hoặc láng nhựa là 2,5 triệu đồng/km.

2. Thực hiện đối với công tác lu lèn móng đường toàn bộ các tuyến đường (kể cả các tuyến được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% vật liệu).

3. Hỗ trợ 50% phần khối lượng vật liệu còn lại cho các xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới đã được tỉnh hỗ trợ 50% vật liệu để thực hiện thông qua việc huy động các nguồn lực kết hợp với ngân sách của huyện.

4. Hỗ trợ 100% vật liệu (trừ xi măng hoặc nhựa đường) cho các xã đã hoàn thành nông thôn mới thông qua việc huy động các nguồn lực kết hợp với ngân sách của huyện.

5. Hỗ trợ người dân thuộc các thôn, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trong diện đầu tư của Chương trình 135 năm giai đoạn 2016-2020 trực tiếp lao động làm đường là: 30 triệu đồng/km.

6. Hỗ trợ kinh lắp đặt biển báo hiệu đường bộ.

Điều 8. Nhân dân thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Quản lý xã, Ban Phát triển thôn lập kế hoạch chi tiết vận động, huy động nhân dân bàn bạc để tự giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện triển khai thi công đường bê tông xi măng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả vốn đầu tư.

2. Vận chuyển vật liệu được hỗ trợ (xi măng + vật liệu khác) từ địa điểm tập kết vào công trình (đoạn ô tô không vào được).

3. Thực hiện quản lý, bảo quản các loại vật liệu (xi măng, cát, đá, sỏi...) trong quá trình thi công xây dựng công trình, đảm bảo các loại vật liệu xây dựng được bảo quản tốt, sử dụng đúng mục đích.

4. Khuyến khích các xã huy động các nguồn lực để thực hiện gia cố rãnh dọc thoát nước hai bên đường và xây dựng, hoàn thiện công trình phòng hộ như cọc tiêu, biển báo, tường phòng hộ, cây xanh... trên các tuyến đường.

5. Đối với đường ngõ, xóm: Khuyến khích nhân dân tự hoàn thiện nền đường và cứng hóa mặt đường theo tiêu chuẩn quy định.

Chương IV

HỖ TRỢ XÂY DỰNG MẶT ĐƯỜNG CẤP PHỐI CHỐNG TRƠN LẦY

Điều 9. Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh

1. Đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trong diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Hỗ trợ để sản xuất vật liệu, vận chuyển vật liệu, rải và lu lèn mặt đường đối với đường cấp A hoặc cấp B.

a) Trường hợp sử dụng vật liệu là đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối đá dăm, loại đường có chiều rộng mặt đường Bm = 3,5m hỗ trợ 210 triệu đồng/km, loại đường có chiều rộng mặt đường Bm = 3,0m hỗ trợ 180 triệu đồng/km;

b) Trường hợp sử dụng vật liệu là cấp phối tự nhiên (cấp phối sỏi suối, sỏi đồi), cấp phối đá thải,... chất lượng thấp hơn các loại cấp phối được quy định, nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, loại đường có chiều rộng mặt đường Bm = 3,5m hỗ trợ 160 triệu đồng/km; loại đường có chiều rộng mặt đường Bm = 3,0m hỗ trợ 135 triệu đồng/km;

2. Đối với các xã còn lại: Hỗ trợ để sản xuất vật liệu, vận chuyển vật liệu, rải và lu lèn mặt đường đối với đường cấp A hoặc cấp B.

a) Trường hợp sử dụng vật liệu là đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối đá dăm, loại đường có chiều rộng mặt đường Bm = 3,5m hỗ trợ 190 triệu đồng/km, loại đường có chiều rộng mặt đường Bm = 3,0m hỗ trợ 160 triệu đồng/km;

b) Trường hợp sử dụng vật liệu là cấp phối tự nhiên (cấp phối sỏi suối, sỏi đồi), cấp phối đá thải,... chất lượng thấp hơn các loại cấp phối được quy định, nhưng vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép, loại đường có chiều rộng mặt đường Bm = 3,5m hỗ trợ 140 triệu đồng/km, loại đường có chiều rộng mặt đường Bm = 3,0m hỗ trợ 120 triệu đồng/km.

Điều 10. Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện

Lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật; thiết kế, giám sát, hướng dẫn thi công, lập hồ sơ nghiệm thu, hoàn công rải cấp phối chống trơn lầy là 2,5 triệu đồng/km.

Điều 11. Nhân dân thực hiện

1. Đối với công trình rải cấp phối móng, mặt đường chống trơn lầy: Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Quản lý xã, Ban Phát triển thôn lập kế hoạch chi tiết vận động, huy động nhân dân bàn bạc để tự giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện triển khai thi công tuyến đường: Đào sửa nền đường, đào khuôn đường, làm rãnh xương cá, xếp đá vỉa, đào sửa rãnh dọc, đắp phụ lề đường, thi công mặt đường, công trình thoát nước, các công việc phụ trợ xây dựng và hoàn thiện khác theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả vốn đầu tư.

2. Đối với đường đường liên gia, ngõ, xóm: Các hộ, nhóm hộ gia đình bàn bạc, tự huy động nguồn lực hoàn thiện xây dựng nền đường, tận dụng vật liệu địa phương để rải cấp phối, đá dăm, lát gạch, lát đá...

Chương V

HỖ TRỢ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CỐNG THOÁT NƯỚC

Điều 12. Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách tỉnh

1. Định mức khoán gọn bình quân để xây dựng, hoàn thiện công trình thoát nước được phê duyệt:

a) Hỗ trợ 24 triệu đồng/1 cống thoát nước ngang ϕ100cm;

b) Hỗ trợ 18 triệu đồng/1 cống thoát nước ngang ϕ 75cm;

c) Hỗ trợ 17 triệu đồng/1 cống bản 75x75cm;

d) Hỗ trợ 12 triệu đồng/1 cống bản 50x50cm;

đ) Trường hợp đặt ống thép ϕ 150mm, dày 3mm trở lên, đặt ở chiều sâu so với mặt đường tối thiểu là 30cm: Hỗ trợ 0,5 triệu đồng/m dài ống.

2. Hỗ trợ xi măng gia cố rãnh thoát nước dọc bằng bê tông xi măng (đối với rãnh mặt cắt hình thang kích thước 40x40x80cm, chiều dày 15cm) tại những đoạn đường có độ dốc dọc ≥ 10% và chiều dài đoạn rãnh ≥ 20m là 6,28 tấn/100m dài

Điều 13. Nội dung và mức hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện

1. Thiết kế, giám sát, hướng dẫn thi công các công trình thoát nước (cống, rãnh).

2. Hỗ trợ vật liệu cát, đất để xây dựng hoàn thiện rãnh thoát nước thông qua việc huy động các nguồn lực kết hợp với ngân sách của huyện.

Điều 14. Nhân dân thực hiện

Bàn bạc để tự giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện triển khai thi công hoàn thiện các công trình thoát nước (cống, rãnh) theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả vốn đầu tư.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Căn cứ vào nội dung, mức hỗ trợ của chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại quy định này, UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 50/2016/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/07/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nguyễn Văn Vịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2016
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản