Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2001/NQ-HĐND | Bến Tre, ngày 19 tháng 7 năm 2001 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM (2001-2005)
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
- Căn cứ vào Điều 120 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 18 tháng 4 năm 1992;
- Căn cứ vào Điều 11 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Sau khi nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư được uỷ nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005);
- Sau khi nghe ý kiến thẩm định của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
I. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 1996-2000 và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã nêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre 5 năm 2001-2005 với những nội dung chủ yếu như sau:
1- Việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội ở tỉnh nhà trong thời kỳ 1996-2000 dù gặp nhiều khó khăn vẫn đạt mức tăng trưởng khá, trong đó:
- Về kinh tế: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm hàng năm bình quân 6,18%; giá trị sản xuất nông, ngư, lâm nghiệp tăng 5,7% năm; công nghiệp tăng 9,5%/năm và dịch vụ tăng 7,54%/năm. Đến năm 2000, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch mới, trong đó khu vực I chiếm tỷ trọng 67,7%, khu vực II 12,7%, khu vực III 19,57%; thu nhập bình quân đạt 320 USD/người. Thu ngân sách đạt chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển khá.
- Về văn hoá – xã hội: tỉnh ta đã hoàn thành sớm việc xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở phát triển mạnh. Sóng phát thanh - truyền hình đã phủ khắp tỉnh. Phong trào thể dục - thể thao phát triển khá, một số môn thể thao đạt thành tích cao. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống phát triển rộng. Việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Công tác DSKHHGĐ đạt thành tựu khả quan, đến năm 2000 tỷ lệ tăng dân số ở tỉnh ta là 1,18%. Số hộ nghèo giảm còn 14%, tỷ lệ lao động thất nghiệp còn 6,08%. Chính sách thương binh, liệt sỹ, đền ơn đáp nghĩa với những người có công với nước được thực hiện tốt.
- An ninh chính trị được giữ vững. Công tác cải cách hành chính đã có những tiến bộ bước đầu.
Tuy vậy, cũng còn có một số hạn chế. Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Một số chỉ tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ và xuất khẩu đạt thấp. Việc phát huy các tiềm năng trong tỉnh và khả năng thu hút các nguồn đầu tư chưa cao. Nguồn thu ngân sách còn hạn hẹp. Đời sống vật chất và văn hoá, nhất là của nhân dân vùng sâu, của hộ nghèo còn thấp. Chất lượng giáo dục, y tế, phong trào thể dục - thể thao và mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Số lao động được dạy nghề còn rất thấp mới đạt 6,4%. Tệ nạn xã hội và tội phạm còn tăng và diễn biến phức tạp. Công tác cải cách hành chính còn chậm, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới.
2- Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với những báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về những thuận lợi, khó khăn và nhất trí với các mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ và các mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh nhà trong 5 năm 2001-2005 như:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8 – 8,5%/năm.
- Thu nhập bình quân đầu người 450 USD/năm 2005.
- Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,5 – 6%/năm
- Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 15 – 16%/năm.
- Giá dịch vụ tăng 13%/năm.
- Kim ngạch xuất khẩu bình quân 100 triệu USD/năm.
- Tổng vốn đầu tư được huy động ít nhất là 10.016 tỷ đồng.
- Cơ cấu kinh tế trong GDP đến năm 2005:
+ Khu vực I 55%.
+ Khu vực II 20%.
+ Khu vực III 25%.
- Đến năm 2005:
+ Xóa hẳn lớp học 3 cas. Thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở 60%. Có phương án nâng Trường Cao đẳng sư phạm lên Cao đẳng cộng đồng, khi có điều kiện nâng lên Trường Đại học cộng đồng.
+ Tỷ lệ tăng dân số giảm còn 1,075%.
+ 100% trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng kiên cố và có bác sỹ.
+ 30% xã, phường; 50% ấp, khu phố; 80% hộ đạt chuẩn văn hoá.
+ Tạo việc làm, giải quyết việc làm bình quân 30.000 lao động/năm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 25%.
+ Cơ bản xoá hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn hiện nay của Việt Nam) xuống còn 5%.
+ Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 23%.
+ Cung cấp nước ngọt hợp vệ sinh cho 80% dân số trong tỉnh.
+ Nâng cao chất lượng phát thanh truyền hình, thành tích thể thao và phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao; ngăn chặn đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội.
+ Giữ vững an ninh chính trị.
3.- Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu trên, trong chỉ đạo và điều hành, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần lưu ý:
- Cần bám chắc vào các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm 2001-2005 để điều chỉnh, bổ sung và cụ thể hoá thành các kế hoạch, đề án, dự án và các kế hoạch hàng quý, hàng năm, tính toán kỹ bước đi cho thật phù hợp, phát huy hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh ở tỉnh nhà.
- Vận dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt các chủ trương, chính sách để thu hút tối đa các ngoại lực và phát huy nội lực, tập trung đầu tư để phát triển mạnh kinh tế thuỷ sản và kinh tế vườn, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu theo dự kiến, mở rộng thị trường, chuyển dịch cho được cơ cấu nền kinh tế theo các mục tiêu đã đề ra.
- Phải tạo ra được sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và vai trò của Mặt trận, đoàn thể, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu kế hoạch.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính đi đôi với việc phát huy và nâng cao chất lượng nguồn lực, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước các cấp ngang tầm với giai đoạn công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
- Phát triển mạnh khoa học và công nghệ, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.
- Gắn việc phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.
II- Uỷ ban nhân dân tỉnh cần sớm cụ thể hoá và triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cần phát huy vai trò giám sát việc thực hiện nghị quyết và gương mẫu thực hiện, đồng thời tuyên truyền động viên nhân dân toàn tỉnh ra sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng đã đề ra.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2001./.
| TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 2Nghị quyết 62/2013/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tỉnh Hòa Bình
- 3Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND8 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 4Quyết định 1184/QĐ-UBND năm 2013 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành từ năm 1976 đến ngày 31/12/2012 đã hết hiệu lực thi hành
- 1Hiến pháp năm 1992
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 3Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 4Nghị quyết 62/2013/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tỉnh Hòa Bình
- 5Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND8 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Bình Dương ban hành
Nghị quyết 42/2001/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005) do tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 42/2001/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 19/07/2001
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Trần Văn Truyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra