Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2018/NQ-HĐND

Bình Định, ngày 07 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SỬA CHỮA, MỞ RỘNG MẶT ĐƯỜNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH VÀ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG KẾT NỐI QUỐC LỘ 1 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH, GIAI ĐOẠN 2019 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XII KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 06 năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải về việc quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ;

Xét Tờ trình số 146/TTr-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án Sửa chữa, mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh và các tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 56/BCTT-KTNS ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Sửa chữa, mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh và các tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2020, với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh từ 3,5m lên 5,5m với tổng chiều dài là 59,065 Km.

2. Sửa chữa định kỳ mặt đường các tuyến đường tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp nặng, hoàn thiện hệ thống thoát nước và an toàn giao thông trên tuyến với tổng chiều dài là 34,49 Km.

3. Cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài là 10,29 Km.

(Chi tiết có đề án kèm theo)

4. Nhu cầu vốn thực hiện Đề án trong giai đoạn 2019 - 2020 là 243.579.000.000 đồng (Hai trăm bốn mươi ba tỷ, năm trăm bảy mươi chín triệu đồng).

5. Nguồn vốn: Vốn ngân sách tỉnh, vốn sự nghiệp kinh tế, vốn hỗ trợ của Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Thời gian thực hiện: Năm 2019 - 2020.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Khóa XII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Tùng

 

ĐỀ ÁN

SỮA CHỮA, MỞ RỘNG MẶT ĐƯỜNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH VÀ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG KẾT NỐI QUỐC LỘ 1 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH, GIAI ĐOẠN 2019 - 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định)

MỤC LỤC

Phần I: MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết của việc xây dựng đề án

2. Mục tiêu xây dựng đề án

3. Ý nghĩa thực tiễn

4. Căn cứ pháp lý

Phần II: THỰC TRẠNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH, CÁC TUYẾN ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG KẾT NỐI QUỐC LỘ 1 VÀ TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

1. Hiện trạng các tuyến đường tỉnh (tính đến hết năm 2017)

1.1. Đường tỉnh 629 (Bồng Sơn - An Lão)

1.2. Đường tỉnh 630 (Hoài Đức - Kim Sơn)

1.3. Đường tỉnh 631 (Nhơn Hưng - Phước Thắng)

1.4. Đường tỉnh 632 (Phù Mỹ - Bình Dương)

1.5. Đường tỉnh 633 (Chợ Gồm - Đề Gi)

1.6. Đường tỉnh 634 (Hòa Hội - Hội Sơn)

1.7. Đường tỉnh 636 (Gò Bồi - Bình Nghi)

1.8. Đường tỉnh 637 (Vườn Xoài - Vĩnh Sơn)

1.9. Đường tỉnh 638 (Chương Hòa - Long Vân)

1.10. Đường tỉnh 639 (Quy Nhơn - Tam Quan)

1.11. Đường tỉnh 640 (Ông Đô - Cát Tiến)

2. Hiện trạng các tuyến đường địa phương kết nối quốc lộ 1

2.1. Đường ĐT. 635 cũ (giao quốc lộ 1 tại Km1196+600)

2.2. Đường ĐT.636A (giao quốc lộ 1 cũ tại Km1206+100)

2.3. Đường Trần Quang Diệu (giao đường tránh quôc lộ 1 thị trấn Phù Mỹ tại KM6+400)

2.4. Đường cầu Chui - La Vuông (ĐH.01) (giao quốc lộ 1 cũ tại Km1126+350)

2.5. Đường Chu Văn An (giao đường tránh quốc lộ 1 thị trấn Phù Mỹ tại Km5+022)

3. Tình hình đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh từ năm 2015 đến 2018 và các dự án đã có kế hoạch triển khai trong năm 2019.

Phần III: KẾ HOẠCH SỬA CHỮA, MỞ RỘNG MẶT ĐƯỜNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH VÀ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG KẾT NỐI QUỐC LỘ 1 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2019 - 2020

1. Nội dung thực hiện

1.1. Mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh từ 3,5m lên 5,5m

1.2. Sửa chữa định kỳ mặt đường các tuyến đường tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp nặng, hoàn thiện hệ thống thoát nước và ATGT

1.3. Cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối QL1 trên địa bàn tỉnh Bình Định

2. Nhu cầu vốn

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Về thực hiện kế hoạch

3.2. Về nguồn vốn

3.3. Về kỹ thuật

3.3.1. Giải pháp thiết kế mặt đường

3.3.2. Giải pháp thiết kế rãnh thoát nước (rãnh dọc)

3.3.3. Giải pháp thiết kế cầu bản hộp

3.3.4. Sửa chữa định kỳ công trình đường

3.3.5. Sửa chữa công trình cầu

4. Về tăng cường công tác quản lý, bảo trì công trình

Phần IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Phần V: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO

 

Phần I: MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết của việc xây dựng đề án

Trong những năm qua, ngành GTVT tỉnh Bình Định luôn thể hiện vai trò ngành kỹ thuật quan trọng, luôn đi trước “mở đường” cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhiều tuyến đường, cây cầu, sân bay, bến cảng... liên tục được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trên toàn địa bàn tỉnh đã tạo ra những “mạch máu” giao thông quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, do nguồn vốn của tỉnh còn khó khăn, nên chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng mới một số công trình quan trọng, trọng điểm, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo trì, sửa chữa định kỳ các tuyến đường. Vì vậy, các tuyến đường tỉnh sau một thời gian đưa vào khai thác sử dụng đến nay đã quá thời gian trung tu, đại tu nhưng chưa được sửa chữa kịp thời nên đã hư hỏng xuống cấp. Mặt khác, một số đoạn tuyến có mặt đường nhỏ hẹp (Bmặt=3,5m) chỉ đủ 1 làn xe lưu thông nên khi các xe chạy ngược chiều tránh nhau phải đi vào phần lề đất gây hư hỏng kết cấu lề đường dần dần phá hỏng kết cấu mặt đường, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn giao thông.

Cùng với tuyến đường tỉnh, các tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1 có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, vì tuyến đường Quốc lộ 1 là trục giao thông trọng yếu, xuyên suốt Bắc - Nam, không những giúp kết nối các địa phương với nhau, đảm bảo cho hàng hóa được vận chuyển kịp thời từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho các vùng, cũng như địa phương có tuyến đường đi qua. Các tuyến đường kết nối Quốc lộ 1 này, bao gồm các đoạn đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, có lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến lớn nhưng quy mô lại nhỏ hẹp, chỉ đạt tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng, với bề rộng nền đường Bn=6,5m và bề rộng mặt đường Bmặt=3,5m. Đồng thời, các tuyến đường này đều được đầu tư xây dựng từ lâu (giai đoạn năm 2001 - 2005), kết hợp với việc tận dụng để vận chuyển vật liệu, phục vụ thi công Quốc lộ 1 nên đến nay đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Hơn nữa, Bình Định là tỉnh nằm trong vùng duyên hải Nam Trung bộ có đặc điểm khí hậu của Đông Trường Sơn nên thường xuyên có mưa lớn, lũ lụt và hứng chịu nhiều cơn bão lớn vào những tháng cuối năm làm cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng và nhanh xuống cấp. Trong khi các phương tiện lưu thông ngày càng phát triển cả về số lượng và tải trọng dẫn đến nhiều tuyến đường chưa đáp ứng đủ khả năng thông hành, gây khó khăn trong lưu thông, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Từ các lý do như trên, để có kế hoạch cụ thể trong việc triển khai cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối quốc lộ 1, đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ bề rộng mặt đường đủ 5,5m, cải tạo mặt đường, xây dựng hoàn thiện hệ thống công trình thoát nước, hệ thống an toàn giao thông trên hệ thống đường tỉnh góp phần nâng cao năng lực thông hành, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, giúp người dân đi lại được thuận lợi, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thì việc lập Đề án “Sửa chữa, mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh và các tuyến đường địa phương kết nối quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2020” là cần thiết.

2. Mục tiêu xây dựng đề án

- Duy tu bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh đảm bảo thông suốt êm thuận.

- Đối với các tuyến đường tỉnh: đến năm 2020 mở rộng mặt đường đạt 5,5m là 59,065km nâng tổng số km mặt đường đạt 5,5m là 431,008km, chiếm 96,49%; xây dựng 3 cầu thay thế 3 tràn thường xuyên ngập nước (tràn Hoài Phú, An Xuyên 1, An Xuyên 2), cải thiện mặt đường những đoạn đã đủ 5,5m nhưng hư hỏng là 34,49km.

- Đối với các tuyến đường địa phương kết nối QL.1 trên địa bàn tỉnh Bình Định: đến năm 2020 cải tạo, sửa chữa 5 tuyến với chiều dài 10,29km.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống ATGT trên các tuyến đường tỉnh để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

3. Ý nghĩa thực tiễn

- Giúp cho các tuyến đường tỉnh, các tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1 luôn duy trì tình trạng hoạt động bình thường, đảm bảo giao thông thông suốt, tăng tuổi thọ công trình; nâng cao năng lực thông hành, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông qua đó giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông xảy ra.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

- Có kế hoạch cụ thể để tập trung nguồn lực trong việc sửa chữa, mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh và các tuyến đường địa phương kết nối quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Định phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân.

4. Căn cứ pháp lý

- Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014;

- Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

- Nghị định số 46/2015/NĐ-CP , ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

- Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/03/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng;

- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng về việc quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

- Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ Giao thông Vận tải về việc quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ;

- Quyết định số 3507/QĐ-UBND ngày 8/10/2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 59/2017/QĐ-UBND ngày 19/10/2017 của UBND tỉnh Bình Định về việc điều chỉnh số hiệu hệ thống đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Phần II:

THỰC TRẠNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH, CÁC TUYẾN ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG KẾT NỐI QUỐC LỘ 1 VÀ TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

1. Hiện trạng các tuyến đường tỉnh (tính đến hết năm 2017)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 11 tuyến đường tỉnh đang được khai thác sử dụng với tổng chiều dài là 446,68km. Trong đó: Mặt đường BTN dài 216,46km, chiếm 48,46%, Mặt đường BTXM dài 230,22km, chiếm 51,54%. Mặt đường có bề rộng 3,5m dài 170,52km, chiếm 38,17%.

Công trình thoát nước trên tuyến: có 263 công trình cầu với kết cấu chủ yếu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép liên hợp, nhiều cầu đã được xây từ lâu với tải trọng thấp, khổ cầu hẹp và một số cầu đang bị xuống cấp nên chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển của địa phương, cụ thể từng tuyến như sau:

1.1. Đường tỉnh 629 (Bồng Sơn - An Lão):

ĐT.629 có điểm đầu giao Quốc lộ 1 tại Km1144 thuộc địa phận thị trấn Bồng Sơn - huyện Hoài Nhơn, điểm cuối tại thị trấn An Lão, đi qua 3 huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão. Tổng chiều dài tuyến 31,2km đạt cấp V-VI theo từng đoạn, trong đó có 19,127km kết cấu BTN còn lại bằng BTXM, mặt đường rộng 3,5m dài 11,539km, đi qua địa bàn 3 xã là Ân Mỹ dài 1,832km, Ân Hảo dài 7,887km của huyện Hoài Ân, An Tân của huyện An Lão dài 1,820. Hiện nay, trên tuyến có đoạn Đoạn Km5+859 - Km29+667 dài 23,81km đã được xây dựng từ lâu, mặt đường hư hỏng xuống cấp và có 4 vị trí thường xuyên bị ngập nước gây ách tắc giao thông và đã được đưa vào Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền trung - tỉnh Bình Định” để sửa chữa mặt đường và xây dựng cống thoát nước thay thế các đoạn tràn.

- Toàn tuyến có 14 công trình cầu, trong đó 7 cầu thuộc cầu yếu, khổ hẹp: Cầu Bến Muồng Km5+850, cầu Ông Mô Km12+850, cầu Đốc Tiền Km22+502, cầu Suối Bà Nhỏ 2 Km19+270, cầu An Lão Km 25+527, cầu Xóm Vạn Km27+503, cầu Sông Vố Km29+660; 7 cầu còn lại trong tình trạng bình thường:

- Dự báo Khi hồ Đồng Mít khởi công xây dựng thì có khả năng tuyến đường sẽ xuống cấp nhanh do lưu lượng xe tăng đột biến để vận chuyển vật liệu, cũng như thiết bị xây dựng công trình. Vì vậy, cần có nguồn kinh phí dự phòng để triển khai công tác duy tu sửa chữa, gia cố các công trình thoát nước cho phù hợp, tránh làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế địa phương.

1.2. Đường tỉnh 630 (Hoài Đức - Kim Sơn)

Đường tỉnh 630 có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km1148+030 thuộc địa phận xã Hoài Đức - huyện Hoài Nhơn, điểm cuối tại xã Ân Nghĩa - huyện Hoài Ân. Tổng chiều dài tuyến 22,85km đạt đường cấp VI, trong đó mặt đường kết cấu BTN là 14,66km còn lại là kết cấu BTXM. Tuyến đường đã được đầu tư sửa chữa cơ bản, toàn tuyến đều được mở rộng mặt đủ 5,5m, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận tải hàng hóa của địa phương.

Trên tuyến có 05 công trình cầu trong đó 1 cầu xây dựng trước năm 1976 là cầu Xéo (Km20+560) đã bị xuống cấp hư hỏng nặng. Các công trình khác hoạt động bình thường.

1.3. Đường tỉnh 631 (Nhơn Hưng - Phước Thắng)

Đường tỉnh 631 trước đây là ĐT.636A, điểm đầu giáp Quốc lộ 1 cũ tại ngã ba Bến Xe ngựa thuộc phường Nhơn Hưng thị xã An Nhơn, điểm cuối giáp với tỉnh lộ ĐT.640 thuộc địa phận xã Phước Thắng huyện Tuy Phước. Tổng chiều dài tuyến 15,2km, mặt đường BTN dài 8,65km còn lại kết cấu bằng BTXM. Tuyến đường đã được đầu tư sửa chữa cơ bản, toàn tuyến đều được mở rộng mặt đủ 5,5m đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân và vận tải hàng hóa của địa phương. Hiện nay, trên tuyến có đoạn Km9+340 - Km10+00 dài 0,66km kết cấu BTN; Km14+00 - Km15+200 dài 1,2km kết cấu BTXM đã được xây dựng từ lâu, mặt đường hư hỏng xuống cấp và đã được đưa vào dự án thành phần Sửa chữa nâng cấp một số đường tỉnh bị hư hỏng nặng thuộc dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định để sửa chữa định kỳ.

Trên tuyến có 9 công trình cầu đang trong tình trạng hoạt động bình thường,

1.4. Đường tỉnh 632 (Phù Mỹ - Bình Dương)

Đường tỉnh 632 có 2 đoạn, đoạn thứ nhất giao với Quốc lộ 1 tại Km1176+480 đi từ thị trấn Phù Mỹ tới xã Mỹ Chánh huyện Phù Mỹ dài 9,8km, đoạn thứ hai giao với Quốc lộ 1 tại Km1161+740 đi từ thị trấn Bình Dương tới ngã ba Mỹ An huyện Phù Mỹ dài 8,9km. Tổng chiều dài 2 đoạn tuyến là 18,7km trong đó mặt đường BTN dài 4,306km còn lại là mặt đường BTXM, mặt đường 3,5m dài 1,675km, đi qua địa bàn Thị trấn Phù Mỹ dài 0,104 km; xã Mỹ An dài 0,527km; xã Mỹ lợi dài 1,044 km. Hiện nay, đang triển khai sửa chữa, mở rộng mặt đường trên các đoạn tuyến này và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Như vậy, sau khi dự án hoàn thành thì toàn tuyến đều được mở rộng mặt đủ >=5,5m đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận tải hàng hóa của địa phương. Tuy nhiên, một số đoạn như: đoạn Km0+00 - Km7+050;

Km29+081 - Km32+030; Km32+900 - Km33+450 đã được đầu tư xây dựng từ lâu, mặt đường hư hỏng xuống cấp, cần phải sửa chữa định kỳ trong thời gian đến để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Về công trình thoát nước: trên tuyến có 7 cầu, trong đó: 01 cầu xây dựng năm 1986 đang xuống cấp cần được xây dựng mới: cầu Chánh Giáo Km24+360; 02 cầu xây dựng trước năm 1994 đã bị hư hỏng cục bộ, cần sửa chữa định kỳ: cầu Kiệm Km25+350, cầu Tánh Km31+010; 04 cầu còn lại được xây dựng trước năm 2000 hiện đang khai thác bình thường.

1.5. Đường tỉnh 633 (Chợ Gồm - Đề Gi)

Đường tỉnh 633 có điểm đầu giao Quốc lộ 1 tại Km1188+800 (ngã ba Chợ Gồm - huyện Phù Cát) đi theo hướng Đông Bắc qua các xã phía Đông huyện Phù Cát là Cát Hanh, Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh và kết thúc tại cảng Đề Gi - huyện Phù Cát. Tổng chiều dài tuyến 20,65km đạt cấp VI đồng bằng, mặt đường BTN dài 19,38km còn lại 1,27km kết cấu bằng BTXM; mặt đường 3,5m dài 13,79km, đi qua địa bàn 3 xã là xã Cát Tài dài 5,669km; Cát Minh dài 6,856; Cát Khánh dài 1,268km. Hiện nay, đang triển khai sửa chữa, mở rộng mặt đường trên các đoạn tuyến này và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Như vậy, sau khi dự án hoàn thành thì toàn tuyến đều được mở rộng mặt đủ >=5,5m đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận tải hàng hóa của địa phương.

Hệ thống thoát nước trên tuyến: Toàn tuyến có 13 cầu, trong đó có 6 cầu trong tình trạng bình thường, 6 cầu hư hỏng cục bộ cần sửa chữa định kỳ, 1 cầu yếu đặc biệt nghiêm trọng là cầu Ngòi tại Km19+350 dài 135m, hiện trạng cầu nằm trong môi trường nước mặn nên nhiều bộ phận kết cấu như mố trụ bị xâm thực ăn mòn cốt thép rất nguy hiểm.

1.6. Đường tỉnh 634 (Hòa Hội - Hội Sơn)

Đường tỉnh 634 có điểm đầu giao Quốc lộ 1 tại Km1192+350 thuộc địa phận xã Cát Hanh - huyện Phù Cát, đi theo hướng Tây Bắc qua các xã phía Tây huyện là Cát Hanh, Cát Lâm, Cát Sơn và điểm cuối tuyến nằm ở hồ chứa nước Hội Sơn - huyện Phù Cát. Tuyến có chiều dài 17,91km đạt cấp VI đồng bằng, mặt đường BTN dài 6,74km còn lại là mặt BTXM; mặt đường 3,5m dài 8,61km đi qua địa bàn 2 xã là xã Cát Lâm dài 2,7 km; Cát Sơn dài 5,91km. Trên tuyến có 2 dự án đang triển khai mở rộng mặt đường và sẽ hoàn thành trong năm 2018. Như vậy, sau khi các dự án mở rộng mặt đường hoàn thành thì toàn tuyến sẽ có mặt đường >=5,5m đảm bảo 2 làn xe lưu thông trên tuyến. Đoạn Km0+00 - Km2+500 mặt đường BTXM bị trơ đá đã, cần phải sửa chữa định kỳ trong thời gian đến để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Các công trình thoát nước trên tuyến: Toàn tuyến có 18 công trình cầu. Trong đó, Cầu Dịch Nghi đang được xây dựng mới do bị sập trong trận lụt năm 2016 và dự kiến hoàn thành trong năm 2018, các cầu khác hoạt động bình thường.

1.7. Đường tỉnh 636 (Gò Bồi - Bình Nghi)

Đường tỉnh 636 (Gò Bồi - Bình Nghi) trước đây là ĐT.636B, có điểm đầu tại cầu Gò Bồi xã Phước Hòa - huyện Tuy Phước đi qua xã Phước Quang, Phước Hưng - huyện Tuy Phước, phường Bình Định, xã Nhơn Khánh, Nhơn Phúc - thị xã An Nhơn và có điểm cuối tại xã Bình Nghi - huyện Tây Sơn. Tổng chiều dài tuyến 27,6km đạt cấp VI, trong đó có 12,12km kết cấu BTN còn lại kết cấu bằng BTXM. Hiện chỉ còn đoạn từ Km21+350 - Km27+600 dài 6,25km mặt đường 3,5m, đoạn này đi qua khu vực đông dân cư thuộc địa phận xã Nhơn Phúc thuộc Thị Xã An Nhơn và xã Bình Nghi huyện Tây Sơn. Hiện nay, đang triển khai sửa chữa, mở rộng mặt đường trên đoạn tuyến này và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Như vậy, sau khi các dự án mở rộng mặt đường hoàn thành thì toàn tuyến sẽ có mặt đường >=5,5m đảm bảo 2 làn xe lưu thông trên tuyến. Tuy nhiên, 5km đầu của tuyến nằm trong vùng ngập lũ của huyện Tuy Phước nên mùa lũ giao thông thường xuyên bị gián đoạn trong vài ngày. Đoạn Km12+480 - Km22+100, mặt đường BTXM B= 5,5m đã được đầu tư xây dựng từ năm 2005, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp cần phải sửa chữa định kỳ trong thời gian đến để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Công trình thoát nước trên tuyến: Toàn tuyến có 19 công trình cầu lớn nhỏ kết cấu bằng BTCT đang hoạt động bình thường.

1.8. Đường tỉnh 637 (Vườn Xoài - Vĩnh Sơn)

Đường tỉnh 637 có điểm đầu giao với Quốc lộ 19 tại Km57+500 (ngã ba Vườn Xoài - xã Tây Thuận - huyện Tây Sơn), theo hướng Bắc đi qua hai huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh, điểm cuối tại hồ A thủy điện Vĩnh Sơn. Tổng chiều dài tuyến 62,5km, trong đó có 5,22km (đoạn từ Km52+607 - Km57+907) là đường chuyên dụng phục vụ khai thác vận hành nhà máy thủy điện Trà Xom do Công ty cổ phần thủy điện Trà Xom quản lý. Sở GTVT Bình Định trực tiếp quản lý là 57,28km, trong đó mặt đường BTN là 15,47/57,28km còn lại bằng BTXM), mặt đường 3,5m dài 21,72km đi qua địa bàn xã Vĩnh Sơn. Đang triển khai sửa chữa, mở rộng mặt đường đoạn Km30+300 - Km31+00 và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Như vậy, sau khi dự án mở rộng mặt đường hoàn thành thì toàn tuyến sẽ còn 20,09km mặt đường rộng 3,5m đi qua địa bàn xã Vĩnh Sơn. Hiện nay, trên tuyến có đoạn Km0+00 - Km3+800 mặt đường BTN B= 6m qua xã Tây Thuận huyện Tây Sơn; Đoạn Km11+300 - Km13+500 mặt đường BTXM thảm nhựa tăng cường B= 6m qua xã Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Thạnh huyện Vĩnh Thạnh được đầu tư xây dựng năm 2007 hiện đang bị rạng nứt mặt cần phải được sửa chữa định kỳ.

Toàn tuyến có 24 công trình cầu lớn nhỏ được xây dựng bằng kết cấu BTCT và bê tông liên hợp, trong đó cầu Suối Xem tại Km12+650 dài 168m khổ cầu 5m chỉ đủ 1 xe lưu thông qua lại, vào mùa lũ cầu bị ngập hoàn toàn gây ách tắc giao thông nên cần được đầu tư xây dựng mới (Hiện nay công trình này đang được đề xuất đưa vào dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM), tỉnh Bình Định thuộc dự án thành phần BD-01: Sửa chữa, nâng cấp tuyến đường giao thông liên huyện Vĩnh Thạnh, kết nối QL.19 và huyện Kbang, tỉnh Gia Lai và nối với xã Bok Tới - cầu Suối Tem huyện Hoài Ân; sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Châu Á), 10 cầu khác xây dựng đã lâu cũng đang xuống cấp cần được sửa chữa định kỳ gồm: Cầu Cháy Km0+820, Cầu Tà Súc 2 Km11+478, Cầu Hà Rơn Km23+050, Cầu Tân An Km26+700, Cầu Cây Da 2 Km31+477, Cầu Đaklok Km45+145, Cầu Khai Thác 1 Km48+032, Cầu Khai Thác 2 Km48+830, Cầu Suối Cát Km50+385, Cầu Sơn Lang Km60+105.

1.9. Đường tỉnh 638 (Chương Hòa - Long Vân)

Đường tỉnh 638 hay còn gọi là đường phía Tây tỉnh, tên trước đây là tuyến ĐT.639B (Chương Hòa - Nhơn Tân). Điểm đầu tại Chương Hòa - huyện Hoài Nhơn đi dọc theo hướng Bắc - Nam qua các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn, Vân Canh, điểm cuối tại ngã ba Long Vân giáp Quốc lộ 1D tại Km1+670 thuộc địa phận phường Trần Quang Diệu thành phố Quy Nhơn. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải quản lý đoạn từ Chương Hòa - Nhơn Tân dài 113,99km (chiều dài thực tế tính cả các đoạn chồng lấn là 120,3km) kết cấu mặt đường BTN dài 49,26km còn lại bằng BTXM, trong đó mặt đường rộng 3,5m dài 72,36km. Hiện đang triển khai mở rộng mặt đường các đoạn Km3+513 - Km8+180 và Km65+298 - Km68+870; Km70+300 - Km77+00: Km82+00 - Km95+300; Km103+800 - Km106+940; Km107+240 - Km110+245 và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Như vậy, đến hết năm 2018, khi các dự án nêu trên hoàn thành thì toàn tuyến sẽ còn 35,47km mặt đường rộng 3,5m đi qua địa các địa bàn: Hoài Châu dài dài 0,67km; xã Hoài Hảo dài 14,86km thuộc huyện Hoài Nhơn; xã Ân Tín, Ân Đức huyện Hoài Ân dài 10,44km; xã Mỹ Hòa huyện Phù Mỹ dài 1km; xã Bình Thuận huyện Tây Sơn dài 8,5km. Trên tuyến có đoạn Km35+740 - Km36+680 mặt đường BTXM B= 5,5m đã được đầu tư xây dựng từ năm 2012, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp cần phải sửa chữa định kỳ trong thời gian đến để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Toàn tuyến có 76 công trình cầu lớn nhỏ kết cấu bằng BTCT: 1 cầu đang xây dựng sẽ hoàn thành trong 2018, 4 cầu khổ <5,5m cần được đầu tư mở rộng, 4 cầu bị hư hỏng cần sửa chữa định kỳ, 1 tràn trên tuyến (tràn Hoài Phú Km12+180) vào mùa mưa lũ gây ra chia cắt việc đi lại của người dân cần phải được đầu tư xây dựng cầu thay thế tràn để đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận lợi an toàn.

1.10. Đường tỉnh 639 (Quy Nhơn - Tam Quan)

Đường tỉnh 639 hay còn gọi là đường ven biển có điểm đầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội - TP.Quy Nhơn đi theo hướng Bắc qua các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, điểm cuối tại Tam Quan - huyện Hoài Nhơn. Tổng chiều dài tuyến 102km đạt đường cấp VI, trong đó 53,616km kết cấu BTN còn lại bằng BTXM; trong đó mặt đường rộng 3,5m dài 34,836km. Hiện đang triển khai mở rộng mặt đường các đoạn Km62+800 - Km64+700; Km70+800 - Km77+050; Đoạn Km95+700 - Km103+300 và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Như vậy, đến hết năm 2018, khi các dự án nêu trên hoàn thành thì toàn tuyến sẽ còn 19,18km mặt đường rộng 3,5m đi qua địa các địa bàn xã Nhơn Hội - TP. Quy Nhơn dài 10,2 km; xã Cát Tiến - huyện Phù Cát dài 2,88km; xã Mỹ An - huyện Phù Mỹ dài 6,1km. Trên tuyến có các đoạn Km44+100 - Km46+529; Km92+00 - Km94+190 mặt đường BTXM B= 5,5m đã được đầu tư xây dựng từ năm 2005, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp cần phải sửa chữa định kỳ trong thời gian đến để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Công trình thoát nước: Toàn tuyến có 44 công trình cầu lớn nhỏ xây dựng bằng kết cấu BTCT hoặc dầm thép liên hợp, trong đó:

+ Cầu Thiện Chánh dài 45m tại Km103+850, thuộc huyện Hoài Nhơn nằm trong vùng nước mặn đã xây dựng từ trước năm 1986 đến nay xuống cấp nghiêm trọng và UBND tỉnh đã có chủ trương cho xây dựng mới cầu này. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn, nên đến nay cầu chưa được triển khai xây dựng.

+ Cầu An Mỹ dài 130m tại Km45+500, cầu An Xuyên tại Km46+20 được xây dựng từ trước năm 1987 đang bị xuống cấp trầm trọng và Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định” đã có kế hoạch xây dựng mới 2 cầu này.

+ Cầu Mỹ Chánh (cầu Đá) tại Km48+015 được xây dựng từ trước năm 1990 đang bị xuống cấp.

+ 8 cầu bị hư hỏng cần sửa chữa định kỳ, các cầu còn lại hoạt động bình thường.

+ 2 tràn thường xuyên bị ngập nước khi mưa lũ xảy ra là: An Xuyên 1, An Xuyên 2, vì vậy cần phải xây dựng cầu bản hộp để thay thế 2 tràn này để đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến.

1.11. Đường tỉnh 640 (Ông Đô - Cát Tiến)

Đường tỉnh 640 có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km1218+600 thuộc địa phận thị trấn Diêu Trì - huyện Tuy Phước, rẽ theo hướng Đông - Bắc đi qua các xã của hai huyện Tuy Phước và Phù Cát, điểm cuối giáp Quốc lộ 19B tại ngã ba Cát Tiến - huyện Phù Cát. Tổng chiều dài tuyến 19,3km đạt cấp V, VI tùy từng đoạn, trong đó 11,15km kết cấu BTN còn lại bằng BTXM. Hiện trạng mặt đường cơ bản đạt 5,5m đảm bảo 2 làn xe chạy; tuy nhiên do lưu lượng giao thông khá lớn cộng với thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt hàng năm nên tình trạng mặt đường xuống cấp nghiêm trọng nên cần sớm được sửa chữa khôi phục, nhất là đoạn từ Km11+300 - Km19+300. Trên tuyến có 11 đoạn tràn khi mùa mưa đến thì nước ngập gây ách tắc giao thông và đã được đưa vào Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền trung - tỉnh Bình Định” để sửa chữa mặt đường và xây dựng các cống thoát nước thay thế các đoạn tràn.

Về công trình thoát nước: Toàn tuyến có 27 công trình cầu lớn nhỏ xây dựng bằng kết cấu BTCT; trong đó: 1 cầu khổ hẹp (cầu Bản Km18+995), 2 cầu bị hư hỏng cần sửa chữa định kỳ, 01 cầu (cầu 20) không đảm bảo khẩu độ thoát nước đang triển khai lập thủ tục đầu tư; các cầu còn lại đang trong tình trạng khai thác bình thường;

2. Hiện trạng các tuyến đường địa phương kết nối quốc lộ 1

2.1 Đường ĐT.635 cũ (giao Quốc lộ 1 tại Km1196+600):

Đường ĐT.635 cũ có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km1196+600 (bên trái tuyến, điểm cuối giao với đường Quốc lộ 19B tại Km31+150 (ngã ba Chánh Liêm). Tuyến đi qua các địa phận thị trấn Ngô Mây, xã Cát Trinh và Cát Tường. Tổng chiều dài 7,146km, có nền đường bình quân Bnền = (6,5 - 7,0)m; mặt đường rộng Bmặt = (3,5 - 5,5)m. Tuyến đường này được đầu tư xây dựng năm 2001 nền đường rộng trung bình (6,5 - 7)m, mặt đường bằng BTN rộng 3,5m. Hiện nay, mặt đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên cần sớm được sửa chữa khôi phục.

Công trình thoát nước: Tại lý trình Km6+17,94 cống tròn Ø1000 bị hư hỏng do đợt mưa lũ 2016 phải xây dựng mới. Còn các công trình thoát nước ngang khác còn sử dụng tốt. Chưa có hệ thống thoát nước ngang đường.

2.2 Đường ĐT.636A (giao Quốc 1 cũ tại Km1206+100):

Đoạn Km0+00 - Km1+406,39 thuộc tuyến ĐT.636A trước đây, hiện nay là tuyến ĐT.631 có điểm đầu giao với Quốc lộ 1A cũ tại Km1206+100, điểm cuối tại Km1+406,39 nối vào đường tránh thị xã An Nhơn. Tuyến đi qua các địa phận xã Nhơn An. Tổng chiều dài L= 1,406km, tuyến xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp VI đồng bằng có Bnền= 6,5m; Bmặt= 5,5m. Mặt đường kết cấu BTXM bị hư hỏng nặng.

Công trình thoát nước trên tuyến: Trên tuyến có một đoạn tràn tại Km0+96,10 - Km0+217,30 bị hư hỏng nặng. Còn các công trình thoát nước ngang khác còn sử dụng tốt. Không có hệ thống rãnh thoát nước dọc tại các đoạn qua khu đông dân cư.

2.3 Tuyến đường Trần Quang Diệu: (giao đường tránh Quốc lộ 1 thị trấn Phù Mỹ tại Km6+400)

Tuyến có điểm đầu giao với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Phù Mỹ tại Km6+400 (bên trái tuyến), điểm cuối giao với tuyến Quốc lộ 1 cũ, thuộc địa bàn thị trấn Phù Mỹ. Tổng chiều dài L= 0,93km, đoạn Km0+00 - Km0+728,31: L= 728,31m bề rộng nền đường Bnền= 3,5+2x0,25 = 4m. Mặt đường bằng BTXM rộng Bmặt= 3,5m; Đoạn Km0+728.31 - Km0+933,34 dài L= 205,03m bề rộng nền đường Bnền= 3,0+2x0,25=3,5m. Mặt đường BTXM rộng Bmặt= 3m.

Công trình thoát nước trên tuyến: Trên tuyến chưa xây dựng hệ thống thoát nước dọc, các đoạn qua khu dân cư nước ứ đọng trên mặt đường gây hư hỏng nền mặt đường. Thoát nước ngang đường bao gồm 3 cống vuông KT:(1.0x1.0)m và 1 cống tròn Ø40cm đã bị hư hỏng do đợt mưa lũ 2016.

2.4. Tuyến cầu Chui - La Vuông (ĐH.01) (giao Quốc lộ 1 cũ tại Km1126+350)

Tuyến đường Cầu Chui - La Vuông có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 cũ tại Km1126 +350, điểm cuối tuyến kết nối các xã phía Tây Bắc huyện Hoài Nhơn. Tổng chiều dài 2,632km, hiện trạng mặt đường bằng bê tông xi măng có Bmặt= 3,5m, Bnền= 6,5m. Qua thời gian sử dụng, mặt đường trên tuyến đã bị hư hỏng, xuất hiện nhiều ổ gà, mặt đường bong tróc trên diện rộng.

Công trình thoát nước trên tuyến: Tại vị trí đầu tuyến rãnh dọc đậy đan thuộc QL.1A đan kích thước 60x100x15cm đã bị hư hỏng nứt gãy, cần đầu tư xây dựng mới. Trên tuyến có: 14 cống và 2 cầu bản L=6m, L=4m và hệ thống rãnh dọc L=153,7m với kết cấu rãnh xây đá chẻ, đảm bảo thoát nước không gây ứ đọng nước mặt đường.

2.5 Tuyến đường Chu Văn An (giao với đường tránh Quốc lộ 1 tại Km5+022):

Tuyến Chu Văn An có điểm đầu giao với tuyến đường tránh QL.1 đoạn qua thị trấn Phù Mỹ tại Km5+022 (bên trái tuyến). Điểm cuối nối vào tuyến đường tỉnh ĐT.632, nằm trên địa bàn huyện Phù Mỹ. Tổng chiều dài 1,664km, Đoạn Km0+00 - Km1+163,51: L= 163,51m bề rộng nền đường Bnền= 9m. Mặt đường bằng BTXM rộng 6m; Đoạn Km1+163,51 - Km1+430,07 có chiều dài L= 266,56m bề rộng nền đường Bnền= 19,6m. Mặt đường bằng BTXM rộng 11m; Đoạn Km1+430,07 - Km1+664,40: L= 234,33m bề rộng nền đường Bnền= 16m. Mặt đường bằng BTXM rộng Bmặt= 12m.

Công trình thoát nước trên tuyến: Trên tuyến đã xây dựng hệ thống thoát nước dọc L= 995m tại một số đoạn qua khu dân cư, tuy nhiên bên cạnh vẫn còn một số đoạn chưa có hệ thống thoát nước dọc và gây ứ đọng trên mặt đường. Có 2 cống vuông KT:(1.0x1.0)m còn đang sử dụng tốt.

3. Tình hình đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh từ 2015 đến 2018 và các dự án đã có kế hoạch triển khai trong năm 2019

Từ năm 2015 đến năm 2018, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau Sở GTVT đã đầu tư sửa chữa và mở rộng mặt đường từ 3,5m lên 5,5m là 195,15/446,68km mặt đường, chiếm 43,69%; xây dựng mới 6 công trình cầu gồm 2 cầu bản và 4 cầu dầm bằng BTCT, với tổng kinh phí 371,2 tỷ đồng (trong đó: vốn ODA 119 tỷ đồng; vốn ngân sách tập trung + Sự nghiệp kinh tế 42,2 tỷ đồng, khắc phục bão lụt 40 tỷ đồng, Quỹ bảo trì đường bộ 170 tỷ đồng) đã giúp cho người dân đi lại được thuận lợi hơn, góp phần phát triển kinh tế địa phương, hạn chế tai nạn giao thông.

Hiện nay, Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định” đang có kế hoạch sữa chữa 32,01/446,68km đường tỉnh chiếm 7,17%, tổng kinh phí 121,0 tỷ đồng.

Phần III:

KẾ HOẠCH SỬA CHỮA, MỞ RỘNG MẶT ĐƯỜNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH VÀ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG KẾT NỐI QUỐC LỘ 1 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH, GIAI ĐOẠN 2019 - 2020

1. Nội dung thực hiện

1.1. Mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh từ 3,5m lên 5,5m dài 59,065km:

Tính đến hết năm 2018, sau khi trừ các đoạn tuyến đã có trong các dự án đã và đang chuẩn bị triển khai thì hệ thống đường tỉnh vẫn còn 74,74/446,68km có mặt đường 3,5m, trong đó tập trung ở 3 tuyến: ĐT.637: 20,09km; ĐT.638: 35,47km; ĐT.639: 19,18km.

Hiện nay, do nguồn kinh phí khó khăn nên trong năm 2019, 2020 ưu tiên xây dựng mở rộng mặt đường các đoạn qua khu dân cư đông đúc và nhiều phương tiện lưu thông. Vì vậy trong 3 tuyến đường nói trên, thì đối với tuyến ĐT.638 (đường phía Tây tỉnh), ĐT.639 (Đường ven biển) là các tuyến đường quan trọng của tỉnh cần phải mở rộng mặt đường các đoạn còn lại đạt 5,5m và được sắp thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện trong năm 2019, 2020. Riêng tuyến ĐT637, đoạn từ giao với Quốc lộ 19 tại Km57+500 (ngã ba Vườn Xoài - xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) đến Trung tâm huyện Vĩnh Thạnh đã được đầu tư mở rộng mặt ≥ 5,5m đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, đoạn còn lại có mặt đường 3,5m chủ yếu là đi qua xã Vĩnh Sơn có mật độ dân cư thấp và phương tiện đi lại chủ yếu là vận chuyển lâm sản. Do vậy nên trong năm 2019, chỉ triển khai sửa chữa và mở rộng mặt đường 4,418km đoạn từ Km58+082 - Km62+500 qua trung tâm xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh đang bị hư hỏng, các đoạn còn lại dài 15,672km sẽ triển khai mở rộng mặt đường sau 2020 khi nguồn vốn cho phép, cụ thể như sau:

*Năm 2019: L=29,065km, gồm:

- Tuyến ĐT.639 mở rộng mặt đường 6,1km: Đoạn từ Km64+700 - Km70+800 qua xã Mỹ An - huyện Phù Mỹ.

- Tuyến ĐT.638 mở rộng mặt đường 18,547km, gồm 6 đoạn: Đoạn từ Km9+133

- Km9+800 dài 0,667km, qua xã Hoài Châu huyện Hoài Nhơn; Đoạn từ Km15+150 - Km15+650 dài 0,5km, qua xã Hoài Phú huyện Hoài Nhơn; Đoạn từ Km16+750 - Km20+080 dài 3,33km, qua xã Hoài Hảo, Hoài Thanh Tây huyện Hoài Nhơn; Đoạn Km28+500 - Km31+110 dài 2,61km qua Thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Ân Mỹ huyện Hoài Ân; Đoạn từ Km37+00 - Km47+440 dài 10,44km, qua xã Ân Tín, Ân Đức huyện Hoài Ân; Đoạn từ Km77+00 - Km78+00 dài 1km, qua xã Mỹ Hòa huyện Phù Mỹ.

- Tuyến ĐT.637 mở rộng mặt đường 4,418km: Đoạn từ Km58+082 - Km62+500 qua trung tâm xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh.

*Năm 2020: L=30,00km, gồm:

- Tuyến ĐT.638 mở rộng mặt đường 16,92km, gồm 2 đoạn: Đoạn từ Km20+080 - Km28+500 dài 8,42km, qua xã Hoài Thanh Tây, Hoài Tân và Thị trấn Bồng Sơn huyện Hoài Nhơn; Đoạn từ Km95+300 - Km103+800 dài 8,5km, qua xã Bình Thuận huyện Tây Sơn.

- Tuyến ĐT.639 mở rộng mặt đường 13,08km: Đoạn từ Km0+00 - Km13+28 qua xã Nhơn Hội thành phố Quy Nhơn.

(Chi tiết kèm theo phụ lục số 1)

1.2. Sửa chữa định kỳ mặt đường các tuyến đường tỉnh đã hư hỏng, xuống cấp nặng, hoàn thiện hệ thống thoát nước và ATGT trên tuyến: 34,49km, cụ thể như sau:

*Năm 2019: Sửa chữa 20,17km đường và xây dựng 3 cầu bản hộp như sau:

- Tuyến ĐT.632, dài 10,55 km gồm 3 đoạn: Đoạn km0+00 - Km7+050 dài 7,05 Km, qua thị trấn Phù Mỹ, Mỹ Chánh Tây; Đoạn Km29+081 - Km32+030 dài 2,95km và đoạn Km32+900 - Km33+450 dài 0,55 qua xã Mỹ Lợi huyện Phù Mỹ, mặt đường BTXM B ≥ 5,5m đã được đầu tư xây dựng năm 2013, hiện tại mặt đường bị bong tróc, trơ đá.

- Tuyến ĐT.636, đoạn: Km12+480 - Km22+100 dài 9,62km, qua xã Nhơn Khánh, Nhơn Phúc thị xã An Nhơn, mặt đường BTN B= 5,5m đã được đầu tư xây dựng năm 2005, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp, trơ đá, tạo ổ gà.

- Xây dựng 3 cầu bản hộp thay thế 3 tràn thường xuyên bị ngập nước gây ách tắc giao thông (tràn Hoài Phú, lý trình Km12+180, ĐT.638; tràn An Xuyên 1, lý trình Km45+900, ĐT.639; tràn An Xuyên 2, lý trình Km46+600, ĐT.639).

*Năm 2020: Sửa chữa 14,32 km gồm các đoạn sau:

- Tuyến ĐT.638, đoạn Km35+740 - Km36+680 dài 0,94km, qua xã Ân Mỹ huyện Hoài Ân, mặt đường BTXM B = 5,5m đã được đầu tư xây dựng năm 2012, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp, tạo ổ gà.

- Tuyến ĐT.634, đoạn Km0+00 - Km2+562 dài 2,56km, qua xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, mặt đường BTXM từ B = 5,5m đã được đầu tư xây dựng năm 2006, hiện tại mặt đường bị bong tróc, trơ đá.

- Tuyến ĐT.639 gồm 2 đoạn dài 4,62km: Đoạn Km44+100 - Km46+529 dài 2,43km qua xã khu đông dân cư xã Mỹ Cát huyện Phù Mỹ; đoạn Km92+00 - Km94+190 dài 2,19km qua khu đông dân cư xã Hoài Mỹ huyện Hoài Nhơn, mặt đường BTXM B = 6,0m đã được đầu tư xây dựng năm 2005, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp, bong tróc trơ đá, cần được sửa chữa.

- Tuyến ĐT.637 gồm 2 đoạn dài 6,2km: Đoạn Km0+00 - Km3+800 dài 3,8km mặt đường BTN B= 6m qua xã Tây Thuận huyện Tây Sơn; Đoạn Km11+300 - Km13+700 dài 2,4km mặt đường BTXM thảm nhựa tăng cường B= 6m qua xã Vĩnh Hảo và thị trấn Vĩnh Thạnh huyện Vĩnh Thạnh được đầu tư xây dựng năm 2007 hiện đang bị rạn nứt mặt.

(Chi tiết kèm theo phụ lục số 2)

1.3. Cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối QL.1 trên địa bàn tỉnh Bình Định, dài 10,29km, cụ thể như sau:

Do các tuyến đường kết nối đang bị hư hỏng nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, có nguy cơ mất an toàn giao thông vì vậy cần thiết phải sớm triển khai cải tạo, sửa chữa trong năm 2019 để phục vụ nhu cầu thiết thực của người dân, cụ thể như sau:

- Tuyến ĐT.635 cũ, đoạn: Km3+500 - Km7+146 dài 3,646km (từ Quốc lộ 1, tuyến tránh Phù Cát đến Quốc lộ 19B), qua xã Cát Trinh - Cát Tường huyện Phù Cát, mặt đường BTN, BTXM B= 3,5m đã được đầu tư xây dựng năm 2001, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp.

- Tuyến ĐT. 636A, đoạn: Km0+000 - Km1+406 dài 1,406km (từ Quốc lộ 1 cũ đến tuyến tránh QL.1), qua thị xã An Nhơn, mặt đường BTXM B= 5,5m đã được đầu tư xây dựng năm 2005, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp.

- Tuyến đường Trần Quang Diệu đoạn từ đường tránh QL.1 đến đường Quốc lộ 1 cũ, dài 0,94km, mặt đường bằng BTXM rộng Bmặt= 3 - 3,5m, được xây dựng đã lâu, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp bị hư hỏng.

- Tuyến Cầu Chui - La Vuông (ĐH.01) đoạn Km0+00 đến Km2+632, dài 2,632km mặt đường bằng BTXM rộng Bmặt= 3,5m, được xây dựng đã lâu, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp bị hư hỏng.

- Tuyến đường Chu Văn An (đoạn từ đường tránh Quốc lộ 1 đến tỉnh lộ ĐT.632), có chiều dài 1,664km, mặt đường bằng BTXM rộng 6m được xây dựng đã lâu, hiện tại mặt đường bị hư hỏng xuống cấp bị hư hỏng.

(Chi tiết kèm theo phụ lục số 3)

2. Nhu cầu vốn

Tổng nhu cầu vốn ước tính cần để đầu tư trong năm 2019 và 2020 là 243,579 tỷ đồng, trong đó: Mở rộng mặt đường tỉnh đạt 5,5m là 141,760 tỷ đồng; Sửa chữa định kỳ mặt đường đã hư hỏng xuống cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước và ATGT trên tuyến là 59,530 tỷ đồng; Cải tạo, Sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối với QL.1 trên địa bàn tỉnh 42,289 tỷ đồng (hoàn thành trong 2 năm).

Bảng tổng hợp nhu cầu vốn đến năm 2020

TT

Nội dung danh mục

Chi phí (triệu đồng)

2019

2020

Tổng

1

Mở rộng mặt đường tỉnh đạt 5,5m (phụ lục 6)

69.760

72.000

141.760

2

Sửa chữa định kỳ mặt đường đã hư hỏng, xuống cấp nặng, hoàn thiện hệ thống thoát nước và ATGT trên tuyến (phụ lục 7)

38.050

21.480

59.530

3

Cải tạo, Sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối với Quốc lộ 1 (phụ lục 8)

25.373

16.916

42.289

 

TỔNG:

133.183

110.396

243.579

Dự kiến các nguồn vốn: vốn ngân sách tỉnh đầu tư tập trung, vốn sự nghiệp kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Về thực hiện kế hoạch

- Trên cơ sở Đề án được phê duyệt, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư theo Luật Đầu tư công, để kịp thời triển khai thi công hoàn thành trước mùa mưa của năm sau.

- Sở GTVT tăng cường tham mưu UBND tỉnh làm việc với các Bộ, ngành Trung ương để tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện kế hoạch, cũng như làm việc với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư và các sở ngành có liên quan để tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch.

- Sở GTVT làm việc với các địa phương có liên quan đến các dự án trong đề án, tích cực phối hợp với các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án cũng như chủ trì tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB (nếu có), tuyên truyền vận động người dân đồng thuận trong việc triển khai dự án trên địa bàn.

3.2. Về nguồn vốn

- Đa dạng hóa việc huy động mọi nguồn lực, ưu tiên đầu tư các tuyến đường có mặt đường nhỏ hẹp bị hư hỏng nặng.

- Ngoài các nguồn vốn như: Ngân sách tỉnh đầu tư tập trung, sự nghiệp kinh tế, cần tranh thủ mọi nguồn vốn khác như vốn vay, vốn ODA...

- Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để đầu tư xây dựng các công trình trong năm 2019, 2020 theo kế hoạch vì các công trình này mang tính cấp bách và cần thiết.

3.3. Về kỹ thuật

Do đặc trưng về điều kiện khí hậu, vị trí địa lý, địa hình, địa vật của các tuyến tỉnh lộ là khác nhau nên khi tiến hành công tác thiết kế sẽ căn cứ vào hồ sơ khảo sát của đoạn tuyến và từ đó áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế phù hợp mang tính khả thi, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện.

3.3.1 Giải pháp thiết kế mặt đường

* Đối với mặt đường mở rộng đạt 5,5m:

• Mặt đường BTXM:

- Mặt đường mở rộng đổ BTXM M300 đá 2x4 dày 22cm.

- Đáy khuôn đường lót lớp giấy dầu và lu lèn tăng cường đạt độ chặt K98 dày 30cm.

• Mặt đường BTN:

- Mặt đường mở rộng đổ BTXM M250 đá 2x4 dày 20cm.

- Đáy khuôn đường lót lớp giấy dầu và lu lèn đạt độ chặt K98 dày 30cm.

- Thảm lớp BTN C19 dày 5cm trên phần mở rộng và trên mặt cũ.

* Sửa chữa mặt đường cũ bị hư hỏng:

• Mặt đường BTXM:

- Đào bỏ mặt đường bị hư hỏng, vận chuyển đổ đi.

- Lu lèn tăng cường đáy khuôn đạt độ chặt K98 dày 30cm, lót lớp giấy dầu đáy khuôn.

- Đổ BTXM xử lý hư hỏng mặt đường M300 đá 2x4 dày 22cm.

• Mặt đường BTN:

- Cắt mặt, đào bỏ mặt đường bị hư hỏng, vận chuyển đổ đi.

- Đào khuôn đường, xây dựng lớp móng CPĐD loại I Dmax=25mm dày 20cm.

- Thảm lớp BTN C19 dày 8cm hoàn trả mặt đường.

3.3.2. Giải pháp thiết kế rãnh thoát nước (rãnh dọc)

Rãnh dọc được xây dựng để thoát nước mưa từ mặt đường, lề đường, taluy nền đường đào. Kích thước rãnh được thiết kế theo định hình, không cần tính toán thủy lực. Tiết diện rãnh hình thang hoặc hình chữ nhật, độ dốc rãnh không được nhỏ hơn 0,3% để tránh ứ đọng bùn cát. Các đoạn qua khu dân cư thiết kế rãnh có tấm đan che kín và bố trí hệ thống giếng thu nước mưa.

3.3.3. Giải pháp thiết kế Cầu bản hộp:

- Quy mô: Xây dựng vĩnh cữu bằng BTCT.

- Tiêu chuẩn kỹ thuật: Tải trọng thiết kế: H0,65HL93; chiều rộng mặt cầu theo bề rộng mặt đường

3.3.4. Sửa chữa định kỳ công trình đường

Công tác sửa chữa định kỳ là công tác sửa chữa hư hỏng đường bộ theo thời hạn quy định, kết hợp khắc phục một số khuyết tật của đường bộ xuất hiện trong quá trình khai thác, nhằm khôi phục tình trạng kỹ thuật ban đầu và cải thiện điều kiện khai thác của đường bộ.

3.3.5. Sửa chữa công trình cầu

Yêu cầu chung của công tác sửa chữa công trình cầu là nhằm khắc phục kịp thời những hư hỏng của các bộ phận kết cấu công trình trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn công trình và an toàn giao thông.

4. Về tăng cường công tác quản lý, bảo trì công trình

Cùng với việc đầu tư nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ cần chú trọng công tác duy tu bão dưỡng thường xuyên, theo dõi và đánh giá tính hiệu quả xây dựng từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu nhất, đảm bảo tuổi thọ công trình. Tăng cường thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác quản lý bảo trì công trình, góp phần duy trì tốt tình trạng của đường, như:

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chất lượng công tác bảo trì: Hằng tháng tiến hành công tác kiểm tra, nghiệm thu công tác quản lý sửa chữa thường xuyên theo mục tiêu chất lượng, kịp thời khắc phục hư hỏng ngay từ khi mới xuất hiện để duy trì tình trạng đường ở trạng thái tốt nhất có thể.

- Ứng dựng CNTT trong quản lý: Xây dựng hệ thông tin về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thông tin và cơ sở dữ liệu về tình hình quản lý hành lang đường bộ; ứng dụng CNTT trong việc lập và quản lý hồ sơ cầu đường.

- Ứng dụng KHKT trong sửa chữa, bảo trì: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới, tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm chỉ tiêu sử dụng nhiên liệu năng lượng và có chi phí hợp lý.

- Quản lý tải trọng xe: Tổ chức triển khai có kết quả Quyết định số 1502/QĐ-TTg ngày 11/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

- Quản lý hành lang đường bộ: Tiếp tục đẩy mạnh việc lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ và chống tái lấn chiếm, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và đơn vị chức năng về quản lý hành lang ATGT đường bộ theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020.

Phần IV: TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Để triển khai và tổ chức thực hiện Đề án một cách có hiệu quả sau khi đã được UBND tỉnh phê duyệt, các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Sở Giao thông Vận tải:

- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án sau khi được phê duyệt theo đúng quy định.

- Trên cơ sở Đề án được duyệt, tiến hành lập và trình UBND tỉnh kế hoạch sửa chữa hàng năm.

- Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hệ thống giao thông đường tỉnh.

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ hành lang an toàn giao thông và công trình giao thông trên địa bàn theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

- Chịu trách nhiệm hướng dẫn các định mức, quy định về công tác vận hành và bảo trì công trình; Quyết định thành lập hoặc giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện vận hành - bảo trì.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ; Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường bộ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tổng hợp danh mục các dự án đầu tư theo kế hoạch, để đề xuất bổ sung vào kế hoạch trung hạn 2016-2020 trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện.

- Cân đối nhu cầu vốn, đề xuất UBND tỉnh bố trí vốn Ngân sách hàng năm cho đầu tư xây dựng mở rộng mặt đường đạt 5,5m, Sửa chữa định kỳ mặt đường đã hư hỏng xuống cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước và ATGT trên tuyến đường tỉnh và Cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối QL.1 trên địa bàn tỉnh theo Đề án được phê duyệt.

Sở Tài chính:

Hằng năm, trên cơ sở khả năng cân đối nguồn thu của ngân sách để đề xuất bố trí vốn từ nguồn sự nghiệp kinh tế thực hiện Kế hoạch Sửa chữa, mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh theo dự kiến nguồn vốn được phê duyệt.

Các sở, ban, ngành khác:

Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm phối hợp thực hiện đạt mục tiêu nêu ra, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ngành và lĩnh vực.

UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường phối hợp với Sở GTVT trong công tác quản lý trật tự hành lang an toàn đường bộ; Quản lý, kiểm soát tải trọng xe.

- Hỗ trợ thực hiện công tác GPMB (nếu có) khi dự án triển khai thực hiện.

Phần V: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

I. KẾT LUẬN:

Các tuyến đường tỉnh và các tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1 là các tuyến đường rất quan trọng trong việc kết nối giữa thành thị với nông thôn, giúp cho hàng hóa được vận chuyển kịp thời từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho các vùng, cũng như địa phương có tuyến đường đi qua.

Đề án “Sửa chữa, mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh và các tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1 trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2020” đã đánh giá cụ thể hiện trạng của từng tuyến đường tỉnh và đề ra kế hoạch để từng bước triển khai xây dựng cũng như đề xuất nguồn vốn thực hiện việc mở rộng mặt đường đạt 5,5m trên các đoạn còn lại của một số tuyến đường tỉnh, sửa chữa định kỳ mặt đường đã hư hỏng xuống cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước và ATGT trên tuyến và cải tạo, sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối QL.1 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019 - 2020, góp phần duy trì tình trạng hoạt động bình thường của các tuyến, đảm bảo giao thông thông suốt, tăng tuổi thọ công trình; nâng cao năng lực thông hành, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vi vậy, việc xây dựng Đề án này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác quản lý, bảo trì sửa chữa các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, hoạch định kế hoạch qua từng năm để chủ động bố trí và huy động nguồn vốn thực hiện kịp thời.

II. KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT:

1. Để thực hiện các nội dung của kế hoạch đã nêu, trước tiên cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung - tỉnh Bình Định”. Vì các tuyến đường nằm trong dự án này đều hư hỏng xuống cấp gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Trên tuyến ĐT.629 (Bồng Sơn - An Lão) có Dự án “Hồ chứa nước Đồng Mít” sắp triển khai, đây là tuyến đường độc đạo để vận chuyển vật liệu, máy móc... đến công trình nên dự báo lưu lượng xe sẽ tăng đột biến trong thời gian này, kể cả xe quá tải, quá khổ dẫn đến tuyến đường có khả năng xuống cấp nhanh. Kính đề nghị UBND tỉnh có ý kiến đối với chủ đầu tư dự án này, đưa thêm hạng mục sửa chữa tuyến đường phục vụ thi công, để có kinh phí sửa chữa hư hỏng tuyến đường ĐT.629 và các tuyến đường địa phương (nếu có) do thi công dự án gây ra.

2. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách tỉnh khó khăn chưa triển khai xây dựng mới các cầu bị hư hỏng xuống cấp, kính đề nghị UBND tỉnh cho phép chuẩn bị đầu tư xây dựng các cầu yếu nghiêm trọng trên các tuyến đường tỉnh như báo cáo nêu trên để đẩy nhanh tiến độ thi công khi có nguồn vốn.

3. Bố trí nguồn vốn theo Đề án để mở rộng các đoạn có mặt đường 3,5m lên thành 5,5m, Sửa chữa định kỳ mặt đường đã hư hỏng xuống cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước và ATGT trên tuyến và cải tạo, Sửa chữa các tuyến đường địa phương kết nối với quốc lộ 1 nhằm duy trì tình trạng hoạt động bình thường và kéo dài tuổi thọ công trình, phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng.

4. Đối với những tuyến đường tỉnh mà địa phương mở rộng theo Quy hoạch của địa phương: đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ theo Quyết định số 43/2016/QĐ-UBND ngày 10/8/2016 về việc Ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

5. Để có cở sở triển khai các bước tiếp theo, kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án làm cơ sở thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, huy động và bố trí kế hoạch vốn hàng năm theo như nhu cầu vốn của đề án đã đề xuất./.

 

PHỤ LỤC 1

KẾ HOẠCH MỞ RỘNG MẶT ĐƯỜNG CÁC TUYẾN ĐƯỜNG TỈNH ĐẠT 5,5M

TT

Tên tuyến

Chiều dài

(km)

Chi phí

(triệu đồng)

Ghi chú

I

Kế hoạch năm 2019:

29,065

69,760

 

1

Tuyến ĐT.639:

6,100

14.640

 

 

Đoạn từ Km64+700 - Km70+800

6,100

14.640

 

2

Tuyến ĐT.638

18,547

44.513

 

 

Đoạn từ Km9+133 - Km9+800

0,667

1.601

 

 

Đoạn từ Km15+150 - Km15+650

0,500

1.200

 

 

Đoạn từ Km16+750 - Km20+080

3,330

7.992

 

 

Đoạn từ Km28+500 - Km31+110

2,610

6.264

 

 

Đoạn từ Km37+000 - Km47+440

10,440

25.056

 

 

Đoạn từ Km77+000 - Km78+00

1,000

2.400

 

3

Tuyến ĐT.637:

4,418

10.603

 

 

Đoạn từ Km58+082 - Km62+500

4,418

10.603

 

II

Kế hoạch năm 2020

30,000

72.000

 

1

Tuyến ĐT.638:

16,920

40.608

Đã trừ các đoạn tràn đủ mặt 5,5m

 

Đoạn từ Km20+080 - Km28+500

8,420

20.208

 

Đoạn từ Km95+300 - Km103+800

8,500

20.400

2

Tuyến ĐT.639:

13,080

31.392

 

Đoạn từ Km0+000 - Km13+280

13,080

31.392

TỔNG

59,065

141.760

 

 

PHỤ LỤC 2

KẾ HOẠCH SỬA CHỮA ĐỊNH KỲ MẶT ĐƯỜNG HƯ HỎNG NẶNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC VÀ ATGT

TT

Tên tuyến

Chiều dài

(km)

Chi phí

(triệu đồng)

Ghi chú

I

Kế hoạch năm 2019:

20,17

38.050

 

1

Tuyến ĐT.632:

10,55

15.824

 

 

Đoạn Km0+00 - Km7+050

7,05

10.575

 

 

Đoạn Km29+081 - Km32+030

2,95

4.424

 

 

Đoạn Km32+900 - Km33+450

0,55

825

 

2

Tuyến ĐT.636:

9,62

14.430

 

 

Đoạn Km12+480 - Km22+100

9,62

14.430

 

3

Xây dựng Cầu thay tràn An Xuyên 1, ĐT.639, lý trình Km45+900

12(m)

3.100

 

4

Xây dựng Cầu thay tràn An Xuyên 2, ĐT.639, lý trình Km46+600

6(m)

1.600

 

5

Xây dựng Cầu thay tràn Hoài Phú, ĐT. 638 lý trình Km12+180

12(m)

3.100

 

II

Kế hoạch năm 2020

14,32

21.480

 

1

Tuyến ĐT.638:

0,94

1.410

 

 

Đoạn Km35+740 - Km36+680

0,94

1.410

 

2

Tuyến ĐT.634

2,56

3.840

 

 

Đoạn Km0+00 - Km2+562

2,56

3.840

 

3

Tuyến ĐT.639:

4,62

6.629

 

 

Đoạn Km44+100 - Km46+529

2,43

3.644

 

 

Đoạn Km92+00 - Km94+190

2,19

3.285

 

4

Tuyến ĐT.637

6,20

9.300

 

 

Đoạn Km0+00 - Km3+800

3,80

5.700

 

 

Đoạn Km11+300 - Km13+700

2,40

3.600

 

TỔNG

34,49

59.530

 

 

PHỤ LỤC 3

CẢI TẠO, SỬA CHỮA CÁC TUYẾN ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG KẾT NỐI QUỐC LỘ 1

TT

Tên tuyến

Chiều dài

(km)

Chi phí

(triệu đồng)

Ghi chú

1

ĐT.635 cũ (đoạn từ QL1, tuyến tránh Phù Cát đến QL19B, giao QL1 tại Km1196+600

3,65

19.595

 

2

ĐT.636A (đoạn từ QL1 cũ đến tuyến tránh QL1 thị xã An Nhơn), giao QL1 cũ tại Km1206+100

1,41

5.480

 

3

Tuyến đường Trần Quang Diệu, giao đường tránh QL1 thị trấn Phù Mỹ tại Km6+400

0,94

4.662

 

4

Tuyến Cầu Chui - La Vuông (ĐH01), giao QL1 cũ tại Km1126+350

2,63

6.504

 

5

Tuyến đường Chu Văn An (nối vào TL.632), giao đường tránh QL1 tại Km5+022

1,66

6.048

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 45/2018/NQ-HĐND phê duyệt Đề án Sửa chữa, mở rộng mặt đường tuyến đường tỉnh và tuyến đường địa phương kết nối Quốc lộ 1, trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2020

  • Số hiệu: 45/2018/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Thanh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản